BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72810)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Sau Khi Đi Hết Biển

12 Tháng Giêng 200412:00 SA(Xem: 1089)
Sau Khi Đi Hết Biển
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00


Ông Trần Văn Thủy là một đạo diễn ở trong nước, được Trung tâm nghiên cứu William Joiner Center (WJC) thuộc Viện đại học UMass Boston mời cộng tác trong chương trình nghiên cứu mang tên "(Re)Constructing Identity and Place in Vietnamese Diaspora". Theo thông cáo của WJC, đề tài của ông Trần Văn Thủy là "Những Câu Chuyện của Người Việt", nhưng sách của ông do Nhà xuất bản Thời Văn ấn hành vào đầu năm 2004, tại Hoa Kỳ, mang tựa đề là Nếu đi hết biển (dày 193 trang). Sách gồm hai bài mở đầu và những bài ông Trần Văn Thủy phỏng vấn bảy người Việt và một người Mỹ, mà theo ông Kevin Bowen, giám đốc WJC, là "những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính, với những tiếng nói đa dạng và phong phú" (trích từ tr. 12).

Trong bài viết tựa đề "Nếu đi hết biển", ông Trần Văn Thủy kể lại rằng lúc nhỏ, ông rất khâm phục bà thím chăm sóc ông có tầm hiểu biết khá rộng, nhưng khi ông hỏi nếu đi hết biển sẽ đến đâu, thì bà thím không thể trả lời được. Sau nầy, khi khôn lớn, ra nước ngoài du học, ông mới tìm ra được câu trả lời. Đó là: "Một lần thắp hương bên mộ thím, tôi xót xa thì thầm với thím rằng: "Thím ơi! Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình, thím ạ." (trích từ trang 23)

Quả địa cầu hình tròn, phần lớn do biển bao bọc. Do đó trên lý thuyết, nếu một người đi một vòng quả đất thì sẽ trở lại khởi điểm. Ông Trần Văn Thủy ví von người vượt biên là người đi biển, và người vượt biên đi tìm đất sống, trước sau rồi một ngày kia sẽ trở về lại quê hương mình.

Đây là sự thật, ai cũng muốn tìm về quê hương, không phải vì đã đi hết biển, nhưng vì hồn thiêng sông núi, vì tình tự dân tộc luôn luôn âm thầm thúc đẩy mọi người tìm về cội nguồn xuất phát của mình, tìm về quê hương yêu dấu của mình. Tình tự nầy có tính cách thiêng liêng, phổ quát đối với tất cả mọi người, mọi thời trên thế giới, chứ không phải riêng của một sắc dân nào. "Chiều chiều ra đứng ngõ sau,/ Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều." (ca dao)

Có một câu hỏi cần đặt ra, dầu yêu nước, yêu nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng những người Việt Nam vượt biên, lập nghiệp ở những đất nước dân chủ tự do, khi đi hết biển, trở về quê mình, làng mình để làm gì và được làm gì dưới chế độ cộng sản mà họ đã trốn tránh?

Để làm gì thì chẳng làm gì được vì "Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện vẫn nắm quyền chính và không cho phép có sự bất đồng chính kiến nào..." (Xin xem xuất xứ câu nầy phía dưới.) Trước đây, có nhiều nhà thông thái lỡ tin vào chế độ cộng sản, trở về Việt Nam thì thân tàn ma dại suốt đời theo đúng nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ví dụ Trần Đức Thảo (1917-1993), Nguyễn Mạnh Tường (1909-1997). Trần Đức Thảo được xem là triết gia Việt Nam ngang hàng với Jean Paul Sartre (1905-1980) của Pháp. Nguyễn Mạnh Tường đậu lưỡng khoa tiến sĩ tại Pháp khi còn rất trẻ. Cả hai ông trở về phục vụ đất nước sau năm 1954, bị đảng Lao Động hành hạ và sống vất va vất vưởng, thì còn nhà trí thức nào dám trở về đóng góp với quê hương xã hội chủ nghĩa?

Hiện nay, mỗi năm khoảng vài trăm ngàn người về Việt Nam, nhưng họ về chỉ để thăm gia đình, thăm bạn bè, du lịch, và một số để hưởng thụ, rồi lại ra đi chứ chẳng có ai ở lại. Rõ ràng về Việt Nam chơi thì nhiều người về, còn về để trở thành công dân Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN) thì chẳng thấy ai về cả.

Ngay cả bảy nhà văn nhà báo Việt Nam ở hải ngoại mà ông Trần Văn Thủy phỏng vấn trong sách Nếu đi hết biển, tuy lời phát biểu được ông Thủy in lại thành sách, nhưng chẳng có ai chịu về trong nước sinh sống. Ai dại gì mà trở về Việt Nam để phải lâm vào thân phận những Phan Khôi (1887-1959), Trần Dần (1924-?), Phùng Quán (1932-1995)?

Ông Nguyễn Bá Chung, giữ chức vụ Residency Program Director trong chương trình của WJC, đã lớn tiếng cho rằng di tản "là mảnh vụn của sỏi đá / là giọt nước của ao tù / là tia nắng cuối cùng mong manh / là viên đạn lép / cuối lòng súng dỉ / là ngôn ngữ bất lực / của tháng ngày bất lực / là vết bầm cuối cùng..." (trích phần đầu bài thơ "Di tản" của Nguyễn Bá Chung). Ngôn ngữ của ông không khác gì các đài truyền thanh hoặc truyền hình CSVN, nhưng ông Chung không chịu về Việt Nam để gia nhập đội ngũ Bộ thông tin tuyên truyền Hà Nội, mà vẫn bám trụ ở Hoa Kỳ.

Ông Chung quên rằng những người di tản mà ông thóa mạ là công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa, quốc gia đã nuôi nấng, dạy dỗ và gởi ông đi du học. Trong số những người di tản đó có những bà con thân thuộc của ông, có những bậc chú bác thầy cô của ông, có những chiến binh đã hy sinh để bảo vệ miền Nam, giúp ông có cơ hội du học. Nếu không có họ, chưa chắc ông đã được qua Hoa Kỳ ăn học và nếu không có họ, chưa chắc ông có được ngày hôm nay. Không biết "những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính..." đã từng là người di tản nghĩ như thế nào về một kẻ đã miệt thị những người di tản như thế?

Về phần ông đạo diễn Trần Văn Thủy, khi qua tới Hoa Kỳ, ông lại có một ưu tư khác: "Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với Cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên một thím tôi: "...Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình..." Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Viết xa xứ "qua các đại dương vả các châu lục, đi mãi, đi mãi" mà cuối cùng không thể ’trở về quê mình, làng mình được." (trích từ trang 24)

Vấn đề đặt ra tại đây. Tại sao người ta "cuối cùng không thể ’trở về quê mình, làng mình được"? Trả lời câu hỏi nầy không phải về phía cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại, bởi vì đã làm người, ai cũng quyến luyến cố hương. Từ bao năm nay, trên bước đường lưu vong, biết bao nhiêu người Việt đêm đêm mộng du trở về ngôi nhà cũ, mái trường xưa, "hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa" (Kiều câu 2236). Do đó, hãy để cho những người đang làm chủ đất nước trả lời câu hỏi nầy. Theo đài BBC Luân Đôn ngày 4-5-2004, kết quả bản khảo sát mang tựa đề "Freedom of the Press 2004: A Global Survey of Media Independence", cho biết hiện nay ở trong nước "mọi cơ sở truyền thông đều nằm trong sự sở hữu hoặc kiểm soát của đảng Cộng Sản, các cơ quan nhà nước, hoặc quân đội và nhiều nhà báo thực thi việc kiểm duyệt..." ( bbcvietnamese.com, ngày 4-5-2004.)

Thông báo ngày 26-10-2004 của Hội Phóng Viên Không Biên Giới phổ biến tại Thụy Sĩ cho biết CHXHCNVN đứng thứ 161 trên 167 nước được khảo sát về sự tôn trọng Quyền tự do báo chí, thua xa nước Cambodia lân cận đứng thứ 109.( vietbao.com ngày 27-10-2004) Nói một cách khác, tính ngược lại thì CHXHCNVN đứng hạng thứ 7 trên thế giới về việc vi phạm quyền tự do báo chí. Báo chí chưa được tự do, thì làm gì có tự do xuất bản, tự do hội họp, tự do chính trị, tự do kinh doanh, tự do ngôn luận để ông Trần Văn Thủy có thể tự do đi lại, tự do phỏng vấn, và tự do in sách?

Cũng theo tin đài BBC Luân Đôn ngày 16-9-2004, ông John Hanford, Đại sứ đặc trách tự do tôn giáo tại Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, cho biết "Việt Nam là một quốc gia kiểm soát việc hành đạo rất chặt chẽ và có nhiều người đã bị bỏ tù vì dính líu đến tôn giáo, trong đó có đạo Phật, đạo Tin Là nh, Công giáo, Cao Đài, Hòa Hảo." Hoa Kỳ đã xếp Việt Nam vào danh sách những quốc gia đáng quan tâm đặc biệt vì "Hoa Kỳ nhận thấy Việt Nam vi phạm rất nghiêm trọng, thường là đối xử rất tệ với những người chỉ muốn hành đạo của họ trong hòa bình." (bbcvietnamese.com, ngày 16-9-2004)

Phóng viên đài BBC, ông William Horsley, đi vào Việt Nam tìm hiểu tình hình sinh hoạt chính trị, đã viết như sau trong bài phóng sự ngày 19-10-2004 của đài nầy: "Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện vẫn nắm quyền chính và không cho phép có sự bất đồng chính kiến nà o... Và giới chức Việt Nam vẫn bảo vệ sự độc quyền của họ với những biện pháp cũ. Các tổ chức nhân quyền nói giới chức đã bắt hoặc bỏ tù hàng chục người hoạt động về dân chủ và những người lên chiến dịch đòi hỏi quyền tự do tôn giáo." (bbcvietnamese.com, ngày 19-10-2004)

Bên cạnh những tin tức báo chí quốc tế trên đây, có lẽ nên chú ý thêm nhật ký mới được đưa ra ánh sáng của một đảng viên cộng sản kỳ cựu. Đó là Nhật ký rồng rắn của ông Trần Độ, cựu trung tướng Quân đội Nhân dân CHXHCNVN, Phó bí thư Trung ương cục miền Nam của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), cựu Trưởng ban Văn hóa văn nghệ trung ương (nay là ban Tư tưởng văn hóa trung ương), và cựu Phó chủ tịch Quốc hội Hà Nội. Ông viết xong quyển Nhật ký rồng rắn năm 2001, một năm trước khi ông từ trần. Quyển nầy không được phép xuất bản ở trong nước, nhưng đã được bí mật chuyển ra nước ngoài, sẽ xuất hiện một ngày gần đây. Sau đây là một đoạn trong nhật ký của Trần Độ được ghi lại trên Việt Báo Online (vietbao.com) số 3489 ngày 21-10-2004:

"Sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là "lưu manh tư tưởng". Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói... Nền chuyên chính tư tưởng nầy đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì. Thực ra nền chuyên chính vô sản nầy đã làmtê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làmtê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làmnhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làmcho nền giáo dục khô cứng, làmcho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng vànô dịch. Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tân Thủy Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài. Nó tàn phá cả một dân tộc, hủy hoại tinh anh của nhiều thế hệ. Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống của con người mànó hủy hoại cuộc sống của rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả một dân tộc. Nó đang làmhại cả một nòi giống..."

Chỉ mới tóm tắt vài bản tin báo chí, và chỉ cần đọc thêm một đoạn nhật ký của một đảng viên cộng sản thâm niên về chế độ ông đã phục vụ, là đã có đủ câu trả lời tại sao "không ít người Việt xa xứ "qua các đại dương vả các châu lục, đi mãi, đi mãi" mà cuối cùng không thể ’trở về quê mình, làng mình được.".

Nói một cách khác, sau khi đi hết biển, người Việt tỵ nạn cộng sản cũng chỉ ghé thăm quê nhà rồi tiếp tục ra đi, vì không thể nào sống nổi dưới chế độ độc tài đảng trị và toàn trị của nhà cầm quyền hiện nay ở trong nước. Ngày nay, câu nói mànhiều người cho rằng do danh ca Trần Văn Trạch phát ngôn cách đây trên hai thập niên, cũng còn có giá trị: "Ở Việt Nam, cái cột đèn cũng muốn ra đi".

Không phải riêng Việt Nam, lịch sử thế giới từ đầu thế kỷ 20 cho thấy rằng nơi nào có chế độ cộng sản hay xã hội chủ nghĩa thì nơi đó có người ra đi tỵ nạn. Từ chân lý lịch sử nầy, có thể suy ra khi nào chế độ cộng sản còn thì còn người bỏ trốn ra đi tỵ nạn. (Hiện nay, người Cuba sẵn sàng bơi qua eo biển Florida vào Hoa Kỳ; người Bắc Hàn trốn xuống Nam Hàn; người Trung Hoa ẩn nấp trong những kiện hàng hay hầm tàu để vào Hoa Kỳ hay Canada.)

Đó là lý do giải thích vì sao hiện nay hàng trăm ngàn sinh viên Việt Nam ra nước ngoài du học đều kiếm tất cả các cách ở lại nước ngoài mà không muốn quay về; cũng là lý do vì sao đi "lao động hợp tác" rất cực khổ mànhiều người vẫn muốn ghi danh ra đi; đồng thời là lý do vì sao xảy ra chuyện lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn tràn lan hiện nay ở Việt Nam. Thật là đau đớn với câu hỏi đặt ra phải chăng lấy chồng Đại Hàn, Đài Loan là một hình thức dùng chính thân mạng của mình để "vượt biên" khỏi Việt Nam hiện nay một cách hợp pháp? Việc nầy có thể xảy ra, vì trên Việt Báo (California), số 3506, ngày 7-11-2004, trong mục "Tin Việt Nam", đăng lại tin của báo Đài Loan, cho biết có bốn cô gái Việt Nam, đến Đài Loan bằng visa du khách, đã "tìm cách rao bán đấu giá đời các cô để kết hôn" [nguyên văn bản tin] trước chùa Matsu, trên đảo Penghu với giá từ 1,000 đến 9,000 Mỹ kim để được ở lại Đài Loan, không về Việt Nam.

Cuối cùng, theo thông báo của WJC, đề tài nghiên cứu của ông Trần Văn Thủy là "những câu chuyện của người Việt" ở hải ngoại. Ông Thủy làmmột vòng phỏng vấn bảy người Việt và một người Mỹ, mà điểm đáng chú ý đầu tiên là tất cả những vị nầy đều ở hải ngoại. Cách nghiên cứu đề tài của ông Thủy rất đúng thời, đúng người, và đúng chỗ. Đúng thời là vì quyển sách của ông Thủy được tung ra đúng vào lúc Nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đảng CSVN đang được khai triển ở hải ngoại. Nhiều người nghĩ rằng đây là sự trùng hợp tình cờ, nhưng xin đừng quên rằng trong sinh hoạt chính trị, nhất là với cộng sản, mọi sự tình cờ đều có kế hoạch.

Đúng người và đúng chỗ vì những người được ông Thủy phỏng vấn đều lànhững người sống trong cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở hải ngoại. Dầu họ phát biểu như thế nào, và tiếng nói của họ có được xem là đại diện cho Cộng đồng người Việt ở hải ngoại hay không, nhưng không một vị nào trong bảy người Việt trả lời cuộc phỏng vấn của ông Thủy công khai phủ nhận tư cách tỵ nạn cộng sản của họ, bởi vì muốn nhập cư vào Hoa Kỳ, khi vượt biên họ phải chứng minh đã từng bị cộng sản ngược đãi, và càng bị ngược đãi thì đơn xin nhập cư của họ càng dễ được Hoa Kỳ chấp nhận. Nếu họ được bảo lãnh, thì người bảo lãnh họ cũng đã từng trải qua những thủ tục như thế.

Ở đây lộ ra sự phân công kín đáo của WJC, ông Kevin Bowen và ông Nguyễn Bá Chung. Họ giao cho một cán bộ văn hóa của CSVN ở trong nước phỏng vấn những người ngoài nước. Đó là "những nhà văn, những nhà tư tưởng sâu sắc đáng kính, với những tiếng nói đa dạng và phong phú". Có vậy mới tạo thế thăng bằng để cho WJC, ông Kevin Bower, ông Nguyễn Bá Chung đi mời hai ông Hoàng Ngọc Hiến vànguyễn Huệ Chi, những cán bộ văn hóa và đảng viên CSVN, thuộc thành phần thống trị của đảng độc tài toàn trị hiện đang thao túng đất nước, tham gia công cuộc nghiên cứu về Cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Hai ông Hoàng Ngọc Hiến vànguyễn Huệ Chi đều là đảng viên và cán bộ văn hóa CSVN. Theo lời thề khi vào đảng, các ông phải tuyệt đối vâng theo mệnh lệnh và trung thành với đảng CSVN. Vậy hai ông có thể viết được gì ngoài những điều Ban Tư tưởng văn hóa trung ương đảng CSVN đã dạy cho các ông? Thế thì cần gì phải mời hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi, mà cứ trực tiếp mời thẳng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương đảng CSVN cho dễ được việc.

Theo ký giả William Horsley, "Đảng Cộng Sản Việt Nam hiện vẫn nắm quyền chính và không cho phép có sự bất đồng chính kiến nào..." (BBC ngày 19-10-2004). Trong bài phóng sự của mình, ký giả William Horsley kể lại rằng bất cứ nơi nào ông đi cũng đều có một người của Bộ Ngoại giao Việt Nam đi kèm gọi là "hướng dẫn viên chính thức", để ngăn chặn ông ta hay các phóng viên nước ngoài phỏng vấn những người có thể thách thức về cách cầm quyền của đảng CSVN. Khi ký giả William Horsley tới Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tại Sài Gòn, với mục đích phỏng vấn các giáo sư và sinh viên học môn "Quan hệ quốc tế" về những gì hiện còn mang tính xã hội chủ nghĩa tại nước CHXHCHVN, thì chỉ có ông Võ Văn Sen, Trưởng khoa Sử của Viện đại học, được phép trả lời và giải thích về những hạn chế trong việc tự do bày tỏ các ý tưởng chính trị.

Một ký giả Tây phương của một đài truyền thanh lớn trên thế giới, đến Việt Nam tìm hiểu mà luôn luôn có một "hướng dẫn viên chính thức" đi kèm, và khi ông đến một viện đại học, thì chỉ có một giáo sư được quyền trả lời. Vậy hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi đang ở trong nước, mà viết một đề tài liên hệ đến cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản hải ngoại, muốn sống còn, hai ông chỉ còn có cách phụ họa theo chủ trương và ngôn ngữ của đảng CSVN để yên thân, nếu không, số phận của Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Đan Quế đang chờ đợi hai ông.

Có người nói cứ để cho hai ông Hoàng Ngọc Hiến và Nguyễn Huệ Chi viết, rồi mới biết họ nói những gì. Điều nầy trên lý thuyết thật là đúng, nhưng trong trường hợp hai đảng viên và cán bộ văn hóa CSVN, thì chẳng cần phải đợi họ viết ra, vì hiện nay chỉ cần nghe bất cứ đài Truyền thanh hoặc Truyền hình nào ở Việt Nam nói gì, thì sẽ biết ngay những cán bộ, đảng viên CSVN nghĩ gì, nói gì và viết gì. Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tất cả đảng viên các cấp từ trên xuống dưới. Nếu hai ông đi ra ngoài sợi chỉ đỏ, thì hai ông dư biết số phận hai ông sẽ đi về đâu.

* **

Tóm lại, hiện nay dầu đi hết biển, qua các đại dương, qua các châu lục, đi mãi, đi mãi và cuối cùng nếu có cơ duyên trở về quê mình, làng mình, thì người lữ hành chỉ dừng chân thăm hỏi, trao đổi vài câu tâm tình, rồi lại lên đường tiếp tục ra đi. Ra đi qua các đại dương, qua các châu lục, chồn chân mỏi gối thật đó, nhớ nước thương nhà thật đó, nhưng vì quen hít thở không khí tự do dân chủ, nên ai ai cũng tránh xa cái thiên la địa võng mang nhản hiệu cộng sản hiện đang trùm lên quê hương như một ngôi nhà lồng khổng lồ ngột ngạt, mệnh danh là "thiên đường xã hội chủ nghĩa". Ở đó cái cột đèn cũng muốn ra đi cơ mà !

Do đó, chỉ còn một cách duy nhất là phải phá bỏ ngôi nhà lồng đó, phải chặt gãy những mắt xích la võng đó, phải tiêu hủy cái chủ nghĩa ngoại lai đó, phải để cho dân chúng tự do, dân chủ, thoải mái sinh nhai, thì chẳng cần nghị quyết 36/NQ-TW ngày 26-3-2004 của Bộ Chính trị đảng CSVN, chẳng cần các đoàn văn công ra đi lưu diễn, chẳng cần ông Trần Văn Thủy lo chuyện có người "cuối cùng không thể ’trở về quê mình, làng mình được." Bởi vì một khi đất nước Việt Nam không còn cảnh độc tài đảng trị, trở lại tự do dân chủ, thì tự nhiên "cây lành chim đậu". Người Việt trong nước sẽ không còn tìm đường ra biển, sẽ an vui sinh sống nơi chôn nhau cắt rốn, dầu đó là "vùng đất cày lên sỏi đá". Và những lữ hành Việt Nam muôn phương, dầu ở chân trời góc bể, sẽ dần dần tự động kiếm đường trở về với quê hương Việt Nam ngàn đời yêu dấu.

Còn bây giờ, sau khi đi hết biển, qua các đại dương, qua các châu lục, đi mãi, đi mãi và cuối cùng nếu có cơ duyên trở về quê mình, làng mình, thì người Việt chỉ ghé lại thăm cảnh cũ, người xưa, rồi lại tiếp tục lên đường ra đi, đi mãi, đi mãi ...

Trần Gia Phụng
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn