BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73217)
(Xem: 62210)
(Xem: 39388)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh

01 Tháng Chín 200012:00 SA(Xem: 5216)
Lột trần huyền thoại Hồ Chí Minh
511Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
511

LỘT TRẦN HUYỀN THOẠI HỒ CHÍ MINH


(Bài 1) 


1.- HUYỀN THOẠI VỀ NGƯỜI CHA

 Theo sách Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, của nhà xuất bản Sự thật (Hà Nội), Hồ Chí Minh "sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước, nguồn gốc nông dân. Cụ thân sinh ra Người [họ Hồ] là Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc (1863-1929) ...đỗ phó bảng và sống thanh bạch bằng nghề dạy học. Đối với các con, cụ giáo dục ý thức lao động và cho học tập để hiểu "đạo lý làm người". Sau khi đỗ phó bảng, bị bọn thống trị thúc ép nhiều lần, cụ ra làm quan, nhưng thường tỏ thái độ tiêu cực, không hợp tác với chúng. Cụ thường nói: "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ", nghĩa là "Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn". Vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp, cho nên sau một thời gian rất ngắn, cụ bị chúng cách chức. Cụ vào Nam bộ làm nghề thầy thuốc, sống cuộc đời thanh bạch, cho đến lúc từ trần."(1)

 Ông Nguyễn Sinh Sắc quả thật đã đỗ phó bảng năm 1901 (tân sửu) cùng một lần với Nguyễn Đình Hiến, Phan Chu Trinh.(2) Tuy nhiên, Nguyễn Sinh Sắc không hề bị "bọn thống trị thúc ép nhiều lần" sau khi đỗ phó bảng mới chịu ra làm quan. Ông Sắc đã xin đi làm quan ngay sau khi đỗ cử nhân và trước khi đỗ phó bảng. Nguyên vào năm 1894, Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân tại trường thi Nghệ An. Năm sau (1895), ông Sắc vào Huế thi hội bị hỏng, đã xin đi làm hành tẩu bộ Hộ. Ba năm sau, ông hỏng kỳ thi hội một lần nữa vào năm 1898.(3) Trước khi dự kỳ thi hội năm 1901, ông Sắc còn tham dự hội đồng giám khảo chấm thi kỳ thi hương tại Bình Định năm 1897 và Thanh Hóa năm 1900.(4) Sau khi đỗ phó bảng trong kỳ thi hội và thi đình năm 1901, ông làm thừa biện bộ Lễ từ 1902 đến 1909, rồi đi tri huyện Bình Khê (Bình Định) tháng 5 năm đó. Từ thừa biện đi tri huyện là thăng chức chứ không phải xuống chức.(5).

 Nguyễn Sinh Sắc bị sa thải chứ không phải bị cách chức.(6) Lý do sa thải cũng không phải vì "vốn có tinh thần yêu nước, khảng khái, cụ thường chống đối bọn quan trên và bọn thực dân Pháp ". Ông bị sa thải vì đã hành xử tàn bạo với dân chúng. Trong một cơn say rượu, Nguyễn Sinh Sắc đã dùng roi mây trừng phạt và đánh chết một người tù vào tháng 1-1910. Gia đình người nầy kiện lên cấp trên. Dù tri huyện Nguyễn Sinh Sắc đã chối cãi rằng không phải vì trận đòn của ông mà người kia chết, ông vẫn bị triều đình ra sắc chỉ ngày 17-9-1910 phạt đánh 100 trượng. Hình phạt nầy được chuyển đổi qua hạ bốn cấp quan lại và sa thải.(7) Lý do chuyển đổi hình phạt để Nguyễn Sinh Sắc khỏi bị đánh đòn có lẽ nhắm giữ thể diện của một quan chức triều đình, và nhất là vị nầy lại là người có học vị cao. Ông Sắc nghiện rượu từ khi còn ở Huế. Chị của Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thanh (1884-1954), vào Huế thăm cha năm 1906. "Bà không thể chịu đựng lâu ngày thái độ cộc cằn thô lỗ của cha bà, nay đã mắc phải tật nghiện rượu và thường hay đánh đập bà ".(8) Do đó, năm sau bà bỏ Huế ra Nghệ An trở lại, mà không sống với cha.

Phải chăng câu: "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ " (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn) là do những cán bộ cộng sản bịa ra, rồi gán cho ông Nguyễn Sinh Sắc để đả kích chế độ quân chủ? Hay phải chăng vì bị đuổi ra khỏi ngành quan lại nên Nguyễn Sinh Sắc mới bất mãn và thốt lên câu: "Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ, hựu nô lệ " (Quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn). Nếu không, Nguyễn Sinh Sắc hăng hái xin đi làm quan làm gì, và sau nầy con ông, Nguyễn Tất Thành (Hồ Chí Minh) còn gởi thư đến viên Khâm sứ Pháp tại Huế xin cho ông một chức quan nhỏ nữa.

Ngày 26-2-1911, Nguyễn Sinh Sắc xuống tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn. Ông ở lại Sài Gòn một thời gian, dạy chữ Nho cho nhà báo Diệp Văn Kỳ,(9) rồi đi Lộc Ninh làm giám thị đồn điền. Từ đó, ông không bao giờ trở ra Nghệ An. Ông sống lang thang ở miền Nam bằng nghề đông y, và nghề viết liễn đối cho dân chúng. Gần cuối đời, ông đến định cư tại làng Hội Hòa An, Sa Đec, và từ trần ngày 29-11-1929.(10)

 Khi Nguyễn Sinh Sắc bị bãi chức và sống lang thang nghèo khổ ở miền Nam, con ông ta là Nguyễn Tất Thành, tức Hồ Chí Minh, ra nước ngoài năm 1911, đã viết thư từ New York ngày 15-12-1912 cho viên khâm sứ Pháp tại Huế tha thiết "... cầu mong Ngài [chỉ khâm sứ Pháp] vui lòng cho cha tôi [cha của Thành tức ông Sắc] được nhận một công việc như thừa biện ở các bộ, hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để cha tôi sinh sống dưới sự quan tâm cao quý của Ngài..."(11)

 Vậy huyền thoại về người cha của Hồ Chí Minh là một người yêu nước, chống đối chính quyền Pháp nên bị cách chức, là chuyện hoàn toàn bịa đặt do Ban Nghiên cứu Lịch sử trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam đưa ra nhắm là tăng giá trị cho lãnh tụ của họ.

 Tưởng cũng nên thêm ở đây một phát hiện của ông Trần Quốc Vượng, sử gia Hà Nội hiện nay. Trong sách Trong cõi của Trần Quốc Vượng, có bài "Lời truyền miệng dân gian về nỗi bất hạnh của một số nhà trí thức Nho gia (kinh nghiệm điền dã)". Phần cuối của bài nầy cho biết rằng ông Nguyễn Sinh Sắc, phụ thân của Hồ Chí Minh, không phải là con của ông Nguyễn Sinh Nhậm. Trước khi đám cưới, bà vợ của ông Nguyễn Sinh Nhậm đã có mang với cử nhân Hồ Sĩ Tạo, cho nên ông Nguyễn Sinh Nhậm chỉ là người cha trên giấy tờ của ông Nguyễn Sinh Sắc mà thôi. Ông Trần Quốc Vượng viết: "Nguyễn Ái Quốc sau cùng đã lấy lại họ Hồ vì cụ biết ông nội đích thực của mình là cụ Hồ Sĩ Tạo, chứ không phải là cụ Nguyễn Sinh Nhậm". (12)

2.- HUYỀN THOẠI RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC

 Tài liệu của đảng Cộng Sản Việt Nam đều viết rằng ngày 5-6-1911, thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu Amiral Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Sau đây là lời trong sách Lịch sử Việt Nam của nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội:

 "Sự thất bại của các phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục của cuộc vận động Duy Tân và phong trào chống thuế ở các tỉnh Trung Kỳ mà Người [Hồ Chí Minh] từng tham gia khi đang học ở trường Quốc Học Huế, đã thôi thúc Người [HCM] hướng về các nước Tây Âu, mong muốn được đến "tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những Tự do, Bình đẳng, Bác ái". Sau khi rời Huế vào Phan Thiết ... ...Được ít lâu, lấy tên là Văn Ba, Người [HCM] xin làm phụ bếp trên chiếc tàu thủy Đô đốc La Tusơ Tơrêvin (La Touche Tréville), thuộc hãng vận tải hợp nhất của Pháp, để đi ra nước ngoài "xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào"..."(13)

 Sách Chủ Tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp của nhà xuất bản Sự Thật giải thích sự ra đi của Hồ Chí Minh cũng gần giống như thế: "... Ít lâu sau, Hồ Chủ tịch vào Sài Gòn. Nam Kỳ dưới chế độ thuộc địa cũng chẳng khác gì Trung Kỳ dưới chế độ bảo hộ và Bắc kỳ dưới chế độ nửa thuộc địa, nửa bảo hộ. Ở đâu nhân dân cũng bị áp bức, bóc lột, đồng bào cũng bị đọa đày, khổ nhục. Điều đó càng thôi thúc Hồ Chủ tịch đi sang các nước Âu tây để xem nhân dân các nước ấy làm như thế nào mà trở nên độc lập, hùng cường, rồi sẽ trở về "giúp đỡ đồng bào" đánh đuổi thực dân Pháp. Ý định ấy của Người [HCM] đã dẫn Người từng bước đi tới tìm một phương hướng mới cho sự nghiệp cứu nước của nhân dân ta."(14)

 Trong sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, cũng do nhà xuất bản Sự Thật ấn hành, trả lời phỏng vấn tác giả Trần Dân Tiên, Hồ Chí Minh nói về lý do ra đi như sau:"...Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta..."(15)

 Trần Dân Tiên chính lại là Hồ Chí Minh. Ông dùng một tên khác viết sách tự ca tụng mình. Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, đã có nhiều người viết sách về hoạt động của mình, đôi khi để tự khen mình, hoặc để biện hộ cho những việc làm của mình, nhưng họ đề tên thật, chịu trách nhiệm về những điều họ viết. Hồ Chí Minh dùng một tên khác tự ca tụng mình là một sáng kiến kỳ lạ chưa một người tự trọng nào dám nghĩ đến.

 Như thế, qua các sách của nhà cầm quyền cộng sản và qua chính những lời viết của Hồ Chí Minh, ông ta đi ra nước ngoài nhắm mục đích tìm đường cứu nước, nhưng trong thời gian gần đây, nhiều tác giả đã tìm được những chứng liệu cụ thể cho thấy rằng Hồ Chí Minh ra đi không phải để tìm đường cứu nước, mà chỉ vì lý do kinh tế gia đình.

 Trong bài "Từ mộng làm quan đến đường cách mạng Hồ Chí Minh và Trường Thuộc Địa", hai tác giả Nguyễn Thế Anh và Vũ Ngự Chiêu đã phổ biến ảnh sao (photocopy) hai lá thư của Nguyễn Tất Thành đề ngày 15-9-1911 gởi cho tổng thống Pháp và bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp, xin hai ông ban ân huệ cho Thành được đặc cách vào học Trường Thuộc Địa Paris, nơi đào tạo quan lại cho các thuộc địa Pháp trong đó có Đông Dương. Phần chính trong nội dung của hai lá thư nầy hoàn toàn giống nhau. Đó là: "Tôi xin trân trọng thỉnh nguyện lòng hảo tâm của ông ban cho tôi đặc ân được nhận vào học nội trú Trường Thuộc Địa. Tôi hiện đang làm công trong công ty Chargeurs Réunis để sinh sống (trên tàu Amiral Latouche-Tréville). Tôi hoàn toàn không có chút tài sản nào, nhưng rất khao khát học hỏi. Tôi ước mong trở nên hữu ích cho nước Pháp đối với đồng bào tôi, đồng thời làm thế nào cho họ hưởng được ích lợi của nền học vấn..."(16)

 Hai lá đơn trên đều bị bác, Nguyễn Tất Thành tiếp tục hành nghề trên các tàu biển. Ngày 15-12-1912, từ New York, Hoa Kỳ, Nguyễn Tất Thành gởi đến viên khâm sứ Pháp tại Huế một lá thư rất thống thiết xin một đặc ân là ban cho cha là Nguyễn Sinh Sắc, một chức việc nhỏ như giáo thụ hay huấn đạo, để ông nầy có điều kiện sinh sống.

 Hai lá đơn trên cùng với lá thư gởi năn nỉ viên khâm sứ Pháp tại Huế cho thấy lúc mới ra đi, Nguyễn Tất Thành chỉ nhắm mục đích sinh nhai. Vì sinh kế gia đình, lúc đó Nguyễn Tất Thành sẵn sàng thỏa hiệp với người Pháp để kiếm một chức quan cho cá nhân ông (bằng cách xin vào học Trường Thuộc Địa), hoặc cho phụ thân ông. 

 Điều nầy là chuyện bình thường của đời sống con người. Lớn lên, ai ai cũng phải kiếm cách mưu sinh để tự nuôi sống mình và nuôi sống gia đình. Hơn nữa, điều nầy còn có nghĩa là Nguyễn Tất Thành không phải ra đi tìm đường cứu nước. Việc ra đi tìm đường cứu nước chỉ là sản phẩm tưởng tượng sau nầy của Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản, nhắm làm đẹp cho việc ra đi của họ Hồ để lôi cuốn quần chúng trên đường hoạt động chính trị. (Còn tiếp)

TRẦN GIA PHỤNG  

CHÚ THÍCH :

1. Ban Nghiên cứu Lịch sử đảng trung ương (BNCLSĐ), Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiểu sử và sự nghiệp, in lần thứ tư (có xem lại và bổ sung), Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1975, tt. 11-12. Chữ "Người" với N (hoa) là của nguyên bản.

2. Cao Xuân Dục, Quốc triều đăng khoa lục, bản dịch của Lê Mạnh Liêu, Bộ Quốc Gia Giáo Dục, Sài Gòn, 1962, tt. 234-240.

3. Trần Quốc Vượng, Trong cõi, Nxb. Trăm Hoa, California, 1993, tr. 257

4. Daniel Hémery, Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam [Hồ Chí Minh, từ Đông Dương đến Việt Nam] , Nxb. Gallimard, Paris, 1990. tt. 131-132.

5. Bình Khê nằm về phía tây huyện Tuy Phước. (Bình Khê là quê của bà Bùi Thị Xuân, thi sĩ Quách Tấn). Thừa biện là một chức quan nhỏ ở một bộ, thừa hành một nhiệm vụ nào đó do cấp trên giao phó trong một thời gian. (Trần Thanh Tâm, Tìm hiểu quan chức nhà Nguyễn, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1996, tr. 229) Phan Chu Trinh đỗ phó bảng xong làm thừa biện bộ Lễ. Hoàng Diệu đỗ phó bảng xong làm hàn lâm viện kiểm thảo cũng là một chức quan nhỏ, lo việc biên duyệt sách vở cho Hàn lâm viện, rồi mới được bổ tri huyện Tuy Phước, Bình Định.

6. Cách chức là không được giữ chức vụ cũ, hạ thấp chức vụ và công việc, nhưng vẫn còn được làm quan. Ở đây, ông Nguyễn Sinh Sắc chẳng những bị hạ chức mà còn bị đuổi không cho làm quan nữa, tức sa thải ra khỏi ngành quan lại.

7. Daniel Hémery, sđd. tr. 133. Theo Thành Tín, tức Bùi Tín, nạn nhân của Nguyễn Sinh Sắc là một nông dân tên Tạ Đức Quang. (Thành Tín, Mặt thật, Hồi ký chính trị của Bùi Tín, Nxb. Saigon Press, California, 1993, tr. 95.)

8. Daniel Hémery, sđd. tr. 133. Nguyên văn: "...elle ne put supporter longtemps les brutalités de son père qui avait contracté des habitudes d' ivrognerie et la frappait très souvent..." Thành Tín, trong sđd. tr. 95 viết: "Ông Nguyễn Sinh Huy vốn nghiện rượu rất nặng khi còn ở Huế, bà Thanh kể rằng hồi ấy cứ lên cơn thèm rượu và say rượu là bà bị ông bố đánh bằng tay và bằng roi rất tàn nhẫn."

9. Diệp Văn Kỳ (1895-1945): Ông là con của Diệp Văn Cương và Công Nữ Thiện Niệm. Bà nầy là em vua Dục Đức (1883) và cô của vua Thành Thái (trị vì 1889-1907). Ông giỏi Nho học, Tây học, đã du học Pháp, đỗ cử nhân luật. Khi về Sài Gòn, ông sang tờ Đông Pháp Thời Báo, rồi xuất bản tờ Thần Chung. Tờ nầy bị đình bản năm 1932. Ông mất tại Trảng Bàng năm 1945.

10. Daniel Hémery, sđd. tr. 134. Theo các tài liệu cộng sản Việt Nam, ông Sắc từ trần và chôn ở Cao Lãnh. Theo tổ chức hành chánh hiện nay ở Việt Nam, Cao Lãnh và Sa Đéc là hai thị xã nằm gần nhau trong tỉnh Đồng Tháp. Nghề viết liễn đối: ngày trước, khi trong nhà có việc vui hay buồn như đám cưới, đám ma..., người ta thường tặng những câu liễn đối bằng chữ Nho, mang nội dung chúc mừng hay chia buồn chủ nhà. Muốn viết hay, người viết phải có trình độ Nho học cao.

11. Thành Tín [tức Bùi Tín], Mặt thật, sđd. tr. 95-96. Lê Văn Tiến, nguyệt san Thế Kỷ 21, Garden Grove, California, số 116, tháng 12-1998 tt. 52-53. Thư ngày 15-12-1912 của Paul Tất Thành viết bằng chữ Pháp từ New York.

12. Trần Quốc Vượng, sđd. tr. 258. Trần Quốc Vượng còn thêm rằng chính ông Hồ Sĩ Tạo đã vận động cho Nguyễn Sinh Sắc vào học trường Quốc tử giám ở kinh đô Huế. (sđd. tr. 256)

13. Nguyễn Khánh Toàn chủ biên, và một số tác giả, Lịch sử Việt Nam, tập 2, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985, tr. 145. Sách nầy viết sai chữ "La Touche Tréville". Đúng ra là "Latouche-Tréville". Chữ "Người" với chữ N (hoa) trong nguyên bản. Chúng tôi giữ nguyên cách viết trong bộ Lịch sử Việt Nam.

14. BNCLSĐ, sđd. tr. 15.

15. Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Nxb. Sự Thật, Hà Nội 1976, tr. 13.

16. Đăng trên nguyệt san Đường Mới số 1, Paris, 1983, từ trang 8 đến trang 25.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn