Những thử nghiệm về ngôn ngữ trình bày trong bài “Hoài nghi ngôn ngữ” thường dẫn đến hậu quả là làm thay đổi hẳn ranh giới giữa các thể loại, và cuối cùng, có thể làm thay đổi hẳn nội hàm của khái niệm văn học.
Lâu nay, các nhà văn của ta hay khẳng định một cách dứt khoát thế nào là thơ và thế nào là truyện để trên cơ sở đó, họ bình luận về từng tác phẩm văn học cụ thể, và nhất là, để phê phán những tác phẩm táo bạo vượt ra ngoài khuôn sáo.
Trên thực tế, lịch sử phát triển của bất cứ nền văn học nào cũng là lịch sử của những sự thay đổi trong các quy ước về thể loại, về văn học và về cái đẹp nói chung.
Chỉ cách đây hơn một trăm năm, cha ông chúng ta không xem những câu văn viết như lời nói thường hằng ngày là văn chương; nay, đó lại là hình thức văn chương phổ biến nhất và có lẽ, được ưa chuộng nhất. Cách đây chưa tới một trăm năm, cha ông chúng ta xem vần là yếu tính của thơ; nay, số lượng những bài thơ không vần càng ngày càng nhiều và dần dần có khuynh hướng áp đảo loại thơ có vần, ít nhất ở những cây bút trẻ. Cũng gọi là thơ, nhưng nhiều bài thơ mới hiện nay lại chẳng có gì tương đồng với những bài thơ quen thuộc ở Việt Nam trước đây. Cũng gọi là truyện, nhưng khoảng cách giữa một số truyện ngắn của các nhà văn hiện đại với các truyện ngắn thời xưa còn xa hơn là khoảng cách giữa chúng với một số bài thơ tự do hoặc thơ văn xuôi hiện nay.
Trong nền văn học hậu hiện đại, ranh giới giữa các thể loại càng ngày càng mờ nhạt. Rất khó nói được đâu là ranh giới giữa tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn trong cuốn Lives of Girls and Women của Alice Munro; giữa tiểu thuyết và trường thi trong cuốn Coming Through Slaughter của Michael Ondaatje; giữa tiểu thuyết và tự truyện trong cuốn China Men của Maxine Hong Kingston; giữa tiểu thuyết và lịch sử trong cuốn Shame của Salman Rushdie; giữa tiểu thuyết và tiểu sử trong cuốn Dutch: A Memoir of Ronald Reagan của Edmund Morris, v.v...
Mà không những ranh giới giữa các thể loại, ngay cả ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa văn học và triết học, giữa văn học và các ngành nghệ thuật khác cũng trở thành mờ nhạt: hiện nay, ở các đại học, sinh viên học Roland Barthes, Jacques Derrida và Michel Foucault không phải như những nhà phê bình mà như những nhà văn thực sự.
Có thể nói tốc độ phát triển của văn học tỉ lệ thuận với tốc độ thay đổi các quy ước về văn học.
Và theo tôi, chính những sự thay đổi nhanh chóng trong các quy ước ấy là nguyên nhân chính làm cho văn học, đặc biệt là thơ hiện nay, bị xem là khó hiểu.
Tính chất khó hiểu ấy không xuất phát từ các yếu tố từ vựng (nói chung, thơ sau này đều dùng loại ngôn ngữ gần với đời thường, và do đó, giản dị hơn hẳn thơ xưa), cũng không xuất phát từ các biện pháp tu từ (nói chung, thơ sau này ít sử dụng các biện pháp như ẩn dụ hay hoán dụ hơn thơ xưa), mà chủ yếu xuất phát từ chỗ những bài thơ được xem là mới hiện nay vượt ra ngoài cái khung khái niệm về thơ trong tâm trí của người đọc, yếu tố quyết định làm nên "tầm mong đợi" của người đọc khi đi vào thơ. Họ mong đợi một ngôn ngữ nhịp nhàng và ngân nga: thơ mới không có. Họ mong đợi những hình tượng thật đẹp, những cách ví von thật nên thơ: thơ mới không có. Họ mong đợi những cảm xúc thật thiết tha, thật nồng nàn: thơ mới không có. Chính vì thơ mới không đáp ứng được tầm mong đợi như thế nên chúng bị xem không phải là thơ trước khi thực sự được đọc. Chúng bị từ chối trước khi được đọc.
Nói cách khác, cái gọi là tính chất khó hiểu trong những bài thơ mới, một mặt là kết quả của sự xô lệch giữa các quy ước về thể loại trong tiến trình vận động của văn học, mặt khác, là kết quả của cách đối xử bất công, hoặc ít nhất, thiếu kiên nhẫn của người đọc trong việc tiếp cận với những sự thử nghiệm và những sự cách tân trong thơ.
Giới hạn của ngôn ngữ cũng chính là những giới hạn của con người: viết không phải là cách phản ánh hiện thực mà căn bản là để thăm dò những giới hạn trong khả năng nhận thức và tưởng tượng của con người về hiện thực.
Đối với các nhà hiện đại chủ nghĩa, viết là lấn chiếm biên giới, là liên tục mở rộng lãnh thổ của cái-có-thể-cảm-nhận và cái-có-thể-diễn-đạt bằng cách nỗ lực tạo từ mới, nỗ lực thử nghiệm những cách kết hợp mới cho những từ ngữ có sẵn, nỗ lực tận dụng những phương tiện phi từ vựng như các dấu câu và cách trình bày trên trang giấy, v.v... để cố gắng diễn tả những gì không thể diễn tả được.
Dĩ nhiên, đôi khi, người ta thất bại. Sự diễn tả thành thực nhất về sự thất bại ấy chính là những bài thơ hoàn toàn tắc tị, có vẻ như được cấu tạo bằng cách sắp xếp từ ngữ một cách ngẫu nhiên và vô nghĩa mà chúng ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đây đó, ở khắp nơi, đặc biệt trong thơ của nhóm đa-đa; và riêng tại Việt Nam, thường nhất là trong thơ Bùi Giáng.
Người ta có thể chê trách thái độ hư vô chủ nghĩa trong những bài thơ ấy nhưng lại không thể đơn giản xem chúng chỉ như những việc làm phản-văn học rồ dại, bởi vì bản thân sự diễn tả cái không thể diễn tả cũng là một sự diễn tả. Một sự diễn tả tuyệt vọng. Cũng không thể xem chúng là một sự vô nghĩa: ý nghĩa của chúng chính là những kinh nghiệm tuyệt vọng trong sự diễn tả.
Ở một phương diện nào đó, có thể nói văn học hậu hiện đại, theo chữ dùng của John Barth, là một nền văn học của sự cạn kiệt (the literature of exhaustion), trong đó, nói theo Julia Kristeva, viết trở thành một cách để kinh nghiệm về những giới hạn, từ những giới hạn của ngôn ngữ đến những giới hạn trong chủ thể tính lẫn những giới hạn trong bản sắc phái tính.
Người ta còn khám phá ra một số những giới hạn khác, đáng kể nhất là những giới hạn trong tầm nhận thức của con người, cụ thể là những giới hạn trong nỗ lực hệ thống hoá.
Các nhà văn hậu hiện đại hiểu rõ công việc hệ thống hoá là một trong những nhu cầu lớn của con người nhưng mặt khác, họ cũng hiểu rõ tất cả những hệ thống khép kín, chặt chẽ, theo một thứ bậc nhất định đều chỉ là những sản phẩm của con người, do đó, đều chịu những giới hạn như chính con người.
Chính vì thế chủ nghĩa hậu hiện đại đã từ bỏ những giấc mộng đại tự sự (grand narratives) nhằm thâu tóm cả thế giới và cả lịch sử vào một lý thuyết duy nhất vốn là một trong những tham vọng chính của chủ nghĩa hiện đại. Viết văn hay làm thơ, với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩạ, không còn là một nỗ lực tái hiện hiện thực hay thể hiện một ý nghĩa. Nghệ thuật của họ bày lên trên bề mặt. Văn học hiện đại chủ nghĩa cần được khám phá; văn học hậu hiện đại chủ nghĩa chỉ cần được kinh nghiệm.
Từ một cuộc chơi, viết, như vậy, dù muốn hay không, cũng trở thành một cuộc chiến đấu, âm thầm nhưng vô cùng kịch liệt. Giữa lời nói và sự im lặng. Giữa cõi thực và cõi huyễn. Giữa cái mới và cái cũ. Giữa cái mình và cái không phải là mình. Giữa khả và bất khả. Cuộc chiến đấu với những gì đã được viết; với những điều trên đó cái viết được hình thành: ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá; với chính những động cơ ban đầu của việc viết lách: tự thể hiện và truyền thông với người khác.
Nguyễn Hưng Quốc
23-02-2011
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Lâu nay, các nhà văn của ta hay khẳng định một cách dứt khoát thế nào là thơ và thế nào là truyện để trên cơ sở đó, họ bình luận về từng tác phẩm văn học cụ thể, và nhất là, để phê phán những tác phẩm táo bạo vượt ra ngoài khuôn sáo.
Trên thực tế, lịch sử phát triển của bất cứ nền văn học nào cũng là lịch sử của những sự thay đổi trong các quy ước về thể loại, về văn học và về cái đẹp nói chung.
Chỉ cách đây hơn một trăm năm, cha ông chúng ta không xem những câu văn viết như lời nói thường hằng ngày là văn chương; nay, đó lại là hình thức văn chương phổ biến nhất và có lẽ, được ưa chuộng nhất. Cách đây chưa tới một trăm năm, cha ông chúng ta xem vần là yếu tính của thơ; nay, số lượng những bài thơ không vần càng ngày càng nhiều và dần dần có khuynh hướng áp đảo loại thơ có vần, ít nhất ở những cây bút trẻ. Cũng gọi là thơ, nhưng nhiều bài thơ mới hiện nay lại chẳng có gì tương đồng với những bài thơ quen thuộc ở Việt Nam trước đây. Cũng gọi là truyện, nhưng khoảng cách giữa một số truyện ngắn của các nhà văn hiện đại với các truyện ngắn thời xưa còn xa hơn là khoảng cách giữa chúng với một số bài thơ tự do hoặc thơ văn xuôi hiện nay.
Trong nền văn học hậu hiện đại, ranh giới giữa các thể loại càng ngày càng mờ nhạt. Rất khó nói được đâu là ranh giới giữa tiểu thuyết và tuyển tập truyện ngắn trong cuốn Lives of Girls and Women của Alice Munro; giữa tiểu thuyết và trường thi trong cuốn Coming Through Slaughter của Michael Ondaatje; giữa tiểu thuyết và tự truyện trong cuốn China Men của Maxine Hong Kingston; giữa tiểu thuyết và lịch sử trong cuốn Shame của Salman Rushdie; giữa tiểu thuyết và tiểu sử trong cuốn Dutch: A Memoir of Ronald Reagan của Edmund Morris, v.v...
Mà không những ranh giới giữa các thể loại, ngay cả ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu, giữa văn học và triết học, giữa văn học và các ngành nghệ thuật khác cũng trở thành mờ nhạt: hiện nay, ở các đại học, sinh viên học Roland Barthes, Jacques Derrida và Michel Foucault không phải như những nhà phê bình mà như những nhà văn thực sự.
Có thể nói tốc độ phát triển của văn học tỉ lệ thuận với tốc độ thay đổi các quy ước về văn học.
Và theo tôi, chính những sự thay đổi nhanh chóng trong các quy ước ấy là nguyên nhân chính làm cho văn học, đặc biệt là thơ hiện nay, bị xem là khó hiểu.
Tính chất khó hiểu ấy không xuất phát từ các yếu tố từ vựng (nói chung, thơ sau này đều dùng loại ngôn ngữ gần với đời thường, và do đó, giản dị hơn hẳn thơ xưa), cũng không xuất phát từ các biện pháp tu từ (nói chung, thơ sau này ít sử dụng các biện pháp như ẩn dụ hay hoán dụ hơn thơ xưa), mà chủ yếu xuất phát từ chỗ những bài thơ được xem là mới hiện nay vượt ra ngoài cái khung khái niệm về thơ trong tâm trí của người đọc, yếu tố quyết định làm nên "tầm mong đợi" của người đọc khi đi vào thơ. Họ mong đợi một ngôn ngữ nhịp nhàng và ngân nga: thơ mới không có. Họ mong đợi những hình tượng thật đẹp, những cách ví von thật nên thơ: thơ mới không có. Họ mong đợi những cảm xúc thật thiết tha, thật nồng nàn: thơ mới không có. Chính vì thơ mới không đáp ứng được tầm mong đợi như thế nên chúng bị xem không phải là thơ trước khi thực sự được đọc. Chúng bị từ chối trước khi được đọc.
Nói cách khác, cái gọi là tính chất khó hiểu trong những bài thơ mới, một mặt là kết quả của sự xô lệch giữa các quy ước về thể loại trong tiến trình vận động của văn học, mặt khác, là kết quả của cách đối xử bất công, hoặc ít nhất, thiếu kiên nhẫn của người đọc trong việc tiếp cận với những sự thử nghiệm và những sự cách tân trong thơ.
Giới hạn của ngôn ngữ cũng chính là những giới hạn của con người: viết không phải là cách phản ánh hiện thực mà căn bản là để thăm dò những giới hạn trong khả năng nhận thức và tưởng tượng của con người về hiện thực.
Đối với các nhà hiện đại chủ nghĩa, viết là lấn chiếm biên giới, là liên tục mở rộng lãnh thổ của cái-có-thể-cảm-nhận và cái-có-thể-diễn-đạt bằng cách nỗ lực tạo từ mới, nỗ lực thử nghiệm những cách kết hợp mới cho những từ ngữ có sẵn, nỗ lực tận dụng những phương tiện phi từ vựng như các dấu câu và cách trình bày trên trang giấy, v.v... để cố gắng diễn tả những gì không thể diễn tả được.
Dĩ nhiên, đôi khi, người ta thất bại. Sự diễn tả thành thực nhất về sự thất bại ấy chính là những bài thơ hoàn toàn tắc tị, có vẻ như được cấu tạo bằng cách sắp xếp từ ngữ một cách ngẫu nhiên và vô nghĩa mà chúng ta thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đây đó, ở khắp nơi, đặc biệt trong thơ của nhóm đa-đa; và riêng tại Việt Nam, thường nhất là trong thơ Bùi Giáng.
Người ta có thể chê trách thái độ hư vô chủ nghĩa trong những bài thơ ấy nhưng lại không thể đơn giản xem chúng chỉ như những việc làm phản-văn học rồ dại, bởi vì bản thân sự diễn tả cái không thể diễn tả cũng là một sự diễn tả. Một sự diễn tả tuyệt vọng. Cũng không thể xem chúng là một sự vô nghĩa: ý nghĩa của chúng chính là những kinh nghiệm tuyệt vọng trong sự diễn tả.
Ở một phương diện nào đó, có thể nói văn học hậu hiện đại, theo chữ dùng của John Barth, là một nền văn học của sự cạn kiệt (the literature of exhaustion), trong đó, nói theo Julia Kristeva, viết trở thành một cách để kinh nghiệm về những giới hạn, từ những giới hạn của ngôn ngữ đến những giới hạn trong chủ thể tính lẫn những giới hạn trong bản sắc phái tính.
Người ta còn khám phá ra một số những giới hạn khác, đáng kể nhất là những giới hạn trong tầm nhận thức của con người, cụ thể là những giới hạn trong nỗ lực hệ thống hoá.
Các nhà văn hậu hiện đại hiểu rõ công việc hệ thống hoá là một trong những nhu cầu lớn của con người nhưng mặt khác, họ cũng hiểu rõ tất cả những hệ thống khép kín, chặt chẽ, theo một thứ bậc nhất định đều chỉ là những sản phẩm của con người, do đó, đều chịu những giới hạn như chính con người.
Chính vì thế chủ nghĩa hậu hiện đại đã từ bỏ những giấc mộng đại tự sự (grand narratives) nhằm thâu tóm cả thế giới và cả lịch sử vào một lý thuyết duy nhất vốn là một trong những tham vọng chính của chủ nghĩa hiện đại. Viết văn hay làm thơ, với các nhà hậu hiện đại chủ nghĩạ, không còn là một nỗ lực tái hiện hiện thực hay thể hiện một ý nghĩa. Nghệ thuật của họ bày lên trên bề mặt. Văn học hiện đại chủ nghĩa cần được khám phá; văn học hậu hiện đại chủ nghĩa chỉ cần được kinh nghiệm.
Từ một cuộc chơi, viết, như vậy, dù muốn hay không, cũng trở thành một cuộc chiến đấu, âm thầm nhưng vô cùng kịch liệt. Giữa lời nói và sự im lặng. Giữa cõi thực và cõi huyễn. Giữa cái mới và cái cũ. Giữa cái mình và cái không phải là mình. Giữa khả và bất khả. Cuộc chiến đấu với những gì đã được viết; với những điều trên đó cái viết được hình thành: ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá; với chính những động cơ ban đầu của việc viết lách: tự thể hiện và truyền thông với người khác.
Nguyễn Hưng Quốc
23-02-2011
Theo Blog Nguyễn Hưng Quốc
Gửi ý kiến của bạn