Nhưng đối với tổng thống Musharraf việc gặp để giảng hòa với tổng thống Karzai không phải là chuyện chính. Chuyện chính là nhân dịp đi dự đại hội đồng Liên hiệp quốc ông cho phát hành cuốn sách “In the Line of Fire” (tạm dịch: Trên Lằn Đạn) giải thích thế đứng của Pakistan và những suy tư của cá nhân ông, một tướng lãnh trở thành tổng thống và dùng cuốn sách để trần tình với nhân dân Pakistan tại sao ông phải cúi mình trước áp lực của Hoa Kỳ, và qua đó ông đưa ra sách lược giải quyết vấn nạn Tây phương - Hồi giáo mà ông cho là vấn đề sinh tử cho hòa bình thế giới và cho tương lai của đất nước ông. Qua cuốn sách tổng thống Musharraf chứng tỏ là một nhà chiến lược, có suy tư, có tư cách và hiểu thế nào là dân chủ theo truyền thống Anh quốc. Ông không ngần ngại tiết lộ những quan hệ tế nhị giữa Pakistan và Hoa Kỳ và cũng không ngần ngại khi cần nói lên sự khác ý kiến với tổng thống Bush.
Pakistan là một quốc gia Nam Á có hơn 150 triệu dân, 96% theo đạo Hồi, đa số thuộc giáo phái Sunni, có một phần bờ biển trông ra biển Arabian dẫn vào vịnh Ba Tư. Đất Pakistan được lập cư cách đây 5.500 năm. Vào thế kỷ thứ 8 người Hồi giáo đến định cư. Giữa thế kỷ thứ 18 người Anh chiếm Pakistan và nhập chung với Ấn Độ. Năm 1947 người Anh trả độc lập cho Ấn và tách Pakistan ra dành cho người theo đạo Hồi, trong khi đa số người Ấn theo Ấn Độ giáo. Pakistan lúc mới độc lập gồm hai phần đất: Tây Pakistan và Đông Pakistan. Cuối năm 1970 tranh chấp xảy ra giữa Tây và Đông Pakistan sau một cuộc bầu cử quốc hội. Người cầm đầu Liên minh Awami League ở Đông Pakistan là ông Mujibur Rhaman chiếm đa số nhưng không được làm thủ tướng và bị tổng thống Yahya Khan ra lệnh bắt giữ. Dân Đông Pakistan nổi loạn; Ấn độ thừa cơ hội tấn công Đông Pakistan. Pakistan thua trận và điều kiện của hiệp ước đình chiến tháng 12 năm 1971 cắt Đông Pakistan ra khỏi Pakistan và trở thành nước Bangladesh.
Vào lúc lập quốc gia đình ông Musharraf đang sống tại New Delhi và là người Hồi giáo. Cha ông làm giám đốc kế toán tại Bộ Ngoại giao. Mẹ ông có bằng Cao học. Ông Musharraf lúc đó mới 4 tuổi theo bố mẹ di cư sang Tây Pakistan. Ông có một người anh, Javed và một người em, Naved hiện là một bác sĩ đang hành nghề tại Chicago. Ông Musharraf lớn lên học Trung học theo chế độ 10 năm tại trường các cha Công giáo. Sau hai năm đại học tại trường Forman Christian College ở Lahore ông thi vào trường sĩ quan bộ binh. Năm 1964 tốt nghiệp Thiếu úy, ngành pháo binh. Ông tham gia trận chiến Ấn Độ năm 1965 và năm 1968 lập gia đình với bà Sehba.
Là một sĩ quan ưu tú và nhiều chiến trận qua những cuộc quần thảo với quân đội Ấn Độ trong vùng Kashmir ông thăng tiến nhanh. Năm 1985 thăng cấp chuẩn tướng (thời tổng thống Zia ul-Haq). Nhiều năm trước đó ông đã tốt nghiệp trường Cao Đẳng Quốc Phòng Pakistan. Năm 1990 dưới thời nữ thủ tướng Benazir Bhutto ông thăng Thiếu tướng. Năm 1995 thăng Trung tướng, và cuối năm 1998 được thủ tướng Nawaz Sharif thăng cấp đại tướng và chọn giữa chức Tư lệnh bộ binh. Thủ tướng Sharif là người cầm đầu Liên minh Hồi giáo Pakistan (Pakistan Muslim League – PML, đảng của ông Quaid-e-Azam Mohammad Ali Jinnah, người tranh đấu lập quốc Pakistan) vừa tu chính Hiến pháp thu tóm quyền lực trong tay và nghĩ rằng ông Musharraf vốn gốc là một người Hồi di cư nên sẽ dễ bảo hơn vị tư lệnh bộ binh trước là đại tướng Jehangir Karamat.
Chức vụ này quyết định tương lai binh nghiệp và chính trị của ông Musharraf. Tháng 10 năm 1999 thủ tướng Sharif cách chức ông Musharraf vì nhận ra tướng Musharraf không dễ bảo như ông tưởng. Và quân đội đã đứng lên đảo chánh lật đổ thủ tướng Sharif, đưa tướng Musharraf vào vị trí lãnh đạo Pakistan. Tuy nhiên tướng Musharraf không ban hành quân luật. Ông duy trì Hiến pháp và tạm thời kiêm nhiệm vụ thủ tướng và thành lập chính phủ. Tháng 6 năm 2001 ông kiêm nhiệm thêm chức vụ tổng thống –theo ông- vì nhu cầu nghi lễ.
Tối Cao Pháp Viện phán quyết sự truất quyền thủ tướng Nawaz Sharif là hợp hiến và cho tướng Musharraf 3 năm (1999 - 2002) để tổ chức bầu cử tân quốc hội. Sau cuộc khủng bố 11 tháng 9 ông Musharraf mới có kế họach nắm chính quyền và trở thành tổng thống toàn quyền. Ông cho thành lập Liên minh Hồi giáo Pakistan, Quaid (PML- Q, chữ Q để nhắc đến người cha đẻ Pakistan và là người thành lập Liên minh PML, và phân biệt với đảng PML của thủ tướng Nawaz Sharif, gọi là PML-N), ra mắt quần chúng ngày 20/8/2002 chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội tháng 10 năm đó. Trước đó bốn tháng (ngày 30/4/2002) ông tổ chức trưng cầu dân ý đưa ông vào chức vụ tổng thống nhiệm kỳ 5 năm. Qua bầu cử tháng 10/2002 đảng PML-Q của ông chiếm đa số tương đối tại quốc hội và phải liên minh với các đảng khác thành lập chính phủ với ông Mir Zafarullah Khan Jamali làm thủ tướng. Tháng 11/2002 tân quốc hội bổ nhiệm ông Musharraf làm tổng thống nhiệm kỳ 5 năm (2002-2007).
Cuộc khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã đưa ông và Pakistan vào phòng tuyến chống khủng bố với Hoa Kỳ. Tướng Musharraf thuật lại rằng khi cuộc khủng bố diễn ra, ông đang thảo luận công việc với tư lệnh vùng Karachi và khi thấy trên màn truyền hình hai tòa nhà cao ốc của Trung Tâm Thương Mãi sụp xuống ông biết ngay Al Qaeda của Osama bin Laden là thủ phạm và Hoa Kỳ sẽ phản ứng như một con hổ bị thương và Pakistan sẽ bị tai bay vạ gió. Pakistan đang là một đồng minh với chính quyền Taliban của Muhammad Omar tại Afghanistan, và chính quyền này đang dung dưỡng Osama bin Laden.
Ngày 12 tháng 9, một ngày sau cuộc khủng bố, bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ Collin Powell gọi tổng thống Musharraf và qua một cuộc trao đổi ngắn không đi sâu vào chi tiết đã nhắn nhủ rằng Pakistan chỉ có hai lựa chọn là “bạn với Hoa Kỳ hay kẻ thù của Hoa Kỳ.” Ngày hôm sau giám đốc tình báo Pakistan (Inters Services Intelligence - ISI) đang công cán tại Hoa thịnh Đốn gọi về cho biết thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage vừa gặp ông và qua một buổi nói chuyện nội dung gần giống như bộ trưởng Collin Powell đã, bằng một ngôn ngữ thiếu ngoại giao, đe đọa rằng nếu Pakistan đứng về phía khủng bố Pakistan nên sẵn sàng hứng bom và trở về thời đại đồ đá.
Ông Musharraf biết tình thế rất khó khăn. Cả hai lựa chọn theo Hoa Kỳ hay chống lại Hoa Kỳ đều khó. Về cả ba phương diện quân sự, kinh tế và xã hội Pakistan đều không đủ mạnh để chống lại Hoa Kỳ. Hoa Kỳ sẽ không bỏ cơ hội phá hủy khả năng nguyên tử của Pakistan. Từ năm 1998 khi Pakistan thử bom nguyên tử thành công Hoa Kỳ đã không thoải mái thấy một nước Hồi giáo có bom nguyên tử, và lời nhắn nhủ “đánh bom đưa Pakistan về thời đại đồ đá” của thứ trưởng Armitage cần được hiểu theo nghĩa đó. Chống lại Hoa Kỳ, Pakistan sẽ lưỡng đầu thọ địch. Ấn Độ sẽ giúp Hoa Kỳ gây bất ổn ở mặt Kashmir và Pakistan không tránh được sụp đổ. Nhưng theo Hoa Kỳ các giáo sĩ Hồi giáo và một thành phần đông đảo quần chúng sẽ chống.
Sau nhiều ngày cân nhắc lợi hại, tổng thống Musharraf quyết định theo Hoa Kỳ. Đích thân, ông mở một chiến dịch giải thích cho quân đội, cho các vị giáo sĩ và cho quần chúng. Và ông Musharraf thành công ở một mức độ giới hạn giữ cho tình hình không đến nổi bùng nổ thành một cuộc nội chiến khi Pakistan yểm trợ Hoa Kỳ tận lực trong cuộc chiến lật đổ chính quyền Taliban. Tuy nhiên Pakistan trở nên bất ổn hơn với những hoạt động khủng bố của phe quá khích. Cá nhân ông bị mưu sát hai lần trong tháng 12/2002 và ông thoát được đều do may mắn.
Cuốn sách “In the line of fire” giúp tổng thống Musharraf giải thích hoàn cảnh của đất nước. Tại sao Pakistan phải đồng minh với Hoa Kỳ dưới áp lực. Tại sao ông Musharraf vẫn nắm cả hai chức vụ tổng thống và tư lệnh quân đội sau cuộc bầu cử tháng 10/2002. Tại sao ông không thể bỏ tù tiến sĩ A.Q. Khan, người có công chế tạo bom nguyên tử cho Pakistan và được nhân dân Pakistan xem như anh hùng dân tộc, về tội lén lút bán hiểu biết về vũ khí nguyên tử cho Bắc Hàn và Iran. Và sau cùng cuốn sách giúp ông cơ hội trình bày cái nhìn thẳng thắn của ông về Hồi giáo trên thế giới, về Hoa kỳ và về một giải pháp toàn bộ giải quyết cuộc tranh chấp nguy hiểm giữa thế giới Tây phương và thế giới Hồi giáo.
Ông cho rằng số người Hồi giáo quá khích chỉ là thiểu số. Và căng thẳng hiện nay là do thế giới Tây phương, không chịu giải quyết những bất công, nhất là thái độ của Hoa Kỳ trong cuộc chiến giữa Do Thái và Palestine. Ông nói sự lập quốc của Palestine và sự nhìn nhận sự tồn tại của quốc gia Do Thái là những đòi hỏi chính yếu và tiên quyết. Ông nghĩ rằng người Hồi giáo phải giải quyết những yếu kém của mình để tự nâng cao điều kiện kinh tế, kéo trình độ giáo dục của quần chúng lên và giảm sự đàn áp phụ nữ. Ông nhận định rằng cuộc chiến tại Iraq làm cho tình hình thế giới ít ổn định hơn.
Cuốn sách của ông Musharraf có mục đích giải thích với nhân dân Pakistan thế khó khăn của Pakistan và có thể là một tài liệu chuẩn bị cho cuộc bầu cử năm 2007. Ông cảnh báo những khó khăn trước mắt của đất nước ông và của thế giới, và kêu gọi nhân dân Pakistan chấp thuận chương trình chính trị của ông.
Thế giới nhìn Pakistan như một nước độc tài, với mọi quyền hành trong tay tổng thống Musharraf. Nhưng qua cung cách giải quyết việc nước người ta thấy ông Pervez Musharraf là một nhà độc tài của một nước nhỏ có tư cách.
Thứ nhất ông không ngần ngại tiết lộ áp lực của nước lớn và sự bất đồng ý kiến của ông với Hoa Kỳ về một số chính sách. Ông hiểu ý nghĩa của dân chủ và biết kêu gọi nhân dân thông cảm cách hành xử của người lãnh đạo. Ông không coi thường quần chúng. Ông xứng đáng là người lãnh đạo.
Những nhà lãnh đạo Việt Nam có thể lấy bài học của tổng thống Musharraf trong đối sách đối với Trung quốc. Thế giới thông cảm thế khó khăn của đảng Cộng sản Việt Nam trước áp lực (kinh tế, chính trị, nếu không nói cả quân sự, nhất là kinh tế) của Trung quốc. Nhưng người ta không thể hiểu tại sao đảng Cộng sản Việt Nam không trần tình với nhân dân Việt Nam về những khó khăn của đảng để được chia xẻ. Thí dụ tại sao, và trong hoàn cảnh nào đảng phải nhượng đất, nhượng biển cho Trung quốc. Người ta không hiểu tại sao với bao nhiêu lời thỉnh cầu của mọi tầng lớp nhân dân đảng Cộng sản Việt Nam vẫn không chịu công bố toàn văn bản Hiệp ước về biên giới giữa Trung quốc và Việt Nam ký tháng 12 năm 1999. Và lại càng khó hiểu hơn nữa tại sao khi tàu hải quân Trung quốc bắn chết 9 ngư dân Việt Nam đầu năm 2005 đảng Cộng sản Việt Nam không có một lời phản đối chính thức. Báo chí trong nước cũng không được tự do đăng tải đầy đủ chi tiết của vụ bắn giết tàn bạo này. Đảng Cộng sản Việt Nam không thèm đếm xỉa đến nhân dân, coi nhân dân như cỏ rác.
Chúng ta có nên nghiêng mình chào tướng Pervez Musharraf không, dù ông mang tiếng là một nhà độc tài? Ông biết kính trọng nhân dân ông và ông còn giữ được tư cách của người lãnh đạo một nước nhỏ trước áp lực của nước lớn.
Trần Bình Nam
October 1, 2006
binhnam@sbcglobal.net
http://www.tranbinhnam.com/
Tài liệu tham khảo:
1.“In the Line of Fire” by Pervez Musharraf, Free Press, Simon & Schuster Inc., 2006
2. Britannica Almanac 2006
Gửi ý kiến của bạn