BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Điểm đáng quý của thượng nghị sĩ Edward Kennedy

16 Tháng Mười Một 200912:00 SA(Xem: 1049)
Điểm đáng quý của thượng nghị sĩ Edward Kennedy
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Tháng 8 năm 2009 vừa rồi, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy qua đời, tang lễ ông được tổ chức như một lễ quốc tang của nước Mỹ.Tổng thống Obama có tới tang lễ để đọc điếu văn. Người dân Mỹ thương tiếc quí mến ông vì những chuyện ông đã làm cho nhân dân Mỹ. Ông được trọng vọng không phải vì sinh ra trong một gia đình thế gia vọng tộc mà vì chủ trương tranh đấu cho những người thấp cổ bé miệng, nghèo khổ trong xã hội . Nhìn lại cuộc đời ông từ nhỏ đến lớn thì sẽ hiểu được tại sao ông có được những chủ trương , đường lối phục vụ dân sinh, dân quyền một cách không nhân nhượng và mệt mỏi.. Tên tuổi dòng họ Kennedy danh tiếng lại càng rực sáng lên vì công lao đóng góp cuả Thượng nghị sĩ Edward Kennedy.

Giấy khai sinh ông mang tên Edward( Ted) Moore Kennedy sinh ngày 22 tháng 2 năm 1932 tạI Brơokline, Mass trong một gia đình thế gia vọng tộc giàu có. Ông là đứa con út thứ chín của ông Joseph P Kennedy Sr, một người tự lập nghiệp thành triệu phú, vốn là con cháu của những người Ái nhĩ lan di cư, ông sau đó thăng tiến trở thành đại sứ của Hoa Kỳ ở Anh. Bà mẹ ông tên Rose, là con gái của cựu thị trưởng Boston tên John F.” honey” Fitzgerald.

Mặc dù cuộc đời Kennedy là một cuộc đời quyền thế, có nhiều đặc quyền đặc ân, nó chưá đầy thảm kịch hầu như từ lúc ban đầu. Khi ông được 12 tuổi, ông anh đầu Joe jr. là một phi công hải quân bị bắn rơi trên nước Anh trong thế chiến 2. Khi ông 16 tuổi , bà chị tên Katheleen bị chết trong một tai nạn phi cơ. Trước đó, khi ông 9 tuổi,một bà chị mắc bệnh tâm thần tên Rosemary được đưa vào viện tâm thần và chết ở đó năm 2005.

Kennedy được gửi vào học ở Đại học Harvard nhưng bị trục xuất khi mới vào học vì nhờ một người bạn thi giùm môn tiếng Tây ban nha cho ông. Trường phát hiện ra và đuổi học ông.

Đây là biểu hiện đầu tiên của “ sự phán đoán lệch lạc” và đưa đến những sai lầm, hối hận, tiếc nuối , hàn gắn ở mức độ to lớn hơn sau này. Cha của Kennedy tìm cách che giấu chuyện ông bị Đại học Harvard đuổi cho đến khi Ted Kennedy tranh cử vào Thượng viện 11 năm sau.

Sau khi bị đuổi học, Kennedy gia nhập quân đội,ø leo đến chức Binh Nhất và sau đó giải ngũ trong danh dự năm 1953. Ông được Đại học Harvard nhận vào học lại và tốt nghiệp năm 1956. Ông tốt nghiệp thêm ngành luật Đại học Virginia ba năm sau đó .

Kennedy nhảy vào chính trị ngay lập tức bằng cách đi vận động tranh cử tổng thống cho ông anh John F. Kennedy ở những tiểu bang núi đá ( Rocky Mountain states ) với chức vụ giám đốc cuộc tranh cử.

Rồi ông nhận công việc phụ tá biện lý ở quận hạt Sulfolk. Mass , và năm 1962 ông ta tranh cử với bộ trưởng tư pháp Edward Mccormack về một ghế thượng viện chưa hết hạn bỏ trống khi Tổng thống John F Kennedy đắc cử tổng thống.

Cuộc tranh cử đã cho người trẻ Ted Kennedy cọ xát vói đấu thủ kỳ cựu chính trị Mccormack, là một chính trị gia lão luyện và là cháu của phát ngôn nhân Hạ viện John. W Mccormack, vốn đánh giá Ted Kennedy như là một võ sĩ hạng nhẹ chỉ biết mang cái tên dòng họ danh tiếng Kennedy.

Mccormack nói đùa với Ted như sau” Nếu tên anh là Edward Moore thay vì là Edward Moore Kennedy thì chuyện vận động tranh cử của anh chỉ là một trò cười “

Nhưng cái tên Kennedy quả có hấp lực mạnh mẽ và Ted đã thắng ở vòng đầu. Ông tiến lên và đánh bại đối thủ Cộng hòa George Cabot Lodge, vốn là con trai của cựu Thượng nghị sĩ Henry Cabot LodgeJr.

Kennedy vào Thượng viện năm 30 tuổi , là tuổi tối thiểu đòi hỏi ở một Thượng nghị sĩ

Coi như lúc đó ông có ông anh John F Kennedy đang làm tổng thống và một ông anh khác là Robert Kennedy đang làm Bộ trưởng tư pháp.

Rồi ngày 22 tháng 11 năm 1963 xảy ra…

Ted đang ở Washington thì nghe tin Tổng thống John F Kennedy bị bắn chết ở Dallas. Đây là thảm kịch đầu tiên mở màn cho một loạt những thảm kịch khác cho gia đình Kennedy.

Vào ngày 19 tháng 6 năm 1964, một chiếc máy bay tư nhân chở Ted bay từ Washington đến Springfield, Mass bị tai nạn, giết chết viên phi công và người phụ tá. Ted bị gãy lưng , bắt buộc ông phải tranh cử cho nhiệm kỳ Thượng viện đầu tiên từ giường của bệnh viện. Ông thắng cuộc tranh cử với gần 75% số phiếu bầu.

Rồi đến ngày 5 tháng 6 năm 1968, ông anh Robert của ông, lúc ấy là Thượng nghị sĩ của tiểu bang New York bị bắn tại khách sạn Ambassador ở Los Angeles vào đêm ông thắng cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ của tiểu bang California, Robert chết vào ngày hôm sau.Ted đã đọc một bài điều văn lưu loát, ca tụng ông anh Robert là một người “ tốt và khiêm tốn, thấy điều sai và làm cho đúng, thấy sự đau khổ và tìm cách làm lành lặn, thấy chiến tranh và tìm cách chận đứng nó”

Sau khi Richard M. Nixon thắng cứ sát nút năm 1968, Ted trở thành người được mến chuộng để trở thành người đối đầu 4 năm sau.

Chuyện tai nạn Chappaquiddick đã dập tắt ước vọng tranh cử tổng thống của Ted. Tai nạn này đõã chặn đứng con đường của Ted vào Tòa Bạch Ốc, đặt sự nghi ngờ vào thành tích của ông và gây tổn thất cho huyền thoại tên tuổi dòng họ Kennedy.

Câu chuyện xảy ra như sau . Ngày 18 tháng 7 Ted bay về Chappaquiddick để tham gia một cuộc đua thuyền và sau đó tổ chức một buổi tiệc có 6 phụ nữ trẻ vốn làm việc trong ủy ban vận động tranh cử tổng thống của ông anh Robert Kennedy. Chappaquiddick là một đảo nằm ngoài bờ biển Massachusette.

Theo một bản khai của Ted Kennedy được phát trên đài truyền hình toàn quốc một tuần sau khi chuyện không hay xảy ra thì bữa tiệc kéo dài cho đến sáng tinh mơ. Cô Kopeckne, một trong những người phụ trong ủy ban tranh cử muốn đi về địa điểm Martha”s Vineyard là nơi cư trú của cả nhóm. Ted Kennedy tình nguyện lái xe đưa cô ra bến phà.

Ted Kennedy kể lại chi tiết là ông quẹo sai đường và đâm xe vào một cái cầu gỗ rồi xe rơi xuống biển đang có sóng. Xe bị lật nhào. Kennedy nói trong lúc ông tìm cách cứu cô Kopeckne thì bị đụng đầu vào xe làm chấn động não. Điều đó làm cho ông choáng váng đến nỗi 10 giờ sau khi tai nạn xảy ra, ông mới báo cáo cho cảnh sát mọi chuyện. Ông biết đó là lỗi lầm không giải thích được và không thể tha thứ. Dư luận đều lên án chuyện ông báo cáo trễ nãi làm cho cô Kopeckne bị thiệt mạng nhưng ai trong chúng ta trong đời không có những giây phút đầu óc bị chấn động để rồi có những phán đoán sai lầm, gây ra sự đổ vỡ cho bản thân và những người liên hệ. Con người không phải là thánh thần và thường có những chuyện đáng tiếc xảy ra khi đầu óc bị chấn thương đưa đến lý trí phán đoán bị lệch lạc rồi sau đó phải sống với sự hối tiếc ân hận khôn nguôi.

Ted Kennedy đồng ý nhận tội là đã rời nới xảy ra tai nạn và bị tòa phạt hai tháng tù treo và bằng lái xe bị thu hồi trong vòng một năm. Ông chấp nhận giao phó số phận chính trị của ông vào cử tri.

Tổng thống Nixon cho rằng tai nạn xe cộ đó đã chấm dứt ước mơ tranh cử tồng thống của Ted Kennedy.

Kennedy làm ngạc nhiên nhiều người khi tái cử chức vụ thượng nghị sĩ Mỹ ở Massachusette dễ dàng năm 1970, dù thắng với tỷ lệ phiếu nhỏ hơn năm 1964.

Nhưng rồi đúng như Nixon tiên đoán, vụ tai nạn làm chết người nữ thư ký đã dập tắt ước mơ tranh cử tồng thống khi Ted thực tâm muốn ứng cử năm 1980. Ted Kennedy có tranh cãi với Tổng thống Carter về bảo hiểm y tế toàn quốc và chính sách về năng lượng nhưng quyết định thách thức một nhân vật thuộc Đảng Dân chủ đang cầm quyền là chuyện gây ngạc nhiên.

Nhưng rõ ràng ngay từ đầu Ted Kennedy đã tính toán sai lầm rằng câu hỏi về vụ tai nạn Chappaquiddick sẽ không được nhắc đến nữa.

Ted Kennedy phục vụ 44 năm trong Thượng viện và được coi như một trong những thượng nghị sĩ phục vụ lâu nhất trong thượng viện. Ông cho biết lá phiếu phản đối chuyện Tống thống Bush con đem quân vào Iraq là lá phiếu đẹp và đáng nhớ nhất trong cuộc đời thượng nghị sĩ của ông. Sau này có thấy sự thiệt hại nhân mạng của quân nhân Mỹ quá cao trong cuộc chiến Iraq, Mỹ coi như bị sa lầy ở chiến trường Iraq, mất mặt với thế giới vì chuyện không tìm thấy vũ khí huỷ diệt lớn mà Mỹ đõã coi như lý do chính để đánh Iraq thì mới thấy sự sáng suốt của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy

Ông gây nên sự phấn khởi mạnh mẽ vào đêm khai mạc Hội Nghị Toàn Quốc của Đảng Dân Chủ ở Denver vào tháng 8 năm 2008 bằng sự xuất hiện bất ngờ và đọc một bài diễn văn được các đại biểu tham dự hoan nghênh nhiệt liệt. Nhiều người rơm rớm nước mắt vì cảm động.

Dáng đi của ông khập khiểng nhưng giọng nói mạnh mẽ khi tuyên bố, “ Các bạn trong Đảng Dân Chủ của tôi thân mến, nhân dân Mỹ yêu quý, thật là một điều kỳ diệu cho tôi được có mặt nơi đây, và không có gì có thể ngăn cản tôi đến buổi tụ họp đặc biệt tối hôm nay. Tôi đến đây tối hôm nay cùng đứng lên với các bạn để thay đổi nước Mỹ, tái lập tương lai của nó, đi theo nhïững lý tưởng tốt đẹp nhất của chúng ta và để bầu Barack Obama trở thành tổng thống của nước Mỹ.

Thượng nghị sĩ Kennedy đứng ngay hay gần trung tâm của lịch sử nước Mỹ vào cuối thế kỷ 20 và những năm đầu của thế kỷ 21. Hầu hết cuộc đời của ông, ông đi từ chiến thắng cho đến tai họa, ông chiến thắng ở mỗi kỳ bầu cử thượng viện và chỉ thất bại trong chuyện chạy đua vào tòa Bạch Ốc. Ông chứng kiến những cái chết bất thình lình của những anh trai ông và 3 đứa cháu. Ông có trách nhiệm về cái chết của một cô gái trẻ tên Mary Jo Kopechne ở hòn đảo Chappaquiddick, vốn là một phụ tá của ông anh Robert của ông. Một trong những dứa cháu là John F Kennedy, con trai của Tổng thống Kennedy, được gia đình nuôi hy vọng sẽ theo đuổi sự nghiệp chính trị và giữ cho truyền thống Kennedy sống mãi, đã chết trong một tai nạn phi cơ năm 1999 khi vừa mới 39 tuổi.

Bản thân Ted Kennedy cũng suýt chết năm 1964 trong một tai nạn phi cơ . Ông bị đau lưng và cổ vĩnh viễn từ tai nạn này.

Ông được coi là một gương mặt trăng hoa trong thượng viện, và trong đời thường ông được dễ dàng nhận ra bởi mái tóc trắng bạc phơ, cái mặt to quá khổ thường đỏ ửng, đôi giầy Boston to lớn, bước đi mạnh nhưng khó nhọc , vất vả. Ông là một người nổi tiếng, đôi khi ông hay tự trào, một người bạn hết lòng, một đối thủ không xiêu lòng, một người có đức tin mạnh và lỗi lầm lớn, một cá tính u buồn nhưng chịu khó kiên trì, uống rượu mạnh và hát to. Ông quả đúng là một Kennedy!

Kennedy có ít ảnh hưởng đến chính sách ngoại giao quốc tế mà chỉ tập trung nhiều đến những vấn đề quốc nội, nhưng khi ông phát biểu về những vấn đề quốc tế, tiếng nói ông có ảnh hưởng mạnh mẽ . Ông hướng dẫn nỗ lực quốc hội ban hành chuyện cấm vận Nam Phi vì vấn đề phân biệt chủng tộc ( Apartheid), thúc đẩy hòa bình ở Bắc Ái nhĩ lan ( North Ireland), chiến thắng về chuyện cấm bán vũ khí cho bọn độc tài ở Chí Lợi ( Chile) và lên án cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Năm 2002, ông bỏ phiếu chống lại chuyện đem quân Mỹ vào Iraq của Tống thống Bush con và ông đánh giá lá phiếu chống đối này là “ lá phiếu hay ho, tốt đẹp nhất mà tôi đã bầu trong suốt 44 năm ở thượng viện”.

Những thành tích tranh đấu cho dân quyền , dân sinh có tính cách ích quốc lợi dân của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy được ghi nhận như sau:

Ông nhiều lần đưa ra dự luật tăng tiền lương tối thiểu ( minimum wage) từ những năm đầu của thập niên 1970, ông làm luật đưa đồ ăn bằng xe đến cho những người già lão ( Meals on Wheels). Ông cũng có ảnh hưởng nhiều trong chuyện cải tổ những luật về di dân ( immigration laws).

Năm 1982, ông giúp cải tiến Luật bầu cử năm 1965 và là tác giả chính của luật dân quyền năm 1991, vốn phản bác lại quyết định của Tối Cao pháp viện vốn làm cho dân thiểu số gặp khó khăn để thắng kiện tụng khi có sự kỳ thị công việc do công ty đề ra.Năm 1990, ông làm việc với Thượng nghị sĩ Robert J. Dole giúp những người tàn tật có nhiều cơ hội hơn để kiếm được việc làm. Năm đó, ông là tác giả của luật mang tên Ryan White nhằm cung cấp ngân quỹ cho văn phòng y tế cộng đồng làm việc.

Và bất cứ dự luật ý tế nào được thông qua ở quốc hội cũng đều có dấu ấn của Ted Kennedy. Do đó Hội giáo dục quốc gia ( National Education Assn) quyết định trao tặng giải thưởng cao quý nhất cho ông năm 2000.

Theo hướng đi của ông anh Robert, ông là người chống đối ngay từ đầu về sự tham chiến của Mỹ vào Việt Nam vào thập niên 1960. Vào thập niên 1970, ông phê phán chính sách năng lượng của Tổng thống Carter. Năm 1987, ông là nhân vật chính đánh bại ứng cử viên bảo thủ Robert H. Bork vào Tối cao pháp viện do Tổng thống Reagan đề cử. Ông chỉ trích và lên án nặng nề sự đề cử của Tổng thống Reagan trên diễn dàn Thượng viện. Ông cũng chống đối Tổng thống Reagan về sự cắt giảm những chương trình xã hội. Năm 1989, Ted Kennedy phản đối kịch kiệt Tổng thống George H. W Bush( Bush cha) về chuyện tấn công bất ngờ vào Panama để lật đổ nhà độc tài có nhiều quyền thế Manuel Noriega.

Năm 1993, Ted Kennedy làm việc hăng say với Tổng thống mới được bầu Bill Clinton để làm một luật cho phép nhân viên lấy ngày nghỉ hầu lo cho con mới sinh hay đối phó với chuyện đau ốm trong gia đình. Và năm 2001, ông cùng làm việc với Tổng thống George W. Bush ( Bush con) để làm luật “ Không bỏ rơi đứa bé nào” ( No child left behind legislation) để tăng cường thêm những tiêu chuẩn về giáo dục bằng cách nâng cấp những bài thi và những chương trình khuyến khích liên bang dành cho những trường địa phương.

Cho dù Đảng Dân chủ ở vị trí đa số hay thiểu số. Kennedy vẫn đóng vai trò tích cực và nói thẳng , nói thật , đôi khi ông mắng nhiếc chính phủ đã không chú ý đến những vấn đề xã hội.Ông luôn tranh đấu cho người nghèo, người bị hành hạ hay bị tước đoạt quyền sống. Những mục tiêu đấu tranh cho người dân thấp cổ bé miệng đã là điểm son không phai mờ của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy.

Người dân quý mến ông không phải ông sinh ra trong gia đình thế gia vọng tộc, quyền quý mà là những nỗ lực ông tranh đấu cho những người yếu thế, nghèo đói trong suốt cuộc đời làm thượng nghị sĩ của ông.

Một người bạn đồng viện của ông là Thượng nghị sĩ Cộng Hòa John McCain, cùng là thượng nghị sĩ nhưng có những đường hướng chính sách theo đuổi khác nhau. Ông McCain cũng sinh trưởng trong gia đình thế gia vọng tộc như Kennedy. Cha ông là một đề đốc hải quân. Nhưng trái với Ted Kennedy , McCain luôn tìm cách làm những luật lệ có lợi cho giới thượng lưu , giàu có chẳng hạn như tìm cách giảm thuế cho giai cấp ăn trên ngồi trước này . Và McCain luôn tìm cách bỏ phiếu cắt bỏ những chương trình đem lại phúc lợi cho người nghèo. Chuyện ông McCain cực lực chống đối chương trình bảo hiểm y tế toàn dân của Tổng thống Obama đã không làm cho ai ngạc nhiên vì đó là con đường đi của ông cũng như những đảng viên Cộng Hòa khác từ trước đến nay. Ông McCain sống quá sung sướng, giàu sang nhưng ông không bao giờ biết nghĩ đến những người dân khác kém may mắn đang sống trong sự bần hàn, nghèo khổ. Có lẽ chỉ có giới giàu sang mới ủng hộ cho ông mà thôi vì ông đem làm quyền lợi cho chúng nó. Đơn giản có vậy thôi !

Từ mấy chục năm nay, nếu quan sát cách hành xử của phe Dân Chủ và Cộng Hòa qua những dự luật được thông qua đến quốc hội liên quan đến đời sống của toàn dân, người ta có thể nói mà không sợ sai lầm là Đảng Cộng Hòa là đảng của người giàu và Đảng Dân Chủ là đảng của người nghèo. Người ta chưa quên Tổng thống Bush con đã tàn nhẫn phủ quyết dự luật bải hiểm y tế cho 10 triệu trẻ em Mỹ lúc ông Buch con còn đương nắm quyền.

Cộng Hòa ( nói chung tổng thống, dân biểu, thượng nghị sĩ ) luôn tìm cách cắt bỏ những chương trình xã hội của giới người nghèo và tìm cách bảo vệ quyền lợi cho giai cấp giàu có.Đảng Dân Chủ chủ trương lấy tiền của giới giàu có đem vào ngân sách phục vụ người nghèo. Tổng thống Obam công khai tuyên bố ông phải tăng tiền dánh thuế lợi tức vào giới giàu có để có đủ tiền làm chương trình bảo hiểm y tế cho toàn dân. Chuyện như vậy là quá rõ ràng về cách hành xử của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ về phương cách điều hành ngân sách chi tiêu cho những chương trình xã hội của quốc gia.

Trước đây có một bình luận gia có sự so sánh lý thú giữa Tổng thống Cộng Hòa Reagan ( Mỹ) và Tổng thống Mitterand ( Pháp ) như sau:

“ Tổng thống Reagan lấy tiền của người nghèo chia cho người giàu trong khi Tổng thống Mitterand lấy tiền của người giàu chia cho người nghèo.”

Cho nên điểm đáng quý của Thượng nghị sĩ Ted Kennedy là dù sinh trưởng trong gia đình vinh hoa phú quý, ông luôn hướng về và tranh đấu cho quyền lợi của những người yếu đuối, nghèo hèn trong xã hộiï. Nghe tin ông qua đời, nhiều người dân Mỹ đã khóc vì thương tiếc một người dân cử tận tụy có tấm lòng nhân ái và bao dung bao la. Ông xứng đáng được nười dân Mỹ kính mến và ngưỡng mộ sâu xa.

Thật ra trong cuộc đời không phải cứ xuất thân trong gia đình thế gia vọng tộc, giàu có, danh tiếng là đương nhiên được mọi người kính nể. Muốn tạo được sự kính nể, phải tự xây dựng tên tuổi của mình bằng những hành động ích quốc lợi dân chứ hào quang của dòng họ, gia đình không bảo đảm được sự ngưỡng mộ của người đời dành cho người ấy.

Ngay cả loại người xuất thân từ dòng dõi “ con vua cháu chúa “ cũng chưa chắc tạo được sự kính nể của người dân nếu người ấy tư cách không ra gì. Học giả Nguyễn hiến Lê là một công dân nước việt Nam mà ông không hề tỏ sự kính trọng vua Bảo Đại mà trái lại ông tỏ vẻ rất coi thường vị vua này vì vua Bảo Đại đã có những hành vi bất xứng trong khi vận nước đang hồi đảo điên, nghiêng ngữa.

Ông Lê ghi rõ cảm tưởng chán ngán của ông về vua Bảo Đại như sau”

“ ..Tôi nghe anh nói cũng có lý. Tôi vốn không ưa Bảo Đại. Hồi ông mới được Pháp đưa về để lên ngôi, vào năm 1932 thì phải, trong dịp Bắc tuần ông lại giảng đường Đại học Bobillot để nói ít lời vói sinh viên. Tôi thấy ông chít khăn vàng, bận áo gấm vàng, thân hình to lớn, nét mặt hơi thô, ông ngượng nghịu, ngoáy ngoáy cái cổ như thể cổ áo chật, lung túng móc túi, mãi mới lấy ra được một miếng giấy nhỏ, rồi cầm đọc, đại ý khuyên sinh viên chúng tôi rán học để giúp nước và ông hứa sẽ dành nhiều cảm tình cho chúng tôi. Tội nghiệp, chỉ có dăm hàng tiếng Pháp mà cũng không thuộc lòng được. Nhưng lúc đó tôi cũng nghĩ dù sao ông cũng còn hơn Khải Định.

Khi ông từ ngôi vua, đọc mấy lời tuyên bố với quốc dân, gợi được cảm tình của nhiều người. Nhưng trong chiến tranh với Pháp, được Pháp đưa về một lần nữa để làm Quốc trưởng, ông bay tuốt lên Đà lạt, Ban mê thuột ở lỳ trên đó, đóng cái vai “ play-boy” thì tôi đâm khinh ông. Tư cách của ông không bằng Thủ tướng Thinh. Năm 1955, tôi không muốn ông cầm quyền nữa: hạng play-boy thì với Pháp hay với Mỹ cũng vẫn chỉ là play-boy: Mỹ giàu, vung tiền cho ông nhiều thì ông lại càng play-boy gấp hai , gấp ba nữa, chẳng được việc gì đâu.”

( Trích “ Con đường thiên lý” nhà xuất bản Văn Nghệ, Hoa Kỳ trang 201)

Một ông vua như vua Bảo Đại xuất thân từ chốn cung vàng điện ngọc, con vua cháu chúa không tạo nổi sự kính trọng của người công dân Nguyễn hiến Lê vì cách ứng xử vô trách nhiệm trong lúc đất nước nguy biến thì có sá gì những người xuất thân từ những gia đình thế gia vọng tộc như Thượng nghị sĩ McCain cũng khó tạo được sự kính nể của người dân Mỹ vì suốt ngày ông đi phục vụ cho giai cấp tài phiệt giàu có mà dửng dưng vô tình không chú ý đến quyền lợi dân sinh của tầng lớp người lao động nghèo khổ, người tàn tật đáng thương trong xã hội Mỹ. Sự quyền quý, giàu có , xa hoa của gia đình mà một người xuất thân không bảo đảm được sự nghiệp chính trị huy hoàng và tiếng tăm lừng lẫy mà người đó để lại cho đời.

Tóm lại, Thượng nghị sĩ Ted Kennedy được nhiều người thương tiếc, kính mến vì những hoạt động tranh đấu cho lớp người cùng cực, đói khổ bị nhiều bất công trong xã hội chứ không phải vì ông xuất thân từ gia đình dòng họ quyền quý . Đó là điểm nổi bật đáng quý của ông. Dòng họ Kennedy lại càng rực sáng vì những đóng góp của Ted Kennedy cho xã hội và người dân Hoa Kỳ. Danh tiếng của một dòng họ chỉ sáng chói khi được những người trong dòng họ đó xây dựng bằng những hành động ích quốc lợi dân chứ không phải thứ lớp son hào nhoáng quý tộc có từ lâu đời.

Khi một người xả thân tranh đấu không mệt mỏi cho quần chúng để mang lại những lợi nhuận thực tiễn cho đám đông đang bị thiếu thốn, khốn khó đang cần sự giúp đỡ, người ấy đã tự mình khắc tên mình lên bảng vàng ở đài tưởng niệm quốc gia và được nhân dân kính mến, tưởng nhớ mãi mãi. Ted Kennedy là một trong những người đó và chắc chắn không phải là người duy nhất của đất nước Hoa Kỳ có được vinh dự đó.

Los Angeles, một chiều yên tĩnh, hiu hắt đầu tháng 11 năm 2009
TRẦN VIẾT ĐẠI HƯNG

-Email: dalatogo@yahoo.com. Địa chỉ email này đang được bảo vệ khỏi chương trình thư rác, bạn cần bật Javascript để xem nó
( Muốn đọc những bài khác của Trần viết Đại Hưng, xin vào http://www.nsvietnam.com/ rồi bấm vài tên Trần viết Đại Hưng nằm bên trái.

Hay vào http://www.hung-viet.org , bấm vào hàng chữ Nhân vật-tác giả nằm bên trên, rồi bấm vào tên Trần viết Đại Hưng)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn