BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73172)
(Xem: 62201)
(Xem: 39374)
(Xem: 31130)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nghĩ về tiến trình chính trị ở Việt Nam

14 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 1125)
Nghĩ về tiến trình chính trị ở Việt Nam
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Kính gửi:
- Bộ chính trị
- Quốc hội
- MTTQ Việt Nam


Tôi có viết mấy bài đề cập đến tiến trình đổi mới chính trị. Lúc nói đa nguyên, đa đảng là con đường tất yếu; Khi thì đề xuất nên tách đảng Cộng Sản ra làm hai; rồi lại đưa ra công thức Quốc Hội 2007 nên có 1/3 do dân cử, 2/3 do Đảng cử…

Nhiều bạn trong nước, ngoài nước hỏi: Nói như trên có nhất quán không? Việc thực hiện cụ thể như thế nào? Cần triển khai ý tưởng trên để mọi người được biết.

Tôi xin chân thành cám ơn sự quan tâm của các bạn và xin coi các dòng sau đây là lời giãi bày của tôi.

I. Đa nguyên, đa đảng là con đường tất yếu:

Điều này rất nhiều người đã nói, không thiếu khía cạnh nào. Càng ngày thực tiễn càng chứng tỏ điều này là đúng.

a. Hiện tại có hai yếu tố trực tiếp và nóng bỏng:1.Ta gia nhập WTO, ta chấp nhận luật mới, một mẫu người mới.



Bất cứ điều luật nào cũng đan xen những yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội…. Trước ta gồng mình làm luật để được vào WTO, nay ta oằn lưng để gánh các việc từ luật của WTO. Ta và các đối tác có quyền xem xét công việc của nhau, đó là công khai minh bạch. Từ thay đổi luật đến thay đổi nhận thức, lề lối là con đường làm thay đổi con người và cũng có thể loại bỏ những người không phù hợp.

Ta hoan hỉ mời ông Bush. Chính ông Bush đã nói ở Texas: “ Sau WTO, kinh tế thay đổi kéo theo chính trị thay đổi, độc tài sẽ chấm dứt!”. Đó là ta “tự vỡ”. Chết trong cờ hoa.

2. Ta đang chống tham nhũng. Ta hình như chững lại. Phải chăng ta vấp phải “vùng cấm”? Hay là chúng ta đang ở ngã ba đường: Chống tích cực thì sẽ như “ong vỡ tổ”, không chống thì sao yên lòng dân, làm sao giữ được Đảng, làm sao để tiến lên được? Ta không có chiến lược, chưa tìm được chiến thuật, không có lực lượng, không có vũ khí, đánh chác làm sao được! Chỉ còn có cách dựa vào dân, nhưng làm thế khác nào trả lại quyền lực cho dân để rồi ta trắng tay. Đó thêm một lần nữa ta “tự vỡ”. Chết trong lầy lội.

b. Có nhiều yếu tố khác, không trực tiếp, không tức thì thúc đẩy thay đổi chính trị nhưng lớn lên rất nhanh và ngày một mạnh hơn.

Trong hơn 3 triệu đảng viên, chỉ có độ 10% tham gia bộ máy nhà nước, họ có quyền hành, có bổng lộc. Gọi là Đảng Cộng Sản nhưng thực ra là đảng của những người cầm quyền. Số 90% còn lại, nhiều người nghèo, bị đối xử hoàn toàn như các công dân khác, 19 điều cấm kị làm cho họ tự nhận là mất quyền công dân. Nhiều người bị làm khó, bị đàn áp. Ông Phú, đại tá công an về hưu, là đảng viên lâu năm, có con là trung tá công an tại chức, ông tố cáo tham nhũng, ông như là một anh hùng, kẻ bị tố cáo là huyện uỷ. Huyện uỷ khai trừ ông, đàn áp bằng mọi cách, cao nhất là cho lưu manh “áp đo tại gia”, hành hung ông. Ta cứ phê phán cộng sản thế này, thế nọ, ta đã “vơ đũa cả nắm”. 90% đảng viên là những người yêu nước, họ ở thế lép vế, họ hoàn toàn đứng trong hàng ngũ nhân dân.

Tầng lớp trung lưu hình thành, lớn lên hàng ngày. Họ có ăn, có mặc, được học hành, có thông tin, được đi xa, về gần, có suy tư, nhìn xa trông rộng… Họ không bao giờ chấp nhận chế độ “xin, cho”.

Các doanh nhân số lượng tăng rất nhanh. Nhiều cơ sở của họ có tầm cỡ. Nhiều người thành công. Họ đòi được tự do kinh doanh, đòi không có những rào cản… Sau WTO, kiểu kinh doanh theo lối “chụp giật” sẽ bị cấm đoán. Doanh nhân đòi tham chính là việc xảy ra trong tương lai gần.

Luật pháp cho phép doanh nhân nước ngoài bình đẳng mọi mặt với doanh nhân trong nước. Hai thành phần này, trước lợi ích giống nhau, cụm lại sẽ có sức mạnh buộc ta nói là làm, làm là làm theo luật, luật là luật quốc tế. Cả hai có thể tác động đến tình hình kinh tế, chính trị của ta.

Sinh viên trong nước giỏi, sinh viên học ở ngoài về nhìn xa trông rộng, sống và làm việc văn minh hơn. Các Việt Kiều về nước hội tụ thêm nhiều ưu điểm khác… Bộ máy kém hiệu năng, đầy khuyết tật của ta sẽ không có chỗ đứng. Lớp người mới này sẽ thay thế là không tránh khỏi.

Cũng không nên quên nhắc đến sự chuyển mình của các tầng lớp khác: các vị lão thành, các cựu chiến binh, các nhà khoa hoc, các thanh niên trí thức, các văn nghệ sĩ, đã lên tiếng đòi tự do dân chủ. Thật là một lực lượng hùng hậu, đó là tinh hoa dân tộc.

Tầng lớp nông dân chiếm đến 2/3 dân số, bị bỏ quên, túng thiếu, không có cơ hội, không có tương lai, tài sản là ruộng đất thì manh mún, sở hữu thì không rõ ràng. Tình hình này kìm hãm sự phát triển của đất nước. Họ sẽ được phát động, không phải là những nhà chính trị giúp họ mà chính là các nhà đầu tư, các nhà khoa học, sẽ làm thay đổi cuộc sống của họ. Nông dân sẽ đi theo đường lối chính trị của các nhà tư bản, các nhà khoa học. Lúc ấy, sức mạnh của nhân dân như được tăng thêm bội phần.

Cả một dòng thác như vậy, liệu có sức nào cản nổi?

Ta còn quên một sức mạnh: những người tiến bộ trong giới cầm quyền, những “người cộng sản tử tế”. Họ cũng muốn tự do dân chủ. Họ muốn mang thực lòng, thực tài ra giúp dân, giúp nước, thoát khỏi trì trệ, họ muốn thoát khỏi sự câu thúc của bộ máy nhà nước hiện hành. Họ ở khắp nơi, từ thấp đến cao. Họ vững lòng tin, họ quả cảm, một hành động của họ, nhất là ở cấp cao có thể thay đổi tình thế.

c. Nhanh hay chậm, có thể kìm hãm và kéo dài tình hình hiện nay không?

Không thể đoán định thay đổi chính trị xảy ra vào năm nào, tháng nào, chỉ có thể dự đoán tốc độ nhanh hay chậm. Còn có người cho rằng có thể chuyển biến từ từ, “mưa dầm lâu cũng lụt”. Tôi cho là tốc độ sẽ rất nhanh vì các nguyên nhân và yếu tố kể trên. Chiêm nghiệm thì thấy, từ cuối năm 2005 đến hết năm 2006, phong trào chuyển biến bằng 10 năm trước. Sang năm 2007, tốc độ chậm đi hay là cuộc bầu cử Quốc hội sẽ là một dịp tăng tốc?

Ta muốn có các biện pháp làm hạ nhiệt bầu không khí tự do, dân chủ. Dân chủ ở cơ sở, thì huyện còn mất dân chủ hơn là xã, lấy ai hướng dẫn cho xã? Phản biện xã hội ở Mặt Trận, giám sát Quốc Hội, thầy chưa ra thầy làm sao có thể đứng lớp mà rao giảng. Cải cách hành chính thì lấy người nào thay người nào, có thể chấm dứt tình trạng một nước có hai chính quyền… Các biện pháp sẽ không đạt kết quả, cái gốc là toàn trị, chúng ta chưa dám động đến.

Có người lo sau WTO, ta chạy với thế giới, ta yếu quá, ta ngã dọc đường đua. Ngã thì dậy chạy tiếp, được chạy là đã thắng. Mở rộng dân chủ, tự do ta sẽ sáng mắt ra, tốc độ tiến bộ của ta sẽ nhanh hơn. Dân ta thiếu gì người tài, người tài sẽ được phát lộ, họ được tự do, họ thua kém ai. Lo cho ai? Họa hay phúc? Phúc không đến hai lần, họa thì đến hơn một lần… Thời cơ và thách thức, thời cơ vàng hay thảm họa đen… Cũng nên nghĩ rằng đã nhảy xuống nước là bơi… Chúng ta lo cho ai, lo cái gì. Dân ta có truyền thống khi khó khăn, gian khổ thì nhiều anh hùng, khi no ấm thì lại không như thế. Đấy mới là nỗi lo thực sự.

Ta hãy “ chào từ biệt, nỗi buồn”. “Chào từ biệt, nỗi lo”.

II. Có thể phải tách Đảng ra làm hai đảng

Việc giải thể, tách, nhập các đảng trên thế giới là bình thường. Nêu ra giải pháp tách Đảng không phải là quá độc đáo, quá xa lạ.

Ở Việt Nam hiện nay, không có Đảng đối lập. Các trung tâm, các phong trào, các đảng đã danh xưng nhưng chưa có thực lực. Đảng Cộng Sản phải tồn tại. Một khoảng trống quyền lực sẽ làm cho đất nước bị tàn phá.

Đảng Cộng Sản không thể tồn tại như kiểu hiện nay. Các biện pháp hạ nhiệt như nói trên đều không đưa đến kết quả. Cứ giữ nguyên toàn trị, sẽ đi đến thất bại. Việc tìm con đường bứt phá là không thể tránh được. Kéo dài là vô vọng.

Bao giờ cũng vậy, một gia đình, một tổ chức, trước một việc, một vấn đề, thường các thành viên có cách lý giải, cách hành động khác nhau. Nếu là vấn đề hệ trọng thì sự cách biệt càng gay gắt hơn. Không có tốt, xấu mà đó là một tất yếu của cuộc sống.

Trong tình thế hiện nay, nhiệm vụ thì nặng nề, áp lực thì căng thẳng, bộ máy thì bề bộn, yếu kém, mọi người trong cuộc thì bức bối, việc tiến lên hình như bị ngăn chặn. Sự phân chia quan điểm, nhận thức, đường lối, chủ trương, biện pháp trong lãnh đạo tất yếu là phải phát sinh.

Tôi tin là đến hôm nay, cấp lãnh đạo đã nhận ra đa đảng không phải là tạo ra đấu tranh hỗn độn, tạo ra thế một mất, một còn, mà là một cuộc đấu tranh hoà bình, hướng tới tương lai tốt đẹp. Theo nghĩa mới: “Dân chủ đa nguyên là lắng nghe ý kiến khác mình, hai bên cùng bàn soạn tìm ra cách giải quyết tốt nhất, đôi bên cùng quyết tâm thực hiện để làm cho cái chung tiến lên”.

Chuyển đổi thành hai đảng phải coi như là cách đoạn tuyệt với cuộc sống cũ đầy cản trở, đầy chông gai. Xây dựng cuộc sống mới đầy tự do và bay bổng.

Trong lãnh đạo tối cao sự suy nghĩ, hành động tất yếu có hai hướng khác nhau, hai nhóm khác nhau ấy đến bàn luận cùng nhau thành lập ra hai đảng, các đảng viên hiện nay sẽ được kết nạp lại tại hai đảng. Cả hai đảng kết nạp thêm đảng viên mới.

Chỉ cần việc hai ban lãnh đạo lâm thời ra đời, công việc của nhà nước sẽ không ngừng trệ, không thay đổi. Sau đó, mọi việc được đặt ra đến đâu thì hai ban lãnh đạo cùng giải quyết.

Chuyển đổi thành hai đảng chúng ta được rất nhiều:

Khi kết nạp lại, bao nhiêu người vì lý do không chính đáng mà vào đảng, vào bộ máy nhà nước, họ sẽ lặng lẽ không xin kết nạp lại. Thế là việc chính của chỉnh đảng đã được thực hiện. Thời cơ vàng để Đảng ta trở nên trong sạch. Hai đảng cùng kết nạp thêm người mới, đó là sự thay máu làm cho Đảng khoẻ khoắn, tươi trẻ, bừng bừng sức sống. Một việc mười năm không làm được, một khoảng khắc đã làm xong.

Sự hoạt động của Bộ máy nhà nước và của xã hội vẫn bình thường, bề ngoài có vẻ như cũ, nhưng bề trong thì hoàn toàn đổi mới. Ở đâu cũng có đảng viên của hai đảng, họ được hướng dẫn, để hợp tác cùng nhau, nhưng lại giám sát lẫn nhau, từ đó luật pháp được đề cao, công bằng được thực hiện, phẩm giá con người được tôn trọng. Lúc ấy nghĩ lại, họ sẽ thấy xấu hổ không hiểu sao ngày hôm nay, họ lập lờ hai mặt, họ gian trá, họ che đậy, họ khúm núm sợ sệt và họ lại hách dịch và vụ lợi.

Trong không khí đổi mới ấy, người có tài năng, có đạo đức, họ thấy khác xưa, họ có lòng tin, họ sẽ xin tham gia vào các hoạt động chung. Sức mạnh của hai đảng cùng mạnh lên, đất nước do đó sẽ phồn vinh.

Tách ra hai đảng, xã hội hoàn toàn ổn định nhưng lại đổi thay tận gốc về chính trị. Các việc ta đã làm, trầy trật, kéo dài hàng chục năm không có chuyển biến thì ngày nay trong khoảng khắc đã được dứt điểm: Như các việc chấn chỉnh lại bộ máy nhà nước, tam quyền phân lập, phản biện, giám sát hoạt động của nhà nước…

Cái được lớn nhất dành cho người dân, làm cho người dân nghìn người như một, nỗ lực, hành động cho cái chung.

Không phải cứ có hai đảng trở lên thì con người sẽ tốt hơn, đất nước sẽ phồn vinh. Đấy, nhiều nước có đa đảng mà chính trị có ổn định đâu, đời sống có nâng cao đâu.

Nguyên nhân là do người cầm đầu thiếu tài năng, đức độ, không có khả năng nhìn xa, trông rộng, không có khả năng quyết đoán, không có chủ trương, đường lối, biện pháp phù hợp, không huy động được sức dân. Nhưng nó vẫn có cái khác ở chỗ: Ê kíp này kém cỏi, thì trong một thời gian 4 năm, một ê kíp khác sẽ thay thế. Có cạnh tranh, có đào thải thì cái tốt sẽ bộc lộ, và từ đấy mọi việc sẽ tốt lên. Chưa tốt thì làm mới, làm đi làm lại đến tốt thì thôi, không bao giờ chịu thụ động, chịu ép buộc như tình hình hiện nay, 30 năm cứ mỗi một ngày lại kém đi.

Lộ trình chuyển đổi thành hai đảng có thể như sau:

Đầu tiên là việc họp bàn ở cấp cao. Nhất trí rồi thì phải thông báo cho toàn Đảng, toàn dân.

Hai nhóm đã hình thành ra hai ban lãnh đạo lâm thời. Hai ban lãnh đạo lâm thời kết nạp đảng viên, thành lập các cơ sở từ trên xuống dưới. Việc tổ chức bộ máy, việc phân công, phân nhiệm trong chúng ta, nhiều người đã làm quen chỉ có khác là ngày hôm nay làm thật hơn có công tâm hơn, vì dân mà làm, mọi sự gian trá nhân dân sẽ vạch trần.

Khi đã có hai ban lãnh đạo lâm thời thì mọi việc sẽ được giải quyết mau lẹ. Chúng ta được lột xác thành con người mới, những lề lối hiện đại được du nhập.Công việc sẽ suông sẻ. Khi hình thành hai đảng, mỗi đảng sẽ như được cởi trói, họ thừa sức biết phải làm gì. Cuộc hành trình lành mạnh, cuộc đấu tranh chân thành, sự hợp tác về quyền lợi nhân dân sẽ làm cho hai đảng cùng tiến và đất nước đi lên. Từ đó, các quyền về tự do, về dân chủ, về quyền sống mặc nhiên phải được công bố và thực hiện một cách nghiêm túc.

Cái thiết chế Đảng và Nhà Nước ta được hình thành từ đời ông Lê Duẩn. Lúc đó ông Lê Duẩn là một ông vua, không hơn, không kém. Trong cái thiết chế ấy, trong cái căn nhà ấy, ông Phạm Văn Đồng, một người lẫy lừng năm châu bốn bể cũng đành bó tay, đến khi qua đời đầy đắng cay và có cả nước mắt.

Một cái thể chế mà chỉ có một ngai vàng, lúc này ta lại có đến “14 người khổng lồ”, ai đứng, ai ngồi? Chúng ta cứ sống trong một căn nhà cũ kỹ, mối mọt, mà ta cứ loay hoay sửa chữa, tìm cách vá víu. Lúc này là lúc chúng ta phải phá nó, xây dựng một căn nhà mới, một căn nhà hiện đại để sống theo nếp sống của thế kỷ 21.Cái kỳ lạ nhất là ta thừa sức mạnh để làm việc trên, không biết có cái gì níu kéo, mà ta cứ trì trệ như bây giờ.

III. Bầu cử Quốc Hội năm 2007

Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Ba mươi năm nay, Quốc Hội chỉ là hình thức. Mọi quyền lực thuộc về Đảng. Gọi là Đảng, nhưng thực chất chỉ là những người cầm quyền. Nhóm này nghỉ, giao quyền cho nhóm kế tiếp, nhóm kế tiếp được chọn theo ý muốn của nhóm về nghỉ. Có khi người về nghỉ vẫn chỉ huy đất nước qua đàn em của mình. Đó là một hình thức “cha truyền con nối”. Nhóm nào lên cầm quyền cũng dùng mọi cách để củng cố qyền lực, dùng mọi hình thức để làm dân sợ, bắt dân phải nghe. Trong nội bộ mình thì mình không nghe ai, không sợ ai. Lại không biết làm cho đàn em phải biết nghe, biết sợ. Đó là một nền độc tài kiểu mới. Độc quyền sinh ra tha hóa, làm cho một đất nước thanh bình, con dân thông minh, bừng bừng khí thế xây dựng mà tụt hậu dài dài. Thế là khủng hoảng trong Đảng, khủng hoảng giữa Đảng và dân, đến mức phải “kêu trời!”.

Xin mất chút thì giờ nói về ông Bush: Ông Bush coi thường người cầm đầu hoà bình là Liên Hiệp Quốc, khinh miệt và đe doạ tận diệt kẻ gây chiến tranh là bọn khủng bố quốc tế; khi được đón tiếp nồng nhiệt ở Việt Nam về, ông dám tuyên bố xanh rờn: “Cái ngu nhất của loài người là chống Mỹ”. Thế mà Đảng Dân chủ vừa chiếm được hai viện, ông Bush như run rẩy. Không biết “Laura yêu quý” của ông có cách gì làm ông nguôi ngoai không. Thế mới biết, người hùng nhất thế giới cũng biết “sợ”. Đa đảng thế mà ghê quá: Thần hoà bình, thần chiến tranh có khi phải chào thua. Biết sợ là một đức tính.

Qua chiêm nghiệm, một số người, trí tuệ của họ là “dòng sông xanh”, “dòng sông hồng”, họ là nhân sĩ Bắc Hà. Họ cho rằng ba mươi năm qua, có cuộc đấu tranh giữa Đảng và dân. Dân không hề có tổ chức, có người cầm đầu, êm, bền bỉ đến vô cùng. Đảng cứ ép, dân cứ làm, ép mãi không được đành phải nhả. Dân thắng, Đảng thua là kết luận. Cuộc đấu tranh “khoán hộ”để chống việc hợp tác hoá ép buộc là chiến thắng đầu tiên. Đòi công nhận quyền sở hữu nên Luật Dân Sự ra đời. Chống ngăn sông, cấm chợ, đòi tự do kinh doanh nên có Luật Doanh Nghiệp. Đó là hai chiến thắng tiếp theo. Từ cuối năm 2005 đến cả năm 2006 và sang năm 2007, một cuộc đấu tranh chính trị đòi tự do, dân chủ, của nhân dân sôi sục, liệu cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007 có phải là bàn thắng thứ tư, trước khi tiếng còi kết thúc hiệp một, một hiệp kéo dài 30 năm. Xin hãy chờ xem!

Tình hình tổng hợp như đã nói trên, buộc Quốc Hội năm 2007 phải hướng tới tự do dân chủ. Cần nhấn mạnh kiểu “Đảng cử dân bầu” là lố bịch đến mức không ai muốn nghĩ tới. Và một hiện tượng cần tìm hiểu: Các vị đứng đầu nhà nước đang bức bối trước một tổ chức nhà nước với các thói hư tật xấu.Tin là những người “cầm quyền tử tế” này sẽ ra tay. Đó là một sức mạnh, có khi là rất mạnh.

Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất. Quyền lực này nhân dân giao cho từng đại biểu Quốc Hội qua phổ thông đầu phiếu. Chia sẻ quyền lực thể hiện ở tỷ lệ đại biểu so với tổng số, thuộc về ai.

Chúng ta không có đảng đối lập. Chỉ có Đảng và dân. Đảng vừa đại diện cho dân, vừa là đối tác. Liệu ta có thể có một Quốc hội 2/1, 3/1, 4/1, có nghĩa là Đảng có thể cử 2 hay 3 người hoặc 4 người, nhưng dân trước sau chỉ có 1 người. Có người nói chỉ cần 1/4 là đạt yêu cầu. Như thế Đảng có đa số tuyệt đối, Đảng vẫn giữ vai trò lãnh đạo quốc gia, dân giữ vai trò phản biện, giám sát, đã có kênh để đạt nguyện vọng của nhân dân.

Việc cần làm là xác định tiêu chuẩn đại biểu Quốc Hội, phát hiện được người phù hợp, giới thiệu hoặc góp ý và hỗ trợ để họ tự do ứng cử.

Đại biểu Quốc Hội phải có tiêu chí: Tiên quyết là phải được dân tin, dân yêu, dân dành phiếu cho mình. Dù không phải là chính khách nhưng phải hiểu biết nhất định về chính trị, về luật pháp vì nhiệm vụ của họ là tham gia làm luật. Họ còn phải tìm hiểu khu vực mình đại diện để có thể giúp đỡ được cử tri, phát biểu hộ cử tri, phải có trình độ nhất định về các mặt vì họ phải tham gia phản biện các dự án, cũng phải có kỹ năng viết và nói, trình bày, tranh luận trước đám đông.

Việc phát hiện và lập danh sách các ứng cử viên của Đảng thì có nhiều thuận lợi vì Đảng có tổ chức,có sự theo dõi thường xuyên từng đảng viên.
Việc phát hiện và lập danh sách các đại biểu do dân cử là rất khó:

Ai đứng ra làm? Có thể từng khu vực, các tổ chức Mặt trận, cựu chiến binh, các câu lạc bộ cán bộ hưu trí, đoàn thanh niên… cử đại diện thành lập ban bầu cử. Ban bầu cử làm việc phát hiện và giới thiệu. Có thể có ứng cử viên tự do.

Không hạn chế tuổi vì nhiệm vụ các đại biểu Quốc Hội đã được vạch ra một cách rõ ràng. Ai làm nổi những việc đó thì mặc nhiên là họ có sức khoẻ, tinh thần và thể chất.

Phải chọn đúng, chọn đủ, phân bổ đúng tỷ lệ.

Việt Kiều có hai quốc tịch lẽ đương nhiên có quyền bầu cử và ứng cử.
Những người ưu tú, những người mà đất nước cần thường ở những thành phố lớn. Có thể dựa vào các ngành, các giới, các hiệp hội, các nhân vật tiêu biểu, am hiểu chính trường đề xuất để Ban bầu cử xem xét.

Danh sách đảng cử hay dân cử đều phải có số lượng là 120%; 150% so với số cần bầu chưa kể đến ứng cử viên tự do, để cho việc bầu cử có thể dễ dàng cân nhắc rộng rãi.

Danh sách có thể không phân biệt đảng viên hay quần chúng, danh sách dân cử có thể có cả các đảng viên.Cần chiếu cố thực tế là có những địa bàn những người đạt tiêu chuẩn đại biểu Quốc Hội đều là đảng viên hoặc ngược lại. Phải chấp nhận các đại biểu Quốc Hội trong việc bỏ phiếu được tự quyết theo ý chí của mình. Ở Quốc Hội Mỹ, có vấn đề khi bỏ phiếu, một đảng có số phiếu thuận và chống ngang nhau.

Việc bỏ phiếu trong bầu cử sẽ có hai danh sách: Một danh sách Đảng cử, một danh sách dân cử. Một cử tri một lúc bỏ hai lần, mỗi lần cho một danh sách. Thế là có việc phổ thông đầu phiếu, có quyền tự do bỏ phiếu. Cử tri được chọn lựa. Cuối cùng có một số đại biểu trúng cử đúng theo tỷ lệ đã định.

Còn các việc khác, cần được giải quyết một cách mau lẹ, không câu nệ:

Việc sửa đổi luật bầu cử có thể ra một đạo luật đặc biệt, riêng cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007 gồm một vài điều then chốt. Không ném lên, ném xuống, họp đi, họp lại. Nhiều việc của các nhà bác học, của các chuyên gia thì chúng ta cứ lấy đông người ra để thay thế.

Thủ tục, trình tự, lề lối, các quy chế, những vấn đề cụ thể có thể dập khuôn, quy định về bầu cử mà từ trước tới nay chúng ta vẫn làm. Cái việc phân biệt là bây giờ chúng ta làm thật, không hình thức.

Có lẽ, ngoài tiêu chuẩn đại biểu Quốc Hội, tỷ lệ đại biểu Quốc Hội thì việc giám sát bầu cử và kiểm phiếu là hai việc cần phải đặc biệt quan tâm.

Một việc làm thành công là việc làm ít sai sót nhất, mà đạt được yêu cầu cơ bản. Nghĩ rằng, trong lúc thời gian cấp bách, điều trên là phải chấp nhận.

Mục tiêu của đề xuất này là muốn có một Quốc Hội không phải là Đảng cử dân bầu, không phải là có đa đảng, có tả có hữu, mà là một Quốc Hội có phân chia quyền lực, giành cho nhân dân vai trò giám sát và phản biện, hỗ trợ cho các đại biểu là đảng viên làm tròn trách nhiệm của mình đối với quốc gia, dân tộc. Nó có cái khác là hoàn toàn minh bạch, được thỏa thuận rõ ràng, nhân dân được thực hiện quyền ứng cử, bầu cử một cách thực sự.

Một Quốc Hội như thế trong lúc này, làm cho Đảng được củng cố, nhân dân có quyền thực sự, đoàn kết giữa dân với Đảng được tăng cường. Các nhiệm vụ kinh tế, chính trị văn hoá sẽ được thực thi một cách có hiệu quả, việc bứt phá của toàn dân là có thể thực hiện.

Trần Lâm
14/1/2007
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn