BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73246)
(Xem: 62216)
(Xem: 39402)
(Xem: 31152)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Bỏ điều 4 Hiến pháp là sự tái sinh giá trị lịch sử của đảng CSVN

25 Tháng Chín 200712:00 SA(Xem: 910)
Bỏ điều 4 Hiến pháp là sự tái sinh giá trị lịch sử của đảng CSVN
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00
Kể từ ngày đảng cộng sản Việt Nam chiếm miền Nam đến nay là 32 năm. Cuộc tranh đấu giành tự do dân chủ và nhân quyền cho đất nước của các tầng lớp dân chúng trong và ngoài nước lúc cao lúc thấp, nhưng chưa có lúc nào chúng ta nắm được ngọn cờ tiên phong, phát triển hàng ngũ một cách có tổ chức và làm cho đảng cộng sản cầm quyền thấy có nhu cầu đối thoại với chúng ta để tìm một giải pháp làm cho đất nước phú cường, dân sinh hạnh phúc.

Trong khi đó đảng cộng sản Việt Nam, từ một đảng cách mạng đang dần biến thành một băng đảng “tư bản đỏ” sống và làm giàu nhờ đầu tư của nước ngoài, mang lại cho đất nước một bề mặt phát triển kinh tế giả tạo nhưng cơ thể đầy bệnh hoạn.

Nguyên nhân của tình trạng này thì nhiều, khách quan có, chủ quan có, nhưng phần chủ quan đóng một vai trò quan trọng. Trước các biến chuyển cơ bản xẩy ra trong thế giới cộng sản vào cuối thập niên 80s và đầu thập niên 90s của thế kỷ 20 (Đông âu dân chủ hóa, Liên bang Xô viết sụp đổ), những người đấu tranh dân chủ chúng ta đã không phóng tầm nhìn tới trước để đưa ra một chương trình đấu tranh hợp lý. Chúng ta vẫn đấu tranh theo lối cũ (khi thế giới cộng sản còn là một khối thống nhất chủ trương chinh phục thế giới bằng bạo lực quân sự) nương theo tình cảm của cộng đồng người Việt tại hải ngoại (đa số là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản) để hình thành các chương trình đấu tranh, và cứ thế dần dần bị đẩy ra bên lề của các biến chuyển của thế giới và của đất nước.

Cuộc đấu tranh chống độc tài nằm trong tay những người cộng sản vốn giỏi về phương pháp (duy trì độc tài) ắt không đơn giản và có thể thành công trong một sớm một chiều. Nhưng cuộc đấu tranh này chỉ có thể thành công nếu qua thời gian thế của những người đấu tranh cho dân chủ càng mạnh và thế của những người độc tài càng yếu. Nói cách khác là chúng ta phải tạo được một áp lực chính trị càng ngày càng thêm bức bách lên đảng cộng sản Việt Nam. Tình hình hiện nay ngược lại. Chúng ta không mạnh, chúng ta chưa có sách lược đấu tranh dài hạn để chuyển đổi chế độ, trong khi đảng cộng sản Việt Nam chưa có dấu hiệu gì suy sụp, nếu không muốn nói càng ngày càng được cộng đồng thế giới chấp nhận như một chính quyền có vai vế trên thế giới dù là một chế độ độc tài đảng trị có mọi mầm mống bất an .

Đã đến lúc chúng ta cần có một chương trình đấu tranh mũi nhọn xuyên phá vào thành trì của độc tài. Chương trình này phải thế nào để không lỗi thời bởi thời gian, có khả năng thuyết phục các lực lượng dân chủ trên thế giới, và nhất là làm cho những người cộng sản có lòng có thể chấp nhận.

Ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong buổi sinh hoạt cuối tháng 8/2007 với các giới chức trong Quân ủy trung ương tại Hà nội nói rằng: “bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát” (và sau đó ngày 18/9/2007 nói chuyện với binh chủng phòng không ông cũng nhắc lại ý đó). Ông Triết thuyết phục quân đội đừng nghe người ta “nói ngã nói nghiêng” mà chao đảo đòi bỏ điều 4 Hiến pháp. Sự quả quyết của ông Triết đã chỉ cho nhân dân đâu là phòng tuyến cuối cùng của đảng, và cho chúng ta thấy con đường đấu tranh trước mắt: đó là hãy làm một cuộc vận động toàn diện và triệt để đòi thay đổi thể chế chính trị mà bước đầu (bước đầu trong một quá trình) là hủy bỏ điều 4 trong bản Hiến pháp hiện hành để thiết lập một chế độ dân chủ đa nguyên.

Trong các bản Hiến pháp của các nước cộng sản còn lại trên thế giới (gồm Trung quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam) đều có một điều khoản minh định đảng cộng sản là đảng chính trị duy nhất có quyền lãnh đạo quốc gia. Tuy ngôn từ của điều khoản này trong mỗi bản Hiến pháp khác nhau, nhưng tựu chung đều có mục đích tạo một căn bản hợp hiến, hợp pháp cho đảng cộng sản “là đảng duy nhất cầm quyền”. Trong bản Hiến pháp của nước Việt Nam hiện nay (được tu chính năm 1992 từ bản Hiến pháp năm 1980) điều 4 viết: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ….

Nguyên văn điều 4 trong bản Hiến Pháp 1980 như sau: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, được vũ trang bằng học thuyết Mác-Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội, là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. …

Dựa vào điều 4 đảng cộng sản Việt Nam nắm quân đội, công an, kiểm soát sinh hoạt kinh tế và các mặt sinh hoạt tôn giáo và xã hội khác. Từ năm 1986 trước sự sụp đổ không tránh được của khối Liên bang Xô viết đảng cộng sản Việt Nam đã tìm cách “đổi mới” để sống còn nhưng không từ bỏ nguyên tắc một mình cai trị đất nước. Họ bám chặt vào điều 4. Điều 4 của bản Hiến pháp năm 1992 chỉ thêm mấy chữ “tư tưởng Hồ Chí Minh” cho có vẻ Việt Nam, và bỏ hai chữ “duy nhất” cho bớt sự sống sượng khi nói đến lãnh đạo nhưng nội dung minh định đảng cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền không có gì thay đổi .

Gần đây trước sự bức xúc của dư luận, nhất là dư luận nội bộ, đảng cộng sản Việt Nam nói tới sự “luật hóa” điều 4. Thực tế là nếu người cộng sản muốn dân chủ hóa đất nước thì đến một lúc nào đó chính họ phải hủy bỏ Điều 4 chứ không thể dân chủ hóa bằng luật hóa điều 4 Hiến pháp. Dù luật hóa cách nào cũng không che dấu được thực tế đảng cộng sản là trên hết và nếu cần đảng sẽ huy động bộ đội và công an để duy trì quyền tối thượng như ngôn từ của điều 4 Hiến pháp.

Theo dõi quá trình dân chủ hóa của khối Liên xô (gồm Liên bang Xô viết và các nước cộng sản Đông âu) trong thời gian từ 1988 cho đến năm 1992 chúng ta thấy tại quốc gia nào cũng có một phiên họp quốc hội hủy bỏ điều khoản cho phép đảng cộng sản nắm toàn quyền (như điều 4 của bản Hiến Pháp Việt Nam) trước khi bước qua ngưỡng cửa dân chủ.

Cho nên chương trình mũi nhọn phải là một sách lược đấu tranh nhằm áp lực đảng cộng sản Việt Nam bỏ điều 4 trong bản Hiến pháp để mọi người dân có quyền tham dự vào việc nước qua sự tham gia vào những tổ chức chính trị khác nhau và tự do lựa chọn người đại diện cho mình tại quốc hội.

Trong sách lược đòi bỏ điều 4 Hiến pháp có một yếu tố tâm lý cần vượt qua là cho rằng nếu chỉ đòi bỏ điều 4 Hiến pháp và vẫn giữ nguyên bản Hiến pháp 1992 mà không đòi dẹp toàn bộ đảng cộng sản đi là một cách gián tiếp giúp cho đảng cộng sản cầm quyền hợp pháp vì đảng cộng sản với tất cả ưu thế trong tay sẽ gian lận bầu cử để thắng.

Sự lo ngại này có căn bản. Có phần chắc đảng cộng sản sẽ gian lận bầu cử để thắng. Nhưng một khi bỏ điều 4, trong nước, ngoài đảng cộng sản còn có những đảng đối lập khác, cơ chế dân chủ được vận hành, tự do ngôn luận được thiết lập (dù lúc đầu còn non yếu, có thể bị đàn áp, nhưng chính danh) đảng cộng sản có thể gian lận bầu cử một lần nhưng không thể gian lận mãi mà không gặp phải phản ứng của quần chúng.

Tại Phi luật tân, năm 1986 Marcos gian lận bầu cử đã bị sức mạnh của quần chúng lật đổ đưa bà Aquino lên cầm quyền. Tại Nam Tư năm 2000 tổng thống Milosevic thua trong một cuộc bầu cử toàn quốc mà không chịu thua, định dùng vũ lực để ngồi lì, nên đã bị dân chúng biểu tình lật đổ và sau đó đã bị truy tố trước tòa án quốc tế La Haye.

Một biến cố chính trị như ở Phi Luật Tân năm 1986 và tại Nam Tư năm 2000 sẽ không thể xẩy ra tại Việt Nam ngày nào điều 4 của Hiến pháp vẫn còn vì dân chúng không có căn bản luật pháp để chống lại hành động độc tài của đảng. Nhưng khi điều 4 không còn, bầu cử tự do trở thành thực tế chính trị thì biến cố Phi Luật Tân lật Marcos hay Nam Tư lật Milosevic có thể xẩy ra nếu đảng cộng sản gian lận hoặc thua cuộc nhưng không chịu trao quyền cho đảng thắng cuộc.

Bỏ điều 4, ngoài việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng dân chủ còn là vũ khí chống quốc nạn tham nhũng. Trong tài liệu “Một Chiến Lược Dân Chủ Hóa Để Chống Tham Nhũng” phổ biến năm 2000, cựu tướng Trần Độ sinh thời đã viết: “Lập ra bộ máy nhà nước để quản lý xã hội thì bộ máy đó phải có quyền lực. Nhưng mà dân làm chủ thì phải có cơ chế cho dân giám sát và kiểm soát quyền lực đó”… Thế mà ngược lại Hiến pháp lại ghi ở Điều 4 : ‘Đảng cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thế thì chỉ có Đảng là trên cả nhà nước, trên cả nhân dân, và đó là nguyên lý phản dân chủ lớn nhất

Và ông kết luận rằng một khi đã nắm hết quyền không ai kiểm soát mình thì sinh ra tham nhũng, cho nên muốn chống tham nhũng thì phải hủy bỏ điều 4 Hiến pháp.

Do áp lực nội bộ, nên trước đại hội 9 (triệu tập tháng 4/2001), đảng cộng sản đã cho tổ chức những buổi tọa đàm tại Hà Nội nói là để “Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển” có sự tham gia của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương và một số nhà lý luận cũng thuộc nội bộ đảng như ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Và một lần nữa họ đã công khai nhìn nhận rằng muốn giải quyết bế tắc của đất nước không có một con đường nào khác hơn là cất bỏ điều 4 Hiến pháp. Trong một thư gởi tân tổng bí thư Nông Đức Mạnh ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân viết:

[Điều 4] không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của Đảng ta. Chẳng qua là sao chép từ Điều 6 của Hiến pháp Liên Xô từ năm 1980, nghĩa là 11 năm sau khi Bác Hồ qua đời. Điều 4 đã đặt đảng cộng sản Việt Nam vào vị thế siêu quyền lực, siêu pháp luật, không chịu bất cứ sự giám sát nào kể cả cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc hội. Nói khác đi, Đảng không chịu sự kiểm soát của Nhân Dân mà đang ngồi trên đầu trên cổ Nhân Dân (các viện sĩ Liên bang Nga nói Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì đã xa rời nhân dân là không đúng, nó đổ vì đã dính quá chặt vào đầu vào cổ Nhân Dân nên khi Nhân Dân không chịu nổi nữa thì hất nó ra khỏi đầu khỏi cổ mình, thế thôi). Chính Điều 6 ở Hiến pháp Liên Xô và Điều 4 ở Hiến pháp Việt Nam đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể lộng hành, lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do Điều 4 này.

Nhiều đảng viên (trong đó có cả những đảng viên chân chính và thông minh) cứ lo bỏ Điều 4 sẽ mất vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ nhầm… Bỏ Điều 4 thì mất bọn cửa quyền tham nhũng chứ không thể mất Đảng. Tóm lại : bỏ thì còn, để thì mất. Liên Xô và Đông Âu đã là cái gương tày liếp, tùy Đảng và Nhân Dân lựa chọn.” (Đối Thoại 2001 Tập 1,2,3,4 và 5 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân)

Cuộc vận động bỏ điều 4 phải được tiến hành trong tinh thần nào? Cuộc “vận động bỏ điều 4” cần được đặt trên một căn bản chính trị công bình trong tinh thần đấu tranh cho dân chủ bằng đối thoại vì quyền lợi lâu dài của dân tộc chứ không phải là một cuộc đấu tranh để tiêu diệt ai. Các đảng phái chính trị bất kể khuynh hướng nào đều có quyền tồn tại trên đất nước Việt Nam. Tồn tại thế nào, mạnh yếu ra sao do dân chúng quyết định qua bầu cử tự do sau khi điều 4 được cất bỏ khỏi bản Hiến pháp. Trong tinh thần đó đảng cộng sản Việt Nam cần hiểu rằng nếu họ lấy sáng kiến cất bỏ điều 4 Hiến pháp qua quốc hội họ đang nắm trong tay, tạo điều kiện hợp pháp cho các đảng phái chính trị khác xuất hiện thì đảng cộng sản Việt Nam là một đảng chính trị được công nhận và có ưu thế về mặt chính quyền trong giai đoạn chuyển tiếp.

Lực lượng đấu tranh cho dân chủ cần quan niệm vững chắc rằng cuộc vận động này đòi hỏi thời gian và công sức, nhưng nếu kiên trì nhất định thành công. Một thực tế khác chúng ta cần nhận định là một khi điều 4 được hủy bỏ chưa hẳn đã có sự thay đổi trong một sớm một chiều (đảng cộng sản vẫn còn đó với bộ máy chính quyền còn được điều động bởi đa số là đảng viên). Nhưng tiến trình thay đổi bắt đầu. Không còn điều 4, trên mặt luật pháp đảng cộng sản không còn là đảng đương nhiên lãnh đạo. Các đảng phái chính trị có quyền xuất hiện hoạt động công khai và tham gia vào các cuộc bầu cử từ địa phương đến trung ương. Ai lãnh đạo sẽ tùy vào kết quả của các cuộc bầu cử.

Điểm sau cùng là cuộc vận động này không phải là một sự xin xỏ đảng cộng sản hủy bỏ điều 4. Chúng ta áp lực đảng cộng sản bỏ điều 4. Chúng ta nói với người cộng sản rằng, “nếu đảng các anh muốn có chính danh, các anh phải tự bỏ điều 4, để cho các thành phần đối lập với các anh cùng đóng góp ý kiến trong việc xây dựng quốc gia và tạo điều kiện cho dân chọn người lãnh đạo qua bầu cử tự do. Qui luật của lịch sử là bằng cách nầy hay cách khác điều 4 cũng sẽ được hủy bỏ, và một sự hủy bỏ không bằng phương pháp hòa bình không phải là điều có lợi cho đảng cộng sản và cũng không có lợi cho sự ổn định quốc gia.

Kinh nghiệm của các quốc gia Đông Âu và Liên xô cho thấy sau khi tu chính các đảng cộng sản liên hệ vẫn còn cầm quyền như đảng đa số nhưng các đảng phái chính trị khác có căn bản luật pháp tham gia sinh hoạt chính trị quốc gia, và sau cùng dân chủ đã đến một cách hòa bình. Tiến trình dân chủ hóa nhanh hay chậm, êm thắm hay hỗn loạn tùy thuộc vào các yếu tố khác như dân trí, khả năng của người lãnh đạo, ảnh hưởng của các khối tôn giáo và dân tộc tính của từng quốc gia. Nhanh như Ba Lan, Tiệp Khắc, vừa phải như Hung Gia Lợi và chậm như Bảo Gia Lợi, Liên bang Xô viết, nhưng cuối cùng dân chủ đã đến.

Dân chủ cũng sẽ đến với nhân dân Việt Nam. Nếu người cộng sản Việt Nam qua quyền lực đang nắm trong tay thực hiện điều đó thì thay vì tự sát họ đã tái sinh và còn giữ được một chỗ đứng trong lòng dân tộc./.

Trần Bình Nam
Sept. 25, 2007
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn