BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73235)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Các tổ chức văn học dưới chế độ Cộng sản 1945-1990

07 Tháng Ba 201112:00 SA(Xem: 773)
Các tổ chức văn học dưới chế độ Cộng sản 1945-1990
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Lời tác giả: Năm 1990, lúc mới rời Việt Nam được 5 năm và còn đang sống tại Pháp, tôi viết cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1945-1990, được nhà Văn Nghệ tại California xuất bản vào giữa năm 1991 và tái bản vào năm 1996. Hiện nay, nhiều người liên lạc với tôi đề nghị in lại. Tuy nhiên, thay vì in lại trong tình hình xuất bản và phát hành khá tiêu điều ở hải ngoại, tôi sẽ cho đăng một số phần chính trên blog như một cách cung cấp thông tin cho quý bạn đọc về một nền văn học cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc này. Chỉ xin lưu ý quý bạn đọc hai điểm; một, đối tượng được nghiên cứu và phê bình trong cuốn sách này chỉ dừng lại ở năm 1990; và hai, được viết trong tình hình tài liệu hiếm hoi ở hải ngoại vào những năm 1989-1990, cuốn sách này không thể tránh khỏi một số những thiếu sót nhất định. NHQ

Chính thức thành lập ngày 3.2.1930, thời gian đầu, phải dồn hết tâm sức vào cuộc tranh đấu gay gắt để tồn tại, đảng Cộng sản hoàn toàn không có một chính sách nào về văn học, hoặc văn hoá nói chung. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương đảng lần thứ nhất vào tháng 10.1930 chỉ đặt nặng vấn đề tuyên truyền: “Đảng phải mở rộng việc tuyên truyền ra (báo, sách, truyền đơn, diễn thuyết…). Tài liệu huấn luyện phải rõ ràng, dễ hiểu, và in cho sạch sẽ” (1).

Chỉ từ năm 1936, lợi dụng sự rộng rãi của chế độ kiểm duyệt do Mặt trận Bình dân tại Pháp mang lại, một số cán bộ cộng sản len lỏi vào hàng ngũ cầm bút, dấy lên cuộc tranh luận khá ồn ào và cũng khá ấu trĩ về vấn đề “duy tâm và duy vật”, vấn đề “nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh”. Chưa đạt được thành quả gì cụ thể, tình hình chính trị đã thay đổi càng ngày càng bất lợi, đảng Cộng sản lại phải rút vào hoạt động bí mật. Lãnh vực văn học, một lần nữa, lại bị bỏ quên.

Tại Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 8 họp giữa năm 1941, để dễ tập họp lực lượng, cộng sản quyết định tạm gác vấn đề đấu tranh giai cấp, chỉ nêu cao chiêu bài giải phóng dân tộc. Thực hiện chủ trương ấy, đảng Cộng sản thành lập tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh hội, gọi tắt là Việt Minh, trong đó bao gồm nhiều tổ chức xã hội khác nhau tuỳ theo nghề nghiệp, giới tính và tuổi tác: Hội Nông dân Cứu quốc, Hội Công nhân Cứu quốc, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Hội Thanh niên Cứu quốc… Vấn đề một tổ chức riêng cho văn nghệ sĩ và trí thức cũng được đặt ra, tuy nhiên, thời gian này, họ chưa thực hiện được.

Mãi đến năm 1943, trong Hội nghị thường vụ Trung ương đảng ngày 25 tháng 2, cộng sản mới ghi vào Nghị quyết: “Đảng cần phải phái cán bộ chuyên hoạt động về văn hoá, đặng gây ra một phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc chống lại văn hoá phát xít, thụt lùi. Ở những đô thị văn hoá như Hà Nội, Sài Gòn, Huế… phải gây ra những tổ chức văn hoá cứu quốc và phải dùng những hình thức công khai hoặc bán công khai đặng đoàn kết các nhà văn và trí thức”. Mấy tháng sau, cộng sản tung ra bản Đề cương văn hoá để làm cơ sở lý luận cho mọi hoạt động. Dựa theo bản Đề cương này, một số cán bộ cộng sản như Lê Quang Đạo, Trần Độ, Vũ Quốc Uy… dưới sự chỉ đạo của Trường Chinh bắt đầu liên lạc với giới cầm bút để đưa đến sự ra đời của Hội Văn hoá Cứu quốc.

Trong nội bộ đảng Cộng sản, mãi đến tháng 10 năm 1947, người ta mới thực sự cắt cử ra một số cán bộ chuyên trách về công tác văn hoá, văn nghệ do Tố Hữu đứng đầu, trực thuộc vào Tiểu ban Tuyên truyền do Trường Chinh nắm giữ. Sự kiện này có hai ý nghĩa: một là, trước đó, việc lãnh đạo văn hoá văn nghệ của cộng sản được thực hiện một cách tuỳ tiện, ngẫu nhiên, không có một người nào phụ trách chính thức; hai là, ngay từ lúc mới khai sinh, văn hoá văn nghệ đã bị coi như là một công cụ của việc tuyên truyền. Sau này, chúng ta sẽ thấy, cộng sản nhiều lần thay đổi về tổ chức cũng như danh xưng, tuy nhiên, quan điểm trên vẫn kéo dài mãi.

Để thấy rõ quá trình tập hợp rồi sau đó câu thúc giới văn nghệ sĩ của cộng sản, có lẽ nên theo dõi các lời phát biểu chính thức của Hồ Chí Minh. Trong lá thư gửi giới trí thức và văn nghệ sĩ Nam bộ ngày 25.5.1947, Hồ Chí Minh chỉ kêu gọi mọi người hãy sử dụng ngòi bút như “những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà”. Một năm sau, ngày 15.7.1948, trong lá thư gửi cho Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ hai do Mặt trận Việt Minh triệu tập và chủ trì, Hồ Chí Minh tiến xa hơn một bước, yêu cầu “các nhà văn hoá cần tổ chức chặt chẽ”. Ba năm sau, trong lá thư gửi các hoạ sĩ ngày 10.12.1951, Hồ Chí Minh công khai bày tỏ lập trường của mình:

“Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là: phụng sự kháng chiến, phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.

Để làm tròn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng, nói tóm lại là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết” (2).

Từ năm 1954, đặc biệt, từ năm 1958, sau vụ Nhân Văn - Giai Phẩm, cộng sản càng lúc càng chỉ đạo và kiểm soát giới văn nghệ sĩ một cách cực kỳ gắt gao. Năm 1962, tại Đại hội văn nghệ toàn quốc lần thứ ba, thay mặt Trung ương đảng và Bộ Chính trị, Trường Chinh đọc bản báo cáo “Tăng cường tính đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa”, trong đó, lần đầu tiên, đảng Cộng sản công khai và chính thức đặt ra vấn đề “tính đảng” với bốn nội dung chính:

“1. – Văn nghệ sĩ phải thừa nhận rằng văn nghệ phục tùng chính trị, phục vụ đường lối chính sách của Đảng. Văn nghệ sĩ phải trung thành với lý tưởng cộng sản, và đấu tranh không mệt mỏi cho sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội.

2. – Văn nghệ sĩ bằng hoạt động văn nghệ và hoạt động xã hội của mình cần luôn luôn phấn đấu để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin…

3. – Văn nghệ sĩ bao giờ cũng giữ thế tiến công, chống những tư tưởng phản động và đồi bại của bọn đế quốc và phong kiến, chống tư tưởng tư sản và tiểu tư sản.

4. – Văn nghệ sĩ cộng sản, như mọi người đảng viên cộng sản khác, phải phục tùng tổ chức của Đảng (người nào chưa phải đảng viên thì phục tùng tổ chức nghề nghiệp của mình do Đảng lãnh đạo), phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân về toàn bộ công tác của mình” (3).

Về phương diện tổ chức, từ những năm cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, cộng sản đã biến Tiểu ban Tuyên truyền thành Ban Tuyên huấn trung ương, giao cho Tố Hữu nắm giữ, có nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo cũng như kiểm soát giới văn nghệ sĩ và mọi hoạt động sáng tạo của họ. Sau này, cộng sản thành lập Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương để chuyên trách về các vấn đề văn hoá văn nghệ. Cả Ban Tuyên huấn lẫn Ban Văn hoá Văn nghệ đều trực thuộc Trung ương đảng Cộng sản, tuy nhiên vị trí của Ban Tuyên huấn bao giờ cũng lớn hơn Ban Văn hoá Văn nghệ. Lớn hơn ở phạm vi hoạt động và do đó, ở quyền hạn: Ban Tuyên huấn lo về vấn đề tư tưởng và vấn đề giáo dục tư tưởng chính trị nói chung. Ban Văn hoá Văn nghệ chỉ lo về vấn đề sinh hoạt nghệ thuật. Sinh hoạt nghệ thuật bao gồm sáng tác và biểu diễn nghệ thuật, theo quan điểm của cộng sản, chỉ là một trong những phương thức để giáo dục tư tưởng chính trị. Trong quyển Đổi mới và chính sách văn hoá xã hội do nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 1988, Trần Độ, nguyên là trưởng Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, xác định: “Bộ phận văn hoá văn nghệ nằm trong Ban Tuyên huấn vì nó cũng là một thành phần của mặt trận tư tưởng” (tr. 202-203).

Ban Văn hoá Văn nghệ ra đời một cách muộn màng sau năm 1975. Trước đây, một thời gian rất dài, trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp cũng như trong giai đoạn “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở miền Bắc, nó chỉ là một tiểu ban, một bộ phận của Ban Tuyên huấn: Tiểu ban Văn hoá Văn nghệ. Ngay cả khi Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương đã được thành lập, ở các địa phương, trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, công việc lãnh đạo và kiểm soát văn hoá văn nghệ vẫn nằm trong tay Ban Tuyên huấn. Trần Độ, trong quyển sách dẫn trên cho biết: “Tổ chức Đảng có quyết định từ lâu, từ 1981 ở Hà Nội có Ban Văn hoá Văn nghệ của thành ủy, thành phố Hồ Chí Minh có Ban Văn hoá Văn nghệ của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành khác có bộ phận văn hoá văn nghệ nằm trong Ban Tuyên huấn, có một phó Ban Tuyên huấn chuyên trách. Hiện nay Ban Bí thư cũng đồng ý tiếp tục như vậy” (tr. 202).

Trong cơ chế tổ chức như vậy, Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương, dù trên danh nghĩa là một ban, cũng giống như Ban Tuyên huấn, nhưng trên thực tế nó vẫn là một bộ phận của Ban Tuyên huấn, nó lệ thuộc Ban Tuyên huấn về quan điểm chỉ đạo công tác tư tưởng; nhân viên, cán bộ ở cấp địa phương của nó lại nằm trong biên chế của Ban Tuyên huấn.

Từ tháng 5 năm 1989, trong chiến dịch cải tổ guồng máy tổ chức của đảng, cộng sản gộp chung Ban Tuyên huấn và Ban Văn hoá Văn nghệ Trung ương vào thành một tổ chức mới, gọi là Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương. Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương là Trần Trọng Tân, nguyên là trưởng Ban Tuyên huấn cũ.

Cả Ban Tuyên huấn lẫn Ban Văn hoá Văn nghệ trước đây cũng như Ban Tư tưởng - Văn hoá hiện nay đều không có chức năng quản lý văn nghệ sĩ. Công việc quản lý văn nghệ sĩ thuộc một tổ chức chuyên môn khác: Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

(Trích từ cuốn Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản, Văn Nghệ xuất bản lần đầu tại California, 1991)

Nguyễn Hưng Quốc

04-03-2011

Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc

***

Chú thích:

1. Dẫn theo Đặng Thai Mai, Trên đường học tập và nghiên cứu, tập 2, nxb Văn Học, HN, 1969, tr. 12

2. Cả ba lá thư này đều được đăng lại trong quyển Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập 1, nxb Tác Phẩm Mới, HN, 1985, từ trang 6 đến trang 8.

3. Trích lại từ Văn học, cuộc sống, nhà văn, nhiều tác giả, nxb Văn Học, HN, 1978, tr. 303-304.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn