BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Về Kiến Nghị Chuyển Hội Ta Thành Hội Tự Nuôi Tự Quản

27 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1094)
Về Kiến Nghị Chuyển Hội Ta Thành Hội Tự Nuôi Tự Quản
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00


NTT: Khi nhận được bài viết này của nhà thơ Bùi Minh Quốc – người anh, người đồng nghiệp thân thiết của tôi, tôi thấy anh luôn kiên trì với ý kiến của mình. Nghĩa là anh đã nêu ra ý kiến, có nghĩa là anh tin ý kiến đó là đúng dù nó chỉ được hưởng ứng 2,8%.

Tôi cũng là một nhà văn hội viên Hội nhà văn VN đã lâu, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng, nhà văn thì chả ai viết giùm cho mình được, bởi nhà văn là một hoạt động khu biệt, còn hội chỉ là nơi chia sẻ nghề nghiệp hay giúp đỡ nhau lúc khó khăn, thế thôi. Hội nhà văn VN cũng chỉ là nơi với ý nghĩa như thế. Nó chỉ là một hội nghề nghiệp (còn kèm thêm nhiều ý nghĩa khác như hội chính trị… thì tôi cũng không hiểu lắm). Nhưng nếu nó phát huy được sức sáng tạo của nhà văn đóng góp cho đất nước thì đó là điều mà hội cần hướng tới. Nhà văn có tác phẩm hay/bán chạy và nhà nước có chế độ nhuận bút thích đáng thì tiền thuế của nhuận bút nhà văn sẽ đóng cho nhà nước thích đáng. Đó chỉ là đóng góp vật chất, còn đóng góp tinh thần của nhà văn mới là vô giá.

Theo tôi, một hội nhà văn tự nuôi tự quản như anh BMQ muốn trong thời hiện nay là vô cùng khó, vì theo tôi biết, Câu lạc bộ thơ VN chỗ anh Bành Thông với 5000 hội viên thì cũng chỉ in ra tác phẩm và chính hội viên mua lại, rồi lấy cái lãi đó để nuôi văn phòng hội mà thôi. Như vậy thì hội viên chỉ được danh, mà chả được nhuận bút, thì lấy gì để tự nuôi mình?

Đó là chưa nói việc nhà nước văn minh thì phải đầu tư cho văn hóa văn nghệ, như diễn kịch chiếu phim thì phải mở trường đào tạo, phải xây rạp, và phải bù lỗ cho hoạt động đó. Thuế của dân là để dân được hưởng những sản phẩm tinh thần ấy. Tôi nghĩ, nhà văn cũng cần có sự bảo trợ của nhà nước (văn minh) mà dân không tiếc nếu đầu tư đúng. Chỉ sợ tiêu tiền của dân mà không làm được gì cho dân.

Vậy thì, nếu những nhà văn không muốn sự ưu đãi của nhà nước (dân) thì cũng chả sao, chả ai bắt buộc mình phải nhận tiền của nhà nước cả.

Anh Bùi Minh Quốc cũng đã nhận tiền tài trợ của nhà nước (lần cao nhất là 25 triệu) từ hội nhà văn như một số ít nhà văn được ưu ái nhất, chắc anh cũng hiểu đó là nghĩa vụ mà dân đã giao phó. Còn việc anh đề nghị CHUYỂN HỘI NHÀ VĂN THÀNH HỘI TỰ NUÔI TỰ QUẢN tôi ghĩ cũng là một ý kiến hay. Tuy nhiên, sau đó để làm gì thì tôi chưa hình dung được. Nhưng nếu 28 trừ 4 nhà văn đã đồng ý với anh, thì dù chỉ 24 người vẫn có thể thành một “tự lực văn đoàn mới” mà lực lượng còn mạnh hơn Tự Lực Văn Đoàn ngày xưa nhiều, vì họ chỉ có 9 người. Mà họ đâu có phải lập hội hè gì.

Tôi không ký vào kiến nghị anh BMQ đưa ra vì tôi muốn anh có một dự án khả thi. Nhưng đến nay tôi vẫn thấy chưa có gì khả thi cả. Nhưng kiến nghị của anh BMQ nhờ đăng thì tôi không từ chối. Xin mời bạn cùng đọc.

BÙI MINH QUỐC

Kính nhờ nguyentrongtao.org công bố giùm bài dưới đây, rất cám ơn

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN (hội viên)

VỀ KIẾN NGHỊ CHUYỂN HỘI TA THÀNH HỘI TỰ NUÔI TỰ QUẢN


Tại đại Hội lần thứ 8 của Hội nhà văn Việt Nam, có 28 nhà văn đã cùng ký kiến nghị chuyển Hội từ hội xin tiền Nhà nước thành một hội hoạt động theo phương thức tự nuôi tự quản.Kiến nghị thể hiện tâm huyết của các nhà văn mong muốn bớt đi một gánh nặng chi phí của Nhà nước (lấy từ tiền thuế của dân) đối với hội mình.Kiến nghị cũng thể hiện ý thức của các nhà văn về sự phát triển hợp quy luật của tổ chức hội, phải tự nuôi tự quản thì hội mới có sức sống tự thân.Từ năm 1987, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân ( một trong 2 người đứng đầu danh sách ký kiến nghị, tiếp sau giáo sư Nguyễn Huệ Chi) đã nêu rõ luận điểm khoa học về tổ chức hội tự nuôi tự quản.Năm 1988, nghị quyết 8b của Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa 6) cũng đã chủ trương đưa các hội đoàn quần chúng chuyển sang họat động theo phương thức tự nuôi tự quản.

Trong phần cuối bài phát biểu của mình tại buổi lễ tưởng niệm và tìm hiểu nhà văn anh hùng Chu Cẩm Phong (do Hội nhà văn Việt Nam tổ chức ngày 12.05.2011), tôi đã nhắc lại với lãnh đạo Hội về việc thực hiện nghị quyết trung ương 8b và về kiến nghị chuyển hội sang tự nuôi tự quản.Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội, khi phát biểu kết thúc buổi lễ, cũng đề cập đến kiến nghị đó và cho biết có 4 nhà văn trong danh sách ký kiến nghị đã gửi thư cho chủ tịch xin rút chữ ký.Phần tôi, người đã đi gặp các đồng nghiệp để xin chữ ký, thì chưa nhận được một thông báo nào của bất cứ ai trong danh sách nói trên xin rút chữ ký.Trang web của giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhà văn Trần Nhương, nơi công bố kiến nghị và chữ ký, cũng không nhận được một thông báo nào xin rút chữ ký.

Tôi cho rằng sự xuất hiện kiến nghị nói trên của 28 nhà văn hội viên tại đại hội 8 là một dấu mốc quan trọng thể hiện sự chuyển biến về chất trong nhận thức và hành động của hội viên đối với việc xây dựng Hội.Kiến nghị cần được Ban chấp hành khóa 8 nghiêm túc lắng nghe, trước mắt cần nêu thành chủ đề thảo luận rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của Hội.Tôi tin rằng qua thảo luận, cọ xát giữa các ý kiến khác nhau, chúng ta sẽ tìm được biện pháp tối ưu để thực hiện nghị quyết trung ương 8b, chuyển Hội ta thành hội tự nuôi tự quản, không phải xin tiền Nhà nước mà vẫn thực hiện tốt, thậm chí tốt hơn bấy lâu, nhiệm vụ bảo vệ, bênh vực, và chăm sóc quyền lợi của hội viên.Tôi biết một số hội viên đang suy nghĩ để xây dựng đề án hoạt động hội theo phương thức tự nuôi tự quản.Xin mạn phép nêu ra đây một gợi ý về đổi mới phương thức tổ chức hội thảo, một loại hình hoạt động thường xuyên của Hội ta.Ví dụ ta tiến hành tổ chức hội thảo về một tác phẩm bị cấm bị nghiền, như cuốn tiểu thuyết “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn hội viên Bùi Ngọc Tấn chẳng hạn, nhằm giải tỏa nỗi ấm ức kéo dài của tác giả và bạn đọc, đồng thời cũng chiêu tuyết cho phía cơ quan quản lý, nếu qua hội thảo thấy được lẽ phải là thuộc về cơ quan quản lý.Hãy mạnh dạn làm thí điểm một cách tổ chức như sau :

- Thông tin rộng rãi và mời không hạn chế số lượng người tham dự hội thảo

- Những người tham dự hội thảo tự lo chi phí ăn ở đi lại vì họ tự nguyện đến dự với niềm khao khát tìm kiếm lẽ phải trong việc đánh giá tác phẩm.

- Không phải lo tiền bỏ phong bì cho các diễn giả phát biểu đề dẫn hoặc đọc các tham luận viết sẵn duyệt trước (nếu vẫn cứ đưa phong bì thì với tinh thần đổi mới chắc sẽ có người không nhận).

- Dung lượng thời gian chủ yếu phải dành cho phần thảo luận, tranh luận.

Tiếp đó, gom toàn bộ nội dung hội thảo đem xuất bản.Một cuốn sách như thế nhất định sẽ bán được, ít nhất 5.000 cuốn đợt đầu.Các tác giả sẽ có tiền nhuận bút sách, NXB có lãi, Nhà nước thu được thuế, người phát hành tăng thu nhập.Nếu kết luận của hội thảo đánh giá tác phẩm là tốt, xứng đáng được xuất bản chính thức trở lại, thì tôi tin rằng “Chuyện kể năm 2000” sẽ được người đọc đón mua với số lượng lớn, nhuận bút tác giả sẽ rất cao, và hội viên Bùi Ngọc Tấn sẵn sàng trích ra một khoản thích đáng để góp vào quỹ Hội.Cũng với phương thức ấy, nếu báo Văn Nghệ nghiêm túc thực hiện chủ trương nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng nói rõ sự thật, thì nhất định chất lượng tờ báo sẽ lên, người đọc sẽ xếp hàng từ sớm chờ mua báo, tiền lãi bán báo sẽ là nguồn đóng góp lớn cho quỹ Hội.

Chỉ với hai ví dụ nêu trên, cũng đã thấy tự nuôi tự quản là một khả năng rất hiện thực.

Bùi Minh Quốc

Đà Lạt 27.05.2011

Theo http://nguyentrongtao.org/2011/05/27/nha-van-bui-minh-qu%e1%bb%91c-ti%e1%ba%bfp-t%e1%bb%a5c-ki%e1%ba%bfn-ngh%e1%bb%8b/
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn