BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72826)
(Xem: 62104)
(Xem: 39203)
(Xem: 31058)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đối thoại với ông Trần Bạch Đằng về ải Nam Quan

28 Tháng Mười Một 200212:00 SA(Xem: 1310)
Đối thoại với ông Trần Bạch Đằng về ải Nam Quan
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Suốt một tuần liền người ta dồn dập nói với tôi về một bài báo. "Người ta" ở đây là bạn cũ, là người mới quen, và cả những người quen mà chưa có dịp gặp, vì phần đông đều ở các tỉnh xa và thuộc lớp người "cây cao bóng cả" : Thế nào, ông đã đọc bài ông Trần Bạch Đằng đả ông chưa ? Có một anh bạn “lệch tuổi”, trẻ hơn tôi gần hai giáp, biết tôi ít đọc báo Công An, đã phô-tô biếu hẳn bài báo đó.

Hóa ra là bài “Ải Nam quan và những kẻ 'đốt đền' ” của Trần Bạch Đằng đăng trên báo Công An TPHCM ngày 7-9-2002. Sở dĩ có người nhầm, phần vì chưa đọc hoặc đọc chưa kỹ bài tôi viết, phần vì lối chơi đòn phủ đầu “lập lờ đánh lận con đen” của một cây bút đầy mình kinh nghiệm ở đoạn mở bài :

"Lẽ ra, bạn đọc không cần bận tâm với những gì tôi sắp nói, song gần đây, các nhóm chống Việt Nam lưu vong ở ngoài nước hè nhau dùng đủ mọi phuơng tiện để loan truyền cái mà chúng gọi là "chính quyền cộng sản Việt Nam dâng đất cho Trung Cộng", lấy cớ từ bài viết ngớ ngẩn của một Trần Khuê nào đó có nội dung liên quan đến hội đàm và thỏa thuận biên giới trên bộ và trên biển giữa hai nước". (Trich “Ải Nam quan và những kẻ "đốt đền"”)

Ai đã từng xem kỹ "Thư ngỏ gửi Tổng bí thư Giang Trạch Dân" của Trần Khuê - 296 Nguyễn Trãi Q.5 TPHCM, hẳn sẽ thấy bài của ông Trần Bạch Đằng chẳng có chút gì liên quan.

Về văn phong, tôi chưa bao giờ nỡ gọi cái nước "vừa là đồng chí, vừa là anh em" bằng những từ như "chúng nó" hoặc "Trung Cộng", tuy có lúc, về mặt khoa học và về mặt tôn trọng sự thật lịch sử, phải "gọi sự vật cho đúng tên của nó”. Thí dụ có một đoạn mà một vài anh em công an ở Cục A25 kêu rằng : "Bác viết Đảng là kẻ tội đồ bán nước thì nặng quá !", thì cụ thể đoạn đó như sau:

"Lý do tồn tại của Đảng Cộng sản trên đất nước này là để lãnh đạo nhân dân đứng dậy giành độc lập và tự do. Nó không thể tồn tại để quan liêu, tham nhũng, ức hiếp quần chúng hoặc tùy tiện ký nhượng đất đai sông biển của Tổ Quốc. Việc Bộ Chính trị Lê Khả Phiêu ký hai hiệp ước biên giới bất bình đẳng đã làm thiệt hại quyền lợi chung của Dân tộc Việt Nam và làm hại uy tín, thể diện của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ký hai hiệp ước bất bình đẳng này, vô tình hay hữu ý, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà nước Trung Quốc đã đẩy nguời anh em đồng chí của mình ra trước vành móng ngựa của Tòa án Nhân Dân và Tòa án Lịch Sử. Một bên tự vạch áo cho thiên hạ thấy mình là kẻ theo chủ nghĩa sô-vanh nước lớn, còn một bên trở thành kẻ tội đồ bán nước."

Rõ ràng, tác giả nói về sai lầm và trách nhiệm của hai Bộ Chính Trị (BCT) chứ không nói về hai Đảng. BCT Lê Khả Phiêu làm sai thì nên đứng ra nhận tội trước Đảng và Nhân Dân, không nên trút tội lỗi đó cho toàn Đảng hoặc cho Quốc hội. Tôi tin rằng nếu có đưa ra bàn công khai tại Quốc hội thì các đại biểu cũng không dám biểu quyết thông qua hai Hiệp định bán nước này.

Ông Trần Bạch Đằng nói về một "Trần Khuê nào đó" đang sống lưu vong ở nước ngoài. Tôi mạn phép tạm gọi là tác giả Trần Khuê-hải ngoại (TK-HN) để khỏi nhầm với Trần Khuê đang sống ở 296-Nguyễn Trãi Q.5- TPHCM.

Tuy không liên quan gì ngoài cái sự trùng bút danh, nhưng tôi thấy cần phải thảo luận. Vì trong khi phê phán "bài viết ngớ ngẩn" của ông TK-HN thì bài viết không ngớ ngẩn của ông Trần Bạch Đằng đích thực (đang sống trong nước) đã để lộ những sai lầm về kiến thức lịch sử và địa lý, về quan điểm và lập luận.

Về kiến thức lịch sử-địa lý, ông Trần Bạch Đằng chê ông TK-HN bảo ải Nam Quan của Việt Nam tọa lạc trên lãnh thổ Việt Nam là sai. Ông Trần Bạch Đằng lập luận rằng: "Nếu ải Nam Quan là của Việt Nam thì cửa ải phải mang tên "ải Bắc Quan" (cửa ải ngó về phía Bắc) chứ sao cửa ải Việt Nam lại ngó về phía Nam?"

Ông còn đưa thêm lý lẽ của một tác giả cũng đang sống ở hải ngoại (Uc) để "bảo lãnh" cho lập luận của mình thêm vững chắc : "Ông Hoàng Nguyên Nhuận đã dí dỏm "chọc quê" Trần Khuê : "Nếu Việt Nam quả có một cửa ải gọi là Nam Quan thì cửa ải đó phải được đặt ở rừng U Minh".

Ông cũng chê nhân dân ta từ xưa đến nay vẫn nhầm lẫn: "Từ trước tới nay chúng ta thường nói: Nước Việt Nam dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau. Câu này đuơng nhiên thiếu chính xác, nhưng nhân dân ta đã quen dùng, dẫn đến một đinh ninh rằng ải Nam Quan thuộc lãnh thổ Việt Nam." (!?)

Thế là chỉ có ông Hoàng Nguyên Nhuận, ông Trần Bạch Đằng và những người ký Hiệp định Biên giới Việt Trung hiểu chính xác. Còn tất cả mọi người từ xưa đến nay đều hiểu sai tuốt tuột. Trong số hiểu sai này có cả Ban soạn Hiến pháp năm 1959, có nhà thơ Hoàng Cầm (ông Trần Bạch Đằng có trích dẫn thơ Hoàng Cầm). Tất nhiên cả ông Tố Hữu cũng nhầm khi bài thơ "Ta đi tới" nổi tiếng của ông được đưa vào sách giáo khoa có câu :

"Ta đi tới không thể gì chia cắt
Từ mục
Nam Quan đến mũi Cà Mau"

Tôi mạn phép hỏi hai ông Hoàng Nguyên Nhuận và Trần Bạch Đằng, và hỏi luôn cả Ban đàm phán về Hiệp ước Biên giới Việt Trung: các ông hiểu ải Nam Quan thuộc lãnh thổ Trung Quốc là từ hồi nào? hồi các ông còn học bậc Tiểu học ? hay sau khi Hiệp định Biên giới Việt-Trung được ký kết các ông mới đạt được sự hiểu "chính xác" như thế ?

Theo tôi, việc hai ông chê ông TK-HN hiểu Nam Quan nằm trên lãnh thổ Việt Nam là sai, thì hai ông có lý. Nhưng hai ông và cả cái Ban đàm phán về biên giới lại hiểu rằng ải Nam Quan ở trên lãnh thổ Trung Quốc thì rõ ràng cũng là hiểu sai, hoàn toàn sai.

Muốn biết chính xác ải Nam Quan tọa lạc ở đâu xin các ông vui lòng giở lại sử nước Ta và cẩn thận hơn thì nên giở lại cả mấy trang sử Tàu có quan hệ đến sử Ta.

Nếu tôi nhớ không nhầm, đến thời Hồ, Nam Quan vẫn được gọi tên là ải Pha Lũy. Mãi đến khi giặc Minh lấy cớ phù Trần nhằm xâm lược nước ta (thế kỷ XV), Minh Thành Tổ mới đặt tên cho ải Pha Lũy là Trấn Nam Quan để tỏ uy quyền và cả dã tâm của họ : cửa ải đè nén phương Nam.

Như thế tức là không thể đặt vấn đề “Nam Quan” hay “Bắc Quan” vì tên này do Tàu đặt chứ không phải Ta. Cái nhầm của hai ông có một phần lỗi của giới nho sĩ và những người làm sử ở nước ta. Các cụ đã bỏ tên Pha Lũy rồi nói theo, viết theo Tàu nên Trấn Nam Quan thành tên thông dụng. Còn trên thực tế cửa ải này không nằm trên đất Ta mà cũng không nằm trên đất Tàu:

Nam Quan nằm trên làn ranh phân chia địa giới giữa VN và TQ.

Bao đời nay đã như thế và bây giờ lẽ ra vẫn phải như thế !

Lịch sử đã chứng minh rằng : các đạo quân xâm lược của Trung Quốc phàn đông đều đi qua cửa ải nàLy và khi thua trận, bị dân Nam ta đánh đuổi cũng rút chạy qua cửa ải này. Rồi thời nào yên bình giao hiếu thì cả đôi bên vẫn mặc nhiên thừa nhận ải Pha Lũy - trấn Nam Quan là cái mốc phân ranh giới giữa Bắc Quốc và Nam Bang.

Có mấy sự kiện đáng nhớ :

- Trước khi tiến quân vào xâm lược nước ta, tướng giặc Ô Mã Nhi đã dừng ngựa trước ải Pha Lũy rồi nhìn về phía trời Nam mà rằng : "Ôi thương thay, non sông phút chốc hóa thành đất bằng !" (Nguyên sử). Thế nhưng lịch sử đã ghi nhận sự thảm bại của đạo quân Nguyên từng bách chiến bách thắng :

Cửa Hàm Tử giết tươi Toa Đô
Sông Bạch Đằng bắt sống Ô Mã


(Bình Ngô đại cáo)

Còn nước ta thì :

"Non sông nghìn thủa vững âu vàng"

(Trần Nhân Tông)

Trấn Nam Vương Thoát Hoan thì phải chui vào ống đồng cho quân sĩ kéo xe chạy mới thoát khỏi biên giới về nước.

Minh sử thì ghi viêc rút quân của Tổng binh Vương Thông qua Trấn Nam Quan.

Thanh sử thì ghi Tổng đốc Tôn Sĩ Nghị chạy từ Thăng Long mất 7 ngày 7 đêm mới tới Nam Quan và qua ải mới dám dừng lại nghỉ ngơi ăn uống.

Còn tại sao đến ải Nam Quan thì Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi phải quay về mà lo trả thù cho cha và đền nợ cho nước? Vì xe tù của giặc Minh chở ông đến đây sắp vượt qua cửa ải để sang đất Tàu cho nên ông phải chia tay với người con trưởng, chỉ cho người con trai thứ là Phi Long đi theo mình để sau này mang di hài của cha về cố quốc. Tương truyền, nước mắt của cha con Nguyễn Trãi chảy thành suối và đọng thành giếng. Do đó, cạnh cửa ải có suối Nguyễn Trãi và giếng Phi Khanh. Tất cả đã tạo thành cảm hứng sáng tác "hận Nam Quan" cho đời sau, mỗi khi dân tộc lâm vào cảnh mất nước. Văn, thơ hay kịch viết về chủ đề này đều trở thành tiếng kêu hồn nước thúc giục thanh niên lên đường chiến đấu cứu nước, cứu nhà, phục hưng nền độc lập dân tộc, xứngđáng với truyền thống dựng nước và giữ nước của Tổ Tiên Ông Bà :

“Con nên nhớ Tổ tông ngày trước
Đã nhiều phen vì nước gian lao”


Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân ta đời đời truyền tụng "hận Nam Quan". Vì lời Phi Khanh đã thành Lời non nước và chí khí Nguyễn Trãi đã tượng trưng cho chí khí thanh niên cứu nước. Bất cứ người con dân nào của đất Việt, dù sống ở đầu Bắc hay cuối Nam hoặc nơi chân trời góc biển nào đều không quên những truyền thống thiêng liêng của dân tộc.

Sử sách lâu ngày không mang ra ôn lại thì có thể nhầm hoặc quên. Nhưng chẳng lẽ hai ông và cả ông Thứ trưởng Lê Công Phụng cũng không nhớ chuyện này.

Đó là sự kiện năm 1955 Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu sang thăm nước XHCN anh em Trung Quốc. Chủ tịch Mao Trạch Đông đã thay mặt nhân dân Trung Quốc xin lỗi nhân dân Việt Nam vì trong lịch sử, bọn phong kiến Trung Quốc đã nhiều lần sang xâm lược Việt Nam. Chủ tịch Mao cũng quyết định từ nay đổi tên Trấn Nam Quan (cửa ải trấn áp phương Nam) thành Mục Nam Quan (cửa ải sống hòa thuận với phương Nam). Từ đó Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng quyết định đổi tên cửa ải này thành Hữu Nghị Quan.

Như vậy tức là từ thời Phong kiến cho đến thời XHCN thì Nam Quan vẫn được hai nhà nước Việt Nam và Trung Quốc công nhận là một cái mốc chính phân chia ranh giới Việt-Trung. Vừa qua, Thứ trưởng ngoại giao Lê Công Phụng lại giải thích trên truyền hình rằng vì cột mốc số 0 ở Mục Nam Quan bị di chuyển nên khi đàm phán thì hai bên lại nhất trí để Mục Nam Quan chạy tụt sang đất Trung Quốc 0,8 km.

Thế là ông Lê Công Phụng không hiểu rằng trong cuộc xung đột ở biên giới Việt Trung năm 1979, một số cột mốc biên giới có thể bị chuyển dịch về phía này hay phía kia, nhưng còn Nam Quan - cái mốc đặc biệt này - thì chẳng bên nào có khả năng chuyển dịch.

Do đó, hiện nay không bên nào có thể nói rằng cái cửa ải Nam Quan là nằm trên lãnh thổ của nước mình. Nếu lại có sự thỏa thuận rằng Nam Quan thuộc lãnh thổ Trung Quốc, thậm chí lại đẩy vạch biên giới lấn sâu vào lãnh thổ Việt Nam ở đoạn này tới 0,8 km thì hoàn toàn vô lý. Dù lập luận kiểu nào cũng là trái với thực tế lịch sử và hiện tại, những người có lương tri đều không thể chấp nhận.

Ông Hoàng Nguyên Nhuận không hiểu điều này; ông Lê Công Phụng vô tình hay cố ý không hiểu điều này. Chẳng lẽ nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng cũng lại không hiểu điều này hay sao ? Trong bức “Thư ngỏ gửi Tổng bí thư Giang Trạch Dân” tôi đã nêu rõ :

" Ôi, mấy nước XHCN còn lại, bây giờ lại cần lấn chiếm đất đai của nhau, bắt nạt, ức hiếp nhau để chứng tỏ tính ưu việt của CNXH và tình thần Quốc tế vô sản hay sao? Đúng là ta đang làm trò cười cho thế giới tư bản chủ nghĩa và cho con cháu đời sau.”

Tôi hy vọng tình hữu nghị rất đáng trân trọng được Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch dày công vun đắp đã bị BCT Giang Trạch Dân và BCT Lê Khả Phiêu quên lãng và chối bỏ, thì BCT Hồ Cẩm Đào và BCT Nông Đức Mạnh hẳn sẽ trân trọng và phát huy rực rỡ trong thế kỷ mới. Nghĩa là:

Hai bên nên đàm phán lại về hai cái Hiệp định Biên giới bất bình đẳng vừa ký này.

Nói là "vừa ký" nhưng thực tế cũng đã ký với nhau cách nay gần 3 năm rồi. Vâng, chắc ông Trần Bạch Đằng cũng biết, riêng Hiệp ước Biên giới trên đất liền ký với nhau từ ngày 30-12-1999, thế mà giữ bí mật tới ngày 30-8-2002 mới đăng công khai trên nhật báo Nhân Dân. Và cũng chỉ đăng văn bản chứ không đăng bản đồ kèm theo. Còn Hiệp ước Biên giới về biển thì đến nay vẫn chưa công bố.

Thế nghĩa là thế nào, thưa nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng ?

Ông cho rằng, sở dĩ có "một số người, nếu không mang động cơ không hay mà bực dọc chuyện khác - thiếu gì chuyện bực dọc hàng ngày, đủ cấp số - hoặc nhẹ dạ, không nhiều lắm, lặp lại luận điệu của Trần Khuê, thậm chí viết thành kiến nghị gởi cho lãnh đạo nước ta" là do nguyên nhân :

"Có lẽ cơ quan thông tin của ta sơ sót khi không trình bày rõ trên các phương tiện thông tin đại chúng về toàn bộ sự thật chẳng phải bí mật quốc gia gì cả."

Ô hay ! Một sự kiện quan trọng tày trời như sự kiện ký Hiêp định Biên giới Việt-Trung mà các cơ quan thông tin của ta phải im như thóc mấy năm trời và cho đến hôm nay vẫn còn được lệnh không được đăng những bài bình luận xung quanh vấn đề này. Thế mà ông Trần Bạch Đằng lại đổ lỗi cho "cơ quan thông tin" và đài báo của ta thì thiệt tình ông đúng là "nguời không thích đùa" ?

Nếu hai Hiệp định Biên giới quả thật không có điều gì mờ ám, khuất tất, và theo ông Trần Bạch Đằng cũng "chẳng phải bí mật quốc gia gì cả" thì tôi xin mạn phép hỏi : vì sao lại có sự giấu kín, không công khai đưa tin ngay, thậm chí cũng không dám đưa ra Quốc hội để bàn bạc và biểu quyết ?

Về điểm này thì đúng là cả ông Trần Bạch Đằng và BCT Lê Khả Phiêu đều thuộc dạng "những người thích đùa". Vâng, sự thật chứng minh rằng các vị đang đùa cợt trên vận mệnh quốc gia.

Vừa đùa, vừa cao giọng "chụp mũ" kẻ này "động cơ không hay", mỉa mai kẻ khác "nhẹ dạ”.. Vừa đùa lại vừa bạo tay, bạo gan bắt bớ, quản chế người này, xử tù người khác.

Đúng là "chuyện đùa" có một không hai của thế kỷ, và độc nhất vô nhị trong Lịch sử dân tộc.

Dư luận ngạc nhiên khi thấy vấn đề Hiệp định Biên giới nghiêm trọng như thế mà mấy ông sử gia tầm cỡ như Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn đều im lặng. Hăng hái như ông Dương Trung Quốc cũng im lặng.Mà trách các ông làm gì thêm tội nghiệp. Ngay cả giáo sư – anh hùng Trần Văn Giàu còn ngoảnh mặt làm ngơ, nói gì đến lớp sử gia gan nhỏ, thiếu hẳn khí phách anh hùng. Nhà thơ sông Vị có tái sinh chắc cũng đành lắc đầu ngao ngán :

Sĩ khí rụt rè gà phải cáo.
Sử xanh phủ nhận sạch trơn rồi!


Đúng là kỷ cương phép nước, đạo lý ông bà đến hồi lộn xộn, đảo điên. Lãnh thổ đất đai của Tổ tiên từ ngàn xưa để lại, binh hỏa bao phen, một tấc không hề suy suyển. Thế mà giữa buổi yên bình lại để mất đi hàng ngàn cây số vuông đất, hàng chục ngàn cây số vuông biển. Thật là kỳ quái không tưởng tượng nổi!

Lại có người đưa ra luận điệu trấn an dư luận : họ mạnh mình yếu, nhường đi để tránh nạn binh đao. Những người bạc nhược này không hiểu rằng, hàng nghìn năm nay, Bắc triều có để mình yên bao giờ. Nhưng xung đột xong thì một tấc đất họ cũng không chiếm nổi.

Nhớ lại thời Lý, vào năm Giáp Tý (1084) đoàn sứ thần Đại Việt do Binh bộ thị lang Lê Văn Thịnh (tương đương Thứ trưởng Quốc phòng ngày nay) dẫn đầu sang bên Tống bàn định việc cương giới.

Theo sách Danh tiết lục của Trần Ký Đằng, tác giả người Trung Quốc, thì vua Tống đã khen Lê Văn Thịnh “biết cung kính, biết lẽ phải”, bèn hạ chiếu trả lại cho ta 6 huyện Bảo Lạc và 6 động Túc Trang (Khâm định Việt sử thông giám cương mục Tập Một, tr.358 – NXB Giáo Dục 1998). Vua Lý Nhân Tông cũng khen và gia phong Lê Văn Thịnh làm thái sư.

Xem như thế mới biết đàm phán về biên giới phải cử người có bản lĩnh và giỏi biện luận.

Còn cái việc lo lắng họ có thể gây sự đánh mình cũng là thiếu căn cứ. Bao nhiêu thế kỷ chỉ có Ta với Tàu cũng chẳng lấn nổi nhau, huống chi bây giờ còn có cả thế giới và công pháp quốc tế. Ăn hiếp nhau trong thời đại này đâu có dễ. Cứ xem lại năm 1979 càng rõ. Sau khi gây hấn ở mấy tỉnh biên giới, ông Đặng Tiểu Bình thừa sức xua quân xuống tận Thủ đô Hà Nội. Nhưng tại sao ông ta không làm việc đó ? Vì ông ta thừa biết kéo quân vào sâu đất nước Việt thì không khó nhưng rút quân về thì đâu có dễ. Mong rằng những vị nào thiếu hiểu biết lịch sử hoặc tương quan lực lượng chớ lo hão, rồi thần hồn nát thần tính lại hù dọa những kẻ kém cỏi như mình.

Ông Trần Bạch Đằng còn đưa ra lập luận “chẳng ai cho không ai cái gì”. Chẳng lẽ ông đã vội quên mấy trang sử nhà Nguyễn. Vua Tự Đức nhà Nguyễn “cho” luôn thực dân xâm lược Pháp 6 tỉnh Nam Kỳ là đổi lại hẳn sự giữ yên ngai vàng của dòng họ Nguyễn. Vậy mong ông hỏi giúp xem BCT Lê Khả Phiêu nhượng hẳn cho Trung Quốc hàng ngàn cây số vuông địa giới và hải giới thì họ được đổi lại những gì ?

Trong khi cả hai bên rêu rao 16 chữ, trong đó có 4 chữ “láng giềng hữu nghị” chưa ráo mực thì người anh em phương Bắc đã chơi trò bắn những loạt đạn thật ở Biển Đông. Ông bà xưa đã dạy : “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Giờ đây, họ lại nỡ “bán” cả láng giềng lẫn anh em, thử hỏi nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng có đoán được thâm ý của họ không ?

Bà Phan Thúy Thanh và Bộ Ngoại giao ta hẳn phải tảng lờ như không biết nên chỉ phản đối dăm câu ba điều cho qua chuyện. Chứ dư luận trong nước và quốc tế thì đã “đi guốc” và thừa biết cái mưu mô bắn đạn thật ấy. Chỉ xin thưa riêng với ông Trần Bạch Đằng : họ bắn một ít đạn thật như hế mà bật ra bạc tỷ đấy. Chưa biết chừng lại còn bật ra cả vài “liên minh ma quỷ” nữa đấy ông ạ !

Rất tiếc, tôi chưa có hân hạnh được đọc "bài viết ngớ ngẩn" của ông Trần Khuê-hải ngoại, nhưng tôi thấy cần hoan nghênh tất cả những bài viết cũng như mọi ý kiến về vấn đề Hiệp ước Biên giới của đồng bào trong nước cũng như kiều bào hải ngoại; vì dù đúng hay sai, "ngớ ngẩn" hay không ngớ ngẩn, tất cả đều thể hiện ý thức trách nhiệm công dân và tinh thần chủ nhân đất nước, quan tâm đến quốc gia đại sự.

Vả lại, mọi chuyện đúng-sai, hay-dở trong đời cũng cần kiên tâm chờ thời gian phân định và Lịch sử phán quyết :

Ai đúng, ai sai ? Ai vô tội, ai có tội?

Ai bênh vực lẽ phải? Còn ai bao che, "bảo kê" cho lẽ trái hoặc đồng lõa với tội ác?

Với tất cả những người lương thiện có đầy đủ lương tri, trước khi nhận định, đánh giá ai "ngớ ngẩn" hay không ngớ ngẩn, ai "nhẹ dạ" hay không nhẹ dạ, thiết nghĩ không thể thiếu sự thận trọng.

Và tin vào sự sòng phẳng, sự công bằng của Nhân dân và Lịch sử, đó chính là niềm tin không gì lay chuyển nổi của kẻ viết bài đối thoại này. Bắt chước người xưa tôi cũng ngửa mặt nhìn trời mà than rằng:

Anh hùng, nghĩa sĩ rày đâu vắng ?
Nỡ để non sông mắc hận này !


Cuối cùng, tôi tin rằng tất cả đồng bào Việt Nam yêu nước dù đang sống trên quê hương hay hải ngoại đều không chấp nhận mối hận Nam Quan mới. Và những ai đã liều tạo ra cái hận mới này hẳn nhân dân sẽ dành một bản án lịch sử tương xứng với tội trạng của họ.

TP Hồ Chí Minh, 28-11-2002

Trần Khuê

296- Nguyễn Trãi- Q5 -TP HCM
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn