BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73344)
(Xem: 62242)
(Xem: 39427)
(Xem: 31174)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4

24 Tháng Tư 201012:00 SA(Xem: 909)
Suy nghĩ tản mạn về ngày 30 tháng 4
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51

Ba mươi lăm năm trước, vào ngày 30-4, cuộc chiến tranh nóng Bắc - Nam kéo dài 10 năm (1965-1975) chấm dứt. Hàng trăm ngàn người Việt Nam bỏ nước ra đi. Sĩ quan, công chức cao cấp của chế độ miền Nam đi tù, tạo nên cảnh ly tán trong gia đình và xã hội.


Đó là hậu quả của chiến tranh mà lịch sử nước nào cũng có lần phải trải qua. Nếu hôm nay, sau 35 năm hòa bình, chính quyền cộng sản đã thành công xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, bên trong có nội lực bảo vệ quốc gia, bên ngoài được sự kính nể của thế giới thì có lẽ những người Việt không may (hay may mắn tùy theo quan niệm mỗi người) sống xa quê hương sẽ chấp nhận cơn đau của lịch sử, yên tâm xây dựng tương lai cho con cháu ở nước ngoài, và lòng cùng hướng về quê hương đất nước.

Không may, Việt Nam hôm nay không được như vậy. Xã hội xuống cấp trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục đến đạo đức, dân tình ly tán, và sự vẹn toàn lãnh thổ đang bị đe dọa. Với biển rộng, sông dài, núi non hùng vĩ, đất đai thiên nhiên phong phú và con người không thua kém Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Mã Lai… mà sau 35 hòa bình chúng ta không làm được như các nước đó đã làm thì hiển nhiên người cộng sản Việt Nam đã thất bại trong công cuộc xây dựng đất nước phú cường như mục tiêu “độc lập, tự do, hạnh phúc” họ nêu ra từ những ngày đầu của cuộc đấu tranh giành độc lập.

Về phía người quốc gia không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản rời bỏ quê hương thì sau 35 năm sống trong môi trường tự do dân chủ, thành công cá nhân thì có nhưng thành công tập thể thì không. Hơn 3 triệu người Việt sống ở hải ngoại chưa xây đựng được sức mạnh cộng đồng có khả năng ảnh hưởng đến thái độ và chính sách của người cầm quyền trong nước.

Như vậy sự bế tắc của đất nước Việt Nam hôm nay không phải chỉ do người cộng sản bất tài hay người quốc gia bất trí mà có thể còn do những lý do khác sâu xa hơn.

Người ta thường nói đến hậu quả của cuộc chiến tranh 9 năm giành độc lập (1945-1954) và tiếp theo là cuộc chiến tranh Bắc – Nam quá dài và quá đẫm máu như một trong những lý do chính. Nhưng chiến tranh Triều Tiên 1950 -1953 cũng khốc liệt và sự tàn phá trong trận Thế giới Chiến tranh II cũng đã để lại một nước Nhật hoang tàn. Thế nhưng sau vài chục năm Nam Hàn và Nhật Bản đã có thể hồi sinh.

Vì vậy cần tìm nguyên nhân của vấn nạn Việt Nam hôm nay trong chính con người Việt Nam chứ không nên đi tìm đâu xa xôi trong “chủ nghĩa”, trong “chiến tranh lạnh” hay trong thế kẹt “nước lớn, nước nhỏ”

Về con người chúng ta có nhiều khuyết điểm hơn là ưu điểm.

Khuyết điểm này do dòng giống hay là hậu quả của một nền giáo dục thiếu căn bản quá lâu qua nhiều thế kỷ ? Câu trả lời xin dành cho các nhà nghiên cứu.

Một điều chúng ta có thể khẳng định rằng, dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, cần cù, chịu thương chịu khó. Rất tiếc hình như nhiều người Việt Nam chỉ biết đầu tư sự thông minh và tính cần cù cho cá nhân chứ không đầu tư cho tương lai của đất nước.

Do đó chúng ta thiếu người lãnh đạo có tầm vóc. Chúng ta có tinh thần vọng ngoại và ít tin tưởng vào chính mình. Chúng ta chạy theo những cái đang lên và coi thường những thế lực đang xuống. Nói đơn giản chúng ta không có cái nhìn xa, và do đó chúng ta không có chính sách.

Vào đầu thế kỷ 20, trước sự du nhập của văn hóa phương Tây và sự lu mờ của nước Trung Hoa phương Bắc người trí thức Việt Nam chúng ta chỉ biết cóp nhặt văn hóa châu Âu vô điều kiện và chúng ta coi thường người Tàu đang lép vế trước sức mạnh cơ khí Tây phương. Chúng ta quên phức sự thật là văn hóa Trung Quốc đã yên vị lâu đời trong đầu mỗi người Việt. Và chỉ chờ thời điểm (như hôm nay) là họ nắm cổ toàn bộ vận mạng của nước Việt Nam.

Lãnh đạo quân sự và chính trị của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam có nhiều khuyết điểm đưa đến thất bại, nhưng chưa chắc quyết định chiến lược can thiệp của người Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một quyết định sai lầm. Nhưng phía miền Nam chúng ta – vì thiếu người tài, vì thiếu chí - đã không lợi dụng cơ hội để xây dựng một miền Nam tự túc về kinh tế và đặt một nền móng cho sự canh tân đất nước. Cho nên khi người Mỹ nhận ra rằng miền Nam không phải là một đồng minh có bản lãnh, họ đi tìm một sách lược khác và bỏ rơi chúng ta một cách tàn nhẫn

Miền Bắc Việt Nam cũng không khá gì hơn. Hà Nội chạy theo một lý thuyết kinh tế lỗi thời làm thui chột kinh tế miền Bắc, và trước áp lực của Liên bang Xô viết dồn mọi tiềm năng nhân lực cho cuộc chiến bành trướng chủ nghĩa mà họ nhất định phải thắng “dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn!”

Miền Bắc toàn thắng. Việt Nam thống nhất trong điêu tàn. Và khi người đồng minh Liên bang Xô Viết sụp đổ không đủ sức viện trợ kinh tế như Hà Nội chờ đợi, Việt Nam chỉ còn một con đường là lệ thuộc vào Trung Quốc.

Và loay hoay, sau 35 năm hòa bình, Việt Nam lại rơi vào một hoàn cảnh của những ngày đầu của cuộc chiến tranh lạnh: lần này kẹt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Bài học gì người Việt Nam cần rút ra hôm nay, đứng trước thế kỷ 21 mới bắt đầu được một thập niên và hứa hẹn nhiều biến chuyển quan trọng có thể quyết định sự mất hay còn của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Biến chuyển lớn nhất của thế kỷ 21 là quyết tâm trở thành siêu cường của Trung Quốc và cuộc đụng độ khó tránh khỏi giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc. Biến chuyển này sẽ chi phối mọi sinh hoạt chính trị và kinh tế trên toàn thế giới trong thế kỷ này.

Việt Nam nằm ngay trên chiến trường nhỏ là chiến trường Đông Nam Á và nếu không khôn khéo rút bài học cũ chúng ta lại sẽ biến thành một thứ tiền đồn.

Quan sát tình hình Á châu và Đông Nam Á ai cũng đồng ý rằng Việt Nam đang bị Trung Quốc đe dọa bởi một chương trình xâm thực có bài bản và Việt Nam đang rơi vào đôi cánh tay thủ đoạn của Trung Quốc.

Chính sách nào để Việt Nam tồn tại như một quốc gia độc lập? Trong thế kỷ trước mắt Việt Nam không có con đường nào khác hơn là liên kết với các quốc gia trong vùng chủ yếu là Ấn Độ, Nhật Bản và khối Asean, nhưng quan trọng hơn hết là một chính sách ngoại giao khéo léo đối với Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai khối thế lực này đều cần Việt Nam để chuẩn bị cho cuộc so kiếm thư hùng của thế kỷ.

Nhưng muốn có một chính sách, Việt Nam cần hai điều kiện. Thứ nhất là khả năng tự lực trong khung cảnh mới của thế giới. Tự lực đây không phải là chỉ có đầy đủ cái ăn và cái mặc mà phải có tiềm năng kỹ nghệ và sản xuất.

Thứ hai là một lớp người lãnh đạo có “tâm” và có “chí” qua sự đào tạo những con người Việt Nam. Cần sửa đổi hệ thống giáo dục, trước hết từ cấp Sơ học cho đến cấp Trung Học hướng về những khái niệm yêu người, yêu đất nước, biết quý trọng những giá trị Việt Nam, những ý niệm sơ đẳng phổ cập về dân chủ, đạo đức và tự do tín ngưỡng, quan hệ giữa tôn giáo và dân tộc. Và nền giáo dục này cần được làm gương bởi lãnh đạo các cấp. Cấp đại học cần hướng về giáo dục thực tế, liên kết chặt chẽ sinh hoạt đại học với các cơ sở sản xuất lớn để khuyến khích sáng kiến khoa học kỹ thuật và khả năng phát minh. Chính sách của Việt Nam là sẵn sàng làm Thợ để sẽ làm Thầy, và sự chuyển nhượng khoa học kỹ thuật qua các cơ sở nước ngoài đầu tư tại Việt Nam phải là một chính sách quốc gia.

Sau 35 năm hòa bình, Việt Nam chưa hoàn hồn vì cơn bão của thế kỷ 20, thì nay lại đang đứng trước sự đe dọa của một cơn bão khác hứa hẹn có sức tàn phá hơn.

Nhưng không phải chúng ta không có con đường thoát hiểm. Nếu chúng ta biết học bài học tự cường của nước Nhật, biết học bài học đùm bọc yêu thương nhau trong tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng” của nước Đức, và trên hết – người cầm quyền - biết huy động nội lực dân tộc qua một chương trình chấn hưng văn hóa có nội dung tôn trọng dân chủ và nhân quyền.

Trần Bình Nam
Viết cho BBCVietnamese.com từ California
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn