BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 76324)
(Xem: 63017)
(Xem: 40409)
(Xem: 32006)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nói thêm một lần cho dứt khoát về khái niệm “Cộng Sản”

24 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1458)
Nói thêm một lần cho dứt khoát về khái niệm “Cộng Sản”
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Để cho mọi người dễ hiểu và đơn giản vấn đề nhất, trước tiên cần nói khái niệm “cộng sản” gồm hai thành tố hợp lại, tức “cộng” và “sản”. Cộng là kết chung lại, hay là của chung của mọi người. Sản là tài sản, tức của cải, cả phục vụ sinh hoạt đời sống, cả nhằm để làm ra của cải mới, tức các công cụ và tư liệu sản xuất. Đối với Mác, chính yếu tố sau mới là yếu tố quyết định mà không phải là cái trước. Bởi đời sống xã hội thì phải có sản xuất, tiêu dùng chỉ là kết quả của sản xuất, cho nên chính tư liệu hay công cụ sản xuất mới là quan trọng, không phải chỉ có vật dụng sinh hoạt. Cộng sản hiểu theo Mác là phải có nền sản xuất chung của toàn xã hội, tức là của chung tất cả mọi người, không còn quyền tư hữu trong sản xuất, tất cả đều làm việc tập thể, và mọi tư liệu, công cụ sản xuất đều là tài sản chung của toàn xã hội.

Thật ra quan điểm như thế không mới, cũng không phải chờ đến Mác mới có, mà trước Mác nhiều nhà tư tưởng chủ trương quan niệm xã hội cộng sản cũng cùng nghĩ như vậy. Tuy nhiên Mác cho rằng những quan niệm như thế chưa đủ, bởi nó chưa lý giải được về mặt khoa học, nên đó mới chỉ là ước muốn, là ý chí thuần túy, chưa có cơ sở thực tế để thực hiện cho chắc chắn và kết quả, và ông gom chung lại đó là những tư tưởng cộng sản không tưởng. Như vậy theo Mác, chỉ có hai loại tư tưởng cộng sản, là quan niệm cộng sản không tưởng có trước Mác, và quan niệm cộng sản từ Mác trở đi là quan niệm cộng sản mà ông cho là quan niệm cộng sản khoa học, hay là chủ nghĩa cộng sản khoa học. Tại sao Mác bảo như vậy? Đây là điều mà rất ít khi người ta để ý. Đó là Mác tin tưởng tuyệt đối vào lý thuyết biện chứng (Dialektik) của Hegel. Chính như vậy, nên Mác cũng bảo lịch sử nhân loại là lịch sử của quy luật biện chứng, tức là đi theo công thức “Đề – Phản đề – Hợp đề”, có nghĩa giai đoạn sau mâu thuẫn với giai đoạn trước, phủ nhận giai đoạn trước, vượt lên giai đoạn trước, và cứ tiếp tục như vậy.

Nói một cách giản dị, cái sườn chung đó theo Mác trước tiên là xã hội cộng sản nguyên thủy, sau đó là xã hội tư sản, và cuối cùng là xã hội cộng sản khoa học theo Mác quan niệm. Xã hội cộng sản nguyên thủy tức con người chỉ có tài sản chung mà chưa có tài sản riêng, tức chưa có tư hữu. Giai đoạn ngược lại tiếp theo, là giai đoạn xã hội bắt đầu có tư hữu, giai đoạn cộng sản nguyên thủy tan vỡ để nhường bước cho giai đoạn này. Giai đoạn xã hội tư hữu cũng tiếp tục tiến hóa từ thấp đến cao, mà cao nhất là xã hội tư bản chủ nghĩa, nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, để cuối cùng lên đến đỉnh cao nó phải tự tiêu diệt mà nhường chỗ cho xã hội cộng sản lại, nhưng đây là giai đoạn cộng sản cao hơn ý nghĩa cộng sản nguyên thủy ban đầu rất nhiều, và Mác cho đó là nền sản xuất lớn của xã hội cộng sản khoa học. Nói như vậy là rất gọn ghẽ, chính xác, và mọi người đều dễ hiểu. Nhất là từ ý niệm “biện chứng” của Hegel, Mác cho rằng nguyên lý tự mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn là định luật chung của mọi sự vật khách quan, trong đó xã hội cũng vậy, cho nên cái cốt lõi của phát triển lịch sử loài người chính là sự đấu tranh giai cấp.

Vậy thì không có lý thuyết biện chứng của Hegel cũng không có lý thuyết cộng sản khoa học của Mác, đây là điều mà phần lớn người ta ít lưu ý tới hay không nhận thức hết được. Có nghĩa theo Mác biện chứng là cái xương sống cốt lõi của ý nghĩa đấu tranh giai cấp, và đấu tranh giai cấp là cái xương sống cốt lõi của sự tiến hóa và phát triển xã hội. Cho nên theo Mác, đấu tranh giai cấp không phải chỉ là đấu tranh quyền lợi kinh tế bình thường của các giai cấp, nếu có thì đó cũng mới chỉ là cái hình thức, cái vỏ bề ngoài, các lý do, nguyên nhân, hay mục đích nông cạn bên trên, còn cái thâm sâu nhất, che giấu bên trong, ẩn tàng, chi phối dưới đáy chính là quy luật biện chứng phổ quát của lịch sử nói chung và lịch sử nhân loại nói riêng về mặt kinh tế xã hội. Bởi vậy, có nhiều người phê bình Mác, mà thật ra chỉ phê bình các hiện tượng hời hợt, nông cạn bên ngoài, cái bên trong họ không hề động tới được, đó chính là cái ý nghĩa của quy luật biện chứng, hay “phép biện chứng” của Hegel, mà nhiều người không ý thức hết. Có nghĩa cái quyết định mọi giá trị, ý nghĩa, cơ sở của lý thuyết Mác chính là nền tảng có thực hay không có thực của lý thuyết biện chứng mà không là gì hết. Kể cả khái niệm cộng sản khoa học cũng thế, nó không thể tồn tại độc lập với ý nghĩa của nguyên lý biện chứng, bởi đây theo Mác không phải chỉ là ý nghĩa tâm lý xã hội bình thường trong đời sống kinh tế, mà chính là ý nghĩa biện chứng về mặt triết học, mà lý thuyết của Hegel chính là ngọn ngành, chính là cái gốc.

Trong ý nghĩa đó, muốn phê bình rốt ráo và căn cơ nhất lý thuyết của Mác về mặt khoa học, chính là phê bình lý thuyết hay quan niệm biện chứng của Hegel về mặt triết học mà không là gì khác. Bởi vì cái bản lề, cái gốc, cái xương sống, cái cốt lõi mà không biết nó hiệu quả hoặc thực chất tới đâu, thì làm sao mà đánh giá được cái sản phẩm, cái kết quả, cái đưa lại của nó, đó chính là điều mà rất ít người quan tâm hay để ý đến. Ngay cả bản thân Mác, ông ta cũng chỉ thụ động tin vào lý thuyết biện chứng của Hegel mà không hề đặt thành vấn đề, phê phán nó, lật đi lật lại nó bao giờ cả. Đây gần như một sự cả tin, một sự tin tưởng mù quáng của Mác, nếu có thể nói được như vậy, cho nên ngay từ đầu nó chỉ thuần túy là niềm tin, giống như một tín điều mà không hề được đặt thành cơ sở khoa học khách quan nào cả. Và về sau cũng vậy, người ta cứ tiếp tục mặc nhiên tin vào chính niềm tin đó của Mác, ngay cả bản thân Lênin và mọi người đi theo sau ông ta cũng vậy, có nghĩa chỉ là một niềm tin dây chuyền, một truyền bá dây chuyền, cho nên thật sự nó chưa phải hẳn là ý nghĩa khoa học mà Mác đã xác quyết.

Thế nên về sau, sau khi nhà nước Liên xô được thành lập nên, bao nhiêu Viện nghiên cứu Mác Lênin được lập ra, bao nhiêu nhà khoa bảng, học giả, bao nhiêu công trình này nọ, ngốn biết bao ngân sách của xã hội, thế nhưng cũng chỉ biết triển khai, phát huy, quảng diễn, mở rộng theo một chiều, tức cũng chỉ biết vuốt đuôi mà không hề trở về cái gốc, không dám phân tích, mổ xẻ về cái gốc, hoặc không có khả năng, hoặc không được phép, và thế là sự truyền bá không phải là sự truyền bá khoa học mà thật sự chỉ là sự truyền bá tín điều, sự truyền bá niềm tin, mà nước nào cũng có, kể từ đó về sau cho đến khi Liên xô và cả khối Đông Âu sụp đổ. Nói như vậy để thấy rằng không biết ngày nay các nước phương Tây có đặt lại ý nghĩa vấn đề này chưa, nhưng các nước khác, kể cả Việt Nam đến nay cũng y như vậy. Tức chưa thấy ai nghiên cứu lý thuyết biện chứng của Hegel thật là sâu xa, toàn diện, có tính quyết định, cả về mặt khoa học khách quan lẫn về mặt tư duy triết học. Điều đó cho thấy mọi sự hiểu về học thuyết Mác từ xưa đến nay thật sự chỉ hoàn toàn bề nổi, hiểu về những cái râu ria mà chưa thật sự là cái cốt lõi, hiểu như một niềm tin, một tín điều, một tôn giáo, mà chưa thật sự hiểu một cách độc lập, tự do, khoa học, khách quan về mặt thực tế cũng như về mặt lý thuyết. Có nghĩa chỉ có khuynh hướng chính trị lấn át cả khuynh hướng khoa học và khuynh hướng tư duy triết học đúng nghĩa, đó quả thật là điều rất vô lý và cũng rất đáng tiếc.

Điều này ngay cả tác giả bài viết này cũng chỉ mới thực hiện một cách rải rác khi nhận định về nguyên lý biện chứng của Hegel mà chưa hề có tác phẩm chuyên sâu, tập trung toàn diện về ý nghĩa này. Lý do vì điều kiện thực tế khách quan của bản thân còn chưa cho phép, thế thôi, mặc dầu trong nhiều bài viết cũng đã đề cập rời rạc và bao quát đến khá nhiều. Ngay như trước đây, hình như vào các năm 1993 – 1995 của thế kỷ trước, ông Hà sĩ Phu khi ấy đã viết hai bài viết dài chưa từng được in ra, bài “Chia tay ý thức hệ” và bài “Dắt tay nhau đi dưới những tấm biển chỉ đường của trí tuệ”. Cả hai bài này nhằm chủ yếu phê phán thực tiễn nhiều vấn đề của lý thuyết Mác về nhiều mặt, nhưng vẫn chưa hề động đến chính cái cốt lõi như trên kia đã nói. Điều này dễ hiểu, bởi ông Hà Sĩ Phu vẫn là một người hoạt động thực tiễn, lãnh vực chuyên sâu của ông là lãnh vực sinh học mà không phải lãnh vực triết học hay khoa học xã hội. Dù sao những ý kiến của ông Phu về các mặt thực tiễn cũng rất đáng lưu ý. Tuy nhiên có điều là chính văn của ông ta khi ấy không hề được cho in ra hay phổ biến, mà chỉ thấy theo như ông cho biết, lúc ấy nhan nhản trên các báo (có đến ba mươi công trình hoặc bài viết) nhằm lên án, đả kích ông thậm tệ. Tất nhiên những bài này lúc đó là đả kích ông là theo kiểu giọng chính trị hoặc giáo điều, nó chỉ mang tính cách nhiệm vụ nhà nước của các tác giả đó mà thực chất không có ý nghĩa khoa học khách quan, chính xác là bao nhiêu. Nhưng điều đáng nói nhất là trong những bài đả kích ông Hà Sĩ Phu có cả ông Trần Đức Thảo, một loại cây đa, cây đề lâu năm, uy tín của nền học thuật Việt Nam, nhưng chỉ rất tiếc các bài viết của ông Thảo cũng chẳng có gì sâu sắc, nghiêm túc, mà cũng chỉ nông cạn, hời hợt như chính quan điểm giáo điều mà chính bản thân ông vẫn luôn luôn thể hiện. Có nghĩa chất tri thức của ông Thảo chắc chắn là có nhiều, nhưng chất trí tuệ của ông thì hình như cũng chưa đáng nói lắm.

Vậy thì trở lại vấn đề, về mặt tài sản như là công cụ phục vụ sinh hoạt đời sống, rõ ràng việc “cộng sản” là luôn luôn bất tiện mà ai cũng rõ. Bất kỳ vật dụng hàng ngày nào, có như là của riêng thì vẫn tiện lợi rất nhiều hơn. Bởi tài sản hay công cụ luôn luôn chỉ là phương tiện phục vụ đời sống mà không hề là mục đích của chính đời sống mà mọi người muốn có. Tính chất của ý nghĩa này là tài sản phải luôn luôn được thuận tiện, được quản lý, bởi vì tính cách sử dụng và tính cách hao mòn của nó, nếu nó được đặt dưới chế độ “công sản” của nhiều người hay “cộng sản” của cả nhóm người nào đó, thì quả thật không ai muốn, vì nó sẽ gây bao chuyện bực mình, phiền phức và bất tiện. Cho nên chỉ còn ý nghĩa “cộng sản” về tư liệu sản xuất, công cụ sản xuất là đáng nói tới nhất. Tất nhiên, điều này mà ngày nay còn đề cập, sẽ có nhiều người la toáng lên rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng họ đâu biết chính quan niệm này vẫn còn ăn sâu rất nhiều trong đầu óc của khá nhiều người ở một số các quốc gia hay ở những vùng còn lại nào đó trên thế giới giống như một niềm tin mạnh mẽ, một ý thức khó phai mờ, một sự khẳng định như đinh đóng cột, nên cần phải soi sáng, phân tích ra, mở mang ra, mới mong có được những suy nghĩ cụ thể đích thực trong chiều sâu, mới thật sâu lắng trong tâm hồn, trong sự nhận thức khách quan, mà không thể chỉ là niềm tin từ ngoài, hoặc những định kiến mang tính mơ hồ, hay huyền hoặc nhất định nào đó.

Chính vì lý do đó mà một lần nữa mọi người hãy cùng nhau phân tích lại một lần nữa, làm sao cho dứt dạt, cho quyết định, cho dứt khoát, để không còn mơ hồ, hoang mang, đắm đuối, hoặc chỉ có tính cách hiểu lơ mơ hay chưa rõ rệt nữa. Thật vậy, công cụ sản xuất không bao giờ chỉ sinh ra và ổn định một lần, mà luôn luôn tiến triển theo thời gian. Đó luôn luôn là kết quả của sáng tạo, là thành quả khoa học kỹ thuật của con người, nó phát triển theo lịch sử, kết tinh của lao động không ngừng và của trí tuệ toàn xã hội mà không phải chỉ của giai cấp nào. Sự đấu tranh giai cấp nếu có chẳng qua chỉ là sự giành giật nhất thời về các mặt quyền lợi cụ thể nào đó, mà không phải là một tính cách hay một khái niệm mơ hồ, bất biến và bao quát như Mác nghĩ. Điều đó quả thật cũng giống như nhiều người cùng đắp chung một cái mền. Cùng đắp mền có thể giành qua, giật lại, song cũng chỉ cái mền đó, có thể làm nó sờn đi, rách nát nếu không được thay thế bởi cái mền khác. Thế thì ý nghĩa của vấn đề là phải luôn luôn có các cái mền mới thay vào theo năm tháng mà không phải chỉ cái mềm cũ vá đùm vá đụp và cùng nhau trành qua, xéo lại hoài. Sự đấu tranh giai cấp nếu có và sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng vậy. Chính sự phát triển khoa học kỹ thuật mang đến các công cụ, tư liệu sản xuất mới không ngừng mà không phải đấu tranh giai cấp tạo ra chúng. Đó là điều suy nghĩ đơn giản nhất mà rất tiếc có rất nhiều người không chịu thấy.

Nhưng khoa học kỹ thuật phát triển là do đâu, là do tiến bộ lịch sử, do phát huy chất xám của các nhà khoa học kỹ thuật, do sự tìm tòi, nghiên cứu của trí tuệ, của chuyên môn, của mọi ngành khoa học và kỹ thuật hợp lại, không phải chỉ là sản phẩm thuần túy của giai cấp công nhân hay nhân dân lao động như nhiều người vẫn cứ tụng theo kiểu giáo điều. Thật thì, khoa học luôn luôn là sự khổ công nghiên cứu của trí tuệ, nhiều khi chỉ do sự tình cờ ngẫu nhiên mà khám phá ra, còn đầu tư sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đó lại là chuyện khác. Cho nên giai cấp công nhân nhiều lắm cũng chỉ là sự thực hành về kỹ thuật, không phải là những người sáng nghĩ ra các máy móc thiết bị như một số người lầm tưởng. Tất nhiên các nhà khoa học, các nhà trí thức vẫn có thể xuất thân từ mọi thành phần khác nhau trong xã hội, nhưng khi đã là những người chuyên môn, những người trí thức, họ lại thuộc về chính thành phần mới, về thế giới mới của chính họ mà không còn trở về với nguồn gốc phát sinh của họ nữa. Đây cũng chính là ý nghĩa giai cấp nói chung, tức khái niệm giai cấp, giai tầng xã hội chỉ là ý niệm khái quát hóa, nội dung và hình thức của nó luôn luôn biến chuyển, không bao giờ cố định để mang tính chất đấu tranh giai cấp bất biến, thường xuyên như Mác vẫn tưởng tượng. Chính nhiều cá nhân cùng điều kiện lao động hay đời sống tạo thành các giai cấp, giai tầng xã hội, mà không phải giai cấp như một phạm trù tiền chế, bất biến kiểu bản thể triết học một cách trừu tượng như quan điểm “biện chứng” nghĩ tưởng.

Bởi thế trong thời đại tin học ngày nay, ý nghĩa của khoa học kỹ thuật quyết định xã hội hoàn toàn cho thấy điều đó. Một thập niên ngày nay có thể phát triển kết quả bằng cả hàng trăm năm trước, thế nhưng các giai cấp thì vẫn còn y đấy, điều đó cho thấy cái gì là quyết định. Vả chăng lịch sử phát triển xã hội cũng giống như một cái cây. Một cái cây luôn luôn phát triển đầy đủ mọi cành, nhánh của nó, mọi lớp lá luôn luôn thay đổi của nó, không có cái cây nào chỉ có vài ba bộ phận chính yếu, bất biến họp lại, giống như cây dù chỉ có cán và lớp vải bọc dù, hoặc nhiều lắm cũng chỉ thêm các kèo dù và cái chốt bật lên bật xuống. Đó toàn là những ý nghĩa sơ đẳng nhất mà tại sao nhiều người không thấy. Hay nói về sự mâu thuẫn, đối lập và giải quyết đối lập, vậy thì sự tồn tại đối kháng của tính phái nam nữ, đực cái trong xã hội loài người và trong sinh vật, có bao giờ tự tiêu diệt hay mất đi được chăng. Sự tồn tại của hai cực thanh nam châm hay sự tồn tại cực bắc nam của địa cầu có bao giờ giải quyết và phát triển khác đi được chăng hay chúng vẫn cứ luôn luôn như thế. Những ví dụ này thì có nhiều không bao giờ có thể nói hết. Ngay cái sai của Hegel là chủ quan cho rằng hệ thống của ông là đỉnh cao của tri thức nhân loại. Ông còn cho vua Phổ lúc ấy như hình ảnh của Tinh thần nhập thế, như ý nghĩa rõ ràng của sự phát triển lịch sử thế giới. Đến Mác lại cũng tự cho lý thuyết mình là chân lý tuyệt đối, là đỉnh cao của trí tuệ loài người, và giai cấp công nhân theo ông cũng là biểu trưng của lịch sử, thật chẳng khác gì ông thay vào đó hình ảnh vua Phổ của học thuyết triết học Hegel ngày xưa.

Cho nên ý niệm về xã hội cộng sản nguyên thủy thật ra chỉ là ý niệm gán ghép. Bởi vì lúc đó con người còn sống trong tình trạng sơ khai, làm gì có ý nghĩa tài sản riêng đâu mà bảo là cộng sản nguyên thủy. Gán nội hàm của khái niệm này vào nội hàm của khái niệm khác là hoàn toàn phi lô-gích, là hoàn toàn không đúng. Điều đó cũng giống như Mác gán khái niệm biện chứng mang tính chất duy tâm của Hegel vào nội dung mang tính chất duy vật của mình, cũng là biến cải tùy tiện nội hàm, như râu ông nọ cắm vào cằm bà kia, làm thế nào mà có thực chất hay hợp lý được. Cũng từ đó để thấy rằng quy luật đấu tranh giai cấp qua các hình thái xã hội mà Mác nghĩ ra là hoàn toàn cường điệu, thậm chí là thêu dệt. Bởi vì khi khái niệm biện chứng đặt sai chỗ, nội hàm bị tráo đổi, thì các ý nghĩa về biện chứng duy vật cũng vô nghĩa và biện chứng lịch sử cũng vô nghĩa luôn. Như thế thì còn gì các hình thái ý thức xã hội, làm gì có các hình thái kinh tế xã hội nữa, làm gì có các ý nghĩa về xã hội cộng sản khoa học vốn phải xuất phát và bắt nguồn từ đó nữa. Cho nên nếu ai đọc kỹ những mô tả của Mác về bản thân ý nghĩa của xã hội cộng sản khoa học trong tương lai đều thấy là hết sức không tưởng, hoàn toàn phi lý và không thực tế. Có nghĩa người ta không hoàn toàn đọc Mác, hoặc đọc mà không có ý thức nhận định và phê phán, tức đọc mà không có trí tuệ thì mới hoàn toàn tin theo một cách thụ động và mê hoặc như thế. Ngay như Mao Trạch Đông chẳng hạn, ông ta đã từng nói trí thức chẳng đáng một cục phân, còn ông thì cũng chẳng có nhiều thì giờ để đọc Mác nữa. Đấy, ý nghĩa của kiểu chủ thuyết truyền miệng phần lớn nó là như thế.

Chẳng hạn các nước phương Đông, khi nhà nước Liên xô thành lập, họ phần lớn chỉ là nông dân các nước hoặc các trí thức còn có nhiều mặt hạn chế lúc bấy giờ được gởi tới, được thu hút để đến đó học tập. Song thực tế đó chỉ là các khóa đào tạo chính trị ngắn ngày, thiên về các kiểu lý luận mà ngày nay được gọi là mì ăn liền, đâu có ý nghĩa gì về mặt khoa học, mặt học thuật, hay mặt nghiên cứu. Rồi cứ thế triết học truyền miệng trở thành áp lực chính trị, áp lực chính trị trở thành vũ lực chuyên chính đúng theo tinh thần của Mác, cuối cùng chỉ còn là những công nhân triết học, những công chức triết học, những cán bộ triết học có mặt ở khắp nơi, khắp mọi nước, mà không còn là những nhà khoa học, những nhà tư duy đúng nghĩa hay cần thiết cho sự phát triển của đất nước hoặc nhân loại mà nhiều người mong muốn, cho dầu có bao nhiêu Viện nghiên cứu, bao nhiều chương trình, kế hoạch đào tạo trong thực tế đã được lập ra. Điều này cứ rà soát lại chính đất nước Liên xô cũ, các nước khối Đông Âu cũ thì hoàn toàn thấy rõ. Chính trị đã thay cả triết học và khoa học đúng nghĩa, chính trị cũng thay cả kinh tế và xã hội là điều mà ngày nay mọi người đã hoàn toàn rõ. Cho nên thay vì xã hội hóa chính trị, tức dân chủ, tự do hóa xã hội, cả một chiều hướng ngược lại đã được áp dụng cho nhiều vùng, nhiều bộ phận của nhân loại, tức chính trị hóa xã hội, đưa xã hội vào trong các chế độ tổ chức tập thể một cách máy móc mà ngày nay người ta gọi là chủ nghĩa xã hội trại lính mà ai cũng rõ.

Tuy nhiên nói như vậy cũng chẳng qua là ăn cơm mới nói chuyện cũ, bởi vì ngày nay mọi nước và toàn thế giới đã hoàn toàn đổi thay. Nói như thế chỉ cốt nhằm ôn cố tri tân, soát lại chuyện xưa để biết chuyện ngày nay mà thôi. Tức là ngày nay thế giới đã hội nhập toàn cầu, các quốc gia kiểu dạng Mác xít cũ cũng đã hoàn toàn đổi mới, nên cũng chẳng có điều gì nghiêm trọng đáng nói nữa. Tuy nhiên cũng còn có một điều, là các lớp đào tạo Mác xít ở Liên xô ngày xưa, có lẽ lúc đó trình độ dân trí nói chung còn thấp quá, cho nên khi họ trở về nước để làm cách mạng, để cầm quyền, lập tức được tôn lên kiểu thần thánh, không những chỉ cá nhân mà cả tập thể đi theo họ, tức ngày nay được gọi chung trong khái niệm thần thánh hóa lãnh tụ, thần thánh hóa lãnh đạo mà ai cũng biết, giống như Bắc triều tiên, Cuba, Trung Quốc, mà hình ảnh của Kim Nhật Thành, của Fidel Castro, của Mao Trạch Đông, ngoài chuyện có khi cha truyền con nối, anh truyền em nối, ông truyền cháu nối, còn đã trở thành như những ông thánh sống muôn đời mà ngày nay ai ai cũng rõ. Nhưng người ta lại không nghĩ rằng ý nghĩa của cách mạng mà làm như vậy là phản cách mạng, bởi vì trong xã hội cũ cũng có ai được tôn làm thánh sống như vậy đâu. Đó là chưa nói suy tôn cá nhân cũng có nghĩa là hạ giá dân tộc, hạ giá xã hội, hạ giá đất nước, giống như muốn nói trong xã hội chẳng có gì đáng sá hơn nữa, cả quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, như thế thì còn gì là phát triển, còn gì là triển vọng, còn gì là các giá trị, mục tiêu hay ý nghĩa cao quý nào khác để mà hướng tới nữa. Thật sự, đó chính là tính cách coi thường xã hội, vô trách nhiệm đối với xã hội, với mọi người mà nhiều người không thấy.

Cho nên cũng cần nói thêm một chút. Như cái hạt cây chẳng hạn, lúc đầu chỉ là một, tức là cái chung. Nhưng tới khi nẩy mầm, chính mọi cái riêng đã phát triển ra, nhân ra, đâu còn cái gì gì chung như ban đầu nữa. Đó cũng là quy luật chung của muôn vật, tức sự phát triển luôn luôn là sự chi tiết hóa, cụ thể hóa, phân liệt hóa, không hề là con đường hay quy trình ngược lại. Gia đình con người cũng vậy, lúc đầu tài sản vợ chồng là tài sản chung, tức là “cộng sản”, cùng ăn chung, lo chung. Nhưng khi con cái đã trưởng thành, chúng lại bắt buộc phải có của riêng, rồi khi cha mẹ chết đi, tài sản chung đó lại phải phân chia ra, đó chỉ là quy luật và yêu cầu khách quan, làm gì có chuyện dồn chung, gộp chung của mọi người lại nữa. Đó là chưa nói chuyện cha chung không ai khóc kiểu quản lý tập thể, làm ăn tập thể, với những hậu quả nhãn tiền trong thời kỳ bao cấp, thời kỳ kinh tế tập thể mà hầu như ai cũng đã từng kinh qua, đã từng trải nghiệm, và cũng từng rõ cả. Cho nên khi Hegel lý luận hạt và cây là sự biện chứng, tức hạt tự phủ nhận mình để cho ra cây và cứ tiếp tục phủ nhận như vậy. Nhưng cuối cùng tại sao cây lại cho ra hạt, chính Hegel cũng bí, không thể giải thích được, và ông cho đó là quy luật vòng tròn của tự nhiên. Tức qui luật biện chứng của Hegel ban đầu là một, nhưng sau lại tách hai, thành ra biện chứng vòng tròn của tự nhiên, và biện chứng đường thẳng của lịch sử con người, quả cũng là điều chẳng ai muốn cãi. Nhưng điều đó dù sao cũng còn có lý hơn Mác, bởi vì nó duy tâm, tức tin tưởng có nội lực khách quan tự nhiên, siêu hình nào đó. Trong khi đó Mác lại hoàn toàn duy vật, tức không tin tưởng có bất kỳ một nội lực nào, thế mà lại biện chứng được thì cũng lạ, giống như cái xe không có máy vẫn chạy được, giống như con gà không có cái đầu vẫn đi đứng và gáy được, hay giống như cái lu không mà người ta vẫn cứ múc nước ra được. Nhưng đó là chuyện ngày xưa, còn ngày nay trong những kiến thức về quy luật tiến hóa, trong các hiểu biết về sinh học phân tử, quả thật chẳng có nhà sinh học nào mà còn ngồi để tin vào các ý nghĩa “biện chứng” như thế nữa. Bây giờ thì chính ý nghĩa của cấu tạo và vận hành gien, chính ý nghĩa của bản đồ gien còn cụ thể gấp cả trăm lần những ý tưởng biện chứng mơ hồ mà Hegel đưa ra và Mác bê nguyên và biến thành riêng theo quan điểm của mình nữa.

Vậy thì nói tóm lại, xã hội luôn luôn phát triển khách quan và tiến hóa. Mặt khác, nguyên lý cấu trúc của xã hội là nguyên lý nhất thiết bao giờ cũng phải có. Có nghĩa là mọi ngành nghề không thể nào tiền chế hay tổ chức một cách cứng nhắc, máy móc, mà chúng luôn luôn sinh động, biến thái theo nhu cầu xã hội, theo các điều kiện môi trường, sinh thái, cũng như các yếu tố của thời gian. Không bất kỳ tồn tại sự vật cụ thể nào mà không có cấu trúc, đó là nguyên lý. Cho nên nói một xã hội cộng sản không giai cấp trong tương lai là nói một cách mơ hồ không cụ thể, thiết thực. Bởi vì chính từng cá nhân con người tạo nên chung xã hội mà không phải xã hội là cái có sẳn trước phân chia ra thành những cá nhân con người. Thế cho nên khi khoa học kỹ thuật phát triển, có nghĩa mọi nhu cầu của con người cũng tăng lên vô hạn, bởi vì chúng được chi tiết hóa ra, nâng lên, cho dầu mục đích chung cũng chỉ là phục vụ mọi yêu cầu phải có của đời sống. Bởi vậy xã hội và sự tổ chức xã hội nếu nói cho cùng cũng chỉ là phương tiện phục vụ con người mà không bao giờ tự nó là mục đích. Nó cũng giống như cái đò để người ta qua sông, qua sông xong mọi người đều phải để đò lại cho người kế tiếp mà không ai lại vác mang theo, bởi vì nó không hề là mục đích. Cho nên mọi hình thức tổ chức xã hội đều không thiết yếu, mà điều thiết yếu nhất chính là chất lượng sống của mọi con người. Bệnh “chủ nghĩa” thật sự nói cho cùng chỉ là bệnh sính hình thức, tức là sính tổ chức. Đó thật sự là một loại bệnh nhưng không phải là chuyện bình thường. Giống như những người có bệnh ở sạch, đó là điều hoàn toàn không thích đáng, không tự nhiên và hoàn toàn giả tạo, máy móc.

Thật ra, kinh tế xã hội hay lao động xã hội thực chất là do kinh tế và lao động từng cá nhân hợp lại. Điều đó cũng giống như rừng là do từng cái cây lớn nhỏ trong rừng hợp lại. Không bao giờ có việc một cái cây to lớn vĩ đại duy nhất nào lại tạo nên được một khu rừng cả. Cho nên ý nghĩa chính của kinh tế xã hội, ngoài lao động còn là sự sáng kiến của cá nhân. Nhiều khi chính sáng kiến còn mang lại kết quả nhiều gấp trăm, gấp ngàn lao động thuần túy. Như sáng kiến về cái đòn bẩy chẳng hạn, nó lợi cho sức gân bắp có khi cả trăm lần. Hay guồng máy xa nước, hoặc cái cối xay gió cũng thế. Ai cũng biết trong lịch sử nhân loại, chính sự phát minh ra lửa, sự luyện kim, rồi máy hơi nước, dòng điện, cho đến thời đại điện toán ngày nay, đều là những dấu mốc phát triển rất lớn. Những cái này thật sự không liên quan gì trực tiếp đến ý niệm đấu tranh giai cấp mà Mác đã đề ra cả. Cho nên chính sự đầu tư tự do của tư nhân, mới là những đầu tàu, những động lực phát triển kinh tế quyết định hơn cả. Vì nó phù hợp với tâm lý tự nhiên của con người, phù hợp với yêu cầu hoạt động linh hoạt tự nhiên của xã hội. Bởi ai cũng biết những nền kinh tế kế hoạch hóa, thật ra luôn luôn biến thành hệ thống thư lại nặng nề, tạo sức ỳ cản trở kinh tế phát triển, nhưng khó bao giờ là sự hiệu quả, tinh vi hoặc hữu lý, như nhiều người lầm tưởng. Đó cũng là ý nghĩa thực tiển không thể thay thế được cho nguyên lý, sự nhất thời, tạm bợ không thể thay thế được cho cái hằng cửu, vĩnh bền. Đó cũng là ý nghĩa kinh tế như một dòng chảy, phải khơi dòng, loại bỏ mọi chướng ngại giả tạo để cho nó được trôi chảy trơn tru, không thể vì một số chướng ngại ban đầu nào đó khiến nó khựng dòng hoặc đưa lại những hậu quả bất công, rồi cho rằng như thế là bất hợp lý, là không thuận tiện, để ngăn dòng biến thành một thứ hồ chứa khổng lồ, bùn lầy nước đọng, và trong ao tù đó phát sinh bao nhiều vật ký sinh vô cùng phiền phức.

Đấy cái khái niệm về chủ nghĩa cộng sản khoa học của Mác nó cũng giống y như vậy. Điều này ở trên chúng ta đã nói nhiều rồi. Ở đây chỉ cần nhắc lại rằng ở thời Mác cách lý luận của con người nhiều khi hãy còn thô sơ, cho nên đôi khi người ta không bắt bẻ Mác lại được. Vả chăng, ông ta lại hay ngụy biện hoặc xảo thuật, cho rằng ai đi ngược lại ông đều là bọn tư sản, là giai cấp tư sản, nên nhiều người giống như phải chịu đòn phép, mặc dầu chính thành phần xuất thân của ông ta cũng là giai cấp tư sản. Hơn nữa ông ta còn chủ trương chuyên chính, nên sau khi nhà nước Liên xô thành lập, quả nhiên về sau không còn ai dám nói ngược lại ông ta nữa nếu ở trong chính những xã hội mà lý thuyết của ông ta khống chế. Nhưng Mác không ngờ một điều, chính sự chủ trương quái dị đó của ông, không những làm cho kinh tế xã hội ở nhiều nơi ngưng trệ, cùi đày, mà cả ý thức tinh thần của con người, cả những đầu óc sáng tạo và cả giới văn hóa, nghệ thuật, hay văn nghệ sĩ, tức là các tầng lớp tinh hoa của xã hội nói chung cũng phải đều chịu chung một số phận như vậy. Đó chính là các ý nghĩa mà ngày nay không thể còn ai có thể giấu đi đâu được nữa. Nói khác đi, cái mà bản thân Mác tự hào là mình đã tổng hợp được ba nguồn, đó là chủ nghĩa xã hội Pháp, tư tưởng triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh, thật ra chỉ là ba nguồn vay mượn giả tạo từ ngoài vào còn chính bản thân Mác thật sự không có gì cả. Bởi chủ nghĩa xã hội Pháp chỉ là không tưởng, chính Mác cũng công nhận như vậy. Biện chứng pháp Hegel, tức triết học cổ Đức thì như trên chúng ta đã nói. Còn kinh tế chính trị học Anh, tức là cuốn Tư bản luận (das Kapital) của Mác, chỉ là chuyện “triết lý hóa” kinh tế học mà Mác đã làm, tức gọt chân theo giầy là chiếc giầy biện chứng của Hegel. Thế thì còn lại gì, nếu không phải cái duy nhất độc đáo mà từ cổ thời tới lúc đó chưa hề có nhà tư tưởng của nhân loại nào nghĩ đến, đó là ý niệm chuyên chính hay độc tài vô sản (Diktatur des Proletariats) mà Mác thật sự tâm đắc.

Bởi vậy, thật ra Mác cũng chỉ là con người bình thường, các suy nghĩ của ông thật ra cũng còn nằm trong phạm vi hạn chế, bình thường. Thế nhưng, những kẻ xu phụ thời cuộc lại tâng ông lên quá trời xanh như là đỉnh cao tột cùng, duy nhất, trong mọi thời đại của nhân loại, thì quả thật là vô cùng đáng ngạc nhiên và vô cùng dễ sợ. Cho nên trong thời hiện đại, để khắc phục mọi nhược điểm trong quá khứ từng một thời đã có, có lẽ mọi người không trừ một ai (tôi nhấn mạnh không trừ một ai), trừ những người hãy còn chưa thật tỉnh, phải góp phần trả lại mọi sự bình thường cho xã hội. Tức một xã hội đi trên đất mà không phải đi trên mây thật sự(1). Một xã hội hoàn toàn thức tỉnh để cùng nhau xây dựng đất nước tiến lên, cùng nhau trả lại mọi hạnh phúc tự nhiên cho con người, tức không còn mọi con người phải đóng kịch và giả tạo nữa, tức một xã hội hoàn toàn tỉnh táo, hiện thực, không còn giống như một người say đi xiêu vẹo, chân nam đá chân chiêu, miệng vẫn luôn lè nhè nói lớn, bố đứa nào nói ông say ông thề sẽ đánh chết cha nó, khiến cho ai nấy đều cũng thấy buồn cười, và chỉ có biết lặng lẽ tránh đi để khỏi trở thành phiền phức

Đà Lạt, một sáng sớm mùa Xuân Tân Mão

(24/02/2011)

Võ Hưng Thanh

Theo Đàn Chim Việt


(1) Xem thêm cùng tác giả : Điều cốt lõi của chủ nghĩa Mác (16/01/2011), Chủ nghĩa nhân văn (23/01/2011), Thế nào là một nền chính trị toàn dân (19/02/2011), Thế nào là sự ổn định và phát triển (22/02/2011), Nói về mối quan hệ giữa con người và con người trong xã hội (23/02/2011).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn