BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73354)
(Xem: 62245)
(Xem: 39432)
(Xem: 31177)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Những Người Vượt Chết Từ Lửa

01 Tháng Giêng 200312:00 SA(Xem: 945)
Những Người Vượt Chết Từ Lửa
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
Giết! Giết! Giết! Quý Bạn khi nghe, đọc những chữ trên hẳn có ý nghĩ.. Đây là hiệu lệnh của một nhóm quân lính đang lúc huấn luyện về một môn học tác chiến; hoặc của đám người chuyên nghiệp binh đao hò hét trong cơn giao tranh. Hoàn toàn không phải như thế - Đây là câu mở đầu của những đoạn chữ viết gọi là "thơ"!!

Quả thật chúng tôi (dẫu đã sống qua thời gian dài lửa đạn) vẫn có cảm giác rờn rợn kinh sợ khi gọi đến những chữ, nghĩa gớm tởm kia với ngữ tự cao quý "Thơ"- Bởi hằng có quan niệm - "Thơ" của người Phương Đông từ bao đời nay vốn mang một tính chất cao viễn như định nghĩa: "Văn hóa Trung Hoa cũng như văn hoá Ấn Độ, hai nền văn hóa chính yếu của Châu Á đều lấy điểm xuất phát ở hồn thơ; ở Trung Hoa thì hồn thơ Kinh Thi, ở Ấn Độ thì hồn thơ Veda. Thơ là gì? Nếu chẳng phải như Phạm Quỳnh đã giới thuyết hết sức giản dị là: "Cái sức cảm động của lòng người đối với cảnh thiên nhiên, và cảnh nhân thế; cảm động một cách êm đềm thanh thú, diễn ra những lời êm ái dịu dàng"." (Lời Giới Thiệu của Giáo Sư Nguyễn Đăng Thục tập Kinh Thi Quốc Phong - Bản dịch của Kim Y Phạm Lệ Oanh, Cành Nam Publicshers, VA, USA 1997). Ở phương Tây, nếu không đặt cho Thơ những ý hướng, định nghĩa vinh hiễn như trên thì (thi nhân) cũng giao phó cho Thơ những tánh hạnh thanh cao, nhân bản, tinh tế: "Tôi phó thác mình theo những cách thế đáng ngợi ca: đọc, sống cùng câu, dòng chữ nghĩa. Những dòng chữ được viết nên. Âm hưởng chúng cô sắc. Nét rung động (của, với chữ) được hình tượng, do từ mặc tưởng tâm tư, kết tụ nên thành hình khối mỹ lệ, hay thanh khiết vang vọng."(Paul Valéry Poésies Gallimard, Paris, France 1942 p. 49). Trái lại, tiếp theo dòng gọi là "thơ giết người" kể trên, người cộng sản Việt Nam làm tiếp những "câu thơ mang đảng tính".. 

 Giết! Giết! Giết 
 Bàn tay không phút nghỉ 
 Để ruộng đồng thêm tốt lúa thêm xanh
 

Họ không giết những "kẻ thù không căn cước" suông bằng chữ nghĩa, mà xác định đối tượng (phải giết bỏ) với địa danh, thời điểm.. 

 Đẹp như Huế đầu Xuân dậy đỏ cờ (*) 
 Miền Nam trong lửa đạn sáng ngời .. 
 Tao đánh mầy hân hoan như sinh đẻ 
 Và vinh quang như xây dựng kỳ đài
 
 (*Xuân Mậu Thân, 1968) 

Thành tích giết người nầy không phải do nhu cầu chiến tranh "giải phóng Miền Nam" mà hình như là một bản năng thứ hai - bởi họ đã học tập thói giết người từ trái tim "giác ngộ vô sản".. 

 Ai về là Bái Hạ 
 Nhắn "vợ chồng thằng thu"(*) 
 Rằng chúng bay là lũ quốc thù!!
 
 (*) (Ông, Bà Ngô Xuân Thu, bố mẹ của người viết câu "thơ nguyền rũa")

Những câu trích dẫn trên không phải là sản phẩm tự nhiên nên có của những tên vô lại bạo ngược nào đó, nhưng là của ủy viên trung ương đảng Tố Hữu, của thi sĩ nhân dân Chế Lan Viên, Ngô Xuân Diệu.. những "nhà thơ lớn xã hội chủ nghĩa" của chế độ cộng sản Hà Nội suốt từ hơn nửa thế kỷ qua, được quảng bá, học tập, dạy dỗ đến tất cả các cấp của hệ thống giáo dục Miền bắc trước 1975, và sau nầy cho cả nước. Như thế là thế nào? Chúng ta có thể kết luận: Những lời thơ, chữ viết lềnh lầy ác độc máu me kia là nguyên động lực khởi đầu tối cần thiết, đồng thời cũng là sản phẩm tất yếu của một chế độ giết người. Chúng ta không nói quá lời- sợ rằng tiếng lời bình thường không nói đủ ý- bởi chế độ ấy đã khẳng định: "Đường vinh quang xây xác quân thù.." (Văn Cao, Tiến Quân Ca- Quốc Ca của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (1945-1976); Cộng Hòa XHCNVN (1976-) Phải, người cộng sản Việt Nam đã hát nên như thế, và đã thực hiện chính xác, đầy đủ như thế - Đấy là ngôn ngữ giết người được hệ thống hóa nên thành sách lược trấn áp. 

Nhưng đến đây, như một bước cuối cùng để bào chữa, người cộng sản Việt Nam có thể nại đến luận cứ: Họ phải có thái độ, hành vi ác độc như trên bởi "nhu cầu của cách mạng" trong giai đoạn "đấu tranh vì độc lập-dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội". Và dẫu chúng ta dù rộng lòng khoan thứ bao nhiêu cũng phải nhận ra, những lý lẽ trên không thể nào đứng vững.. Bởi, Người Việt nơi Miền Nam, ngay từ 1975 sau đoạt thắng oan nghiệt ngày 30 tháng Tư, giữa vây chặt của sự ác chuyên chính vô sản mệnh danh giải phóng đang đè nặng khắp cả nước, đã gióng lên ngọn lửa Đức Tin và Hy Vọng của tấc lòng không sợ hãi, khuất phục bạo lực. Ngày 22 tháng 11, 1975, Đại Đức Thích Huệ Hiền và tất cả tăng ni Chùa Dược Sư Cần Thơ đồng tự thiêu để phản đối những đàn áp bạo ngược mà chế độ mới đang manh tâm ti tiện thực hiện đối với Phật Giáo, cội nguồn sức mạnh tâm linh của dân tộc. Mười hai vị Tăng Ni đã để lại tuyệt mệnh thư hùng vĩ của Đại Lực Bi-Trí-Dũng: "Chúng tôi sắp sửa thể hiện việc thiêu thân để bảo toàn Chánh Pháp, để bảo vệ danh nghĩa tại điạ phương cũng như toàn quốc.. Hành động của chúng tôi ngày hôm nay là cố đem tấm nhục thân nầy làm bó đuốc soi sáng cho người mê muội, vô ý thức.. Chúng tôi Tăng, Ni Chùa Dược Sư thiết tha kêu gọi quý vị hãy tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo.. Chúng tôi quyết nguyện thiêu thân hôm nay vì chúng tôi nghĩ thà chết vinh hơn sống nhục, thà chết cho chân lý đạo nghĩa hơn sống mãi theo tà thuyết hại dân.." Từ sau ngọn lửa Pháp Đăng dậy nên từ Chùa Dược Sư hằng hằng lớp người tự nguyện tiếp tục đốt sáng ngọn lửa bất diệt về Tự Do song song với cuộc vượt biên vĩ đại mà toàn khối người Việt, không phân biệt trong Nam, ngoài Bắc đã thực hiện với chính xác thân mình để hiện thực điều thiêng liêng cao thượng - Chết hoặc được Sống Tự Do. Gương hy sinh vô úy, vô ngại được tiếp nối với: Bồ-Tát tại gia Phạm Gia Bình tự thiêu ngày 6 tháng 4, 1993 trên khu đất dự định xây Chùa Phật Giáo Connecticut; Phật Tử Nguyễn Ngọc Dung tự thiêu trước bảo tháp Thượng Tọa Thích Đôn Hậu (trong khuôn viên chùa Linh Mụ, Huế) ngày 21 tháng 3, cùng năm 93; Đại Đức Thích Huệ Thâu, trụ trì Tịnh Xá Ngọc Phật, Xã Ba Càng, Huyện Tam Bình, Vĩnh Long tự thiêu ngày 28 tháng 5, 1995; Cô Sabrine Kratze, sinh viên Phật Tử gốc người Đức quy y Tam Bảo tại Chùa Thiên Mụ Huế, tự thiêu ở khách sạn số 179 Đường Lý Tự Trọng, Quận I, Sài Gòn ngày 3 tháng 9, 1995.. Danh sách còn rất dài với Lão Bà Nguyễn Thị Thu hiến dâng nhục thân một cách sáng suốt bình thản ngày 19 tháng 3, 2001 để hiện thực cuộc thức tỉnh toàn dân tộc, và Huynh Trưởng Gia đình Phật Tử Hồ Tấn Anh nơi đất kiên trung Quảng Nam, Đà Nẵng tự thiêu đúng ngày 2 tháng 9, 2001 để nói lên cùng thế giới và đồng bào: "Thời điểm nầy năm 1945 ở Ba Đình, Hà Nội đã xẩy ra một sự kiện tráo trở ô nhục khi lịch sử bị chiếm dụng một cách đê tiên và xão quyệt." Đồng thời, các Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Phan Văn Lợi, tại Xã Nguyệt Biều, Thừa Thiên- Huế không hề đơn độc trong cuộc chiến đấu dũng cảm mà con người chỉ có thể thực hiện được với nguồn nội lực vô tận của Trái Tim cháy rực lửa Đức Tin, từ tấm lòng thắm thiết hơi thở Tự Do. 

Cuộc Chiến Đấu-Bất Bạo Động đối kháng Chế Độ Giết Người hiện nay đang tiếp tục sau những sự kiện thậm tệ đê tiện mà giới cầm quyền ở Việt Nam thô bạo áp đặt lên Quý Cao Tăng lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam: Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Viện Trưởng Viện Thăng Thống bị cô lập tại Tu Viện Nguyên Thiều, Bình Định; Hòa Thượng Thích Quảng Độ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo bị cô lập tại Thanh Minh Thiền Viện, Phú Nhuận Sài Gòn; Thượng Tọa Tuệ Sĩ bị quản chế tại Chùa Gìa Lam, Gia Định; Thượng Tọa Thích Viên Đỉnh tại Chùa Giác Hoa, Gia Định.. Nhưng tất cả sẽ là vô ích- Bởi Thượng Tọa Thích Thiện Hạnh, Chùa Báo Quốc, Huế (chiếc nôi khởi đầu bùng nỗ năm 1963) đã có lời khẳng quyết: "Mình sống cho Đạo và chết cho Đạo, không có gì phải ân hận cả. Quý Thầy hãy cố gắng lên. Chúng tôi đi trước, quý vị đi sau. Hãy sống cho mạnh mẽ, đừng để nhục cho người đời sau phải rũa" Lời Đại Cáo Hùng Vĩ nầy không phải lần đầu vang vọng trên Quê Hương - Thật đã soi rạng từ lâu -Từ Lửa Nhiệm Mầu Thích Quảng Đức: Lửa Tự Do. Lửa Đức Tin. 

Và chắc rằng giữa huy hoàng rạng rỡ của Ánh Lửa Trái Tim, Dân Tộc Việt sẽ đọc lên vang dội bản Tuyên Ngôn Tình Yêu Người của Tuệ Sĩ: 
 
 Mười năm đó anh quên mình sậy yếu 
 Trên vai gầy từ thuở dựng quê hương 
 Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu 
 Bản Tình Ca vô tận của Đông Phương. 
 Mong lắm thay! Tin lắm thay!
 

Phan Nhật Nam, Đúng 40 năm sau (1 tháng 11, 1963 - 2003).
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn