BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Góp ý về đại hội 8

10 Tháng Sáu 199512:00 SA(Xem: 1133)
Góp ý về đại hội 8
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
I. Nhìn lại cống hiến của Đảng Cộng Sản Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.



Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, từ năm 1930 đến năm 1975, Đảng Cộng Sản Việt Nam đóng một vai trò có ý nghĩa quyết định, điều đó đã được lịch sử khẳng định, không phải bàn cãi nhiều. Việc nhấn mạnh những cống hiến của Đảng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc bản thân nó không có gì sai, vì điều đó phản ánh một sự thật lịch sử. Nhưng từ những cống hiến ấy của Đảng, chúng ta cần rút những kinh nghiệm, những bài học tích cực cũng như tiêu cực để Đảng có thể tiếp tục cống hiến phần mình vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Nhiều khó khăn, sai lầm hiện nay một phần quan trọng đã bắt nguồn từ những nhận thức và hành động không đúng trước đây, hay ít ra từ những sự đánh gia thiên lệch về các sự kiện và diễn biến lịch sử. Xin lấy vài thí dụ:

Khi đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng, ta gần như lãnh quên một sự thật lịch sử cũng rất quan trọng: sự nghiệp giải phóng dân tộc không phải là sự nghiệp và thành công riêng của Đảng. Trong sự nghiệp đó, có phần đóng góp có ý nghĩa quyết định của đại đa số nhân dân, mà hầu hết không phải là đảng viên. Những hoạt động của Đảng trong giai đoạn này chỉ là một bộ phận, dù là một bộ phận hết sức quan trọng, của sự nghiệp giải phóng dân tộc chung. Đại đoàn kết dân tộc, không phân biệt giai cấp, xu hướng chính trị... chính là “lá bùa” thành công của Đảng. Giải phóng dân tộc là điểm tụ hội của tất cả các tầng lớp, các nhân sĩ yêu nước, và khi một số chủ trương nào đó của Đảng bất lợi cho đại đoàn kết dân tộc, Đảng cũng chủ động rút lui những chủ trương đó để tập trung vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thế nhưng, ngày nay, khi tổng kết những bài học lịch sử của Đảng, chúng ta lại nói khác đi. Chúng ta nhấn mạnh bài học “nắm vững hai ngọn cờ: chủ nghĩa xã hội và yêu nước” để rồi đi tới một phương châm mới “yêu nước tức là yêu chủ nghĩa xã hội”. Và trên thực tế chúng ta đã gạt sang một bên những người yêu nước nhưng không (hay chưa) yêu chủ nghĩa xã hội! Bệnh biệt phái hết sức nghiêm trọng của Đảng chính là từ đó mà ra. Và đó cũng là nguồn gốc của căn bệnh nặng nề của Đảng hiện nay: độc tôn, độc quyền.

Hoặc về sinh hoạt nội bộ Đảng. Nói chung, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, các đảng viên đã thể hiện rất rõ tinh thần chiến đấu hy sinh vì cách mạng, vì độc lập của tổ quốc, đồng thời cũng thể hiện rất rõ tinh thần phục tùng kỷ luật rất cao. Nhưng sự lãnh đạo tập trung gần như tuyệt đối của các cấp trên đối với các cấp dưới, đối với đảng viên, dần dần biến thành một nếp sinh hoạt gần như tự nhiên của Đảng. Tuy nói nguyên tắc tập trung dân chủ (tức là tập trung mang tính dân chủ), nhưng trên thực tế, chỉ có tập trung mà không có dân chủ, hay chỉ có dân chủ hoàn toàn hình thức. Mọi ý kiến khác với lãnh đạo đều bị coi là sai lầm, có khi bi đẩy sang phía “kẻ thù” để rồi những người có ý kiến ấy bị đàn áp như kẻ thù. Chính tình trạng thiếu dân chủ trong sinh hoạt nội bộ Đảng ấy đã gây ra nhiều tổn thất, nhiều sai lầm không đáng có trước đây và dẫn tới tình trạng tê liệt của cơ sở Đảng hiện nay.

II. Vài nét về thực trạng hiện nay

Dưới đây, tôi chủ yếu nói tới thực trạng hiện nay. Nhưng để phân tích thực trạng hiện nay, cần nhìn ngược lên trên trước đây ít ra là từ năm 1975, sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Chiến thắng lớn lao của toàn thể dân tộc làm bộc lộ rất sớm những sai lầm và khuyết điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Những sai lầm và khuyết điểm ấy đã được phân tích phần nào ở đại hội VI: chủ nghĩa chủ quan duy ý chí, chủ nghĩa quan liêu... nhưng sự phân tích ấy chưa thật triệt để, đặc biệt về bệnh thiếu dân chủ trong Đảng và trong toàn xã hội. Tình trạng độc tôn, độc quyền của Đảng không những không được khắc phục, trái lại còn trầm trọng thêm. Sau hàng chục năm chiến đấu hy sinh, dân vẫn chưa hưởng được các quyền tự do dân chủ như từng được hứa hẹn. Cả việc bầu cử vào các cơ quan gọi là dân cử, cũng cứ theo một nếp “Đảng cử dân bầu “ như người dân hằng nói.

Sinh hoạt nội bộ Đảng ngày càng thiếu dân chủ hơn. Tình trạng lập ê kíp riêng phát triển mạnh mẽ, gây ra những mâu thuẫn gây gắt trong Đảng.

Đặc biệt, trong những điều kiện Đảng cầm quyền theo lối độc tôn, độc quyền, ngày càng nhiều đảng viên, nhất là những đảng viên nắm giữ chức quyền từ trên xuống dưới, rơi vào tình trạng thoái hóa, biến chất, thậm chí một số không ít phạm tội.

Hình ảnh của Đảng trong lòng dân bị phai mờ, nếu không nói nặng nề hơn. Dù có ghi vào hiến pháp năm 1980 về vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với toàn xã hội, thì cũng không vì thế mà vai trò ấy được nâng lên chút nào, hình ảnh của Đảng trong lòng dân cũng không khá hơn. Trái lại là khác, vì như kinh nghiệm lịch sử chứng tỏ, vai trò và hình ảnh ấy không thể đem áp đặt, mà chỉ có thể là do sự thừa nhận tự nguyện của đông đảo quần chúng.

Công cuộc đổi mới, chủ yếu trên lĩnh vực kinh tế, có đem lại những thay đổi đáng kể trong đời sống xã hội. Xin nói lại một bài học kinh nghiệm lớn: chính những nghị quyết đại hội VI của Đảng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật “ đã làm quần chúng còn nuôi hy vọng ở sự lãnh đạo của Đảng trong tình hình hết sức khó khăn của đất nước. Tiếc rằng bài học đó hình như đang bị lãng quên.

Nhưng cũng chính trong thời kỳ “đổi mới “ này, lẽ ra vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như sinh hoạt nội bộ Đảng cũng phải được “đổi mới “, thậm chí phải được “đổi mới “ trước hết, thì ngược lại, chúng ta đã quá trị trệ về mặt này.

Có thể nêu lên một số thực trạng hiện nay của Đảng như sau:

1. Về mối quan hệ giữa Đảng và xã hội, giữa Đảng và nhân dân
(nói cách khác, về lòng tin của nhân dân đối với Đảng):


Phải nói là lòng tin ấy đã giảm sút nghiêm trọng. Tuy ta có nói tới việc này việc khác làm cho lòng tin ấy được khôi phục, nhưng nhìn chung thì lòng tin ấy vẫn ngày càng giảm sút, đặc biệt trong các tầng lớp trẻ tuổi. Không ít người hiện nay đồng nhất Đảng với “bộ máy cầm quyền” và đối xử với Đảng như đối với một “bộ máy cầm quyền” nào đó.

Tình trạng phổ biến là Đảng cứ hết nghị quyết này đến nghị quyết khác (và có nghị quyết sau thụt lùi so với nghị quyết trước, như trong lĩnh vực văn hóa và báo chí, chẳng hạn), rồi luôn hô hào “đưa nghị quyết vào cuộc sống” (thật ra phải nói ngược lại: đưa cuộc sống vào nghị quyết), nhưng trong cuộc sống thực tế thì đại đa số nhân dân (gồm nhiều tầng lớp khác nhau) đều thấy bản thân đời sống của mình có nhiều điều bức bách, éo le, oan khuất từ những người muốn làm ăn tử tế để giàu có lên đến những người lo chạy vất vả cho miếng ăn hàng ngày. Lòng người càng nặng nề gấp bội, vì trước mắt họ nổi lên những bất công quá vô lý. Tâm trạng phổ biến là có nhiều điều không biết nói với ai, không biết kêu vào đâu. Trong khi đó thì các nghị quyết của Đảng cứ giải quyết hết định hướng này đến định hướng kia rộng lớn, trừu tượng và chung chung, để rồi ai muốn làm gì thì làm cũng không sao. Đảng đã xa rời cuộc sống ở một khoảng cách khá lớn. Đó là điều nghiêm trọng nhất.

Ngay bản thân các đảng viên ở các tổ chức cũng không còn tin vào những điều mình buộc phải học tập, quán triệt, những điều bàn đi bàn lại nhiều lần vẫn không có hiệu lực xoay chuyển tình thế.

Không nên chủ quan nghe và dựa vào các báo cáo, những phát biểu công khai ở các cuộc mít tinh, hội thảo, học tập. Vì phần lớn những người nói ở đây (có khi là tất cả) không nói được những ý kiến thực của mình. Các cấp lãnh đạo của Đảng cũng tỏ ra không thích thú gì với những ý nghĩ đó. Thế là có cách nghĩ của Đảng hiện lên ở các nghị quyết, lại có cách nghĩ của dân mà dân không biết nói cùng ai.

Thế là giữa Đảng và dân có một khoảng cách lớn, điều này ít khi xảy ra trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, và nếu có xảy ra thì Đảng ngay lập tức phải lắng nghe tiếng nói của cuộc sống, của người dân để xóa bỏ khoảng cách ấy.

2. Về tâm lý đảng viên.

Ở cấp nào cũng vậy, trong đảng viên cũng xuất hiện nhiều trạng thái tâm lý phức tạp. Không nên nhận định theo kiểu số nhiều thế này, số ít thế kia, hay “về căn bản là tốt, một số không ít thoái hóa biến chất”. Tâm lý đảng viên hiện nay phải chăng có thể tạm nêu ra như sau:

a/ một bộ phận mất hết lòng tin vào chủ nghĩa xã hội và mục tiêu. Số này từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và yêu cầu dứt khoát là đất nước phải theo con đường tư bản chủ nghĩa.

b/ Một bộ phận khác vẫn kiên trì mục tiêu xây dựng đất nước “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh “, nhưng không tin con đường xã hội chủ nghĩa (chế độ công hễu, chuyên chính vô sản...) có thể đưa đất nước tới mục tiêu. Bộ phận này đang tha thiết đi tìm con đường đúng đắn để phát triển đất nước.

c/ Một số khá lớn cũng mất lòng tin tưởng vào con đường đi của mình, nhưng vẫn công khai hò hét, cổ vũ cho con đường đó theo lối tùy thời, chủ yếu để bảo vệ “ghế ngồi “ của mình.

d/ Một số nữa tỏ ra trung thành một cách mù quáng với những khẩu hiệu và phương châm cũ, không quan tâm mấy tới những vấn đề chung, mà mải lo cho cuộc sống cá nhân vả gia đình, chỉ ứng phó với vấn đề một cách tùy tiện. Trong số này cũng có người mất hết lòng tin, nhưng cho là bản thân mình không có tác dụng góp phần xoay chuyển tình thế, và cứ như vậy hò reo theo các khẩu hiệu cấp trên đề ra.

đ/ Cũng cần nói tới một bộ phận không nhỏ gồm những đảng viên hoàn toàn tiêu cực, bỏ sinh hoạt Đảng, bàng quan đối với mọi việc.

Sự phân loại nói trên là dựa vào những tiếp xúc cá nhân tôi, chưa thể coi là chính xác được. Điều quan trọng ở đây là: tâm lý của đảng viên diễn biến rất phức tạp, về cơ bản là theo chiều hướng tiêu cực, và đó chính là điều Đảng phải hết sức quan tâm giải quyết nếu muốn khôi phục sức sống của Đảng.

3. Đảng của ai, Đảng là ai?

Đó là một câu hỏi không những do người dân đặt ra, mà ngay cả đảng viên ở cơ sở và các cấp ủy bên dưới cũng đang đặt ra. Và câu trả lời đã rõ: Đảng về thực chất là một vài người chủ chốt ở các cấp ủy. Hàng ngày các cơ quan của Đảng phát biểu bao nhiêu là ý kiến. Có những ý kiến theo đúng nghị quyết, có những ý kiến sai nghị quyết, thậm chí có những ý kiến ngu ngốc nữa, nhưng vẫn cứ nhân danh Đảng, nhân danh cấp ủy. Có những đồng chí chủ chốt của cấp ủy phát biểu những ý kiến trái ngược nhau nhưng đều cứ coi đó là của Đảng, của cấp ủy. Vậy Đảng là ai?

Tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh: Đảng không phải là của đông đảo đảng viên ở cơ sở nữa. Nhìn chung, các cơ sở Đảng (nhất là các chi bộ) ở xí nghiệp, làng xã, đường phố, cơ quan gần như tê liệt. Sinh hoạt Đảng chỉ còn là hoàn toàn hình thức, cả việc truyền đạt ý kiến cấp trên cũng như việc lấy ý kiến cấp dưới. Nhiều đảng viên thốt lên: “Nói để làm gì? Nói để được cái gì?”. Có thể nói tuyệt đại đa số đảng viên không còn tác dụng nữa, hoàn toàn ngược với trong chiến đấu giải phóng dân tộc.

4. Về phát triển Đảng: “Vào Đảng để làm gì?”

Trước kia vào Đảng là để hy sinh, chiến đấu. Ngày nay vào Đảng là để mưu danh lợi (được đề bạt, lên lương, được đi học, đi nước ngoài). Người muốn vào Đảng nếu không phải luồn lọt nịnh bợ, thì cũng phải “ngậm miệng ăn tiền “. Thực trạng này làm cho Đảng ngày càng đông thêm những phần tử cơ hội, giỏi luồn lọt và nịnh bợ để leo cao hơn, có quyền và lợi lớn hơn. Ai đẻ ra các phần tử cơ hội? Chính cái “phong tục “ vào Đảng hiện nay đẻ ra. Hô bao nhiêu khẩu hiệu đào thải những phần tử cơ hội, biến chất, nhưng càng hô bao nhiêu lại càng nhiều thêm bấy nhiêu.

Không phân tích thực trạng này thì không thể làm trong sạch Đảng được.

Còn nhiều điều phải phân tích nữa, nhưng chỉ vài điểm thực trạng như đã nêu trên đây cũng nói lên tình trạng vận mệnh của Đảng đang lâm vào nguy cơ lớn: không còn sức sống chứ chưa nói đến sức chiến đấu nữa. Nếu không tính đến và giải quyết một cách thích đáng thì hậu quả thật khó lường.

Tôi xin nêu thêm thực trạng về vài căn bệnh trong phong cách lãnh đạo của Đảng hiện nay:

  • Bệnh thứ nhất: chỉ thích nói về thành tích thắng lợi, đi tới bệnh khoa trương, hình thức, khuyến khích những chiến dịch kỷ niệm, lễ lạc quá nhiều, chủ yếu vì trong những dịp đó nói về thành tích thắng lợi dễ hơn, sử dụng các lời lẽ khen tặng, biểu dương, tung hô nhiều hơn. Và cho đến nay, kho ngôn ngữ về mặt này đã cạn, ngày càng lặp đi lặp lại, càng xa cuộc sống và càng rỗng tuếch. Vì căn bệnh này, không chú ý đi sâu phân tích thực trạng và nguyên nhân của các mặt tiêu cực, mặt trái, mặt khuyết điểm sai sót trong sự lãnh đạo, không quan tâm đầy đủ tới trách nhiệm của lãnh đạo đối với các mặt tiêu cực của đời sống. Bệnh này dẫn tới bệnh chủ quan, tạo điều kiện khuyến khích sự tâng bốc, nịnh nọt và đàn áp trù úm những lời nói thẳng. Nó gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm.



  • Bệnh thứ hai: bệnh hẹp hòi độc tôn. Biểu hiện ở chỗ không tin vào bất cứ ai ở ngoài Đảng, bất cứ việc gì cũng phải do người của Đảng nắm. Kết quả là chỉ có Đảng nắm hết mọi việc trong xã hội, bố trí mọi vị trí lớn nhỏ trong bất cứ tổ chức nào (kể cả cơ quan dân cử), mà vị trí nào cũng phải do đảng viên hoặc cấp ủy nắm trực tiếp, nếu không có thì tìm cách kết nạp người vào Đảng để nắm vị trí đó. Thế là khuyến khích việc xin vào Đảng để được tin cậy, để có chức quyền, do đó có danh, lợi. Vào Đảng rồi thì “phấn đấu” để đạt tới những vị trí cao hơn, có danh và lợi lớn hơn. Đó là một trong những nguyên nhân đẻ ra tình trạng mất đoàn kết mà ta cứ hô hào giải quyết nhưng không thể nào hết được.



  • Bệnh thứ ba: bệnh bí mật, nội bộ. Bệnh này là sự kéo dài của một sự cần thiết, một ưu điểm đặc sắc của thời kỳ giành chính quyền. Đến nay, theo lối đó, thường hay phân ra những điều “chỉ nói nội bộ “ và những điều “nói công khai “. Hai loại này khác nhau, có khi ngược nhau, đưa tới tình trạng “mỗi lúc nói một khác “, “lời nói không đi đôi với việc làm “ và nguy hại hơn, tạo thành một “phong cách thật giả lẫn lộn “, một tâm lý giả dối. Kết quả càng làm cho dân mất tin tưởng. Dân miền Nam đã tổng kết “Dậy (vậy) mà không phải dậy (vậy)” để mô tả căn bệnh này.
    Bệnh này chi phối việc xử lý công việc: có những việc xử lý công khai thì tốt hơn nhưng cứ “xử lý bí mật “, “xử lý nội bộ “ để “bảo vệ uy tín của Đảng “ và “uy tín của đảng viên “ vốn đã mất hết rồi. Tình hình đó càng làm cho Đảng xa dân, ngày càng xa.


Cả ba bệnh này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của một căn bệnh rộng lớn hơn, sâu nặng hơn. Đó là bệnh quan liêu, thiếu dân chủ. Quan liêu đây không phải xét về tác phong và đạo đức. Đây là tình trạng quan liêu hóa toàn cục cơ chế, tách cơ chế Đảng khỏi xã hội, đặt nó lên trên xã hội. Là tự mãn, độc tôn, coi thường nhân dân, coi thường người ngoài Đảng, ngày càng xa dần, không coi trọng tâm tư nguyện vọng của dân, thiếu hiểu biết sâu sắc và cũng không quan tâm đến tìm hiểu, cứ yên trí mình là đại biểu chân chính của nhân dân rồi. Câu nói “ý Đảng lòng dân “ trong thực tế chỉ có nghĩa là giành lấy phần trí tuệ về Đảng, còn dân chỉ hưởng ứng, làm theo đuôi.

Thiếu dân chủ là biểu hiện lớn nhất của bệnh quan liêu. Thiếu dân chủ về tư tưởng, tinh thần, đi tới bóp nghẹt, thậm chí triệt tiêu mọi năng lực suy nghĩ độc lập, không cho bộc lộ những suy nghĩ nhiều chiều khác nhau để tìm ra chân lý của sự vật. Thiếu dân chủ làm cho nhiều người đành phải cam tâm ngậm miệng sống trong cảnh ngu muội để yên thân. Nó tàn ác và độc hại ghê gớm.

Thiếu dân chủ về tổ chức làm cho nhiều tài năng bị xóa bỏ, chỉ còn lại sự lựa chọn cán bộ rất phiến diện và hẹp hòi. Việc chọn lựa này nếu không sai lầm tai hại thì phần lớn cũng là không trúng người trúng việc. Mọi sự lựa chọn chỉ quy về một mối độc quyền của cơ quan tổ chức, mà cơ quan tổ chức thường lại phụ thuộc vào và bị chi phối bởi một người làm chủ chốt. Như vậy, làm sao có thể có sự lựa chọn công bằng và khách quan trong việc sắp xếp người? Đó là chưa kể việc xuất hiện động cơ danh lợi ngày càng nặng nề, đẻ ra đấu đá lẫn nhau triền miên vì danh lợi, nội bộ không thể đoàn kết thống nhất tốt đẹp.

Những căn bệnh này trái hẳn với phong cách Hồ Chí Minh là chân thành giản dị, căm ghét quan liêu, thiếu dân chủ.

Tóm lại, bệnh thiếu dân chủ là một bệnh nặng, gây nhiều tai hại cho chính vận mệnh của Đảng, mà khắc phục nó không thể chỉ là “chỉnh đốn” từng mặt, từng lúc như vẫn làm. Phải giải quyết về căn bản các vấn đề thuộc về nguyên lý xây dựng Đảng mới được.

III. Những yêu cầu mới

Mọi người đều biết lịch sử Đảng ta trải qua hai kỷ nguyên: kỷ nguyên giành độc lập thống nhất cho đất nước và kỷ nguyên xây dựng phát triển đất nước. Ta đang ở đầu kỷ nguyên thứ hai.

Những yêu cầu của kỷ nguyên thứ hai rất rộng lớn, rất cao mà Đảng ta chưa kịp thích ứng, tuy đã trải qua hai chục năm. Ở kỷ nguyên I, Đảng ta đã hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang. Điều đó đã được bàn nhiều và khá đầy đủ. Nhưng ta phải thừa nhận Đảng ta chưa được chuẩn bị tốt để bước vào kỷ nguyên II.

A. Từ chỗ yêu cầu đoàn kết dân tộc để chiến đấu giành độc lập và thống nhất, Đảng ta đã đoàn kết được toàn dân (kể cả những người không tán thành chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản), ngày nay phải chuyển sang yêu cầu đoàn kết rộng rãi hơn để xây dựng phát triển đất nước. Ta còn phải đoàn kết cả những người trong quá khứ từng là kẻ thù, ngày nay họ mong muốn góp phần xây dựng đất nước. Yêu cầu hiện nay phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi có cách nhìn mới linh hoạt hơn, rộng rãi hơn. Thế mà trong thực tế, ta đã để cho nhiều tầng lớp nhân dân trong nước cũng như ngoài nước còn cảm thấy Đảng hẹp hòi, phân biệt đối xử, o ép, truy chụp và giả dối, “nói một đằng, làm một nẻo “. Như vậy, làm thế nào thực hiện được yêu cầu đoàn kết rộng rãi và hòa hợp dân tộc như Đảng vẫn nói?

B. Trước đây trong chiến đấu, yêu cầu có tổ chức và kỷ luật cao, mọi người phải phục tùng cấp trên vô điều kiện, đã đem lại cho Đảng sức mạnh to lớn.

Nhưng trong kỷ nguyên này, mỗi cá nhân trong xã hội có số phận riêng, lo toan riêng, sở trường và tài năng riêng cần được giải quyết và phát triển, thì yêu cầu phục tùng vô điều kiện không thể áp dụng được. Phải có một thể chế dân chủ chân chính để phát huy cao độ năng lực của mỗi cá nhân, bảo vệ quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền cống hiến cho dân tộc của mỗi cá nhân.

Các thể chế cũ phải hoàn toàn thay đổi.

C. Đảng càng phải biểu hiện điều đó trong việc xây dựng phát triển đất nước. Đảng vẫn phải là bộ phận ưu tú thật sự của nhân dân. Đảng phải đứng trong khối đoàn kết dân tộc. Đảng càng khiêm tốn đóng vai trò “bộ phận tiên phong” thì Đảng có uy tín và lòng tin yêu. Ngược lại, nếu tách khỏi nhân dân thành một bộ phận xa rời nhân dân, ép buộc nhân dân, thì Đảng càng mất vai trò của mình. Vận mệnh của Đảng tùy thuộc vào điều này trước hết.

D. Yêu cầu đối với đảng viên trong tình hình mới không thể chỉ chung chung là “trung thành”, “đạo đức” là xong. Đảng viên phải đáp ứng những yêu cầu mà nhân dân trông đợi. Đó là phải tỏ ra có những phẩm chất tận tụy với dân với nước, phải có trình độ “bàn việc nước”, phải gánh vác được công việc cụ thể có thể làm chuyển biến được tình thế.

Những cái “tỏ ra “ phải được dân thừa nhận ở mỗi phạm vi: xã, huyện, cơ quan, đơn vị... với một thể thức được nhân dân chấp nhận chứ không phải chỉ do đương sự vỗ ngực hoặc do cơ quan nhân sự quyết định.

Đ. Yêu cầu “dân chủ “ là một yêu cầu vừa cấp bách vừa bao trùm. Dân chủ về tư tưởng phải bảo đảm cho mọi cá nhân có quyền và có điều kiện bày tỏ ý kiến độc lập. Điều này chỉ có lợi mà không đi tới lộn xộn như có người sợ. Nếu cứ ép buộc và gò bó thì lại dễ dẫn tới sự phản kháng và do đó mất ổn định. Dân chủ phải được thực hiện thực sự trong bầu cử cả trong Đảng và trong xã hội, bảo đảm được sự lựa chọn của dân. Bỏ lối “hiệp thương” một cách hình thức và giả dối, bỏ lối độc quyền của cơ quan tổ chức Đảng. Phải để cho các tổ chức xã hội được độc lập, tự quản về bầu cử và ứng cử của mình, chỉ cần tuân theo Hiến Pháp và Luật Pháp (nhưng phải sửa đổi Luật Bầu Cử cho thật phù hợp với Hiến Pháp). Đảng không thể lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện trong vô số những lĩnh vực khác nhau có những yêu cầu, kiến thức chuyên môn khác nhau. Tóm lại, dân chủ là yêu cầu bao trùm của Đảng và xã hội.

IV. Một số kiến nghị

Để có thể đóng vai trò chính trị xứng đáng của mình trong sự nghiệp phát triển đất nước, Đảng không có cách nào khác ngoài việc tự đổi mới và tự nâng mình lên ngang tầm sự nghiệp đó. Vai trò lãnh đạo của Đảng không thể là cái Đảng tự ban cho một lần và mãi mãi. Phải giành lấy nó bằng nhận thức và hành động phù hợp với những yêu cầu mới của sự phát triển đất nước.

Dưới đây xin trình bày một số kiến nghị:

1. Về mục tiêu của Đảng.

Mục tiêu dứt khoát của Đảng hiện nay là phát triển đất nước về mọi mặt: xã hội, kinh tế, chính trị và văn hóa, tinh thần. Tôi tán thành mục tiêu đã được đề ra: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh”, nhưng phải xác định thật rõ nội dung của những mục tiêu đó. Sự phát triển đất nước phải là cái đích chúng ta hướng tới. Nhưng phát triển nói đây không chỉ là tăng trưởng kinh tế, hay “biến Việt Nam thành một con rồng mới ở châu Á”. Đây phải là sự phát triển toàn diện mà mục đích cao nhất độc lập, tự do, hạnh phúc của toàn cộng đồng dân tộc và mỗi cá nhân. Ngoài mục tiêu đó ra, không nên đặt ra bất cứ mục tiêu nào khác theo những hệ tư tưởng đã lỗi thời.

2. Về tính chất của Đảng.

Cần đặt vấn đề phân tích kết cấu xã hội - giai cấp của xã hội Việt Nam hiện nay, vào lúc đang phát triển trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, đặc biệt phân tích sự hình thành và dự báo sự phát triển của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân Việt Nam sẽ trở thành giai cấp công nhân hiện đại như thế nào? Đồng thời, cần phải phân tích vai trò của giới trí thức trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Không nên chỉ khẳng định đơn giản và chủ quan là Đảng của giai cấp công nhân là đủ được. Cần nêu rõ Đảng là bộ phận ưu tú nhất về trí tuệ và phẩm chất của toàn thể dân tộc, đại diện cho lợi ích chung của dân tộc.

3. Về vị trí của Đảng trong xã hội.

Như đã nói ở trên, Đảng không nên tự đặt mình lên trên xã hội, mà chỉ là một bộ phận tiên phong của xã hội. Vai trò chính trị của Đảng, nhất là địa vị cầm quyền, phải được sự thừa nhận tự nguyện của dân mà không phải dựa vào những bảo đảm về hiến pháp và luật pháp để áp đặt. Nếu Đảng tự đổi mới triệt để theo hướng phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển đất nước, thì qua các cuộc bầu cử tự do, với sự tôn trọng thật sự từng lá phiếu của các công dân, Đảng vẫn có thể giành được sự tín nhiệm của đại đa số.

4. Về hệ tư tưởng của Đảng.

Chủ nghĩa Mác-Lênin có tác dụng lớn trong giai đoạn đấu tranh giải phóng dân tộc và vẫn còn những yếu tố có tác dụng tốt trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhất là các lý tưởng công bằng xã hội của nó. Nhưng rõ ràng chủ nghĩa Mác-Lênin không còn đáp ứng đầy đủ với những yêu cầu phát triển đất nước hiện nay trong bối cảnh thế giới đã biến đổi căn bản. Nên nêu nền tảng tư tưởng của Đảng ta là tư tưởng Hồ Chí Minh mà nguồn gốc là các đạo lý, văn hóa cổ truyền của dân tộc, là chủ nghĩa Mác-Lênin và là các tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Nêu như thế, vừa khẳng định mạnh mẽ tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa bảo vệ được những yếu tố còn thích hợp của chủ nghĩa Mác-Lênin, lại vừa rộng mở tư tưởng ra bốn phương tám hướng. Cũng không đặt vấn đề hệ tư tưởng của Đảng phải là hệ tư tưởng của toàn xã hội theo lối áp đặt. Trong lĩnh vực hệ tư tưởng, không có nguyên tắc nào khác ngoài nguyên tắc tự nguyện.

5. Về nguyên tắc tổ chức của Đảng.

Nguyên tắc tập trung dân chủ đã có hiệu quả lớn trong đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng dần dần nó biến thành nguyên tắc tập trung thuần túy, bị bỏ mất bản chất dân chủ. Mặt khác, sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đại hiện nay đặt ra vô số vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, mà lĩnh vực nào cũng đòi hỏi phải phát huy tính chủ động cao độ. Để có phương án phát triển tối ưu, cần có nhiều phương án khác nhau để lựa chọn, do đó những kiến thức lúc đầu khác nhau là điều bình thường và cần thiết. Vì thế, nguyên tắc tổ chức của Đảng hiện nay phải là nguyên tắc dân chủ (xin đừng hiểu dân chủ là không có tổ chức, không có lãnh đạo. Một đời sống dân chủ bao giờ cũng bao hàm các yếu tố tổ chức và lãnh đạo, bao giờ cũng đi đôi với những kỷ luật cần thiết).

6. Về đảng viên.

Đảng viên là - và phải là - những người vào Đảng với ý thức hoàn toàn tự nguyện đi theo những mục tiêu và nguyên tắc của Đảng, nhất thiết không kết nạp vào Đảng những kẻ tìm kiếm đặc quyền, chức quyền. Mọi đặc quyền không thể gắn với tư cách đảng viên. Những người được đề bạt, bầu cử vào những trọng trách không nhất thiết là đảng viên. Chỉ cần có năng lực và phẩm chất tốt, người ngoài Đảng cũng được giao giữ các chức vụ tương xứng, không phân biệt. Xóa bỏ hẳn những quy định phải là đảng viên mới được nắm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan Nhà Nước và tổ chức xã hội.

Đảng viên được bảo đảm các quyền của mình, nhất là quyền được phát biểu ý kiến về mọi vấn đề của đất nước và các cấp trên phải tiếp nhận những ý kiến ấy một cách nghiêm túc (có quy định thủ tục trả lời chính thức đối với những ý kiến của đảng viên, dù là đảng viên ở cơ sở). Quyền giám sát của đảng viên đối với cán bộ lãnh đạo cũng phải được tôn trọng thật sự. Đi đôi với các quyền, đảng viên phải thực hiện nghiêm chỉnh các nghĩa vụ của mình, trước hết là nghĩa vụ làm trong sạch Đảng và năng lực công tác của mình.

7. Về hệ thống Đảng.

Đảng không có hệ thống cấp ủy Đảng trùm lên trên hệ thống Nhà Nước như hiện nay. Cơ quan Đảng mỗi cấp chỉ là một hội đồng (hoặc ủy ban) gồm một số ít người có năng lực tập trung trí tuệ của đảng viên và đề xuất những chủ trương cần thiết đối với các cơ quan Nhà Nước tương ứng. Cấp ủy Đảng nhất thiết không làm những công việc Nhà Nước và không can thiệp vào những công việc Nhà Nước, cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi hội đồng hoặc ủy ban chỉ cần có một văn phòng nhỏ lo việc giấy tờ mà không tổ chức bộ máy ban bộ cồng kềnh. Sinh hoạt của các hội đồng (hay ủy ban) mỗi cấp càng công khai càng tốt (trừ vấn đề thuần túy nội bộ Đảng), và có thể mời đại diện của các tầng lớp, các giới tham gia với tư cách tư vấn. Ý kiến của các thành viên trong hội đồng (hay ủy ban) về các vấn đề thảo luận phải được ghi lại để chịu trách nhiệm về những ý kiến của mình, tránh tình trạng “nói trước quên sau “, và khi có sai lầm không biết đó là của ai (đây là vấn đề trách nhiệm cá nhân mà từ lâu thường trốn vào trách nhiệm “tập thể “).

8. Về quan hệ Đảng và Nhà Nước.

Đảng không tự phong là “Đảng cầm quyền “ mãi mãi. Địa vị cầm quyền của Đảng là do sự tín nhiệm thật sự của cử tri đối với Đảng và trong từng nhiệm kỳ được Hiến Pháp và Luật Pháp quy định, cả về quyền lẫn về trách nhiệm, nghĩa vụ để tránh tình trạng không ai kiểm soát những hoạt động của Đảng. Đảng không trực tiếp giải quyết những công việc Nhà Nước, mà thông qua các đảng viên ở các cơ quan Nhà Nước để đưa ra những đề xướng của mình, và những đề xướng ấy chỉ có giá trị khi biến thành những quy định có hiệu lực pháp lý. Hoạt động của Đảng, như đã ghi trong Hiến Pháp phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, mọi vi phạm về pháp luật đều phải được xử lý về luật pháp giống như mọi công dân và tổ chức xã hội khác.

9. Về quan hệ của Đảng và các tổ chức xã hội.

Các tổ chức xã hội - với tư cách những yếu tố của xã hội công dân - đều được tổ chức và hoạt động độc lập đối với Đảng. Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình thông qua những đảng viên trong các tổ chức đó, bằng phương pháp thuyết phục. Những vấn đề nội dung hoạt động cũng như về nhân sự của các tổ chức xã hội phải do các tổ chức ấy tự giải quyết. Không áp đặt những người do Đảng chỉ định cho các tổ chức xã hội. Tiến tới phi Nhà Nước Hóa các tổ chức xã hội, để cho các tổ chức đó tự tìm kiếm những phương tiện hoạt động, với sự giúp đỡ của Nhà Nước một cách công bằng (theo pháp luật). Quan hệ của Đảng và các cơ quan báo chí cũng theo tinh thần đó.

10. Về quan hệ của Đảng và các lực lượng vũ trang.

Tạm thời cứ giữ nguyên thể chế tổ chức Đảng trong Quân Đội và Công An như hiện nay. Nhưng cần thiết phải đặt vấn đề nghiên cứu về vai trò của các lực lượng vũ trang và các tổ chức Nhà Nước để xác định yêu cầu lãnh đạo của Đảng một cách thích hợp hơn, theo hướng các lực lượng vũ trang lấy việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và bảo vệ an ninh quốc gia làm mục tiêu hàng đầu.

*****


Chắc có người sẽ nói những kiến nghị nói trên sẽ làm cho Đảng yếu đi và làm cho sự lãnh đạo của Đảng kém hiệu lực đi. Tôi nghĩ khác: tất cả những kiến nghị nói trên chỉ nhằm một mục đích là không biến Đảng thành một tổ chức Nhà Nước hay siêu Nhà Nước, trở thành một tổ chức quan liêu hóa như hiện nay, mà để Đảng chủ động tự đổi mới để biến Đảng thành nguồn tập hợp trí tuệ và sức mạnh toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Làm như vậy, sự lãnh đạo của Đảng sẽ có hiệu lực hơn vì nhân dân sẽ tín nhiệm Đảng không phải vì bị áp đặt, mà là trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện. Làm như vậy, Đảng cũng sẽ làm cho hàng ngũ của mình trong sạch, có năng lực và phẩm chất cần thiết, do đó, Đảng sẽ mạnh hơn.

Trần Độ
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn