BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72806)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Hoà giải hay hoá giải (I)

03 Tháng Năm 200712:00 SA(Xem: 853)
Hoà giải hay hoá giải (I)
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Tại sao kêu gọi hoà giải

Ngày 30/3/2007, tại tòa án Huế, linh mục Nguyễn Văn Lý bị một viên công an bóp miệng không cho phát biểu ý kiến. Ngày 30/4/2007, đài BBC (London) loan tin ông Võ Văn Kiệt, cựu thủ tướng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), lên tiếng kêu gọi hòa giải dân tộc. Ông Kiệt lập luận rằng: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào.”









Võ Văn Kiệt: Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình,... (Nhưng độc quyền cai trị vẫn chỉ có 1 đảng cộng sản Việt Nam!)
Nguồn: baokhanhhoa.com.vn


Hai sự kiện nầy xem ra mâu thuẫn nhau, nhưng thật sự có thể có liên hệ nhân quả với nhau vì hai lẽ. Thứ nhất, hình ảnh linh mục Nguyễn Văn Lý bị bóp miệng được truyền đi nhanh chóng khắp thế giới, làm hại không ít uy tín ngoại giao của nhà nước Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Vì vậy, CSVN phải tìm cách chữa lửa. Phát biểu của ông Võ Văn Kiệt ngày 30/4/2007, đúng một tháng sau vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, với phóng viên đài BBC là một vòi nước nhỏ góp phần chữa đám cháy lớn. Ông Kiệt chọn đài BBC để phát biểu vì hy vọng có thể đài BBC sẽ dịch bản tin và bài phát biểu của ông qua Anh ngữ, để cho các nước Tây phương nghe, nhằm xoa dịu bớt dư luận phương tây.

Thứ hai, dưới chế độ CSVN, có một câu cách ngôn để sống còn: “Đảng gọi thì dạ. Đảng không gọi thì không dạ. Đảng gọi mà không dạ là không được. Đảng không gọi mà dạ cũng không được.” Nhắc lại câu cách ngôn nầy để hiểu rằng không phải tự nhiên lần nầy ông Võ Văn Kiệt lại lên tiếng hòa giải.

Không kể những nhà tranh đấu dân chủ, ngay cả những uỷ viên bộ chính trị, những tướng lãnh cao cấp, phát biểu ý kiến linh tinh mà không có lệnh của lãnh đạo đảng CS, hay đi ra ngoài đường lối đảng CS, đều bị bắt giam hoặc bị tiêu diệt, mà điển hình nhất là ông Trần Xuân Bách, một uỷ viên bộ chính trị đương quyền, vì hô hào mở rộng dân chủ, mà bị giam cho đến chết.

Vậy ông Võ Văn Kiệt, một uỷ viên bộ chính trị về hưu, tuy phát biểu ý kiến có tính cách riêng tư, nhưng chắc chắn không phải tự ý ông có quyền phát biểu, mà phải có lệnh, ông mới dám phát biểu. Nếu không có lệnh, ông Kiệt sẽ bị “biện pháp xử lý thích đáng” (từ ngữ của CS); nếu cần và dễ dàng nhất, là cho niêm phong tài sản kếch sù của bà vợ ông, hoặc cho tông xe chết, như kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Những điều ông Võ Văn Kiệt phát biểu chắc chắn phải nằm trong phương pháp “tung hứng” của đảng CSVN, về đường lối đối ngoại của đảng CSVN hiện nay.

Hơn nữa, đây không phải là lần đầu tiên ông Võ Văn Kiệt nói đến chuyện hòa giải. Ông Kiệt làm thủ tướng chế độ CSVN từ ngày 8/8/1991 đến ngày 25/9/1997. Năm 1993, khi tổ chức đón tiếp 173 người Việt ở hải ngoại tại Hà Nội, mà CSVN gọi là Việt kiều, về Việt Nam ăn Tết năm quý dậu (1993), lần đấu tiên, ông Kiệt đã đề cập đến việc hòa giải dân tộc. Lời kêu gọi của một thủ tướng CSVN phải được hiểu là chính sách của đảng CSVN, chứ không phải là sáng kiến cá nhân của ông Võ Văn Kiệt. Vì vậy, sau vụ linh mục Nguyễn Văn Lý, đảng CSVN tái sử dụng cái loa Võ Văn Kiệt, để tìm cách vớt vác uy tín ngoại giao.

Là người Việt Nam, ai cũng yêu chuộng hòa bình. Từ thuở xa xưa, khát vọng hòa bình của người Việt Nam thể hiện rõ qua những địa danh khắp nước. Ví dụ Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Ninh, Quảng Yên, Ninh Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hòa, Tuy Hòa, Bình Thuận, Biên Hòa, Bình Dương ... Ít có dân tộc nào trên toàn cầu mà địa danh mang tính chất hòa bình như Việt Nam. Đặc biệt, nhịp cầu nối liền bắc nam khi đất nước bị chia hai năm 1954 cũng có một cái tên rất hòa bình, là cầu Hiền Lương (sông Bến Hải, Quảng Trị).

Trong khi đó, lịch sử Việt Nam hầu như là lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm. Thỉnh thoảng diễn ra những cuộc tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa các dòng họ vua chúa trong nước, nhưng dân chúng luôn luôn sinh sống trong không khí ôn hòa, không hận thù, không xâu xé lẫn nhau. Ngay cả khi Trịnh Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, dân chúng hai miền nam bắc cũng sống yên ổn, di chuyển qua lại và liên lạc với nhau bình thường.

Tinh thần hòa ái nầy chấm dứt khi Hồ Chí Minh thành lập đảng Cộng Sản, du nhập học thuyết Mác-xít, chủ trương đấu tranh giai cấp, cổ võ người Việt đánh phá, tiêu diệt người Việt, nhất là từ các cuộc cải cách ruộng đất vào đầu thập niên 50, trong đó con cái đấu tố cha mẹ, vợ đấu tố chồng, anh em đấu tố lẫn nhau, làm đảo lộn luân thường đạo lý Việt Nam, và gây nghi kỵ, chia rẽ ngay cả giữa những người trong cùng một gia đình.

Về chính trị, đảng Cộng Sản Việt Nam, dưới nhiều danh xưng khác nhau, luôn luôn chủ trương độc tôn quyền lực, tiêu diệt tất cả các thành phần đối lập, những thành phần không đồng chính kiến, kể cả những người chẳng tham gia chính trị. Đảng CSVN không bao giờ chia quyền cho bất cứ ai. Không khí chính trị dưới chế độ CS là không khí bạo lực. Bạo lực để chiếm quyền lực, độc tôn quyền lực, và duy trì quyền lực. Thỉnh thoảng, gặp một số trở ngại nào đó, thì CSVN mới nói đến chuyện hòa giải. Sau đây là vài kinh nghiệm nổi bật về việc hòa giải của CSVN trong lịch sử.

2. Kinh nghiệm hoà giải trong lịch sử

Năm 1945, sau khi chiếm được chính quyền, Hồ Chí Minh và Việt Minh (VM) cộng sản lâm vào thế bí, gặp ba áp lực cùng một lúc. Đó là: Thứ nhất các tướng lãnh Trung Hoa đưa quân vào Việt Nam theo quyết định của tối hậu thư Potsdam.(1) Thứ hai, các lãnh tụ Việt Nam Cách mạng Đồng Minh Hội (Việt Cách) và Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) từ Trung Hoa về Việt Nam theo quân Trung Hoa, quyết liệt chống đối Hồ Chí Minh và VM. Thứ ba người Pháp theo người Anh tái chiếm Sài Gòn và miền Nam, muốn tiến quân ra Bắc, tái chiếm toàn bộ Đông Dương. Lúc đó, chính phủ VM yếu kém về mọi mặt. Việt Minh là một mặt trận của đảng Cộng Sản Đông Dương, trên toàn quốc chỉ có khoảng 5.000 đảng viên mà thôi.(2)

Để hóa giải tình trạng nầy, ngày 11/11/1945, Hồ Chí Minh tuyên bố giải tán đảng Cộng Sản Đông Dương và thành lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mã Khắc Tư [Mác-xít] do Trường Chinh làm tổng thư ký, nghĩa là đảng CSĐD rút lui hoạt động bí mật. Bước lùi chiến thuật nầy tương tự như bước lùi của Liên Xô, khi giải thể Đệ tam Quốc tế ngày 15/5/1943.

Ngày 23/12/1945, đại diện của VM họp với đại diện Việt Cách và VNQDĐ tại số 40 đại lộ Gia Long (Hà Nội), ký thỏa ước gọi là “hợp tác tinh thành”, gồm 18 điểm, đại khái là:

– Từ ngày 1/1/1946, một chánh phủ liên hiệp sẽ được thành lập do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch. Nội các gồm VM (2 ghế), Việt Cách (2 ghế), QDĐ (2 ghế), Dân Chủ (2 ghế), độc lập (2 ghế). – Quốc hội sẽ được tổ chức bầu cử ngày 6/1/1946. – QDĐ giữ 50 ghế, Việt Cách 20 ghế. – Các đảng cam kết không gây hấn với nhau

Chính phủ Liên hiệp ra đời tại Hà Nội ngày 1/1/1946, và cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên ở Việt Nam được tổ chức ngày 6/1/1946 trên toàn quốc. Quốc hội mới họp kỳ thứ nhất ngày 2/3/1946, cử ra chính phủ Liên hiệp kháng chiến, gồm cả những nhân vật không cộng sản như Nguyễn Hải Thần (phó chủ tịch), Huỳnh Thúc Kháng (bộ trưởng Nội vụ), Nguyễn Tường Tam (bộ trưởng Ngoại giao)...









“Bác” Hồ tặng ảnh cho Salan: “Tặng tướng Salan, tình bạn tuyệt vời” (Tướng salan có tham dự lễ ký hiệp định sơ bộ 6/3/46)
Nguồn: salan.asso.fr


Dùng danh nghĩa chủ tịch chính phủ liên hiệp, Hồ Chí Minh ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6/3/1946 với đại diện Pháp là Jean Sainteny, để tạm hòa hoãn với Pháp. Lúc đó, Pháp đã ký với Trung Hoa hiệp định ngày 28/2/1946, theo đó Trung Hoa chịu rút quân khỏi Bắc Kỳ và để cho Pháp thay thế ở Việt Nam.

Thi hành hiệp định Pháp Hoa, tướng Lư Hán cùng bộ tham mưu rời Hà Nội ngày 25/6/1946 về Trung Hoa. Lư Hán thuộc Quốc Dân Đảng Trung Hoa, thường ủng hộï Việt Cách và QDĐ. Nay tướng Lư Hán rời Việt Nam, VM không còn bị cản trở. Tức khắc VM liền quay qua khủng bố tiêu diệt hai đảng nầy, bất kể cuộc “hợp tác tinh thành” đã được thỏa thuận giữa các đảng phái ngày 23/12/1945 tại Hà Nội.

Ngoài việc thực hiện kế hoạch “giết tiềm lực”, tức tàn sát tất cả những cá nhân có khả năng (tiềm lực) đối kháng với VMCS trên toàn quốc, thì cuộc “hợp tác tinh thành” tại Hà Nội ngày 23/12/1945 là kinh nghiệm xương máu cho các đảng phái theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc trong việc hòa giải với cộng sản.

Thông thường, mức độ cao nhất của sự hòa giải là việc ký kết hiệp ước giữa hai bên đối kháng, để giải quyết cuộc tranh chấp. Những hiệp ước nầy càng có giá trị nếu càng được nhiều nước trên thế giới, nhất là các cường quốc, công nhận sự ký kết giữa các bên. Những bên ký kết phải tôn trọng những điều mình đã cam kết, ghi lại trên giấy trắng mực đen và có nhiều người làm chứng. Những người làm chứng là đại diện các quốc gia trên thế giới.

Cộng Sản Việt Nam liên tiếp ký kết các hiệp định Geneva (20/7/1954) và hiệp định Paris (27/1/1973), và được đại diện nhiều nước trên thế giới chứng nhận, nhưng bất chấp dư luận quốc tế, trước sau CSVN đều vi phạm những điều do chính họ ký kết. Hai hiệp định nầy đối với người Việt Nam quá rõ ràng nên không cần nhắc lại ở đây. Như thế những hiệp định hòa giải chẳng qua chỉ tạo cơ hội tạm nghỉ cho CSVN, để CSVN lấy sức mà tiếp tục gây hấn, thực hiện mục tiêu xâm lăng mà thôi.

3. Hoà giải với ai?

Chọn thời điểm 30/4/2007, kỷ niệm ngày chế độ miền Nam bị sụp đổ, ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải xem ra có vẻ hợp thời. Câu hỏi đặt ra ở đây là đảng CSVN muốn cho ông Võ Văn Kiệt kêu gọi hòa giải dân tộc với ai? Với những thành phần đối kháng trong nước, hay với khối người Việt ở hải ngoại? Để trả lời câu hỏi nầy, trước hết, xin nhắc lại hai sự kiện căn bản gần đây:

Thứ nhất, ngày 26/3/2004, Bộ chính trị đảng CSVN đưa ra nghị quyết 36/NQ/TW, nhắm lôi kéo người Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về hợp tác với nhà nước CSVN. Từ đó, đảng CSVN tìm tất cả các cách để thực hiện nghị quyết nầy, dưới nhiều hình thức khác nhau, mà rõ ràng nhất là xuất cảng những chương trình văn nghệ để tiếp thị.

Thứ hai, sau những cuộc thương thuyết khó khăn và lâu dài, Việt Nam trở thành hội viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) kể từ 11/1/2007. Tranh đấu để được vào WTO là chuyện khó. Vào WTO để hoạt động hữu hiệu là một chuyện khó hơn nữa. Muốn thế, Việt Nam cần phải cải tổ nhiều chuyện, từ cơ chế quản lý kinh tế, đến luật lệ thương mại trong nước... để thích ứng với luật lệ quốc tế, lôi cuốn đầu tư. Một trong những mục tiêu mà CSVN muốn nhắm đến là khối người Việt ở hải ngoại, hiện nay lên đến khoảng gần 3 triệu người, với nhiều tiềm năng chất xám và kinh tế tài chánh.

Như thế, rõ ràng lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt nhắm phụ hoạ với đảng CSVN, vớt vát uy tín ngoại giao sau vụ linh mục Nguyễn văn Lý, muốn hòa giải với người Việt ở hải ngoại, để kêu gọi người Việt hải ngoại về nước đầu tư. Nếu quả thật đảng CSVN muốn hòa giải với người Việt hải ngoại, thì câu trả lời thẳng thắn và rõ ràng là: hiện nay người Việt hải ngoại không có nhu cầu hòa giải với đảng CSVN. Lý do thật đơn giản: người Việt hải ngoại không có nhu cầu trở về Việt Nam lập nghiệp trở lại. Khi bỏ nước ra đi tìm tự do năm 1975, lúc đầu người Việt gặp muôn vàn khó khăn trở ngại trên bước đường lập nghiệp tại quê hương mới. Dần dần, người Việt ổn định cuộc sống và nhờ tính cần cù, nhẫn nại, tiết kiệm, người Việt càng ngày càng thành công về nhiều mặt ở nước ngoài. Nay người Việt hải ngoại đã yên ổn tại các nước định cư. Tương lai gia đình, con cháu người Việt hải ngoại hoàn toàn tùy thuộc vào các nước định cư, chứ chẳng mấy liên hệ gì đến nhà nước Việt Nam cộng sản.

Cuộc sống hiện nay của người Việt hải ngoại khác xa với cuộc sống hiện nay ở trong nước dưới chế độ CSVN, nhất là về văn hóa, tôn giáo, chính trị, tự do, dân chủ. Quen hít thở không khí tự do dân chủ ở nước ngoài rồi, không một người Việt nào muốn trở về nước để bị ngộp thở dưới chế độ toàn trị của CSVN. Ngay cả thế hệ người Việt thứ hai hay thứ ba ở hải ngoại, học hành, đỗ đạt, làm việc và sống trong xã hội dân sự trật tự, tự do dân chủ, cũng không thể thích ứng nổi sự trì trệ, vô pháp luật của một xã hội cộng sản toàn trị tham nhũng.

Hằng năm, có hàng trăm ngàn người Việt về nước du lịch, thăm viếng bà con. Tuy nhiên, về rồi lại đi, chứ hầu như rất ít người ở lại sinh sống hẳn trong nước. Thậm chí, có một số ít người ở hải ngoại to tiếng ca tụng cộng sản, có thể vì muốn tự làm nổi bật, hoặc tìm thêm một tý lợi danh sau khi đã đầy đủ ở hải ngoại, chứ những kẻ này cũng chẳng muốn về ở lại trong nước. Ngay cả mấy ông nhà văn thiên tả, đem sách về nước in ấn, cũng chẳng có tên nào chịu về nước định cư, để có kinh nghiệm thực tế cho công việc viết văn của mình.

Trong vài năm gần đây, nhà nước CSVN bày trò vinh danh một số trí thức người Việt ở hải ngoại. Xin thử hỏi những kẻ nầy có mấy ai dám khăn gói đem vợ con về nước sinh sống hay không? Ai dại gì về nước để đưa đầu cho CSVN hành hạ? Gương Trần Đức Thảo còn đó, gương Nguyễn Mạnh Tường, Phùng Quán còn đó. Hoặc gương Trịnh Vĩnh Bình ở Hòa Lan và công ty Tín Thành còn quá mới.

Như thế, nếu CSVN muốn hòa giải, thì không phải là hòa giải với người Việt hải ngoại, mà phải hòa giải với người trong nước.

Toronto, 3/5/2007

Trần Gia Phụng

(còn tiếp)
Trích DCVOnline



(1) Tại Âu Châu, sau khi Đức đầu hàng ngày 7/5/1945, quốc trưởng các nước Anh, Mỹ Liên Xô họp tại Potsdam, một thành phố nhỏ gần Berlin (Đức), từ 17/7 đến 2/8/1945 để bàn về tương lai thế giới. Riêng về Á Châu, vì Nga chưa tham chiến, nên Anh, Mỹ, Trung Hoa Dân Quốc gởi tối hậu thư ngày 26/7/1945 cho Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng vô điều kiện. Tại Đông Dương, sau đầu hàng, quân Nhật sẽ bị Trung Hoa giải giới ở bắc vĩ tuyến 16 (ngang Tam Kỳ) và Anh ở nam vĩ tuyến 16.
(2)Philippe Devillers, Histoire du Viet/Nam de 1940 aø 1952, Paris: Editions du Seuil, 1952, tr. 182.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn