BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngã ba đường

19 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 826)
Đảng Cộng sản Việt Nam trước ngã ba đường
58Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
58
Đang khi lửa tắt cơm sôi,
Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem

(Ca dao Việt Nam)

 Câu ca dao Việt Nam miêu tả chính xác sự lúng túng của đảng Cộng sản Việt Nam khi đang họp Hội nghị Trung ương đảng kỳ 4, khóa 10 tại Hà Nội trong tháng Giêng này.

Chỉ một việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhân công du Âu châu sẽ đến Vatican gặp đức Giáo hoàng Benedict XVI cũng trật lên trật xuống. Vào khoảng ngày 10/1 Hà Nội thông báo thủ tướng Dũng sẽ gặp đức Giáo hoàng vào ngày 25/1. Ngày 16/1 hãng thông tấn AFP chuyển tin nói rằng thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không sắp xếp được chương trình gặp đức Giáo hoàng. Nhưng hai ngày sau đài Á châu Tự do loan tin Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận sẽ có cuộc gặp gỡ như đã định, và bản tin của Bộ Ngoại giao Việt Nam được phát ngôn nhân của Vatican xác nhận với đài Á châu Tự do là đúng.

Thái độ thụt tới thụt lui của Hà Nội cho ta thấy cô gái đẹp Hà Nội bị hai chàng trai Trung Quốc và Hoa Kỳ tán tỉnh nên nghiêng bên này cũng tiếc, ngả bên kia cũng phiền.

Từ tháng 11/2006 sau khi tổ chức tốt đẹp hội nghị APEC của các nước ven Thái Bình Dương, và ngày 28/12/2006 chính thức trở thành hội viên của Tổ chức Mậu dịch Thế giới (Trade World Organization – WTO) và được Hoa Kỳ rút tên ra khỏi các quốc gia cần quan tâm vì vi phạm quyền tự do tín ngưỡng (Country of Particular Concern - CPC) có nghĩa là đối với Hoa Kỳ Việt Nam không còn là nước đàn áp tôn giáo nữa, nhà cầm quyền Việt Nam cảm thấy cần phải làm một cái gì về phương diện chính trị để xứng đáng với sự quan tâm đặc biệt của thế giới, nhất là của Hoa Kỳ. Đến cái Hội Phát triển Mậu dịch Hoa Kỳ (The United States Trade and Development Agency – USTDA) chẳng có tiếng tăm và uy tín gì lên tiếng chọn Việt Nam là “nước của năm 2006” (2006 Country of the Year) nhân việc Việt Nam vào WTO cũng làm cho Việt Nam sướng rơn cả người.

Những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam biết thế giới đang quan tâm nên đảng đã ra một loạt quyết định mà người khó tính mấy cũng nghĩ là Hà Nội đang có chương trình cải tổ chính trị và tìm cách hoà giải với nhân dân trong và ngoài nước để thích ứng với vị trí mới.

Hãy kể vài việc. Trước hết là quyết định dân sự hóa nghĩa trang Biên Hoà. Nghĩa trang Biên Hoà là nơi chôn cất những chiến sĩ quân đội Việt Nam Cộng hoà đã chết trong cuộc chiến Nam Bắc, phần lớn là trong thời gian 1964-1975. Sau khi chiếm miền Nam đảng Cộng sản Việt Nam quân sự hóa nghĩa trang và lấy cớ khu quân sự không cho thân nhân thăm viếng, sửa sang tu bổ các nấm mồ của các chiến sĩ Việt Nam Cộng hoà đang yên nghỉ tại đó. Quyết định dân sự hóa cuối cùng sẽ làm mất dấu vết của một cuộc chiến huynh đệ tương tàn và trong nhất thời thân nhân có thể được dễ dàng thăm viếng và tu bổ mồ mả của thân nhân mình. Ít nhất đây cũng là một thái độ hoà giải (?).

Thứ đến là cuộc thăm viếng chính thức đức Giáo hoàng Benedict XVI của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tuy thụt tới thụt lui, nhưng có lẽ sự có mặt của hơn 200 Uỷ viên Trung ương đảng tại Hà Nội đã có một thứ áp lực nào đó lên Bộ Chính trị nên cuối cùng sẽ có cuộc thăm viếng. Quan hệ với Vatican dù muốn dù không là một quan hệ gián tiếp với Hoa Kỳ và chứng tỏ Việt Nam có một chút độc lập với hướng đi của đảng Cộng sản Trung quốc đối với Vatican.

Một câu hỏi tự nhiên phải đến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm đức Giáo hoàng Benedict XVI có món quà nào lớn nhất cho ngài ngoài lời mời đức Giáo hoàng thăm viếng Việt Nam? Và đó là điều đức Giáo hoàng tiền nhiệm John Paul II và Giáo hội La Mã mong muốn từ lâu mà Hà Nội cứ lơ đi. Và đã hoà giải với giáo hội La Mã thì không thể không hoà giải với các Giáo hội Cao Đài, Hoà Hảo và nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất do hai hoà thượng Huyền Quang và Quảng Độ lãnh đạo. Các quan sát viên quốc tế về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cho rằng việc Việt Nam có chương trình hoà giải với Giáo hội La Mã và sau đó với giáo hội các tôn giáo khác trong nước là điều kiện để Hoa Kỳ lấy Việt Nam ra khỏi danh sách CPC (nếu không thì làm sao giải thích được chính sách “trên trời rớt xuống” của Hoa Kỳ ?).

Một số quan sát viên khác cho rằng việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức thăm đức Giáo hoàng cứ bị thụt tới thụt lui là một dấu hiệu thủ tướng Dũng đang có vấn đề với Bộ Chính Trị, nhưng có thể không hẳn vậy. Cách làm việc của Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Việt Nam là họ có thể thay đổi quyết định dễ dàng. Cuối năm 2000 khi tổng thống Clinton và cựu thủ tướng Phan Văn Khải đã chuẩn bị mọi thủ tục để ký Hiệp Ước Thương mãi Song Phương (Bilateral Trade Agreement – BTA) tại New Zealand, nhưng chỉ vài ngày trước khi ký Khải được lệnh của Bộ Chính Trị chưa ký được thì Khải không ký, và ông Clinton về Mỹ tay không. Đúng một năm sau BTA (1) giữa Hoa Kỳ và Việt Nam mới được chính thức phê chuẩn. Ông cựu thủ tướng Phan Văn Khải không có vấn đề gì với Bộ Chính Trị về sự trì hoãn này.

Hiện nay đại hội Trung ương đảng kỳ 4, khóa 10 đang họp tại Hà Nội (từ ngày 15/1/2007 và dự trù kết thúc ngày 25/1). Và theo nghị trình Hội nghị Trung ương này sẽ bàn về vấn đề tổ chức lại bộ máy của các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ cho gọn lại để (ít nhất là bề ngoài) trông sao cho hợp với đòi hỏi của một thành viên WTO.

Để chuẩn bị việc này đảng Cộng sản Việt Nam dùng một người chống đảng là ông Lê Hồng Hà, một cựu thủ tướng là ông Võ Văn Kiệt, và một người đang còn tại chức là ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tung ra những quả bóng thăm dò dư luận. Đảng Cộng sản Việt Nam biết cái nút chắn cần phải gỡ là điều 4 Hiến pháp vì còn Điều 4 trong bản Hiến pháp thì không có thể làm một cuộc cải tổ chính trị nào mà không bị kẹt chỗ này hay chỗ khác nên đảng đưa ra nhiều đề nghị đề cập thẳng đến Điều 4 chứ không tránh né như từ trước đến nay.

Quả bóng ông Lê Hồng Hà tung ra qua cuộc phỏng vấn ngày 4/1/2007 của đài Á châu Tự do (RFA). Ông Lê Hồng Hà là một cựu đảng viên từng giữ những chức vụ quan trọng trong đảng. Ông Lê Hồng Hà nói đến nhiều điểm, cụ thể có 5 điểm và điểm quan trọng nhất là Điều 4 Hiến pháp. Ông nói để Điều 4 trong bản Hiến Pháp là một sỉ nhục trước quốc tế và ông đưa ra đề nghị nếu chưa bỏ được thì cần “Luật hóa” điều 4 Hiến pháp như đảng lãnh đạo bằng quyết định, rồi chuyển qua quốc hội để bàn thảo và viết thành luật.

Ông Võ Văn Kiệt thì kêu gọi người Việt trong và ngoài đảng đừng cố chấp nữa, hãy nói chuyện với nhau thì sẽ tìm ra giải pháp.

Riêng ông Nguyễn Sỹ Dũng, đương kim Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội , đưa ra những ý kiến cụ thể và đáng quan tâm nhất, vì có thể quả bóng của ông đã được đảng ký tên vào trước khi được tung ra (những ý kiến này đã được đảng chuẩn bị và bàn thảo từ tháng 10/2006 nhưng bây giờ mới tiết lộ). Ông đưa ra công thức đại nghị chế của Anh quốc để làm mẫu.

Có điều ông Nguyễn Sỹ Dũng lúng túng vì ông biết rằng đại nghị chế bắt đầu ở chỗ là phải có một cuộc bầu cử quốc hội có nhiều đảng tham dự (thông thường có hai hay ba đảng chính), đảng nào có nhiều đại biểu đắc cử nhất sẽ là đảng cầm quyền, chủ tịch đảng sẽ trở thành thủ tướng, và thủ tướng bổ nhiệm các bộ trưởng cho nên ông Nguyễn Sỹ Dũng shortcut ở chỗ này.

Ông shortcut vì kẹt Điều 4 Hiến pháp nên cứ xem như đảng Cộng sản Việt Nam là đảng chiếm đa số rồi. Sau đó lý luận của ông là đảng Cộng sản Việt Nam bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng. Trung ương đảng là đảng uỷ của Quốc hội, còn Bộ Chính trị là Nội Các. Ông Nguyễn Sỹ Dũng giải thích đây là công thức “đảng đã hóa thân vào nhà nước” chứ không đứng bên ngoài chỉ trỏ cho nhà nước làm việc.

Phải công nhận ngoài việc shortcut không bầu (hoặc bầu cho có lệ để đảng Cộng sản Việt Nam vẫn cầm quyền) ý kiến của ông Nguyễn Sỹ Dũng là một sáng kiến thông minh. Ông Nguyễn Sỹ Dũng đi xa hơn một chút và đề nghị rằng trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 5/2007 này đảng để cho nhiều đại biểu ngoài đảng vào quốc hội để đảng được nghe ý kiến của họ khi làm luật.

Có lẽ điều những người quan sát ngạc nhiên nhất là quyết định của Bộ Chính trị (cũng chuẩn bị từ tháng 11 năm 2006) ra lệnh cho toàn đảng, toàn dân học tập tư tưởng và đạo đức của ông Hồ Chí Minh kể từ ngày 3/2/2007 là ngày kỷ niệm 77 năm ngày thành lập đảng (đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 3/2/1930) và kéo dài 4 năm (cho đến ngày 3/2/2011). Theo giải thích của chỉ thị thì mục đích của học tập là để “nâng cao đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội …”

Có thể ông Nông Đức Mạnh vừa ký chỉ thị vừa cười thầm trong bụng vì ông biết đảng viên của ông còn có ai tin vào tư tưởng và đạo đức của ông Hồ Chí Minh đâu! Nói ông Hồ Chí Minh là một nhà cách mạng giỏi, một chính trị gia lỗi lạc, một nhà tổ chức có tầm vóc thì có nhiều người đồng ý, nhưng không ai nghĩ ông là một nhà tư tưởng. Ông không có tư tưởng nào cả. Ông nhìn nhận rằng khi bỏ nước ra đi tìm đường cứu nước ông đọc được cương lĩnh giải phóng các thuộc địa của Lê Nin và nghĩ rằng ông đã tìm được con đường giải phóng đất nước, và qua lý thuyết nhất thời nghe hữu lý đó (mà thật ra là một viên thuốc kịch độc ngấm lâu) ông đã vô tình góp phần dẫn đất nước đến sự tụt hậu hôm nay. Còn về đạo đức thì cuộc đời này nhan nhản kẻ thiếu đạo đức thì làm sao chúng ta muốn ông Hồ Chí Minh chỉ là một con người như mọi con người lại có đạo đức để làm gương cho cả một thế hệ đang rơi vào vũng lầy thiếu luân lý và đạo đức vì một thể chế chính trị lỗi thời? Học tập đạo đức của ông Hồ Chí Minh vậy có nhắc tới chuyện Trần Dân Tiên (2) không? Có nhắc tới chuyện cô Vàng (3) không? Còn học tập bằng cách “cái tốt khoe ra, cái xấu đậy lại” thì là một sự bất kính đối với ông Hồ Chí Minh. Hãy để cho người chết yên nghỉ.

Rút kinh nghiệm về đại hội 10 năm 2006, quả banh thăm dò được tung ra trên mạng VietNamNet của đảng thường là quyết định cuối cùng của đảng, chúng ta có thể tin rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã có quyết định luật hóa điều 4 Hiến pháp theo lối ông Nguyễn Sỹ Dũng, cho thêm một số đại biểu không phải là đảng viên của đảng Cộng sản vào quốc hội để làm vì, và vẫn duy trì sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng sản Việt Nam.

Bệnh ngặt mà không chịu dùng thuốc mạnh thì làm sao lành bệnh? Cứ sống với ảo tưởng nền dân chủ tập trung của ta dân chủ gấp trăm ngàn lần nền dân chủ Tây phương thì chỉ có chết dân. Lửa tắt, cơm sôi, lợn kêu, con khóc mà cứ nhởn nhơ soi gương vuốt tóc làm duyên làm dáng thì cháy nhà, chồng bỏ là chuyện chắc.

Trần Bình Nam
19/01/2007


(1) Phân biệt giữa BTA và PNTR: BTA chỉ liên hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. PNTR tuy cũng ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nhưng có liên hệ đến tất cả các thành viên trong WTO.
(2) Trần Dân Tiên: là bút hiệu của ông Hồ Chí Minh khi viết tập sách mỏng Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, mượn việc viết tiểu sử để tự đề cao mình.
(3) Cô Vàng: người phụ nữ sắc tộc thiểu số, em gái của cô Nông Thị Xuân -là người bị đưa về phủ Chủ tịch để hộ lí cho ông Hồ. Xem thêm chi tiết về chung cục bi thảm của cô Xuân trong: Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, chương 34.

Tài liệu tham khảo:
(1) Đài Á châu Tự do phỏng vấn ông Lê Hồng Hà: “Những biến chuyển của đảng CSVN trong năm 2006”. phần I phần II
(2) Việt Weekly phỏng vấn cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt, do VietNamNet in lại.
(3) Phỏng vấn ông Nguyễn Sỹ Dũng của VietNamNet
(4) Chỉ thị số 06-CT/TW về việc học tập tư tưởng và đạo đức của ông Hồ Chí Minh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn