Sau khi đọc bài “Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta” của ông đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 29/8/2005, tôi thấy cần viết lá thư ngỏ này gởi đến ông để trao đổi làm sáng tỏ một vài vấn đề và để rộng đường dư luận.
Bài viết của ông đã cho thấy một sự sáng suốt và thành tâm rất lớn khi nhận định về vấn đề đại đoàn kết dân tộc và chỉ ra những sai lầm của chế độ, của những người cầm quyền trong từng thời kỳ.
Về giai đoạn sau 1951, ông viết:
“Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.”
Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.
Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: Làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng
Về giai đoạn sau năm 1975, ông viết:
“Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta- ngụy….”
Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền Nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Đại hội Đảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.
Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần…. đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.
Cuối cùng ông kêu gọi mọi người hãy cùng nhau ôn lại và thực hiện tốt những bài học lớn sau đây:
“– Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam, không phải của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam.”
- Đã thế thì mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hóa đó.
- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hóa này.
Tôi mạn phép trích dẫn hơi nhiều những đoạn trên trong bài viết của ông để chứng tỏ rằng ông có can đảm khi nhìn nhận sai lầm trong quá khứ và sáng suốt khi hướng về tương lai.
Với những sai lầm trong việc thực hiện tinh thần và bài học đại đoàn kết qua các giai đoạn, đặc biệt sau 1975, ông cũng đã nhận trách nhiệm về phần mình cũng như tập thể Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh khi ông là người đứng đầu đảng bộ này. Tuy hiện nay ông không còn đương chức nhưng cách nói của ông là một sự kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm cá nhân và tập thể. Tuy nhiên những sự kiểm điểm nghiêm túc kiểu như thế, với những lời còn hoa mỹ hơn, đầy dẫy trong các văn kiện của Đảng. Còn ở Quốc Hội, trước đây trong các cuộc họp, người ta phân tích các sai lầm khuyết nhược điểm nhưng không quy trách nhiệm cho ai cả. Gần đây, có cái “mốt” là những người bị phê bình “nhận khuyết điểm, nhận trách nhiệm” nhưng không thấy ai bị kỷ luật hay sửa sai gì. Họp xong, nói xong, đâu vẫn hoàn đấy. Thật làm cho nhân dân chán ngán!
Tôi hi vọng với riêng ông, ông có thể làm hơn thế, mặc dù ông không còn đương chức đương quyền. Vì ngoài những vấn đề chung ông đã đề cập, với riêng ông, ông Võ Văn Kiệt, ông còn một món nợ lớn đối với nhân dân là việc ông ký nghị định 31/CP ngày 14/4/1997 về quản chế hành chính lúc ông làm Thủ Tướng chính phủ. Đây là nghị định cho phép giam giữ người dân tối đa 2 năm không cần xét xử, đặt xã hội dưới chế độ công an trị. Một nghị định phản dân chủ, phản hiến pháp, phi đoàn kết đã bị bao nhiêu người lên án.
Hai người đầu tiên được “vinh dự” thực hiện nghị định này là Ông Bùi Minh Quốc và tôi ở Đà Lạt, sau đó là hàng loạt những người bất đồng chính kiến và hoạt động tôn giáo khác.( Riêng Bùi Minh Quốc về sau lại được “ hưởng” thêm nghị định này lần thứ hai.).
Những đối tượng của nghị định 31/CP này là ai? Là những cán bộ, đảng viên kỳ cựu, là những trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà hoạt động tôn giáo đầy nhiệt tâm và trách nhiệm với vận nước, đã bày tỏ quan điểm của mình một cách ôn hòa, nhiều người chân thành đóng góp xây dựng đảng, nhà nước và không ít người ủng hộ chủ trương đổi mới của ông. Họ đã được đáp trả bằng cách bắt “ ngồi tù tại gia” thì làm sao đoàn kết với ai được.
Tôi nêu ra vấn đề này không phải vì chuyện cá nhân. Tôi biết nếu thời gian đó ông không làm Thủ Tướng thì có thể một Thủ Tướng khác sẽ ký nghị định đó. Cũng như những người ký quyết định quản chế cụ thể đối với chúng tôi ở địa phương căn cứ vào nghị định 31/CP này không xa lạ gì với chúng tôi và họ cũng không ghét bỏ gì chúng tôi cả. Họ ở trong guồng máy nên họ phải thi hành.
Tuy nhiên, không thể đổ hết cho cơ chế, guồng máy vì cơ chế, guồng máy do con người tạo ra và chi phối, nhất là đối với những người lãnh đạo có quyền lực như ông. Hơn nữa ông lại là người có bản lĩnh và nhận thức sâu sắc, ông không thể không biết đến tầm quan trọng và tác hại sâu xa của nghị định phản động đó.
Tôi nêu ra vấn đề này vì hiện nay nghị định 31/CP vẫn còn hiệu lực và như thế những kiểm điểm nghiêm túc và lời hô hào tốt đẹp của ông về đại đoàn kết chẳng có ý nghĩa gì. Nếu ông không ngỏ lời công khai xin lỗi và yêu cầu hủy bỏ nghị định này ( dù ông không còn đương chức, ông vẫn có thể làm điều này), người ta sẽ không tin tưởng điều ông nói, dù ông chân thành đến đâu.
Trong những giai đoạn mà theo ông, đảng cộng sản đã thực hiện chính sách đại đoàn kết thành công, thực chất chỉ là sách lược đối với từng thời kỳ, từng đối tượng. Sách lược đó là đoàn kết với những ai có thể đoàn kết được, nghĩa là những người chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Ngược lại, những thành phần khác, dù là tốt, cũng sẽ bị phân hóa, cô lập hay tiêu diệt để giữ vững độc quyền lãnh đạo.
Ngày nay điều đó không thể thực hiện được nữa vì mọi người đã nhìn thấy và hiểu rõ. Đại đoàn kết phải có nội dung và phương thức mới. Đại đoàn kết phải trên cơ sở hòa giải hòa hợp, bình đẳng, đồng thuận. Đại đoàn kết phải thành tâm vì lợi ích chung, không dùng thủ đoạn để triệt hạ những người khác quan điểm. Đại đoàn kết phải tôn trọng quyền tự do dân chủ của nhân dân và chia sẻ quyền lực với những người tài đức do nhân dân lựa chọn.
Rõ ràng chỉ có hành động mới chứng tỏ được gía trị của một con người, một chế độ. Nếu ông và những người cầm quyền hiện nay làm được như lời kêu gọi đại đoàn kết trong bài viết của ông, riêng tôi và tôi tin rất nhiều người sẽ sẵn sàng đại đoàn kết với các ông để chung sức xây dựng đất nước. Nếu không, như ông nói, khẩu hiệu “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, Thành công, thành công, đại thành công” trên quảng trường Ba Đình "chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải màu” hoàn toàn vô nghĩa.
Kính chúc ông mạnh khỏe để tiếp tục sự nghiệp đại đoàn kết đang còn dang dở.
29/8/2005
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi ý kiến của bạn