BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73397)
(Xem: 62246)
(Xem: 39435)
(Xem: 31178)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hai năm nhìn lại: Thời cơ - Thách thức - Thành tựu - Yếu kém

04 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 893)
Hai năm nhìn lại: Thời cơ - Thách thức - Thành tựu - Yếu kém
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

A. Đại hội và Quốc hội:


Từ cuối 2005 đến cuối 2007, ta làm được hai việc lớn: Đại hội X và Quốc hội XII
Trước thêm Đại hội X, đợt nhân dân góp ý sôi động từ xưa chưa hề có. Như có một dấu hiệu đổi mới tích cực. Cuối cùng từ Dự thảo đến Nghị quyết, tốn bao nhiêu công của, trước sau đều na ná, với câu chữ ngổn ngang, ý tưởng lủng củng, khó hiểu… Nó chẳng soi đường cho công việc hôm nay, nó đã đi vào quên lãng. Kẻ xấu miệng kêu: “một nền chính trị đầy tính thơ lại !”

Nhờ phúc ấm tổ tiên, Đại hội làm được một việc, càng nghĩ càng thấy giá trị của nó thật to lớn: loại được cái gọi là “quyền uy”, gạt được một số nguy hiểm trong bộ phận lãnh đạo tối cao. Cái giá trị tiềm ẩn là đã phát ra lời cảnh báo: không có ai là bất khả xâm phạm, ô dù không phải là vĩnh cửu…

Cuộc bầu cử Quốc hội XII, tuy thật vội vàng mà vẫn khêu gợi lòng tin không suy giảm của nhân dân: các bài báo cắt và xếp cao bằng gang tay, đăng nguyện vọng, đòi hỏi. Khác với dịp Đại hội XI là nội dung góp ý toàn diện thì với Quộc hội XII nặng về chính trị, và Dân quyền. Cuối cùng, bản cũ diễn lại: cũng “đảng cử, dân bầu”, “hiệp thương”, “cơ cấu”… Nhiều người chưa có điều kiện xem xét kỹ chép miệng, đầy chán ngán.

Rồi Quốc hội mới, bỏ phiếu vô thức, vô cảm trong vở diễn rất hề. Sau khi công nhận các chức danh nhà nước, khi người ta tách ra từng người, phẩm bình thì cuối cùng ai cũng thừa nhận là từng người đều hơn người tiền nhiệm. Thậm chí có người được nhắc đến với lòng yêu mến. Người ta như được an ủi và niềm tin mong manh hé lộ.

Trong thời gian mở Đại hội và Quốc hội, nhận thức trong nhân dân về chính trị, về dân chủ như được nâng cao bằng hàng chục năm qua. Hai đợt góp ý của nhân dân, những đề xuất của MTTQ, những ý kiến của Quốc hội XI, các đợt sinh hoạt và bỏ phiếu trong BCHTW khoá IX và Quốc hội XI… nhiều đại biểu không chấp thuận đề xuất của Bộ chính trị đã minh chứng. Thật là: Xem mặt trái biết mặt phải và ngược lại.

Cái chưa được thì trước nay vẫn chưa được, nhưng cái mới, cái được thì thật là quý, nó tồn tại và nhân lên.

B. WTO


Hãy quên đi cái bước hụt vào WTO năm xưa.

Sau APEC và WTO, vị thế ngoại giao của Việt Nam được đề cao rõ rệt. Cái chân trong Hội đồng bảo an LHQ coi như trong tầm tay. Bao nhiêu vốn, khoa học kỹ thuật dồn dập vào Việt Nam. Ai cũng nghĩ tới một đợt tăng tốc về kinh tế. Cũng phải ghi nhận nhiều cố gắng để được vào WTO: Làm luật, đàm phán…

Trong năm nay, hình như các nước định đầu tư vào Việt Nam đã sẵn sàng. Nhưng rồi, những biến động ở biển Đông, việc bắt và xét xử một số người “bất đồng chính kiến” làm cho như chậm lại. Nội bộ Việt Nam thì như lúng túng trước vận hội này. Cùng lúc, bao nhiêu khó khăn dồn dập: thiên tai, dịch bệnh, gía cả, với những phát hiện mới về những bất cập như trong giáo dục và môi trường, trong khi các nhiệm vụ trọng yếu nhích mãi không chuyển: chống tham nhũng, thay đổi bộ máy nhà nước và Đảng.

Lãnh đạo là nhìn thấy trước, chính trị là thời cơ, cuộc sống là vận hội, hình như chúng ta chưa hiểu hay không quan tâm. Ta giống như gia đình nọ: cưới vợ cho con, bao nhiêu tiền tài, sức lực dồn cho đám cưới, chăm chút đến cả những cái vặt, sao cho đẹp, cho “ hoành tráng”… Có điều quan trọng là sau đám cưới, hai trẻ làm ăn, sinh sống ra sao thì hoàn toàn không nghĩ tới. Hôm nay nợ nần, không kế sinh nhai, buồn, lúng túng vô hạn.

Hậu WTO, chúng ta thiếu chuẩn bị. Đáng lẽ chúng ta dốc toàn sức lực vào việc này: Học tập toàn diện, kế hoạch từng ngành, từng người, chào đón thời cơ. Nhưng chúng ta lại làm nhiều việc xét ra có khi không làm lại tốt hơn như: khen thưởng, khen cả những người nhân dân oán ghét; như tổng kết nhiều vấn đề không có giá trị thực tiễn; như viếng thăm hiếu hỉ, kết quả nhỏ viết thành to, mở các cuộc vận động mà người dân lại thờ ơ, tốn sức, tốn tiền, tốn thời gian. Lại làm cái việc “bắt và xử” gây tai tiếng, trấn áp không được, buông lỏng không xong, gây cười cho thiên hạ. Ta quen làm các việc vô bổ mà quên các việc sinh tử.

WTO đến, rồi đi hay ở lại, thiên hạ lợi nhiều ta lợi bao nhiêu! WTO làm ta ngẩng đầu hay làm ta thêm lệ thuộc. WTO và mở rộng dân chủ ta coi là một “con bài trùng”, hay ta bắt nó chỉ là sấp hay ngửa. Sức ta yếu quá: bộ máy nhà nước tham nhũng, làm ta thành cái xe săm lốp nát, nay chất thêm cái WTO liệu có lăn bánh được không ?

Biết bao câu hỏi không phải là vu vơ, chưa có lời đáp. Thời thế, tình thế nó như cao quá, kiễng chân, với tay vẫn chưa tới, không phản ánh đúng bãn lĩnh, tiềm năng cả chúng ta.

C. Tham nhũng:


Mười năm trước nói rồi để đấy, mấy năm nay rùm beng, lên gân, lên cốt, nhưng việc chống coi như chưa được gì. Khởi đầu một chỉ thị thật dài, đọc mãi không hiểu phải làm gì. Đến nay, lại hoay hoay xây dựng tổ chức.

Mọi người thất vọng. Nhiều người kêu lên: “chỉ chống giả vờ!”. Họ liên kết những sự kiện để làm chỗ dựa lời nói có chút “hơi hỗn” của họ: Nói là phải kê khai tài sản, chả thấy ai kê khai, có người nói kê khai nhưng lại được bỏ trong tủ khoá chặt… Người ta chờ vụ PMU 18 là chờ một vụ án tham nhũng, nhưng lại có một vụ đánh bạc, trong đó có tội “chạy án”, “đưa hối lộ” nhưng lại không có người nhận hối lộ!? Cụ công an về hưu, cô nhà báo ở Hải Phòng, biết bao nhiêu gian khổ mới phanh phui đươc vụ đất đai Đồ Sơn mà Đảng ta gọi là vụ trọng án, nhưng hai người trên hình như “Đảng ghét”, chỉ có “dân yêu”; Mấy năm nay, loay hoay về chỉ thị, về luật, về việc xây dựng tổ chức chống tham nhũng làm cho người ta nghĩ hôm nay việc chống tham nhũng mới bắt đầu. Trớ trớ thay, ông Thượng tướng công an lại nêu lên trên báo, ở huyện xã, các cấp uỷ đảng, chính quyền cản trở việc công an phanh phui cac vụ tham nhũng.

Nhiều người lo lắng thực sự: nhiều nhân vật có tiếng là tham nhũng, nhiều người biết, nay vẫn “bình chân như vại” có kẻ như thách thức. Sau WTO, tiền vào Việt Nam ào ào, mảnh đất màu mỡ để tham nhũng phát triển. Nhiều người bức xúc thấy các vị lãnh đạo cấp cao lên tiếng chống tham nhũng rất mạnh nhưng không thấy nêu giải pháp. Chủ trương, mục tiêu mà không có giải pháp, coi như bằng không. Con Virus tham nhũng đã nhờn thuốc, môi trường lại thuận lợi, không biết nó có sức công phá đến đâu.

Theo luật pháp và theo cuộc sống thì người chống là người bị thiệt hại, người bị chống là người gây ra thiệt hại… Ông chủ tịch tỉnh là “trùm sò” những người gây thiệt hại, vì tội tham nhũng là độc quyền của các quan chức. Có mấy chục ông chủ tịch tỉnh xác nhận địa phương mình không có tham nhũng, nay bắt họ làm Trưởng ban thì khổ họ quá. Nên để ban chống tham nhũng ở bên cơ quan dân cử, có thành phần nhân dân, báo chí, những người được nhân dân tín nhiệm, những người chống tham nhũng tích cực.

Ta có cái bệnh không giao cho dân, ôm hết, xong để đấy, rồi cố tình quên đi.

Có người viết: không có nhà nước nào tham nhũng mà gượng được, đều tan vỡ. Trước đây tôi xác định: chống tham nhũng tích cực sẽ làm tan rã tất cả, không chống thì dân phản đối và chống lại cũng đi đến tan vỡ. Nó như hai gọng kìm xiết chặt Đảng ta, nhà nước ta, như trong một đường hầm không lối thoát.

Xe gây ra tai nạn chết người. Ông bố cứ la lối là có kẻ “chọc gậy bánh xe” nhưng tìm mãi không thấy “cái gậy” đâu. Cuối cùng xác minh là do linh kiện xe là hàng giả. Xe “xịn”, linh kiện “dởm”` vì “quý tử” đã đổi để lấy tiền chênh lệch mua “thuốc lắc”. Cũng cần suy nghĩ về câu chuyện đường phố này. Các người cầm đầu nên nhận trách nhiệm về phía mình thì tốt hơn !

D. Bộ máy nhà nước.


Ta đang sắp xếp lại bộ máy Đảng và Nhà nước ở TW. Thật là tín hiệu đáng mừng. Quá chậm, nhưng chậm còn hơn không.
Sau cương lĩnh, bộ máy nhà nước như là tất cả. Xây dựng bộ máy nhà nước đòi hỏi kiến thức uyên thâm và toàn diện, đó là công việc có thể thay đổi được diện mạo quốc gia, không phải của một người mà của toàn dân. Cho nên có người lo lắng: ta đang làm một sắp xếp “cơ học”.

Công việc to lớn vô cùng, ta có rất nhiều khó khăn, yếu kém, rào cản, mỗi người một ý đóng góp là việc cần thiết.

1/ Nhân tài và bộ máy:

Năm 50 thế kỷ trước, các đảng viên ở Pháp về giải thích: nước Pháp luôn biến động mà họ vẫn phát triển. Họ có ba lực lượng: hàng trăm chính khách, 200 chuyên gia đầu ngành, 200 gia đình tư sản. Những người này có các đảng phái, các viện nghiên cứu, các trường đại học, các nhà băng… Họ là người lỗi lạc trong giới của họ. Họ có các mối liên hệ trong ngoài ngành… Khi có vấn đề lớn, nhỏ của nước Pháp, họ cụm lại là có ngay giải pháp, kể cả đồng tiền… Ông cha ta có câu: “ Không có thày đố mày làm nên”, “ Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại”, “Nhân tài là nguyên khí quốc gia”…Tây có câu: “ Giao quyền cho kẻ bất tài khác nào giao súng cho thằng điên”.

Năm 1983, tôi dự hội nghị giáo dục toàn quốc, một Viện trưởng đã cảnh báo: “ Nhà nước không đòi hỏi nhân tài thì không bao giờ có giáo dục”. “Không có cá nhân kiệt suất, là không có tất cả”.

2/ Cá nhân và bộ máy:

Thời ông Lê Duẩn, đã thảo luận rất nhiều về mối quan hệ này và đã đi đến kết luận: một bộ máy vận hành tốt sẽ đẻ ra cán bộ có tính chuyên nghiệp cao, người cầm đầu có tài năng sẽ bồi dưỡng được cán bộ, uốn nắn được bộ máy và từ đó người tài xuất hiện. Cái chu trình ấy lặp đi lặp lại và bộ máy tiến lên không ngừng.

Bộ máy của ta bị cán bộ chính trị không nghiệp vụ cầm đầu nhiều năm, rồi cán bộ vào ngành không được chọn lựa một cách ngay thẳng, người có tài không vào cơ quan nhà nước, nạn tham nhũng lan tràn làm mọt ruỗng bộ máy.

Người nước ngoài cho biết: từng cán bộ của họ có một quyển ghi rõ từng loại việc. quy trình, phương cách giải quyết, cứ theo thế mà làm… Chưa hiểu thì hỏi người phụ trách. Người giỏi là người phê phán các quy định này và đề xuất được việc sửa đổi, nâng cao. Có người cho thế là áp dụng cái ISO vào tổ chức bộ máy, có thể là như vậy.

Còn ta, “tân quan tân chính sách”; vì ít học nên “điếc không sợ súng”, luôn “cải tiến thành cải lùi”. Chưa kể tình trạng đẻ ra tổ chức vì lợi ích cá nhân, tuỳ tiện nên “ tách, tách, nhập nhập” liên hồi, tức là phá, phá liên tục .

Thật là kỳ, quy luật đào thải tự nhiên coi như ta không hề biết. Theo kiểm tra thì biên chế: 10 người thì 3 người làm được việc, 3 người phải rèn lại, 4 người phải bỏ, thế mà mọi người vẫn yên vị, biên chế cứ phình ra, kẻ kém cỏi, xấu… vẫn được đề bạt, được huân chương. Người nội trợ vo gạo còn biết nhặt sạn, người nông dân còn biết nhổ cỏ xong mới bỏ phân… Có người cho rằng ta sợ biến động, cảm tình với những người cũ, gượng nhẹ để rồi mai hậu mình có thể cũng được ứng xử như vậy… Bộ máy quá to vừa làm vừa phá, to đến mức không nuôi nổi, tan nát đất nước, “ ta làm ta chịu, kêu mà ai thương”

3/ Đảng và bộ máy nhà nước

50, 60 năm qua, vẫn song trùng hai bộ máy đảng và nhà nước. Đây là cái khó khăn gốc. Vẫn một lối: “làm bằng tay người khác, nghĩ bằng óc người khác”, có phải công việc là lê la khắp các hội nghị này đến các hội nghị khác. Cái gì cũng tập thể. Ông Nguyễn Mạnh Tường truyện trò với ông Hồ Chí Minh, đã nói 60 năm trước: “ Tập thể là cái vô nghĩa”. Lại còn tất cả các việc cấp uỷ đảng đều can thiệp, dù lớn, dù nhỏ. Bên cạnh ban giám đốc Sở, lại có cái gọi là ban cán sự Đảng (!?)… Thế là song trùng hai bộ máy chính quyền. Theo các nước, đảng can thiệp vào công việc chính quyền là một hình thức “quyền lực ngầm”, bởi lẽ không được luật hoá; theo định nghĩa, theo hình thức nó được xếp vào dạng quyền lực Mafia.

Với cái não trạng, với cái lề lối hàng 50, 60 năm này, làm cái phi lý trở thành cái hữu lý. Thế mà nhất định hôm này ta bỏ tất cả để thành lập một bộ máy duy nhất tiêu chí: cá nhân chịu trách nhiệm, thật là một cuộc cách mạng về tổ chức.

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra: Thế là thoát ly sự lãnh đạo của Đảng ư? Giữ ai? Bỏ ai? Có phải là hết tình hết nghĩa không? Anh với tôi ai hơn ai? … Rồi một đống người xếp vào đâu? Và đảng tồn tại dưới những hình thức, những thể chế ra sao? Tam quyền phân lập có lẽ là vấn đề nổi cộm nhất. Thực hiện hay không? Thực hiện như thế nào? Đảng lãnh đạo ra sao? Thật là bế tắc!

4/ Xã hội hoá- nhà nước quản lý:

Có người giải thích là: cái gì dân có thể làm được thì nhà nước không làm, nhà nước giữ luật pháp, chống tiêu cực. Chính quyền ôm không xuể mọi việc, phải giúp xây dựng các tổ chức phi chính phủ để họ làm thay nhà nước.

Theo quan niệm của người Mỹ thì nhà nước phải phát động nhân dân, giáo dục, tổ chức nhân dân để từng người biết cách giải quyết đời sống của mình, biết tự vệ bảo vệ mình, chống bệnh tật, chống thiên tai, chống tôi phạm. Một người không có cơ hội tiến thân là trái với tinh thần Mỹ. Để dân lạc hậu, để dân ỷ lại, nhà nước ban phát, nhà nước hạn chế mọi tiến thủ, vừa răn đe, vừa buông lỏng, vừa không gương mẫu, hình như chúng ta không biết hay không đếm xỉa đến cái tinh thần ưu việt trên.

Tất cả các điểm trên nhằm giải đáp một câu: nhà nước dựa vào dân như thế nào, nhà nước đã phát động sức mạnh của dân ra sao? Có cần chống lại hiện tượng: chỉ biết ra lệnh mà không biết tổ chức, không biết đem lại cơ hội cho dân.

Cần lướt qua một vài việc của các nước:

Mỹ không có Bộ văn hoá, có lẽ họ liệt văn hoá như triết học, như tôn giáo, cần để dân tự lựa chọn. Mỹ có Cục thuốc và thực phẩm nên không có cái lủng củng như ta: thuốc giả, thức ăn bổ dưỡng, rau Thanh Trì tưới nước sông Tô Lịch, thịt, rau có hoá chất độc hại, thức ăn đường phố, gây bệnh tật, không có một cơ quan nào đặc trách. Pháp có cơ quan Thuỷ lâm, đặt nước lên trên hết. Có thể họ thấy rừng bị sa mạc hoá thì sẽ sinh ra lũ quét, lụt, hạn hán. Ta lại bảo dân làm nhà lên cao thì sao có nước mà sống. Pháp có cơ quan thú y, chăn nuôi, nuôi cá. Thú y được đặt lên` trên hết, người quan trọng nhất là “nhân viên tiêm chủng”. Có phải họ lấy mục tiêu phòng bệnh là chính, ta thì nhà nước làm cả, cán bộ hùa với dân khai man để làm tiền… Y tế cũng làm thế: phòng bệnh là chính khi ta có làng ung thư, có teo cơ delta… Có nước họ đưa TTTD vào giáo dục; có người thấy cơ sở TDTT của một trường phổ thông khang trang hơn của thành phố Hải Phòng. Họ nặng giáo dục toàn diện, nặng cải tạo nòi giống hơn là “mầu cờ sắc áo”

Đúng ! cái đầu của họ “chuẩn” hơn ta.

Xuyên suốt việc tổ chức bộ máy nhà nước là phải làm sao cho bộ máy có hiệu quả thực sự. Mà bộ máy mạnh là phát huy được sự hưởng ứng và tham gia vào công việc chung của toàn dân.

Thật là khó khăn khi ta đã quen với nền nếp nhà nước quyết định, nhân dân thi hành, một hình thức độc trị, nay phải chuyển sang việc huy động nhân dân tự giải quyết cuộc sống của mình, là một cuộc cách mạng trên ý thức và hành động.

Cầu mong cho ông Thủ tướng đặt nền móng cho việc làm vĩ đại này đạt được thành công ban đầu.

E. Ngoại giao


Hai năm qua, ngoại giao ta như bùng phát. Ta mở rộng quan hệ đến mọi khu vực trên thế giới. Nhiều hoạt động thu hút các nước đến Việt Nam. Gần đây việc đầu tư nước ngoài ồ ạt, cả ở lãnh vực kỹ thuật cao. Không còn có nước nào có chút tị hiềm đối với Việt Nam.

Ngoại giao Đông và Tây, ngược lại, nhiều trắc trở, khó khăn, thua thiệt, vẫn là mối lo thường xuyên.

Đối với Mỹ, sự việc khá rõ ràng: Mỹ muốn ta mạnh lên phù hợp với đường lối toàn cầu của Mỹ. Mỹ giao thương với ta vì ta là thị trường đầy hấp dẫn. Nhân dân ta thật tán đồng rộng rãi việc quan hệ chặt chẽ này và kỳ vọng nhiều ở Mỹ. Các động tác của Mỹ: ủng họ cái này, phê phán cái kia, răn đe, hạn chế thế này thế nọ, suy cho cùng cũng là những thủ đoạn ngoại giao, mang tính nhất thời. Nó sẽ đi vào quên lãng. Con đường về cơ bản hầu như không có gì cản trở. Chỉ có sự nỗ lực của ta quyết định thành công cao hay thấp, sớm hay muộn.

Đối với Trung Quốc thì thiếu thông tin, không thể có được suy ngẫm gì có cơ sở, đáng tin cậy. Đành phải “đoán mò”. “ Đoán mò” là biện pháp cấm kỵ nhưng cũng phải “dùng tạm”.

Không hiểu sao, với nền văn hoá, với những người cầm đầu có thể nói là lỗi lạc mà gần đây Trung quốc có nhiều điều làm phiền lòng người dân Việt Nam. Từ phiền lòng đến nghi kỵ, rồi tị hiềm và cuối cùng là đối nghịch. Đó là con đường ta thường thấy. Việt Nam đối với Trung Quốc luôn nhún nhường chịu thiệt, nêú Trung quốc hiểu vậy mà đáp ứng lại tương xứng có phải là tốt hơn không. Nếu cái đà này kéo dài “già néo đứt dây” Việt Nam “nhất biên đảo” và Mỹ có mặt ở biển Đông, thì liệu Trung quốc ứng phó ra sao. Yếu như ái Nhĩ Lan cũng có người anh hùng BoyCott làm chao đảo người Anh xưa kia, huống chi là Việt Nam có cả một lịch sử chống ngoại xâm, lại ở trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay, lẽ nào lại đứng im chịu trận.

Còn lãnh đạo Việt Nam đi sang nước bạn có thể nên thưa đi. Đi đi về về như mắc cửi giữa đôi bên chỉ làm giảm uy tín của Việt Nam, dù có bao nhiêu thắng lợi ở đâu đó cũng bằng thừa.

Biển Đông, một vấn đề nhức nhối khôn cùng:

Ta và Trung quốc đều im lặng, người lấn, người lùi… Mà việc này thế giới cũng như nhân dân Việt Nam không ai còn lạ gì

Vì sao hai bên phải giấu kín? Có phải như câu chuyện hai người láng giềng, một người thua bạc bán đất trong lúc sát phạt, người mua lại là tay cờ bạc bịp. Người mua muốn giấu là dễ hiểu, người bán lại bán đất của cha mẹ chưa giao. Hình như giống chuyện “kẻ cắp gặp bà già”

Liệu vụ việc có thể lờ đi, cứ giấu mãi được không? Một trăm phần trăm là không thể giấu được! Báo chí của ta cũng đề cập nhiều lần. Không giấu được thì phải giải quyết. Giải quyết cách nào? Cách duy nhất là bạch hoá vấn đề việc làm của ta trước đây. Không có lý gì để biện hộ thì ta phải nhận lỗi. Ta phải xin lỗi nhân dân. Người nào ký trước đây thì người kế nhiệm phải đưa lời phủ nhận, coi như phế bỏ các văn bản đã ký… Rồi đưa vấn đề ra quốc tế, bao nhiêu uỷ ban được thành lập, rồi LHQ, rồi Toà án quốc tế… Trong nước thì người dân, các em học sinh học tập… Coi như đặt ra một cuộc tranh chấp lãnh thổ, đưa ra quyết định đòi, đưa ra khẩu hiệu sẽ thu hồi, nay chưa làm thì sẽ làm khi có thời cơ… Ta đòi hỏi giữ nguyên hiện trạng, hỏi Trung quốc làm được gì, ta có thể mất cái gì to hơn. Tin là Trung quốc phải bị kiềm chế… Lúc này các người cầm đầu sẽ tỏ rõ bản lĩnh. Nhân dân thì không lẽ gì mà không nhất trí, rồi mọi người cũng cho qua.

Nếu xét kỹ các văn bản đã ký, nếu là văn bản được ký giữa hai Đảng thì có lợi cho ta; bởi vì thế giới không ai công nhận các Đảng ký kết hiệp định nói chung, huống chi là một hiệp định quan trọng như hiệp định biên giới và lãnh thổ. Sự việc sẽ chuyển sang một hướng mới có lợi cho ta.

Một việc vô cùng phức tạp, một cuộc chuẩn bị rộng lớn, nhưng ta mất gì, có mất là mất cái đã mất, nhưng được là sự ủng hộ của toàn dân. Đảng trả được món nợ với dân tộc, uy tín được vớt vát.

Nói thêm: Việc T4 là việc nội bộ Đảng, vụ Biển đông là việc quốc tế, tham nhũng là việc giữa Đảng và dân. Phải chăng một đảng có 3 mối quan hệ sống còn: Nội bộ Đảng, Đảng và dân, Đảng và quốc tế. ở các nước, chỉ một việc cũng làm cho đảng cầm quyền ra đi, ta mắc một lúc cả ba. Ta ứ lờ đi, mà việc mỗi ngày một nóng bỏng lên. Người dân không hiểu vì sao lại như thế. Đảng ta hy vọng vào cái gì? Càng ỉm đi, càng kích động dư luận, càng mất uy tín. Ba việc này là ba cái huyệt sinh tử của Đảng ta.

Ngoại giao của ta dựa vào sức mạnh nào ?

Ta không có sức mạnh kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, ta không có ai lỗi lạc đến mức thế giới phải kính nể. Ta đi làm ngoại giao tay không, chỉ có cái vốn tổ tiên để lại: Tài nguyên phong phú, địa chính trị quan trọng; nhưng nếu không biết khai thác thì vẫn bằng không.

Hoàn cảnh của ta chỉ có thể tạo được một sức mạnh: sự đoàn kết nhất trí của bộ phận lãnh đạo, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân ủng hộ bộ phận lãnh đạo. Ta không chấp nhận một yêu sách nào của các cường quốc, nếu như Quốc Hội không biểu quyết. Ta càng không chấp nhận nếu nhân dân nói “không” khi trưng cầu dân ý. Trả lời họ như vậy thì họ làm gì được ta. Họ có thể uy hiếp một cá nhân, chứ không thể uy hiếp được cả một dân tộc.

Phải chăng chúng ta toàn trị, chúng ta chỉ bắt các thần dân vâng lời, không dám đưa nhân dân lên vũ đài chính trị, sợ nhân dân ý thức được vai trò của mình, rồi từ đó có thể nổi dậy chống Đảng.

Việc phát động nhân dân bao nhiêu năm nay là điều cấm kỵ vì đó là “vẽ đường cho hươu chạy” là “thả âm binh ra mà đuổi”. Ta như cây gỗ vật vờ, yếu đuối. Ta tồn tại trong một sự chênh vênh. Chính ta làm ta yếu.

Hai năm qua nhiều việc diễn ra: Đại hội, Quốc hội, WTO, quan hệ Đông-Tây… Bao nhiêu đặc điểm trên của tình hình, trước như ẩn giấu, nay như hé lộ rồi nổ tung, sự va đập các mặt đối lập trong tình tình mới trở nên gay gắt hơn.

Đó là giữa phát triển kinh tế và mở rộng dân chủ, là nghiêng về Đông hay Tây; đó là việc nên gột sạch và kiến lập một hệ thống kinh tế mới, hệ thống chính trị mới, đó là chống tham nhũng, đó là bộ máy nhà nước mới.

Cái sôi động, cái va đập ấy, cái bị diệt và cái sinh ra, xem ra nó có một hướng, cái hướng mở rộng dân chủ, phát triển kinh tế…

Cái hạn chế của ta là học mót thì nhanh: viễn thông, du lịch, địa ốc. Cái phải tự suy nghĩ mà làm thì chậm chạp: nông nghiệp, nông thôn, giáo dục…

Sự va đập còn khốc liệt hơn, nó là cái chìa khoá để ta tiến lên, tránh được tình trạng ổn định một cách ốm yếu.

Cái chìa khoá ấy để mở ra cái kho tàng: Có phải là dân trí, dân quyền mỗi ngày sẽ cao hơn lên, và nhiệm vụ của mọi người dân yêu nước là phải vun đắp cho sự phát triển này./.

Trần Lâm
9-2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn