BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31149)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Tại sao là trai đàn giải oan?

06 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1036)
Tại sao là trai đàn giải oan?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Thời gian gần đây trên báo chí hải ngoại đã có một cuộc tranh luận về Phổ Cáo Quốc Dân của Thiền Sư Nhất Hạnh thiết lập Đại trai đàn chấn tế giải oan vào dịp đầu năm Đinh Hợi tại Việt Nam với nội dung:

Phái Đoàn Phật Giáo Quốc Tế Đạo Tràng Mai Thôn chúng tôi có được phép Thủ Tướng Chính Phủ cho phép tổ chức ba Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan để cầu cho âm siêu dương thái với mục đích giúp chữa lành những vết thương do chiến tranh gây ra trong lòng người. (langmai.org)

Mục đích tổ chức để cầu nguyện và giải trừ oan khổ cho tất cả những ai đã từng gánh chịu hậu quả khắc nghiệt của cuộc chiến tranh, dù đã qua đời hay còn tại thế....

chúng ta tới với nhau, nhìn nhận nhau như anh chị em ruột thịt một nhà, chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người thân đã từng chết đi một cách oan ức, trong rừng sâu, ngoài biển cả, trong trại tù, ngoài côn đảo và dưới những hố chôn tập thể. Ta sẽ có dịp khóc cho tất cả các đồng bào và thân nhân xấu số của ta....

Chiến trường Việt Nam trong cuộc chiến đã là những chiến trường đẫm máu nhất từ trước đến nay. Hàng triệu người đã trở thành thuyền nhân, gần nửa triệu đồng bào đã bị thiệt mạng trên biển cả. Hàng ngàn người đã chết oan ức dần mòn trong những nơi giam hãm. Đất nước và dân tộc ta đã gánh chịu biết bao đau thương và oan khổ mà chưa có cơ hội nói lên được. ..

Đó là sự thực tập của Đại Trai Đàn Giải Oan, được thực hiện trong tình huynh đệ, xóa bỏ hận thù, không oán hờn, không trách móc, không buộc tội, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau. Chính đây là Cam Lộ Tịnh Thủy của đạo Phật nhiệm mầu...

Chúng tôi kính xin đồng bào và Phật tử trong nước và ngoài nước thiết lập bàn thờ trong gia đình để thắp hương và hộ niệm trong suốt thời gian các Đại Trai Đàn Chẩn Tế được cử hành. (langmai.org).

Người viết rất hoan nghênh tất cả mọi sáng kiến của bất cứ ai đưa đến hòa hợp hòa giải dân tộc, vì đó là một con đường mà toàn dân Việt phải đi đến, dù phải vượt qua không ít chông gai và cản trở. Sáng kiến của thiền sư Nhất Hạnh nằm trong mục đích hòa giải hòa hợp dân tộc rất đáng được ngưỡng mộ. Thế nhưng, tiếc thay! tự thân trong văn bản Phổ Cáo Quốc Dân và phương cách thực hiện đã gây ra những dị nghị làm vẫn đục mục tiêu mong đạt đến.

1) Sáng kiến lập trai đàn:

Vấn đề lập đàn chẩn tế cầu siêu chung cho cả dân tộc nhằm mục đích hòa bình, hòa giải dân tộc không có gì mới mẻ, vì sáng kiến này đã từng được các vị chức sắc tôn giáo trong nước như cố Hồng y Nguyễn Văn Thuận, hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Huyền Quang... đề ra trong những năm trước đây, nếu nói xa hơn nữa, ngay trong khi cuộc chiến còn nóng bỏng, ông Đạo Dừa cũng từng đưa ra sáng kiến này, bằng cách thiết lập thuyền Bát Nhã, mượn chuông chùa Linh Mụ ra cầu siêu tại dòng sông Bến Hải để mong hòa bình tái lập, và hóa giải hận thù. Ngoài ra cũng có nhiều người ưu tư đến vận nước đã từng đưa ra đề nghị tương tự như vậy. Chẳng hạn như chính bản thân người viết cách đây ba năm, trong bài viết tựa đề : “Hòa hợp hòa giải dân tộc” đã cũng đã đề nghị:

Làm thế nào để có thể đạt đến một biện pháp hòa giải mà không gây thêm hận thù đổ vỡ, không gây bất ổn xã hội chính trị, không đưa đến một cuộc nội chiến hay loạn sứ quân trong tình hình ly tán nhân tâm hiện nay. Người viết xin đề nghị một “hành trình ba bước hòa giải”, dựa trên quyền lợi tối thượng của dân tộc, như sau:










Một Lễ cầu siêu cho tất cả con dân Việt đã hy sinh
Nguồn: vam.ac.uk


a. Một buổi Lễ cầu siêu cho tất cả con dân Việt đã hy sinh trong thời gian qua, không phân biệt chính kiến, Nam-Bắc qua hai cuộc chiến, vong hồn trong biển cả, núi rừng, kể cả binh lính ngoại nhập. Tại Đàn tế Nam Giao

b. Đoàn kết xây dựng: nhân buổi cầu hồn này Đảng Cộng sản nên khởi công xây dựng đoàn kết dân tộc bằng tuyên cáo trước nhân dân:

* Chính sách cởi mở về đoàn kết dân tộc, xóa bỏ hận thù.

* Sự sửa đổi cương lĩnh hoạt động của Đảng, kèm theo một lời phản tỉnh đối với đồng chí đồng đội của mình và khối dân chúng một thời theo Đảng.

c. Xây dựng đất nước: tiếp nối là mở rộng các quyền tự do căn bản của người dân, như tự do ngôn luận, báo chí, tự do ứng cử và bầu cử, tự do sinh hoạt tôn giáo. (Talawas).

Tất cả các đề nghị trên, nhất là của những người trong nước đều không được đáp ứng, ngoại trừ đề nghị thiết lập trai đàn chẩn tế giải oan của Thiền Sư là một đề nghị chưa hoàn chỉnh, lại được đáp ứng một cách không minh bạch.

Câu hỏi đặt ra là phải chăng có sự phân biệt đối xử, hay là tại bụt nhà không thiêng? Những người trong nước không có khả năng tổ chức chăng?

2) Sự phổ biến:

Tổ chức Đại Trai Đàn Chẩn Tế Giải Oan là một việc làm có liên quan đến hàng chục triệu gia đình hiện đang sinh sống tại việc Nam, thế thì tại sao lại không được phổ biến rộng rãi trên tất cả báo, đài trong nước, mà chỉ phổ biến trong phạm vi nhỏ hẹp tại một trang web nước ngoài mà thôi?

Tại sao không được thông báo rộng rãi trong nước để cho những gia đình đã có thân nhân chết oan có cơ hội chuẩn bị:

Mỗi gia đình nên thiết lập bàn thờ cúng vong, có hoa hương, nước trong và cháo trắng, các phẩm vật cúng dường trong những ngày trai đàn và mỗi ngày nên thay nước và cháo trắng một lần trước khi cả nhà tập họp trước bàn vong để nghe kinh này. (langmai.org).

3) Danh nghĩa của ban tổ chức:

Việc cầu siêu giải oan có liên quan đến cả toàn dân tộc bao gồm nhiều tôn giáo, sắc tộc và nhiều xu hướng chính trị. Thiền sư Nhất Hạnh với tư cách cá nhân ở cương vị một chi nhánh nhỏ của một tôn giáo đứng ra tổ chức liệu rằng có đạt được mục đích to lớn như thiền sư đề ra hay không? Tại sao không chính thức mời hội đồng liên tôn trong nước và kể cả nhà nước hiện tại cùng đứng ra tổ chức buổi lễ để đạt được tính danh chánh ngôn thuận hơn?

Mục tiêu đưa ra là hòa giải và đoàn kết thế nhưng tự thân của người tổ chức đã là một sự phân biệt đối xử và chia rẽ tôn giáo, người trong nước và người hải ngoại phải chăng là một nghịch lý?

Với tư cách cá nhân một tu sĩ ở nước ngoài, không có danh phận chính thức tại quốc nội lại có thể đứng ra Phổ Cáo Quốc Dân chăng? Phải chăng đây là một sự lộng ngôn hay là một sự lập lờ đánh lận con đen? Ai là người có quyền và có đủ tư cách để ra Phổ Cáo Quốc Dân? Nếu không là người lãnh đạo nhà nước hay lãnh đạo hội đồng liên tôn một cách chính thức.

4) Tại sao không cầu siêu mà lại giải oan?

Đa số các lời đề nghị một lễ cầu siêu tập thể cho những người đã nằm xuống trong thời gian qua không phân biệt chính kiến, tôn giáo và nhất là cội nguồn của cái chết (dù có oan trái hay không?). Lễ cầu siêu mang nội hàm bao dung sự vị tha và hòa giải hòa hợp dân tộc, thế nhưng là không được chấp thuận?

Trong khi thiết lập trai đàn giải oan tự thân ý nghĩa của nó đã có sự phân biệt đối xử giữa những người nằm xuống có oan hay không?

Thật vậy theo tác giả Nhật Tiến (Việt Tide số 289, ra ngày 26-1-2007):

Những người lính Việt Nam Cộng Hòa xả thân, liều mình giữ đất giữ biển trước sự xâm lăng của bên ngoài thì cái chết anh hùng của họ không thể coi là những cái chết oan ức.

Những bộ đội, chiến sĩ khi vào Nam chiến đấu đã được trang bị bằng tinh thần “Chống Mỹ xâm lược”, thì cái chết của họ cũng không thể được coi là những cái chết oan ức, vì họ đã hy sinh theo tiếng gọi của truyền thống dân tộc chống xâm lăng. Còn sự kiện có “xâm lăng” hay không lại là một vấn đề khác.
Hàng trăm ngàn đồng bào tự nguyện đóng tầu ra khơi để trốn chạy một chế độ hà khắc mà trước đó, mọi người đều đã biết những nỗi hiểm nguy đang chờ đợi ngoài biển cả. Nhưng ai cũng nghĩ thà bỏ thây trong bụng cá còn hơn kéo dài cuộc sống trong một xã hội đầy hận thù và mông muội của thời buổi ấy. Những cái chết vì mưu tìm tự do đó của đồng bào cũng không thể coi là cái chết oan ức. (anhduong.net).

Nhận định của tác giả thật là hợp lý dựa trên căn bản cuộc chiến còn mang ý nghĩa của nó là cuộc chiến Việt Nam, cuộc chiến ý thức hệ... Cuộc chiến là gì đi chăng nữa thì những người lính đã nằm xuống cho lý tưởng riêng mình, là một sự hy sinh đáng ngưỡng mộ không hề mang thân phận của một người chết oan để tiếp nhận sự bố thí của trai đàn.

Nhận định của thiền sư Nhất Hạnh chỉ có thể hợp lý (?) khi cho rằng tất cả những người đã nằm xuống trong cuộc chiến đều là những người bị chết một cách oan uổng, hy sinh vô ích, nếu chấp nhận sự đánh giá lại cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua là một cuộc chiến phi nghĩa, tất cả những người đã nằm xuống trong cuộc chiến cần được giải oan?

Quan niệm về cuộc chiến này của thiên Sư Nhất Hạnh đã được sự đồng tình của thủ tướng csvn qua hành vi cho phép tổ chức Đại Trai Đàn Chẩn Tế?

Với quan niệm này có thể giải tỏa được toàn bộ thắc mắc về đại trai đàn chẩn tế giải oan của thiền sư. Thế nhưng, nó sẽ gây ra nhiều đổ vở tệ hại hơn là nhằm đạt được mục đích mong muốn.

Thật vậy, cuộc chiến tranh vừa qua bị đánh giá vô nghĩa tất yếu đem lại hệ quả mặc nhiên sẽ phủ nhận tất cả giá trị lịch sử vốn có của những người đã nằm xuống của cả hai bên trong cuộc chiến đó là: tước hiệu tinh thần anh hùng liệt sĩ hay vị quốc vong thân?

Cuộc chiến không còn mang giá trị vốn có của nó thì vai trò của đảng Cộng Sản (CS) tự thân đã là một lầm lỗi lịch sử (?), đảng CS còn công trạng gì để nêu ra nhằm duy trì sự lãnh đạo đất nước?

Người đứng đầu danh sách cần được giải oan phải chăng là ông Hồ Chí Minh? Ông là người chết già, trong chiến tranh nhưng lại là tác giả của cuộc chiến tranh Việt Nam, tác giả của cuộc cải cách ruộng đất.. là người còn mang hận thù giai cấp khi xuống tuyền đài với ước mong gặp được các cụ Mác Lê Nin theo di chúc chứ không mong gặp lại tổ tiên ông bà và dân tộc Việt Nam. Hình ảnh ông Hồ Chí Minh với tư tưởng chuyên chính vô sản vẫn còn bị ép buộc học tập nêu gương tại Việt Nam thì lấy đâu ra lòng khoan dung để tha thứ cho nhau, để đi đến hòa hợp hòa giải dân tộc?

Đây sẽ là vấn đề còn nhiều tranh cãi, người viết không thể triển khai thêm vì nằm ngoài nội dung bài viết.

5) Đối tượng giải oan:









Một Lễ cầu siêu cho tất cả con dân Việt đã hy sinh
Nguồn: sociomedia.ibelgique.com


Đại trai đàn chẩn tế giải oan nhằm tới hai đối tượng là những người của cả hai bên cuộc chiến đã nằm xuống và những người ở lại trong lòng đại dương. Theo thiền sư những người này đã chết oan nên cần phải được giải oan, cần được tiếp nhận sự bố thí pháp và bố thí thực phẩm?

Như trên đã trình bày, hiện nay cuộc chiến vẫn còn mang ý nghĩa lịch sử của nó, và những người đã nằm xuống đã từng được phong danh anh hùng liệt sĩ hay vị quốc vong thân hằng nằm đã từng được chẩn tế cầu siêu bởi tất cả các tôn giáo trong nước một cách chính thức và bởi chính thân nhân của họ thì vị tất những người này cần thiết phải đón nhận sự bố thí từ đại trai đàn giải oan của thiền sư hay không?

Hằng chục năm trôi qua những người nằm xuống trong lòng biển cả, thân nhân của họ không hề cho rằng đó là những cái chết oan uổng cần được giải oan, hằng năm thân nhân của họ, cũng như những hội đoàn tôn giáo hải ngoại nhất là tại Hoa Kỳ cũng đã làm trai đàn cầu siêu , cứu vớt vong linh trên biển cả rồi. Thì liệu những gia đình này có còn nhu cầu để được đại trai đàn chiếu cố hay không?

Trong khi đó vô số người đã chết một cách oan ức, cho đến nay chưa có một tổ chức tôn giáo nào cúng tế giải oan cho họ, đó là:

- Hằng trăm ngàn người bị đấu tố, chết không toàn thây trong thời cái cách ruộng đất tại Miền Bắc từ hơn nữa thế kỷ nay.
- Hằng ngàn người liên quan đến chế độ củ phải bỏ thây trong những trại tù cải tạo.
- Hằng ngàn người chết đói lạnh và tủi nhục trong cái gọi là cải tạo công thương nghiệp.
- Hằng ngàn người bị thảm sát trong biến cố Mậu Thân ở Huế.

Tất cả những người kể trên đã chết xuất phát từ ý thức hệ đấu tranh giai cấp, hận thù chiến tranh của lớp người mang danh tiên tiến xây dựng XHCN, giờ đây đất nước quay trở lại xây dựng kinh tế tư bản, trong hòa bình đã cho thấy cái chết của những người này thật sự là oan ức cần phải được giải oan.

Rất tiếc những người chết oan này lại không được đoái tưởng đến trong chương trình đàn chẩn tế giải oan của thiền sư Nhất Hạnh, Phải chăng là một sự thiếu sót lầm lỗi? Một nghịch lý?

Theo nội dung công việc thiết lập Đại trai đàn chẩn tế giải oan ngoài nghi thức cúng tế còn có hai phần chính đó là thuyết pháp và thí thực. Nói một cách khác, theo đúng ngôn ngữ phật giáo là thiền sư Nhất Hạnh lập trai đàn nhằm thực hiện hạnh bố thí của người tu sĩ gồm bố thí pháp và bố thí thực phẩm.

Để đạt đến điều tinh tấn của hạnh bố thí là phải xuất phát từ tâm và hỷ xả của người thực hiện. Và nhất là không nên quan tâm đến đối tượng tiếp nhận sự bố thí bởi nguồn gốc, lý do, động cơ xuất phát, hay hỏi tại sao lại hiện diện nơi chốn này.

Trong khi đó, đại trai đàn chẩn tế giải oan lại căn cứ vào nguồn gốc của cái chết là chiến tranh và vượt biển . Để loại ra những cái chết oan ức khác. Tại sao không là bố thí cho tất cả chúng sinh mà chỉ nhắm vào hai đối tượng không có nhu cầu cần thiết phải giải oan? Đây là sự phân biệt đối xử làm phá hỏng toàn bộ công đức của hạnh bố thí của thiền sư vậy. Tiếc thay! Tiếc thay!

Ngoài ra còn hơn 8000 tử sĩ tại Nghĩa Trang quân đội Biên Hòa, 32 năm nay bị cấm cố biệt giam, hoang tàn, không nhang khói, không người thăm viếng, giữa không khí mừng xuân của một đất nước, thì sự hô hào hòa giải hòa hợp dân tộc thì còn ý nghĩa gì không?

Thân nhân của họ đang ngày đêm lo lắng phải đối diện với cảnh đào mồ cuốc mả sắp đến đã được trình bày trong bài viết: Nghĩa Trang Quân Đội Biên hòa bị xóa sổ? (danchimviet.com).

Thân nhân và những oan hồn tử sĩ này có thể nào hoan hỷ tiếp nhận sự cúng tế giải oan của trai đàn, trong khi họ vẫn còn chịu cô đơn và đói lạnh dưới họng súng canh gác của hận thù chiến tranh chăng?

6) Tác nhân gây oan trái:

Nói đến những cái chết oan uổng để được cúng tế giải oan, mà không đề cập đến tác nhân gây ra sự chết chóc đó thì thật là một thiếu sót lớn không thể tha thứ được. Thật vậy, thiền sư kêu gọi: Đó là sự thực tập của Đại Trai Đàn Giải Oan, được thực hiện trong tình huynh đệ, xóa bỏ hận thù, không oán hờn, không trách móc, không buộc tội, chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau.

Là một hảo ý rất tốt, trong lý thuyết nhà Phật từng có câu chuyện kẽ giết người buông đao xuống có thể thành phật, nhằm dạy cho chúng sinh những người sai lầm tự nguyện xóa bỏ tư tưởng hận thù sát nhân, có thể làm lành với mọi người. Trong trường hợp Việt Nam, người Cọng Sản xuất phát từ tham vọng chiến thắng bằng mọi giá nhằm thực hiện Xã Hội Chủ Nghĩa dựa trên đầu nòng súng chính là tác giả của hàng triệu cái chết oan nghiệt kể trên, thế mà trong phổ cáo của Thiền sư không một lời kêu gọi kẽ sát nhân xóa bỏ đi tà niệm chuyên chính vô sản, và kẽ sát nhân cũng chưa sẵn sàng từ bỏ ý niệm tội lỗi đó thì lấy đâu ra tình huynh đệ, lấy lý do gì để chấp nhận nhau và tha thứ cho nhau?

Chỉ có thể thực hiện tình huynh đệ với nhau khi nào cả hai bên phải công nhận giá trị nhân bản của nhau, đó là bình đẳng giữa con người và con người về mọi mặt xã hội, chính trị, kinh tế trên căn bản luật pháp và công pháp quốc tế.

Người viết rất đồng ý với ý kiến của ông Võ văn Kiệt,

Đã đến lúc mọi người Việt Nam gạt bỏ những phân biệt, chia rẽ do quá khứ để lại. Về phần mình, Đảng là người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, có đủ thẩm quyền trước lịch sử để làm được điều này. Đảng cần thể hiện trách nhiệm của mình trước lịch sử, nắm lấy cơ hội để gắn kết dân tộc, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc và sức mạnh thời đại vào chính thời điểm có một không hai này. (vietnamnet.vn).

Và người viết cũng hoan nghênh tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc của thiền sư qua việc thiết lập Đại trai đàn chẩn tế giải oan. Thế nhưng để có thể đánh tan những dị nghị nêu trên và đạt được mục đích mong muốn . Người viết xin đề nghị như sau:

1) Để tránh ngộ nhận và tranh cãi về vấn đề giải oan như đã trình bày trên, người viết xin đề nghị thay đổi danh xưng: “Đại trai đàn chẩn tế cầu siêu chúng sinh từ 1945 cho đến nay”. Nhằm vào

- Những đối tượng đã nằm xuống trong cuộc chiến tranh chống pháp, và cuộc chiến vừa qua.

- Những đối tượng đã nằm xuống xuất phát từ những chính sách không đáng có của Nhà nước CS từ 1954 cho đến nay.

- Những đối tượng đã ra đi theo chí nguyện của chính mình mà đã nằm lại trong biển cả, rừng sâu.

2) Mở rộng thành phần ban tổ chức mà những thành phần không thể thiếu đó là lãnh đạo nhà nước hiện nay, và tất cả đại diện tôn giáo trong nước. Và thiền sư Nhất Hạnh là một trong những sáng lập viên chính của đại trai đàn chẩn tế.

3) Địa điểm tổ chức không thể là một địa điểm tôn giáo vì sẽ gây nhiều trở ngại cho những người tiếp nhận và cả người tham dự không cùng tôn giáo, mà nên chọn những địa điểm có giá trị lịch sử cho toàn dân tộc:

- Sài Gòn tổ chức tại dinh Độc Lập

- Huế tại Đàn tế Nam Giao

- Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình

4) Bằng thông báo chính thức và long trọng của nhà nước phổ biến rộng rãi trên báo đài để mọi người cùng góp ý, cũng như cúng dường công đức của mình, và thiết lập bàn thờ tại gia theo tinh thần hướng dẫn của trai đàn.

5) Đảng CSViệt Nam phải là người đứng chánh bái trong trai đàn và từ vị thế đó để tuyên cáo trước quốc dân Quốc sách hoà hợp hoà giải dân tôc (*) trong đó gồm nhiều nội dung từ bỏ chuyên chính vô sản XHCN, bầu cử tự do...

Không ai kỳ vọng đại trai đàn chẩn tế cầu siêu có ý nghĩa đầy đủ của một hành vi hòa giải với người còn sống nhưng chí ít nó cũng là một dấu hiệu hài hòa khởi đầu tinh thần của một tiến trình hòa hợp hòa giải dân tộc vậy.

Ước mong những đề nghị thiết thực nêu trên sẽ trở thành sự thật để cho tất cả mọi người có thể cùng nhau lật qua một trang sử đau thương của dân tộc và cùng tiến bước xây dựng tương lai. Lành thay! Lành thay!

California, 6/01/2007 - Nhân dịp Tết Đinh Hợi

Trích DCVOnline
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn