BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73224)
(Xem: 62212)
(Xem: 39389)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bà mẹ nước nào là số một?

11 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 939)
Bà mẹ nước nào là số một?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Như đã hứa từ ngày đầu năm Tân Mão, mục này sẽ mời quý vị theo dõi một cuộc tranh luận đang sôi nổi trên nhiều diễn đàn ở nước Mỹ và lan sang cả Á Đông, về cách bà mẹ dạy con tốt nhất. Đầu têu “gây chuyện” là một bài báo của bà Amy Chua, một giáo sư Luật Khoa Đại Học Yale (hai cựu tổng thống và ông bà Clinton đều đã học trường này). Bà Chua là người gốc Hoa sinh trưởng tại Mỹ, bà dạy con theo lối rất nghiêm khắc.




Tựa đề của bài báo đã khiến nhiều người muốn “cãi nhau” ngay! Đặt ngay một câu hỏi: “Tại sao bà mẹ Trung Hoa là ưu việt?”( Why Chinese Mothers Are Superior?) - làm như chuyện Bà Mẹ Trung Hoa dạy con giỏi nhất thế giới đã là điều hiển nhiên rồi, chỉ cần tìm hiểu tại sao thôi! Sau này bà Chua cho biết cái tựa đó là do tòa soạn đặt cho bài báo chứ không phải chính bà đặt tựa. Tòa soạn báo Wall Street quả có tài đặt tựa để kích thích trí tò mò của người đọc, ai cũng muốn coi xem sao. Một bà mẹ khác sau viết phản bác lại bà Chua nhưng cũng cám ơn là bài báo đó kích thích cả hai đứa con trên 10 tuổi của mình khiến các em đó cũng tìm đọc. Xúi giục được trẻ em đọc báo, thay vì coi ti vi hoặc chơi game đã là khó! Làm sao mà hai cô bé lại chịu đọc cả tờ báo Wall Street (nghiêm nghị và khô khan), đúng là điều hãn hữu! Bài báo trên trích từ một cuốn sách bà Chua vừa mới in xong. Sách sắp xuất bản mà đã được thiên hạ đem ra bàn cãi ồn ào như vậy, thật là một cách quảng cáo hạng nhất.


Bao nhiêu người phản ứng không những trên tờ báo trên mà cả trên ti vi, radio, rồi viết trên bao nhiều tờ báo khác khắp thế giới. Vì cách bà dạy con của bà Chua (tên Hán Việt đọc là Thái Mỹ Nhi) hoàn toàn trái ngược với thói quen của đa số người Mỹ, kể cả những bà mẹ Mỹ gốc Trung Hoa!

Chẳng hạn, bà Amy Chua nói các bậc cha mẹ gốc Trung Hoa nghĩ rằng các con phải chịu ơn họ về tất cả các thứ mà các cháu được hưởng. Do đó các con phải vâng lời và có bổn phận làm sao cho cha mẹ hãnh diện (ông Mạnh Tử cũng nói giống như vậy). Ngược lại, người Tây phương không thấy các con phải chịu ơn mình. Ông chồng bà Amy là Jed Rubenfeld dạy cùng trường Luật ở Yale, cũng nói như thế: “Các con chúng không chọn ai làm cha mẹ chúng cả. Ngay cả việc chúng ra đời cũng không phải do chúng tự chọn. Thành ra bổn phận cha mẹ là phải nuôi dạy chúng. Con không nợ nần gì cha mẹ hết. Chúng sẽ có bổn phận với những đứa con chúng sau này.” Bà Chua nhận xét: Nghĩ theo lối Tây phương thì cha mẹ bị thiệt thòi quá!

Bà Amy Chua phân trần ngay rằng những chữ “Người Mẹ Trung Hoa” mà bà dùng chỉ là một biểu tượng cho dễ hiểu, để nói về những người dạy con theo lối khắt khe. Những bà mẹ đó có thể gốc người Hàn Quốc, Ấn Độ, Jamaica, Irish, Ghana, vân vân, chứ không chỉ có người Trung Hoa mà thôi. Còn khi nói đến cha mẹ Tây phương cũng là nói về một phương pháp dạy con dễ dãi, bà biết ở Tây phương cũng có đủ loại người mẹ dạy con theo nhiều cách khác nhau.

Bà Chua nói cha mẹ Trung Hoa tin rằng chỉ có họ mới biết cái gì là tốt nhất cho con cái, chứ không phải đứa con mới biết. Cho nên cha mẹ sẽ quyết định thay cho con cái mà không cần biết đến ý thích của chúng. Bà phân trần: Xin đừng hiểu lầm là cha mẹ Trung Hoa không quan tâm đến con cái. Trái lại là khác. Họ hy sinh tất cả cho các con. Chỉ có cách họ dạy con của họ khác thôi. Nhiều bà mẹ Trung Hoa vẫn nghĩ là chính họ lo lắng cho con cái hơn các cha mẹ Tây phương, những người này thả lỏng cho con, chấp nhận nếu chúng có hư cũng chẳng sao cả. Các bà mẹ Trung Hoa thường dùng gấp mười số thời giờ so với người Tây phương để kèm con học bài, làm bài mỗi ngày.

Amy Chua nói rằng các bà mẹ Trung Hoa chủ trương con mình phải học giỏi nhất lớp, phải giữ kỷ luật, không được thoái chí, và cha mẹ không ngần ngại mắng con một cách nặng nề. Bà viết ngay từ đầu bài rằng 2 cô con gái bà bị cấm mười điều, giống như “thập giới” vậy! Xin kể vài thí dụ: Các con không được coi ti vi và chơi games, tức trò chơi điện tử; không được ngủ lại nhà bạn (sleepover); không được tham gia ban kịch trong trường; không được xuống dưới điểm A; không được tụt xuống đứng hạng nhì trong tất cả các môn học, trừ môn thể dục và diễn kịch; bắt buộc phải học một trong hai nhạc khí piano và violin, và không được chơi một thứ nhạc khí nào khác; vân vân. Amy Chua kể một người bạn bà bắt con tập đàn nửa tiếng mỗi ngày, cho là mình đã nghiêm khắc lắm rồi. Nhưng với một “bà mẹ Trung Hoa” thì tập đàn một giờ đầu là chuyện dễ dàng, giờ thứ hai, thứ ba mới là khó!

Amy Chua nói khi một đứa con bị tụt xuống hạng B (bà viết thêm: chuyện đó không bao giờ xảy ra đối với một bà mẹ Trung Hoa) thì người mẹ sẽ làm ầm lên. Bà sẽ bắt con từ nay phải ngồi xuống làm bài tập hàng chục lần, hàng trăm lần, cho tới khi nó được điểm A mới thôi. Các cha mẹ người Tây phương rất quan tâm bảo vệ lòng tự tin của con cái, cho nên không muốn chê con khi chúng bị điểm thấp. Bà Amy nói, cha mẹ người Trung Hoa không tránh né như vậy; vì họ tin là con cái họ rất mạnh, không hơi tý là bị mất tự tin như thế.

Cho nên cha mẹ người Trung Hoa có thể hành động theo lối mà cha mẹ Tây phương không dám làm. Bà mẹ Trung Hoa có thể mắng con “Thằng Lười!” Người Tây phương không mắng như vậy. Cha mẹ gốc Trung Hoa có thể ra lệnh “Con phải được điểm A!” Các cha mẹ người Tây phương chỉ yêu cầu con cái cố gắng hết sức, thế thôi. Bà Ami kể hồi nhỏ có lúc bà phạm lỗi rất nặng vì vô lễ với mẹ, ông đã bố mắng: “Mày là thứ Rác Rưởi!” bằng tiếng Hẹ. Bố mẹ bà Amy Chua từng sống ở Phi Luật Tân trước khi di cư sang Mỹ. Họ gốc người Hẹ (phần lớn người Hẹ sống ở Quảng Đông, các ông Lý Quang Diệu, Diệp Kiếm Anh, cựu tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy đều là người gốc Hẹ). Lời mắng nặng nề của ông bố có hiệu quả. Cô bé Amy cảm thấy xấu hổ. Nhưng không phải vì thế mà cô mất tự tin, như nhiều bậc cha mẹ Mỹ thường lo và tránh không nói nặng với con. Sau này khi đã có con, bà Chua cũng có lần mắng Sophia, đứa con gái lớn là “garbage” bằng tiếng Anh. Một lần bà đem kể lại chuyện đó trong một bữa tiệc, bà bị tất cả mọi người chung quanh “tẩy chay” (coi như hủi, ostracized). Một phụ nữ người Mỹ nghe chuyện “bất bình” đó đã quá xúc động đến nỗi bật khóc, rồi phải rời bỏ bữa tiệc ra về sớm.

Nhưng bà Chua cho biết cha mẹ người Trung Hoa thật sự vẫn nghĩ rằng các con họ đều giỏi giang, đáng đứng đầu lớp cả; nếu các con không xuất sắc trong trường học tức là cha mẹ không biết dạy con! Ngược lại, cha mẹ người Tây phương nghĩ là không nên bắt trẻ em bị áp lực phải thành công trong học đường, làm như vậy sẽ có hại cho sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Một câu chuyện mà bà amy Chua kể về đứa con gái thứ hai của bà cho ta thấy cách làm mẹ của bà là “cưỡng bách lối Trung Hoa” vẫn tốt hơn. Năm Lulu lên 7 tuổi, cô tập một bài đàn dương cầm của Jacques Ibert mãi vẫn không ráp được tay trái với tay phải. Cô bé thất vọng, không chịu tập nữa.

“Quay lại ngồi vào đàn ngay!” Bà mẹ ra lệnh.

“Mẹ không ép con được!”

“Mẹ ép được!”

Lulu phản ứng dữ. Ngồi vào đàn, cô quăng quật, xé cả bản nhạc, vứt xuống đất (Xin lỗi, mẹ nào con nấy)! Bà mẹ nhặt các mảnh của bản nhạc lên, dán lại, bọc bao plastic để không xé được nữa. Và bà thi hành hình phạt: Dọa đem những đồ chơi quý nhất của cô bé đem cho hội thiện. Dọa không được ăn trưa, không được ăn tối. Sẽ không bao giờ cho cô con quà lễ Giáng Sinh, quà lễ Hanukka (của Do Thái giáo). Trong ba, bốn năm sẽ không cho tổ chức sinh nhật. Bà bảo cô đừng có lười, đừng cứ nghĩ là mình kém cỏi. Ông bố khuyên bà mẹ đừng nhục mạ con (Không, bà phân trần, bà chỉ động viên nó). Chồng bà cũng giải thích có lẽ cô con 7 tuổi chưa tập đủ kỹ thuật, chưa đủ khả năng đàn hay tay một lúc. “Ông chỉ không có lòng tin tưởng vào con ông!”

Sau một hồi tranh luận, bà mẹ Trung Hoa xắn tay áo lên, dùng đủ mọi phương cách kéo cô con gái trở lại đàn. Ngồi tập đi tập lại, bỏ cả giờ cơm tối, không được phép đứng dạy, không được vào nhà tắm. Cứ như vậy, mãi không thấy cô bé tiến bộ, chính bà mẹ bắt đầu nghi ngờ phương pháp của mình. Rồi bỗng một hôm, hai bàn tay cô bé đánh đúng nhịp với nhau, tự nhiên như vậy. Cả mẹ và con ngạc nhiên. Rồi cô bé thử lần nữa, lần nữa. Sau cùng, cô kêu lên: “Mẹ! Dễ quá! Con đàn được!” Thế là cô bé tiếp tục ngồi đàn, mê mải, quên cả đói.

Amy Chua kết luận: Cha mẹ Tây phương cứ lo làm con mất tự tin. Đối với một người mẹ như tôi, không có gì làm một đứa trẻ mất tự tin hơn là khi nó phải bỏ cuộc. Ngược lại, không có gì xây dựng đức tự tin tốt hơn là tự mình học được rằng mình có sức làm những việc mà trước đó mình tưởng là không làm được!” Bà viết, người Trung Hoa tin rằng cách bảo vệ con tốt nhất là chuẩn bị cho chúng vào đời, cho chúng cơ hội biết mình đủ sức làm được gì, trang bị cho chúng kỹ thuật, thói quen chăm chỉ, và lòng tự tin không bao giờ mất được.

Bài báo của Amy Chua dài hơn 2,600 chữ, chúng tôi tóm tắt chỉ dài bằng 60%. Mới lên báo, bài này được 5,700 độc giả góp ý kiến trong một tuần lễ; chưa bao giờ có bài nào trên báo Wall Street được nhiều người đáp ứng như vậy. Rất nhiều độc giả góp ý là người gốc Trung Hoa, ở khắp thế giới, và rất nhiều người không đồng ý với lối dạy con của bà Amy Chua. Quý vị độc giả Người Việt đọc tới đây trong đầu chắc cũng đầy những ý kiến ủng hộ hoặc phản bác. Chắc đây cũng là một đề tài nhiều vị không đồng ý với nhau, có thể tranh luận rất lâu, và khá nhức đầu. Quý vị có thể viết góp ý trên trang Diễn Đàn nhật báo Người Việt và Người Việt Online. Khi thảo luận, xin chú ý đây chỉ là vấn đề phương pháp dạy con. Không nên phân biệt chủng tộc, vì nhiều bà mẹ Việt Nam, Do Thái hay Đức cũng dạy con giống lối bà Amy Chua mô tả. Ngược lại, nhiều bà mẹ gốc Trung Hoa cũng thích dạy con theo lối Mỹ.

Chúng tôi sẽ tóm tắt một số ý kiến phản ứng trên báo Wall Street và các báo khác trong một bài sau.

Ngô Nhân Dụng

10-02-2011

Theo Người Việt
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn