BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…

14 Tháng Ba 200912:00 SA(Xem: 933)
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi…
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Lời mở đầu:

Đây là nhận định và ý kiến cá nhân của người viết mà thôi. Đúng hay sai còn tùy hoàn cảnh, kinh nghiệm và sự thẩm định của mỗi độc giả.

TVG.

Con người đôi khi cần phải khóc. Không ai cần phải học cách khóc, bởi vì ngay từ lúc được sinh ra ở cuộc đời này con người đã tự nhiên biết khóc. Trước cảnh buồn hay vui, trước đám đông, có nhiều lúc không cầm lòng được phải khóc, chẳng hạn như: khóc trong đám ma vì thương tiếc người thân yêu qua đời, khóc trong đám cưới vì sung sướng hạnh phúc, khóc lúc chia ly, khóc khi sum họp, khóc vì nhìn thấy và thông cảm với hoàn cảnh thương tâm của người khác... có lúc phải giả khóc để lấy cảm tình của người khác; có lúc chẳng đặng đừng phải khóc vì chính bản thân chúng ta bị các những người vô cảm vô lương xung quanh đối xử tàn nhẫn… Cũng có lúc phải khóc một mình: khóc thầm, khóc tủi trong đêm, khóc trước bàn thờ cha mẹ tổ tiên, khóc trước tượng Chúa tượng Phật, khóc trước cửa quan; khóc để thương xót cho số phận hẩm hiu, bèo giạt hoa trôi; cho hoàn cảnh trôi sông lạc chợ của mình và của người thân... Có trăm ngàn cách để khóc…

Nhìn lại vận mệnh nước Việt Nam qua lịch sử, dù cho chúng ta có bất đồng chính kiến nhưng có lẽ cũng phải đồng ý là dân Việt đã khóc nhiều hơn cười.

Khi so sánh với các dân tộc khác trên thế giới, dân tộc Việt Nam đã có nhiều cái đáng được gọi may mắn: chẳng hạn như là dòng giống Việt tộc tương đối khá thuần chủng. Lịch sử Việt đã trải qua 4000 năm lẻ mà chỉ vỏn vẹn chỉ có khoảng trên dưới 100 tên họ (last names) và duy nhất một ngôn ngữ Việt Nam (tiếng Việt với 3 giọng phát âm Nam Trung Bắc và một loại chữ viết – chữ quốc ngữ). Cứ nhìn Phi luật tân. Họ có 7107 hòn đảo mà nhiều trường hợp người ở đảo này không thể hiểu tiếng nói của người ở đảo bên cạnh. Họ phải lấy tiếng Tây ban nha (Spanish) rồi đến tiếng Anh làm chuẩn cho các vấn đề truyền thông trên lãnh vực quốc gia. Ấn độ cũng một thời phải lấy tiếng Anh là căn bản vì không thể lấy một ngôn ngữ địa phương nào thích đáng làm quốc ngữ chung cho cả nước Ẩn độ. Trung hoa mặc dù không đến nỗi phải dùng ngoại ngữ (Anh ngữ chẳng hạn) nhưng tiếng Quan thoại không phải là giọng lưỡi của nhiều người Trung hoa sống ở Hoa lục (tiếng Quảng đông khác hẳn với tiếng Triều châu và Quan thọai…) Nhiều quốc gia ở Phi châu phải dùng tiếng Pháp là quốc ngữ vì các bộ lạc không thể đồng ý với nhau về việc lựa chọn một thứ tiếng đại diện chung cho toàn quốc! Có lẽ chính vì cái độc đáo thuần chủng và tiếng Việt mà nước Việt Nam tồn tại qua bao khắc nghiệt của những năm dài bị đô hộ, thuộc địa, nội chiến…

Mặc dù may mắn tồn tại, nhưng dân tộc Việt cũng đã chịu đựng nhiều, phải nói là rất nhiều, bất hạnh mà phần lớn là do lãnh đạo u mê. Qua lịch sử, các lãnh đạo ngu muội bất xứng đã lần lượt đưa dân tộc Việt Nam vào các giai đoạn đen tối đầy nước mắt.

Khi nào thì mình nên khóc? Cũng dễ hiểu. Đó là lúc buồn, lúc tủi, lúc đau khổ, lúc cảm thấy bất lực… Lúc nào thì được xem là lúc buồn, tủi nhất? đau khổ nhất? Theo tôi, không có gì buồn cho bằng lúc phải chia ly - chia ly với người sống cũng như chia ly với người chết. Lịch sử Việt Nam thật đặc biệt, đã ghi lại rất nhiều cuộc chia ly vĩ đại, buồn thảm, tang thương và điêu linh…

Sự chia ly lịch sử đầu tiên vào thời (hoang sơ) lập quốc

Theo huyền sử lập nước, vua Việt là Lạc Long quân (con của Kinh Dương Vương) lấy bà Âu Cơ đẻ được 100 con (?) Một ngày đẹp trời, không có chuyện gì quan trọng để làm, Lạc Long quân (có lẽ nghe theo lời xúi bẩy của một ông thầy tướng số tử vi thời đó?) nói với bà Âu Cơ là:

“Ta giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khác nhau, chung hợp thật khó. Nàng nên đem 50 đứa con lên núi, còn ta sẽ đem 50 con về biển (Nam hải)”

Sử thần Ngô Sĩ Liên trong “Đại Việt Sử Ký toàn thư” viết (nguyên văn) rằng:

“Theo sách ‘Thông Giám Ngọai Kỷ,’ bà Âu Cơ là con gái của Đế Lai. Đế Lai là con Đế Nghi, mà Đế Nghi là anh của Kinh Dương Vương. Như vậy, Lạc Long Quân là chú ruột của bà Âu Cơ mà hai người lại kết hôn với nhau? Có lẽ thời ấy còn hoang sơ; lễ nhạc, đạo lý chưa được đặt ra rõ rệt cho nên mới có chuyện kết hôn như vậy chăng?”

Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân “Lạc Long Quân – Âu Cơ” thấy đã có “oan trái!” Thành thử cũng khó mà bền chặt. Chuyện chia ly cũng không phải hoàn tòan là chuyện ngạc nhiên. Nhưng có điều đáng để ý là hình như bà Âu Cơ cũng đã có sẵn những bất đồng ý kiến riêng tư với Lạc Long Quân từ trước rồi hay sao đó? (không thấy lịch sử ghi chép gì về cái mảng này!) Bà Âu Cơ không hề lên tiếng phản đối cái đề nghị chia ly hoàn toàn không cần thiết này (ít nhất, nếu chúng ta đứng từ bên ngòai nhìn vào) của Lạc Long Quân. Bà Âu Cơ dẫn 50 đứa con từ biệt chồng (và 50 đứa con) đi lên núi mất biệt. Dù bố mẹ có giận nhau hay không giận nhau (?) thì trong hoàn cảnh chia tay thế nào đi nữa, các con cái của Lạc Long Quân và Âu Cơ chắc chắn đã có nhiều người khóc nhớ cha, người khóc nhớ mẹ, nhớ anh, nhớ em… khóc như di vỡ tổ. Làm sao đong đo cho hết nước mắt của 100 người con đã khóc đồng loạt vì sự chia ly “lảng xẹc” này!!! Không biết truyền thuyết “50 con lên núi, 50 con xuống (vùng) biển” của dân tộc Việt có đúng không? giả thử ông trời cho người Việt phép lạ được sống thọ vài ngàn năm tuổi thì bây giờ nếu (50) người con của Lạc Long Quân tìm gặp lại được (50) người “anh em” ruột thịt của mình đang sống ở miền thượng du; thấy họ vẫn còn đóng khố, cà răng căng tai, đít chai, vẫn còn ăn “cức khô” (cực khổ!)… thì chắc là phải đau lòng không thể nào cầm được nước mắt!

Đó là chuyện “giả thử.” Thực tế, chúng ta (người Kinh) hôm nay dường như hoàn tòan dửng dưng trước các sự đau khổ của người dân miền thượng du, tây nguyên… Đó là chưa nói đến việc đối xử rất tàn nhẫn với họ; thí dụ như trong vấn đề tranh chấp đất đai hiện nay.

Ở Nam hải, người con trưởng của Lạc Long Quân là Vua Hùng Vương thứ nhất đã dựng nên nước Việt của chúng ta. Như đã trình bày, lịch sử lập quốc Việt Nam đã mở màn bằng một điềm gở: “cuộc chia ly rất đau lòng.” Vận nước Việt thế rồi cứ theo cái điềm gở đó mà tái diễn.

Sự chia ly dưới thời kỳ đô hộ của Trung Hoa (1000 năm)

Năm Canh Ngọ 111 Trước Công Nguyên (BC), tướng Lộ Bác Đức của nhà Hán đánh chiếm nước Nam của vua Triệu Dương Vương, đổi tên nước Nam Việt (của nhà Triệu) thành Giao Chỉ và đặt nền đô hộ tầu lần thứ nhất dài khỏang 150 năm. Cho đến năm 40 Sau Công Nguyên (AD), Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Mê Linh đánh đuổi Thái thú Tô Định chạy về tầu; giành lại độc lập.

Năm Quí Mão 43 Sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng thua quân Mã Viện trong trận cuối cùng ở Cẩm Khê (nay thuộc phủ Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Yên). Mã Viện đuổi theo hai Bà Trưng đến xã Hát Môn, huyện Phú Lộc (nay là huyện Phúc Thọ tỉnh Sơn Tây). Thế bức quá, hai bà gieo mình xuống sông Hát (nay là sông Đáy ở tỉnh Sơn Tây, chỗ dẫn vào sông Hồng) và đánh dấu giao đoạn hai của sự đô hộ tầu. Giai đoạn này kéo dài gần 900 năm kế tiếp sau đó.

Gọi là “đô hộ” cho nó có vẻ văn minh và hợp với ngôn từ ngoại giao quốc tế một chút, có nghĩa là người Trung hoa đến Việt Nam để khai hóa và hướng dẫn dân Việt ra khỏi sự man di mọi rợ, chứ thực sự là 1000 năm “lên rừng tìm ngà voi và xuống biển mò ngọc trai” và các đồ quí báu để quan thầy Trung hoa đem về nước dùng. Nên biết là các quan thầy đô hộ Trung hoa là người đã phát minh ra cái tiểu xảo “chỉ cần mang theo lương thực đủ cho 10 ngày!” Cứ tưởng tượng quang cảnh chim kêu vượn hú ở rừng sâu và lạnh lẽo âm u dưới đáy biển trong gần 1000 năm liên tiếp thì cuộc sống của dân “Giao Chỉ” ta phải ảm đạm đến cỡ nào?

Đi tìm ngà voi và mò ngọc trai chứ có phải là đi “picnic” hay “vacation” đâu mà dân “Giao Chỉ” ta lại đem bố mẹ già, vợ con theo cho nó cùng vui? Thành thử trong gần 1000 năm dài đô hộ này, đếm làm sao cho hết các hoàn cảnh chia ly tập thể… Chắc chắn đã có rất nhiều người dân Việt bị voi dẵm, trăn quấn, cọp vồ, sốt rét… chết trên rừng sâu hoặc bị cá mập ăn thịt, bị chết đuối, chết trào máu tai máu mũi dưới đáy biển; không có ngày trở về gặp lại bố mẹ vợ con.

Cho mãi đến năm Kỷ Hợi 939 (đúng 900 năm sau), Ngô Quyền đứng lên đuổi quân Nam Hán, xưng vương dành lại độc lập cho xứ sở, tạm chấm dứt “Chương trình 1000 năm phát triển kinh tế song phương Trung-Việt (Trung hoa-Việt Nam).” Sau đó, nhà Minh của Trung Hoa thấy 1000 năm đô hộ Việt Nam hình như chưa đủ, nên đã trở lại Việt Nam định trùng tu lại cái “Chương trình phát triển kinh tế song phương” này thêm 1000 năm nữa. Nhưng nhà Minh không thành công. Quân tầu chỉ “đô hộ” thêm đuợc một thời gian ngắn là 12 năm (từ năm 1414 đến 1427). Sau khi Lê Lợi đuổi được quan Minh về tầu, người dân Việt sống tương đối thái bình, yên ổn, sum họp cho đến giai đoạn Nam Bắc phần tranh.

Sự chia ly vì Nam Bắc phân tranh

Đến thời mạt Lê (giữa thế kỷ thứ 16), dân Việt lâm vào giai đoạn “nồi da sáo thịt; củi đậu nấu đậu” đầu tiên. Các người viết sử nước ta gọi giai đoạn này là “Nam Bắc Phân Tranh.” Đọc thoáng qua cứ ngỡ là người dân miền Nam và người dân miền Bắc của Việt Nam phân tranh, đánh nhau để dành của cải của ông cha để lại. Thực tế, đây hoàn toàn chỉ là sự phân tranh quyền lợi của hai gia đình các ông Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn; và dân Việt bị kẹt ở giữa cái hoàn cảnh “các ông chủ lớn phân tranh và trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.”

Năm 1545, trong cuộc tranh chấp giữa họ Mạc và nhà hậu Lê, một vị tướng nhà Lê là Nguyễn Kim bị hàng tướng của họ Mạc đánh thuốc độc chết. Binh quyền nhà Lê lọt vào tay của con rể Nguyễn Kim là tướng Trịnh Kiểm (Trịnh Kiếm lấy trưởng nữ của Nguyễn Kim là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, chị của Nguyễn Hoàng - con trai nhỏ nhất). Thế rồi vận nước giống y như chuyện gây gỗ riêng tư của 2 gia đình! Để nắm trọn binh quyền, Trịnh Kiểm giết con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Em út của Nguyễn Uông là Nguyễn Hoàng lo sợ cũng bị anh rể hãm hại nên xin vào trấn thủ đất Thuận Hoá. Trịnh Kiểm cho rằng đất Thuận Hóa xa xôi, hoang vu, khó phòng bị nên đồng ý cho Nguyễn hoàng đi. Trịnh Kiểm cũng có thâm ý định mượn tay quân họ Mạc để giết Nguyễn Hoàng ở Thuận hóa. Tuy nhiên Nguyễn Hoàng không những đánh bại quân Mạc ở Thuận Hoá mà lại được lòng dân Thuận Hoá. Đến khi Trịnh Kiểm chết (1570), con thứ là Trịnh Tùng giết anh cả là Trịnh Cối và nắm lấy binh quyền. Trịnh Tùng sau khi đuổi được nhà Mạc lên Cao Bằng và áp chế vua Lê Thế Tông (còn nhỏ tuổi), Trịnh Tùng mới tính đến chuyện đánh diệt Nguyễn Hoàng.

Cái oái oăm ở đây là Trịnh Tùng, con Trịnh Kiểm, gọi Nguyễn Hoàng là cậu ruột! Chẳng những thế, Nguyễn Hoàng lúc thất thế bí quá, muốn lấy lòng Trịnh Kiểm cho nên đã gả con gái của mình là Ngọc Tú cho con trai Trịnh Tùng là Trịnh Tráng (tức là cháu lấy cô!) Thế mới thấy rằng vì quyền lợi và mạng sống, con người có thể làm đủ mọi cách không kể gì luân lý, đạo đức…

Dân lành vô tội Việt Nam thời bấy giờ như quân hội vô phèng, như chó mất chủ, chay toán loạn vô trật tự: nhiều người Đàng ngoài (chúa Trịnh, phía bắc sông Gianh) thì chạy vào Đàng Trong (Chúa nguyễn, phía nam sông Gianh); nhiều người Đàng trong thì chạy ra Đàng ngoài. Anh em, chú cháu, cậu cháu, hàng xóm… khi không giết nhau chí chóe như có thù truyền kiếp. Ngay trong gia đình Chúa Trịnh (cũng như trong gia đình chúa Nguyễn) anh em chú cháu cũng giết lẫn nhau hàng ngày để tranh dành quyền thế, binh lực… Biết bao nhiêu là gia đình đã bị chia ly trong hoàn cảnh đầy máu và nước mắt ở giai đoạn nhiễu nhương nầy.

Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng đã chuẩn bị ráo riết về quân sự và dân sự để sửa soạn đánh nhau. Nhưng phải chờ đến thế hệ kế tiếp là Nguyễn Phúc Nguyên (tức Chúa Sãi lên thay cha là Nguyễn Hoàng năm 1613) và Trịnh Tráng (thay cha là Trịnh Tùng năm 1623) thì hai lãnh Chúa mới thực sự đánh nhau trận đầu tiên vào tháng 3 năm 1627. Trong 45 năm ròng rã kế tiếp (từ 1627 đến 1672) hai Chúa Trịnh-Nguyễn đánh nhau tổng cộng 7 trận. Hàng chục vạn sinh linh (đại đa số là anh em, chú cháu) đã phải hy sinh. Các trận đánh thường chỉ kéo dài vài tháng - ngoại trừ trận thứ 5 kéo dài đến 5 năm (1655-1660) - và các trận đánh chỉ quanh quẩn trên 3 tỉnh giáp ranh hai Đàng là Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong 7 trận đánh này, không có phe nào được xem là toàn thắng. Cứ thỉnh thoảng hai bên phải tạm ngừng chiến để củng cố lực lượng, an bài chính sự, nội bộ rối ren; và lấy sông Gianh (thuộc tỉnh Quảng Bình) làm đường ranh chia đôi nam bắc.

Thực ra phải nói là họ Trịnh và Nguyễn đã đánh nhau tổng cộng là 8 trận. Tuy nhiên trận thứ 8 (năm 1774-1775) phe của chúa Trịnh Sâm có sự can dự và giúp đỡ của quân Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ) nên các sử gia không kể trận thứ 8 là (chúa) Trịnh – Nguyễn phân tranh. Trận thứ 8 này, về phuơng diện lãnh thổ, quân Trịnh Sâm đã chiếm đến tận Quảng Nam tức là lấn qua cả địa bàn chính của chúa Nguyễn là Thuận Hóa. Nhưng chỉ 10 năm sau đó (vào năm 1786) thì Tây Sơn diệt cả 2 chúa Trịnh-Nguyễn một lượt cho tiện sổ sách và chấm dứt luôn cái chuyện dài nhân dân tự vệ “Đàng trong Đàng ngoài.”

Sự chia ly dưới thời Pháp thuộc

Sau khi vua Tự Đức và triều đình Huế đánh thua quân Pháp, phải ký hòa ước Quý mùi 1883 (*) “công nhận sự bảo hộ” của Pháp, thì nước “đại” Pháp chia Việt Nam ra không phải là 2 miền Nam Bắc mà là 3 miền Nam Trung Bắc để dễ cai trị. Người Pháp cũng bắt đầu thi hành các chương trình thực dân để khai thác tài nguyên và xương máu của dân tộc Việt.

Kể cũng lạ, người Pháp đã đến đến xâm lăng và “đô hộ” Việt Nam với cùng một chiêu bài như người Trung hoa đã dùng trong suốt 1000 năm trước: “Họ đến để khai phóng một dân tộc lạc hậu!” Người Trung hoa và người Pháp có hai (02) điểm giống nhau là:

- Sống thiếu vệ sinh (đây là nhận xét có ghi trên giấy tờ, báo cáo của quan sát viên và du khách quốc tế đến thăm Trung hoa và Pháp; không phải chỉ riêng nhận xét của người viết bài này!)

- Đặc biệt chú ý, quan tâm đến “sự lạc hậu” của Việt Nam. Họ luôn luôn lăm le và tự xem là có “nghĩa vụ” đến “khai hóa” dân Việt Nam mặc dù dân Việt chẳng hề cần hay mời họ đến để “khai hóa” chi cả! Nói tóm lại, người Việt chỉ muốn xin hai chữ “bình an” mà cũng không xong!

Trung hoa mỗi khi củng cố nội bộ của họ xong là họ tính ngay đến chuyện xua quân qua biên giới để thôn tính Việt Nam. Còn người Pháp vì địa lý cách trở xa xôi, không thể dùng quân sự ồ ạt tấn công Việt Nam như Trung hoa được. Họ phải chia sự thôn tính ra làm 2 giai đọan. Giai đọan đầu, họ đưa các ông cố đạo hiền khô, không có mang vũ khí, đến Việt Nam để truyền giáo; sau đó, quân Pháp với súng ống, tầu chiến đã theo chân các cố đạo truyền giáo đổ bộ lên đất liền. Dân Việt với vũ khí thô sơ không thể đối phó được (** xin đọc thêm phần phụ chú).

Thời kỳ Pháp thuộc khởi đầu bằng “Chương trình 100 năm hợp tác phát triển kinh tế Việt-Pháp.” Chương trình này dựa trên căn bản “50-50” rất bình đẳng (?) có nghĩa là cứ mỗi lần người Pháp thu vào 50 đồng thì người Việt được chia 50 xu. Dân Việt vì xưa nay vẫn theo Nho giáo, chỉ học chữ Nho từ chương, giỏi về phần thơ phú mộng mị; nhưng còn kém về phần toán học và khoa học. Cho nên chỉ hiểu lờ mờ về cái công thức “50 đồng và 50 xu” này. Tội nghiệp cho dân tộc, thêm gần 100 năm sau mới sáng mắt ra!

Dân Việt bị người Pháp bóc lột tận xương. Mỗi người dân chỉ còn mỗi cái khố rách mang trên người. Vì đói quá cho nên nhiều chủ gia đình đã phải từ giã vợ con để tham gia chương trình mộ phu mỏ than hoặc phu cạo mủ trong các đồn điền cao su ở vùng khỉ ho cò gáy (sao nghe giống như “tìm ngà voi và mò ngọc trai” quá vậy!) Nhiều người đã chết và được chôn làm phân bón ở ngay gốc cây cao su …

Sự chia ly (cuộc di cư) năm 1954

… Năm 1954, Việt minh (một phong trào quốc gia chống Pháp kiểm sóat bởi cộng sản Viêt nam) thắng Pháp trong trận Điện Biên Phủ. Người Pháp đầu hàng vô điều kiện và đồng ý rút ra khỏi Việt Nam, trả nước Việt lại cho dân Việt. Căn cứ vào khoản “14D” của Hiệp định Geneve, dân chúng của cả hai miền Nam Bắc được tự do lựa chọn miền đất sống của mình trong vòng 300 ngày sau khi hiệp định được ký kết. Kết quả đã có “cuộc bỏ phiếu bằng chân” đầu tiên và lớn nhất lịch sử Việt Nam đã diễn ra năm 1954-55 này: gần một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, hay nói cách khác đã chạy vào miền nam để tránh CS. Vâng, gần một triệu người bỏ quê cha đất tổ, bỏ bố mẹ, bỏ chị, bỏ anh, bỏ em để chạy CS… Tuy nhiên, nên biết, chính quyền CSVN cho rằng những người đi vào miền Nam là những người đã bị chính quyền Pháp, Mỹ và thân Mỹ cưỡng bức hay "dụ dỗ di cư (?)” Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (gồm đại diện của Ba lan, Ấn độ và Gia nã đại) đã mở cuộc điều tra đơn khiếu nại của chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” (CSVN) về cái gọi là “hành động cưỡng bách di cư.” Trong số gần 25.000 người Uỷ hội đã tiếp xúc, phỏng vấn, không có đến một (01) người nhận là họ bị "cưỡng bách di cư" hay muốn trở về miền Bắc cả. Trong số những người di cư, còn có cả các người trước đây đã từng tham gia, chiến đấu cho Việt minh chống Pháp… Cũng nên biết thêm, theo sử liệu của chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” ghi nhận có 140.000 người di cư ra Bắc bằng phương tiện riêng, băng rừng Trường Sơn, hoặc đi trên các tàu của Ba lan, Pháp, Liên xô. Đa số đây là những người mà CS gọi là “tập kết ra Bắc.” Ngược lại Phủ Tổng uỷ Di cư của Quốc gia (chính phủ Ngô Đình Diệm lập ra “Tổng ủy Di cư” để lo vấn đề di cư này) thì ghi con số 4.358 người đã trở lại ra Bắc theo lời kêu gọi, vận động của chính phủ “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.” Số người này được vận chuyển bằng đường thuỷ và hàng không của Pháp.

Không biết họ (di cư vào Nam hay tập kết ra Bắc) có đủ thời giờ nói lời từ biệt với họ hàng thân thuộc ở lại hay không? Không biết họ có đủ thời giờ để khóc than cho sự chia ly chính trị này không? Đây là đầu tiên trong lịch sử Việt Nam danh từ “Di cư” được dùng để chỉ cuộc chia ly vĩ đại.

Lần này con sông Bến Hải (thuộc tỉnh Quảng Trị) được chọn làm lằn ranh mới của 2 miền Nam Bắc.

Sự chia ly (vượt biển, di tản) năm 1975 và những năm kế tiếp:

Trong giai đọan “đánh Mỹ cứu nước,” đã có rất nhiều sự chia ly gia đình trong hoàn cảnh “sinh Bắc tử Nam.” Hai năm sau khi Hiệp định “Hòa bình” Paris (“Paris Peace Accords” ký ngày 27 tháng Giêng năm 1973 – xin đọc giả để ý chữ “Peace” - the Agreement on Ending the War and Restoring Peace in Vietnam) được ký kết (Điều khoản đầu tiên của hiệp định công nhận sự "độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của Việt Nam. Các điều khoản khác là đình chiến và giữ lãnh thổ của mỗi bên - Bắc và Nam Việt Nam - trước khi đình chiến), chiến tranh Việt Nam vẫn tiếp diễn (?) Quân đội CS Bắc Việt vẫn tiếp tục vi phạm điều khoản đình chiến trong hiệp định “hòa bình” Paris. Giữa tháng 3 năm 1975, quân đội CS khởi đầu những chiến dịch quân sự nối tiếp nhau để đánh chiếm miền Nam. Cao nguyên rồi Huế, Đà nẵng lần lượt thất thủ. Ngày 30 tháng 4 năm 1975, quân đội miền Bắc chiếm được Sài Gòn. Cuộc chiến Quốc gia – Cộng sản đột ngột kết thúc kể từ ngày này. Quân, dân miền Nam thất trận, tan hàng như ong vỡ tổ. Đồng thời có một cuộc chia ly vĩ đại vô trật tự, tang thương gấp mười mấy lần “di cư” có trật tự và giám sát của quốc tế năm 1954 xảy ra sau đó và không chấm dứt cho đến năm 1996. Cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chữ “Di tản” (và “Vượt biên”) đã được sử dụng. Dân miền Nam Việt Nam cứ chạy bừa ra biển Đông để thoát thân mặc dù đại đa số không biết bơi, không biết hải hành (navigation)…

Theo tổng kết của “Cao Ủy Tị Nạn Quốc Tế” thì số người tham dự các cuộc vượt biên, vượt biển … đã có đến gần 3 triệu người. Họ đã bỏ nước ra đi trong nước mắt. Có hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đã bỏ xác trong lòng đại dương vì đói khát, giông bão, hải tặc Thái Lan… (không có thống kê chính xác!) Tiếng than khóc ngất trời. Tượng đá cũng phải nhỏ lệ...

Tại quốc nội, trong giai đọan này, phải kể thêm sự chia ly của hàng ngàn, hàng trăm ngàn quân cán chính của chính phủ miền Nam bị bắt đi học “cải tạo” (“chỉ cần đem theo lương thực đủ 10 ngày!”)… Qua những sự chia ly trên đất liền này, có thêm biết bao nhiêu (?) nhân mạng đã phải chết vì sự cơ cực, đày đọa ở các trại “học tập.” Phải thắc mắc là sau “chiến thắng vĩ đại của dân tộc” mà sao sau đó lại có nhiều dân lành mất mạng như vậy???

Sự chia ly của ngày (giờ) hôm nay...

Chương trình vượt biên, vượt biển đã chính thức được đóng sổ (năm 1996). Hôm nay, dân Việt Nam đang phải đương đầu với những cuộc chia ly mới: hàng ngàn (?) các thiếu nữ ngây thơ phải chia tay với cha mẹ, anh em, ruộng vườn để đi lấy chồng xa lạ ở Đại hàn, Đài loan, Tân gia ba, Trung quốc… đàn ông, đàn bà, thanh niên, thiếu nữ v..v.. chia ly với gia đình để đi theo các chương trình “xuất cảng lao động” sang Ba lan, Hung gia lợi, Tiệp khắc, Sô viết, Trung quốc, Mã lai, Tân gia ba… trẻ thơ chia ly với bố mẹ để đi làm… kiếm sống ở Cao miên v..v.. những người dân còn ở lại thì đã khóc hết nước mắt vì mất đất, mất nhà, mất tương lai, mất tất cả…

Không hiểu là chúng ta đây, những người đã có đời sống yên ổn, cũng chỉ ngồi nhìn dân tộc mình khóc cho qua ngày qua tháng hay sao???
“…Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này
Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài.
Từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn.
Thượng Đế hỡi hãy lắng nghe người dân hiền.
Vì đất nước đang còn ưu phiền.
Còn tiếng khóc đi vào đêm tường triền miên…”
(Lê Minh Bằng – “Đêm nguyện cầu”)

“Còn trời còn đất còn non nước
Có lẽ ta đâu mãi thế này”
(Nguyễn Công Trứ - “Quân Tử Cố Cùng”)

Trần Văn Giang


Phụ Chú

(*) Hòa ước Qúy Mùi (23-7-1883) công nhận sự bảo hộ của Pháp. Hòa Ước Giáp Thân (6-6-1884) tu chính lại Hòa Ước Quý Mùi 1883 một chút đỉnh thôi.

(**) Cái “idea”: "Quân đội viễn chinh Pháp theo chân các nhà truyền giáo để đánh chiếm thuộc địa" không phải của người viết (Trần Văn Giang). "Idea" này của Thủ Tướng đầu tiên (và cũng là Tổng Thống đầu tiên) của Algeria Republic là Ahmed Ben Bella. Dù “đúng hay sai,” nhận định này cần được mở rộng để đọc giả bàn thêm vì vấn đề dính đến tín ngưỡng - “too sensitive!”

Nên biết, nước Algeria ở cách Việt Nam trên 10 ngàn dặm nhưng cũng bị Pháp đô hộ cùng một lúc và cùng hoàn cảnh giống y hệt như Việt Nam. Pháp trả độc lập cho Algeria năm 1962 sau 1 cuộc chiến tranh dành độc lập mà 27000 lính Pháp và hơn 300000 người Algeria bị chết. Algeria không thắng người Pháp; nhưng người Pháp thấy v/đ thực dân không còn hợp thời nữa nên tự động trả độc lập cho Algeria.

Tính chung, Ageria đã bị Pháp đô hộ 132 năm (dài hơn thời gian người Pháp đô hộ Việt Nam). Ahmed Ben Bella bị Pháp cầm tù nhiều lần. Năm 1962 làm Thủ Tướng rồi năm 1963 được bầu làm Tổng Thống đầu tiên của Algeria độc lập. Đến năm 1965 thì Ahmed Ben Bella đảo chánh.

Ahmed Ben Bella đã nói một câu rất chính xác (?) về chính sách thuộc địa của Pháp (mà vấn đề truyền giáo là một phần của chương trình thực dân này) như sau:

"They (người Pháp và các ông Cố đạo truyền giáo) came here (Algeria) and told us (Algerian) to close our eyes and pray. We closed our eyes prayed; and when we opened our eyes, they got the land (Algeria) and we got the bible (Catholics!)"

Trần Văn Giang


Tham khảo

- “Đại Việt Sử ký Tòan Thư” của Ngô Sĩ Liên

- “Việt Nam Sử Luợc” của Trần Trọng Kim

- “Việt Sử Tòan Thư” của Phạm văn Sơn

- Cuộc di cư Việt Nam (nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/Cu%E1%BB%99c_di_c%C6%B0_Vi%E1%BB%87t_Nam,_1954 )

- Chiến tranh Việt nam giai đoạn cuối (nguồn http://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Vi%E1%BB%87t_Nam)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn