BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73236)
(Xem: 62214)
(Xem: 39393)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đỗ Nam Hải: Nhà đấu tranh dân chủ với nhiều ẩn số

02 Tháng Sáu 200712:00 SA(Xem: 828)
Đỗ Nam Hải: Nhà đấu tranh dân chủ với nhiều ẩn số
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Chuyến công du Hoa kỳ sắp tới của ông chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đang tạo ra nhiều kèn cựa giữa Hoa Kỳ, Trung quốc và Việt Nam. Mãi cho đến sáng ngày 1 tháng 6, 2007, nghĩa là chỉ còn 3 tuần nữa theo lịch trình ông Triết sẽ tới Hoa Kỳ, khi đoàn tiền trạm của Hà Nội do ông Lê Văn Bàng nguyên đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn hướng dẫn sắp sửa lên đường sang Hoa Kỳ chuẩn bị các chi tiết cho chuyến đi, đài Tiếng nói Tự do Á châu (Radio Free Asia –RFA) qua câu chuyện bên lề cuộc gặp gỡ giữ tổng thống Bush với 4 nhà đấu tranh cho dân chủ cho Việt Nam Đỗ Thành Công, Đỗ Hoàng Điềm, Lê Minh Nguyên và bác sĩ Nguyễn Quốc Quân ngày 29/5/07 phóng viên Nguyễn Khanh với hai phóng viên Mặc Lâm và Thanh Trúc của đài còn đưa ra những nghi vấn không biết chuyến đi của ông Triết sẽ được thực hiện như dự trù không.

Theo nhận xét chung thì mặc dù nhiều sóng gió và còn nhiều ẩn số, ông Triết sẽ thực hiện chuyến công du. Nhưng một ẩn số khác cũng đáng quan tâm là việc ông Eliot Abrams, phụ tá tổng thống kiêm phụ tá cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ đã chính thức viết thư gởi ông Đỗ Nam Hải như là một người đại diện cho những người đấu tranh cho dân chủ đang sống tại Việt Nam để mời ông Hải cùng tham gia (qua điện thoại) cuộc thảo luận giữa tổng thống Bush với các nhà đấu tranh nói trên về vấn đề: “làm thế nào để Hoa Kỳ giúp đỡ cho cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam ?”.

Ông Đỗ Nam Hải, 48 tuổi là một nhà đấu tranh dân chủ. Khi còn học ở Úc châu cũng như sau khi trở về Việt Nam ông đã viết nhiều bài viết đặt vấn đề dân chủ hóa Việt Nam ký tên Phương Nam. Loạt bài viết này có nội dung xuất sắc trong đó điểm ông làm nổi bật lên là yêu cầu đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý hỏi toàn dân: “Việt Nam nên hay không nên theo thể chế đa đảng ?

Về Sài gòn ông làm việc cho một ngân hàng và danh tánh ông bị tiết lộ. Ông tên thật là Đỗ Nam Hải, và sau đó ông tích cực tham gia cuộc đấu tranh cho dân chủ bất chấp mọi đe dọa của chính quyền Hà Nội. Ông trở thành một khuôn mặt trí thức trẻ được những nhà đấu tranh trong nước và hải ngoại ca ngợi. Ông Đỗ Nam Hải đã cùng với linh mục Nguyễn Văn Lý là hai nhân vật chủ chốt thành lập khối 8406 (một khối gồm những người đấu tranh cho dân chủ trong và ngoài nước thành lập ngày 8 tháng 4 năm 2006).

Nhưng ngày 16/3/2007 vừa qua, do áp lực của gia đình ông ký giấy xác nhận những hoạt động của ông trước đây là sai trái và cam kết từ bỏ cuộc đấu tranh vì dân chủ. Tuy nhiên sau đó ông lại lấp lửng nói ông vẫn ở trong khối 8406, và mới đây ngày 23/5/2007 ông Đỗ Nam Hải đại diện lâm thời khối 8406 (cùng với ông Trần Anh Kim (1) và linh mục Phan Văn Lợi) ký bản Kêu gọi (còn gọi là Kháng thư số 15) đòi đảng cộng sản Việt Nam tổ chức trưng cầu dân ý để hỏi dân nhiều điều, chính yếu là hỏi nhân dân Việt Nam chọn độc đảng hay đa đảng.

Một số nhân vật đấu tranh dân chủ trong nước chắc cũng có quan tâm đến những hiện tượng bất thường này nhưng không lên tiếng vì ngại tạo chia rẽ. Nhưng điều đáng quan tâm là các đoàn thể đấu tranh tại hải ngoại cũng không hề thắc mắc về vai trò của ông Đỗ Nam Hải.

Nhưng điều đáng suy nghĩ là khi chọn một nhân vật đấu tranh trong nưóc để tổng thống Bush hỏi ý kiến “về tiến trình cải tổ dân chủ cho Việt Nam” văn phòng cố vấn an ninh quốc gia cho tổng thống lại chọn ông Đỗ Nam Hải. Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội biết rõ thành tích của những nhà tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam, và nếu chọn một người xứng đáng để tổng thống Hoa Kỳ hỏi chuyện thì có lẽ phải nghĩ đến bác sĩ Nguyễn Đan Quế, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, các ông Hà Sĩ Phu, Nguyễn Thanh Giang hay một số nhà đấu tranh dân chủ can trường khác. Sao lại chọn ông Đỗ Nam Hải, một người đã lùi bước dễ dàng trước áp lực vì chữ hiếu, ký giấy nhận sai lầm, rút lui khỏi vị trí lãnh đạo và chấm dứt vai trò đấu tranh cho dân chủ của mình, rồi sau đó tuyên bố chính quyền Việt Nam không giữ lời hứa nên ông trở lại con đường đấu tranh cũng như tiếp tục giữ vai trò của một trong những người lãnh đạo Khối 8406.

Một số người giải thích rằng, có thể để giữ phép tắc ngoại giao tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã hỏi ý chính phủ Việt Nam và Việt Nam đã đề nghị ông Đỗ Nam Hải. Hà Nội không đề nghị một người đấu tranh kiên cường là một cách coi thường tổng thống Hoa Kỳ, nhưng chính yếu là hạ giá trị của những nhà đấu tranh can trường khác. Lạ nữa là ông Eliot Abrams thay mặt ông cố vấn an ninh quốc gia, không thấy những ẩn ý của Hà Nội đã ký thư mời ông Đỗ Nam Hải tham gia cuộc nói chuyện. Đúng ra ông Abrams phải có đủ thông tin về lý lịch những người đấu tranh cho dân chủ để không ký giấy mời một nhân vật như vậy do Hà Nội đề nghị. Còn nếu do bộ ngoại giao Hoa Kỳ chọn (qua tòa đại sứ tại Hà Nội) thì tình báo Hoa Kỳ ở đâu để làm một sự chọn lựa như vậy? Chỉ cần một chút suy nghĩ ai cũng thấy người thích hợp để nói chuyện với tổng thống Hoa Kỳ là bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một người kiên quyết bám trụ vào dân vào đất, không chịu làm người đấu tranh lưu vong, và đã bị nhà cầm quyền Hà Nội cầm tù trong hàng chục năm.

Ở đây tôi không đặt vấn đề ông Đỗ Nam Hải do tình báo Việt Nam cài vào phong trào đấu tranh cho dân chủ. Và nếu ai đó có đặt ra thì cũng không có gì ngạc nhiên. Trong đấu tranh chính trị, đặt chốt tình báo, cài người vào tổ chức địch là chuyện bình thường. Trong cuộc chiến thôn tính miền Nam cộng sản Hà Nội đã thành công cài những tay tình báo chiến lược như Phạm Ngọc Thảo (trong giới quân sự), Nguyễn Văn Ngọc (trong giới giáo dục), Phạm Xuân Ẩn (trong giới báo chí), Vũ Ngọc Nhạ (trong giới hành chánh)… Riêng đảng cộng sản thì rất cảnh giác trong việc đề phòng đối phương xâm nhập. Đảng viên nào mất liên lạc với tổ chức quá 3 tháng (dù mất liên lạc vì bị địch bắt) cũng đều bị đặt vào diện nghi ngờ và sẽ không được giao công tác nào quan trọng cho đến khi cuộc điều tra nội bộ kết thúc và đảng biết rõ tất cả những gì đảng viên đó đã làm trong thời gian mất liên lạc. Kỹ lưỡng như vậy mà trong thời gian chống Pháp tình báo Pháp còn cài được người vào trong tổ chức của đảng.

Đấu tranh có những quy luật bất thành văn. Tham gia vào một cuộc đấu tranh là chấp nhận hy sinh kể cả tính mạng và kiên trì trong mục tiêu trước mọi áp lực. Nếu đã nhượng bộ vì áp lực thì người đấu tranh đã đánh mất tiết khí. Mất tiết khí thì không thể tiếp tục cuộc đấu tranh nhất là ở vai trò lãnh đạo. Đấu tranh không phải là một trò nhảy dây trên sân trường.

Không ai có thể xua đuổi một người đấu tranh đã nao núng trước áp lực của địch (vì ai cũng chỉ là người với những yếu đuối của con người) nhất là thứ áp lực hèn hạ (như ông Đỗ Nam Hải dưới áp lực của gia đình do sức ép của bộ máy an ninh cộng sản đã phải ký giấy tự thú mình sai lầm và hứa ngưng cuộc đấu tranh cho dân chủ đã bực tức bật ra lời: “các anh hèn quá”), nhưng chính đương sự phải hiểu hậu quả của việc mình làm để rút ra khỏi cuộc đấu tranh để đừng làm nản lòng những người còn giữ tiết khí như nhà báo Nguyền Vũ Bình hay cô luật sư trẻ tuổi Lê Thị Công Nhân để chỉ kể vài nhân vật tượng trưng.

Khối 8406 là một khối chính trị được sự quan tâm của thế giới và những người trách nhiệm khối cần quan tâm đến vấn đề lãnh đạo. Hai nhân vật chủ chốt thì linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị cầm tù, ông Đỗ Nam Hải thì đã công khai đánh mất tiết khí không còn tư cách gì giữ vai trò lãnh đạo nữa.

Riêng cá nhân ông Đỗ Nam Hải, dù ông đau khổ thế nào và còn tha thiết với tiền đồ đất nước đến đâu ông cũng nên hiểu rằng vai trò lãnh đạo đấu tranh của ông đã chấm dứt. Ông nên để thì giờ lo cho gia đình, và giúp đỡ các chiến sĩ dân chủ khác. Sự hiện diện của ông chỉ làm cho cuộc đấu tranh sinh tử này trở nên khó khăn hơn và đảng cộng sản Việt Nam sẽ không bỏ lỡ cơ hội để khai thác, và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của những người đấu tranh dân chủ kiên cường. Hành động rút lui của ông là một hành động cần có của một người có trách nhiệm, và đó là cách biểu hiện tinh thần yêu nước, tình thương của ông đối với những người đồng hành.

Trong Thư Ngỏ gởi nhà cầm quyền Hà Nội ngày 10 tháng 12 năm 2004 ông Đỗ Nam Hải viết: “Tự do không thể van xin mà được. Tự do phải giành lấy mới có!”. Đó là chân lý. Hoặc ‘van xin”, hoặc “giành lấy”. Không thể vừa van xin vừa giành lấy.

Dù sao chung quanh ông Đỗ Nam Hải vẫn còn nhiều ẩn số mà có thể chỉ có Hoa Kỳ, Hà Nội và ông Đỗ Nam Hải biết mà thôi.

Trần Bình Nam
June 2, 2007
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com

(1) Một cựu đảng viên, trung tá quân đội, đã tham gia phong trào đấu tranh Thái Bình, tham gia khối 8406, nhưng sau vì áp lực hay vì vấn đề cá nhân nên nhiệt tình lúc đầu có phần suy giảm, nay lại xuất hiện như một trong những người lãnh đạo Khối 8406.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn