BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72635)
(Xem: 62055)
(Xem: 39153)
(Xem: 31021)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Nhật Bản & chiến tranh Việt Nam

12 Tháng Mười Hai 200112:00 SA(Xem: 1007)
Nhật Bản & chiến tranh Việt Nam
52Vote
42Vote
30Vote
20Vote
11Vote
3.85
 






Trong điện thư gởi đến bằng hữu và báo chí đề ngày Chủ nhật 2-12-2001, nhà văn Phan Nhật Nam thông báo cho biết Tokyo University of Foreign Studies (Đại Học Đông Kinh Nghiên Cứu Ngoại Vụ) sẽ tổ chức một cuộc hội luận vào ngày 14-1-2002 về đề tài “The Memory of the War: The Vietnam War, which is not a Hollywood Movie” (Hồi ức chiến tranh: Chiến tranh Việt Nam, không phải là một phim Holywood). Chương trình được dự tính như sau:


1. Ký ức của binh sĩ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa
2. Quân Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam
3. Ký ức chiến tranh ở Nhật Bản và Phong trào chống chiến tranh
4. Chiến tranh Việt Nam đối với Mao Trạch Đông
5. Ký ức của binh sĩ nước Việt Nam Cộng Hòa.

Cũng theo tin trên, ban tổ chức đã mời nhà văn Phan Nhật Nam thuyết trình trong phần “Ký ức của binh sĩ nước Việt Nam Cộng Hòa”, còn phần “Ký ức của binh sĩ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, ban tổ chức đã mời nhà văn cộng sản Bảo Ninh, tác giả Nỗi buồn chiến tranh phát hành trong nước sau năm 1991.(1)

Không hiểu vì lý do gì mà Viện Đại Học Đông Kinh Nghiên Cứu Ngoại Vụ lại đứng ra tổ chức cuộc hội luận trên đây trong thời gian nầy? (2) Nhân đây, chúng ta thử sơ lược lại quan hệ của Nhật Bản với Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay.

 1.- BÓP CHẾT PHONG TRÀO ĐÔNG DU

Trong những thế kỷ trước, thương thuyền Nhật Bản đã nhiều lần đến Việt Nam giao thương buôn bán, nhất là từ khi các chúa Nguyễn mở rộng hải cảng Hội An vào thế kỷ 17. Sách vở có ghi lại câu chuyện một thương nhân Nhật Bản tên là Araki Sotaro, tên Việt là Nguyễn Đại Lượng, đã đến buôn bán tại Hội An khoảng từ 1603 đến 1619, và đã cưới một cô gái Việt đưa về làm dâu ở Nhật Bản.

Vào đầu thế kỷ 20, khi Phan Bội Châu (1867-1940) cùng Nguyễn Thành (1863-1911) tổ chức Duy tân hội tại tỉnh Quảng Nam, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để (1882-1951) làm minh chủ, mở cuộc đông độ để đào tạo nhân tài cho đất nước.

Năm 1905, Phan Bội Châu cùng Tăng Bạt Hổ (tên thật là Lê Thiệu Hổ, 1858-1906) xuống tàu rời Hải Phòng, qua Hương Cảng, lên Thượng Hải, rồi đáp tàu đi Kobé (Thần Hộ), và đến Yokohama (Hoành Tân). Tại đây, Phan Bội Châu gặp được Lương Khải Siêu (Liang Ch’i-ch’ao, 1873-1929), một nhà duy tân Trung Hoa đang lưu vong ở Nhật Bản sau Mậu Tuất chính biến (1898). Lương Khải Siêu hết sức ủng hộ Phan Bội Châu, đưa ông đến Tokyo (Đông Kinh), giới thiệu với tử tước Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Ki, 1855-1932). Nhờ Khuyển Dưỡng Nghị, Phan Bội Châu gặp được bá tước Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu, 1838-1922), thủ lãnh Dân Đảng Nhật Bản. Cả ba ông Lương Khải Siêu, Khuyển Dưỡng Nghị và Đại Ôi Trọng Tín đều khuyên Phan Bội Châu nên đưa Kỳ Ngoại Hầu Cường Để cùng các thanh niên sang Nhật du học để về cứu nước.

Sau khi nhờ Lương Khải Siêu ấn hành bộ Việt Nam vong quốc sử bằng chữ Nho, Phan Bội Châu trở về Việt Nam vào tháng 8-1905. Ông muốn vào Huế hội ý với Kỳ Ngoại Hầu và các bạn đồng chí, nhưng bị Pháp truy nã nên Phan Bội Châu liền trở sang Nhật.

Lần đi nầy, Phan Bội Châu cùng Đặng Tử Kính đem theo ba thanh niên. Sang đến Yokohama, để có được kinh phí lo việc Đông du, theo lời khuyên của Lương Khải Siêu, Phan Bội Châu viết bài "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn"(Bài văn kêu gọi quốc dân giúp đỡ việc du học). Phan Bội Châu chưa kịp gởi bài văn nầy về nước, đã có thêm sáu thanh niên Việt Nam hưởng ứng Đông du đến gặp ông. Người càng đông, khó khăn tài chánh càng trầm trọng. Các ông Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính phải quay về Quảng Đông (Trung Hoa) gặp Lưu Vĩnh Phúc, tướng Cờ Đen cũ, vay tiền gởi gấp qua cho Phan Bội Châu, rồi cả hai đem "Khuyến quốc dân tư trợ du học văn" trở về nước vận động. Trong chuyến về nước nầy, Tăng Bạt Hổ từ trần tại Huế vào cuối năm 1906 vì bạo bệnh.

Trong khi đó, vào đầu năm 1906 (bính ngọ), Phan Bội Châu qua Hương Cảng đón Kỳ Ngoại Hầu Cường Để vừa ở trong nước thoát ra. Hai ông lên Quảng Đông thăm Lưu Vĩnh Phúc. Tại đây, các ông gặp Phan Chu Trinh cũng vừa mới qua, rồi cả ba cùng đi Nhật Bản.

Để kỷ niệm việc Kỳ Ngoại Hầu Cường Để đến Yokohama vào năm bính ngọ (1906), trụ sở của phong trào Đông Du tại đây được đặt tên là Bính Ngọ Hiên. Lúc đầu, du học sinh được gởi theo học Chấn Võ Học Hiệu (trường mở mang truyền thống thượng võ) và Đông Á Đồng Văn Thư Viện (nhà sách cho Đông phương châu Á cùng văn tự, văn hóa). Càng ngày sinh viên du học càng đông. Phan Bội Châu thành lập Cống Hiến Hội (hội phục vụ đóng góp cho xã hội). Hội nầy đặc trách việc du học của khoảng 200 thanh niên Việt Nam tại Nhật.

Nhận thấy việc thanh niên Việt Nam qua Nhật du học là kế hoạch của phong trào yêu nước Việt Nam muốn đào tạo nhân tài để trở về chống lại chính quyền bảo hộ Pháp ở Việt Nam, nên Pháp liền thương lượng thẳng với Nhật Bản để gạt bỏ việc nầy. Hai bên ký hiệp ước ngày 10-7-1907 theo đó Pháp nhường cho Nhật một số quyền lợi kinh tế ở Đông Dương, ngược lại Nhật phải giải tán các hội Việt Nam tại Nhật, và trục xuất tất cả các du học sinh Việt Nam ra khỏi đất Nhật.(3) Có lẽ vì những biến động mới xảy ra ở trong nước vào đầu 1908, người Pháp yêu cầu Nhật Bản thực hiện ngay hiệp định ngày 10-7-1907.

Nguyên vào đầu năm 1908, tại miền Trung, dân chúng nổi lên biểu tình chống sưu cao thuế nặng từ tháng 3 đến tháng 6, thường được gọi là Trung Kỳ dân biến. Tiếp đó tại Hà Nội, ngày 27-6-1908 một nhóm lính khố đỏ chủ trương cuộc đầu độc lính Pháp với sự tiếp ứng của lực lượng Hoàng Hoa Thám. Hai cuộc nổi dậy nầy khiến Pháp càng quyết tâm thúc hối chính phủ Nhật gấp rút trục xuất du học sinh Việt Nam.

Chính phủ Nhật liền cho cảnh sát bắt tập trung tất cả du học sinh Việt Nam xuống tàu, và tống xuất ra khỏi nước Nhật vào tháng 8-1908. Có người về Việt Nam, có người trốn sang Trung Hoa. Tháng 3 năm 1909, chính phủ Nhật bất thình lình ra lệnh trục xuất Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trong vòng 24 giờ, còn Phan Bội Châu trong vòng một tuần lễ.(4) Như thế là cuộc Đông du hoàn toàn thất bại.
 


 2.- BỎ RƠI TRẦN TRUNG LẬP

Năm ngày sau khi Pháp đầu hàng Đức tại Âu châu, bộ Ngoại giao Nhật gởi cho đại sứ Pháp tại Nhật một tối hậu thư ngày 19-6-1940 buộc nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương phải chấp nhận trong vòng 24 giờ: đóng cửa biên giới Hoa Việt, đình chỉ sự chuyên chở quân nhu bằng đường hỏa xa qua Trung Hoa, để cho Nhật kiểm soát việc đóng cửa biên giới và chuyên chở .


Trong tình trạng khẩn cấp, toàn quyền Pháp tại Đông Dương là Georges Catroux (1877-1969) đành chấp nhận tất cả những yêu sách của Nhật, và báo cáo về Pháp ngày 21-6-1940. Ngày 1-8-1940, chính phủ Nhật tuyên bố thiết lập Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á, theo đó các nước Đông Dương và Indonesia được coi là các quốc gia thân hữu. Lúc đó các nước Đông Dương trên danh nghĩa vẫn còn lệ thuộc Pháp, nên chưa gia nhập vào Khối Thịnh Vượng Chung Đại Đông Á.

Để có thể duy trì quyền cai trị ở Đông Dương, Pháp thương thuyết với Nhật và ký một loạt những hiệp ước nhường cho Nhật nhiều đặc quyền quân sự và kinh tế ở Đông Dương. Về quân sự, theo hiệp ước ngày 30-8-1940, Nhật nhìn nhận chủ quyền Pháp tại Đông Dương và sự toàn vẹn lãnh thổ Đông Dương; ngược lại Pháp thừa nhận địa vị ưu việt của Nhật ở viễn đông, đồng ý để quân đội Nhật được hưởng một số tiện nghi quân sự ở Bắc Việt nhắm chấm dứt tranh chấp với Trung Hoa.

Sau hiệp ước trên, quân Nhật tiến từ Trung Hoa xuống Việt Nam. Nhân cơ hội nầy, Trần Trung Lập (? - 1940), cùng Hoàng Lương, có thêm Lý Đông A tức Nguyễn Hữu Thanh (1919-1947) chỉ huy Việt Nam Kiến Quốc Quân, đánh chiếm Lạng Sơn ngày 23-9-1940. Khi Nhật thỏa thuận với Pháp về những điều kiện quân sự ngày 5-10-1940, quân đội Nhật liền ngưng yểm trợ nhóm Trần Trung Lập. Các ông chống cự không nổi, phải lẫn tránh.(5) Trần Trung Lập bị Pháp bắt tại Bắc Giang ngày 26-12-1940 và hai ngày sau Pháp xử bắn ông.

Sau vụ Phan Bội Châu và những nhân vật Đông du bị Nhật trục xuất ra khỏi đất Nhật năm 1908, đây là một kinh nghiệm lịch sử nữa cho thấy người nước ngoài luôn luôn lợi dụng lực lượng người Việt để làm đòn bẫy thương thuyết với địch thủ; đến khi thương thuyết xong, họ liền bỏ rơi người Việt cho địch thủ tiêu diệt.

 3.- GÂY RA NẠN ĐÓI NĂM 1945

Có nhiều nguyên nhân gây ra nạn đói năm 1945 tại Bắc Việt, trong đó nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ chính sách Nhật Bản áp dụng tại Việt Nam trong thế chiến thứ nhì (1939-1945).

Trong tập tài liệu "Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta", một người Nhật Bản, ông Yoshizawa Minami đã viết:
"...Tình hình khu vực Việt Nam thật đặc biệt do sự có mặt thường xuyên của 80 ngàn quân ta và 200 ngàn lực lượng hậu cần đã khiến tình trạng kinh tế ở đây hỗn loạn đến cực độ...

"...Đông Dương có vị trí then chốt đối với Nhật Bản về lương thực. Ngoài lượng gạo nhập khẩu vào Nhật, quân đội Nhật còn rất cần một trữ lượng gạo lớn lao để tiếp tế cho các mặt trận đang lan rộng ra khắp Á Châu và khu vực Thái Bình Dương. Đây chính là nguyên nhân trực tiếp gây nạn chết đói cho 2 triệu người Việt năm 1945..."(6)

Quân đội Nhật hiện diện tại Việt Nam và Đông nam Á càng ngày càng đông. Do đòi hỏi của Nhật Bản, nhà cầm quyền Pháp ra lệnh một cách độc đoán buộc nông dân phải thay đổi cách thức canh tác, từ độc canh cây thực phẩm, qua đa canh vừa cây thực phẩm, vừa cây kỹ nghệ. Nói cách khác, người Pháp buộc giới nông gia Việt Nam phải bỏ bớt các cánh đồng lúa để trồng bông vải, đay, gai, cây có dầu. Những cây kỹ nghệ nầy vừa để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu của Đông Dương vì đường nhập cảng từ Pháp gặp khó khăn, vừa để cung ứng cho thị trường Nhật Bản do áp lực của Nhật Bản. Ngày 4-8-1943, báo Lục Tỉnh Tân Văn loan tin rằng Nhật Bản yêu cầu trồng cây gai ở Bắc Kỳ và dự tính tăng diện tích trồng gai lên tới 10.000 mẫu để có thể sản xuất 2.600.000 chiếc bao gai. Trong vòng ba năm, diện tích trồng cây kỹ nghệ gia tăng gấp hai trên toàn cõi Đông Dương, từ 88.200 mẫu năm 1942 lên đến 154.517 mẫu năm 1944. Riêng tại Bắc Việt, diện tích nầy tăng hơn gấp hai, từ 18.850 mẫu năm 1942 lên đến 42.546 mẫu năm 1944.

Những hoa màu chính giảm xuống nhiều, vì đất đai phì nhiêu đều dành cho việc trồng các loại cây kỹ nghệ. Dân chúng nông thôn đói khổ đành nhờ vào vài loại thực phẩm phụ để sống qua ngày. Trong khi đó, theo thỏa hiệp ngày 19-8-1942, nhà cầm quyền Pháp tại Đông Dương sẽ xuất cảng sang Nhật trên 1.000.000 tấn gạo hạng tốt nhất sang Nhật trong các vụ mùa 1942-1943.

Để bảo đảm thi hành việc nầy, Pháp lập ra những kho gạo an toàn. Viên thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ còn buộc các làng xã phải lập những kho dự trữ tương ứng với sản lượng lúa gạo của làng đó, để có thể đáp ứng yêu cầu của nhà cầm quyền.

Trong khi lúa gạo khan hiếm, người Pháp lại mua gạo để trữ trong các kho quân lương. Người Nhật cũng hành động như thế, và đến tháng 5-1945, người Nhật đã tích lũy một số gạo đủ dùng trong sáu tháng cho Quân đoàn thứ 38 của họ ở Đông Dương.(7)

Nạn đói bùng nổ từ mùa thu năm 1944 trở đi khi thời tiết xấu làm cho vụ mùa năm nầy tiếp tục bị hư hại. Trong khi dân chúng đói kém, kho gạo của Pháp và Nhật luôn luôn đầy đủ. Kawai, một người Nhật, quản lý kho gạo ở Nam Định, nơi nạn đói nặng nề nhất, đã kể lại:
"Tại một khu nhà thờ Thiên Chúa giáo [Nhật dùng làm kho], gạo chứa đầy ắp trong kho, lại thấy người chết đói ngã lăng dọc đường suốt từ Nam Định lên tới Hà Nội, tôi đã cố thuyết phục tùy viên kinh tế của đại sứ quán Nhật mở các kho gạo đó nhưng họ không nghe..."(8)

Về nạn đói nầy, nhiều tài liệu cho thấy số người chết lên đến 2.000.000. Giáo sư David G. Marr trong sách Vietnam 1945, The Quest for Power [Việt Nam 1945, đi tìm quyền lực] cho rằng con số nầy có phần phóng đại, nhưng ông cũng phải công nhận tối thiểu số người chết từ 1.000.000 trở lên.(9)

Tại Nhật Bản, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima ngày 6-8-1945 đã giết chết 130.000 người, và quả bom thứ nhì xuống Nagasaki ngày 9-8-1945, giết chết 75.000 người. Số tử vong của cả hai vụ ném bom nầy cộng lại khoảng trên 200.000 người. Thế mà người Nhật ghi nhớ mãi và cho đến nay vẫn còn có người oán hận. So với số người chết trong nạn đói 1945 ở Việt Nam, con số đó mới chỉ bằng một phần năm nếu theo thống kê của David G. Marr, và chỉ bằng một phần mười nếu theo các tài liệu khác.

Một điều đáng thêm ở đây là nạn đói năm 1945 làm cho dân chúng Việt Nam nghèo đói, khổ cực, đã tạo môi trường thuận tiện và thích hợp cho cộng sản Việt Nam phát triển. Đảng Cộng Sản lúc đó núp dưới danh nghĩa mặt trận Việt Minh. Việt Minh đã lợi dụng nạn đói do Nhật Bản gây ra bằng hai cách:

Thứ nhất, Việt Minh xúi dân chống đối việc trưng mua lúa gạo, xúi dân đánh phá các kho lúa. Trong cơn nghèo đói túng quẫn, có người bày cho phương cách kiếm gạo để ăn, nên dân chúng hưởng ứng khá đông.

Thứ nhì, lợi dụng việc chính phủ tiếp tế để cứu đói ở miền Bắc, Việt Minh âm thầm chận bắt những chuyến xe hay những chuyến ghe chở gạo từ miền Nam ra, rồi Việt Minh đem tiếp tế cho những mật khu của họ.(10) Trong cơn đói, có người đành phải lên mật khu gia nhập Việt Minh để được chia phần gạo cướp được cho qua nạn đói. Hành động của Việt Minh làm cho việc tiếp tế gạo từ Nam ra Bắc càng trở nên khó khăn. Từ đó, nạn đói càng trầm trọng. Nạn đói càng trầm trọng thì Việt Minh càng dễ hoạt động tuyên truyền, kích động quần chúng. Nói theo ngạn ngữ dân gian Việt Nam, Việt Minh đúng là "vừa ăn cướp vừa la làng". Đặc biệt hơn nữa, sau ngày 2-9-1945, Việt Minh cộng sản tịch thu toàn bộ tiền bạc của các quỹ cứu đói trên toàn quốc,(11) nghĩa là cướp lấy tài sản của những người đang đói, do những người hằng tâm khắp nước giúp đỡ.

 4.- ĐẢO CHÁNH TRÊN ĐƯỜNG LUI QUÂN

 Như trên đã viết, ngày 19-6-1940 Nhật Bản buộc Pháp mở cửa Đông Dương cho quân đội Nhật Bản vào. Sau đó Nhật Bản lập khối Đại Đông Á ngày 1-8-1940 theo đó các nước Đông Dương và Indonesia được coi là các quốc gia thân hữu. Dầu đã tràn quân qua kiểm soát hoàn toàn Đông Dương, nhưng Nhật vẫn để chính quyền Pháp tồn tại ở đây. Lý do chính là vì lúc đó, chính quyền Pháp ở Đông Dương trực thuộc chính quyền Pétain đóng ở Vichy, miền nam nước Pháp. Chính phủ Pétain đã đầu hàng Đức và bị Đức chi phối.(12) Đức là đồng minh của Nhật, nên Nhật không sợ chính quyền Pháp ở Đông Dương lật lọng. Nhật Bản khỏi phải lo việc cai trị mà cứ để cho Pháp cầm quyền dưới ảnh hưởng của Nhật Bản.

Vào năm 1944, tình hình thay đổi. Ngày 23-8-1944, quân đội Đồng minh tiến vào Paris. Tướng Charles de Gaulle (1890-1970) lập chính phủ lâm thời. Về hành chánh, chính quyền Pháp tại Đông Dương trực thuộc chính phủ Paris. Chính phủ Paris lúc nầy lại chống Đức, nên Nhật lo ngại chính quyền Pháp tại Đông Dương vâng lịnh Paris mở cửa cho quân đội Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương đánh tập hậu quân đội Nhật. Do đó, Nhật quyết định tổ chức cuộc hành quân Meigo, đảo chánh lật đổ chính quyền Pháp tại Đông Dương ngày 9-3-1945.

Sau khi đảo chánh xong, sáng ngày 11-3, đại sứ Nhật là Yokoyama đến yết kiến vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) tại điện Thái Hòa (trong hoàng thành Huế), giải thích những hành động mới nhất của Nhật tại Việt Nam, tuyên bố trao trả nền độc lập lại cho Việt Nam, đồng thời kêu gọi Việt Nam cùng các nước Đông Dương gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật đứng đầu. Thật ra, Nhật Bản muốn thay Pháp làm chủ Đông Dương, tiếp tục chánh sách của Pháp, thực hiện chiến lược quân sự của Nhật Bản, nên vẫn để chính quyền Việt Nam tồn tại nhắm phụ trách hành chánh cai trị bản xứ, chứ Nhật chẳng làm gì nhiều hơn Pháp cho nền độc lập Việt Nam.

Vua Bảo Đại, theo đề nghị kín đáo của người Nhật, đã đưa Trần Trọng Kim (1883-1953) là tổng lý nội các (thủ tướng).(13) Trần Trọng Kim là một nhà văn hóa nổi tiếng trong học giới. Tuy do Pháp đào tạo nhưng ông không thân Pháp, và được Nhật chuẩn bị ngay khi Nhật đến Đông Dương.(14)

Nội các Trần Trọng Kim gồm những chuyên gia tân học (một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư). Đặc biệt chính phủ nầy không có bộ Quốc phòng, hay bộ An ninh. Đây là ý đồ của Nhật muốn nắm toàn bộ vấn đề quốc phòng và an ninh chứ không giao phó cho chính phủ Trần Trọng Kim, đồng thời buộc chính phủ nầy lệ thuộc vào chính sách chung của Nhật tại Đông Nam Á. Việc giữ gìn an ninh trong nước do quân đội Nhật Bản đảm trách.

Sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử xuống đất Nhật, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện ngày 14-8-1945. Theo tinh thần của tối hậu thư Potsdam do Đồng minh đưa ra ngày 26-7-1945,(15) quân đội Nhật tại Đông Dương bị giải giới, trở nên tê liệt, ngưng hoạt động. Chính phủ Trần Trọng Kim không có quân đội để tiếp tục duy trì an ninh, nên Việt Minh cộng sản mới lợi dụng thời cơ mà lộng hành. Đây chính là một trong những hậu quả của việc Nhật Bản ép chính phủ Trần Trọng Kim không được lập bộ Quốc phòng và không tổ chức quân đội.

Về hành chánh, Nhật đảo chánh lật đổ Pháp ngày 9-3-1945, nhưng không trao trả toàn bộ chủ quyền đất nước lại cho chính quyền Việt Nam, mà mãi đến tháng 7-1945, sau các cuộc thương lượng của Trần Trọng Kim, toàn quyền Nhật là Tsuchihashi mới chịu trả lại cho chính phủ Việt Nam ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng từ 20-7-1945.(16) Sau khi lãnh quả bom nguyên tử đầu tiên ngày 6-8-1945 tại Hiroshima, Nhật biết mình sắp thất trận, mới đồng ý giao Nam Bộ (17) lại cho Việt Nam từ ngày 8-8-1945, nhưng do tình hình xáo trộn, chính phủ Trần Trọng Kim chưa thi hành được việc bàn giao Nam Bộ trở về lại chính phủ Việt Nam thì Nhật Bản Nhật lãnh quả bom nguyên tử thứ nhì ngày 9-8 và đầu hàng ngày 14-8-1945.

Cuộc đảo chánh ngày 9-3-1945 chẳng qua là một hành động chiến thuật của Nhật Bản, tránh bị Đồng minh tấn công tập hậu, trên bước đường co cụm lui quân trở về bản địa Nhật Bản sau khi dần dần thất bại ở Đông Nam Á trước sức phản công của Đồng minh, chứ không phải là một hành động hào phóng giải thoát Việt Nam ra khỏi bàn tay thực dân Pháp.

 5.- HƯỞNG LỢI NHỜ CHIẾN TRANH VIỆT NAM

Sau thế chiến thứ nhì, Nhật Bản thất trận. Đất nước Nhật Bản kiệt quệ, hàng triệu người bị giết. Nền kinh tế Nhật Bản suy thoái một cách trầm trọng. Năm 1947, hiến pháp mới của Nhật Bản ra đời, Nhật hoàng chỉ còn giữ tước vị tượng trưng, nước Nhật theo đại nghị chế. Ngày 8-9-1951, Nhật ký kết với Mỹ Hiệp ước Hoà bình và Phòng thủ chung tại San Francisco. Kể từ 1952, Nhật Bản hoàn toàn phục hồi chủ quyền chính trị, chỉ trừ quần đảo Ryukyu ở phía nam, trên có thành phố Okinawa, được giao trở về Nhật Bản năm 1972.

Sở dĩ Hoa Kỳ sớm trao trả độc lập lại cho Nhật Bản vì tình hình Á Châu sau thế chiến thứ nhì biến chuyển mau lẹ.

Trước hết, tại Trung Hoa, Mao Trạch Đông (Mao Zedong, 1893-1976) thắng thế, tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tại Bắc Kinh ngày 1-10-1949. Sau đó, quân đội cộng sản tràn xuống chiếm Quảng Tây ngày 1-12 và làm chủ Vân Nam khi tướng Lư Hán (Lu Han) đầu hàng cộng sản ngày 11-12-1949. Như thế Hoa lục hoàn toàn rơi vào tay cộng sản. Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc của Trung Hoa Quốc Dân Đảng di tản ra đảo Đài Loan. Từ đây, Trung Hoa được chia thành hai nước theo hai thể chế chính trị hoàn toàn trái ngược nhau.

Thứ hai, sau thế chiến thứ nhì, Cao Ly được chia ở vĩ tuyến 38 thành hai khu vực chiếm đóng: phía Bắc do Liên Xô và phía Nam do Hoa Kỳ. Tại miền Nam, năm 1948 quốc hội được bầu ra và soạn thảo hiến pháp, công bố thành lập Cộng Hòa Cao Ly (Republic of Korea), thủ đô là Hán Thành (Seoul). Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee, 1875-1965) trở thành tổng thống đầu tiên ngày 17-7-1949. Tại miền Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Cao Ly (Democratic People’s Republic of Korea) được thành lập ngày 9-9-1949, thủ đô là Bình Nhưỡng (Pyong-yang) do Kim Nhật Thành (Kim Il Sung, 1912-1994) làm chủ tịch.

Ngày 25-6-1950, Bắc quân cộng sản xâm lăng Nam Cao Ly, chiếm Hán Thành. Theo đề nghị của Hoa Kỳ, ngày 27-6-1950 Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết yêu cầu các nước hội viên giúp Nam Cao Ly. Ngày 12-9-1950, đại tướng Douglas MacArthur (1880-1964) cầm đầu quân đội LHQ, bất thần đổ bộ vào Cao Ly ở Inchon. Quân LHQ đẩy lui Bắc quân, tái chiếm Hán Thành ngày 19-9, tiếp tục truy đuổi Bắc quân, vượt vĩ tuyến 38, chiếm Bình Nhưỡng và tiến đến sông Áp Lục (Yalu River), vùng biên giới Mãn Châu (Trung Hoa).

Ngày 26-11-1950, khoảng 250.000 quân Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa vượt biên giới giúp Bắc Cao Ly, đẩy lui quân Liên Hiệp Quốc xuống phía Nam, chiếm Hán Thành. Tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman cử tướng Matthew Ridgway (1895-1993) thay thế tướng MacArthur. Quân LHQ đẩy lui cộng quân khỏi vĩ tuyến 38 tháng 1-1951. Cuộc thương thuyết bắt đầu từ tháng 7-1951, và hai bên ký hiệp ước Bàn Môn Điếm (Panmunjon) ngày 27-7-1953, lấy vĩ tuyến 38 chia hai Cao Ly, nhưng Nam Cao Ly được thêm một ít đất đai so với thời kỳ trước chiến tranh.

Thứ ba, chiến tranh Việt Nam bắt đầu gây cấn cũng từ đầu thập niên 50. Lúc đầu Hoa Kỳ còn ngần ngại chưa muốn dính líu vào Đông Dương, nhưng sau khi Mao Trạch Đông thắng thế ở Trung Hoa, Hoa Kỳ lo ngại sự bành trướng của cộng sản, nên đã thừa nhận chế độ Quốc Gia Việt Nam do Quốc trưởng Bảo Đại lãnh đạo ngày 4-2-1950 và Anh ngày 7-2-1950. Ngày 22-10-1950, đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam là Donald Health (1894-1981) trình uỷ nhiệm thư lên quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt. Qua trung gian Pháp, Hoa Kỳ càng ngày càng tăng viện cho Đông Dương. Ngày 1-5-1950, tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman (1884-1972) tuyên bố giúp Đông Dương 10 triệu Mỹ kim quân viện và 750.000 Mỹ kim viện trợ kinh tế. Phái đoàn Cố vấn Quân sự Mỹ (MAAG = Military Assistance Advisory Group)õ tại Đông Dương được thành lập từ tháng 8 và đến ngày 4-10-1950, Hoa Kỳ cử tướng Francis G. Brink làm trưởng phái đoàn. Kể từ thỏa ước ký kết ngày 7-9-1951 tại Sài Gòn, Hoa Kỳ sẽ viện trợ kinh tế trực tiếp cho Việt Nam. (Viện trợ quân sự vẫn phải qua trung gian Pháp).

Trước tình hình trên, Hoa Kỳ vội vàng trả độc lập cho Nhật Bản. Với Hiệp ước San Francisco ngày 8-9-1951 làm lá chắn an toàn, Nhật Bản khỏi lo việc phòng thủ, tổ chức quốc phòng, nên dồn mọi nỗ lực vào công cuộc tái thiết đất nước, phục hưng kinh tế từ đầu thập niên 50. Tư bản Hoa Kỳ đổ vào đầu tư khá nhiều, du nhập luôn cả kỹ thuật tân tiến giúp nền kỹ nghệ Nhật Bản phát triển nhanh chóng.

Điểm đặc biệt, nhờ chiến tranh Cao Ly (1950-1953) và tiếp đó là chiến tranh Việt Nam(1954-1975), kỹ nghệ trang bị, sản xuất hàng tiêu dùng trong đủ các ngành nghề Nhật Bản bộc phát mạnh mẽ. Nguyên nhân không phải vì Nhật Bản trao đổi buôn bán nhiều với Cao Ly hay Việt Nam, nhưng nhờ cung cấp hàng tiêu dùng của cho nhu cầu của quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh ở Cao Ly cũng như ở Việt Nam.

Quân đội Hoa Kỳ được gởi sang Á châu, khá lớn, nhất là trong chiến tranh Việt Nam. Có lúc khoảng 500.000 quân Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam Cộng Hòa. Nếu tính những lượt binh sĩ luân phiên thay đổi phục vụ tại Việt Nam theo nhiều đợt, thì trên chục triệu lượt binh sĩ Hoa Kỳ đã có mặt tại Việt Nam từ 1954 đến 1975. Nếu đưa hàng hóa tiêu dùng từ Hoa Kỳ qua phục vụ những nhu cầu hằng ngày của binh sĩ Hoa Kỳ tại Việt Nam thì quá xa, nên Hoa Kỳ đã đặt hàng từ Nhật Bản, chuyển qua Việt Nam cho gần, đỡ tốn công và tiền vận chuyển.

Trước năm 1975, hàng hóa Nhật Bản tràn ngập thị trường Việt Nam, từ ngoài Bến Hải vào tới Cà Mau bằng hai cách: thứ nhất là số lượng lớn để cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh (trong số nầy, có cả người Việt Nam mua lại hàng hóa từ các PX (18) của quân đội Hoa Kỳ); thứ hai là hàng hóa bán cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa như các loại máy cày dưới 60 mã lực, các loại nông cơ, nông cụ, các loại máy móc, xe cộ, các hàng hóa trang bị, nhất là sản phẩm kỹ thuật tân tiến. Thêm vào đó, qua con đường Sài Gòn - Tây Ninh, hàng hóa Nhật Bản chạy qua tận thị trường Cao Miên.

Đó là chưa kể những lợi tức ngầm không thể đếm được do nền kỹ nghệ du lịch đem lại. Hàng triệu quân nhân Hoa Kỳ nghỉ cuối phép hoặc nghỉ cuối tuần ở các thành phố Nhật Bản, nhất là Okinawa, nơi đặt căn cứ quân đội Hoa Kỳ trên quần đảo Ryukyu. Chẳng những ngành du lịch Nhật Bản phát triển, mà cả các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Phi Luật Tân, Indonesia cũng hưởng lợi theo.

Từ thập niên 1980 trở đi, Nhật Bản trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ nhì trên thế giới sau Hoa Kỳ, trước các nước Tây Âu. Phép lạ kinh tế Nhật Bản chẳng qua là thị trường Việt Nam lúc đó với sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ và Đồng minh, giúp tiêu thụ hàng hóa Nhật và làm cho nền kỹ nghệ Nhật chóng phát triển. Trong khi nhân dân Việt Nam đau khổ vì chiến tranh, bom đạn, thì nhờ đó nền kinh tế Nhật Bản lại phồn vinh hơn bao giờ cả.

Tóm lại, vào đầu thế kỷ 20, Nhật Bản trở nên hùng cường sau cuộc canh tân cuả MinhTrị Thiên Hoàng (trị vì 1867-1912), Nhật Bản muốn bành trướng thế lực ra nước ngoài, nên khi gặp Phan Bội Châu, các chính khách Nhật hứa hẹn ủng hộ duy tân. Những hứa hẹn nầy trôi đi khi Pháp nhường một số quyền lợi kinh tế cho Nhật Bản. Từ đó, Nhật Bản sử dụng Việt Nam để phục vụ cho nhu cầu chiến tranh của Nhật Bản. Nhật Bản đã gây những thiệt hại nặng nề đối với dân tộc Việt Nam, nhất là những yêu sách lương thực phục vụ đoàn quân viễn chinh Nhật Bản làm cho nhân dân Việt Nam lầm than, tạo môi trường cộng sản phát triển, và gây ra nạn đói đưa đến hai triệu sinh linh vô tội uổng tử ở Bắc Việt. Chính một người Nhật đã tố cáo rằng “... gạo chứa đầy ắp trong kho, lại thấy người [Việt Nam] chết đói ngã lăng dọc đường suốt từ Nam Định lên tới Hà Nội, tôi đã cố thuyết phục tùy viên kinh tế của đại sứ quán Nhật mở các kho gạo đó nhưng họ không nghe.” Sau đó, khi Nhật Bản bắt đầu phục hưng kinh tế sau thế chiến thứ nhì, Việt Nam lận đận vì cuộc chiến ý thức hệ do đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra, Nhật Bản đã hưởng lợi quá nhiều từ chiến tranh Việt Nam.

Nhật Bản cũng đã kiếm cách bù đắp cho Việt Nam bằng những giúp đỡ nhỏ giọt. Dưới thời Đệ nhất Cộng Hòa, ngày 13-5-1959, Nhật Bản ký kết thỏa ước với Việt Nam Cộng Hòa trả 39 triệu Mỹ kim để bổi thường thiệt hại trong thế chiến thứ nhì, và giúp Việt Nam Cộng Hòa vay 7,5 triệu Mỹ kim để tái thiết đất nước.(19) Nhật Bản còn viện trợ Việt Nam Cộng Hòa xây dựng hệ thống thủy điện Đa Nhim. Ngày nay, theo tin các báo, Nhật Bản giúp chế độ cộng sản Hà Nội dựng cầu Cần Thơ qua sông Hậu, dự tính ban đầu là sẽ thi hành năm 2001, nhưng cho đến nay, gần hết năm rồi mà vẫn chưa được bắt đầu.

Lịch sử là những việc đã qua trong quá khứ. Không ai có thể níu kéo thời gian, không ai có thể sửa đổi được những việc đã xảy ra. Dù ngày nay Nhật Bản có bồi thường nhiều tiền của đi nữa, thì hai triệu người cũng đã chết hơn 50 năm. Bù đắp, bồi thường nhiều hay ít, điều đó tuy quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là từ biến cố đau thương năm 1945 cho đến nay, Nhật Bản vẫn còn thiếu dân tộc Việt Nam một điều. Điều đó là lời xin lỗi chính thức của chính quyền Nhật Bản trước nhân dân Việt Nam. Nhật Bản đã xin lỗi Cao Ly về những bạo hành trong thời gian chiếm đóng và về vấn đề bắt phụ nữ làm nô lệ tình dục trong thế chiến 2. Nhật Bản đã xin lỗi Trung Hoa về biến cố Nam Kinh tháng 11-1937, giết hại khoảng 300.000 người. Tại sao Nhật Bản chưa xin lỗi Việt Nam về nạn đói năm 1945 với hai triệu người chết? Tại sao nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội, rất hùng hổ đàn áp các tu sĩ như Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Nguyễn Văn Lý, lại tỏ ra rụt rè sợ sệt trước tư bản Nhật Bản, không dám mở miệng đòi hỏi Nhật Bản phải xin lỗi Việt Nam như Trung Hoa và Cao Ly đã làm?


TRẦN GIA PHỤNG
Toronto, 12-12-2001
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn