Thông tin lề đường không làm nhiệm vụ ngôn sứ, cũng không cao ngạo tự cho mình là tiếng nói của “Chúa Thánh Thần (cách nói của ĐC Bùi Tuần) soi sáng các đấng bậc trong GHCGVN. Nó chỉ đóng vai người bộ hành nhặt rác (không giành cái quyền hốt rác của đồng chí Phan Khắc Từ đâu nhé!) khi đi trên lề đường. Nó nói lên những gì Thông tin dòng chính chưa nói hết, vì chỉ một nửa sự thật thì chưa phải là sự thật! Nó cũng cố gắng nói rõ ra hơn những gì thông tin dòng chính còn ngập ngừng, e ngại đụng đến hay “quên” không đề cập đến. Như hình ảnh giáo dân Hà Nội căng đầy biểu ngữ tôn vinh Đức TGM Ngô Quang Kiệt vào dịp Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn nhận chức TGM Hà Nội thay thế Đức Cha Kiệt, hình ảnh những chiếc áo in những lời cầu nguyện cho Công lý, cầu nguyện cho nạn nhân bị CSVN đàn áp vì tôn giáo, những hình ảnh ấy hoàn toàn vắng bóng trên truyền thông dòng chính.
Những nhập nhằng chữ và nghĩa giữa Hiệp thông với thỏa hiệp, giữa Đồng hành với đồng lõa đã được phân tích tường tận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin phép chỉ phác vẽ cái bóng đối tác ẩn hiện trên chiếc cầu đối thoại mà thôi.
Từ ngữ “đối tác” là một từ mới đến nỗi nó chưa được có mặt trong cuốn Đại từ điển Tiếng Việt năm 1998 của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam thuộc Bộ Giáo Dục & Đào tạo CSVN, cho đến khi cuốn Từ điển Phổ thông thuộc Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam được xuất bản năm 2007 thì mới thấy ghi “đối tác là người, phía đối tượng họp tác (trong công việc)”. Ngoài ra, còn một định nghĩa khác cũng khá phổ biến: “Đối tác là một pháp nhân, hoặc một cá thể bàn bạc chuyện làm ăn với ta.” Người đưa ra định nghĩa trên minh giải thêm: “Cụ thể là khi bạn bàn bạc để ký hợp đồng với một đơn vị nào đó, đơn vị đó là đối tác làm ăn của bạn và ngược lại.”
Như vậy, đối tác có nghĩa là hai bên trao đổi nhau (đối thoại) việc làm ăn. Làm ăn với nhau tất phải dựa trên “nguyên tắc hai bên cùng có lợi.” Người CSVN thích lặp đi lặp lại và nhấn mạnh nguyên tắc này chẳng những trong việc làm ăn kinh tế mà còn cả trong mọi quan hệ khác.
Hai bên cùng có lợi, nhưng lợi ngang nhau hay chênh nhau là vấn đề khác. “Tôi có thế, có quyền, thì cái lợi về phía tôi phải trội hơn!” Chẳng hạn, khi quan hệ với “đối tác” Trung cộng, nhà cầm quyền CSVN luôn chấp nhận thua thiệt đối với nước Cộng sản mà gọi là “nước an hem, răng liền răng, môi liền môi,” nên sẵn sàng nhượng đất, dâng đảo cho bên “đối tác đàn anh” để đổi lấy sự yên vị trên chiếc ghế độc quyền, độc đảng!
Còn với “đối tác’ tôn giáo trong nước, điển hình là Công giáo, người CSVN dùng ngón đũa thần khác: Ban tặng và bảo vệ ghế ngồi cho “các cụ” trong GHCGVN miễn sao các Cụ im hơi lặng tiếng, đồng tình, đồng thuận, đồng lõa để chúng hoành hành sách nhiễu dân Công giáo là được. Do đó mới nẩy sinh những hành vi bạo ngược, phạm thánh, như đập phá Thánh Giá Chúa, đập phá ảnh tượng Đức Mẹ, bên cạnh đó là các hành động thô bạo cướp đất, cướp nhà, vu khống, đánh đập, bắt bớ, tù đày và giết chết dân lành!
Lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 tại La Vang ngày 05/01/2011 cho thấy hình ảnh rõ nét hơn về mối tương quan lợi lộc giữa hai bên đối tác: HĐGMVN hay GHCGVN với đảng CSVN và nhà nước xhcn Việt Nam.
Nông Đức Mạnh, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Thiện Nhân, hoặc bất cứ ông bà CS nào khác tới La Vang hôm 05/01/2011 thì cũng tới với tư cách đại diện đảng, nhà nước và chính phủ cộng sản vô thần. Chỉ tội nghiệp cho HĐGMVN thay vì được “vinh dự” chào đón chính ngài chủ tịch nước (Nguyễn Minh Triết) thì lại phải khom lưng cúi đầu trước người cấp dưới của ông này, thấp hơn ít là 3 bậc theo hàng dọc hành chánh (Chủ tịch nước, Phó CT nuớc, Thủ tướng rồi mới tới Phó Nhân). Như vậy, tiếng nói của Nguyễn Thiện Nhân ở La Vang là tiếng nói của tập đoàn đảng trị CSVN vô thần, chứ không phải là tiếng nói riêng cá nhân Nguyễn Thiện Nhân.
Nguyễn Thiện Nhân nói gì?
Nếu không nhờ mấy cái luồng thông tin lề đường, đố người giáo hữu CGVN biết ông ấy nói gì ở La Vang vào ngày đại lễ của CG, bởi vì thông tin dòng chính chỉ tóm gọn một câu ngắn trên trang tin TGP Huế rằng “Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chúc mừng Đại Hội thành công, chúc sức khỏe và bình an…” cho Cộng đồng Dân Chúa VN.
Thật ra, ông Nhân đã đọc một bài diễn văn tuy không dài lắm, nhưng nói lên nhiều ý, nổi bật là cái ý tưởng kể công với Công giáo: “Tôi rất vui khi được biết vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đã giao cho giáo xứ La Vang gần 15 héc-ta đất để mở rộng khuôn viên, phục vụ giáo dân về hành hương. Việc này sẽ tạo điều kiện cho Tổng Giáo phận Huế tổ chức lễ hội hành hương hàng năm được thoải mái hơn.”
Ân huệ “giao cho 15 héc-ta đất” không phải là thứ “ân huệ ban cho nhưng không.” Ân huệ ấy phải được đáp trả theo đúng “nguyên tắc hai bên cùng có lợi.”
Chúng ta không quên ngày 17/12/2010, Hạ viện Hoa Kỳ bỏ phiếu thông qua Nghị quyết H.R.20, yêu cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia “Cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo (CPI). Việc làm của Hạ viện Mỹ đã khiến cho Đảng và nhà nước CSVN lồng lộn lên. Báo Nhân Dân – Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam có bài phản ứng quyết liệt điên cuồng (Nhân Dân ngày 19/12/2010).
Phản ứng ấy chẳng những làm trò cười cho thiên hạ mà còn cho thế giới thấy rõ hơn bộ mặt gian manh bố láo của CSVN. Thế nên việc HĐGMVN “tạo điều kiện” cho tiếng nói của Đảng CSVN và Nhà nước xhcn Việt Nam vang lên giữa lòng Đại Hội “hoành tráng” tại La Vang trước sự hiện diện của vị Đặc sứ Tòa Thánh là một việc đền ơn trả nghĩa phải chăng nhất cho cái “ân huệ 15 héc-ta đất” La Vang kia, mà thực sự Giáo Hội VN đã có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hơn 23 héc-ta từ lâu lắm rồi chứ không phải chỉ 15 héc-ta “được giao” kia đâu.
Diễn đàn La Vang trở thành cơ hội ngàn vàng giúp Đảng CSVN và Nhà nước xhcn Việt Nam rửa mặt trước quốc tế, lên gân trước thế giới và răn đe con dân trong nước.
Ta hãy nghe Nguyễn Thiện Nhân dõng dạc tuyên bố trên diễn đàn ấy ngày 05/01/2011: “Việc tổ chức thành công lễ Bế mạc Năm thánh 2010 tại giáo xứ La Vang có ý nghĩa lớn, khẳng định sự lớn mạnh của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam, chứng tỏ cho thế giới thấy sự hòa hợp, sự đồng hành cùng Dân tộc của Công giáo tại Việt Nam.”
Một vạn bài báo trên tờ Nhân Dân, một ngàn lần tuyển bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao CSVN chẳng nghĩa lý gì so với lời tuyên bố trên đây trước mặt vị Đại diện thẩm quyền của Giáo Hội Hoàn vũ, trước mặt hầu như toàn thể Giám mục đương quyền tại Việt Nam cùng nhiều Giám mục từ các nước, trước mặt không ít nhà báo từ năm châu, trước mặt vô số du khách người ngoại quốc với hàng ngàn Việt kiều về nước tham dự hành hương cùng hàng nửa triệu giáo dân trong nước đang hội tụ về La Vang. “Lễ hội” “hoành tráng” thế đó, tự do tôn giáo thể hiện rõ ràng thế đó, ai dám bảo Việt Nam không có tự do tôn giáo? Ai dám bảo Đảng và nhà nước CSVN đàn áp tôn giáo?
Lời tuyên bố trên và lời tuyên truyền tiếp sau đó của ông Nhân rằng “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân và khẳng định đó là một chính sách nhất quán nhằm đáp ứng quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của các tín đồ các tôn giáo khác nhau” hóa giải và phủ nhận sạch trơn mọi hành động đàn áp thô bạo của CSVN đối với Phật Giáo, Phật Giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành và Công Giáo!
Những lời tuyên truyền giữa Đại Lễ Công giáo ở La Vang còn có sức nặng ngàn cân vô hiệu hóa hay triệt tiêu hoàn toàn Nghị quyết H.R. 20 của Hạ viện Hoa Kỳ. Và như vậy chắc chắn sẽ không thể xảy ra chuyện đưa Việt Nam trở lại danh sách những quốc gia “Cần quan tâm đặc biệt” vì vi phạm tự do tôn giáo (CPI). Vị thế và “uy tín” của CSVN trên trường quốc tế và đối với Hoa Kỳ về “tự do tôn giáo” bây giờ vững như bàn thạch!
Nhân đây xin nói rõ từ ngữ “lễ hội” để chỉ Đại hội hành hương La Vang được phát ra ít nhất là 2 lần từ cửa miệng ông Nguyễn Thiện Nhân, cho nên xin đừng ai trách Cha Nguyễn Ngọc Tĩnh OFM dùng từ không chính xác, có ý bôi bác[1] khi ngài viết “Việt Nam: tôn giáo lễ hội.”
Ngoài ra, diễn đàn La Vang cũng tạo cho Đảng và nhà nước CSVN cơ hội phô trương và khuếch đại thành tích của họ trên hàng loạt mặt trận khác như: “những đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 11, Kỷ niệm 1000 Năm Thăng Long, Hà Nội. Năm 2010, Việt Nam đã hoàn tốt trách nhiệm chủ tịch các nước Đông Nam Á, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế, quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…, đã duy trì được tăng trưởng khá về kinh tế, chính sách xã hội được đảm bảo, quốc phòng an ninh tiếp tục được giữ vững, đồng thuận trong xã hội và đời sống nhân dân được đảm bảo.”
Chẳng những quảng cáo cho chế độ, Nguyễn Thiện Nhân từ diễn đàn La Vang còn lớn tiếng lên lớp dạy dỗ xách mé cho GHCGVN về “trách nhiệm của người Công giáo đối với Đất nước và Giáo hội” sau khi ngạo mạng diễn giảng chủ quan với ngụ ý xuyên tạc ý nghĩa giáo huấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô cũng như nội dung Thư Chung HĐGMVN năm 1980.
GHCGVN đạt được gì với lễ Bế Mạc Năm Thánh 2010 diễn ra tại La Vang nếu không phải đơn thuần là một “lễ hội”, trong khi phía “đối tác” của HĐGMVN là CSVN thì lại đạt được thành quả vô cùng béo bở?
Có lẽ chỉ những ai hiểu sinh hoạt tôn giáo là “lễ hội” mới cho rằng Việt Nam có tự do tôn giáo!
Từ La Vang, phía đối tác của HĐGMVN đã gỡ lại hiệp thua đối với Mỹ, và làm cho thế giới lầm tưởng họ thật sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo. Nhưng ai cũng biết, ngay khi Nguyễn Thiện Nhân huênh hoang trên Diễn Đàn La Vang thì giáo dân Thái Nguyên hết sức khốn đốn vì bị đàn áp, giáo dân Cồn Dầu bị ngược đãi, áp bức đến tận mạt và ít nhất 6 nạn nhân sắp ra tòa lãnh án, một số giáo dân khác đang điêu đứng vì trốn chui trốn nhủi trên đất Thái Lan, số người còn lại sống chết với Cồn Dầu thì lại đang thật sự dở sống dở chết trong nỗi khiếp sợ triền miên. Rồi còn tình trạng một số Giám mục, linh mục tiếp tục bị bịt miệng cách này hay cách khác như ĐứcTổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, Cha Nguyễn Văn Lý, Đại lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ, mục sư Hồng Quang cùng nhiều chức sắc và tín đồ tôn giáo khác thì sao? Không phải là đàn áp tôn giáo à?
Nhắc lại vụ Cồn Dầu, CSVN một mực cho rằng “biến cố xảy ra ở nghĩa trang Cồn Dầu không liên quan tới tôn giáo!” Lập luận ấy có vẻ hồ đồ đó! Cái mà dân gian gọi là “nghĩa địa” (hay nghĩa trang), thì người Công giáo gọi là “đất thánh”, còn “bãi tha ma” thì gọi là “gò mả thánh!” Đất thánh, mả thánh không phải là của tôn giáo sao?
Đại lễ Bế mạc Năm Thánh 2010 là một Đại lễ phụng tự. Mọi sinh hoạt, nói năng ở nơi linh thiêng thiêng này đều phải có tính cách THÁNH THIÊNG, phải mang tính chất thuần túy tôn giáo. Dứt khoát đây không phải là “lễ hội” phần đời để kẻ vô thần tuyên truyền khoác lác! Lợi dụng nơi thánh thiêng và dịp đại lễ phụng tự cao trọng ấy để tuyên truyền chính trị chẳng phải là một hành động phạm thượng tráo trở bất lương sao?
Giáo Hội không làm chính trị? Vậy thì việc dọn bục giảng (thuyết) giữa Trung tâm Đức Mẹ, tạo cho thứ chính trị bịp bợm “có đất dụng võ” nói năng quàng xiên có phải là một việc làm đúng đắn không? Hiệp thông, Đồng hành là vậy sao? Nếu như vậy thì có còn nữa hay không ý nghĩa thiêng liêng cao quý của Đại lễ Bế mạc Năm Thánh?
Chúng ta sẽ thấy gì nếu thử so sánh sự kiện đồng thuận thao túng CS quảng bá tuyên truyền chính trị nơi thánh với hành động ruồng bắt vũ phu nhắm vào những giáo dân chỉ mặc những chiếc áo có kẻ mấy chữ cầu nguyện cho công lý hoặc cầu nguyện cho những nạn nhân của sự ngược đãi tôn giáo?
Lê Thiên
Theo Nữ Vương Công Lý
[1] Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh, OFM: Bài viết “Trung quốc: Giáo Hội tự trị – Việt Nam: Tôn giáo lễ hội.”
Gửi ý kiến của bạn