BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhà nước Việt Nam chống lại hiến pháp

07 Tháng Chín 200612:00 SA(Xem: 988)
Nhà nước Việt Nam chống lại hiến pháp
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Nhà Nước là một danh xưng được sử dụng rất nhiều và nhan nhản qua nhiều điều khoản hiến pháp. Tất cả đều dựa trên tinh thần căn bản điều 2 hiến pháp (HP).

Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức.

Nhà nước nhân dân được thể hiện qua các cơ quan quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ, hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân. Như vậy thông qua những cơ quan này chúng ta thử tìm hiểu nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trên thực tế có theo đúng tinh thần hiến pháp hay không?

A/- Quốc hội phản bội hiến pháp

Theo hiến pháp qui định:









Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Hiến Pháp Việt Nam 1959 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
Ảnh/Nguồn: Wikipedia


Điều 83: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam...
Điều 84: Quốc hội có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây: Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp; làm luật và sửa đổi luật; quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh
.
Điều 3 luật bầu cử đại biểu quốc hội 1997 và luật bổ sung 2001:

Đại biểu quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với tổ quốc và hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam... (1)

Trên thực tế quốc hội đã phản bội hiến pháp bởi những sự việc cơ bản như sau:

I/- Vi hiến về quyền bầu cử

Theo hiến pháp điều 7: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Điều 1 luật bầu cử 1997 tái xác nhận lại: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.


Thế nhưng điều 5 luật bầu cử qui định:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội.

Mặt Trận Tổ Quốc được quyền tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ra ứng cử. Sự việc này đã làm biến chất cuộc bầu cử trực tiếp đã trở thành cuộc bầu cử gián tiếp.
Bầu cử là một phương thức cạnh tranh hợp pháp và công bình theo tinh thần hiến pháp để người dân có cơ hội trực tiếp chọn lựa người tài giỏi tham gia việc nước. Thế mà theo luật bầu cử điều 42:
Hội nghị hiệp thương lần thứ ba ở Trung ương do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức chậm nhất là ba mươi lăm ngày trước ngày bầu cử; thành phần Hội nghị như quy định tại Điều 30 của Luật này.

Hội nghị hiệp thương căn cứ vào tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, cơ cấu, thành phần và số lượng đại biểu được bầu của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến lần thứ ba và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội.



Khi quốc hội thông qua luật bầu cử với điều khoản hiệp thương ba lần mới có được danh sách ứng cử viên chính thức điều này đã vi phạm hiến pháp bởi bốn lý do:

- Biến cuộc bầu cử phổ thông trực tiếp thành gián tiếp bốn cấp, nghĩa là ứng cử viên đã bị sàng lọc ba cấp trước khi để người dân đi bầu.
- Giới hạn quyền tự do ứng cử của công dân
- Giới hạn quyền bầu cử của cử tri, biến cuộc bầu cử tự do thành một cuộc bầu hợp thức hóa một danh sách ứng cử đã tuyển lựa và cơ cấu sẵn.
- Tạo sự bất bình đẳng giữa ứng cử viên độc lập và ứng cử viên do đoàn thể giới thiệu.

Tóm lại qua các điều luật này cho thấy chưa có bầu cử mà Mặt trận tổ quốc đã hiệp thương sắp xếp, cơ cấu và phân bổ người được bầu làm đại biểu quốc hội. Đây là bằng chứng vi phạm hiến pháp trầm trọng và cơ bản nhất.

Trong bóng đá, nếu trận bóng chưa xảy ra mà đã có sự sắp xếp kết quả tỉ số trận đấu được gọi là tiêu cực, bán độ. Vậy trong luật bầu cử quốc hội quy định tổ chức hiệp thương để cơ cấu đưa người làm đại biểu quốc hội thì gọi là gì? Đây là ổ tham nhũng chính trị lớn nhất của chế độ hiện nay cần phải dẹp bỏ trước tiên theo tinh thần chống tham nhũng của đảng cs hiện nay.

Cầu thủ bóng tròn Việt Nam bán độ vì một số tiền nhỏ phải bị ở tù. Vậy quốc hội chủ trương bán độ bầu cử chính trị cả một nhà nước qua luật bầu cử dưới mỹ từ “hiệp thương chính trị” thực chất là sàn lọc ba cấp loại người dân ngoài đảng ra khỏi cuộc bầu cử. Người thực hiện là Mặt trận tổ quốc gây thiệt hại cho 80 triệu người dân và đất nước thì phải xử lý ra sao?

II/- Vi hiến về quyền ứng cử
Theo hiến pháp điều 54: Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

Luật bầu cử quốc hội điều 5: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội.



Điều này đã hoàn toàn trái với hiến pháp vi phạm quyền ứng cử của công dân. vì rằng nếu Mặt trận vì lý do nào đó không chịu giới thiệu thì công dân không có quyền ứng cử. Công dân cũng không có quyền khiếu nại Mặt trận đã không giới thiệu ra ứng cử?

III/- Vi hiến về bản chất đại biểu quốc hội

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân (đ.83 HP) và công dân có quyền ứng cử vào quốc hội (đ.54). Thế mà thông qua luật bầu cử:

Điều 34: Việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được tiến hành như sau:
1- Ban lãnh đạo tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội dự kiến người của tổ chức mình ứng cử đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó công tác. ...
2- ở cơ quan nhà nước thì Ban lãnh đạo cơ quan phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ quan dự kiến người của cơ quan mình ứng cử đại biểu Quốc hội, tổ chức lấy ý kiến nhận xét của Hội nghị cử tri nơi người đó công tác...


Như vậy, trong thực tế người dân ngoài đảng không được quyền tham gia các tổ chức nhà nước. Và Mặt trận chỉ giới thiệu người ra ứng cử từ những tổ chức nhà nước. Mặt trận đã làm biến chất đại biểu nhân dân thành đại biểu đảng và đại biểu nhà nước.

IV/- Quốc hội phản bội hiến pháp qua việc trốn tránh trách nhiệm trước cử tri

Điều 97 HP: Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước.
Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan Nhà nước hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Quốc hội; trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và hướng dẫn, giúp đỡ công dân thực hiện các quyền đó...


Theo luật tổ chức quốc hội 2002:
Điều 52. Đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp công dân. Khi nhận được kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, kịp thời chuyển đến người có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người kiến nghị, khiếu nại, tố cáo biết; đôn đốc và theo dõi việc giải quyết. ...

Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo không thỏa đáng, đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan cấp trên của cơ quan đó giải quyết... (2)



Như vậy, quốc hội phải có trách nhiệm trước sự việc dân oan khiếu kiện trên mọi vùng đất nước cũng như tại vườn hoa Mai Xuân Thường hằng chục năm nay.

Thực tế, mấy chục năm nay quốc hội Việt Nam đã bị ác chứng:

- Điếc nặng vì không nghe được rên xiết đau khổ của người dân bị áp bức bóc lột.
- Đui mù nên không thấy từng đoàn người tả tơi, quần rách áo ôm, khiếu kiện giữa lòng thủ đô Hà Nội từ năm này sang năm khác, cũng như tất cả tỉnh thành đất nước.
- Bị câm hay á khẩu mỗi khi đối diện cử tri, vì thế trong suốt các nhiệm kỳ, đại biểu quốc hội thường câm miệng như hến, điển hình là ông Nguyễn Phú Trọng đã nêu lên thành tích này trên báo chí quốc nội.
- Trốn chạy cửa sau giống như kiểu “chun lỗ chó” mỗi khi dân oan kéo đến. Khắp tất cả cơ quan nhà nước từ vùng cực bắc cho đến vùng cực nam nước Việt, không nơi nào mà không có hình ảnh trốn chạy này. Tất cả đại biểu dân cử (quốc hội và hội đồng nhân dân) đều bị ác chứng này. Tại sao?... Tại sao?...

Các nước tư bản, cửa văn phòng dân cử luôn luôn rộng mở, và cạnh tranh nhau tiếp đón tiếp đón cử tri một cách hân hoan, khích lệ, vì chính cử tri là người đem công việc đến cho các vị dân cử. Trái lại tại Việt Nam, văn phòng đại biểu dân cử cửa đóng then cài, qua ba bốn hàng rào song sắt có lính gác ngày đêm, vậy mà còn phải trốn chạy mỗi khi cử tri đến thăm hỏi, thật là thảm hại. Tại sao đại biểu dân cử lại run sợ trước cử tri? Phải chăng cử tri là kẻ thù của đại biểu hay đại biểu là kẽ phản bội cử tri?

V/- Vi hiến qua luật cán bộ và công chức
Theo điều 31 HP: Nhà nước tạo điều kiện để công dân phát triển toàn diện, giáo dục ý thức công dân, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật....

Điều 76 HP: Công dân phải trung thành với tổ quốc...



Điều 3 luật bầu cử đại biểu quốc hội 1997 và luật bổ sung 2001:

Đại biểu quốc hội có những tiêu chuẩn sau đây: Trung thành với tổ quốc và hiến pháp nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam...
Như vậy tất cả cán bộ, công chức phải là người gương mẫu trong việc tôn trọng hiến pháp và luật pháp. Quốc hội đã vi hiến khi thông qua điều 6 pháp lệnh về cán bộ, công chức 1998:
Cán bộ, công chức có những nghĩa vụ sau đây:

1. Trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ sự an toàn, danh dự và lợi ích quốc gia;

2. Chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của pháp luật; (3)



Qui định cán bộ công chức chấp hành nghiêm chính sách của đảng là hoàn toàn trái ngược với tinh thần sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Từ những kết quả trên có thể kết luận rằng quốc hội đã phản bội thay vì bảo vệ và trung thành với hiến pháp. Quốc hội Việt Nam hiện tại có còn đủ tư cách để tiếp tục làm trọng tài cho cuộc bầu cử sắp đến (2007) hay không? Mặt trận tổ quốc có xứng đáng đứng ra tổ chức bầu cử quốc hội nữa hay không?

B/- Chính phủ chống lại hiến pháp

Chính phủ được hình thành tổ chức theo căn bản của điều 109 hiến pháp
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam....

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.



Trên lý thuyết chính phủ phải là cơ quan có trách nhiệm đưa hiến pháp và pháp luật đi vào cuộc sống xã hội. Thực tế chính phủ đã chống lại hiến pháp từ cơ bản theo trình bày sau:

I/- Vi hiến từ thành phần tham gia chính phủ
Điều 2: hiến pháp Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Điều 11: Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội...

Điều 50: ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị... được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật.
Điều 52 : Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.



Như vậy theo tinh thần những điều khoản hiến pháp này, công dân Việt Nam có quyền sinh hoạt chính trị và có quyền tham gia chính phủ.

Thực tế người dân ngoài đảng đã bị tước đoạt quyền chính trị này. Quốc hội và chính phủ thông qua bầu cử hiệp thương chính trị để loại bỏ những thành phần ngoài đảng csvn ra khỏi cuộc bầu cử, mất đi cơ hội tham gia công việc nhà nước.

Tình trạng người dân sinh hoạt chính trị trong tinh thần hiến pháp qua sự việc ủng hộ bản tuyên ngôn tự do dân chủ cho Việt nam như Phạm Bá Hải, Nguyễn Ngọc Quang, Nguyền Văn Đài, Phương Nam Đổ Nam Hải, Nguyễn Khắc Toàn .... bị công an đánh đập, cấm xuất cảnh, trấn áp, tịch thu tài sản bất chấp hiến pháp và pháp luật là một minh chứng cho thấy chính phủ chà đạp hiến pháp một cách thô bạo.

II/- Hành vi chống hiến pháp của chính phủ

Chính phủ là cơ quan chấp hành của quốc hội (đ. 109 HP). Thế nhưng trên thực tế chính phủ đã không chấp hành mà còn chà đạp trên hiến pháp và luật pháp mà Quốc hội đã ban hành, được dẫn chứng như sau:

Điều 69 HP: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.
Điều 70 HP: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật.


Bộ luật hình sự công bố năm 2000 qui định, điều 129:

Tội xâm phạm quyền hội họp, lập hội, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Người nào có hành vi cản trở công dân thực hiện quyền hội họp, quyền lập hội phù hợp với lợi ích của Nhà nước và của nhân dân, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm...
(4)

Như vậy theo hiến pháp và luật hình sự không qui định một giới hạn nào về quyền tự do hội họp, lập hội và tự do tín ngưỡng.

Vậy mà chính phủ lại ra qui định “ tụ tập từ 5 người phải xin phép” đây là qui định phản lại hiến pháp và bộ luật hình sự, về quyền tự do hội họp, đã trình bày trên.
Chính phủ đã phá hoại xã hội khi ban hành qui định này.

- Rối loạn trật tự xã hội: một gia đình hai vợ chồng chở con đi chơi gặp một gia đình khác nơi công cộng là chuyện bình thường, thế nhưng theo qui định của chính phủ thì hai cặp vợ chồng này phải xin phép. Nếu tất cả hộ gia đình ùn ùn lên công an xin phép sẽ là một đại loạn cho xã hội.

- Chia rẽ gia đình, trái với luật hôn nhân và gia đình: thật vậy nếu hai vợ chồng mà có 3 đứa con sẽ là một điều bất hạnh khi đi ra đường sẽ phải xin phép trước mấy ngày rất là phiền phức, vậy để tránh xin phép tụ tập, gia đình đành phải chia rẽ khi đi ra ngoài xã hội. Đó là chưa kể gia đình phải phân ly khi nếu có thêm ông bà nội ngoại đi theo.

- Làm ảnh hưởng cuộc sống của tuổi thơ: Hai nhóm học sinh tan học gặp nhau ở công viên cũng phải xin phép vì trên 5 người?

- Phá hoại kinh tế: Thật vậy hai vợ chồng với hai đứa con đi taxi thì phải xin phép, vì tụ tập 5 người? Sạp bán hàng nơi công cộng, nếu có hai nhân viên bán hàng và có ba người vào mua hàng phải xin phép. Kinh tế sẽ ra sao khi các cửa hàng, sạp chợ buôn bán phải ngồi đuổi ruồi khi không được tụ tập quá 5 người?

Ngoài ra còn một vấn đề nữa đặt ra “ai” là người đứng ra xin phép trong năm người khi mà họ không hề quen biết nhau và không hẹn nhau trước? Dân oan khiếu kiện trước vườn hoa Mai Xuân Thưởng rất đông người có cùng mục đích nhưng họ là những hộ gia đình không quá 5 người, những hộ này có tư cách gì để đại diện cho hộ khác khi xin phép chính quyền xin tụ tập để khiếu kiện? Và nếu những hộ này có quá 5 người có phải xin phép không? Phải chăng một gia đình có quá 5 người đi đến nơi công cọng là một cái tội nếu không xin phép?

Hệ thống luật pháp XHCNVN chưa có điều luật nào qui định cho công dân được quyền phản ứng lại trước những luật lệ của chính phủ vi phạm hiến pháp và pháp luật. Cũng không có điều luật nào cho phép công dân phản ứng lại cơ quan công quyền về sự bác đoạt quyền tự do cá nhân.
Nhưng luật cũng hoàn toàn không cấm công dân phản kháng lại áp bức và tranh đấu bảo vệ quyền tự do đã ghi rỏ trong hiến pháp. Và quyền đấu tranh chống áp bức, bất công đã là tiền lệ và có truyền thống lịch sử qua các cuộc kháng chiến chống quân Tàu phương Bắc, cũng như thực dân Pháp.

III/- Ủy Ban Nhân dân là lãnh chúa địa phương?

Để tìm hiểu tính chất lãnh chúa địa phương của các cơ quan hành chánh địa phương, không gì hơn chúng ta tìm hiểu cơ cấu và sự hình thành của cứa tổ chức hành chánh này.

Điều 118 hiến pháp qui định :
Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau:
Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc trung ương chia thành quận, huyện và thị xã;
Huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường và xã; quận chia thành phường.

Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính do luật định.



Theo luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003,

Điều 1: Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Điều 119: Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Ủy viên. Chủ tịch Ủy ban nhân dân là đại biểu Hội đồng nhân dân. Các thành viên khác của Ủy ban nhân dân không nhất thiết phải là đại biểu Hội đồng nhân dân.
Kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn; kết quả bầu các thành viên của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.
(5)

Thực tế Hội đồng Nhân dân là một sản phẩm sao chép y như quốc hội có đầy đủ đặc tính phản bội hiến pháp và những ác chứng đã trình bày trên. Ở đây chú ý một điều là Hội đồng Nhân dân có quyền bầu ra Ủy Ban Nhân Dân.

Thủ tướng chính phủ chỉ phê chuẩn chứ không trực tiếp đề cử hay bổ nhiệm Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Và một đặc điểm nữa luật tổ chức quốc hội và luật tổ chức chính phủ không có qui định quyền bãi nhiệm chủ tịch hội đồng nhân dân và chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh. Chính vì sự thiếu sót này chính quyền địa phương là lãnh chúa một vùng thường hay đi nghịch lại chính sách quản lý của trương ương vì các tổ chức này không chịu sự chế tài trực tiếp của chính phủ hay quốc hội, kể cả chủ tịch nhà nước. Đây chính là nghịch lý của một hệ thống quản lý nhà nước mà thủ tướng Phan Văn Khải từng than là “Trên bảo dưới không nghe”.

Bằng chứng điển hình là vụ án Trịnh Vĩnh Bình việt kiều nghe theo lời kêu gọi của chính phủ nước sở tại, có ký kết hiệp ước thương mai song phương đầy đủ, bị chính quyền địa phương ăn cướp, mà chính quyền trung ương không làm gì được, vụ án này đang được tòa án quốc tế xét xử trong thời gian tới tháng 12-2006 cũng là thời điểm Việt nam bước vào WTO. (6)

Cho dù kết quả bản án ra sao chăng nữa thì bản thân vụ kiện là một minh chứng cho tệ nạn lãnh chúa địa phương bất chấp luật pháp. Sẽ còn bao nhiêu Trịnh Vĩnh Bình nữa xuất hiện sau thời gian Việt Nam mở cửa mời gọi đầu tư sau khi vào WTO? Nếu Việt Nam vẫn duy trì tình trang vô luật pháp như hiện nay.

Điểm cuối cùng cần biết là UBND xã là đơn vị hành chánh thấp nhất về mặt chính quyền, có quyền hành rộng rãi được qui định theo luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004.
Điều 18. Nội dung nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn được ban hành để quyết định chủ trương, biện pháp trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, y tế, xã hội, đời sống, văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, bảo vệ tài nguyên và môi trường, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thực hiện chính sách dân tộc và chính sách tôn giáo, thi hành pháp luật, xây dựng chính quyền địa phương trên địa bàn xã... (7)

Hiện nay, tại Việt Nam vẫn còn tình trạng, chánh án tòa án nhân dân quận huyện chưa tốt nghiệp cấp hai đã là một đại họa cho người dân. Chủ tịch, bí thư quận huyện chưa qua đại học cũng là điều bất hạnh. Nay các cấp cán bộ hành chánh xã với trình độ chống nạn mù chữ lại có thẩm quyền ban hành chính sách, nghị quyết, quyết định về mọi lãnh vực trong cuộc sống xã hội kể cả luật pháp thì hiến pháp và pháp luật không bị chà đạp mới là chuyện lạ. Đây chính là nguyên nhân của những chuyện dài thế kỷ dưới khung trời XHCN

Thực tế cho thấy mấy chục năm nay, chính quyền xã hay huyện chỉ cần vẽ ra một cái qui hoạch, hay dự án gì đó là có quyền cướp tài sản đất đai của người dân bất chấp luật pháp và hiến pháp. Tình trạng người dân bị cướp đất đội đơn thưa kiến đến tất cả cơ quan nhà nước, từ mấy đời con cháu mà không được giải quyết ở Việt Nam là một minh chứng cho tình trạng nhà nước chà đạp luật pháp và hiến pháp.

Để kết thúc, loạt bài viết trên đây có thể tóm tắt lại như sau: Chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam được phong tặng danh xưng CHA PHONG KIẾN bởi những nghịch lý là đảng cs lãnh đạo ngoài vòng hiến pháp và pháp luật. Nhà nước bao gồm các cơ quan quốc hội, chính phủ, UBND đều phản bội và chống lại hiến pháp. Người dân thì phải đấu tranh tù đày để xin được sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật.

Tất cả đều là sự thật, vì vậy mà những sự kiện sau đây xứng đáng đi vào lịch sử:

• Thời Đệ nhất Cộng Hòa, tổng thống Ngô Đình Diệm “Trấn Quốc” bằng mạng sống của chính mình: “Sau lưng hiến pháp còn có tôi”

• Thời đệ nhị Cộng Hòa, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, “Trị An” qua sấm ký: “Đừng nghe những gì cọng sản nói, mà nhìn kỹ những gì cọng sản làm”.

• Thời CHXHCN Việt Nam, Tổng bí thư đảng Nông Đức Mạnh “Bình Thiên Hạ” bằng thách thức:

“Tao là đảng cs, là cha phong kiến, là cha dân tộc, tao bán tổ quốc. Tụi bây là dân đen, sinh viên học sinh, nhà giáo, nhà báo, nhà dân chủ đấu tranh làm gì được tao nào!”

Thật hết ý!

Cali, ngày 07/09/2006


(1): http://www.vietnam.gov.vn/vanbanpq/lawdocs/L56QH.rtf?id=3409
(2): http://www.vietnam.gov.vn/vanbanpq/lawdocs/Lu?t30QH.rtf?id=10654
(3): http://www.vietnam.gov.vn/vanbanpq/lawdocs/PL2TVQH.rtf?id=14646
(4): http://www.vietnam.gov.vn/vanbanpq/lawdocs/L1CTN.rtf?id=8170
(5): http://www.na.gov.vn/vietnam/vbpl.html
(6): http://www.danchimviet.com/php/modules.php?name=News&file=article&sid=1844
(7): http://www.vietnam.gov.vn/vanbanpq/lawdocs/L31QH.rtf?id=14059.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn