BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73241)
(Xem: 62215)
(Xem: 39399)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Dân trí và dân trí Công dân

06 Tháng Năm 201112:00 SA(Xem: 1125)
Dân trí và dân trí Công dân
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Dân trí là một cụm từ Hán – Việt, trong đó dân là muốn nói nhân dân, hoặc toàn dân. Trí là trình độ mặt bằng nhận thức của người dân về tất cả các mặt của đời sống con người. Tất cả trình độ nhận thức, kinh nghiệm sống và nếp sống văn hóa cộng với kiến thức một người học được ở nhà trường, gia đình và xã hội gọi là Dân trí. Dân trí mang giá trị phổ quát cao hơn tri thức.

Dân trí Công dân ở một đẳng mức cao hơn dân trí nhân dân, vì nói đến “Công dân” là chỉ một thế hệ dân chúng trong xã hội văn minh hiện đại, mà ở đó trí tuệ mỗi người dân được trau dồi trong một môi trường khoa học và văn hóa phát triển.

Dân trí của người dân một nước cao hay thấp, phụ thuộc vào sự phát triển của đất nước, hay vùng miền lãnh thổ chứa đựng những người dân trong mình. Trong một giới hạn nào đó dân trí chính là thước đo cho sự phát triển của một vùng địa lý, câu nói “đất nước nào thì người dân ấy” là như vậy.

Dân trí Công dân là một tổng hợp các kiến thức có trong đầu người dân, nhưng nó là một tổng hòa tương đối trên mặt bằng chung. Nó không phải là số lượng người có học vị học hàm cao nhiều hay ít trong một nước. Bởi vì dân trí phải mang ý nghĩa thiết thực khi nó bằng cách nào đó đem lại ích lợi cho toàn xã hội, và cộng đồng. Tuy nhiên, tỉ lệ về trình độ học vấn trong dân chúng cũng là một tiêu chí để người ta căn cứ đánh giá trình độ Dân trí một quốc gia.

Thời Phong kiến, dân trí chỉ là vua bảo sao nghe vậy, con phải phục tùng cha mẹ hoàn toàn, là lo cơm ăn áo mặc, là lấy vợ lấy chồng, ra đường phải kính già, về nhà phải yêu trẻ, có lẽ đơn giản chỉ có vậy. Việc học hành của người dân xưa quả là xa xỉ, bởi vậy nhận thức trong con người rất sơ sài, con người dễ dàng trở thành công cụ cho kẻ cầm quyền và các thế lực hung bạo. Nhưng một khi xã hội phát triển, mà then chốt là giáo dục được mở mang, tầm nhận thức của con người có cơ hội hướng tới những đỉnh cao mới. Dân trí vì vậy cũng không ngừng được cải thiện về trình độ.

Nếu nói đến dân trí Công dân mà không đề cập đến trí thức thì là một sự thiếu sót, vì trí thức vốn là nền tảng cho sự phát triển dân trí, người xưa nói “nhân bất học bất tri lý”, tức là không có học thì không hiểu. Vậy “người có trí thức là người phát hiện những điều thuộc bản chất sự vật mà người khác không nhìn ra được”; hoặc "người có trí thức là người luôn có khát vọng tự do”, đó chỉ là những định nghĩa chung chung, khá mơ hồ. Nhưng ai cũng biết rằng kiến thức là cánh cửa dẫn đến tương lai, và một khi kiến thức đó được phổ cập rộng rãi, được đem áp dụng vào thực tiễn, thì nó mang lại một mặt quan trọng nào đó cho dân trí. 

Như vậy qua những dẫn chứng về định nghĩa tri thức trên đây. Ta thấy khá phức tạp và có khi mâu thuẫn. Nhưng có thể khẳng định tri thức là một sản phẩm của trí tuệ, của học tập, mà một con người ít trí tuệ thì sẽ ít năng lực suy nghĩ, phán đoán. Nếu suy nghĩ không trúng thì hành động sẽ sai, đó là kết quả tất yếu. Nhưng như vậy thì có vẻ như trí thức quyết định vấn đề dân trí? Đúng, nhưng không hoàn toàn. Một anh nông dân trong thời đại ngày nay biết sử dụng máy cày, biết chọn giống lúa phù hợp cho đồng ruộng của mình, biết tìm nguồn tiêu thụ sản phẩm vv.., là một người có dân trí tốt. Trong khi bản thân anh nông dân đó có khi chỉ mới biết đọc biết viết. Vậy có lẽ nên hiểu khái niệm dân trí rộng hơn, đó chính là khả năng giải quyết, thích nghi, phán đoán, nhận thức về một hay nhiều vấn đề thiết thực cho hiện tại và tương lai, đó là dân trí Công dân.

Qua ví dụ về người nông dân ở trên, có lẽ ta nên chia khái niệm dân trí ra từng lĩnh vực và nói ngắn gọn để tiện tìm hiểu:

Dân trí nông dân: Biết làm ruộng, trồng trọt, chăn nuôi có khoa học và biết tìm cách tiêu thụ sản phẩm sao cho có lãi.

Dân trí công nhân: Biết làm tốt công việc của mình một cách sáng tạo, biết đòi hỏi hoặc chấp nhận mức lương do giới chủ chi trả, biết đòi hỏi chế độ đãi ngộ như bảo hiểm, hưu trí vv…

Dân trí nhà giáo: Biết giảng dạy một cách sáng tạo, tận tụy với công việc, yêu thương học sinh, sinh viên.

Dân trí người lính: Biết rèn luyện kỹ năng chiến đấu tốt, sử dụng khí tài quân sự thành thạo, dũng cảm trong chiến đấu, thông minh trong xử lý tình huống. Người lính phải có trách nhiệm che chở, bảo vệ dân, dù đó là nhân dân nước mình hay nhân dân bất kỳ của quốc gia nào. Sẵn sàng phản chiến nếu chỉ huy ra lệnh bắn giết thường dân.

Dân trí cảnh sát: Biết rèn luyện kỹ năng trấn áp tội phạm, coi mục đích bảo vệ trật tự trị an là trên hết, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ người dân. Không ngược đãi, đàn áp dân thường, không bắt giữ người vô cớ trái pháp luật, phải luôn tâm niệm rằng trừ trường hợp phạm pháp quả tang, mọi người đều không có tội khi chưa có phán quyết của tòa án.

Dân trí nhà báo: Biết viết và đưa tin đúng sự thật, đúng bản chất vấn đề. Dân trí lái xe: Biết tôn trọng luật giao thông và luật dành riêng cho người điểu khiển xe, biết nhường đường cho các đối tượng ưu tiên, khi gặp tai nạn phải ưu tiên cấp cứu người gặp nạn.

Dân trí công chức: Biết tuân thủ nội quy cơ quan, đơn vị công tác. Biết cách hoàn thành tốt công việc của mình một cách khoa học, sáng tạo, linh hoạt và có trách nhiệm. Biết đặt ra câu hỏi với cấp trên, nếu thấy cần, biết từ chối những nhiệm vụ không phải của mình, biết đòi hỏi những đãi ngộ thuộc về mình theo quy định.

Dân trí lãnh đạo: Biết gắn mình vào tinh thần “pháp luật thượng tôn”, quan tâm đến cấp dưới, biết đề ra những kế hoạch vĩ mô khả thi và phù hợp với điều kiện và nguồn tài chính, nhưng cũng biết chi tiết vi mô để xử lý tình huống.

Dân trí bầu cử: Biết việc đi bầu cử là quyền, không phải là nghĩa vụ. Bản thân câu khẩu hiệu “đi bầu cử là quyền lợi và nghĩa vụ” đã hoàn toàn sai, bầu cử không phải là nghĩa vụ, vì chữ “quyền” đã thể hiện quyền tự do, đi bầu hay không là tùy ý. Giống như “nộp thuế là nghĩa vụ” không phải là quyền, không nộp là không được. Tỉ dụ như trong 2 đảng ra tranh cử, người ta cân nhắc và định lượng rằng, đảng nào nắm quyền cũng như nhau, thì người ta có thể không đi bầu là chuyện bình thường. Trong bầu cử người ta lại còn phải biết cách chọn lựa đúng người có đủ năng lực, đủ tài đức vv…

Dân trí chính trị: Biết chính trị không phải là cái gì cao siêu trừu tượng, nó chính là bát cơm ta ăn, chiếc áo ta mặc, lít xăng ta đổ vào chiếc xe ta đang chạy. Bởi chính trị chi phối và là nguyên nhân chính tác động đến sản xuất, đến giá cả thị trường, đến văn hóa xã hội vv.., cho nên ta cần phải có thái độ đúng mức với chính trị. Quan tâm đến chính trị chưa phải là người làm chính trị, đó đơn thuần và ít nhất, chỉ là ta quan tâm đến quyền lợi, đến cuộc sống hàng ngày của cá nhân mình và những người xung quanh…

Chỉ mới liệt kê sơ lược một vài khía cạnh dân trí như trên trong hàng ngàn công việc và mối quan hệ của cuộc sống con người, ta đã thấy việc dung nạp dân trí Công dân không hề đơn giản. Ấy là cũng chỉ mới sơ lược về nhận thức của mỗi cá nhân trong từng công việc hay nghề nghiệp của mình, chưa liệt kê đầy đủ những nhận thức cần có của mỗi người trong từng cương vị, từng hoàn cảnh môi trường sống, lao động và học tập. Mà muốn được coi là có dân trí cao ở thang bậc Công dân, mỗi người cần phải biết rõ, hoặc biết về căn bản mọi khía cạnh và góc độ dân trí cụ thể trong hàng ngàn mối quan hệ nhằng nhịt của cuộc sống. Điều đó mới thể hiện được dân trí Công dân. Quả là dân trí không phải là chuyện nhận thức sẵn có hay có nó dễ dàng chỉ trong một sớm một chiều.



Trình độ dân trí Công dân hiện nay của Việt Nam còn rất thấp. Đó là kết quả tất nhiên của lối học mất cân bằng, đối phó với thi cử, học chạy theo bằng cấp, chạy theo ngành nghề để dễ kiếm tiền, dễ làm quan, học mà chưa ghi nhớ được điều mình đã học, giống như một người ăn không đúng, không kịp tiêu hóa và không tiêu hóa nổi sẽ trở nên mắc bệnh. Muốn có dân trí Công dân, không chỉ phải phổ cập giáo dục tới bậc nào, mà chương trình học phải thiết thực, sách giáo khoa phải tinh giản, khoa học và hợp lý vv…

Trình độ dân trí Công dân Việt Nam thấp, còn do môi trường xã hội không lành mạnh. Ý thức cộng đồng không được giác ngộ đúng. Do chính sách về văn hóa xã hội của nhà nước đưa ra còn khập khiễng phiến diện, khiến con người ta chỉ lo chạy theo những nhu cầu trước mắt thấp hèn. Tình đoàn kết, tương thần tương ái chỉ thể hiện bề nổi nhằm khoa trương đánh bóng tên tuổi, hoặc vì mục đích thu lợi nhuận hay đơn giản chỉ là lấy tiếng, không thực lòng. Xã hội đang mạnh ai nấy sống, đó chính là xã hội đang tự tiêu diệt mình, tự tước đoạt sức mạnh tập thể, sức mạnh cộng đồng.

Chúng ta đã biết dân trí Công dân là trình độ nhận thức và hiểu biết chung trong cộng đồng nào đó. Nhưng thế nào, và ở mức nào của cái nhận thức đã đề cập đó thì gọi là có nhận thức Công dân? Phải chăng căn cứ vào tỉ lệ các loại bằng cấp trong xã hội? Phải chăng là cần khảo sát sự hiểu biết về nghĩa vụ và quyền hạn công dân của những người đạt 18 tuổi trở lên?

Đó chính là việc phản ứng tích cực hoặc tiêu cực về các vấn đề chính trị, khoa học, văn hóa xã hội của người dân đối với các hiện tượng. Khi ta thấy một việc xấu mà mọi người đều im lặng, không ai nói, không ai phê bình, đó là một mối lo (dân trí thấp). Khi ta thấy một người dân ngang nhiên vi phạm giao thông, đó là dân trí thấp. Khi ta thấy quan chức cứ giầu có một cách đáng ngờ mà không đồng thanh lên tiếng đòi thẩm tra, công khai tài sản của họ, đó là dân trí thấp. Khi thấy hết điều bất công nọ đến điều ngang tai trái mắt kia đập vào mắt mỗi ngày mà ta vẫn im lặng, đó là dân trí thấp. Chúng ta vẫn còn một khoảng cách rất xa mới đạt được trình độ dân trí Công dân. Những ví dụ trên phản ánh khá đúng trình độ dân trí, bất kể người đó làm nghề gì, nam hay nữ, sống ở đâu, bởi bất cứ ai, một khi muốn mình có dân trí Công dân đều phải có những hiểu biết để thực hiện tốt nhất nghĩa vụ và quyền hạn của mình.

Lê Nguyên Hồng

Theo http://congdanconghoa1.blogspot.com 
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn