BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73213)
(Xem: 62209)
(Xem: 39386)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh

01 Tháng Chín 200012:00 SA(Xem: 5215)
Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh
511Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
511

LỘT TRẦN HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH


(tiếp theo và hết)





  • Trần Gia Phụng




6.- HUYỀN THOẠI "TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH"

 Sau năm 1975, Việt Nam suy sụp dần dần với chính sách kinh tế chỉ huy và sự cai trị hà khắc của chế độ cộng sản. Cao điểm của sự suy sụp là việc ông Đỗ Mười, uỷ viên bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam, chỉ huy cuộc cải tạo công thương nghiệp miền Nam, thực chất là đánh "tư sản" năm 1978, ngăn sông cách chợ, cấm cản tiểu thương, đày ải dân thành thị đến các vùng hoang địa, cưỡng bách lao động trong những công tác thủy lợi thiếu nghiên cứu, tung quân xâm lăng Campuchia, chỉ để tránh sức mạnh của người dân trong nước. Dân chúng đói khổ ta thán, tinh thần cán bộ đảng viên sa sút theo. 

Để kiếm cách tuyên truyền cổ võ dân chúng hưng phấn trở lại, nhà nước cộng sản Hà Nội đánh bóng hình tượng Hồ Chí Minh, đã chết từ năm 1969 trước khi miền Nam bị cưỡng chiếm. Họ tổ chức cuộc "rước đuốc bác Hồ" xuyên Việt, từ lăng mộ Hồ Chí Minh ở Hà Nội lên các tỉnh miền núi Bắc Việt, và quan trọng nhất là từ Hà Nội tiến xuống các tỉnh phía Nam vào khoảng tháng 10-1980, giống như kiểu rước đuốc của nhà độc tài Hitler năm 1933 ở Nuremberg (Đức). 

Ánh đuốc bập bùng lung linh gây không khí huyền hoặc theo nghi lễ cổ xưa cũng không làm tan đi băng giá lạnh lùng trong tâm hồn dân chúng Việt Nam đã triền miên khổ đau vì nạn độc tài cộng sản. Càng về nam, dân chúng càng ít hưởng ứng, nên sau chặng đường từ Tuy Hòa vào Nha Trang thì cuộc rước đuốc tan rã. Dân chúng cần cái ăn cái mặc, chứ không phải là những lời nói suông. Vì không xuống quá Nha Trang, do đó ở Sài Gòn và trong nam, dân chúng ít nghe biết chuyện rước đuốc nầy. 

Năm 1989, Đông Âu bắt đầu biến động và thoát khỏi đế quốc Liên Xô. Sau đó đến lượt Liên Xô, chiếc nôi của Cộng Sản Quốc Tế, sụp đổ năm 1991. Khẩu hiệu chiến lược hàng đầu mà đảng Cộng Sản Việt Nam thường sử dụng: "Chủ nghĩa Mác - Lê bách chiến bách thắng" không còn hiệu nghiệm. Đảng CSVN lâm vào tình trạng lúng túng, không biết làm sao tiếp tục tuyên truyền với đảng viên và dân chúng, vì nói rằng chủ nghĩa Mác-Lê bách chiến bách thắng, nay sao lại sụp đổ tan tành chóng vánh ngay tại quê hương của Lenin? Đảng CSVN vội quay qua cầu cứu Hồ Chí Minh lần nữa, đưa thêm "tư tưởng Hồ Chí Minh" tiếp theo sau chủ nghĩa Mác Lê, nghĩa là từ nay nền tảng của ý thức hệ cộng sản Hà Nội là chủ nghĩa Mác xít - Lê nin nít và tư tưởng Hồ Chí Minh. Từ đó mới xuất hiện chuyện "tư tưởng Hồ Chí Minh". Điều 4 chương 1 hiến pháp năm 1992 của cộng sản Hà Nội chính thức công khai việc nầy.(56)

Tưởng cũng nên thêm ở đây, khi Liên Xô sụp đổ, ở Hà Nội việc duy trì xác ướp Hồ Chí Minh gặp khó khăn cả về kỹ thuật lẫn tài chánh. Người ta đã nghĩ đến việc thiêu xác ông ta. Việc nầy đã được báo chí và đài phát thanh nói đến, nhưng do nhu cầu chính trị cần nêu cao "tư tưởng Hồ Chí Minh", nên Hồ Chí Minh vẫn còn được nằm trong ngôi mộ đồ sộ ở Hà Nội với sự cố vấn của các chuyên gia Nga.

Hồ Chí Minh từ trần ngày 2-9-1969, nhưng Lê Duẩn và bộ chính trị đảng CSVN sợ xui xẻo vì trùng với ngày quốc khánh của Hà Nội, đã sửa đổi ngày chết là 3-9, và sửa đổi luôn cả chúc thư của Hồ Chí Minh.(57) Đồng thời đảng CSVN xây dựng nấm mồ Hồ Chí Minh thật đồ sộ, tốn kém, gọi là lăng theo từ ngữ vua chúa thời quân chủ, nhắm lợi dụng huyền thoại và nấm mồ bề thế Hồ Chí Minh để uy hiếp tinh thần dân chúng, và tạo hào quang cho những kẻ kế thừa.(58)

"Tư tưởng Hồ Chí Minh" là gì? Không thấy đảng Cộng Sản Việt Nam trình bày một cách có hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đại hội tháng 2 năm 1951, Hồ Chi Minh phát biểu: "Về lý luận, đảng Lao Động Việt Nam theo chủ nghĩa Mác-Lênin...lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam.". Khi đó, đại biểu miền Nam là Nguyễn Văn Trấn đã trình bày với Hồ Chí Minh rằng: " Có đồng chí còn nói: hay là ta viết "tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh". Ông Hồ trả lời:"Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin."(59) Một lần khác, có người đã hỏi Hồ Chí Minh vì sao ông không viết sách về lý thuyết cộng sản, thì ông trả lời ông không cần viết, vì đã có Mao Trạch Đông viết rồi.(60) Hồ Chí Minh không có tư tưởng gì, nên những kẻ thừa kế tha hồ vẽ vời sáng tác mọi chính sách và gắn cho nhãn hiệu Hồ Chí Minh. 

 Theo dõi những bài diễn văn, những khẩu hiệu do ông Hồ đưa ra, mọi người đều nhận biết rõ ràng tất cả đều do ông Hồ cóp nhặt từ các nhà tư tưởng văn hóa và chính trị đông tây. Ví dụ bài diễn văn khai sinh chế độ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do ông Hồ đọc ngày 2-9-1945, thường được đảng Cộng Sản gọi là bản "Tuyên ngôn độc lập", hoàn toàn vay mượn của các văn bản Pháp và Mỹ.(61) Mọi người sẽ không lấy làm lạ nếu biết rằng người giúp ông Hồ viết bản văn nầy là một thiếu tá người Hoa Kỳ, Archimedes L. A. Patti.(62)

 Trong bài nói chuyện tại lớp học tập chính trị khoảng hơn 3.000 giáo viên cấp 2 và cấp 3 miền Bắc (dạy từ lớp 6 đến lớp 12 trung học), do bộ Giáo Dục tổ chức tại Hà Nội ngày 13-9-1958, Hồ Chí Minh viết: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người ". (Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958) Câu khẩu hiệu nầy được sách vở Cộng Sản xem là tư tưởng vĩ đại của Hồ Chí Minh về kế hoạch đào tạo nhân tài cho đất nước, thật ra là câu nói của Quản Trọng các đây hơn hai ngàn năm.(63) 

Một trong những khẩu hiệu hàng đầu được xem là tư tưởng Hồ Chí Minh để huấn luyện và giáo dục cán bộ cộng sản là "Chí công vô tư, cầm kiệm liêm chính", thật ra rút từ lời dạy của Nho giáo cũng đã trên 2.000 năm. Với các phạm trù nầy, Nho giáo đã đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ quan lại thanh liêm trước đây phục vụ quần chúng. Ngược lại, lời sao chép của Hồ Chí Minh chỉ là cái vỏ bọc che đậy một hệ thống cầm quyền tham ô nhũng lạm từ trên xuống dưới, mà bất cứ người nào ở trong cũng như ngoài nước, kể cả người ngoại quốc đều biết.

Còn việc Hồ Chí Minh bảo rằng "Không có gì quý hơn độc lập tự do", thì mọi người đều đã biết, chính nhờ lợi dụng tinh thần độc lập dân tộc và lòng yêu thích tự do của dân chúng mà Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã đưa dân tộc Việt Nam vào vòng nô lệ cộng sản Nga Hoa.

Nêu lên vài ví dụ trên đây để thấy rằng những điều gọi là tư tưởng Hồ Chí Minh, chỉ là sự cóp nhặt danh ngôn của những vĩ nhân thế giới, rồi đề tên họ Hồ vào. Sở dĩ ông Hồ và các thuộc hạ của ông mạnh dạn mượn tư tưởng của người khác làm của riêng ông Hồ, vì từ năm 1954 đến 1975, Bắc Việt sống hoàn toàn bưng bít, không có bất cứ một sách vở xưa cũ hay một phương tiện truyền thông nào đến với dân chúng, ngoài sách đảng, báo đảng, và đài phát thanh đảng. Trong tình hình đó, Hồ Chí Minh muốn cóp nhặt của ai thì tha hồ mà cóp nhặt, không ai biết gì để có thể so sánh. Rủi ro có người nào phát hiện, người đó cũng không dám lên tiếng dưới chế độ độc tài của ông. Ngay cái tên "Nguyễn Ái Quốc", ông Hồ mượn của Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường và Nguyễn Thế Truyền;(64) và cái tên "Hồ Chí Minh" ông Hồ mượn của Hồ Học Lãm.(65) Chẳng những lấy tên "Hồ Chí Minh" của Hồ Học Lãm, năm 1940, Nguyễn Ái Quốc còn chiếm dụng luôn danh xưng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội gọi tắt là Việt Minh do Hồ Học Lãm và Nguyễn Hải Thần lập ra ở Nam Kinh (Trung Hoa) vào năm 1936 để đánh lừa những người yêu nước Việt Nam và cả chính quyền Trung Hoa để được giúp đỡ.

Theo tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam, Bản án chế độ thực dân Pháp do Nguyễn Ái Quốc đưa ra năm 1922, do chính ông khởi viết từ 1921.(66) Thật ra, Nguyễn Ái Quốc không viết được sách nầy, vì lúc đó ông ta không đủ trình độ Pháp văn để viết sách,(67) và ông ta đã cóp nội dung bài "Đông Dương chính trị luận" của Phan Chu Trinh (đã được Jules Roux, bạn của Phan Chu Trinh, dịch ra tiếng Pháp để gởi cho chính phủ Pháp và Albert Sarraut sắp qua làm toàn quyền Đông Dương). "Bài nầy Quốc chỉ sửa chút ít, viết lại đề tựa khác "Bản án chế độ thực dân Pháp", nhờ luật sư Phan Văn Trường sửa chữa, viết lại nhiều trang, viết lời tựa trước khi in và phổ biến."(68)

 Chẳng những ông Hồ "mượn" tư tưởng vĩ nhân thế giới làm tư tưởng của mình, cóp sách của người khác rồi sửa chửa làm sách của mình, ông ta còn mượn luôn thơ của người khác để làm thơ mình. Tác phẩm được coi là nổi tiếng của họ Hồ là Ngục trung nhật ký [Nhật ký trong tù]. Nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục đã phân tách tỉ mỉ tác phẩm nầy và đi đến kết luận như sau: "Phần phân tích ở trên chứng thực già Lý là chủ nhân của những bài thơ xây dựng theo kĩ thuật thơ Đường; những bài thơ nầy chiếm hết ba phần tư tác phẩm. Phần còn lại có thể coi là của Hồ Chí Minh. Tôi chỉ nói là có thể vì tôi không khẳng định được rõ ràng bài thơ nào đích thực là của Hồ Chí Minh, bài thơ nào thuộc về các tác giả khác."(69) Từ phát hiện của nhà nghiên cứu Lê Hữu Mục, có lẽ cũng cần nên cẩn án lại cẩn thận những tác phẩm mang tên Hồ Chí Minh có phải thực sự là của ông ta không?(70)

Không biết ông Hồ đã tự cóp nhặt hoặc đạo văn, hay những thuộc hạ của ông muốn tâng bốc ông Hồ, đã cóp nhặt và đạo văn giúp cho ông Hồ. Nếu như thế thì họ đã hại hình tượng Hồ Chí Minh của họ. Tai hại một cách công khai nhất là bộ chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã thêm phần "tư tưởng Hồ Chí Minh" sau chủ nghĩa Mác-Lê. Hồ Chí Minh không bao giờ là một nhà tư tưởng, cũng không phải là một lý thuyết gia chính trị. Trong sách Ho Chi Minh, Jean Lacouture đã ít nhất hai lần nói rằng ông Hồ không phải là một lý thuyết gia, dù lúc viết sách nầy Lacouture là một ký giả còn thiên tả.(71) Mọi người đều đã từng nghe nói đến Marxism (Mác-xít), Leninism (Lênin-nít), Stalinism (Xìtalin-nít), Titoism (Titô-ít), Maoism (Mao-ít), nhưng không bao giờ nghe nói đến "Hoism" (Hồ-ít).(72) Ông Hồ thật sự chỉ là một nhà chính trị giỏi thực hành, một chiến thuật gia (tactician), ứng biến mau lẹ, có tài đóng kịch, đặc biệt rất sắc máu và tàn ác dị thường.(73) Việc bộ chính trị đảng CSVN đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, công khai đưa vào hiến pháp, làm cho người ta càng thêm chú ý, và càng để lộ trước mặt mọi người rằng ông Hồ chẳng có tư tưởng nào đặc sắc.(74) 

Sau sự sụp đổ của các đảng cộng sản tại Liên Xô và Đông Âu, bộ chính trị đảng CSVN tưởng rằng thổi phồng huyền thoại "tư tưởng Hồ Chí Minh" nhắm gây hưng phấn dân chúng. Thực chất việc trên đã làm cho chủ nghĩa nầy càng thêm mất ý nghĩa và không quyến rũ được ai. Ngày nay, chủ nghĩa Mác-Lê, và hình tượng Hồ Chí Minh chỉ còn là chiếc phao để đảng Cộng Sản duy trì quyền lực độc đảng độc tài dựa trên bạo lực mà thôi. Trong khi đó, dư luận trong nước cũng như trên thế giới đều lên tiếng hô hào loại bỏ điều 4 hiến pháp 1992, nghĩa là chẳng những loại bỏ đặc quyền tối thượng của đảng CSVN, mà còn loại bỏ luôn chủ thuyết Mac xít - Lê nin nít và cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh".

Tóm lại, những huyền thoại về Hồ Chí Minh do ông tự tạo ra, hay do các thuộc hạ của ông dựng nên, đều là những phấn son giả tạo tô điểm hình tượng Hồ Chí Minh.(75) Những huyền thoại nầy một thời đã đánh lừa được một số người Việt Nam và thế giới. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn, sử gia Jean Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), tác giả sách Livre Noir du Communisme [Sách đen chủ nghĩa cộng sản], đã nói: "Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam. Tôi từng nghe nói đến những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là sự tuyên truyền của Mỹ. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của cộng sản." (76)

 Dần dần, dòng sông thời gian đã rửa sạch lớp phấn son giả tạo, làm bay đi những huyền thoại, để lộ ra khuôn mặt thật của Hồ Chí Minh. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng Hồ Chí Minh là một nhân vật lớn của lịch sử hiện đại Việt Nam. Ông đã lập nhiều thành tích đáng kể và đáng nể. Những thành tích nầy tốt hay xấu, có lợi hay có hại cho nhân dân Việt Nam, đó là sự phán xét của nhân dân.(77) Lột trần những huyền thoại Hồ Chí Minh là việc làm cần thiết để trả lại cho Hồ Chí Minh, tên thật là Nguyễn Sinh Cung, những gì thật sự là của Nguyễn Sinh Cung.

  • TRẦN GIA PHỤNG


CHÚ THÍCH:

56. Sau đây là nguyên văn điều 4 chương 1 của hiến pháp năm 1992 của chế độ cộng sản Hà Nội: "Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của đảng hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật." (Tài liệu rút từ Internet). Điều 4 nầy chẳng những chính thức xác nhận bên cạnh chủ nghĩa Mác Lênin, "tư tưởng Hồ Chí Minh" là kim chỉ nam hành động của đảng CSVN, mà còn đặt đảng CSVN đứng trên hiến pháp, và mọi quyền hành trong nước đều nằm trong tay đảng CSVN vì "là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ".

57. Sau đây là nguyên văn của Thành Tín, tức Bùi Tín, trong Hoa xuyên tuyết, tr. 118: "Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc từ tháng 5-1965, sau đó cứ vào tháng 5 hằng năm lại viết lại, viết thêm. Cho nên có tới bốn bản Di chúc bổ sung cho nhau. Ông Vũ Kỳ kể chuyện là ngày 2-9-1969, sau khi ông Hồ Chí Minh mất, vào buổi tối, ông Phạm Văn Đồng đến nơi đặt thi hài ông Hồ. Ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn đựng cả bốn Di chúc. Ông Phạm Văn Đồng đưa cả hai tay ra ngăn lại: "Không, tôi không nhận. Đây là chuyện hệ trọng. Để sáng mai, có đầy đủ Bộ Chính trị, đồng chí đưa ra." Sáng 3-9-1969, có đầy đủ Bộ Chính trị, ông Vũ Kỳ đưa ra chiếc phong bì lớn ấy. Ông Lê Duẩn liền cầm lấy rồi gọi ông Hoàng Tùng, Tổng biên tập báo Nhân Dân vào phòng nhỏ bên cạnh. Ông Duẩn tự quyết định chỉ đưa ra một bản, cắt bỏ, sửa chửa vài chỗ rồi giao cho ông Hoàng Tùng công bố..." (Những chữ viết hoa theo nguyên bản.)

58. Chẳng những việc xây lăng và bảo vệ xác ướp rất tốn kém, việc duy trì lực lượng quân sự để bảo vệ lăng cũng vô cùng tốn kém từ 1969 đến nay. Tư lệnh quân đội bảo về lăng là một sĩ quan cấp tướng, với ít nhất hai tiểu đoàn chính quy, và không biết bao nhiêu cảnh sát vừa nổi vừa chìm đứng gác, với một lượng điện và nước tiêu dùng bằng một quận lớn, trong khi dân chúng thiếu thốn.

59. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ & quốc hội, Nxb. Văn Nghệ, California, tái bản năm 1996, tr. 150-152. Theo đoạn văn nầy, trong một cuộc đối thoại ngắn, Hồ Chí Minh hai lần xác nhận mình chẳng có tư tưởng gì ngoài chủ nghĩa Mác-Lê.

60. Oliver Todd, bđd., sđd. tr. 277.

61. Lời mở đầu của bản tuyên bố ngày 2-9-1945:

"Hỡi đồng bào cả nước,

"Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng.

 "Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được tự do sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

 "Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

 "Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói:

 "Người ta sinh ra tự do bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi."

 "Đó là những lẽ không ai chối cãi được..." (Trần Dân Tiên, sđd. tr. 112.)

56. Stanley Karnow, sđd. tr. 138.

57. Quản Trọng: Tên là Quản Di Ngô, năm sinh năm và mất không rõ, sống vào thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên. Ông làm tể tướng, phò Tề Hoàn Công lập bá nghiệp thời Xuân Thu (722-479 tr CN). Ông có công trong cải cách kinh doanh, thuế vụ, được Tề Hoàn Công kính trọng gọi là "Trọng phụ"(cha già), nên người đời gọi là Quản Trọng. Quản Trọng cho hành nghề mãi dâm công khai và đánh thuế, nên ông cũng được thờ là tổ lầu xanh và là thần "Bạch mi" (Lông mày trắng). Tác phẩm để lại: Quản Tử, gồm những tư tưởng triết lý chính trị. Câu của Quản Trọng là: " Nhất niên chi kế tại ư thụ cốc; thập niên chi kế tại ư thụ mộc; bách niên chi kế tại ư thụ nhân" (Kế một năm trồng lúa, kế mười năm trồng cây, kế trăm năm trồng người.) Ban sáng lập viện Đại học Đà Lạt, Việt Nam Cộng Hòa, dùng ý câu nầy làm phương châm "Thụ Nhân" của nhà trường.

58. Nguyễn Thế Anh, bđd., sđd. tr. 29.

59. Chính Đạo, Việt Nam niên biểu nhân vật chí, Nxb. Văn Hóa, Houston, 1997, tt. 168-169. Lữ Giang, sđd. tt. 110-111. Hồ Học Lãm (? - 1942): Người Quỳnh Đôi, Nghệ An, qua Nhật theo cụ Phan Bội Châu trong cuộc Đông du (1905-1908). Năm 1909, ông bị trục xuất khỏi Nhật, qua Trung Hoa, học khóa 2 sĩ quan Bảo Định Quân, rồi phục vụ trong quân đội Trung Hoa. Trong thập niên 1920, Hồ Học Lãm sống ở Hàng Châu, giao thiệp thân cận với Cường Để, Phan Bội Châu và những nhà cách mạng Việt Nam ở Trung Hoa. Có thể nói ông là gạch nối giữa những nhà hoạt động cách mạng Trung Hoa và Việt Nam. Ông lấy tên Hồ Chí Minh khoảng năm 1937. Tên nầy được Nguyễn Ái Quốc "mượn" dùng lần đầu khoảng cuối 1940.

60. BNCLSĐ, sđd. tr. 29.

61. Tờ trình của viên chánh kiểm soát quân đội và người Đông Dương tại Pháp, gởi toàn quyền ngày 12-9-1923, nói về việc Nguyễn Ái Quốc viết và nói tiếng Pháp như sau: "...Những bài ký tên Nguyễn Ái Quốc không phải do ông ta viết... Người Việt Nam ấy [Nguyễn Ái Quốc] chưa đủ khả năng nói và viết tiếng Pháp trôi chảy..." (Hứa Hoành, Những phú hộ lừng danh, Nxb. Văn Hóa, Houston, TX, 1999, tr. 226, trích dẫn tài liệu của Đặng Hữu Thụ, Nhà cách mạng Nguyễn Thế Truyền, tr. 124.) Điều nầy hữu lý vì Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Sinh Cung (hay Côn) học chưa hết năm thứ nhất trường Cao đẳng tiểu học Quốc Học (tương đương với lớp 6 Trung học đệ nhất cấp ngày nay) thì đã bỏ học vào tháng 4-1908.

62. Hứa Hoành, sđd. tr. 224. 

63. Lê Hữu Mục, Hồ Chí Minh không phải là tác giả "Ngục trung nhật ký", Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Canada, 1990, tr. 94. "Ông già họ Lý", người bị giam chung với họ Hồ vào đầu thập niên 30 tại khám lớn Victoria ở Hồng Kông.

64. Gần đây, tuyển tập Quốc Học, trường tôi do nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành tại Huế năm 1996 có đăng bài thơ "Tầm hữu vị ngộ" của Hồ Chí Minh. Tuyển tập trên chú giải rằng bài thơ nầy của Hồ Chí Minh gởi cho Võ Nguyên Giáp năm 1954, và "mới được phát hiện". Theo ông Tuệ Quang Tôn Thất Tuệ, trong bài "Ai là tác giả bài Tầm hữu vị ngộ?", tạp chí Hương Văn, California, số 5, 2-1999, tt. 91-96, nếu nói rằng bài thơ nầy của một lãnh tụ (Hồ Chí Minh) tặng cho một ông tướng (Võ Nguyên Giáp), được sáng tác năm 1954, mà sao đến năm 1990 mới phát hiện? Hai người nầy đều là những nhân vật quan trọng đầu não của chế độ Hà Nội, mà sao bài thơ có thể thất lạc một thời gian dài? Ông Tuệ Quang đi sâu vào chi tiết bài thơ và nhận xét: "Tóm lại, bài thơ "Tầm hữu vị ngộ", xét về hình thức lẫn nội dung, không phù hợp với thi cách và khuynh hướng của ông Hồ ". 

65. Jean Lacouture sđd. tt. 58, 153: (1) tr. 58: Lacouture trình bày nhận xét của đảng viên cộng sản Pháp Joseph Ducroux, cùng hoạt động với họ Hồ ở Trung Hoa: "He devoted little time to doctrinal wranglings. He was first and foremost a militant, an organizer." (Ông ta ít dành thời giờ để bàn cãi chủ thuyết. Trước hết và trên hết ông là một người tranh đấu, một nhà tổ chức.) (2) tr. 153: "Ho ... has never been a theorist like Truong Chinh." (Hồ ... chưa bao giờ là lý thuyết gia như Trường Chinh.) Từ gần cuối thập niên 60 trở đi, khi chứng kiến chính sách hiếu chiến và tàn bạo của cộng sản, Jean Lacouture mới thấy mình sai lầm, dần dần từ bỏ lập trường thiên tả.

66. Charles Fenn, sđd. tr. 47.

67. Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 459. Oliver Todd, bđd., sđd. tr. 276, 295.

68. Gần đây, trên tạp chí Cộng Sản số 24 ra ngày 15-12-1999 có đăng bài "Tư tưởng Hồ Chí Minh với quá trình trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta" của ông Võ Nguyên Giáp, đại tướng hưu trí quân đội cộng sản, được báo Lao Động đăng lại và đưa lên trang Web ngày 20-12-1999. Trong bài nầy, về tư tưởng Hồ Chí Minh, có đoạn ông Võ viết:"Đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã có một chuyển biến nhảy vọt về chất, giải phóng dân tộc đã gắn với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa yêu nước gắn liền với chủ nghĩa quốc tế chân chính." 

Phần thời sự báo Nhân Dân [Hà Nội] ngày 19-5-2000 [rút từ Internet], có đăng bài tường thuật hội thảo khoa học tổ chức tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tại Hà Nội với đề tài: "Tư tưởng Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam", do ông Nguyễn Đức Bình, uỷ viên bộ Chính trị, chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, Giám đốc Học viện chính trị, chủ trì cuộc hội thảo. Ngoài ông Nguyễn Đức Bình, còn có các ông Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu và các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học trong và ngoài học viện với 135 bài tham luận. Sau đây là đúc kết các ý kiến phát biểu của báo Nhân Dân: " Các bản tham luận đều nghiên cứu sâu nhiều khía cạnh như Hồ Chí Minh với giáo dục tư tưởng XHCN; Hồ Chí Minh với văn hóa và khoan dung văn hóa; tư tưởng Hồ Chí Minh với chiến lược con người trong cách mạng XHCN ở Việt Nam; những quan điển cơ bản về chỉnh đốn Đảng trong tư tưởng Hồ Chí Minh; về Nhà nước dân chủ trong tư tưởng Hồ Chí Minh; sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Hồ Chí Minh biểu tượng tinh thần quốc tế vô sản... và đi đến một nhận định thống nhất: Tư tưởng Hồ Chí Minh là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin để giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam. Đó là hệ thống quan điểm, lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên CNXH ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, là tư tưởng của sự kết hợp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người mà hạt nhân trung tâm là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH."

Như thế, các nhà trí thức xuất sắc của đảng Cộng Sản Việt Nam hội họp tại Hà Nội để xác định một lần nữa rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh" dựa trên căn bản học thuyết Mác-Lênin để giải phóng dân tộc...Quanh đi quẩn lại, vẫn không có gì mới mẻ, vẫn chừng đó chuyện, với những từ ngữ hoa mỹ theo kiểu cộng sản. Thật ra, chính Lenin đã dùng chiêu bài giải phóng và độc lập dân tộc, xúi giục các nước bị trị đứng lên chống các nước tư bản đế quốc, vì các các nước tư bản lúc đó là địch thủ của Liên Xô, đồng thời để Liên Xô bành trướng chủ nghĩa cộng sản, hình thành ra một loại đế quốc đỏ mới do Liên Xô lãnh đạo. Cũng vì Hồ Chí Minh đã gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa quốc tế cộng sản nên Việt Nam mới bị chiến tranh triền miên, và bị đói khổ như ngày nay.

Điều đáng ghi nhận là khi sống nhiều năm tại Liên Xô (hai lần) trong các thập niên 20 và 30, Hồ Chí Minh đã chứng kiến rõ việc áp dụng chủ thuyết Mác-Lênin tại Liên Xô đã làm cho dân chúng nước nầy nghèo đói đến mức nào, nhưng vì tham vọng cá nhân, ông ta chẳng những không từ bỏ mà còn quyết đem về áp dụng tại Việt Nam.

69. Sau đây là cuộc đối thoại giữa Oliver Todd và Nguyễn Khắc Viện, một tác giả cộng sản: "Tôi đùa với Viện: "Nếu Hồ không có thực thì chắc ông đã sáng chế ra." Viện cười ha hả: "Lẽ dĩ nhiên, ông nên nhớ rằng nước chúng tôi trước hết là một nước nông nghiệp, chúng tôi thích thần thoại. Huyền thoại và huyền thoại, phải công nhận là huyền thoại do chúng tôi tạo ra thật là hấp dẫn." (Oliver Todd, bđd., sđd. tt. 273-274.) Để hiểu thêm cung cách ngụy tạo huyền thoại của cộng sản, hãy cùng đọc đoạn sau đây của Trần Đăng Khoa. Năm 1998 ở trong nước, Trần Đăng Khoa ấn hành tác phẩm Chân dung và đối thoại, trong đó có bài "Tố Hữu và bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên". Trong bài nầy, Trần Đăng Khoa kể lại rằng, trong một lần nói chuyện, ông ta đã hỏi Tố Hữu: "Thế từ lúc mở màn đến khi kết thúc chiến dịch, anh có lên Điện Biên bao giờ không? " Tố Hữu trả lời:"Không! Nào mình có biết Điện Biên ở đâu mà đi. Đi sao được... Mình hỏi mấy chú đã đến Điện Biên rồi. Hỏi xem ở đấy có những cái gì, mới biết những địa danh như thế đấy chứ, biết cả ở đó có cam, có mơ ... Sau nầy khi viết, mình cứ lôi nó ra, đưa vào thơ, cứ nhét bừa vào... Này, xem ra không thể tin được vào cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật..." (Tài liệu rút từ Internet, http//www.vietbao.com/tc_canhen/Chandung_Doithoai, ngày 30-1-2000)

70. Cuộc phỏng vấn do Thanh Thảo thực hiện, nguyệt san Việt Nam Dân Chủ, số 40, California, tháng 1-2000, tài liệu rút từ Internet).

71. Sau đây là nhận xét về Hồ Chí Minh của một sử gia trẻ Hoa Kỳ, Robert Templer, trong một bài báo đăng trên Mercury News, được Trac Nguyen dịch đăng trên Việt Mercury ở California, ra ngày 31-3-2000, dưới nhan đề "Một quan điểm về vụ triển lãm chân dung Hồ Chí Minh": "Ông [Hồ Chí Minh] đã cho ám sát các kẻ thù chính trị, đã phát động những cuộc cải cách điền địa tàn bạo. Ông đã im lìm trong lúc các đồng chí thân thiết bị thanh trừng. Ông đã khởi sự một cuộc chiến tranh sát hại 3 triệu con người. Đối với ông Hồ, con người có thể bị hy sinh; cứu cánh luôn luôn biện minh cho phương tiện."
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn