BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Ai tài, ai giỏi, và ai tài giỏi?

22 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 1003)
Ai tài, ai giỏi, và ai tài giỏi?
51Vote
40Vote
31Vote
20Vote
10Vote
42
Người Việt ta thường có tư tưởng “tôn sư trọng đạo”, chính vì vậy việc coi trọng những người có học đã trở thành một nét văn hóa. Qủa thật “nhân bất học bất tri lý”, nhưng chữ “học” ở đây không nói cụ thể là học cái gì, ngành nghề hay sách vở nào, và học đến đâu, hiểu biết đến mức nào thì được gọi là có “tri lý”. Vậy sự học, hay kiến thức có trong đầu một con người, là không thể lấy một thang mức chuẩn nào để định ra các giới hạn.

Chẳng biết tự khi nào người ta đã phát minh ra chiếc văn bằng đầu tiên trên thế giới. Thế nhưng hiện nay, để xác định khả năng kiến thức của một người về một chuyên ngành hay lĩnh vực nào đó, người ta thường lấy thước đo bằng những loại bằng cấp mà người ấy đang có trong tay.

Nhưng chắc chắn một điều rằng, đối với những nhà quản lý, quản trị hoặc những ông chủ thực sự của một guồng máy kinh tế hay một tổ chức chính trị xã hội, họ đều lấy thước đo bằng những kết quả từ việc làm cụ thể của một người để đánh giá năng lực thực sự của cá nhân người ấy. 

Ngoại trừ những ngành kỹ thuật và đối với những nhân viên chuyên ngành, bắt buộc họ phải được học và có văn bằng làm cơ sở ban đầu cho một cơ quan tiếp nhận một cá nhân vào làm việc. Những người này chỉ cần hoặc ít nhất phải cần, là họ phải có đủ năng lực để hoàn thành tốt công việc được giao.

Trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao hay văn hóa xã hội và trong các tổ chức cộng đồng thì lại khác. Đối với các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà tổ chức cộng đồng trong xã hội, họ không cần phải giỏi một cách chuyên sâu vào một ngành nào, nhưng họ rất cần phải có óc tổ chức, tầm hiểu biết rộng về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan nhiều đến chương trình và công việc hàng ngày của họ. Vậy người có tài lãnh đạo sẽ buộc phải có điều gì đó cao hơn người giỏi, đúng hơn, họ phải là những người vừa tài vừa giỏi.

Thời Phong Kiến, tại Việt Nam có những anh dân cày, chữ nghĩa chẳng là bao, nhưng nhờ vào lòng dũng cảm, trí thông minh và đức độ của mình, đã thu phục được muôn dân và đứng lên khởi nghĩa lật đổ một triều đại, giành lấy ngai vàng. Tất nhiên khi lên làm một quân vương thì người đó lại chỉ huy, chỉ đạo cả những vị quan chức có học trong triều đình và các địa phương. Có thể kể đến các cái tên sáng chói: Đinh Bộ Lĩnh, anh em nhà Tây Sơn chẳng hạn.

Ở Việt Nam thời hậu phong kiến có một nhân vật lịch sử đã ghi tên mình vào danh sách các nguyên thủ quốc gia có tiếng trên thế giới đó là Hồ Chí Minh. Ông Hồ so với các nhân sĩ trí thức của Việt Nam cùng thời thì chỉ là một anh nhà quê không mù chữ mà thôi. Thế nhưng với trí thông minh (không có cách nói nào khác, vì nếu ông Hồ dùng thủ đoạn thì thực ra cũng là một loại hình thể hiện trí thông minh), ông ta đã nổi lên trở thành một lãnh tụ đứng đầu quốc gia độc đảng cầm quyền suốt 24 năm, nếu ông ta còn sống thì có lẽ sẽ làm chủ tịch nước cho đến tận ngày nay cũng nên. 24 năm tại vị là một con số mà các vị tổng thống ở các nước Dân Chủ ngày nay trên thế giới khó có người có thể so sánh.

Một điểm đặc trưng của các vị lãnh tụ và lãnh đạo cao cấp của chế độ Cộng Sản ở Việt Nam 66 năm qua là, nhiều người trong số họ đều ít học “sống lâu lên lão làng”. Hiện nay có một số vị cũng có học vị cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ hẳn hoi. Nhưng phần nhiều đều là bằng tại chức – Một loại văn bằng không có chất lượng, chỉ mang tính hình thức.

Cũng chẳng có gì sai, khi yêu cầu của một quan chức cấp cao là cần phải có bằng này bằng nọ để cho nó giống người ta ở các nước văn minh. Nhưng hầu như cả quãng đời thanh xuân của những nhà lãnh đạo kể trên đều dành cho đánh đấm trong chiến trận, chẳng còn thì giờ nào mà học hành, thì chỉ còn cách công nhận cho họ cái văn bằng làm vật trang điểm để mà lãnh đạo đất nước. Như vậy không thể đánh giá là các lãnh tụ Cộng Sản như Hồ Chí Minh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, hoặc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là những người kém thông minh.

Thực ra không cần nhắc đến, thì ai cũng biết ông Nguyễn Tấn Dũng cũng vì chiến tranh và thân thế gia đình cho nên cũng chẳng được học hành một cách chính quy. Thế nhưng với kiến thức bị cho là chắp vá đó, ông ta đã lần lượt qua mặt hàng ngàn người để leo lên chức chủ nhiệm chính trị trung đoàn bộ binh số 152. Nhưng chưa hết, sau này ông ta đã vượt lên trên hàng trăm ngàn những nhân sĩ, trí thức, đảng viên Cộng Sản để chễm chệ đảm nhận nhiều vị trí khác, đến chức phó thủ tướng kiêm thống đốc ngân hàng nhà nước, nay thì ông đang là thủ tướng, và còn có thể tiến đến chức tổng bí thư trong tương lai. Hiện nay ông thủ tướng Dũng được cho là người có thực quyền và thực lực còn hơn cả tổng bí thư đảng.

Như vậy chúng ta phải coi ông Dũng là một người vô cùng tài giỏi. Vào tháng 05/2007, tạp chí World Business cũng đã bình chọn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là 1 trong 20 nhân vật cải cách của Châu Á. Dù bị phản đối về vụ Bauxite và cú sốc Vinashin, dù bị các trang báo mạng Internet kể lể đủ thứ tội trạng, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn đang “bình chân như vại”. Người ta nói ông Dũng nhiều thủ đoạn, có thể không sai, nhưng làm chính trị thì ai mà chẳng ít nhiều có điều đó, chỉ khác là người ta dùng những từ ngữ văn vẻ khác như: “Chiến lược”, “kế hoạch”, “tư duy chất xám” mà thôi. Vậy ta đừng chê ông Dũng mà phải khen ông ta mới đúng!
Hãy cứ thành thật với lòng mình là, nếu ai đó mà là cán bộ có chức quyền ở Việt Nam trong cơ chế Độc Tài hiện nay, họ cũng sẽ tham nhũng độc đoán như thế, và có thể còn hơn thế nữa. Nguyên nhân không do người thừa hành mà do cơ chế. Trong cả một guồng máy tham nhũng phản dân chủ, ai sống trong sạch đề cao dân chủ sẽ bị thải trừ.

Người ta lên án ông Dũng, nào là ra văn bản vi hiến, trái luật, nào là ít học, xuất thân với lý lịch chắp vá cấp thấp vv.., nhưng các vị nguyên thủ như Tổng thống George Bush, Barack Obama và hàng trăm lượt các vị tổng thống, thủ tướng các nước khác đã được thủ tướng Nguyễn tấn Dũng gặp gỡ đón tiếp, và sẵn sàng tiếp đón lại ông ta, ông Dũng vẫn cứ là thủ tướng Việt Nam và sẵn sàng bỏ tù bất cứ thành phần chống đối nào (điển hình là đối với tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ). Vậy thì ai đang hơn? Phần thắng đang thuộc về ông Dũng, mặc dù chiến thắng đó có vẻ như không được quang minh lắm. Nếu ai đó có giỏi thì hãy làm một việc gì đó thiết thực để có cơ may chiến thắng thủ tướng như anh Cù Huy Hà Vũ đã làm, còn chỉ nói suông thì chẳng giải quyết vấn đề gì cả.

Nhưng kể cả nếu ai đó chiến thắng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, làm cho ông ta mất chức chẳng hạn. Thì sẽ có ngay một vị thủ tướng khác lên thay, mà sự tham nhũng, độc đoán hay tàn bạo có thể còn hơn cả ông Dũng. Vậy nếu đã muốn làm anh hùng thì cần phải, đúng, rất cần có một hoặc một số người anh dũng, thông minh, tài giỏi hơn hẳn ông thủ tướng Dũng. Họ có thể xoay chuyển cả một chế độ, chí ít không phải là sự hạ bệ chế độ Độc Tài thì cũng phải làm được cái việc quan trọng là xoay chuyển nó để nó buộc phải trở thành một thể chế chính trị Đa Nguyên, từ đó mới có cơ may đưa Việt Nam tiến dần lên thành một nước Dân Chủ.
Ít nhất trong một thời gian dài mấy chục năm, Chủ Nghĩa Cộng Sản cũng đã khiến một nửa thế giới ngưỡng vọng và say mê. Nhưng hàng tỉ con người đã kịp nhận ra đó chỉ là một chân lý ảo, người ta đã loại bỏ nó. Nhưng ở Việt Nam thì điều đó chưa xảy ra. Người Việt Nam cần dứt khoát đoạn tuyệt với chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa độc tài hiện nay là lẽ tất yếu…

Lịch sử cho thấy: Không cần cứ phải là những “ông này bà nọ” mới có khả năng lãnh đạo cách mạng. Anh thợ điện Lech Walesa của Ba Lan, và anh công nhân da đen M. Khusali Jack 27 tuổi, khuân vác ở bến tàu của cảng Elizabeth – Nam Phi đã cho chúng ta thấy điều đó. Hai người nói trên, Walesa thì sau khi cách mạng thành công lên làm tổng thống Ba Lan, còn Jack thì trở thành một trong những lãnh tụ của Nam Phi. Ở Ai Cập hiện nay thì anh kỹ sư máy tính trẻ tuổi Wael Ghonin đã trở thành một ngôi sao đấu tranh thắng lợi.

Nhiều người kỳ vọng vào lớp trẻ, lớp thanh niên trong giới học sinh sinh viên Việt Nam sẽ đi đầu trong cuộc cách mạng sắp tới. Nhưng một sự thật là trong lớp thanh niên hiện nay, có một bộ phận đang bị sa vào những cám dỗ thấp hèn, chơi bời trác táng, đam mê bài bạc rượu chè, nghiện ngập các trò chơi trực tuyến. Thật đáng tiếc!

Thế nhưng còn có rất nhiều các bạn học sịnh, sinh viên và công nhân trong các nhà máy, công xưởng, hầm mỏ có chí khí. Tương lai của đất nước đang nằm trong tay họ. Nếu họ muốn ghi tên mình vào lịch sử, họ muốn khẳng định rằng mình thông minh hơn, tài giỏi hơn, dũng cảm hơn những nhân vật như Hồ Chí Minh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng vv.., họ sẽ đứng lên làm những nhà lãnh đạo cách mạng. Họ sẽ là tổng thống, thủ tướng và các quan chức cấp cao trong thể chế Dân Chủ mới ở Việt Nam.

Ai dũng cảm hơn, ai tài giỏi hơn, ai trí tuệ hơn? Câu trả lời có lẽ nên dành cho những người đang sống trong nước, nhất là các bạn trẻ ở Việt Nam tự trả lời. Tự tin, dám đương đầu, bạn sẽ ghi tên mình vào lịch sử!

Lê Nguyên Hồng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn