BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73318)
(Xem: 62233)
(Xem: 39420)
(Xem: 31168)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đồng minh "không" tháo chạy...

14 Tháng Tư 200612:00 SA(Xem: 1045)
Đồng minh "không" tháo chạy...
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Dẫn nhập

Năm 2005 vừa qua, trong khi thị trường sách khắp nơi rơi vào cuộc khủng khoảng chung không tránh được (trong nước, ngoài nước, hoặc tất cả các nước khác, bao gồm Mỹ..) do cạnh tranh của điện ảnh, vô tuyến truyền hình, dĩa CD, DVD, và nhất sự nở rộ của máy computer càng ngày càng thâu nhỏ, gọn, nhẹ, và có thể thực hiện nhiều chức năng cùng một lúc - Sách, báo, sản phẩm in ấn là nạn nhân đầu tiên bị co cụm trong thời đại bùng vỡ kỹ thuật tin học đang càng ngày càng phát triển. Thị trường sách của Người Việt hải ngoại (ở trong nước chắc cũng không khác) còn bị tác động thêm bởi yếu tố cụ thể: Số lượng người đọc sách tiếâng Việt (hay ngữ văn nào khác) càng ngày càng sút giảm. Nhưng sách Khi Đồng Minh Tháo Chạy (1) của tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã đạt tới số bán kỷ lục trong một thời gian dài (kéo dài suốt hơn nửa năm 2005) bởi những lẽ sau đây:

- Tác giả có sở học chuyên môn cao: Du học Hoa Kỳ từ 1958, tốt nghiệp Tiến Sĩ Kinh Tế 1963; nắm giữ những vị thế chính trị, chức vụ hành chánh quan trọng thuộc chế độ Đệ Nhị Cộng Hòa: Phụ Tá Tổng Thống về Tái Thiết (1971-1973); Tổng Trưởng Kế Hoạch (1973-1975). Khoảng một tháng trước ngày 30 tháng Tư, 1975, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu giao cho ông cất giữ một số hồ sơ mật về bang giao Việt-Mỹ liên quan đến việc ký kết Hiệp Định Paris, 27 tháng 1, 1973. Đặc biệt những văn bản cam kết của cá nhân Tổng Thống Nixon với Tổng Thống Thiệu trường hợp phiá cộng sản vi phạm không thi hành hiệp định (!) (Một số thư mật cũng do cựu Tổng Trưởng Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi Hoàng Đức Nhã chuyển cho Tiến Sĩ Hưng) Ngày 14 tháng 4, 1975 Tổng Thống Thiệu phái ông cùng Ngoại Trưởng Vương Văn Bắc, Đại Sứ Trần Kim Phượng đi Mỹ cầu viện lần cuối cùng. Nhưng do tình hình quân sự biến chuyển, suy sụp quá mau chóng, cuộc vận động không thành. Cũng do lưỡng viện quốc hội Mỹ quyết định cắt hẳn viện trợ quân sự cho Việt Nam (cùng đối với toàn bộ ba nước Đông Dương), và tổng thống đương nhiệm Gerald Ford vốn chỉ là người kế thừa nhiệm vụ sau vụ án chính trị Watergate, không muốn dính líu vào tình thế tuyệt vọng, bế tắc của Việt Nam đang đến hồi kết thúc. (Sau ít ngày tìm cách qui trách nhiệm cho Quốc Hội, TT Ford tuyên bố tại New Orleans là chiến tranh Việt Nam đã thành dĩ vãng; tới lúc người Mỹ cần đoàn kết hướng về tương lai)

Là người nắm hồ sơ, văn thư mật liên quan đến cam kết giữa hai tổng thống Mỹ-Việt dẫn tới kết thúc bi thảm của Miền Nam, sau 30 tháng Tư, 1975, tác giả đã công bố những hồ sơ nầy để minh chứng sự phản bội của Hoa Kỳ (qua những nhân sự cầm quyền) đối với "đồng minh" Nam Việt Nam.

Sau đó, ông Hưng cùng một tác giả Mỹ đúc kết những tài liệu mật kể trên thành cuốn The Palace Files (2), và đồng thời ấn hành một bản dịch tiếng Việt, tức Hồ Sơ Mật Dinh Độc Lập. Năm nay 2005, cuốn sách cũ có hiệu đính, bổ túc qua nhan sách mới nhưng vẫn được quần chúng nôn nức tìm đọc như trên – Bởi đã được phát hành đúng thời điểm 30 năm mất Miền Nam (30 tháng Tư, 1975-2005) – Và được số đông dư luận (qua truyền thanh, báo chí (trọng điểm ở Cali) phổ biến sâu rộng) là đáp ứng được câu hỏi (đối với Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại nói riêng; của người Việt nói chung) vẫn luôn cần được trả lời thỏa đáng: Tại sao Miền Nam đã sụp đỗ nhanh chóng đến như vậy?

Chúng tôi, tập thể những người lính, công nhân, viên chức Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975) và gia đình là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, trước nhất của giai đoạn kể trên trong suốt thời gian dài kể từ đầu thập niên 1960 (khi chính quyền, quân đội Mỹ bắt đầu tham dự trực tiếp vào tình thế Miền Nam), mà hội chứng khắc nghiệt đến nay vẫn còn di hại, tác động. Khi Đồng Minh Tháo Chạy (cùng với The Palace Files) cần phải đọc kỹ hơn, và sau đây có những nhận định xuất phát từ một mối đau không riêng của một ai. 
 

Cuốn sách nói gì với chúng ta?

Sách gồm có năm phần chính được tác giả đặt tên theo những tiểu đề bao gồm những nội dung như sau:

1/ Làm sao thoát khỏi vũng lầy: Phần mở đầu nầy giới thiệu những nét tổng quát về người: Kissinger, Nixon, Johnson, Nguyễn Văn Thiệu.. Và sự việc từ khi Tổng Thống Thiệu bắt đầu nhiệm kỳ 1967-1971; Hội Nghị bốn bên Paris dự trù khai mạc cuối năm 1968; và kỳ bầu cử tổng thống Mỹ cùng năm; cho đến Thông Cáo Chung giữa Kissinger và Lê Đức Thọ, 13 tháng 6, 1973. Phần nầy bàn về thời điểm, và cách thức Mỹ tháo gỡ khỏi "Vũng lầy Việt Nam" qua Hiệp Định Paris, ký ngày 27 tháng 1, 1973.

2/ Thân phận tiểu quốc: Bàn về những hậu quả Miền Nam phải gánh chịu sau Hiệp Định Chấm Dứt Chiến Tranh và Tái Lập Hòa Bình ở Việt Nam. Những hạn chế, cắt giảm (của quốc hội, chính phủ Mỹ) về viện trợ kinh tế (trước, sau khi ký hiệp định) khiến toàn bộ nền kinh tế quốc gia bị tác động điêu đứng; giá nhu yếu phẩm, các mặt hàng chiến lược (gạo, dầu, xăng..) đồng tăng vọt; số lượng hàng nhập cảng giảm xuống còn một nửa. Trong lúc chính phủ Miền Nam đang cố gắng cải thiện tình hình kinh tế bằng những biện pháp khả thể thì mức độ chiến tranh tăng vọt (Tổng tấn công năm 1972) làm trầm trọng thêm gánh nặng cứu trợ người tỵ nạn, tu sửa hạ tầng cơ sở bị tàn phá. Những đường hướng tháo gỡ qua các quốc gia khác (không phải Mỹ) bị bế tắc, không thực hiện bởi nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

3/ Khi đồng minh tháo chạy: Kể lại những sự kiện quan trọng ở Mỹ từ ngày 8 tháng 8, 1974, khi Tổng Thống Richard Nixon từ chức do vụ án chính trị Watergate. Tổng Thống Ford vốn là một dân biểu hạ viện được kế vị do hiến định nên khoán trắng vấn đề đối ngoại, an ninh quốc gia cho Cố Vấn kiêm Ngoại Trưởng Henry A. Kissinger. Số phận Việt Nam được quyết định bởi chính cá nhân người đã xây dựng nên Hiệp Định ngày 27 tháng 1, 1973 mà hậu quả là viện trợ kinh tế bị cắt khoảng 50% (theo đề nghị của Thượng Nghị Sĩ Kennedy), và viện trợ quân viện được xác nhận ở số 625 triệu, có thể chỉ là 500 triệu (tức cắt đến 60%). Như thế, nếu không có biến cố tháng 30 tháng Tư thì chỉ đến khoảng tháng 6/1975 đạn tồn kho sẽ hết, và đến tháng 8 là hết sạch. Tổng Thống Ford cố làm yên lòng Tổng Thống Thiệu bằng cách cử phái đoàn Thứ Trưởng Quốc Phòng Clements sang Sài Gòn; ông Thiệu chỉ định Đại Sứ Trần Kim Phuợng, Tổng Trưởng Vương Văn Bắc sang gặp Tổng Thống Ford. Tổng Thống Mỹ hứa cứu xét đến quân viện bổ sung 300 triệu để phục hồi lại con số một tỷ như hoạch định. Tháng 12, 1974 tỉnh Lỵ Phước Long bị mất, chính phủ Hoa Kỳ qua bản thân Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger không có hành động đáp ứng cụ thể nào như đã hứa hẹn, cam kết. Một phái đoàn quốc Hội Mỹ (gồm toàn những nhân sự chống đối với chính quyền, thành phần lãnh đạo VNCH) đến Sài Gòn tìm hiểu tại chỗ để đi đến quyết định có viện trợ (quân sự) nữa hay không(!?) Ngày 10 tháng Ba, đại quân miền Bắc tấn công Ban Mê Thuộc; Chủ Tịch Thượng Viện Trần Văn Lắm từ Washington trở về với tin sét đánh: "Không những không có 300 triệu quân viện bổ sung mà có thể không còn viện trợ quân sự nữa." Ngày 13 tháng Ba, ban lãnh đạo Đảng Dân Chủ (chiếm đa số trong hai viện quốc hội Mỹ) đồng bỏ phiếu: "Chống bất cứ viện trợ nào thêm cho Việt Nam." Ngày 14/3 cuộc họp tại Cam Ranh gồm đủ tất cả viên chức lãnh đạo VNCH dưới quyền chủ tọa của Tổng Thống Thiệu quyết định: Bỏ Cao Nguyên (17 tháng Ba) để tái phối trí lực lượng. Tiếp theo là hậu quả giây chuyền: 24 tháng Ba mất Huế-Quảng Trị; 30/3 mất Đà Nẵng; 31/3 mất NhaTrang. Và cuối cùng là Sài Gòn với ngày 30 tháng Tư, 1975. (Xin mở ngoặc đơn ở đây. Trong sách KĐMTC, Tiến sĩ Hưng không nhắc đến buổi họp tại hành lang Dinh Độc Lập sáng ngày 11/3/1975, gồm TT Thiệu, Thủ tướng Khiêm, Đại tướng Viên, và Trung tướng Quang, đưa ra chiến lược "Đầu bé đít to." Ngày 12/3, nhân viên Tòa Đại sứ Mỹ cũng cho TT Thiệu biết hết rằng mọi quyết định chiến lược là do VNCH tự quyết định.)

4/ Rước của nợ hay được của có: Đại Sứ Martin đã vận dụng tất cả năng lực của một vị đại sứ để có thể di tản tối đa số người Việt (cần phải di tản), hết thảy kiều dân Mỹ, và gia đình của họ trong tình trạng hiểm nghèo của cơn sụp đổ toàn diện. Hơn thế nữa, ý kiến chung từ Washington là không muốn di tản người Việt, cũng không muốn sử dụng quân đội Mỹ yểm trợ một cuộc di tản. Nỗ lực và tấm lòng của vị đại sứ đã có kết quả khích lệ, số người Việt được mang ra khỏi nước 150.000 người thay vì 50,000 như dự trù ban đầu - Làm tiền đề cho việc cứu trợ quy mô sau nầy. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng đã lấy tư cách cá nhân chủ trì cuộc họp báo ở Washington vào ngày 30 tháng 4 (ngày 1 Tháng 5 tại Sài Gòn) trình bày những mật thư (của Nixon gởi ông Thiệu) để yêu cầu quốc hội, chính phủ Mỹ giữ lời cam kết – Dẫu muộn màng nhưng cấp bách qua việc cứu trợ người tỵ nạn (hiện tại ở thời điểm 5/75 và mai hậu) – Nhờ vậy sau nầy di tản được tổng số một triệu người.

5/ Nhìn lại lịch sử: Phần nầy được xem như đúc kết của cuốn sách bằng việc nhìn lại những khó khăn của chặng đường vừa qua của cuộc di tản và công cuộc định cư người tỵ nạn - Không hoàn toàn là dễ dàng (dẫu là một công tác nhân đạo) do chống đối từ nhiều phía, từ quốc hội, dư luận Mỹ (với 54% không muốn nhận người di tản – Chỉ số thăm dò của Viện Gallup, tháng 5/1975), cho đến sự nhẫn tâm, phủi tay của các nước Đông Nam Á (trừ Singapore). Phần nhìn lại cũng đánh giá về sự lệ thuộc vật chất và tinh thần quá nặng nề của xã hội, quân đội, chính quyền Việt Nam đối với viện trợ quân sự-kinh tế Mỹ – Biến thái nên thành một "xã hội tiêu thụ - một quân đội không (thể) chiến đấu độc lập" – Và khi nguồn viện trợ này bị cắt đứt thì xã hội, quân đội, chính quyền kia bị sụp đổ như là điều hiển nhiên. Đấy là bài học cho những cá nhân, tập đoàn cầm quyền của các quốc gia muốn tìm kiếm đồng minh đối với nguời Mỹ. Vấn đề cuối cùng vẫn chỉ là Người Việt phải biết tự cứu như thế nào.

Phần kết luận, Thay Lời Cuối là lời cảm tạ của tác giả, một người đã đơn độc khởi đầu gióng lên lời kêu cứu về thảm trạng người tỵ nạn Việt Nam (Tháng 4/1975), sau đó khai triển và kéo dài nên thành một chương trình tỵ nạn rộng khắp kéo dài trong hai thập niên với hơn nửa triệu người của ba nước Đông Dương được định cư khắp nơi trên thế giới - Hiện thực cuộc di cư vĩ đại và lâu dài nhất của lịch sử nhân loại.

Và cuối cùng, Phần Phụ Lục gồm các bản sao các bức thư mật của những người lãnh đạo hai quốc gia Mỹ-Việt trong thập niên 70; các văn thư liên lạc giữa tác giả với nhân sự, chính quyền Mỹ về vụ việc liên quan đến nội dung trình bày trong sách. 
 

"Chạy" hay "Không Chạy"?!

Trước khi trình bày phần chính của chủ đề bài viết, chúng tôi xin chuyển lời cám ơn chân thành đến tác giả bởi đã viết nên một cuốn sách (bao gồm bản Anh ngữ The Palace files), nêu bật được những nét chính về mối liên hệ Việt-Mỹ vào một thời đoạn khó khăn, phức tạp nhất trong quá trình chính trị-quân sự của một cuộc chiến mà đến giờ nầy vẫn còn nhiều ẩn số, những vấn nạn chưa được giải quyết. Chúng tôi cũng cám ơn Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng với những Người Bạn Mỹ Hào Hiệp đã xây dựng nên, thực hiện được một phong trào cứu trợ người di tản Đông Dương mà thành quả hôm nay đáng hãnh diện và tự hào với những Cộng Đồng Người Việt vững mạnh, phát triển ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Nhưng chúng ta cần bàn lại một cách khách quan và xác thực về Yếu Tố Quyết Định kết nên lần "tháo chạy" của Mỹ qua sụp đổ của Nam Việt Nam. Đồng thời cùng xét lại những biện pháp khả thể thực thi mà những người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa đáng lẽ phải vận động, hành xử để cứu nước, cứu dân.

Đắc cử cuối năm 1952, tháng Giêng năm 1953, vừa nhậm chức, Phó Tổng Thống Richard Nixon, 40 tuổi bắt đầu sắp xếp cuộc viếng thăm các nước Châu Á ngay từ trong thời hạn tiên khởi của nhiệm kỳ tổng thống, với tư cách đại diện Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 34, Dwight Eisenhower. Sở dĩ có cuộc viếng thăm sớm sủa như thế, do hai nhân vật lãnh đạo Hoa Kỳ mới đồng có nhận định: Tổng Thống Eisenhower vốn thuộc giới quân sự, nguyên tổng tư lệnh lực lượng đồng minh trong Chiến Dịch Over Lord, đổ bộ qua ngã Nordmandie của Pháp, giải phóng Tây Âu, chấm dứt Chiến Tranh Thế Giới lần hai tại mặt trận Châu Âu vào tháng Năm, 1945. Cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1952 đưa Đại Tướng Eisenhower vào chức vụ Tổng Thống Mỹ như một điều hiển nhiên, bởi thời gian nầy phong trào "tố Cộng" McCarthyism lan tràn tại Mỹ, người ta mở cuộc săn phù thủy đã "làm mất" Trung Hoa lục địa, và chiến trận nơi Bán Đảo Triều Tiên đang sôi động. Chiến tranh thật sự đã diễn ra từ tháng Sáu, 1950 khi quân cộng sản Bắc Hàn bất thình lình tấn công Nam Hàn không một dấu hiệu báo trước. Và chỉ sau hai tháng, quân đội miền Bắc đã tiến đến vị trí cuối cùng cực nam bán đảo, bao vây quân Nam Hàn vào cứ điểm Pusan. Liên Hiệp Quốc phải kêu gọi quốc tế quân viện giúp Nam Hàn. Quân đội 15 nước tham gia dưới quyền tư lệnh của Đại Tướng McArthur phản công đẩy Bắc quân về ngược phía Bắc, đến tận Sông Aùp Lục, biên giới giữa Triều tiên và Trung Cộng, tháng 11, 1950. Và chiến trận tiếp diễn đến bấây giờ dẫu hai bên đã và đang ngồi trên bàn hội nghị để tìm một giải pháp ngưng bắn. Cuộc viếng thăm của Phó Tổng Thống Richard Nixon có một mục tiêu rất rõ rệt: Chấm dứt cuộc chiến Triều Tiên bằng thương nghị – Lá bài mà ông và tướng Eisenhower đã thắng trong cuộc bầu cử năm 1952 vừa qua. Cũng bởi, nhân sự mới lên cầm quyền nước Mỹ đã phạm phải khuyết điểm. "Trong thời chiến (1939-1945), ở mặt trận Châu Âu, Tướng Eisenhower đã thành công hơn bất cứ một người lãnh đạo "Không phải gốc Châu Âu" nào trên toàn thế giới. Nhưng ông "không biết rõ" Châu Á và Trung Đông, và ông cũng không hề là người đánh giá quá cao kinh nghiệm và hiểu biết của mình.."(3) Chính vì khuyết điểm thực tế nầy, tân tổng thống (dẫu là một tướng lãnh) không muốn bản thân là người kéo nước Mỹ vào một cuộc chiến tranh mới, dù rằng nước Mỹ vừa thâu đoạt chiến thắng quân sự lẫn chính trị sau năm toàn thắng 1945 với sự đầu hàng của phe trục Đức-Nhật. Khuyết điểm của chính giới Mỹ "không quan tâm đến Châu Á- Bao gồm cả Trung Đông, lẫn Đông Âu " không phải là điều mới nhận ra, nên người tiền nhiệm của Eisenhower, Tổng Thống Truman (thuộc Đảng Dân Chủ) cũng đã vấp phạm trầm trọng qua những nhượng bộ quá mức đối với đòi hỏi của Liên Sô, lẫn những đồng minh tư bản Tây Âu tại các Hội Nghị Yalta, Posdam. Và cụ thể là đối với Nhật mà cuối cùng phải dùng đến biện pháp bất cập tàn nhẫn xử dụng bom nguyên tử để chấm dứt chiến tranh; và nhất là để mất Hoa Lục vào tay cộng sản - Mà giá phải trả là cuộc chiến hiện đang phải giải quyết với mối đe dọa có thật là khối quân đội đông đảo Hồng Quân Trung Quốc đã một lần vượt biên giới Bắc Triều Tiên. Chính phủ của Tổng Thống Eisenhower phải tránh cho kỳ được chiến tranh nầy với một kẻ thù "do đã không nhìn rõ mặt". Tháng 10, 1950, Phó Tổng Thống Richard Nixon đến Seoul giao tận tay Tổng Thống Lý Thừa Vãn một lá thư tuyệt mật của Tổng Thống Hoa Kỳ và cần có lời giải đáp trong ngày trở về (4)

Năm 1968, Hội Nghị Paris dự trù khai mạc vào ngày 6 tháng 11, sau ngày bầu cử tổng thống Mỹ một ngày (5 tháng 11). Lá bài chủ của hai đảng để quyết định cho chiếc ghế của người sẽ ngồi vào Tòa Bạch Ốc là sáng kiến và kế hoạch "Chấm dứt cuộc chiến Việt Nam". Để yểm trợ cho ứng viên của Đảng Dân Chủ, Hubert Humphrey phó tổng thống đương nhiệm, Tổng Thống Johnson tung ra đòn quyết định "Ngưng oanh tạc Bắc Việt" vào ngày 1 tháng 11, và chỉ thị Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, Bunker hối thúc phía Việt Nam Cộng Hòa có mặt tại Paris đúng như thời biểu ấn định, tối thiểu cũng đưa ra một thông cáo chung về việc Hoa kỳ ngưng oanh tạc và hòa đàm, nếu như còn những dị biệt giữa hai chính phủ (5). Nhưng tại Sài Gòn, Tổng Thống Thiệu lại đi nước cờ khác. Trong cuộc họp của lưỡng viện quốc hội nhân ngày "Quốc Khánh 1 Tháng 11", có sự hiện diện trang trọng chính thức của Đại Sứ Bunker, ông Thiệu đã tuyên bố trong một bài diễn văn quyết định: "Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa rất tiếc là không thể tham dự những cuộc hòa đàm sơ bộ hiện nay tại Paris". Bài diễn văn, lời tuyên bố được cả quốc hội đứng dậy đồng loạt vỗ tay thật lâu. Nhưng phía Mỹ thì "Đại Sứ Bunker lúc ấy cố làm ra vẻ bình tĩnh mà không đượïc. Ông toát cả mồ hôi.."; hoặc nhận định của Tổng Thống Johnson sau nầy viết lại trong hồi ký "The Vantage Point" là: "Ngày 1 tháng 11, sau khi cho hay sẽ tham dự Hòa Đàm Paris, [các] nhà lãnh đạo Việt Nam Cộâng Hòa lại quyết định không tham dự. Tôi tin chắc rằng sự việc đó đã làm cho ông Humphrey thất cử"(6)

Sở dĩ ông Thiệu đã đi một nước cờ phiêu lưu, mạnh mẽ như kia dẫu đã tính đến chuyện có thể bị ám sát hay lật đổ, nếu như chính quyền Mỹ biết rằng ông sẽ tuyên bố lời chối từ không tham dự hội nghị vào thời điểm quyết định trước, sau ngày 1 tháng 11 (Ngày 30 tháng 10 của Hoa Thịnh Đốn). Bởi vì ông đã nhận được thông điệp: "Chớ tham gia Hòa Đàm Paris, cố trì hoãn càng lâu càng tốt để đợi ông Nixon lên làm tổng thống, mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn". Hiện thực hơn cho mưu định nầy, Đại Sứ Bùi Diễm qua sự giới thiệu của bà Anna Chennault (phu nhân củaTướng Chennault, Tư Lệnh Phi Đoàn Phi Hổ trong Đệ Nhị Thế Chiến ở Trung Hoa) đã gặp mặt Nixon và nghe lời hứa hẹn: "Sẽ coi vấn đề Việt Nam là ưu tiên số 1, và bảo đảm sẽ dành cho Việt Nam một sự đối xử thuận lợi hơn phe Dân Chủ" (7) (Trong hồi ký In the Jaws of History, ông Bùi Diễm - Một trong những người được CIA tin cậy ở miền Nam phủ nhận điều này. Tiến Sĩ Hưng cũng trích dẫn không hết ý TT Johnson. Nguyên văn đoạn hồi ký như sau: "That, I am convinced, cost Hubert Humphrey the Presidency, especially since a shift of only a few hundred thousand votes would have him a winner. I am certain that the outcome would have been different if the Paris talks had been in progress on Election Day." (1971:548-549). Đây chỉ là một nhận xét chủ quan của Johnson. Tiếp đó, Johnson còn nói Đảng Dân Chủ bị thua vì dân chúng bắt đầu khuynh hữu, không thích các chính sách Đại Xã Hội [Great Society] của ông, v.. v... (1971:549ff)

Tóm lại, kế hoạch "Giải quyết vấn đề Việt Nam" là một tiền đề tạo thế mạnh (thắng lợi) cho giai đoạn "tiền tranh cử", và tiếp tới là "Chấm dứt chiến tranh Việt Nam" lại là một sách lược quyết định sau khi thắng cử. Chúng ta sẽ thấy rõ hơn đối với lần bầu cử năm 1972 sau nầy, và càng cụ thể hơn cho lần bầu cử dự trù năm 1976 – Trước lần Việt Nam Cộng Hòa sụp đỗ (1975). Cũng với con người tên gọi Richard Nixon, nhưng khác với chức vụ phó tổng thống 20 năm trước thêm sự góp mặt của một nhân vật mới, xuất sắc hơn, khôn ngoan hơn, và cũng thâm hiểm, trí thuật hơn – Cố Vấn An Ninh Quốc Gia, kiêm Ngoại Trưởng Henry Kissinger. Chỉ một điều bất biến: Quyền lợi nước Mỹ – Đúng ra là của giới tư bản cầm quyền quốc gia siêu đẳng nầy luôn phải được bảo vệ, duy trì .

Trước giai đoạn bầu cử cuối năm 1968, Nixon đã một lần ướm lời: "Tôi muốn những người ở Bắc Việt hiểu rằng, tôi đã đi tới chỗ "có thể làm bất cứ điều gì" để chấm dứt chiến tranh. Nhưng đồng thời tôi cũng nhắn riêng cho họ (Bắc Việt) biết về một quan niệm khác: "Có thần thánh làm chứng, những ngườøi (cộng sản) phải hiểu rằng Nixon là người rất kỵ chủ nghĩa cộng sản. Chúng tôi (quần chúng Mỹ) khó có thể ngăn cản ông ta được khi ông đã nổi giận – và ngón tay đã chực sẵn trên nút bấm máy phóng bom nguyên tử – Và (như trong tình thế ấy) đến cả Hồ Chí Minh hẳn cũng phải tới Paris trong vòng hai ngày để xin có hòa bình" (8). Nhưng đấy chỉ là lời nói trước đám đông, khi cần tạo ấn tượng mạnh đối với cử tri; với một quá trình hoạt động chính trị từ thập niên 50, thêm bản chất, khuynh hướng tâm lý (cẩn thận, thuần lý, thực tiễn) cơ hữu của một luật sư, nên từ năm 1968 kia, Nixon cũng đã hiểu rằng.. "Chiến tranh Việt Nam không thể đơn phương giải quyết bởi lực lượng quân sự. Và ông ta đã manh nha quan niệm giải quyết vấn đề Việt Nam phải qua một giải pháp chính trị song phương với sự tham dự của Liên Sô và Trung Cộng" (9) Cố Vấn Kissinger sẽ là người thực hiện quan niệm chiến lược nầy bởi hiểu rõ: "Nixon là một người rất thực tế "realpolitik", đặt nặng quyền lợi chứ không phải ý thức hệ, luân lý hay đạo đức. Bởi vậy, ông bám chặt vào đó để thuyết phục Nixon cho ông làm sao thì làm, miễn có kết quả là được. Nixon đồng ý. Trên thực tế trao quyền giải quyết chiến tranh Việt Nam cho ông" (10) Kẻ tung người hứng, Cố Vấn Kissinger biết rõ chủ hơn ai hết. Bên trong những câu nói mang dáng vẻ "diều hâu" như trong lần "tranh luận về bếp núc" nhân dịp có mặt tại hội chợ kinh tế trưng bày sản phẩm gia dụng của người dân Mỹ năm 1959 ở Mạc Tư Khoa - Với cung cách sỗ sàng chỉ thẳng ngón tay vào ngực Khrushchev khi nhấn mạnh ưu thế của người Mỹ, để viên lãnh đạo Liên sô phải trả đũa lại thẳng thừng, " Các ông tướng của các ông (Mỹ) từng tuyên bố phải chạy đua (vũ trang) về hoả tiễn.. để có thể tàn phá chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ chứng tỏ cho các ông thấy (sức mạnh) tinh thần của Người Nga. Chúng tôi là một dân tộc hùng mạnh, chúng tôi có thể đánh ngã các ông" (11) Nhưng từ trong sâu kín, Nixon mong muốn hơn tất cả mọi điều, là sẽ trở nên một nhân vật kiến tạo hòa bình của lịch sử. Và điều nầy chỉ thực hiện được với một chính sách đối ngoại mà ông phải tường tận tự ngọn nguồn, từ quan niệm cũng như thực hiện. Do yêu cầu của mục tiêu tối thượng nầy, Nixon nhất quyết chủ trương những sáng kiến ngoại giao chính yếu về mặt quốc tế phải xuất phát từ văn phòng tổng thống ở Bạch Cung, nên ông đã thẳng tay loại trừ không thương tiếc đến mức như coi thường (sự tham dự) của Bộ Ngoại Giao và Ngoại Trưởng P. Rogers trong các quyết định then chốt. Cố vấn Kissinger là công cụ chính yếu của chính sách ngoại giao nầy, bởi ông ta là một nhân vật thích hợp lý tưởng đối với những vận động sau hậu trường (12)

Trong chiều hướng ngoại giao tổng quát kể trên, Việt Nam không thể chiếm giữ "vị trí quan trọng" lớn hơn một "thực thể chính trị khu vực" như Nixon đã từng nhận định trong bài viết đăng ở Tạp Chí Ngoại Giao số tháng 10, 1967 (trước khi nhậm chức tổng thống, 1969): "Nếu không có sự tham dự của Mỹ ở Việt Nam, Châu Á hôm nay hẳn phải có một khung cảnh khác.. Việt Nam đã chuyển hướng (sự chú ý) Bắc Kinh khỏi những mục tiêu căn bản như Ấn Độ, Thái Lan và Mã Lai. Thế nên, cần có một thời hạn rất đỗi quan trọng cho những chính quyền còn yếu hay chưa toàn vẹn củng cố (trong vùng Đông-Nam và Nam Á) đồng thời cũng phải hướng về phía Bắc Kinh để lập nên một tấm lá chắn an toàn trong tương lai.. Thời hạn kia giúp cho những chính quyền (Châu Á) giải quyết được tình trạng bất ổn trong quốc gia họ, đồng thời đẩy mạnh những phát triển về các mặt chính trị, kinh tế, và quân sự "(13)

Nói như thế hẳn đã đúng, nhưng chưa đủ, chỉ mới là cái khung để kết nên những thành quả tối hậu. Chính quyền Nixon phải thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu trên hai hướng:

1. Hướng thứ nhất, với đối tượng là cường quốc nguyên tử Liên Sô hiện đang dẫn đầu cuộc chạy đua không gian. Ba tháng sau ngày nhiệm chức, Tổng Thống Nixon đưa Kissinger qua Mạc Tư Khoa, gặp Ngoại Trưởng Gromyko để nói cùng người Nga những điều mà chính bản thân ông đã đề cập cùng Đại Sứ Sô Viết Anatoly Dobrynin từ thời điểm đầu tiên ngay sau khi bước chân vào Bạch Ốc (2/17/69): "Lịch sử đã chứng minh rõ rằng chiến tranh phần lớn hầu như không hề được giải quyết bằng vũ khí (!), cũng không hề bằng cách chạy đua vũ trang, mà hầu như chỉ được (giải quyết) qua ngã tìm hiểu sâu xa những dị biệt chính trị, và những vấn đề chính trị"(14)

Và sợ nói như thế người Nga chưa được rõ ý của mình, Tổng Thống Hoa Kỳ trình bày không úp mở: "Thế nên, trước khi thảo luận về vũ khí chiến lược (với quý vị), chúng tôi bắt buộc phải thực hiện đường lối song phương bằng cách tháo gỡ những "tình thế chính trị căng thẳng" như ở Trung Đông, Việt Nam, Berlin.. Những vị trí có nguy cơ đưa đến xử dụng phải xử dụng vũ khí (nguyên tử).."(15) Nói như thế hẳn để quá đủ để đoan chắc cùng người Nga: "Chúng ta nhất quyết không thể nào xửû dụng bom nguyên tử với nhau do những "căng thẳng chính trị" từ những nơi (xa xôi) kia"

Khi kể ra mục tiêu tối thượng trên, "Tính Thực Tế" của người Mỹ và người Nga quả tình không khác nhau - Mà thật sự bất kỳ người lãnh đạo nào cũng phải biết tính tới phần hơn thiệt hơn cho dân tộc, quốc gia mình khi phải xử dụng vũ lực - Huống chi là vũ khí nguyên tử - Loại vũ khí hủy diệt không có "Người thắng – Kẻ thua". Điều nầy đã được chứng minh một lần trong biến cố Liên Sô dự định thiết trí hỏa tiễn ở CuBa năm 1962, và sự tháo gỡ của họ khi thấy Tổng Thống Kennedy quyết tâm đối đầu. Những trao đổi mật thiết như vừa trình bày được thực hiện qua một đường giây đặc biệt trực tiếp nối liền văn phòng Tổng Thống Mỹ và Toà Đại Sứ Liên Sô do chính Kissinger đề nghị, thúc dục thiết lập. Hơn thế nữa, Đại Sứ Liên Sô hằng tuần qua ăn cơm trưa với Tổng Thống Hoa Kỳ theo một lối riêng của Cánh Đông Tòa Bạch Ốc – Lối đi không một ai trông thấy (16) Cánh phía Tây hẳn chỉ để cho những thăm viếng xả giao bề mặt, họp báo rôm rả mà thôi.

Cố Vấn Kissinger đến Mạc Tư Khoa gặp Ngoại Trưởng Gromyko trao thông điệp từ Tổng Thống Mỹ về một nội dung có hai điểm chính mà thật sự chỉ là món quà sơ giao trước khi bàn về những hiệp ước ngăn chận vũ khí chiến lược (SALT). Thông điệp được viết bởi chính tay Tổng Thống Mỹ:

a/ Tổng Thống Nixon sẵn sàng thăm dò những con đường khác ngoài khung cảnh đàm phán hiện tại (ở Paris). Điều mong muốn là những người thương thuyết phía Hoa Kỳ và Bắc Việt có thể gặp nhau tách biệt ra khỏi khuôn khổ hòa đàm Paris đề bàn về một nguyên tắc tổng quát cho một giải pháp.

b/ Nếu những người thương thuyết đặc biệt phía Hoa Kỳ và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có thể đi tới một hiệp định trên nguyên tắc, thì vấn đề đàm phán cuối cùng về kỹ thuật sẽ được trao lại cho hòa đàm Paris. Ký tắt RN(Richard Nixon) (17)

Kissinger đã thành công trong việc kiến tạo những móc xích của một đường liên lạc, hòa đàm sau hậu trường, và cuối cùng tự mình thủ diễn vai chính do mình đạo diễn. Cũng quả thật, "Chiến Tranh Việt Nam chỉ là một căng thẳng chính trị" tại một khu vực trên thế giới, cuộc chiến ấy không gây phiền nhiễu trầm trọng giữa các cường quốc; nếu không nói một cách cay nghiệt hơn: Những căng thẳng chính trị ở những khu vực (Việt Nam là một điển hình) là "nút thoát hơi an toàn" đối với những cường quốc thủ đắc vũ khí nguyên tử – Nói rõ ra, Hoa Kỳ và Liên Sô.

Nhận định trên không phải là cách mỉa mai, cay đắng chính trị nhưng hiện thực qua hoạt cảnh: Trên chuyến bay chiếc Air Force One ngày 20 tháng 5, 1972 từ Washington DC đến Moscow, Kissinger hớn hở nói cùng Nixon: "Đây quả là một trong những cú ngoại giao ngoạn mục lớn nhất của tất cả mọi thời đại! Ba tuần trước, mọi người đều tiên đoán chuyến đi thế nào cũng bị hủy bỏ, thế mà bây giờ chúng ta lại trên đường đi tới" (18) Sở dĩ mọi người trên thế giới tiên đoán như trên là do xe tăng Bắc Việt tràn qua những căn cứ hoả lực từ đông sang tây dọc sông Bến Hai (Hai chứ không là Hải) phía Nam Khu Phi Quân Sự; những Căn Cứ 5, 6, Tân Cảnh ở Kontum; Lộc Ninh ở Bình Long, và người Mỹ trả đũa bằng cách dội B52 xuống lãnh thổ Bắc Việt. Mọi người cũng không nghĩ ra, tưởng thấy, nghe được những đối thoại "chân tình" giữa Brezhnev và Nixon trong buổi họp kế tiếp: "..Sau những hành vi trả đũa của người Mỹ ở Việt Nam.. Chỉ có cách tốt nhất là nâng cao sự quan trọng về việc cải thiện mối liên hệ Sô-Mỹ, và cố đạt đến những đồng thuận về những vấn đề thiết yếu ở giữa chúng ta (!), và thực hiện chúng nên điều khả thể"(19) Bởi nhận ra "Tính hợp lý của nhữõng Người Bạn Liên Sô" tương đối muộn màng (dẫu muộn còn hơn không) nên sau nầy Nixon cứ tiếc rẻ: Biết thế đánh dập Hà Nội từ 1969 như năm 1972 có phải hơn không! (20)

Chúng ta sẽ thấy rõ ra vai trò quan trọng của Liên Sô trong những ngày cuối tháng 4, 1975 ở Sài Gòn.

2. Phiá Châu Á, hướng thứ hai, Hoa Kỳ chịu đòn một cách khôn ngoan, bền bỉ hơn.. Ngày 14 Tháng Tư, 1969 một chiếc máy bay do thám EC121 không vũ trang của Hải Quân Mỹ trong một phi vụ quan sát thường lệ bị Mig Bắc Hàn bắn hạ trên vùng biển Nhật Bản, cách bờ biển Bắc Triều Tiên 90 dặm. Tổng Thống Nixon đứng trước hai chọn lựa: Hoặc oanh tạc trả đũa xuống phi trường những chiếc Mig kia đã cất cánh; hoặc tiếp tục công tác do thám nhưng được phi cơ võ trang bảo vệ. Chính quyền Mỹ không nhất trí lựa chọn một giải pháp nào. Bộ Ngoại Giao dưới quyền của Ngoại Trưởng Rogers thì chủ trương không dùng biện pháp đối đầu. Cuối cùng, ngày 18, Nixon họp báo tuyên bố: Công tác do thám tiếp tục nhưng có phi cơ võ trang bảo vệ.

Báo chí và quốc hội Mỹ hoan nghênh quyết định tự chế của Tổng Thống Nixon. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia gồm bộ ba Nixon, Kissinger và Haig họp mật đưa đến quyết định: Xử dụng sách lược của Eisenhower để chấm dứt chiến tranh Việt Nam – Tức biện pháp leo thang trả đũa trong trường hợp Bắc Hàn vi phạm Hiệp Định Ngưng Bắn 1953 - Nhưng nay, đối tượng bị trừng trị không phải là Bắc Hàn mà là những căn cứ quân sự của Bắc Việt ở trên đất Campuchia.(21) Tóm lại, biến cố chiếc máy bay bị bắn hạ là một dịp để Hoa Kỳ chuyển giao thông điệp:"Chúng tôi có thể trả đũa như trong chiến tranh 1950-1953 tại Bắc Hàn, nhưng nay chúng tôi "tự hạn chế bởi muốn biểu lộ ý hướng hòa bình" dẫu chẳng kém phần quyết tâm, và khả năng đánh trả (qua hành động dội bom những căn cứ quân sự Bắc Việt ở Campuchia)". Chắc chắn "đối tượng" mà chính phủ Hoa Kỳ muốn trao gởi thông điệp không phải là chính phủ ở Bình Nhưỡng của Kim Nhật Thành, mà là một nơi quan yếu hơn với một nhân vật cứng cựa thuộc giới lãnh đạo thời Thế Chiến thứ Hai còn lại: Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh.

Sau nầy hồ sơ giải mật còn cho biết thêm, tất cả nỗ lực hướng tới Bắc Kinh không phải đợi đến ngày Tổng Thống Nixon chính thức viếng thăm Trung Quốc, mà từ những năm 1968-1969, và đặc biệt từ 1970, Kissinger đã nhiều lần cam đoan cùng Châu Ân Lai: Hoa Kỳ sẽ đơn phương rút quân ở Miền Nam. Đơn phương rút quân khỏi Miền Nam; tránh không dội bom xuống biên giới Bắc Việt-Trung Hoa trên một vùng an toàn 30 dặm – Tất cả để chứng minh một yếu tố quyết định chung cuộc: Liên hệ Trung Quốc-Mỹ là hòn đá tảng của chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại Á Châu (22) [Có một khoen nối thiếu sót ở đây: Phản ứng của Hà Nội về việc Bắc Kinh sử dụng xương máu người Việt để cải thiện bang giao với Mỹ!]

Với Hai Hòn Đá Tảng Đông lẫn Tây được thiết lập – Chiến tranh Việt Nam cuối cùng chỉ còn là vấn đề thời gian "Sao coi cho được" – Cách gọi của tác giả Nguyễn Tiến Hưng để những chuyên viên ngoại giao ở Hội Nghị Paris hoàn tất phần kỹ thuật mà thôi. (Hoặc nói theo Frank Snepp: Decent Interval)

Trở lại vấn đề Việt Nam, sự sống còn của Miền Nam được sắp xếp theo những con số cụ thể như sau:

  • Giai đoạn 1966-1970: Mỹ tiêu 25 Tỷ Đô-la/Năm bởi có 500,000 quân Mỹ và Đồng minh đang tham chiến

  • Hai năm 1970-1971: 12 Tỷ Đô-la/Năm vì đang rút quân.


Sau khi Mỹ rút hết quân bộ chiến và các đơn vị không, hải, quân yểm trợ:

  • Tài khoá năm 1973: 2,1 Tỷ

  • Tài khoá năm 1974: 1,4 Tỷ

  • Tài khóa năm 1975: 700 Triệu. (23)


Con số 700 triệu (dự trù) kia vào ngày 13 tháng 3/1975 trở nên thành con "Số Không" khi Ban Lãnh Đạo Đảng Dân Chủ cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện bỏ phiếu với đại đa số: Chống bất cứ viện trợ nào cho Việt Nam (24) kèm theo những lời tàn nhẫn: "Viện trợ di tản thì cho, chứ một xu (viện trợ quân sự) cho Thiệu thì không."

Người lính VNCH ở chiến trường không biết những số liệu trên, họ chỉ biết: Trước "Hiệp Định Ngưng Bắn Tái Lập Hòa Bình Tại Việt Nam" trên chiến trường, trước khi xung phong vào mục tiêu họ được phi, pháo yểm với số lượng không hạn chế nếu như đụng địch. Nay năm 1974, 1975, một mục tiêu chỉ còn "Bốn (4) viên đạn 105 ly cho một lần đụng trận". Họ cũng không biết trong Chiến Dịch Hồ Chí Minh tấn công vào Sài Gòn trong cuối tháng 4 (khởi từ 10 tháng Ba với trận tấn công Ban Mê Thuột) có đến: "Toàn thể quân đội Miền Bắc đang có mặt ở Miền Nam trong giờ phút nầy.. Chỉ cần một Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Mỹ là có thể chiếm hết Miền Bắc" Người tuyên bố câu tán thán nầy có thêm kết luận cay đắng: "..Hiệp Định Hoà Bình Paris đã bị vi phạm tàn tệ..!!"(25) Chúng ta có thể thêm những số liệu sau đây để lời tán thán thêm độ chính xác: "Từ 1974 qua 1975, Miền Bắc đã đưa vào Nam một số lượng quân trang cụ, vũ khí là 823.146 Tấn – Số lượng "gấp 1.6" lần số lượng đã vận chuyển của 14 năm qua (Kể từ 1960, năm bắt đầu thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, 19/12/1960-Pnn). Về nhân lực, bổ sung 68,000 bộ đội; 8000 cán bộ và chuyên viên. So sánh với số lượng nhân vật lực đã đưa vào Chiến Dịch Nguyễn Huệ tổng công kích Miền Nam năm 1972 là "gấp chín lần". Số liệu nầy do Tổng Quân Ủy Miền Bắc báo cáo chắc không thể sai lệch (26) . Người nói câu tán thán, người đạo diễn, thi hành hiệp định trước sau cũng là một: Cố Vấn An Ninh Quốc Gia kiêm Ngoại Trưởng Henry Kissinger.

Như trên đã trình bày ở trên, sau ngày đắc cử 1953, Phó Tổng Thống Richard Nixon mang mật thư của Tổng Thống Mỹ đi Hán Thành gặp Tổng Thống Lý Thừa Vãn. Trong thư có những lời trang trọng của Tổng Thống Eisenhower để muốn đượïc phúc đáp chính thức từ nhà lãnh đạo Nam Hàn về sự bảo đảm đặc biệt là không đơn phương gây chiến với Bắc Hàn do mưu định thống nhất đất nước. Bởi Tổng Thống Eisenhower được thông báo: "Tổng Thống Lý là một nhà lãnh đạo lớn. Một người yêu nước nhiệt thành, và cũng là người Bạn ở một khu vực thế giới mà nơi ấy, những người bạn của chúng ta (Mỹ) đã thay đổi mau chóng như thời tiết" (27)

Hai mươi năm sau, cũng sau lần đắc cử nhiệm kỳ hai, dẫu chưa tuyên thệ nhậm chức, Tổng Thống Nixon gởi Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bức thư ngày 14/1/1973 (một của nhiều bức thư có nội dung tương tự): "..Tôi nhất quyết cho phê chuẩn bản Hiệp Định vào ngày 23 tháng 1, 1973 tại Paris. Tôi sẽ làm việc nầy dù phải làm một mình, trong trường hợp đó, tôi sẽ công khai tố cáo chính phủ của Ngài làm cản trở cho công cuộc vãng hồi hòa bình tại Việt Nam

"Kết quả không tránh khỏi là việc cắt viện trợ quân sự và kinh tế ngay lập tức, mà dù có "sự thay đổi về nhân sự" trong chánh phủ của Ngài cũng không thể cứu vãn được.."(28)

Và nhân sự được giao phó nhiệm vụ chuyển thư thì nhận chỉ thị: "Bảo rõ cho Haig biết phải làm áp lực đối với Thiệu", và nhấn mạnh rằng Nixon ".. sẽ tiếp tiến tới bất kể Thiệu làm những gì. Cách thức duy nhất mà Haig cần phải thực hiện là đánh lừa Thiệu giả sử như ông ta không theo cách của mình.."(29) Những lời trao đổi giữa bộ ba Nixon-Kissinger-Haig chứ không ai khác. Và thuật ngữ "Thay đổi thành phần nhân sưï" có nghĩa: Phế bỏ đi.. Như đã một lần đối với Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu, Lý Thừa Vãn, Salvador Allende.. là những người chúng ta được biết.

Khi giao thiệp giữa hai nguyên thủ của hai nước đã đến mức nói những lời như trên; mối tương quan liên hệ giữa hai quốc gia bị so kè từng đồng bạc một. Việc so sánh 300 triệu quân viện bổ sung của tháng 3, tháng 4/1975 đối với tồn tại của một quốc gia từng gọi là đồng minh với giá máu 58,000 mạng sống binh sĩ Mỹ trong mười-lăm năm chiến trận mang hình thức một lời nguyền rủa tàn tệ mà lịch sử hôm nay phải nhìn lại với mối trách cứ ngậm ngùi. Tóm lại, "Không Ai Thắng Ai" trong cuộc chiến nầy. Một cuộc chiến tranh không mục tiêu chiếm cứ và không tính danh xác định. Nước Mỹ chưa hề tuyên chiến với nhà nước gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, và tất cả cả kế hoạch quân sự không hề đặt nên ý niệm xử dụng bộ binh Mỹ vượt quá biên giới của Việt Nam Cộng Hòa. Chúng ta có thể kết luận mà không sợ sai lầm: Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến không có "Hai Phe Lâm Chiến" như tất cả chiến tranh cổ kim hằng định nghĩa. [Đây là luật kẻ mạnh. Muốn đánh thì đánh, muốn hòa thì hòa. Nó là một cuộc chiến tiền đồn. Việt Nam: một cây kim gút trên bản đồ thế giới] 
 

Hậu Từ

Điều thứ 2-Chương I của Hiến Pháp Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa 1946:

Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.

Điều 1- Thiên Thứ Nhất. Điều Khoản Căn Bản Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 26-10-1956:

Việt Nam là một nước Cộng Hòa, Độc Lập, Thống Nhất, lãnh thổ bất khả phân

Điều 1- Chương I Hiệp Định về Chấm Dứt Chiến Tranh và Lập Lại Hòa Bình ở Việt Nam (27/1/1973):

Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp Định Giơ-ne-vơ năm một ngàn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận. [Câu này cho thấy Hiến Pháp 1956 của VNCH không được công nhận giá trị pháp lý]

Chúng ta có thể bắt đầu và kết thúc trò chơi chữ nghĩa để nhìn lại một cuộc chiến mà theo những điều khoản long trọng cam kết bảo đảm, thi hành bên trên về MỘT NƯỚC VIỆT NAM BẤT KHẢ PHÂN – Tức có nghĩa mặc nhiên công nhận những điều sau:

  • Nước (gọi là) Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà bị một nước khác (gọi là) Hoa Kỳ xâm lăng, đánh bom, phá đê điều Miền Bắc mà không tuyên chiến; đổ quân vào Miền Nam không xin phép.

  • Quân Đội Nước (gọi là) Việt Nam Dân Chủ Cọng Hòa hoàn toàn không có mặt dưới Vĩ Tuyến thứ 17 - Vì lẽ: Điểm b/ của Điều 3/Chương II của Hiệp Định Paris có quy định: Các lực lượng vũ trang của "hai bên Miền Nam Việt Nam" sẽ ở nguyên vị trí của mình.

  • Quân Đội Nước (gọi là) Việt Nam Cộng Hòa không hiểu vì một lý do gì không được đồng minh của mình (Hoa Kỳ) cho phép hành quân Bắc Vĩ Tuyến 17 - Bằng cách không yểm trợ phi, pháo (không cung cấp pháo tầm xa 175 ly ở những căn cứ Nam Sông Bến Hai: máy bay F5E không có khả năng tác chiến Bắc vĩ tuyến 17.v.v). Nếu một ai có ý định mở hành quân ra Bắc Vĩ Tuyến 17 thì bị kết án là "diều hâu"; "hiếu chiến".

  • Quân Đội Nước (gọi là) Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ luôn luôn tôn trọng khu Phi Quân Sự Nam Vĩ Tuyến 17 mặc dù không ký vào Hiệp Định Genève năm 1954. Ngược lại, phía ký kết là Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thì lại cho mình toàn quyền đi qua đường ranh giới kia, bởi thủ đắc Quyền Dân Tộc Tự Quyết và Toàn Vẹn Lãnh Thổ do hiệp định kia quy định.


Những điều bất cập và quái đản về chữ nghĩa (so với thực tế) trong những văn kiện đã được long trọng ký kết trước cộng đồng thế giới, lại được hai Ủy Ban Kiểm Soát Quốc Tế (ICC;1954); và Ban Kiểm Soát Giám Sát Hội Nghị Quốc Tế (ICCS; 1973) giám sát thi hành là một truyện dài chính trị thảm hại lẫn tai họa không thể nói gọn trong một bài viết nên chúng tôi tạm ngưng nới đây để đi qua một lãnh vực gần sát với tiêu đề bài viết nầy về cuốn sách..

Thành ngữ "Tháo Chạy" gợi đến tình cảnh liên hệ với chiến tranh, cuộc chiến. Tiêu đề cuốn sách lập lại nhận định cay đắng của Đại Sứ Martin được báo New York Times nhắc lại trong dịp mười năm mất miền Nam (1985): "Rút cuộc, chúng ta chỉ lo tháo chạy. Ý chí dân tộc của Hoa Kỳ đã sụp đỗ"(30). Nhưng bởi chúng tôi vốn người thuộc giới quân sự nên có nhận định cụ thể: Chính phủ, quân đội, quần chúng Hoa Kỳ "tháo chạy" vì một điều gì khác không xẩy ra ở Việt Nam – Chiến tranh Việt Nam chỉ làm điều "tháo chạy " kia bộc lộ cụ thể hơn, rõ ràng hơn qua cuộc Hành Quân Gió Cuốn khai diễn ngày 29-30 tháng Tư, 1975 nơi Sài Gòn, ở Việt Nam.

Chúng tôi xin dẫn chứng số liệu về tù binh: Theo Điều 8/Chương III (việc Trao Trả Nhân Viên Quân Sự Bị Bắt..).. Việc trao trả những nhân viên quân sự của các bên bị bắt và thường dân nước ngoài của các bên bị bắt sẽ tiến hành song song và hoàn thành không chậm hơn ngày hoàn thành việc rút quân nói trong Điều 5 (Sáu-mươi ngày kể từ 27/1/1973). Tính đến ngày 28 tháng 3 của thời hạn 60 ngày, phía VNCH nhận về 4956 quân nhân bị bắt giữ; trả lại cho phía cộng sản 26, 508 cán binh, bộ đội cộng sản; phía Mỹ nhận về 585 người trong đó có một lính Đại Hàn, và hai nhân viên phi hành đoàn Thái Lan (Sách KĐMTC có số liệu là 595; vì thêm 10 người ở Lào). (31) Chúng ta hãy làm so sánh giữa các số liệu tù binh: 26,508; 4956; và 585 sẽ tìm ra ngay lời giải "AI ĐÃ THẮNG AI" tại chiến trường.

Tạm gác lại so sánh giữa các bên quân đội hai bên người Việt, trong tổng số 595 tù binh Mỹ phần đông nếu không nói là hầu hết là "nhân viên phi hành, hoặc phi hành đoàn" của những phi cơ bị bắn rơi trên vùng trời phía Bắc vĩ tuyến 17 – Hoàn toàn không có một tù binh thuộc các đơn vị Bộ Binh, Pháo Binh, Thiết Giáp, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích Mỹ – Tóm lại không có một lính bộ chiến nào của Mỹ bị bắt giữ khi giao tranh, trên chiến trường. Điều nầy phản ảnh một điều giản dị: Bộ đội cộng sản né tránh đến mức tối đa giao tranh với quân lực Mỹ bởi không chịu nổi hỏa lực phi, pháo yểm của quân bộ chiến Mỹ. Mặt trận Khe Sanh năm 1968 chưa hề xẩy ra cuộc tấn công cường tập của bộ binh Bắc Việt vào căn cứ phòng thủ chính của Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Các cuộc đụng độ chỉ xẩy ra trên những vùng đồi ngoại vi căn cứ chính do cấp đại đội TQLC Mỹ; Nhảy Dù; Biệt Động Quân/VNCH trấn giữ, và các Trại Lực Lượng Đặc Biệt gồm lính sắc tộc. Ngày 26/6/68 binh đội phòng thủ rời bỏ Khe Sanh, và Mỹ xử dụng B52 trải thảm tiêu diệt gọn Sư Đoàn 325 cộng sản BắcViệt, đơn vị bao vây căn cứ. Ước tính phía bộ đội Miền Bắc tổn thất từ 10,000 đến 15,000.(32) Hành quân qua Campuchia năm 1970; Hạ Lào 1ù971 hoàn toàn không có bôä binh Mỹ tham chiến huống gì năm 1972.. Vậy quân đội Mỹ "không thể tháo chạy vào thời điểm 1975". Cũng bởi họ đã hoàn toàn vắng mặt tại Việt Nam từ thời điểm sau sáu–mươi ngày ký kết "Hiệp định Tái Lập Hòa Bình tại Việt Nam" đã quy định. Họ "chạy" từ , vì những lý do khác - Tại nước Mỹ. Nếu Tổng Thống Kennedy không chết thì quân đội Mỹ không phải vào Việt Nam, mà đã ra khỏi Việt Nam từ 1965 (33) (Những người theo chủ trương thuyết âm mưu thường đặt câu hỏi biết đâu đây là lý do khiến gây nên vụ ám sát ngày 22 tháng 11, 1963 tại Dallas mà đến giờ nầy cũng không biết được là tại sao? Do đâu? Ai đã bắn chết một Tổng Thống Mỹ?)

Cuối cùng, chỉ còn lại những người Việt Nam với bài toán đơn giản nhưng cao thượng gồm ba vế - Quyền lợi quốc gia; Quyền lợi cá nhân; Địa vị chính trị - mà ông Nguyễn Văn Thiệu viết ra cùng Cố Vấn Nguyễn Tiến Hưng sau lệnh rút bỏ Pleiku (17 tháng Ba, 1975) Theo tác giả KĐMTC thì "ông (NVThiệu) đang làm một tính toán để đi tới một hành động nào đó"(34). Và cũng theo ông Hưng, thì ông Thiệu (có vẻ) chọn vế Số 1. Nhưng, chúng tôi thì có nhận xét: Ông Nguyễn Văn Thiệu đã không chọn vế Số 1 đó. Hơn thế nữa, ông đặt bài toán quá đỗi muộn màng. Đáng lẽ phải đặt ra từ 1965 (từ khi TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng), hoặc cận lắm phải là 1968. Cuối cùng cũng phải bắt đầu ở 1972. Để sau 1973, và bấy giờ đến tháng 4, 1975 thì quá trễ Không thể "chạy" đâu được nữa.

Chỉ còn lại vế số 2: Ông Thiệu "chạy" qua Đài Loan rồi qua Bri-tên, và 10 năm sau, qua Mỹ, khi thời hiệu để truy tố theo dân luật Mỹ đã hết hạn.

Các ông Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ và nhiều người khác "tháo chạy" qua Mỹ; chỉ có chút trở ngại là 16 tấn vàng không "tháo chạy" theo được.

Đại đa số những người lính VNCH thì được lệnh "tháo chạy" từ Pleiku, BMT, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, v.. v.. về miền Nam, và rồi cuối cùng là "chạy" vào các "Trại Cải Tạo".

Cũng cần đặt thêm một vấn đề: Ai là "Đồng Minh" mà tác giả NTHưng muốn nói? Người Mỹ ư? Chúng tôi thấy thật không ổn - Chẳng bao giờ người Mỹ là "Đồng Minh" của VNCH – Họ khai sinh ra nhà nước VNCH, là ông chủ lớn ("Big Boss") của các phe nhóm cai thầu chống Cộng và cai thầu chiến tranh. Tiến Sĩ Hưng hẳn biết rõ hơn ai hết. Điều nầy trải dài khắp cuốn sách.

Còn những người Việt giữ vai trò cầm đầu được đánh giá như thế nào? Các nhà lãnh đạo Mỹ thường coi các nhà lãnh đạo VNCH như "ngựa [horses]" hay "boys." Báo cáo của Tướng Westmoreland cũng đầy những chi tiết cười ra nước mắt tủi nhục về các cấp Tướng lãnh VNCH. Ngoài thiểu số cai thầu chống Cộng và cai thầu chiến tranh, đại đa số người Việt - Những Người Lính, cho dầu nắm giữ chức vụ chỉ huy thuộc cả hai phe -thì chẳng khác những con chốt qua sông, hay những bè lục bình nổi trôi theo lửa đạn và bạo lực. Chúng ta biết rõ được điều nầy sau những năm ở Mỹ, và chứng kiến cách "chạy vạy xin xỏ" của những người cầm quyền ở Hà Nội đối với chính phủ Mỹ – "Tên đế quốc sừng sõ bị họ đánh tháo chạy" theo cách gọi của Tiến Sĩ Hưng.

Một ý nghĩ cuối cùng của người đọc: Ở cương vị một kinh tế gia, có nhiều kinh nghiệm hợp tác với cả hai chế độ VNCH và CSVN, nếu Tiến sĩ Hưng đào sâu trong lãnh vực chuyên môn của mình, giúp đồng bào, và độc giả được đọc thêm những nghiên cứu nghiêm túc của ông về tình trạng kinh tế của Việt Nam từ 1945, 54.. tới nay; hoặc ít nữa thì cũng là những sơ thảo về cái gọi là "Nền kinh tế thị trường, định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa" tại Việt Nam từ 1991 tới 2005. Những điều mà hôm nay diễn đạt theo ngôn ngữ cộng sản trong nước là một vấn đề "còn tiêu cực tồn tại, gây "bức xúc".. Cũng đúng theo tinh thần đoạn phân tích: "Quân viện đã nát. Kinh viện còn nát hơn" của KDMTC để thấy rõ một điều: Tất cả chẳng qua là vì đồng tiền. Một đồng, một triệu, hay mười tỷ cũng chỉ là đồng tiền mà thôi.

Mùa Phục Sinh
Tháng Tư, 2006
Phan Nhật Nam

Ghi Chú:

(1) Nguyễn Tiến Hưng, KĐMTC, Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, Ca, USA 2005

(2) Nguyễn Tiếân Hưng & Jerrold L. Schecter, THE PALACE FILES, Harper & Row, NY, USA 1986

(3) Richard Nixon, The Memoires of Richard Nixon; NY, A Touchston Book, 1990 p119.

(4) RN, op. cit., p126

(5) NTH, KĐMTC sđd trg41

(6) NTH, KĐMTC, sđd trg46-47

(7) NTH, KĐMTC, sđd trg36-37 [Ông Bùi Diễm phủ nhận điều này. Xem hồi ký In the Jaws of History]

(8) Gabriel Kolko, Atomy of A War; London, GB, Phoenix Press, 1985, p343

(9) GK, op. cit., p342

(10) NTH, KDMTC, sđd, trg66

(11) RN, op. cit., p209

(12) Henry Kissinger, Years of Upheaval; Boston, US, Little, Brown and Co, 1982, p414

(13) NTH & JS, op. cit., p30

(14; 15; 16) RN op. cit., p369-340.

(17) NTH, KDMTC, trg68

(18) RN, op. cit., p609

(19) RN, op. cit., p600

(20) William Colby, Lost Victory, Chicago, US, Contemporary Books, 1989, p341

(21) NTH & JS, op. cit., p31

(22) HK, op. cit., p679.

(23) NTH, KDMTC, sđd, trg 222-223

(24) NTH, KDMTC, sđd, trg 245

(25) Larry Berman, No Peace, No Honor; NY, US A Touchston Book, 2001, p266

(26) Lewis Sorley, A Better War; FL, US, A Harvest Book, 1999, p374

(27) RN, op. cit., p126-127

(28) NTH, KĐMTC, sđd trg100

(29) LS, op. cit., p360

(30) NTH, KĐMTC, sđd trg26

(31) Phan Nhật Nam, Tù Binh và Hòa Bình; Sàigòn, VN, Hiện Đại, 1974, trg167

(32) Spencer Tucker, The Encyclopedia of VietNam War; CA, US, Oxford University Press, 1998, p206

(33) Seymour M. Hersh, The Dark Side of Camelot;, US, Back Bay Books, 1998, p430

(34) NTH, KDMTC, sđd, trg 249
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn