BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76390)
(Xem: 63044)
(Xem: 40430)
(Xem: 32025)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Thêm một nền độc tài Bắc Phi đang hấp hối

28 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 993)
Thêm một nền độc tài Bắc Phi đang hấp hối
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Đầu năm 2011, Bắc Phi vẫn đứng hàng đầu trên các bản tin, các báo. Sau Tunisia là Ai Cập; sau Ai Cập là Libya, các quân cờ theo nhau đổ gục theo kiểu domino.

Libya là một nước Bắc Phi có nhiều nét độc đáo. Đất rất rộng, phần lớn là sa mạc, gần 2 triệu kilômét vuông; có đến 1.770 kilômét ven Địa Trung Hải, hiện có 6 triệu rưởi dân. Libya là một nước cổ xưa, từng bị đế quốc La Mã, rồi người A-rập chiếm đóng; từ giữa thế kỷ XVI đến 1911 là thuộc địa của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là 40 năm (1911- 1951) thuộc địa của Italia được độc lập từ năm 1951 đến năm 1969, nhưng vẫn còn dưới chế độ quân chủ.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 1-9-1969 do một nhóm sỹ quan trẻ khởi xướng đã truất phế Vua Idris, lập nên nền Cộng hòa, với tên gọi sau này là «Jamahirya A-rập Libya Nhân dân Xã hội Chủ nghĩa Vĩ đại».

Moammar al-Gadhafi, nguyên đại úy quân đội Libya, từng học tại trường quân sự nước Anh, là người tổ chức cuộc đảo chính thắng lợi của nhóm sỹ quan trẻ. Ông sinh năm 1942, thuộc bộ tộc Sénoussi trong vùng sa mạc Fezzan, 27 tuổi khi khởi sự. Ngay sau đó ông tự phong là Đại tá, đứng đầu Hội đồng Quân sự Cách mạng gồm 13 người suốt 42 năm nay, tự phong cho mình danh hiệu «Người Anh Thủ lãnh Cách mạng», Chủ tịch Hội đồng Quân sự Cách mạng có quyền cử ra Thủ tướng.



Gadhafi có tư duy chính trị độc đáo và lập dị, không giống ai. Ông chủ trương đứng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản, sáng tạo nên «thế giới thứ ba». Ông lập nhiều công ty quốc doanh lớn với cổ phần hóa rộng rãi. Do rất giàu tài nguyên dầu mỏ - đứng thứ 10 trên thế giới – nên đời sống nhân dân nói chung khá cao, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ tư ở châu Phi, chỉ kém đảo Seychelles, Equatorial Guinea và Gabon.

Gadhafi từng có những hành động liều lĩnh, như cho người đặt bom ở Tây Berlin, làm chết lính Mỹ, bị Tổng thống Ronald Reagan trừng phạt bằng một cuộc ném bom vào thủ đô Tripoli tháng 4-1986, làm chính Gadhafi bị thương nhẹ. Ông ta cũng có những hành động khủng bố, cho đặt bom trên máy bay Boeing 747 của Hoa Kỳ năm 1988. Sang thế kỷ 21, Gadhafi bị cô lập buộc phải cải thiện quan hế với phương Tây, chịu bồi thường nạn nhân do những hành động khủng bố gây nên, tăng cường buôn bán, mua bán vũ khí với Mỹ, Anh, Ý, Pháp, cam kết không sản xuất vũ khí hạt nhân. Libya cải thiện quan hệ với Pháp trong chuyến thăm cấp cao của vợ chồng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy năm 2007, với những hợp đồng kinh tế lớn.

Lối sống của Gadhafi cũng khác người. Đi ra nước ngoài, có khi ông mang theo chiếc lều bạt như của nguời chăn nuôi du mục trên sa mạc. Trong nước, ông cũng ngủ trong lều bạt, xung quanh là bầy lạc đà; ông chuyên uống sữa lạc đà; tất cả lính gác và hầu cận đều là phụ nữ trẻ. Ông nghiện thuốc phiện nặng. Vợ và con không thể tính hết. Một số con trai ông được giao trách nhiệm lớn, trong bộ máy chính quyền, an ninh, trong ngành truyền tin, xây dựng đô thị, y tế. Cũng có người con có hành động phạm pháp, từng bị bắt giữ ở châu Âu. Do những chính sách ngông cuồng, lập dị, thất thường, nhất là độc đoán, cấm tự do báo chí, cấm lập công đoàn, bắt bớ, khủng bố, có khi treo cổ nguời chống đối, phong trào dân chủ châu Phi gọi ông là «Nhà độc tài – hung thần Bắc Phi», là «thằng điên ở Tripoli»…

Cuộc xuống đường của nhân dân Libya nổ ra từ 20-2-2011. Cả khu vực phía Đông sôi sục đấu tranh.

Nhiều nơi chính quyền tan rã, chính quyền tự quản được thiết lập. Bộ trưởng Tư pháp từ chức. Đại sứ Libya ở Ấn Độ ly khai, lên án Gadhafi về tội diệt chủng. Đại diện Libya ở Liên Hiệp Quốc kết án Gadhafi phạm tội khủng bố, chống nhân loại, đòi truy tố ra tòa án Quốc tế. Ngày 22 Gadhafi lên cơn phẫn nộ, ăn nói ba hoa, lảm nhảm, chữi bới quần chúng, đe dọa treo cổ hết, ra lệnh cho bộ máy đàn áp và quân đội ra tay. Nhưng thế lực cầm quyền tan rã không gì ngăn nổi. Hàng loạt sỹ quan và binh lính bỏ ngũ, một số gia nhập hàng ngũ đấu tranh của nhân dân. Một số phi công ném bom chống lệnh, nhảy dù khỏi máy bay, hoặc cho máy bay hạ cánh ở đảo Malta.

Dư luận trong và ngoài nước phán đoán Gadhafi đang ở vào thế tuyệt vọng, sớm muộn sẽ bỏ chạy sang một nước nào đó, và cũng có nhiều khả năng sẽ tự sát như Hitler.

Bùi Tín

25-02-2011

Theo Blog Bùi Tín
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn