BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Lại thư ngỏ 2001

07 Tháng Mười Một 200112:00 SA(Xem: 1154)
Lại thư ngỏ 2001
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Lời giới thiệu

 

Từ cuối tháng 09 năm 2001 đến nửa đầu tháng 11 năm 2001 tại Hà Nội và Việt Nam nói chung có 3 tờ báo của "lực lượng sức mạnh" là: Báo Nhân Dân, Báo Quân Đội Nhân Dân và Báo Công An Nhân Dân của chế độ đã liên tiếp cho công bố những bài báo có nội dung đả kích quyết liệt những tiếng nói đòi dân chủ tự do và đổi mới thể chế chính trị trong nước. Những bài báo đó không nêu cụ thể đích danh tên ai nhưng người đọc nếu theo sát tình hình thời sự, nhất là diễn biến của cuộc tranh đấu đòi tự do dân chủ đang diễn ra ngày một quyết liệt và cam go trong nước, thì thấy rất rõ địch thủ mà các cơ quan tuyên truyền hàng đầu của ĐCSVN là nhắm vào trước hết những nhân vật lão thành Cách mạng, các thành phần trí thức, cựu chiến binh có tư tưởng tiến bộ đòi canh tân đất nước và dân chủ hoá toàn diện đời sống xã hội.

Tướng Trần Độ là một công thần lớn, một lão thành Cách mạng có tên tuổi của Đảng và nhà nước Việt Nam. Người đã từng giữ những trọng trách quan trọng của bộ máy quyền lực, từ kháng chiến chống Pháp đến cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn sau này (1954 - 1975). Từ chính uỷ quân khu tả ngạn đến phó chính uỷ "quân giải phóng miền Nam Việt Nam". Chiến tranh kết thúc, ông đã giữ cương vị là trưởng Ban tuyên huấn Trung ương (Nay gọi là Ban văn hóa tư tưởng), đến Phó chủ tịch Quốc Hội. Ông liên tiếp là Uỷ viên trung ương Đảng của nhiều khoá, đồng thời cũng được thưởng nhiều huân chương công trạng, cao nhất là huân chương Hồ Chí Minh. Ông là vị tướng xông pha nơi chiến trường đồng thời cũng là một nhà văn hoá lớn. Ngay từ những thập kỷ 80 ông đã sớm có đầu óc cấp tiến và dân chủ, nên trong cương vị đứng đầu ngành Văn hoá-tư tưởng của bộ máy Đảng, ông đã có nhiều đề xuất nhằm cởi trói cho văn nghệ sĩ để khởi động cho công cuộc tự do, dân chủ hoá trong sáng tác văn nghệ. Chính vì cái "tội cấp tiến" đó nên ông cũng sớm bị các cơ quan kiểm soát về an ninh tư tưởng của Đảng kiềm tỏa và gạt bỏ dần khỏi bộ máy quyền lực mà cụ thể là đích thân Lê Đức Thọ và nhiều những nhân vật chóp bu khác của ngành Văn hóa-tư tưởng chế độ như: Hoàng Tùng, Hà Xuân Trường, Trần Trọng Tân, Trần Hoàn… a dua đánh hội đồng. 

Từ suốt Đại hội Đảng VII, VIII, IX đến nay ông liên tiếp cho phổ biến những bài viết, những phát biểu quan trọng lên tiếng đòi Đảng CS Việt Nam phải mạnh dạn đổi mới hơn nữa, phải dân chủ hoá toàn diện đời sống chính trị - kinh tế - xã hội - văn hoá nước nhà. Phải đánh giá và nhìn nhận lại những sai lầm, hoặc tội lỗi của Đảng trong quá khứ để lột xác hoá thân thành một lực lượng chính trị tiến bộ theo kịp đà của xu thế thời đại. Thậm chí, nếu cần thiết phải đoạn tuyệt vĩnh viễn với cái gọi là con đường xây dựng "xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đã lựa chọn" để xây dựng một xã hội mới phú cường và dân chủ tiến bộ. Chính vì những tiếng nói đầy can đảm đó mà bản thân ông cũng đã phải gánh chịu biết bao nhiêu những tai ương, hoạn nạn do chính cái chế độ mà ông đã góp phần xây dựng bằng xương máu đem lại. 

Nặng nề nhất là đầu năm 1999, ông đã bị khai trừ ra khỏi Đảng, từ năm 1996-1997 đặc biệt là đầu năm 1998, ông liên tiếp bị các cơ quan tuyên truyền hàng đầu của chế độ công kích và đả phá dữ dội. Sự kiện này đã trở thành một chiến dịch rầm rộ bôi nhọ, xuyên tạc về ông nói riêng và cả những nhân vật lão thành và trí thức tiến bộ khác. Dưới con mắt của Đảng, tướng Trần Độ không chỉ là một cái gai khó nhổ, khó khuất phục mà còn được xếp là một nhân vật chống đối chế độ hàng đầu. Đối với nhân dân trong nước và dư luận nói chung, tướng Trần Độ cùng với các vị lão thành khác như: Hoàng Minh Chính, Nguyễn Hộ, Nguyễn Văn Trấn, La Văn Lâm… được coi là những ngọn cờ đầu của phong trào tranh đấu đòi dân chủ và tôn trọng nhân quyền. 

Tháng 06 năm 2001, nhân chuyến vào Nam thăm con trai, ông đã dành hẳn sáu tháng để viết tập nhật ký ghi lại những cảm xúc, suy nghĩ của mình về Đại hội Đảng IX và những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời. Đánh giá được tầm quan trọng của tập nhật ký này cũng như tiếng nói từ bấy lâu nay của ông nên Công An Sài Gòn đã tổ chức đánh cướp tập bản thảo nhật ký. Từ sự kiện này ông lâm bệnh ngã khuỵu, gẫy xương hông, xương đùi rất trầm trọng. Thời gian gần đây tuy bệnh tình chưa hề hồi phục, sức khoẻ còn rất yếu, chưa thể sinh hoạt bình thường được nhưng ông vẫn cố gắng dành thời gian viết bài dưới đây để đáp lại những công kích của các bài báo đang đăng tải ráo riết và tràn lan tại Việt Nam. 

Tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc. 

Cựu chiến binh Trần Minh Tâm:
25 Phan Đình Phùng – Phường. Quan Thánh – Quận Ba Đình – Hà Nội.Người đã tham gia cuộc nội chiến "nồi da xáo thịt" (1954-1975). 


 
Gửi các báo, tiếp theo và nhắc lại một phần thư ngỏ 1998

 Mùa thu năm nay (2001) lại có một sự việc diễn ra giống hệt mùa hè năm 1998: Các cơ quan "Công tác tư tưởng" rộ lên một đợt phê phán các "quan điểm sai lầm" và vạch trần các "âm mưu". Tôi đã được thấy 5 bài trên báo Nhân dân và báo Quân đội Nhân dân. Tôi đọc được 3 bài mà tôi chú ý còn những bài khác thì không cần đọc cũng "biết rồi…", kể cả những bài chắc sẽ xuất hiện trên "Tạp chí Cộng sản" và "Tạp chí Công tác tư tưởng". 

  
Đợt phê phán này chưa rầm rộ bằng năm 1998 (năm đó tôi được thấy hơn 30 bài trên các báo trong vài tháng) và tôi đã có "một bức thư ngỏ gửi các báo". Nhưng không báo nào công bố (không dám công bố hay là theo một chính sách là không chấp nhận ý kiến tranh luận). Hình như những người phê phán cũng không tin tưởng lắm vào các lý lẽ của mình.

 
Năm nay, tôi định không quan tâm vì tôi thấy "Trò chơi" đã cũ và nhàm chán rồi. Tôi biết chắc là số người ngán ngẩm và chế riễu sự phê phán năm nay nhiều hơn năm trước. 

Nhưng vì sự phê phán nhằm vào và đụng đến nhiều người mà tôi quen biết và kính trọng (cả những người lớn tuổi và những người ít tuổi (ít hơn cả tuổi các con tôi)). Và sự phê phán có mấy điểm hồ đồ cố ý một cách quá ngu xuẩn. Tôi không thể không lên tiếng. Nhưng vì nó quá cũ, nên tôi chỉ nói vài điểm cần nói, còn thì tôi đã nói trong thư ngỏ năm 1998, nay chỉ trích lại cho vui thôi. Những điểm hồ đồ chủ yếu nằm trong 2 bài báo mà tôi gọi tắt là bài: "…Thực chất"… (1) và bài "… Chiêu bài…" (2), thêm bài nữa, tôi gọi là bài: "…Phủ định"…(3)… 

Lý sự chủ yếu của đợt phê phán này tóm tắt là: 

………. 

"Những người "kêu gọi dân chủ" và "tìm đường phát triển đất nước là chỉ giương những chiêu bài để làm việc thực chất là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa".
"Đó là những con người bất mãn bị những lực lượng thù địch lợi dụng để chống Đảng và chống CNXH"


Nghe thống thiết ghê chưa???!!! 

Tôi buộc phải nói vài ý kiến. 

1. Về cái gọi là "bất mãn" 

Sự phê phán cho rằng: những đòi dân chủ là những người bất mãn. 

Vậy họ bất mãn với ai và bất mãn cái gì ?
Nếu họ bất mãn và tôi chắc họ cùng bất mãn thật, đó là họ bất mãn với tình trạng không dân chủ, và bất mãn với tình trạng chậm chạm và tụt hậu của đất nước.

Nhưng những người phê phán tức là những nhà tư tưởng thì suy bụng ta ra bụng người, cho rằng có sự bất mãn về quyền lợi và địa vị. Vì những người trăn trở với con đường phát triển và dân chủ đều là những công thần lớn nhỏ. Nhưng tôi cũng suy bụng ta ra bụng người hiểu rằng các công thần đều đã được đền công xứng đáng và đều đã bằng lòng. Thực ra sau thắng lợi ít lâu tôi gặp bạn bè cũ, cũng nghe được nhiều tiếng nói phàn nàn về đời sống và những so sánh công lao hưởng thụ của những người này và những người khác, những thiệt thòi và những may mắn. 

Nhưng càng về sau, (nhất là thời gian gần đây) tôi gặp lại bạn bè, thăm hỏi thì ai nấy đều có cuộc sống ổn định và tương đối đầy đủ. Đó là vì hai yếu tố: 

a/ Các chính sách đền ơn đáp nghĩa được đi vào nề nếp 

b/ Ai nấy con cái đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định có thể bù đắp cho bố mẹ. Trước đây khi con cái còn bé nhỏ, hoàn cảnh nheo nhóc nuôi nấng tốn kém, đời sống kinh tế không bằng bây giờ. Nhưng không vì thế mà bằng lòng được với trạng thái mất dân chủ và tình trạng tụt hậu chậm chạm của đất nước. Còn những thanh niên, trung niên thì họ chưa có lý do gì để bất mãn. Tôi cho rằng không thể không tin vào sự trăn trở, đầy trách nhiệm của họ. Đó là điều rất rõ ràng. 

Có những người phê phán lại cho rằng: Các công thần không biết điều, đã được hưởng các chế độ đãi ngộ còn không biết cám ơn chế độ XHCN, không biết cám ơn Đảng và Nhà nước. 

Sao lại có những suy nghĩ thấp kém đến như vậy? Những công thần đã cám ơn Cách mạng bằng cả những năm tháng thanh xuân, những xương máu của chính mình và những tính mạng của những người thân. Nay là lúc Cách mạng có dịp đền ơn họ. 

Người phê phán dám cả gan tự cho mình có quyền ban phát ân huệ cho các lão thành. Như có một anh chàng Công an (lại Công an !) dám tuyên bố: 

"- Tôi đã nhân đạo lắm với ông X (một người đòi dân chủ) rồi, tôi không bắt ông ấy lại còn để nguyên cho ông ấy được hưởng các tiêu chuẩn đã có…). Thật là láo xược! 

Cũng anh Công an này, khi có người hỏi anh giữ tôi dựa theo luật nào? Điều mấy của Bộ luật hình sự, hay Hiến pháp thì anh ta tự chỉ vào mồm và tuyên bố: "Luật là ở mồm tao đây" và "mồm tao là luật". Thật là nhục nhã cho Công an XHCN. 

Đó là một sự hỗn láo thô bỉ của người "chuyên chính vô học". Không biết đó là con sâu làm rầu nồi canh hay chính nồi canh đã làm rầu các con sâu. Và nồi canh ấy còn tự nhận là dân chủ được hay không??? 

2. Về cái gọi là Phủ nhận. 

Những người phê phán lớn tiếng rằng: Các người đòi dân chủ Phủ nhận thắng lợi của Cách mạng, rồi suy diễn. 

Phủ nhận thắng lợi, tức là phủ nhận CNXH, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng, phủ nhận Đảng và như vậy là có âm mưu thực chất là đy con đường Tư bản chủ nghĩa là liên lạc với nước ngoài, là phản bội tổ quốc… 

Ghê chưa??? Khủng khiếp chưa??? 

Tôi chỉ xin hỏi lại vài câu với ông phê phán ấy: 

Ông hãy chỉ rõ: - ai đã phủ nhận? Và Phủ nhận cái gì? 

Tôi biết là ông không nói được đâu, ông chỉ quy chụp rất hồ đồ và (xin lỗi) rất ngu xuẩn! 

Cách mạng Việt Nam thắng lợi, cả thế giới công nhận và mỗi người Việt Nam đều tự hào. Các người đòi dân chủ cũng là người Việt Nam và hơn nữa là những người đã có ít nhiều làm nên thắng lợi đó. Họ phủ nhận thắng lợi là phủ nhận chính bản thân họ à?- Họ chỉ có phàn nàn về sự nói thắng lợi quá nhiều, quá dài, quá lâu, quá nhiều lần và cứ làm như có thắng lợi đó rồi thì bây giờ làm cái gì cũng "thắng lợi vẻ vang" cả. Cứ nói đến thắng lợi, dùng cái thắng lợi đã qua để che lấp những thất bại ngày nay và che lấp những tình trạng mất dân chủ, tình trạng lạc hậu và tụt hậu thê thảm của đất nước. 

Những người đòi dân chủ yêu cầu: đừng dùng những thắng lợi đã qua để che lấp thất bại ngày nay. 

*** 

Còn ngày nay có cái gì cần phủ nhận hay không??? Có phải Đảng và Nhà nước hiện nay ở các Nghị quyết và chính sách đều tỏ ra quan tâm đến vấn đề dân chủ chống tham nhũng, tình hình tụt hậu và lạc hậu? 

Đảng và Nhà nước nói nhiều, vậy thì những người đòi dân chủ cũng bàn về những vấn đề ấy. 

Bàn những vấn đề ấy mà người này nói thì là "đường Chiêu bài", Nhà nước nói lại là thực chất… 

Vậy tôi thử hỏi: 

a/ Từ khi có chữ dân chủ thêm vào khẩu hiệu chiến lược mà Đảng đang nêu cao: "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh" thì Nhà nước ta đã làm được gì cho nền dân chủ nước nhà khá hơn? 

b/ Từ khi (từ lâu lắm rồi) Đảng và Nhà nước (Chính phủ, Quốc hội) và Tổng bí thư lớn tiếng kêu gọi đấu tranh chống tham nhũng. Thế mà có người hăng hái hưởng ứng tích cực hành động để chống tham nhũng thì bị coi là phạm tội "An ninh quốc gia" bị bắt bớ, bị mời gọi thẩm vấn, bị đem ra đấu tố ở tổ dân phố để hạ nhục. 

- Vậy thì ai phủ nhận ai?
- Cáigì phủ nhận cái gì?
- Ai là "giương Chiêu bài"(tức là nói một đằng làm một nẻo)?
- Ai là thực chất? 

Hãy trả lời thẳng vào các câu hỏi cụ thể của tôi xem. Đừng quen dùng "lưỡi gỗ" và "nói lấy được" mà nhắc lại những điều cổ lỗ sĩ? 

*** 

Về vấn đề Phủ nhận, các người phê phán "vạch trần" rằng những người đòi dân chủ, chỉ giương chiêu bài dân chủ, còn thực chất là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thế thì phải hỏi các ông mấy câu thế này: 

1. Các ông cho đi theo con đường TBCN (tư bản chủ nghĩa) là theo con đường phản động, phản XHCN. Vậy thì các ông nói TBCN nào ? 

Các ông có thấy Mác phân tích và phê phán CNTB của thế kỷ 18, 19 nữa, mà nay là thế kỷ 21 rồi. Bây giờ nhiều người đã nhìn nhận hiện trạng thế giới là đang đi vào Hậu TBCN, cũng là Hậu hiện đại. Nước ta ở vào trạng thái là từ tình trạng: Tiền TBCN phải tiến thẳng đến Hậu TBCN mà phải tiến thẳng tiến nhanh. Tình thế bắt buộc nước ta phải như thế chứ cũng chẳng cần "học thuyết" và "sáng tạo" nào cả. 

Từ tiền TBCN nghèo đói và lạc hậu mà đòi tiến thẳng lên CNXH là một chế độ kinh tế chính trị cao hơn TBCN chỉ là một ảo tưởng. Đang nghèo khổ lạc hậu mà định hướng XHCN lại càng là ảo tưởng! 

Phải tìm cách cho đất nước phát triển và phát triển nhanh. 

Tình thế ta bắt buộc phải tiến nhanh, nếu tiến chậm thì chỉ đi vào con đường chết. 

Có nhà phê phán trong một bài dài đưa ra các dữ liệu để bác bỏ ý kiến của các "tài liệu dân chủ". Trong đó ông trích một đoạn của tài liệu có nói đến hơn một trăm nước… và hơn một trăm nước… rồi chê tác giả là dữ liệu hồ đồ và dốt nát. 

Thực ra tác giả muốn đưa ra dữ liệu: Có hàng trăm nước không cần XHCN cũng độc lập được, để bác bỏ học thuyết là phải gắn độc lập với CNXH mới độc lập được. 

Cũng có hàng trăm nước tìm đường phát triển cho quốc gia mình nhưng không tìm con đường XHCN, hàng trăm nước nọ có thể trùng hợp nhiều với hàng trăm nước kia. 

Thế nhưng người phê phán lại làm phép tính cộng 100 nước + 100 nước = 200 nước, rồi chê tác giả là dốt địa dư, không biết thế giới chỉ có 174 nước. 

Cứ "nói lấy được" như thế thì có nhiều người dốt thực mà không biết là mình dốt và ai mới là người dốt? 

Thực tiễn là hiện nay ta đang tiến chậm, (có nhiều tiến bộ đấy nhưng mà đang chậm). 

Trăn trở về bước phát triển chậm và nhanh của đất nước, mà lại bị chụp mũ, quy tội cho là "thực chất phản động" các ông có nghe được không? Các ông thích phủ nhận TBCN, các ông thích phủ nhận luôn cả Điện ảnh, Ti-vi; Điện thoại di động; Internet; Hàng không phản lực; Kỹ thuật không gian là những thành quả của thế giới TBCN đấy! Các ông có biết không?! 

Tôi biết các ông chỉ cần cái vỏ Mác-Lênin và XHCN, còn đất nước lạc hậu hay phát triển, chậm hay nhanh cũng mặc kệ. Có phải như thế là Cách mạng hơn "những người trăn trở" không? Các ông hãy trả lời đi…!!! 

2. Các ông gào thét lên là chúng tôi phủ nhận XHCN. Vậy thử hỏi, ta đã có cái XHCN nào để phủ nhận. Ta đặt tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa thì trên thực tế là ta đã phủ nhận CNXH rồi, không phải chờ đến chúng tôi. Vì chúng ta đang trưng bày một bức tranh là một xã hội lạc hậu, kém phát triển, kém dân chủ, đầy tệ nạn xã hội, đầy nhiễu nhương lừa dối, đầy đau khổ, tội lỗi, đầy áp bức bất công, thế mà là XHCN à? Đây là những điều mà các nhà lãnh đạo nói nhiều chứ không phải những người dân chủ. 

Thực ra XHCN hiện thực đã tự phủ nhận cách đây hơn chục năm rồi và đã tự phủ nhận ở phần quan trọng của địa cầu nơi đã sản sinh ra cả lý thuyết và hiện thực của nó. Việc gì phải chờ đến chúng tôi phủ nhận! Các ông có lý sự mà sao cứ lờ đi những sự thật hiển nhiên của thế giới và nhân loại. Vậy thì các ông hãy vạch đầu gối của mình ra mà nói, khỏi tốn giấy mực của Nhà nước và tốn thì giờ của người xem báo. 

Thôi, lần này tôi viết đến đây thôi, chỉ để trả lời hai điểm về Chiêu bàiThực chất, bằng hai điểm Bất mãnPhủ nhận

Tiếp theo đây tôi trích đoạn thư ngỏ năm 1998 đã gửi các báo mà không báo nào đăng, lần này có nhà phê phán đã nói "đã đến lúc cần công bố các luận điểm sai trái để công luận xét xử…". Chúng tôi rất mong sự công bố đó và rất mong được công luận xét xử. Vậy hãy công bố toàn văn, đừng trích đoạn vì đó là một thủ đoạn không tử tế. 

Sau đây là một đoạn trích dài của thư năm 1998: 

3. Vấn đề khác và chống. 

Trong các bài công kích tôi có tác giả trách tôi là tôi nói không đúng với các Nghị quyết của Đảng và tôi không chịu được các Nghị quyết của Đảng. Từ đấy quy kết tôi "chống lại Đảng". Đó là lập luận rất đáng buồn cười!!! 

Tôi không đọc các Nghị quyết thì làm sao tôi thấy được chỗ nào không thích hợp, cần bổ sung hoặc cần thay đổi. Quả là tôi đã đọc các NQ (Nghị Quyết), tôi không thuộc lòng được như các vị. Và đọc thuộc lòng, rồi nói theo và không suy nghĩ gì thêm, chưa chắc đã là thái độ nghiêm túc với NQ, nhất là NQ của Đảng CS. Góp ý mà không góp được gì khác NQ thì góp làm gì? Ngồi chơi còn hơn ! 

Tình hình đất nước ta quả đang gặp nhiều thử thách phức tạp, gay go và đang có nhiều khó khăn, nhiều mâu thuẫn phải giải quyết. Chúng ta phải có nhiều lời giải sáng suốt và có hiệu quả cho tình hình, nhằm đưa đất nước phát triển tiến lên! 

Những lời giải đã có trong lý luận và NQ là chưa được, chưa giải quyết được tình hình để đưa đất nước tiến lên. Tôi muốn nêu lên vấn đề để tìm lời giải tốt hơn, chứ không phải là tôi đã đưa ra được lời giải. Sự thực, có hàng nghìn vấn đề cần lời giải. Việc đó có các chuyên gia từng lĩnh vực tìm lời giải được. Đảng chỉ nên có lời giải chung cho đường lối phát triển mà không nên làm thay các chuyên gia ở các lĩnh vực. 

Trong khi tìm lời giải đó, có hai vấn đề cần giải quyết phải giải quyết trên thực tiễn đất nước chứ không phải chỉ lý luận suông. 

Có tác giả đã lý luận một cách rườm rà để chứng minh rằng "Độc lập dân tộc phải thống nhất với CNXH" để biện luận rằng chỉ có yêu CNXH, trung thành với CNXH thì mới thật là yêu nước. Yêu nước mà không yêu XHCN thì lại càng hỏng! Lạ thật! Thế thì tôi đặt các câu hỏi: 

a/ Các cụ Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu, Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh… sinh vào thời chưa có XHCN, thì các cụ đó có XHCN đâu mà yêu. Vậy các cụ đó có là người yêu nước không? Hay là các cụ đó cũng phạm tội chống CNXH. 

b/ Các nước Nga và Đông Âu từ bỏ XHCN, vậy các nước đó có còn độc lập không và nhân dân các nước ấy có còn là yêu nước không? 

Hay là hết thảy mấy trăm triệu người dân ở nước đó cũng thành tay sai đế quốc hết??? c/ Thế giới hiện nay có mấy nước là độc lập phải là CNXH và bao nhiêu nước không có CNXH vẫn độc lập như thường??? 

Vấn đề khác là định hướng XHCN! Mà nội dung chủ yếu của nó là vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh khi nêu vấn đề kinh tế nhiều thành phần. Ta đã không nhấn mạnh chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, mà nhấn mạnh vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, trong khi ai cũng biết đó là khu vực kinh tế kém hiệu quả, thua lỗ nhiều nhất. 

Vậy ta cố gắng cho đất nước phát triển hay cố gắng cho có kinh tế quốc doanh chủ đạo, còn đất nước phát triển hay không không cần biết? 

Thực tế rõ ràng là: Từ 1975 đến 1985 ta đã tiến hành xây dựng CNXH trên cả nước thống nhất. Và kết quả là những năm đầu của thập kỷ 80, cả nước ngắc ngoải. Bây giờ nhân dân ta tươi tỉnh được một chút, lại cứ nhất định phải định hướng XHCN, vậy định hướng vào cái "suýt chết" đó mà làm gì? 

Thực ra Đảng và Nhà nước ta đang phải điều chỉnh chính sách và cũng đang lúng túng. Vậy Đảng và Nhà nước làm khác trước đi một ít, có phải là chống lại mình không??? 

Ta cứ hay "nói lấy được". Ta nói "nhân dân ta đã chọn CNXH" có thật không? Năm 1975 khi ta giải phóng đất nước, nửa nước miền Nam mấy chục triệu người, có ai hỏi một người dân miền Nam nào, câu hỏi là "anh có thích XHCN không"? Ta không hề hỏi, mà cứ ra Nghị Quyết, cứ ra lệnh và chỉ thị hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp …v…v…. phá tán hết bao nhiêu là của cải, làm tổn hại bao nhiêu đến đời sống nhân dân, làm bao nhiêu là người giàu bị nghèo đi! 

Thế mà lại bảo là "nhân dân đã chọn!" Khổ thật! Ta cứ hay chọn thay cho dân, bắt dân nhận, xong lại bảo là dân đã chọn và ta tôn trọng sự chọn lựa của dân! 

Rõ là nói lấy được!. 

Còn Bác Hồ có chọn XHCN không? Bác thỉnh thoảng có nói đến. Nhưng Bác nói CNXH ít thôi. Bác nói nhiều là nói nhiều "Nhân dân có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…" hoặc "cơm no, áo ấm, tự do, hạnh phúc". Thực sự Bác chọn và nhân dân cùng Bác chọn là "Độc lập, tự do, hạnh phúc" ta đã làm trọn được một chữ độc lập, còn hai chữ tự do, hạnh phúc thì ta đang phải nỗ lực lớn lao bây giờ đây! 

Ta cần đất nước phát triển có đầy đủ cơm áo, tự do, hạnh phúc (tức là dân chủ) dù không có cái định hướng XHCN. Hay là ta cần một đất nước có "mác" XHCN, còn nghèo đói như cuối những năm 70 và đầu những năm 80 cũng được? 

Phải chọn đi chứ! 

Tôi thì chọn nước Việt Nam "nhân dân được ấm no tự do hạnh phúc" có XHCN cũng được mà không cũng được! 

Và như thế sao gọi là từ bỏ, và chống CNXH. Có chăng ta cần từ bỏ cái thứ XHCN nghèo đói khốn khổ. Và Đảng ta chắc chắn là không bao giờ muốn dân ta khốn khổ. Nhiều người cứ nói lấy được là cứ XHCN thì là giàu có đẹp đẽ. Trong khi đó nhân dân ta đã trải qua những năm từ 1975–1985, trừ những người đặc quyền đặc lợi không hề biết đến những cực khổ đó của dân trong những năm đó. Đó là những người cần có cái CNXH để tiếp tục có đầy đủ quyền lực và quyền lợi thì họ mới hoảng loạn, quýnh quáng và chỗ nào và lúc nào cũng thấy có người chống CNXH! 

Đúng là những vấn đề tôi nêu lên chưa có Nghị Quyết nào giải đáp được tốt và đầy đủ, tôi nêu lên những vấn đề khác với Nghị Quyết đã có. 

Vậy có phải cứ có ý kiến khác đi thì tức là chống không? Người Việt Nam mà lại thấy chữ khác tức là chữ chống thì buồn cười thật. Bộ chính trị cũng trách tôi là nói không đúng Nghị Quyết. Tôi công nhận. Nhưng tôi có lý của tôi. 

Tôi cho là ta phải nói khác Nghị Quyết thì mới tiến bộ được. 

Mỗi Nghị Quyết ra đời là để giải quyết vấn đề của thời đoạn đó, sau đó tình hình thay đổi, phải có Nghị Quyết khác. Không lẽ Nghị Quyết khác cũng là Nghị Quyết chống Đảng hay chống Nghị Quyết à? 

Nghị Quyết Đại hội VI khác tất cả các Nghị Quyết trước đó mới cứu nguy được cho đất nước. Muốn có Nghị Quyết Đại hội VI phải có những ý tưởng mới mẻ khác trước. Vậy khi đã có Nghị Quyết rồi thì cần thiết lại phải có những ý tưởng mới, khác Nghị Quyết đã có, mới chuẩn bị cho Nghị Quyết mới hay hơn. Chả lẽ cả 100 năm ta chỉ cần khắc vào văn bia một Nghị Quyết rồi tụng niệm nhiều lần Nghị Quyết để tỏ ra vững quan điểm, lập trường và có bản lĩnh chính trị vững vàng và cứ như thế là đất nước tiến lên à? Những ý tưởng từ các Đại hội III, IV, V hiện nay nếu cứ nhắc lại nguyên si thì có ích lợi cho ai, cho cái gì? 

Sau Đại hội VI trong một buổi gặp gỡ các nhà báo một phóng viên hỏi: "Từ nay mỗi khi có Nghị Quyết Đảng chúng tôi có quyền bình luận khen chê khác đi, hay nhất thiết chúng tôi chỉ có một nhiệm vụ là tung hô đúng đắn?" 

Lúc đó tôi đã lúng túng, không trả lời được. Nhưng đó là câu hỏi ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ. 

Vậy, nói khác Nghị Quyết không phải là chống Nghị Quyết, càng không phải là chống Đảng. Đảng cần có những ý kiến khác! 

Muốn những người góp ý kiến chỉ có những ý kiến giống Nghị Quyết đã có thì tức là không muốn ai góp ý kiến cả. Bài đăng trên Báo Đảng đã nêu đã chứng tỏ một cách xuất sắc các tình hình không dân chủ của ta. Và như vậy là các ông đã bảo vệ Đảng đấy à ??? 

4. Vấn đề đổi mới chính trị và đổi mới Đảng. 

Bây giờ đặt câu hỏi: Ta có cần đổi mới chính trị không? Tôi đố ai dám trả lời là không đấy. Bàn về đổi mới chính trị là bàn về một vấn đề Đảng đã nêu ra, như vậy mà lại bảo là phủ nhận Đảng, muốn thay thế Đảng. Các tác giả thở ra những câu hỏi như thế được thì lạ thật và rất đáng "tội nghiệp". 

Phải đổi mới chính trị! Nhưng đổi mới chính trị thì đổi mới những gì? đổi mới thế nào? Đó là vấn đề tôi muốn nêu lên để bàn luận. Chẳng lẽ như thế cũng là chống CNXH và chống Đảng à? Thế thì có nhiều người chống đấy. 

Ý kiến của tôi là: 

+ Đổi mới chính trị là phải nghiên cứu tính hợp lý của toàn bộ hệ thống chính trị và tính hiệu quả của sự vận hành hệ thống đó. "Cải cách hành chính" chưa thể coi là đổi mới chính trị, thậm chí nó cũng rất ít liên quan đến đổi mới chính trị. Vì thế càng cải cách, lại càng quan liêu nặng hơn. 

+ Vì vậy, đổi mới Đảng là một việc làm có ý nghĩa quyết định trong đổi mới chính trị và nó chiếm đến 80% công cuộc đổi mới chính trị. Có đổi mới Đảng mới thật sự đổi mới chính trị. 

+ Từ trước ta vẫn hay nói đến vai trò quyết định của Đảng trong các thắng lợi và thành tích. Điều đó đã được nói nhiều trong nhiều sách, nhiều thơ, nhiều tranh, nhiều phim, nay tôi có nói gì thêm cũng bằng thừa. Tôi muốn được bàn về vai trò quyết định của Đảng trong những thất bại, những khó khăn của đất nước chẳng lẽ một Đảng như Đảng ta lại không muốn bàn chuyện ấy à ? 

Chẳng lẽ ta đành để ghi vào chính sử câu ca dao của dân gian: 

Mất mùa thì tại thiên tai
Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta ! 

Tôi muốn được bàn vai trò quyết định của Đảng ta cái lúc mất mùa, cái hồi CCRĐ và trong các vụ việc khác mà bây giờ sử liệu trong nhân dân còn đầy. Ta không bàn bây giờ, thì con cháu ta vài chục năm, trăm năm, thậm chí 500 năm sau nó cũng lục ra và xác định lại lịch sử. Tại sao ta không dành lấy cái vẻ vang là khẳng định lịch sử ngay từ bây giờ. Và bàn về những chuyện đó thì lại được coi là phủ nhận Đảng, chống Đảng. Các vị thích phủ nhận Đảng hơn ai hết ! Đó là phủ nhận vai trò quyết định của Đảng trong những khuyết điểm khó khăn của đất nước

Như thế là đề cao vai trò của Đảng hay là hạ thấp, hay là "phủ định"? Có cái đáng buồn cho một số người muốn làm Đảng và chỉ muốn được ca tụng khen ngợi, tâng bốc, ai mà nói động đến một tí thì lập tức kêu ầm lên là có kẻ phủ nhận Đảng, chống Đảng! Mấy ông này tích cực chống mê tín dị đoan nhưng các ông ấy cũng tích cực làm cho dân ngu đi và mê đi, chỉ còn có việc tung hô sùng bái ông ấy mà thôi. Trong lúc chính dân lại thấy ông ấy là ngu thậm tệ. 

Nói về Đảng phải nói cho đúng đắn và đàng hoàng. Nói bậy thì là bôi xấu Đảng chứ không phải là bảo vệ Đảng đâu. 

+ Đổi mới Đảng là đổi mới những gì? Phải đúng nghĩa đổi mới cơ! 

Đổi mới không phải là cứ tăng cường cái cũ, kiên trì cái cũ. Phải xét đến những vấn đề nguyên tắc và nguyên lý, chứ không phải chỉ có cải tiến và nâng cao những cái cũ. Bàn tới những vấn đề như thế là có thái độ nghiêm túc đối với Đảng. Còn ngược lại, tôi cho là xằng bậy. 

+ Một vấn đề quan trọng nữa trong đổi mới chính trị là vấn đề dân chủ hóa Đời sống xã hội. 

Hiện nay, ai cũng phải thấy rằng trong Đảng, dân chủ ít quá, trong xã hội lại càng ít. Cần thiết phải có sự dân chủ hoá. Bàn về vấn đề này một cách tử tế thì lại được coi là phủ nhận Cách mạng, phủ nhận XHCN, phủ nhận Đảng. Đó là một sự đảo lộn trắng đen, phải trái một cách đáng xấu hổ. Dân chủ hoá có nhiều việc phải bàn. 

Trước hết phải khắc phục những tư duy thô lỗ và thô thiển: phân chia dân chủ tư sản và dân chủ vô sản. Phải quan tâm khái niệm dân chủ gắn với khái niệm thời đại dân chủ, thế giới dân chủ, giá trị dân chủ, dân chủ và nhân quyền, tinh thần dân chủ và chế độ dân chủ, dân chủ và độc tài …v…v… 

Ta không nên bắt chước ai, mà chỉ nên học tập Hồ Chí Minh với tài trí và lòng nhân ái của Người. Muốn thế phải đổi mới Đảng và dân chủ hóa Đảng. Cần bác bỏ ý kiến cho là hễ dân chủ là dân làm loạn; hễ tự do ngôn luận là nhiều người nói láo, kích động nhân dân. Thử hỏi hiện nay, đầy rẫy ăn cắp, cướp giật, lừa đảo, trấn lột, bắt cóc bán người, thậm chí "rạch mặt", tai nạn, đĩ điếm, tham nhũng, áp bức nhân dân, đầy rẫy bất công trong xã hội, giả dối …v…v đấy có phải là do quá dân chủ không? Người ta sống thì phải nghĩ và phải nói. Không hợp pháp hoá quyền tự do ngôn luận, thì người ta thực hiện quyền đó ở quán rượu vỉa hè ở giữa chợ, ở quán nước, người ta viết rồi truyền tay nhau đọc. Muốn giữ trật tự tuyệt đối, dẹp bỏ hiện tượng đó thì chỉ có cách biến cả nước thành một nhà tù. 

Không thể tồn tại sự suy nghĩ "Sợ lợi dụng". Có dân chủ cũng sợ có kẻ lợi dụng dân chủ. Có tự do cũng sợ có kẻ lợi dụng tự do. Có luật pháp cũng sợ có kẻ lợi dụng luật pháp. Có Bác Hồ cũng sợ có kẻ lợi dụng Bác Hồ… cứ suy nghĩ như vậy thì tốt nhất là không nên có cái gì cả, người sống như con vật là xong. 

Lại còn có người cho rằng ừ thì phải dân chủ, nhưng cứ từ từ, làm ngay một lúc không được, dân trí ta còn thấp. Có thật thế không? Muốn từ từ thì phải bắt đầu đi. Không bắt đầu mà cứ hô từ từ, thì từ từ đi đến đâu? 

Nói dân trí thấp cũng không đúng. Dân trí có điểm thấp, nhưng có điểm cao. Câu ca dao "Mất mùa… được mùa…" nói trên thì có ông trí thức nào, ông lãnh đạo nào nghĩ ra được??? Phải là người dân có trí tuệ của người dân mới có được. 

Ta cứ nghiệm xem những dư luận gì sôi nổi ở trong dân đều nói lên việc đúng. Các vụ tham nhũng và đàn áp nhân dân, các thủ đoạn lừa bịp nhân dân, nhân dân biết hết. Sợ dân chủ chính là sợ dân. Một chế độ mầ sợ dân, không thể là chế độ mạnh. Mọi luận điệu sợ dân, lợi dụng dân chủ là luận điệu phản tiến bộ. 

Để dân chủ hoá, có nhiều việc phải làm, cần lựa chọn. Tôi chọn hai việc tôi đã nói, tôi biết có người chưa tán thành và những lý do lại là những lý do tôi đã bác ở trên. Tôi đề nghị nên mở thảo luận công khai để bàn bạc lựa chọn, tôi sẵn sàng nghe theo những ý kiến đủ thuyết phục tôi. Còn cứ ngồi đấy mà quy chụp đòi dân chủ là chống nọ chống kia thì chính sự quy chụp đó là phản động nhất ! 

Về vấn đề này, tôi còn tiếp tục suy nghĩ và khi có dịp, lại phát biểu kỹ hơn. 

5. Các căn bệnh của công tác tư tưởng. 

Tôi quan tâm đến tình hình này từ lâu, vẫn thường theo dõi và suy nghĩ. Trải qua mấy tháng vừa qua, tiếp xúc với cuộc "đấu tranh tư tưởng" to lớn, những cảm nhận của tôi trước đây còn lơ mơ, nay được rõ nét hơn và càng "đau đớn lòng" hơn, tôi thấy công tác tư tưởng của ta có mấy căn bệnh như sau: 

Bệnh thứ nhất: "Bệnh Quy chụp" bệnh này sinh ra từ công tác tư tưởng phân biệt địch ta. Khi phân biệt địch ta, ta hay đi sâu phân tích kẻ địch, phân tích những sự phát triển biến động của kẻ địch, phân tích mạnh yếu, phân tích âm mưu thủ đoạn của địch. Sự phân tích càng kỹ càng sâu thì tác dụng giáo dục càng mạnh, càng sâu. Thế là bây giờ, điều đó thành thói quen của một số người. Do cứ cố phân tích về địch cho sâu sắc nên cố tìm chứng lý, không có chứng lý thì phải tạo ra và thế là muốn quy chụp được địch cho ra địch thì phảI vu cáo xuyên tạc. Căn bệnh này gồm các bệnh nhỏ, vu cáo, xuyên tạc để dễ bề quy chụp, càng mạnh càng oai, càng vu khống xuyên tạc để nâng sự quy chụp lên quan điểm lập trường, thì càng thành tích. Người ta lại càng đua nhau quy chụp. Có khi bản thân người quy chụp không hề tin chút nào vào những điều mình quy chụp, nhưng lại tự an ủi là "vì miếng cơm manh áo" phải ứng xử như vậy. Miếng cơm đó có khi là miếng to, manh áo ấy có khi là áo đại lễ. Thật là tai hại và bỉ ổi. Căn bệnh này dẫn người ta tới chỗ dối trá, âm mưu lật lọng. 

Bệnh thứ hai: Bệnh "Nói lấy được" ở những phần trên tôi đã có thí dụ về cái lập luận "Độc lập phảI đồng nhất với CNXH" và "nhân dân ta đã chọn CNXH" và rất có thể còn có nhiều thí dụ khác nhỏ hơn. Bệnh này có rất nhiều biểu hiện và triệu chứng. Đó là những biểu hiện. 

+ Thích nói đao to búa lớn.
+ Thích suy luận các thứ ý nghĩa đi tới cao nhất là thấy kẻ địch.
+ Thích dùng chữ, có chữ nào hay xuất hiện ưa dùng tới không cần biết nội dung cụ thể của nó. 

Ví dụ từ lúc xuất hiện chữ "Hộp đen" đến "Vĩ mô - vi mô, rồi đến "Cộng đồng", "Khả thi" , "Dân biết, dân làm…" và "Công nghiệp hoá hiện đại hoá". 

Bệnh nói lấy được cứ "nói lấy được" là ta ưu việt vì ta có "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" mà không bao giờ chịu bàn xem "Dân biết" thì dân cần biết những gì? Ai cho dân biết, dân có cần tìm những gì dân muốn biết không? Dân muốn biết và cần biết nhưng cơ quan quyền lực lại không cho dân biết, thì dân biết làm sao. Vì các cơ quan quyền lực lại có quá nhiều việc giải quyết nội bộ. Toà án xử cũng xử nội bộ. Báo chí thì đưa tin phảI có sự chỉ đạo… Thế mà hô "Dân biết" và khi dân tìm nhưng điều cần biết thì dân lại mắc tội "cố tình lộ bí mật quốc gia"…vv… 

Bệnh này bắt nguồn từ chỗ ta chủ trương quản lý (hay là cai trị) đất nước bằng cung cách chuyên chính sự quản lý chuyên chế cũng có những biểu hiện "nói lấy được". Đó là những trò hề "nói một đằng làm một nẻo" những trò "làm mà không nói" vì nói ra bị dân chê, hoặc trò "nói mà không làm", vì không nói cũng sợ bị dân chê. Cho nên thường có những lối nói rất hay, mà "Ba voi không được bát nước sáo". Một khi có ai phàn nàn gì một hiện tượng tiêu cực, thì lại công tác tư tưởng rằng đã có văn bản nọ văn bản kia, có đ/c A, đ/c B nói rồi, nhấn mạnh rồi, coi như có nói rồi là việc xong rồi. Có khi nào ai đó phàn nàn về những điều như vừa nói thì đều được an ủi rằng: nó thế cả thôi. Công tác tư tưởng là một nhánh của nền chuyên chính đó. Cho nên công tác tư tưởng đã xuất hiện như một nhánh quyền lực lớn trong xã hội và chuyên chế về tư tưởng thực hiện "tư tưởng trị" (Ideo Cratic) công tác tư tưởng tha hồ nói xuôi, nói ngược và chỉ tự cho mình là duy nhất đúng, cấm đoán cả xã hội không được có bất cứ một ý kiến khác lạ nào. Các lực lượng văn hoá trong đó có xuất bản Báo chí thường bị 5-6 tầng kiểm soát: Nào là cơ quan Nhà nước về quản lý văn hoá (các Bộ, Sở, Phòng…) nào là các loại tổ chức Đảng gồm hệ thống tư tưởng văn hóa từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức Đảng, Đảng uỷ, Chi bộ, Đảng Đoàn của các tổ chức nghề nghiệp (Ban văn hóa tư tưởng Trung ương, Ban tuyên giáo, Ban tuyên huấn Tỉnh, Thành phố, Huyện, Quận, Xã, Phường…) Bên cạnh ấy lại còn có các cơ quan của nghành Công An suốt từ Trung ương xuống địa phương như A25 thuộc Bộ CA, PA25 thuộc Sở CA, Đội An Ninh Nhân Dân và bảo vệ chính trị của công an quận hay huyện, An ninh nhân dân Xã, Phường… nơi có quyền soi mói từng bài báo, từng bài thơ, từng quyển sách, từng dòng chữ, từng bức ảnh, từng bức tranh…. Các Báo chí và Nhà xuất bản thậm chí cụ thể từng tác giả muốn an toàn phải nhờ vả đích thân cán bộ nghành Công An đánh giá gía trị văn học nghệ thuật cho. 

Về vấn đề này tôi còn suy nghĩ có dịp viết thêm nhiều nữa. 

Bệnh thứ ba: "Bệnh cả vú lấp miệng em" 

Bệnh độc thoại, nói một mình, nói không cho ai cãi và vẫn tự hào là "Dân chủ triệu lần hơn tư sản". Bệnh này cấm tất cả mọi người không được nói khác, không được bàn khác. ở đời này chỉ có một chân lý duy nhất đúng là của Cơ quan tư tưởng thôi. Bất cứ ai khác đều không có quyền được nói, mà kỵ nhất là nói khác. 

Công tác tư tưởng kiểu này không bao giờ thèm quan tâm và tìm hiểu đời sống riêng tư của từng con người mà chỉ muốn đúc khuôn tất cả mọi người trong xã hội vào một khuôn theo tưởng tượng của công tác tư tưởng và lại "nói lấy được" rằng thế là xây dựng con người mới! Những người làm công tác tư tưởng không bao giờ suy nghĩ về một câu, mà tôi đã đọc được: "Trái tim con người chứa đựng tất cả, tất cả cái hay và cái dở, cái đẹp và cái xấu, cái đúng và cái sai, cái thiện và cái ác, cái cao thượng và cái thấp hèn". .. Con người chẳng tính bản thiện cũng chẳng tính bản ác, cái thứ hay dở, thiện ác nó luôn luôn vận động trong cuộc sống con người. Công tác tư tưởng với các căn bệnh và với phương thức chuyên chính chỉ thấy các con người trở thành những con rối, các ông ra tay nhào nặn, các ông không hề có chút ít niệm về tôn trọng con người. 

Công tác tư tưởng với các căn bệnh của nó lại nằm trong hệ thống chuyên chính có tác hại là tạo cho xã hội ta một cơn "khủng hoảng nhân cách" (Chữ của Hà Sĩ Phu tạo ra những cách sống lừa dối, giả dôí, nịnh nọt cơ hội, ích kỷ, thờ ơ với đời, với xã hội, với con người. Cái "khủng hoảng nhân cách" này tệ hại hơn tất cả các loại khủng hoảng mà khắc phục nó không thể chỉ bằng rao giảng đạo đức). 

Như thế là lại đụng đến vấn đề đổi mới chính trị, đổi mới Đảng. Và vấn đề lớn ấy lại phải bàn ở nhiều lần khác. 

Và tôi vẫn tiếp tục suy nghĩ sẵn sàng phát biểu. 

Còn thư ngỏ này… bất tận ngôn! 

Đến đây, tôi cũng xin kết thúc thư ngỏ 2001 vì nó đã quá dài. Nhưng cũng nói lên một lần nữa với các nhà lãnh đạo và các báo chí như cũng đã có nhiều người yêu cầu. 

Đó là: 

Cho tổ chức một (hoặc những) cuộc tranh luận công khai trên các cuộc hội thảo, trên phát thanh và truyền hình, trên báo chí. Đồng thời các báo tôn trọng các bài viết có ý kiến khác mà gửi đến đăng báo, hãy cứ tử tế như thế xem. 

Và triệt bỏ cái lối cứ "nói vắng mặt" bịt miệng đối phương và nói lấy được. Lần này tôi yêu cầu các báo thử và nhất là yêu cầu lãnh đạo bật đèn xanh cho các báo thử đăng cái thư ngỏ này cho độc giả phê phán xem. 

Như thế tôi cảm ơn lắm lắm! 

Hà Nội những ngày lập đông ngày 07/11/2001.
Trần Độ
Chú thích:
(1) Tức là bài: "Đâu là Thực chất con đường dân chủ và hạt giống tự do" – Báo QĐND ngày 20/10/2001.
(2) Bài: "Mưu đồ gì đằng sau Chiêu bài đi tìm con đường phát triển cho đất nước".
(3) Bài: "Đi tìm hay Phủ định con đường phát triển".
 

  

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn