BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thiên tai, Đảng và Nhân Dân

02 Tháng Mười 199612:00 SA(Xem: 928)
Thiên tai, Đảng và Nhân Dân
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Trên cao nguyên 1500 mét, Đà Lạt là một xứ nhậy cảm đối với nhưng biến đổi thời tiết trong cả nước và ngoài biển Đông. Dù một cơn bão xa áp suất nhiệt đới hay đợt không khí lạnh ở đâu đó cách xa hằng nghìn cây số, lập tức thời tiết Đà Lạt biến chuyển theo

Từ tháng 7 đến nay, Đà Lạt mưa gió dầm dề. Nhiều người dân Đà Lạt phải mang giầy “bốt” vì đất bùn dẻo quăn không kém gì đất đỏ Ban Mê Thuột, Đắc Lắc. Đó là những người làm vườn, mua bán rau cải, những người gánh vác thuê, chạy xe ôm và rất nhiều người khác nữạ...

Mùa mưa xứ Đà Lạt cao nguyên này thật khó chịu nhưng so với miền Bắc miền Trung và miền Nam trong những cơn bão lũ thật không đáng kể khi tin tức về bão lũ các nơi đưa tới người dân Đà Lạt mới thấy mình may mắn.

Bão lũ dồn dập năm nay khốc liệt hơn mọi năm.

Ngày 23 và 28 tháng 7, hai cơn giông gió lớn ở Kiên Giang làm 3 người, chết, 4 người mất tích, 58 thuyền bị chìm.

Ngày 24 tháng 7 cơn bão số 2 đi vào địa phận các tỉnh Thái Bình, Nam Hà, Ninh Bình. Ở Thái Bình, hằng chục thuyền đánh cá bị đắm, 3 người chết, 9 người mất tích và 12 người bị thương.

Nam Hà, trên 20 ngàn hecta lúa mùa mới cấy bị úng ngập, 5 người chết, 27 người bị thương, nhiều đoạn đê biển ở Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng bị sóng biển gây sạt lở nghiêm trọng.

Ninh Bình có 5 người chết, 16 người bị thương mưa to ngập trắng hơn 21 nghìn 500 hecta lúa mùa mới cấy và 2 nghìn hecta mạ, hơn 60% nhà dân ở các huyện Kim Sơn, Yên Mô bị tróc mái. Từ 13 đến 15 tháng 8, áp suất nhiệt đới gây ra lốc, mưa to, lũ và làm đê vỡ ở các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà và Hòa Bình.

Tại vùng biển giáp ranh huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Hà, một cơn lốc ngày 13 tháng 8 đã nhấn chìm 22 trong số 93 thuyền đánh cá của ngư dân Hậu Lộc, với 125 người chết, 107 người mất tích.

Ngày 16 tháng 8, đoạn đê tại cống Mã Nứa vỡ, 15 nghìn dân của Thanh Hóa phải di chuyển lên các đồi cao.

Cũng ngày 16 tháng 8 tại Ninh Bình, Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh đã phát lệnh di dân 19 xã.

Cùng thời gian này ở phía Nam, do lũ và mưa dầm, An Giang đã bị thiệt hại 71 nghìn 7 trăm 75 tấn lúa.

Ngày 19 tháng 8, lũ quét gây thiệt hại nặng ở Lai Châu làm 77 người chết, 20 người bị thương, 30 người mất tích, 1 nghìn 9 trăm ngôi nhà bị sập, 53 công trình thủy lợi bị phá hỏng, 180 cây cầu cống bị phá hủy, 12 nghìn 144 người không có nhà ở, thiệt hại lên tới 90 tỷ đồng.

Trên sông Đà xuất hiện lũ lớn nhất trong 50 năm gần đây.

Mực nước sông Thái Bình ở mức 5,7 mét trên báo động cấp 3.

Mực nước sông Hồng lên đến 11,85 mét trên báo động cấp 3.

Chưa kịp hoàn hồn, ngày 22 tháng 8, cơn bão số 4 lại đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa là những địa phương vừa chịu nhiều thiệt hại do cơn bão số 2 và đợt áp suất nhiệt đới vừa qua.

Đến ngày 24 tháng 8, Ban Chỉ Đạo Phòng Chống Lụt Bão trung ương tạm thời tổng kết thiệt hại do cơn bão số 2 áp suất nhiệt đới, cơn bão số 4 gây ra ở các tỉnh phía Bắc.

Những con số thật khô khan nhưng đằng sau là nỗi đau và hậu quả còn rất lâu dài, chúng ta hãy chịu khó lắng nghe: người chết 290 người, người bị thương 503 người, chưa về 186, nhà đổ 38 nghìn 142, nhà hư hại 523 nghìn 371, trường học đổ 1.555, trường học hư hại 13 nghìn 219, bệnh viện đổ 96 nhà, bệnh viện hư hại 373 nhà, tầu thuyền chìm 500, cột điện cao thế đổ 7.648, cột điện hạ thế đổ 7.075, về đê điều đất sạt trôi khoảng 1 triệu 9 trăm nghìn mét khối, đá kè trôi khoảng 83 nghìn mét khối, lúa bị ngập úng khoảng 180 ngàn hecta; trong đó mất trắng hơn 60 ngàn hecta, thiệt hại ước khoảng 300 nghìn tấn.

Mùa bão lũ vẫn tiếp diễn.

Ngày 11 tháng 9 cơn áp suất nhiệt đới đã gây ra mưa lớn làm ngập lụt nhiều vùng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Bình Định.

Tính đến 18 tháng 9, có 34 người chết, mưa lũ làm 40 nghìn 577 nhà bị ngập hư hại; trong đó có 27 nghìn 400 hộ cần cứu trợ.

Ngày 22 tháng 9, bão số 6 đi vào Nghệ An và Hà Tĩnh làm 9 người chết, 1.679 căn nhà bị đổ.

Vào cuối tháng 9, bắt đầu mùa mưa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long và chắc chắn bão lũ sẽ còn hoành hành cho đến cuối năm. Thiên tai ngày càng dữ dội không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà còn khắp nơi trên thế giới, đó là sự trả thù của thiên nhiên khi con người tàn phá môi trường.

Đó là luật nhân quả của vũ trụ tuy nhiên khi thiên tai xẩy ra.

Nếu nhà cầm quyền hoạt động tốt và có các máy móc hiện đại, có thể giúp ngăn chặn bớt thảm họa, nhưng trong mùa mưa bão lũ năm nay, với hậu quả tàn khốc, báo chí đã phải điều tra tìm hiểu sâu vào vấn đề, và tìm thấy bao nhiêu điều đáng nói về trách nhiệm của những người cầm quyền.

Cơn bão số 2 dự báo không đúng thực tế. Gió bão cấp 11 giật rất mạnh nhưng các cơ quan dự báo thông báo gió lớn nhất chỉ có cấp 6, cấp 7. Sáu giờ sau mới có thông báo tình trạng khẩn cấp trong khi đáng lý phải thông tin trước 1 giờ. Ngư dân Thanh Hóa chết nhiều vì chỉ nghe tin về cơn lốc biển qua đài khi đang ở ngoài khơi và gió đã ập đến.

Vì sao không dự báo được cơn lốc biển ở Hậu Lộc?

Phóng viên báo Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn Ngọc Tụng, Phó giám đốc Trung Tâm Quốc Gia dự báo khí tượng Thủy Văn:

- Hỏi: Thưa ông nếu chúng ta phóng một vệ tinh để làm nhiệm vụ theo dõi thời tiết thì liệu có thể phát hiện được sớm các cơn lốc biển đại loại như đêm 13 tháng 8 vừa qua không?

- Đáp: Nếu có vệ tinh có độ phân giải cao như của Mỹ và Nhật, giá chừng 300 triệu USD, có khả năng nhìn rõ thì rất có thể phát hiện được sớm cơn lốc biển này.

- Hỏi: Như trước đây, chính phủ Na Uy đã viện trợ cho Việt Nam 4 trạm phao trên biển để đo khí áp. Chúng đâu rồi mà không phát hiện ra thảm họa đêm 13 tháng 8?

- Đáp: Không hiểu vì sao 3 chiếc đã mất từ lâu, còn 1 chiếc thì lại ở sâu về phía Nam nên cũng không bắt được tín hiệu (!!!).

- Hỏi: So với các nước trong khu vực thì máy móc của khí tượng Thủy Văn Việt Nam nằm ở mức độ nào?

- Đáp: Khá lạc hậu. Về trách nhiệm tìm kiếm và cứu nạn trong thảm họa trên biển.

Ngày 13 tháng 8, báo chí thông tin làm người đọc phải lắc đầu ngao ngán.

Đại diện Bộ Thủy Sản cho biết “chúng tôi không có tầu cứu hộ, không có lực lượng. Trước đây tỉnh nào có biển đều có trạm bắn pháo hiệu báo bão khẩn cấp, nhưng nay chỉ còn có 3 trạm.”

Đại diện Cục hàng hải thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải phân trần: “lẽ ra khi tham gia Công ước Quốc Tế về an toàn sinh mạng trên biển, chúng ta phải có hệ thống cứu nạn, phải có các tầu cứu hộ. Nói trách nhiệm của ngành hàng hải thì cũng chưa phải, đây là kẽ hở của luật pháp. Chúng tôi chỉ quản lý tầu 200 tấn trở lên thôi, còn những tầu nhỏ không ai quản lý. Đã có những cuộc hội thảo về ai quản lý trên biển. Bộ đội biên phòng quản lý một ít, hàng hải quản lý tầu 200 tấn trở lên, rồi bên thủy sản quản lý tầu đánh cá. Rất nhiều hệ thống quản lý lằng nhằng. Không phải riêng ngư dân mà cả những tầu lớn cũng chẳng ai nghiên cứu! Vấn đề nghiêm trọng lắm, điều động không ai chịu. Thực ra điều thì sẽ đi nhưng sau đó sẽ đòi, đòi gì? Đòi tiền, đòi nhiên liệu, nên cục hàng hải không dám điều cơ chế lằng nhằng như vậy. Bảo điều đi thì tiền đẩu Đúng, về mặt nhân đạo thì phải đi cứu, nhưng kinh doanh lỗ ai chịu”!!!

Khi đê vỡ làm huyện Thạch Hằng, Thanh Hóa, chìm dưới 2 mét nước, Ủy Ban huyện đi cứu trợ chỉ có 2 chiếc xuồng máy và 5 chiếc xuồng nhôm!

Trong 2 ngày 16 và 17 tháng 8, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh hỗ trợ cho huyện 6 nghìn chiếc bánh mì khi 35 nghìn người đang sống vật vờ trên các nóc nhà và các đoạn đê cao. Còn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, nghe tên có vẻ to, nhưng Trưởng ban là một Bộ trưởng, các thành viên là Thứ trưởng! Một số bộ liên quan tất cả đều lo công việc chuyên môn ở bộ mình là chính, khi có thiên tai xẩy ra chờ báo cáo rồi đùn đẩy cho nhau. Ban chỉ đạo không điều động được các bộ nên không thể cứu nạn kịp thời!

Mặc dù Việt Nam đã ký Công ước Quốc Tế về an toàn sinh mạng trên biển từ năm 1991, đáng lý phải lập ủy ban đặc biệt về cứu nạn, đội tầu cứu hộ, nhưng Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt trung ương không ký nên không biết bộ chủ quản là ai!

Lò Văn Puốn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh Lai Châu, cho biết do đặc điểm tình hình địa chất từ xưa Lai Châu thỉnh thoảng vẫn có lũ, nhưng mấy năm qua xuất hiện nhiều, một phần là do thời tiết diễn biến phức tạp, phần cơ bản là do nạn phá rừng hủy hoại môi trường.

Thông tấn xã (Cộng Sản) Việt Nam chính thức thông báo bình quân mỗi năm các tỉnh miền núi phía Bắc có trên 60 nghìn hecta rừng các loại bị mất do phát rừng làm rẫy và chuyển mục đích sử dụng không hợp lý, đưa tổng diện tích rừng bị mất trong 20 năm qua lên trên 1,2 triệu hecta. Đây cũng là vùng có độ che phủ thấp nhất trong cả nước, khoảng 20% trong đó. Sơn La, Lai Châu chỉ còn 8 đến 10%. Tình hình trên đã và đang dẫn đến những thiệt hại lớn về môi sinh môi trường, đặc biệt là gây nên xói mòn. Lũ quét ở đầu nguồn không chỉ đe dọa trực tiếp tính mạng của cải của nhân dân mà còn tác động trực tiếp tới độ an toàn của các công trình thủy lợi, thủy điện lớn như hồ Hòa Bình.

Như thế, vấn đề đã rõ.

Thiên tai ngày càng ít nặng nề hơn là do Nhân Họa. Chính con người đã tự góp phần tiêu diệt mình, trong đó, những người cầm quyền, những người quản lý nhà nước có trách nhiệm rất lớn. Làm sao để chống nạn phá rừng, khôi phục rừng có hiệu quả, không thể chỉ đưa vào nghị quyết, chỉ thị, hay cắm các biển báo các câu khẩu hiệu, đại loại “rừng là vàng”, dọc đường đi.

Vấn đề là giải quyết nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ít người như thế nào để ngăn chặn nạn du canh, du cư, phát rẫy Làm sao giải quyết đời sống của những người nghèo khổ không đất cắm dùi, không phương tiện làm ăn, để họ khỏi di cư vào rừng khai hoang kiếm sống. Số người này mỗi ngày mỗi nhiều và tiến về phương Nam tìm đất hứa. Ngăn chặn nạn buôn gỗ lậu không chỉ là tuyên bố đóng của rừng khi rừng đã cạn kiệt và rừng không có... cửa!

Phòng chống thiên tai là một vấn đề khoa học và quản lý phức tạp ở trình độ cao, đòi hỏi phải đầu tư kinh phí, con người, và sự quan tâm thật sự sâu sắc. Vấn đề còn là trình độ và trách nhiệm cá nhân của những người lãnh đạo quản lý nhà nước. ở nhiều quốc gia, một chiếc xe lửa đổ, lập tức Bộ trưởng Giao Thông phải từ chức.

Một sự cố xẩy ra ở ngành nào thì những người lãnh đạo ở ngành đó phải nhận trách nhiệm và tự xử, hay nhà nước, xã hội sẽ xử lý họ.

Một đảng phái, một Tổng thống lãnh đạo quốc gia một nhiệm kỳ, nếu không thành công, nhiệm kỳ tới, qua kỳ bầu cử, người dân sẽ không tín nhiệm họ nữa..

Còn ở Việt Nam, những người lãnh đạo vẫn kiên quyết giữ quyền lãnh đạo mãi mãi, và khi có sai lầm gây ra tai họa như trong mùa bão lũ năm nay, chỉ cần họp kiểm điểm rút kinh nghiệm là... xong!

Nhưng nguyên nhân cơ bản vẫn còn đó và tai họa sẽ vẫn còn tiếp diễn nếu không khắc phục chấn chỉnh vấn đề từ gốc.

Không phải chỉ trong chuyện thiên tai mà trong mọi vấn đề của cuộc sống xã hội.

Chỉ có một nền Dân Chủ thật sự và sự đóng góp trí tuệ của mọi người Việt Nam mới có thể đưa đất nước này đi lên vượt qua những khó khăn do thiên tai nhân họa gây nên.

Đà Lạt, đầu tháng 10 năm 96.
Tiêu Dao Bảo Cự
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn