BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73173)
(Xem: 62202)
(Xem: 39376)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thư ngỏ gởi những người Cộng Sản Việt Nam

30 Tháng Năm 199612:00 SA(Xem: 964)
Thư ngỏ gởi những người Cộng Sản Việt Nam
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
11Vote
32
Chuẩn bị cho đại hội lần thứ VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung Ương Đảng đã công bố “Dự Thảo Báo Cáo Chính Trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng khóa VII” và kêu gọi toàn dân góp ý kiến cho đảng. Nhân dịp này tôi viết thư ngỏ gởi những người Cộng sản Việt Nam và cũng có thể coi đây là một bài góp ý cho đảng.

Tôi chỉ là công dân bình thường của một nước mà đảng cầm quyền đã tự xưng là “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Chỉ với trên tư thế đó, tôi nghĩ và tự cho mình có quyền viết thư này.

Những điều sau đây, tôi nghĩ và viết theo một phương châm rất hay của người cộng sản là “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Trong tinh thần đó, tôi không quan tâm đến cách nói làm thế nào để dể lọt tai người nghe mà chỉ cố gắng diễn đạt thật đúng, thật rõ ý mình. Tôi cho rằng những người đã đề ra phương châm trên cũng như phương châm “không sợ sai, chỉ sợ sai mà không sửa” có thể lắng nghe được mọi điều và không lấy quyền lực của mình để trấn áp những người nói thẳng, nói thật. Tôi trình bày sau đây bốn vấn đề:

- Vai trò lãnh đạo của đảng.

- Chủ nghĩa Mác-Lênin, định hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh.

- Độc tài và dân chủ, chống đa nguyên chính trị và diễn biến hòa bình.

- Đại đoàn kết toàn dân và hòa giải hòa hợp dân tộc.

1. Về vai trò lãnh đạo của đảng


Đảng Cộng sản hiện nay là đảng duy nhất cầm quyền. Đảng luôn tự hào là “người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” và nhất định không chịu chia sẻ quyền lãnh đạo với ai khác. Trước đây, đảng cho tồn tại hai đảng nữa là đảng xã hội và đảng dân chủ là cây cảnh trang trí nhưng khi thấy không còn cần thiết và có thể gây nguy hiểm thì đảng cho giải tán ngay.

Để nắm được quyền lãnh đạo đất nước, trong suốt lịch sử hơn 60 năm của mình, Đảng Cộng sản đã chịu đựng biết bao gian khổ, hy sinh không ít máu xương và đã chứng tỏ tài vận động, tổ chức, lãnh đạo đấu tranh của mình. Điều đó, dù kẻ thù cũng phải nhìn nhận.

Khi đã trở thành đảng cầm quyền, đảng tự hô và bắt toàn dân phải hô “Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm” và coi đất nước như của riêng mình. Điều này không khác gì các triều đại phong kiến ngày xưa. Triệu đại nào lên làm vua cũng tự tung hô “vạn tuế”. Nếu các triều đại đó đạt được như thế thì làm gì đến lượt người cộng sản.

Những triều đại phong kiến đều có công lớn trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Từ các vua Hùng cho đến Bà Trưng, Bà Triệu, đến Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn, có triều đại nào không trải qua máu xương để dựng nghiệp. Không có các triều đại đó, làm gì có Việt Nam ngày nay.

Trong sự nghiệp giữ nước, những chiến công của ông cha ta chống quân xâm lược phương Bắc từ nhà Tần cho đến Tùy, Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều gian khổ và hiển hách đâu thua gì chiến công đánh Pháp, đuổi Mỹ ngày nay nếu đem so sánh tương quan lực lượng địch-ta trong từng thời kỳ lịch sử.

Những chiến công đó lịch sử Việt Nam muôn đời còn ghi nhưng không có triều đại nào muôn năm cai trị. Chỉ có nhân dân Việt Nam muôn đời tồn tại mà thôi.

Đảng Cộng sản không phải là người duy nhất có công với đất nước này. Trong chiến thắng và trong tư thế cầm quyền, đảng bắt nhân dân phải tụng đọc, ghi khắc “ơn Đảng, ơn Bác” mà quên đi “ơn nhân dân”. Điều này đã có nhiều người nói và nó hoàn toàn mâu thuẫn với lý thuyết của đảng và thực tế của lịch sử.

Đảng nói “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “đảng viên chỉ là hạt cát trong biển cả”, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Trong hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng đầy máu lửa, gian truân vừa qua của dân tộc, đảng có dám nói là đảng hy sinh nhiều hơn nhân dân, công lao của đảng lớn hơn công lao của nhân dân không? Tôi quyết chắc là đảng không dám.

Các triều đại phong kiến ngày xưa khởi đầu đều có công và hưng thịnh nhưng khi đã thoái hóa thì suy tàn, nhường chỗ cho triều đại khác. Đất nước không bao giờ là của riêng một triều đại nào mãi mãi.

Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo hiện nay có ngang tầm đất nước không? Báo cáo chính trị đánh giá:

“Năng lực và hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà Nước, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể nhân dân chưa nâng lên kịp với đòi hỏi của tình hình... Năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Điều đáng lo ngại là nhiều cán bộ, đảng viên giảm sút lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất đạo đức, sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở Đảng bị suy yếu.”

Đánh giá này của đảng về chính mình không phải lần đầu tiên. Những đại hội trước, đảng cũng có đánh giá tương tự. Thế thì tại sao đảng vẫn kiên quyết độc quyền lãnh đạo? Làm như thế, người ta có thể nghi là đảng tham quyền cố vị. Dân tộc này đâu phải đã hết người tài trí. Người không đủ năng lực lại kiên quyết lãnh đạo người tài trí hơn mình, lãnh đạo cả dân tộc thì đất nước sẽ đi về đâu? Trước đây đảng nói “đảng viên đi trước, làng nước theo sao”. Nay người dân mỉa mai “ông, bà đó là đảng viên nhưng mà tốt”. Đảng suy nghĩ về điều này thế nào?

Chắc chắn trong đảng cũng có những người tài đức, vì dân vì nước nhưng không phải tất cả đảng viên đều tốt. Đảng viên chỉ có hai triệu, trong khi nhân dân hơn 70 triệu người, trong đó không ít người tài đức, tại sao đảng không chia sẻ quyền lãnh đạo cho ai khác?

Ngày nay nhân dân đang nói đến một giai cấp mới ăn trên ngồi chốc, đè đầu cỡi cổ nhân dân. Đó là giai cấp thống trị bóc lột. Vậy thì lý tưởng phục vụ nhân dân ở đâu và đảng độc quyền lãnh đạo để làm gì?

Trong việc góp ý cho đảng hiện nay, ngay những cán bộ, đảng viên ủng hộ sự lãnh đạo của đảng cũng rất bức xúc về vấn đề chống tham nhũng. Đảng đã coi tham nhũng là quốc nạn nhưng vẫn không chống được dù hô hào rất nhiều. Điều đó dễ hiểu vì chỉ có quyền mới tham nhũng được, tham nhũng chính là đảng, đảng độc quyền lãnh đạo làm sao chống được. Chống tham nhũng là chống chính mình. Chống chính mình thì không còn độc quyền lãnh đạo nữa. Đó là mâu thuẫn căn bản, có tính cách sinh tử mà đảng không thể vượt qua. Có bao giờ đảng trưng cầu ý kiến nhân dân về sự độc quyền lãnh đạo của mình chưa hay cứ tự ý đưa vào trong hiến pháp để bắt người dân phải chấp nhận?

Nếu đảng thực sự được lòng dân, đủ năng lực và có bản lĩnh, khi đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân, nhất định nhân dân sẽ ủng hộ đảng. Chỉ có cách đó đảng mới thực sự khẳng định uy tính của mình và củng cố vai trò lãnh đạo của đảng. Nếu đảng không dám làm điều đó mà chỉ củng cố địa vị thống trị bằng thủ đoạn và đàn áp, rõ ràng đảng thiếu tự tin, nhất định đảng sẽ không cai trị được lâu bền.

2. Chủ nghĩa Mác-Lênin, định hướng xã hội chủ nghĩa và tư tưởng Hồ Chí Minh.


Cùng với khẩu hiệu “Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh”, đảng có các khẩu hiệu “Chủ nghĩa Mác-Lênin bách chiến bách thắng muôn năm” và “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

Cũng lại là muôn năm. Chỉ có con người là muôn năm thôi chứ chưa có chủ nghĩa nào muôn năm cả. Và thực ra con người cũng chưa chắc “muôn năm” nếu con người cứ tiếp tục tiêu diệt nhau và hủy hoại môi trường.

Trong phần đặc điểm tình hình thế giới, báo cáo chính trị xác định:

“Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ khiến chủ nghĩa xã hội tạm thời lâm vào thoái trào, nhưng điều đó không làm thay đổi tính chất của thời đại - loài người vẫn ở trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.”

Ngay sau đó, báo cáo chính trị cũng ghi nhận:

“Các nước đều đứng trước những cơ hội để phát triển, nhưng do ưu thế về vốn, công nghệ, thị trường,v.v... thuộc về các nước tư bản chủ nghĩa phát triển và các công ty xuyên quốc gia cho nên các nước chậm phát triển và đang phát triển đứng trước những thách thức to lớn, chênh lệch giàu nghèo giữa các nước ngày càng mở rộng. Cuộc cạnh tranh kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ diễn ra gay gắt.”

Có phải là mâu thuẫn, “thiếu lô gích” và lúng túng đã lộ rõ ngay trong một đoạn văn của báo cáo chính trị quan trọng này.

Nhìn lại tình hình, chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ là tự sụp đổ do những nguyên nhân nội tại hay do đế quốc Mỹ và các thế lực phản động đánh cho sụp đổ? Hiện nay các nước này vẫn đang gặp khó khăn về kinh tế, đời sống là do đâu? Cũng lại do các thế lực đế quốc, phản động chăng? Bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại thì Việt Nam được xếp vào hàng một trong những nước nghèo nhất trên thế giới, Cuba và Bắc Triều Tiên đang phải cứu đói, Trung Quốc tuy có mặt phát triển khá nhờ mở cửa và thực hiện kinh tế thị trường nhưng cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Vậy thì làm sao “loài người vẫn ở trong thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội” được!

Chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng, kim chỉ nam của mọi hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội cho các nước theo chế độ xã hội chủ nghĩa, với thực tiễn lịch sử gần 80 năm qua như thế làm sao có thể “bách chiến bách thắng muôn năm”!

Trước đây đảng khẳng định nước ta có thể “tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, nay đảng quên đi điều đó và chỉ ra con đường khác. Báo cáo chính trị nêu:

“Học tập và vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường của các nước tư bản chủ nghĩa là cốt để sử dụng mặt tích cực của nó cho mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội, không để đất nước đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Kinh tế thị trường có những mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội. Đó là xu thế phân hóa giàu nghèo quá mức dẫn tới phân cực xã hội, là tâm lý sùng bái đồng tiền, vì đồng tiền mà chà đạp lên đạo đức, nhân phẩm... Đi vào kinh tế thị trường phải kiên quyết đấu tranh khắc phục những khuynh hướng tiêu cực đó, hạn chế tối đa cái giá phải trả.”

Lại cũng mâu thuẫn, “thiếu lô gích” và lúng túng ngay trong một đoạn văn. Chống chủ nghĩa tư bản mà lại học tập chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường mâu thuẫn với bản chất của chủ nghĩa xã hội mà vẫn áp dụng kinh tế thị trường. Đảng làm thế nào để “kiên quyết đấu tranh khắc phục những khuynh hướng tiêu cực” và có làm được không hay cũng chỉ hô khẩu hiệu như vẫn thấy lâu nay?

Đây không phải chỉ là chữ nghĩa, văn bản. Đây là sinh mệnh của cả đất nước và dân tộc. Sau mười năm đổi mới và đi vào kinh tế thị trường, trong báo cáo chính trị, đảng tự đánh giá khuyết điểm và yếu kém trong phần “các mặt xã hội còn nhiều điều nhức nhối như sau: “Nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chận được. Tiêu cực trong bộ máy đảng, nhà nước và đoàn thể, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, thuế, xuất nhập khẩu và cả trong hoạt động của nhiều cơ quan thi hành pháp luật... nghiêm trọng kéo dài. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng lên. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở một số vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến, vùng đồng bào dân tộc còn quá khó khăn. Chất lượng phục vụ y tế, giáo dục, đào tạo ở nhiều nơi còn rất thấp. Người nghèo không đủ tiền để chữa bệnh và cho con em đi học. Tệ nạn xã hội phát triển. Trật tư an toàn xã hội chưa được bảo đảm tốt.”

“Xã hội còn nhiều điều nhức nhối”, đất nước đã rơi vào những thảm họa, tệ nạn như thế mà trước đây đảng đã hết sức phê phán, đấu tranh chống lại và chính vì thế mà đảng được nhân dân đồng tình ủng hộ. Nay đảng đưa đất nước, xã hội vào chỗ đó và chưa có dấu hiệu gì thoát ra được mà lại có nguy cơ lún sâu hơn. Vậy thì đảng sẽ đưa đất nước đi về đâu? Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Theo cách giải thích của đảng thì xem ra định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không khác bao nhiêu định hướng tư bản chủ nghĩa ngoại trừ một điều quan trọng là do đảng cộng sản lãnh đạo, nghĩa là thực chất duy trì quyền thống trị của đảng.

Chủ nghĩa xã hội là con đường mà “Đảng và Bác Hồ” đã lựa chọn chứ không phải nhân dân lựa chọn như đảng vẫn nói lấy được. Nhân dân không cần các nhãn hiệu chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản. Nhân dân cần độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh thật sự chứ không phải chỉ là khẩu hiệu, ngôn từ, bánh vẽ. tại sao cứ nằng nặc chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản? Chủ nghĩa nào cũng là ngoại lai và có cái xấu tốt của nó. Trên con đường đi tới của lịch sử, nhân dân ta có đủ thông minh tài trí, biết học tập kinh nghiệm của nhân loại để tìm cho mình một con đường thích hợp. “Đảng, Bác Hồ” không thể lựa chọn thay cho toàn dân tộc và áp đặt lên nhân dân để đưa đất nước đến thảm họa.

Bây giờ đảng nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước đây khi còn sống, chính Hồ Chí Minh và Đảng không hề nói đến. Đảng chỉ nói “chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, tác phong Hồ Chí Minh”.

Đúng là Hồ Chí Minh đã “vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và những tinh hoa tư tưởng của nhân loại vào thực tiễn cách mạng Việt Nam”.

Mở đầu bản tuyên ngôn độc lập ngày 2/09/45, Hồ Chí Minh đã trích dẫn tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp 1789.

Nhiều câu nói, lời dạy của Hồ Chí Minh đã trở thành khẩu hiệu, được coi là chân lý:

- cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
- Không có gì quý hơn độc lập tự do.
- Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
- Cán bộ khổ trước, sướng sau nhân dân.
- Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên.
- Dân tộc Việt Nam là một, đất nước Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Chúng ta thử nghĩ xem, những tư tưởng này có nguồn gốc từ đâu và nói lên được điều gì mới mẻ. Một người có học vấn trung bình cũng có thể nghĩ ra và nói ra được những điều tương tự. Nhưng vì Hồ Chí Minh là chủ tịch đảng, chủ tịch nước nên những câu nói đó đã trở thành khẩu hiệu, chân lý. Dĩ nhiên những điều giản dị nhưng thấu hiểu sâu sắc và làm đến nơi đến chốn cũng có hiệu quả vô cùng lớn lao. Và trong cuộc chiến đấu vừa qua, cả dân tộc làm chứ không phải một người làm. Không thể vì thế mà coi người nói lên những điều đó, là thiên tài, siêu việt.

Trong giai đoạn lịch sử vừa qua, trong nhân dân, và ngay trong đảng, không phải chỉ Hồ Chí Minh là người duy nhất biết suy nghĩ và sáng tạo. Thế nhưng tất cả mọi việc đều quy về Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người sáng lập ra đảng, sáng lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sáng lập ra các lực lượng vũ trang, Mặt trận và các đoàn thể công nông thanh phụ, thiếu niên nhi đồng, các ngành văn hóa nghệ thuật, báo chí và cả các ngành chuyên môn khác nữa. Hồ Chí Minh gởi thư cho ngành nào, giới nào, đến thăm địa phương, cơ sở nào cũng thành những sự kiện trọng đại, những ngày lịch sử. Có nơi còn dựng bia kỷ niệm Hồ Chí Minh đi tắm biển. Mới hơn 50 tuổi, Hồ Chí Minh đã trở thành “vị cha già của dân tộc”.

Chao ôi, như thế nếu không có Hồ Chí Minh thì sẽ không có dân tộc Việt Nam, không có cách mạng Việt Nam hay sao? Toàn đảng, toàn dân tộc không ai làm được một việc gì nếu không có Hồ Chí Minh hay sao?

Đó chính là tệ sùng bái cá nhân và cái tệ này đã gây ra biết bao tai họa trong lịch sử nhân loại đông tây kim cổ.

Hồ Chí Minh một người đã từng sống và khuyên dạy người khác phải “cần kiệm, khiêm tốn, thật thà” có muốn như thế không? Di chúc của một người là thiêng liêng. Di chúc của một chủ tịch nước lại càng thiêng liêng và quan trọng hơn. Trong di chúc, Hồ Chí Minh muốn khi chết được hỏa thiêu và đưa tro lên chôn ở một ngọn đồi đơn sơ và muốn miễn thuế cho nông dân vì thương dân đã quá cơ cực. Thế tại sao đảng lại giấu phần này trong di chúc đi để tổ chức ướp xác và xây lăng ngay giữa thủ đô Hà Nội, làm tốn không biết bao nhiêu tiền của, công sức của nhân dân. Tỏ lòng thương tiếc, biết ơn không phải chỉ bằng cách đó và làm cách đó có khác gì vua chúa phong kiến ngày xưa.

Có thể nói Hồ Chí Minh rất vĩ đại. Nhưng sự nghiệp của Hồ Chí Minh hay của bất cứ danh nhân, nhân vật lịch sử nào cũng sẽ được lịch sử đánh giá công bằng. Lịch sử ở đây cũng chính là con người thôi nhưng đã có độ lùi thời gian để chiêm nghiệm và đã thoát ra khỏi sự chi phối của thời đại nhân vật đó đang sống. Vậy thì cần gì phải thành lập Viện nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh và cố nặng ra tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hãy nghiên cứu tinh hoa tư tưởng, văn hóa, lịch sử của dân tộc và của nhân loại, phát huy trí tuệ của toàn đảng, toàn dân tộc, chúng ta sẽ tìm ra được con đường đi đúng đắng của thời đại mình. Không lẽ cả dân tộc đều u mê và chỉ một người là sáng suốt, dù người đó đã chết rồi!

Đảng đã chủ trương “cách mạng là sáng tạo”, “chống rập khuôn, giáo điều”, vậy cần phải xem xét lại toàn bộ vấn đề. Cứ khăng khăng bám lấy những nhãn hiệu cũ hay vẫn cố dựng lên thành chiêu bài cho những ý đồ khác cũng sẽ không có tác dụng gì mà chỉ trở nên lố bịch.

3- Độc tài và dân chủ, chống đa nguyên chính trị và diễn biến hòa bình.


Báo cáo chính trị khẳng định:

“Mục tiêu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân... Dứt khoác bác bỏ mọi mưu toan lợi dụng dân chủ, nhân quyền nhằm gây rối về chính trị, chống phá chế độ, hoặc can thiệp vào nội bộ nước ta. Dứt khoát không chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng.”

Dân chủ xã hội chủ nghĩa là gì? Dù đảng giải thích cách nào, qua thực tiễn, người dân cũng chỉ hiểu như sau:

- Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối, nghĩa là hai triệu đảng viên cai trị 70 triệu nhân dân Việt Nam.
- Bầu cử tự do nghĩa là “đảng cử, dân bầu”. Trong quốc hội, hội đồng nhân dân, hơn 90% là đảng viên.
- Mặt trận và các đoàn thể nhân dân đều do đảng trực tiếp nắm và chỉ đạo.
- Thắc mắc khiếu nại tố cáo dân có quyền làm nhưng các cơ quan nhà nước, pháp luật xử lý theo sự chỉ đạo của đảng.
- Đảng đề ra phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng chỉ được làm những gì đảng cho phép và như có người nói, thiếu hẵn một vế sau cùng là “dân hưởng”.
- Các cơ quan ngôn luận, báo chí, xuất bản là độc quyền của đảng và nhà nước, chỉ được nói, đăng những gì đảng cho phép. Không có báo chí tư nhân.

Vậy thì người dân có quyền dân chủ, có tự do không? Tự do nằm trong các quyền dân chủ đã bị vi phạm thì làm gì có tự do.

Khẩu hiệu của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc”. Độc lập cũng rất tương đối. Trước đây đảng lệ thuộc Liên Xô, Trung Quốc, bây giờ cũng vẫn còn lệ thuộc Trung Quốc. Bằng chứng là hiển nhiên. Phong trào cải cách ruộng đất, phong trào trăm hoa đua nở đưa đến vụ nhân văn giai phẩm, vụ xét lại chống đảng chịu sự chỉ đạo của ai? Trước các đại hội đảng trước đây, đảng đã phải đi báo cáo, xin chỉ thị của các đảng Liên Xô, Trung Quốc như thế nào?

Bây giờ đất nước và đảng đã tương đối độc lập hơn nhưng dân vẫn chưa có tự do dân chủ, vẫn còn nghèo đói, làm sao có hạnh phúc. Trước đây Hồ Chí Minh cũng đã từng nói như thế.

Hiện nay đảng đang tuyên truyền và học tập kinh nghiệm “độc tài sáng suốt” của các nước gọi là “những con rồng châu Á”, cũng là để biện minh cho mình. Nhưng ta nên nhớ rằng các nước đó trước đây là độc tài để chống cộng, nhân dân các nước đó sợ cộng sản nên tạm thời chấp nhận độc tài và sự độc tài đó chỉ có thời hạn. Trong các chế độ độc tài đó, quyền dân chủ vẫn được tôn trọng tuy không phải ở mức độ cao. chưa kể lãnh đạo các nước đó đủ tài trí để đưa đất nước đến giàu mạnh và được các nước phương tây hỗ trợ mạnh mẽ.

Còn Việt Nam, kể từ sau năm 1975, đảng đã độc tài hơn 20 năm rồi và còn độc tài đến muôn năm. Bộ máy lãnh đạo của đảng cũng không phải có tài năng trí tuệ theo kịp đòi hỏi của tình hình như chính đảng tự đánh giá, làm sao độc tài sáng suốt được. Giả dụ có độc tài sáng suốt thì độc tài sáng suốt cũng không bằng dân chủ sáng suốt.

Thực tiễn cho thấy độc quyền trong bất cứ lĩnh vực nào, dù là chính trị, tư tưởng, kinh tế, bao giờ cũng thủ tiêu cạnh tranh, sáng tạo là những yếu tố đưa đến tiến bộ, không phát huy được tài năng và trí tuệ của đa số. Cơ chế độc quyền quan liêu bao cấp và cơ chế kinh tế thị trường ở nước ta vừa qua đã chứng minh quá rõ điều đó.

Hơn nữa, xu thế của người cầm quyền ở bất cứ nơi đâu cũng là lạm quyền. càng độc quyền càng dễ lạm quyền vì người cầm quyền tự cho mình là đúng đắn và có thể làm tất cả khi có quyền lực.

Nói đa nguyên chính trị và đa đảng đưa đến rối loạn là không đúng. Biết bao quốc gia thực hiện đa nguyên chính trị và đa đảng nhưng không rối loạn và quyền dân chủ lại càng được phát huy. Sự cạnh tranh chính đáng bao giờ cũng lành mạnh và nhân dân có quyền lựa chọn người cầm quyền có năng lực và thực sự đại diện cho mình.

Hiện nay đảng thừa nhận còn lúng túng trong nhiều vấn đề tư tưởng và lý luận cần làm sáng tỏ, tại sao không đưa ra bàn bạc rộng rãi trong toàn dân. Trí tuệ của toàn dân bao giờ cũng hơn trí tuệ của một đảng, một tập thể, một người.

Tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội là khởi đầu của đa nguyên chính trị, đa đảng. Ít ra bước đảng phải chấp nhận tiếng nói đối lập. Đối lập không đồng nghĩa với đối kháng. Đối lập với đảng không có nghĩa là đối lập với nhân dân vì đảng không thể đồng hóa với nhân dân.

Đảng sợ đối lập, sợ đa nguyên chính trị, đa đảng vì đảng không đủ tự tin vào uy tín và bản lĩnh của mình khi đứng trước sự cạnh tranh tự do và bình đẳng với các thế lực chính trị khác trước nhân dân.

Đảng quy mọi hoạt động đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đều là “diễn biến hòa bình”. Chỉ trên phương diện ngôn từ, khái niệm “chống diễn biến hòa bình” đã cực kỳ phi lý. Diễn biến hòa bình là vận động, thuyết phục, tạo ra những chuyển biến bằng phương tiện hòa bình, tại sao lại chống. “Diễn biến hòa bình” nhất định phải tốt hơn “diễn biến chiến tranh”. Diễn biến hòa bình là cuộc đấu tranh cần thiết giữa con người với con người, giữa các thế lực chính trị để thủ thiêu cái ác, giành phần thắng cho điều thiện bằng những phương tiện hòa bình.

Đảng có thói quen nhìn những ai khác mình là phản động, kẻ thù. Thực tế cuộc sống vô cùng đa dạng và phong phú, làm sao bắt mọi người đều phải nghĩ như mình. Đất nước là của nhân dân, sao đảng lại cứ độc quyền yêu nước.

Xét cho cùng, nói thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, chống đa nguyên chính trị và diễn biến hòa bình thực chất là cốt duy trì sự thống trị của đảng. Đó là lợi ích của đảng chứ không phải lợi ích của nhân dân nhưng vẫn nhân danh nhân dân để củng cố quyền lực của mình.

4. Đại đoàn kết và hòa giải hòa hợp dân tộc.


Trên ngôn từ, đây là một chính sách hết sức cởi mở của đảng. Báo cáo chính trị viết: “Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao và chiều sâu mới. Đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người định cư ở nước ngoài trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc vì mục đích giữ vững độc lập, thống nhất, tiến lên dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Đại đoàn kết phải lấy mục tiêu chung đó là điểm tương đồng, đồng thời chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, cùng nhau xóa bỏ định kiến, mặc cảm, hận thù, hướng tới tương lai, xây dựng tinh thần đoàn kết, cởi mở, tin cậy lẫn nhau. Đường lối trên đây phải được thể hiện cụ thể trong các chính sách và trên mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà Nước.”

Thực là một chính sách tốt đẹp và tiến bộ. Nhưng nếu muốn thực hiện chính sách này, đảng phải thực hiện ngay các vấn đề sau đây mà từ lâu đảng không làm hay làm ngược lại:

a- Thực hiện tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản, tự do lập hội và các quyền tự do khác đã ghi trong hiến pháp.

b- Trả tự do cho các tù chính trị và “tù nhân lương tâm”. Chấm dứt đàn áp những người bất đồng chính kiến thẳng thắn nói lên quan điểm của mình. Chấp nhận tiếng nói đối lập, tiến đến chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng.

c- Không gây chia rẽ và can thiệp vào nội bộ các tôn giáo trả lại các cơ sở hoạt động tôn giáo, giáo dục và từ thiện của các giáo hội. Không gây khó khăn cho các hoạt động tôn giáo cần thiết và bình thường.

d- Để người Việt ở nước ngoài tự do về nước làm ăn sinh sống và góp phần xây dựng quê hương.

e- Tự do giao lưu sách báo, văn hóa phẩm của người Việt trong và ngoài nước. Không coi báo chí hải ngoại đều là phản động, nhất là đối với báo chí cổ vũ cho hòa giải hòa hợp dân tộc.

f- Đối thoại với mọi tổ chức, xu hướng chính trị trong và ngoài nước, kể cả với những tổ chức, những người trước đây chống cộng nhưng nay có mục tiêu xây dựng đất nước. Nếu không thực hiện những việc này thì chính sách đại đoàn kết trên đây chỉ là bánh vẽ hay trò lừa mị.

Thí dụ vừa rồi đảng và nhà nước đã đối xử như thế nào với những người bất đồng chính kiến như Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Tạ Bá Tòng, Đỗ Trung Hiếu, Hồ Hiếu, Lữ Phương, Nguyễn Khắc Viện, Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trấn, Dương Thu Hương, Phan Đình Diệu, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Lê Hồng Hà, Trần Độ, Nguyễn Trung Thành, Ngô Thức, Lê Giản, Bùi Minh Quốc, Trần Minh Thảo, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Thượng Tọa Huyền Quang, Quảng Độ,... và bao nhiêu người khác nữa. Họ là những cán bộ, đảng viên, trí thức, văn nghệ sĩ, tu sĩ có tầm cao tư duy và thao thức vì vận nước. Họ không hề bạo động, gây rối, lật đổ mà chỉ có ý kiến khác với đảng và phát biểu một cách ôn hòa, tự do quan điểm của mình. Thế nhưng đảng và nhà nước đã dùng nhiều biện pháp trấn áp răn đe cho đến quản thúc, bỏ tù họ và gây cho họ không biết bao nhiêu khó khăn.

Thí dụ như tôi, người viết bài này, tôi không tán thành độc đảng, độc tài và định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi ủng hộ dân chủ và đa nguyên chính trị nhưng tôi cũng không tán thành bạo động, nội chiến, lật đổ, gây hận thù. Tôi muốn tự do phát biểu quan điểm của mình và góp phần xây dựng đất nước. Đảng có quy tôi là phá hoại, phản động trong khi đảng nói vẫn “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc”?

Trong Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tức Mặt Trận Thống Nhất Dân Tộc, Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở đảng cũng là thành viên của Mặt Trận, đảng lãnh đạo bằng vận động, thuyết phục.

Nay đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì sẽ thực hiện điều đó như thế nào?

Đại đoàn kết, hòa giải hòa hợp dân tộc chỉ có ý nghĩa, thực chất, kết quả và sự bền vững khi mọi người đều thực tâm, tôn trọng lẫn nhau, lắng nghe ý kiến của nhau, nhất là đối với đảng cầm quyền.

Nếu đảng cầm quyền chỉ dùng lý của kẻ mạnh, bắt buộc mọi người phải tuân theo ý mình nhất định sẽ không bao giờ có đại đoàn kết. Điều này chắc chắn sẽ làm suy yếu tiềm lực của dân tộc và trách nhiệm này thuộc về đảng.

Đất nước ta từ sau khi độc lập, thống nhất đã bước sang một thời kỳ mới với nhiều thuận lợi và không ít khó khăn. Sau bao nhiêu năm chiến tranh, máu lửa, hận thù, phân ly, chúng ta lại là một trong những nước nghèo nhất trên thế giới. Người Việt Nam nào lại không muốn có dân chủ, tự do, ấm no, hạnh phúc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Điều mà đảng xác định là mục tiêu chung mà nhất định mọi người Việt Nam yêu nước đều tán thành. Nhưng làm thế nào để đạt được mục tiêu đó xó thể có nhiều quan điểm, con đường khác nhau và khác với quan điểm của đảng.

Tôi viết thư ngỏ này để trang trải tấm lòng và quan điểm của mình đối với những vấn đề lớn của đất nước một cách tự do và thẳng thắn. Tôi dám chắc rằng còn không ít người có tấm lòng và quan điểm như tôi.

Đất nước này không phải riêng của đảng mà là của toàn dân tộc. Mọi công dân đều có trách nhiệm đối với đất nước và những người cộng sản đang cầm quyền lại có trách nhiệm nặng nề hơn.

Vì thế tôi viết thư ngỏ này đến những người cộng sản Việt Nam. Và cũng gởi đến mọi người quan tâm đến những vấn đề của đất nước để cùng nhau trao đổi.

Cuối tháng 5-96
Tiêu Dao Bảo Cự
35/1 Nguyễn Đình Chiểu, Đà Lạt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn