BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73316)
(Xem: 62231)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền và chân lý lịch sử

30 Tháng Tám 200512:00 SA(Xem: 1025)
Chiến tranh, nghệ thuật tuyên truyền và chân lý lịch sử
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Thời gian gần đây có hai sự việc được nhà cầm quyền phát động và tuyên truyền rầm rộ cả trong và ngoài nước là vụ kiện chất độc màu da cam và việc công bố nhật ký thời chiến tranh của hai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm.



Điều đặc biệt là các vụ việc này lại do những người nước ngoài khởi phát (trừ nhật nhật ký Nguyễn Văn Thạc) và nhà cầm quyền đã nắm lấy cơ hội đó, một cơ hội bằng vàng, để tiến hành một đợt tuyên truyền rầm rộ quy mô chưa từng thấy, tác động lớn đến dư luận. Mục đích sâu xa của việc tuyên truyền này, xét kỹ, chính là để một lần nữa, giành lấy chính nghĩa về phần mình trong cuộc chiến đã qua và củng cố vai trò thống trị hiện nay. Qua đây ta cũng thấy được trình độ bậc thầy của những người cộng sản trong nghệ thuật tuyên truyền.

Bản thân các sự việc không đơn thuần một chiều, một ý nghĩa như việc tuyên truyền áp đặt nhưng những người không suy nghĩ sâu sa dễ dàng tin tưởng, tán thành, ngược lại nếu có ai đó nói khác đi, lập tức bị chụp mũ là đứng về phía tội ác, phản bội lại tổ quốc, nhân dân.

Không ai chối cãi việc sử dụng chất độc màu da cam để tàn phá môi trường, hủy hoại con người là tội ác. Không những là tội ác mà còn là tội ác lớn, làm chấn động lương tri nhân loại, nhất là khi di hại của nó còn kéo dài qua nhiều thế hệ với những hình hài dị tật, những đau khổ triền miên làm cho bất cứ ai có lòng nhân ái khi chứng kiến cũng phải căm hận và rơi nước mắt. Và người ta tự hỏi: Vì sao tội ác?

Theo luật lệ nào đó, người ta đang đi kiện các công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc màu da cam để đòi bồi thường. Nhưng bình tâm xét kỹ, các công ty này không trực tiếp gây ra tội ác. Dĩ nhiên khi tội ác xảy ra thì các công ty này nằm trong dây chuyền tạo ra tội ác. Nếu cho rằng các tập đoàn tư bản đứng đằng sau các chính quyền Mỹ mới thực sự chi phối chính sách của chính quyền thì họ chính là nguồn cội của tội ác, tuy nhiên vẫn không phải là trực tiếp.

Rõ ràng trực tiếp gây ra tội ác là quân đội Mỹ, trực tiếp hơn nữa là các phi công đã lái máy bay đi rải chất độc này (dù có khi họ không biết rõ nơi họ đã hành động, cũng như nhiều phi công thả bom B52 đã nói họ không thấy gì bên dưới, họ chỉ tính tọa độ trên bản đồ và bấm nút. Dĩ nhiên không phải vì thế mà trách nhiệm và tội ác của họ được miễn trừ).

Quân đội Mỹ không tự ý hành động mà thực hiện chính sách của chính quyền Mỹ. Tại sao chính quyền Mỹ lâm chiến ở Việt Nam sau khi hiệp định Genève được ký kết,chia đôi đất nước? Nếu không có cuộc chiến tranh giải phóng của miền Bắc, được chuẩn bị ngay từ năm 1954 khi cài cấy cán bộ ở lại và sau đó từng bước đưa vũ khí và quân đội vào miền Nam và cuộc chiến lan rộng thì Mỹ có trực tiếp đưa quân vào miền Nam không? Miền Nam có cần được giải phóng không khi lúc đó hai miền đều có chính quyền và do hoàn cảnh lịch sử đều có mức độ lệ thuộc nước ngoài không khác nhau là mấy và không thể nói là bị xâm lược? Nếu không có xâm lược thì không thể có chiến tranh giải phóng mà đó đích thực là nội chiến. Nội chiến kết với chiến tranh ủy nhiệm đã tạo ra chiến tranh xâm lược khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào Việt Nam. (Thực ra vai trò của Liên Xô và Trung Quốc lúc đó đối với Miền Bắc không khác gì vai trò của Mỹ ở Miền Nam, nhưng vì Mỹ sai lầm trong việc đưa quân vào Việt Nam nên bị mang tiếng là xâm lược và đây cũng là nguyên chính đưa đến sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến, đặc biệt là cuộc chiến tuyên truyền của những người cộng sản.)

Thống nhất đất nước là nguyện vọng sâu xa của mọi người dân nhưng thống nhất có nhất thiết phải bằng chiến tranh, một cuộc chiến tàn khốc nhất trong lịch sử đã làm cả dân tộc kiệt quệ và chia rẽ sâu sắc?

Những câu hỏi liên tiếp được đặt ra và động chạm đến vấn đề cốt lõi: Vì sao cuộc chiến? Vì sao tội ác? Nếu không có cuộc chiến thì làm gì có tội ác, trong đó có tội ác chất độc màu da cam. Chất độc màu da cam chỉ là một yếu tố trong toàn bộ tội ác của cuộc chiến. Như vậy vụ kiện chất độc màu da cam, nếu đi đến cùng, không phải chỉ để đòi các công ty Mỹ bồi thường mà phải lên án tội ác chiến tranh của chính quyền Mỹ cũng như của tất cả các bên tham chiến.

Trong cuộc chiến tàn khốc vừa qua, dân tộc Việt Nam đã chịu bao nhiêu hi sinh máu xương, đau thương mất mát và cũng đã xuất hiện bao nhiêu người anh hùng, nhất là những người trẻ tuổi, trong đó có Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm. Họ là những người trẻ tuổi vô cùng trong sáng, yêu nước nồng nàn, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ hy sinh vì lý tưởng độc lập, tự do của tổ quốc.

Đặc biệt hai cuốn nhật ký Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm gây xúc động sâu xa vì được viết với một giọng văn tài hoa, trữ tình, hoặc giản dị, nhẹ nhàng nhưng sâu lắng, mô tả hiện thực cuộc chiến diễn ra ngay trước mắt từng ngày, đi vào những xúc động nội tâm chân thật, tinh tế đầy chất nhân văn chứ không hề lên gân, cường điệu. Người ta vô cùng khâm phục những con người như thế, không cần gì phải đợi ai tuyên truyền, tung hô. Họ viết nhật ký là viết cho chính họ, trong tâm tình riêng tư và chính vì thế sự chân thật càng tăng thêm giá trị.

Tuy nhiên đọc kỹ ta sẽ thấy sự chân thật, trong sáng của họ cũng đã bị nhiễm sắc tuyên truyền mà họ không tự biết. Khi họ tự hào về con người xã hội chủ nghĩa, về giác ngộ giai cấp, căm thù đế quốc Mỹ xâm lược, hăng hái đi vào chiến trường để giải phóng miền Nam… có lẽ họ không hề tự hỏi "Vì sao cuộc chiến?". Câu hỏi đó đã có sẵn câu trả lời qua công tác tuyên truyền cưỡng bức toàn thể xã hội của bộ máy toàn trị độc quyền chân lý. Dĩ nhiên ta không thể trách những người trẻ tuổi bị nhiễm độc tuyên truyền, vì trong hoàn cảnh đó họ không thể ý thức được và cũng không vì thế mà lòng yêu nước, sự trong sáng và xả thân hi sinh của họ kém đi giá trị.

Cũng không phải chỉ ở miền Bắc mới có những con người như thế. Ở miền Nam, dù không được “giác ngộ xã hội chủ nghĩa”, dù là thanh niên trí thức ở thành thị hay thanh niên nông thôn, biết bao người cũng đã lao vào cuộc chiến, có thể ở bên này hay bên kia chiến tuyến, ở chiến trận hay trên đường phố với lòng yêu nước nồng nàn và sự trong sáng phơi phới khi xả thân hi sinh không kém gì Nguyễn Văn Thạc hay Đặng Thùy Trâm, cụ thể là những thanh niên du kích ở Quảng Ngãi được mô tả rất nhiều trong nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chỉ có khác là thanh niên miền Nam có quyền lựa chọn, nhập ngũ hay trốn lính, tham chiến hay phản chiến, đứng bên này hay bên kia trận tuyến, tùy theo nhận thức của mình. Đó là sự khác biệt giữa “xã hội xã hội chủ nghĩa” của miền Bắc và “ xã hội tự do dân chủ tư sản” của miền Nam.

Cuộc chiến tàn khốc kết thúc với sự chiến thắng của miền Bắc, “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất tổ quốc” đã mang lại gì cho đất nước? Câu trả lời đã được nhiều người nói đến sau 30 năm: Một đất nước “tụt hậu” và xếp vào hạng gần chót trong cộng đồng nhân loại về ba mặt: nghèo đói, tham nhũng, thiếu tự do dân chủ và nhân quyền (đặc biệt về tự do ngôn luận, báo chí và tôn giáo).

Với kết quả như thế, tất yếu phải đặt lại vấn đề mục đích và ý nghĩa cuộc chiến. Sự hy sinh cao cả của hàng triệu thanh niên như Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm có xứng đáng không và đã bị phản bội như thế nào? Một câu hỏi rất đau lòng và sẽ gây rất nhiều sóng gió khi đi tìm câu trả lời thích đáng. Vậy nhưng người ta vẫn hô hào thanh niên phải cống hiến như ngày trước thế hệ Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm đã cống hiến theo lời kêu gọi của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Rõ ràng thanh niên phải cống hiến cho đất nước nhưng cống hiến vì cái gì, như thế nào, đòi hỏi phải hết sức tỉnh táo để tránh không tự rơi vào bi kịch.

Những người bạn Mỹ Fred và Rob (xin được gọi tên tắt như gần đây báo chí vẫn viết) đã giữ gìn nhật ký Đặng Thùy Trâm suốt 30 năm, đã dằn vặt đau xót, phản tỉnh khi tham gia cuộc chiến và đã làm mọi việc hết sức mình để trả nhật ký về cố chủ. Chúng ta cám ơn và đánh giá cao tấm lòng, nhận thức của họ (cũng như người thông dịch Nguyễn Trung Hiếu của quân đội VNCH đã yêu cầu đừng đốt nhật ký Đặng Thùy Trâm). Chúng ta cũng ghi nhận chỉ có một đất nước như nước Mỹ mới cho phép công dân làm chuyện đó: tuyên truyền cho kẻ thù và lên án chính phủ mình. Nhưng chúng ta cũng tự hỏi và muốn hỏi hai người bạn Mỹ đã nhận thức được hết vấn đề chưa, vấn đề cốt lõi "Vì sao cuộc chiến? Vì sao tội ác?" để có thể công bình với lịch sử và công minh khi phán xét tội ác.

Chúng ta cũng ghi nhận sự thành tâm của những cựu binh Mỹ, Hàn Quốc… những kẻ đã giết người Việt Nam, trở lại Việt Nam để sám hối, nói lời xin lỗi và cố gắng làm việc gì đó mong đền bù dù muộn màng. Tuy nhiên trong cuộc chiến vừa qua, chính người Việt Nam đã giết người Việt Nam, giết đồng bào của mình nhiều nhất, nhưng không thấy ai nói lời xin lỗi, không thấy ai sám hối mà lại chỉ tiếp tục những lời lăng nhục hay hận thù. Buồn thay cho một dân tộc vẫn tự hào là bao dung và giàu lòng nhân ái! Điều gì đã dẫn tới bi kịch đó? Một phần chính là do nhiễm độc tuyên truyền. Nhiễm độc tuyên truyền gây hậu quả tệ hại không kém nhiễm độc màu da cam, cũng di hại qua nhiều thế hệ với bao nhiêu dị tật nguy hiểm trong tâm hồn con người.

Lịch sử đã đi qua, là quá khứ không thể thay đổi nhưng sự phán xét lại lịch sử không bao giờ muộn và vô ích khi muốn rút ra bài học cho tương lai. Người chiến thắng không phải bao giờ cũng là người có chân lý. Ông cha ta vẫn nói “Được là vua, thua là giặc”, không phải điều gì mới lạ.

Công bằng mà nói, với sự nỗ lực của toàn dân tộc trong thời bình, nhà cầm quyền cũng đã có nhiều cố gắng trong xây dựng đất nước, nhất là sau thời kỳ đổi mới, nhưng vì những chính sách sai lầm và quá nặng việc duy trì địa vị thống trị, dẫn đến những khuyết nhược điểm không thể khắc phục nên đã không huy động được tiềm lực của dân tộc, do đó kết quả sau 30 năm, dù với một số thành tựu, vẫn chỉ đạt tới kết quả xếp hàng gần chót như đã nêu trên.

Hơn lúc nào hết lúc này nhà cầm quyền phải thành tâm nhìn nhận lại vấn đề để sửa sai những gì cần phải sửa sai chứ không phải cứ tiếp tục luận điệu tuyên truyền cũ rích. Dù với một nghệ thuật tuyên truyền bậc thầy có thể đổi trắng thay đen, che đậy sự thật, nhưng rồi chân lý vẫn lộ ra khi chân lý không còn là độc quyền của thế lực thống trị và không chế độ nào có thể “thiên thu trường trị” như những lời hô "vạn tuế, muôn năm" trong lịch sử nghe đã chán ngấy.

Cuối cùng, người quyết định vận mệnh của đất nước vẫn là nhân dân. Khi nhân dân đã nhận thức được chân lý, nhân dân sẽ tự lựa chọn bước đi của mình trong lịch sử. Khi đó, không lực lượng thống trị nào, không nghệ thuật tuyên truyền nào có thể ngăn cản hay lèo lái bước đi của dân tộc.

Ghi chú: Quan điểm của người viết về vấn đề có lẽ đã được trình bày rất rõ ràng. Mong rằng sẽ không có ai ngộ nhận hay cố tình vu cáo, quy kết người viết là bênh vực cho tội ác màu da cam hay xúc phạm đến sự hi sinh của những Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thùy Trâm, những liệt sĩ của cả hai miền Nam Bắc trong cuộc chiến vừa qua.

Tháng 8-2005
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn