BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73240)
(Xem: 62215)
(Xem: 39397)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Mồng 1 Tết năm nay, ngày 17 hay 18 tháng 2, 2007?

05 Tháng Giêng 200712:00 SA(Xem: 878)
Mồng 1 Tết năm nay, ngày 17 hay 18 tháng 2, 2007?
52Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
52
Năm Bính Tuất sắp hết. Năm Đinh Hợi gần tới. Dư luận người Việt trong và ngoài nước xôn xao, vì các lịch mới phát hành vào đầu năm 2007 trong và ngoài nước khác nhau ngày đầu năm Đinh Hợi. Theo lịch trong nước, ngày Mồng Một Tết năm nay là ngày 17/2/2007 so với dương lịch. Theo lịch ngoài nước, ngày Mồng Một Tết năm nay là ngày 18/2/2007. Câu hỏi đặt ra là tại sao có sự khác biệt nầy?

Trước hết, cần chú ý là bên cạnh dương lịch, tính theo chu kỳ vận chuyển của quả đất quanh mặt trời, truyền thống dân Việt chúng ta còn dùng âm lịch, tính theo chu kỳ chuyển động của mặt trăng quanh quả đất, trong một số việc gia đình, nông tang…Âm lịch mỗi năm có 24 tiết, mỗi tiết trung bình khoảng 15 ngày. Kinh nghiệm cho thấy âm lịch sai lệch khá nhiều so với thực tế diễn biến của thời tiết, nên người ta phải dùng dương lịch để điều chỉnh, và âm lịch ngày nay không còn là âm lịch thuần túy, mà là âm dương lịch với những tháng nhuận khác nhau tùy theo từng năm.









12 con giáp
Nguồn: portal.chinese.pl


Trong dương lịch, mỗi ngày có 24 giờ. Trong âm lịch, mỗi ngày có 12 giờ. Người xưa lấy tên 10 thiên can và 12 địa chi ghép lại với nhau để đặt tên giờ. Mười thiên can là giáp, ất, bính, đinh, mậu, kỹ, canh, tân, nhâm, quý; và 12 địa chi là tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Bội số chung của 10 thiên can và 12 địa chi là 60. Do đó, cứ sau 60 ngày, thì có một ngày mang đầy đủ thiên can và địa chi giống nhau tái hiện. (Ví dụ ngày 1 là ngày giáp tý, thì ngày thứ 61, thứ 121, 181… cũng là ngày giáp tý. Ngày 2 là ất sửu, thì ngày thứ 62, thứ 122, 182 … là ngày ất sửu. Cứ thế xoay vần cho đến hết 60 ngày, là hết một lục thập hoa giáp, rồi bắt đầu trở lại.) Đó là quy ước chung về việc dùng 10 thiên can và 12 địa chi để đặt tên giờ, ngày, và năm theo âm lịch.

Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, trong bài nghiên cứu về “Lịch và lịch Việt Nam”, thì một ngày bắt đầu từ “nửa đêm nầy đến nửa đêm sau”, và ngày sóc là ngày đầu tháng (mồng một), bắt đầu từ nửa đêm mang điểm “định sóc”.(1) Về vấn đề giờ tý là giờ đầu ngày, cũng trong bài nghiên cứu trên, và trong mục “Giờ và khắc”, giáo sư Hoàng Xuân Hãn thêm rằng: “Có điều lạ là trong một ngày, có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau đứng vào đầu ngày, một nửa trước ở cuối. Có lẽ vì sự ấy, các giờ cũ khác cũng được chia làm đôi: nửa giờ đầu xưng tính rằng sơ, nửa sau rằng chính…”(2)

Lý luận của giáo sư Hoàng Xuân Hãn có vài điểm cần phải xét lại:

1) Thứ nhất chữ “sơ”, trong mỗi giờ (sơ tý, sơ ngọ…) không nhất thiết bắt nguồn từ việc có hai nửa giờ tý, các giờ khác mới được chia hai như thế. Thông thường, người xưa (Trung Hoa và Việt) thường dùng chữ “sơ” để chỉ phần khởi đầu của một giai đọan, hay thời khắc nào đó: Thời sơ Nguyễn (đầu đời nhà Nguyễn), sơ tuần tháng giêng (vào đầu tháng giêng)…, nên đầu giờ là sơ, và sơ tý chỉ có nghĩa là đầu giờ tý chứ không nhất thiết là “nửa đầu giờ tý”.

1) Nếu dựa vào lối chia giờ trong ngày theo âm lịch, một ngày chia thành 12 giờ, mà nói theo giáo sư Hãn, “có hai nửa giờ tý không liên tục: một nửa sau (chính tý) đứng vào đầu ngày, một nửa trước (sơ tý) ở cuối ...”, thì từ xưa đến nay, chưa có sử sách nào ghi theo cách nầy cả. Ví dụ: từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm là sơ tý, vậy từ 11 giờ đêm đến 12 giờ đêm ngày mồng 1 là sơ tý của ngày nào? Nếu là của ngày trước, tức của ngày mồng 1, thì vô lý vì sơ sao lại cuối ngày? Sử sách chưa bao giờ viết rằng giờ Tý đầu ngày, hay giờ Tý cuối ngày, bởi vì như thế thì người ta sửa lại cách chia và đặt tên giờ cho dễ gọi, chứ không ai gọi giờ Tý đầu ngày và giờ Tý cuối ngày cho rắc rối

3) Từ khi có dương lịch, mới có việc chia mỗi ngày thành 24 giờ, chứ trước đây, khi sáng chế ra âm lịch, và chưa có dương lịch, người xưa đâu có tính giờ theo số học, và giờ tý là giờ bắt đầu trong ngày, dù sơ tý hay chính tý, cũng đều nằm trong giờ tý.

Riêng về việc tính lịch năm nay, trên nhật báo Nhân Dân ngày 19/6/2006, ông Trịnh Tiến Điều, Trưởng ban Lịch nhà nước thuộc Viện Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam, đã trình bày về lý do tại sao lịch trong nước chọn ngày 17/2/2007 là ngày Mồng Một Tết như sau:



“Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây (giờ GMT), nếu cộng thêm bảy giờ (múi giờ Việt Nam) là 23 giờ 15 phút 23 giây, vẫn trong ngày, nên lịch Việt Nam ghi Mồng Một Tết âm ứng với 17 tháng 2 dương lịch là đúng. Nếu cộng tám giờ (múi giờ Bắc Kinh) thì sang ngày hôm sau, nên lịch Trung Quốc ghi Mồng Một Tết âm ứng với 18 tháng 2 dương lịch là đúng với âm lịch Trung Quốc. Ngày dương và ngày can chi vẫn như nhau.”




Lý luận theo ông Trịnh Tiến Điều, có điểm cần lưu ý: Đã tính ngày âm lịch, thì phải tính theo giờ âm lịch, chứ sao lại tính theo giờ dương lịch? Giờ âm lịch ở đây phải là giờ âm lịch Việt Nam. Nếu tính theo múi giờ 7 là múi giờ Hà Nội mà ông Trịnh Tiến Điều dùng, thì theo quy ước về âm lịch Việt Nam, giờ tý bắt đầu từ 11 giờ khuya (tức 23 giờ) đến 1 giờ sáng.(3) Nếu tính theo múi giờ 8 là múi giờ Bắc Kinh, thì giờ tý bắt đầu từ 12 giờ khuya (tức 0 giờ) đến 2 giờ sáng.(4)

Như thế, dù “Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây (giờ GMT), nếu cộng thêm bảy giờ (múi giờ Việt Nam) là 23 giờ 15 phút 23 giây” như lời ông Trịnh Tiến Điều, thì ở Việt Nam, dầu theo múi giờ 7 hay múi giờ 8, thì điểm sóc đã ra khỏi giờ hợi (cuối ngày) của ngày hôm trước, và rơi vào giờ tý (từ 11 giờ đến 1 giờ) đầu ngày của ngày hôm sau. Vậy dầu là múi giờ 7 hay múi giờ 8, đều là giờ tý của ngày Mồng Một Tết, mà tính theo dương lịch năm nay là ngày 18/2/2007.

Ngoài ra, theo kinh nghiệm của những người làm lịch thời xưa, muốn biết Mồng Một Tết năm sắp tới là ngày nào, thì cứ lục lại lịch cũ, tìm ngày rằm tháng 2 cách 8 năm trước, thì biết ngày Mồng Một Tết năm đó. Kinh nghiệm nầy được truyền miệng qua các câu phú sau đây:

“Tiền bát chi niên nhị nguyệt trung (Tám năm trước, giữa tháng 2)
Hậu gia nguyên đán tiện tương đồng (Ngày nguyên đán (người) sau tương đồng (với ngày nầy))
Mỗi nguyệt thập ngũ vi sơ nhất (Thường tháng (đó) ngày 15 làm ngày mồng một)
Thiên niên vạn tải bất sai phùng.” (Hàng ngàn vạn năm không sai được.)


Tám năm trước của năm 2007 (đinh hợi) là năm 1999 (kỷ mão). Ngày rằm tháng 2 năm kỷ mão là ngày “quý mùi”. Xét trong tháng 2/2007, ngày “quý mùi” rơi vào ngày 18/2/2007 dương lịch, đúng như lịch ở hải ngoại, chứ không phải là ngày 17/2/2007 như lịch phát hành ở trong nước hiện nay.

Sự khác biệt về âm lịch năm nay bắt nguồn từ việc đổi âm lịch từ năm 1968 ở Bắc Việt. Theo những nhà làm lịch của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam năm 1967, khi đổi âm lịch năm 1968, các ông cho biết: “Cụ thể là, từ năm 1968 đến năm 2000 có tất cả 29 ngày tiết và 26 tháng âm lịch thiếu, đủ khác với lịch cũ. Sự khác nhau đó đưa đến kết quả là, so với lịch cũ, ngày Tết Mậu Thân (1968) và Kỷ Dậu (1969) sớm hơn một ngày. Ngày Tết Ất Sửu (1985), sớm hơn một tháng…”(5)

Đổi âm lịch vì lý do chánh trị và quân sự là một việc đặc biệt (sẽ có bài viết sau), nhưng sau đó vẫn giữ âm lịch nầy đến nỗi “Ngày Tết Ất Sửu (1985), sớm hơn một tháng”, làm hại cho dân chúng trong nước không ít. Nông dân Việt Nam không được hướng dẫn thời tiết như các nước tiến bộ, nên thường căn cứ trên âm lịch để gieo trồng, cày cấy. Âm lịch năm 1985 lệch đi một tháng làm cho nông dân rất lúng túng. Sự thay đổi thời tiết trong năm đó rõ ràng không tương ứng với âm lịch do nhà nước ban hành.

Việc nầy thấy rõ trong các đồn điền (nông trường) cao su ở miền Nam năm 1985. Hằng năm, công nhân đồn điền cao su nghỉ Tết âm lịch một tháng. Có hai lý do chánh: Thứ nhất, công nhân cao su thường là dân tứ xứ, từ các nơi khác đến làm ăn. Nghỉ một tháng để cho công nhân có thời giờ về thăm gia đình, quê nhà ở xa. Thứ hai, năm nào cũng vậy, mùa Tết là mùa rụng lá cao-su. Khi cây cây cao-su rụng lá, chồi non bắt đầu nhú ra và lớn dần. Lúc đó, cây cao su rất yếu, cần nghỉ ngơi, nên không cạo mủ được. Vì vậy cần phải nghỉ một tháng để cây cao-su mạnh trở lại mới cạo mủ. Riêng năm 1985, sau khi nghỉ Tết một tháng (không lương), công nhân trở về lại sở làm, thì cây cao-su mới bắt đầu rụng lá, nghĩa là âm lịch năm nầy không phù hợp với sự thay đổi của thời tiết thiên nhiên, và Tết được tính sai khoảng một tháng. Công nhân phải nghỉ thêm một tháng (không lương) nữa. Đã nghèo đói lại càng nghèo đói thêm, vì lịch nhà nước tính sai. Điều nầy không phải chỉ là kinh nghiệm của một vài rẫy (đồn điền) cao su, mà cứ về Long Khánh, Bà Rịa hỏi toàn thể các rẫy cao-su thì sẽ được kể rõ hơn. Năm đó, người Việt hải ngọai chỉ chú trọng đến việc công an nhân dân bắt bớ những người vui Tết trễ một tháng ở thành phố, nhất là ở Chợ Lớn, nên ít chú ý đến đời sống ở các đồn điền xa thành phố.

Tóm lại, “ Điểm sóc tính cho Mồng Một Tết là 16 giờ 15 phút 23 giây (giờ GMT), nếu cộng thêm bảy giờ (múi giờ Việt Nam) là 23 giờ 15 phút 23 giây” là chuyện không có gì bàn cãi, nhưng vì lấy giờ “dương lịch” (23 giờ 15 phút 23 giây) để gán vào ngày âm lịch (Mồng Một Tết) nên những nhà lịch pháp nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã cho rằng 23 giờ 15 phút 23 giây, vẫn còn thuộc vào ngày 17/2/2007 (tương đương ngày nhâm ngọ), chứ không phải là giờ tý ngày quý mùi (tương đương ngày 18/2/2007).

Sự giải thích nầy của ban Lịch nhà nước thuộc Viện Khoa Học Và Công Nghệ Việt Nam đưa đến việc năm nay lịch trong và lịch ngoài nước khác biệt một ngày, thì cũng ít tai hại. Tuy nhiên, nếu tiếp tục với lối tính toán nầy, theo chu kỳ tuần hoàn, đến một lúc nào đó sự sai biệt sẽ đưa đến việc sai biệt một tháng so với thời tiết thiên nhiên như năm 1985, thì nhà nước cộng sản thời WTO có lẽ nên xét lại thật kỹ cho bà con nông dân trong nước đỡ khổ, tránh tái diễn cảnh năm 1985. Nên nhớ rằng hiện nay, nông dân vẫn còn chiếm khoảng 70% dân số hoạt động ở Việt Nam, và vẫn còn lạc hậu, thiếu thông tin khí tượng để lo việc điền trang, nên vẫn cần phải nhờ vào âm lịch để làm việc.

Toronto, 5/1/2007


Trần Gia Phụng

Trích DCVOnline


(1) Hoàng Xuân Hãn, “Lịch và lịch Việt Nam”, đăng trong La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập 1, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tt. 860, 874.
(2) Hoàng Xuân Hãn, sđd. tr. 861. Câu “…có hai nửa giờ tý không liên tục…” do người viết in đậm.
(3) Vân Đàng Thái Thứ Lang, Tử vi đẩu số tân biên, Sài Gòn: Tín Đức Thư Xã, 1957, tr. 10.
(4) Hà Lạc Dã Phu Việt Viêm Tử, Tử vi ảo bí, Sài Gòn, 1972, tr. 12.
(5)Nha Khí Tượng Việt Nam, Lịch thế kỷ XX (1901-2000), Hà Nội: Nxb. Văn Hóa, 1982. “Lời giới thiệu của Nha Khí Tượng”, không ghi số trang.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn