BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73313)
(Xem: 62231)
(Xem: 39417)
(Xem: 31164)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Câu chuyện lá cờ

08 Tháng Hai 200012:00 SA(Xem: 1005)
Câu chuyện lá cờ
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Trong bài báo nhan đề "Sổ tay Vũ Thư Hiên: một thoáng Hoa Kỳ", phần kết luận, ông Vũ Thư Hiên viết: "Chúng tôi nhìn thấy một ngày sẽ đến. Ngày đó Quốc Hội mới của một nước Việt Nam mới sẽ thượng lên hai lá cờ của một giai đoạn lịch sử không người Việt yêu nước nào muốn có, trang nghiêm nghe hai bản quốc thiều, rồi xếp lại gọn ghẽ cả hai lá cờ, đặt chúng vào hai cái quan tài sang trọng. Trong tiếng quân nhạc trầm hùng, những đại biểu được nhân dân tự do lựa chọn sẽ ngã mũ đưa hai cái quan tài trên hai cỗ xe ngựa kéo ra nghĩa trang, hạ huyệt một quá khứ bi thương trong tiếng gầm của những tràng đại bác vĩnh biệt. Và một lá cờ mới của một nước Việt Nam mới, do nhân dân Việt Nam tự do lựa chọn sẽ tung bay trên cột cờ của Thăng Long xưa. (Trích từ Internet ngày 21-1-2000.)

 Ở hải ngoại, nhà văn Vũ Thư Hiên bắt đầu được biết đến năm 1997 sau khi nhà xuất bản Văn Nghệ ở California ấn hành tác phẩm của ông mang tựa đề Đêm giữa ban ngày (hồi ký chính trị của một người không làm chính trị). Trong tác phẩm nầy, ông viết ra những suy nghĩ của ông trong chín năm ông bị ngồi tù cộng sản kể từ ngày 24-12-1967, và nhất là ông phô bày những sự thật ghê tởm của những lãnh tụ cộng sản Việt Nam ẩn núp dưới những mặt nạ "cách mạng", từ Hồ Chí Minh, đến Lê Duẩn, Lê Đức Thọ... Ông Vũ Thư Hiên thuộc "gia đình cách mạng" ròng. Phụ thân ông là cụ Vũ Đình Huỳnh, vụ trưởng vụ lễ tân, có nhiệm vụ sắp đặt đón rước khách trước khi đưa vào gặp Hồ Chí Minh. Mẫu thân của ông là người che giấu và nuôi ăn các cán bộ cộng sản bị truy đuổi. Nhà của ông Vũ Thư Hiên trước năm 1945 nằm sát Nhà Hát Lớn Hà Nội, khu phố giàu sang đông đúc người qua lại, nên dễ làm nơi gặp gỡ hội họp của cộng sản mà không bị nghi ngờ. Nói lên điều nầy để biết rằng ông Vũ Thư Hiên là người có điều kiện thông qua gia đình, biết được những bí mật hậu trường sân khấu chính trị cộng sản Hà Nội. Một thời gian dài sau khi ông ra khỏi tù, rồi qua Nga, ông mới ghi lại những câu chuyện nầy, nghĩa là lúc đó những cảm xúc bực bội bồng bột đã lắng xuống, để cho ông bình tĩnh viết lên sự thật một cách khách quan. Bản thảo lần đầu bị mật vụ tòa đại sứ cộng sản Việt Nam tại Nga đánh cắp. Bản thân bị đe dọa, ông phải xin sang Pháp tỵ nạn, và hoàn thành tác phẩm nầy. Do đóù, những điều ông lật tẩy về chế độ cộng sản Hà Nội là khả tín, và phải thẳng thắn hoan nghênh việc làm của chứng nhân Vũ Thư Hiên.

Sau một thời gian tận tụy chiến đấu, hy sinh và bảo vệ chế độ cộng sản Việt Nam, nhưng cuối cùng, ông Vũ Thư Hiên và gia đình đã ngộ ra rằng chế độ nầy chỉ là "ảo ảnh về một chủ nghĩa cộng sản tô vẽ như là thiên đường hạ giới..." với "... những hành động phi nhân của những vua chúa mới, mà cả một thể chế xã hội trong đó con người dù muốn dù không đều đánh mất mình."(Vũ Thư Hiên, sđd. phần Tự bạch, tr. 12.) Do đó, cựu đảng viên cộng sản Vũ Thư Hiên muốn tỏ thái độ như thế nào đối với chế độ cộng sản Hà Nội và những biểu tượng của chế độ nầy, thì đó là sự thay đổi có tính cách cá nhân của ông.

Tuy nhiên, khi ông đánh đồng cờ đỏ sao vàng với lá cờ quốc gia (cờ vàng ba sọc đỏ) và nói rằng " không người Việt yêu nước nào muốn có " thì có lẽ phải xem xét lại. Hiện nay, ở hải ngoại trên hai triệu người sống khắp nơi trên thế giới. Khi nào có lễ lạc hay sinh hoạt cộng đồng, người Việt đều nghiêm chỉnh chào cờ quốc gia. Họ chào cờ một cách tự nguyện, sung sướng chứ không có một chính quyền với lực lượng cảnh sát hay quân sự nào bắt họ phải chào cờ quốc gia cả. Nhiều nơi, tuy đã có băng nhạc, người Việt còn tự động hát quốc ca một cách hùng hồn nữa. Như vậy không lẽ trong hai triệu người đó không có ai là người yêu nước cả hay sao? Quan niệm độc quyền yêu nước, hay buộc người khác yêu nước theo kiểu nầy mà không được yêu nước theo cách khác, và nếu người khác không làm theo mình là không yêu nước, đó là quan niệm cực đoan độc tài theo kiểu cộng sản nay đã lỗi thời, nhất là ở hải ngoại nầy.



 Ông Vũ Thư Hiên còn đi xa hơn. Ông đề nghị chôn luôn một lần lá cờ cộng sản với lá cờ quốc gia. Ôâng Vũ Thư Hiên muốn chôn lá cờ mà ông đã từng phục vụ, điều nầy phù hợp với những người theo lý tưởng dân chủ tự do, nên ai cũng hoan hô điều nầy. Nhưng ông kèm thêm vào đó là đề nghị chôn luôn lá cờ quốc gia, dù chôn một cách trân trọng, thì không hiểu ông đã có ẩn ý gì?

Trước hết, cần chú ý, có thể do hoàn cảnh gia đình, từ nhỏ ông Vũ Thư Hiên đã hấp thụ nền giáo dục cộng sản theo đó đương nhiên lá cờ cộng sản được ca tụng và lá cờ quốc gia bị phỉ báng. Thứ nhì, dù ông Vũ Thư Hiên bị cộng sản bỏ tù, nhưng trước đó, gia đình ông đã từng được cộng sản ưu đãi. Nếu ông muốn chôn lá cờ cộng sản mà không nói chôn luôn lá cờ quốc gia thì có thể ông bị đánh giá là thay đổi và thiên lệch một cách quá nhanh chóng mà những người tự trọng không thể làm được. Thứ ba, sau thời gian ê chề vì tù đày và bị hăm dọa, bây giờ những sinh hoạt chính trị có thể gây dị ứng với Vũ Thư Hiên nên ông gạt ra ngoài tất cả những gì dính líu đến chính trị, để đứng trên cương vị một người viết văn thuần túy, và phát biểu của ông là lời sám hối của một người cộng sản muốn từ bỏ quá khứ của mình. Cuối cùng, điều nầy chúng tôi không muốn nghĩ đến, nhưng cũng phải đặt ra, đó là khi còn đứng dưới lá cờ cộng sản, bênh vực và bảo vệ lá cờ nầy, đương nhiên ông Vũ Thư Hiên đứng trên chiến tuyến đối nghịch với lá cờ quốc gia. Ngày nay, ông đã từ bỏ lá cờ cộng sản, nhưng chắc chắn ông cũng chưa thích ứng với lá cờ quốc gia. Có thể vì một trong bốn lý do trên, hoặc vì cả bốn lý do trên, nên ông đã đề nghị chôn hai lá cờ cộng sản và quốc gia cùng một lúc.

Trong sinh hoạt dân chủ, mọi người đều có quyền phát biểu ý kiến của mình và chúng ta phải tôn trọng những người có ý kiến khác với chúng ta. Tuy nhiên về phía những người quốc gia, chúng ta phải nghĩ đến và phải tách bạch rõ ràng việc nầy để đề phòng "chiến dịch diễn tiến hòa bình" bằng khổ nhục kế của cộng sản. Hy vọng ông Vũ Thư Hiên không làm như vậy, nhưng những người quốc gia phải thận trọng việc nầy: không phải bất cứ người cộng sản nào mới quay qua đả kích chế độ của họ,ï là tin tưởng ngay rằng họ đã trở thành người quốc gia. Chúng ta hoan hô và sẵn sàng đón nhận những người từ bỏ hàng ngũ cộng sản Việt Nam để đứng về phía chúng ta, nhưng chúng ta cũng phải canh chừng những kẻ trà trộn để tuyên truyền phá hoại chính nghĩa quốc gia.

Ở đây nên mở ngoặc nói thêm một chút xuất xứ của hai lá cờ. Cờ đỏ sao vàng của cộng sản là cờ do Hồ Chí Minh đưa ra sau khi cướp được chính quyền ngày 2-9-1945. Họ Hồ và Mặt trận Việt Minh gồm đa số là đảng viên cộng sản đã bắt chước hai lá cờ của Liên Xô và Trung Cộng. Tuy khác nhau về hình thức và cách sắp đặt các ngôi sao, cờ Liên Xô và Trung Cộng cũng nền đỏ với các ngôi sao vàng. Chế độ do lá cờ nầy tượng trưng dựa trên lý thuyết Mác xít Lê nin nít. Như thế, chẳng những chế độ Hồ Chí Minh có tính ngoại nhập, lá cờ của chế độ nầy cũng mang hình thức ngoại nhập. Chế độ nầy tệ hại đến mức nào thì không cần nhắc đến ở đây.

Ngược lại, cờ vàng ba sọc đỏ bắt nguồn từ lá cờ của chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập sau khi vua Bảo Đại (trị vì 1925-1945) cùng toàn thể thượng thư triều đình đưa ra bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên ngày 11-3-1945. Tuy thời gian cầm quyền không được lâu, nhưng phải nói chính phủ Trần Trọng Kim đã thực hiện được nhiều công trình đáng kể đặt định nền móng cho cơ sở đất nước sau khi được độc lập. Vì chế độ cộng sản Hồ Chí Minh đã phá bỏ thế đoàn kết quốc gia sau khi cướp chính quyền năm 1945, tiêu diệt những lực lượng quốc gia, nên bắt buộc những người theo lý tưởng dân chủ tự do và theo những đảng phái hay chủ nghĩa khác với cộng sản, phải đoàn kết với nhau dưới quyền của cựu hoàng Bảo Đại, và ở thế chẳng đặng đừng liên kết với Pháp để chống cộng. Sự liên kết nầy là chiến lược tạm thời để cùng chống cộng sản Việt Nam, tay sai của cộng sản Nga Hoa. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, gần giống như lá cờ chính phủ Trần Trọng Kim, cả về hình thức lẫn ý nghĩa, được chọn lựa để tượng trưng cho chế độ vừa có tính dân tộc, vừa có tính dân chủ, chống lại những thế lực độc tài phản dân chủ và phản dân tộc. Những chế độ chính trị tiếp theo như nền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa ở miền Nam đều chọn lá cờ nầy làm biểu trưng của đất nước.

Cũng cần phân biệt lý tưởng của chế độ do lá cờ tượng trưng và thực tế những chính quyền thi hành lý tưởng đó. Lý tưởng của chế độ cộng sản Việt Nam là tiến lên xã hội chủ nghĩa theo đường hướng của Liên Xô. Lá cờ ngoại nhập cộng với lý tưởng ngoại nhập từ Liên Xô đã làm cho Việt Nam điêu tàn từ mấy chục năm nay. Ngược lại, lý tưởng của lá cờ quốc gia là dân tộc, tự do dân chủ, dân quyền dưới chế độ cộng hòa. Có thể một vài cá nhân cầm quyền không được tốt và lạm quyền đi đến chỗ bị tố cáo độc tài, nhưng lý tưởng tự do dân chủ vẫn được thực thi trong chế độ đó.

Chính quyền nào cũng có khuyết điểm, nhưng so sánh hai chế độ chính trị do hai lá cờ tượng trưng, chúng ta sẽ dễ thấy chế độ nào tương đối khá hơn và chế độ nào tệ hại hơn. Đứng trên phương diện chính thể, Bắc Việt theo chế độ cộng sản độc tài đảng trị, áp dụng chính sách kinh tế chỉ huy bóc lột; còn Nam Việt theo chế độ cộng hòa phân quyền và theo chính sách kinh tế tự do (ngày nay gọi là kinh tế thị trường). Nếu nói rằng làm tay sai cho ngoại bang, thì so sánh hành động của cộng sản Bắc Việt với Việt Nam Cộng Hòa, ai là tay sai? Ở miền Nam, chưa có một tổng thống hay thủ tướng nào chịu ký giấy nhường đất cho nước ngoài giống như Phạm Văn Đồng, thủ tướng cộng sản Bắc Việt viết quốc thư ngày 14-9-1959 công nhận chủ quyền của Trung Cộng trên các hải đảo của Việt Nam, trong khi quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu để bảo vệ những hải đảo đó. Sở dĩ Phạm Văn Đồng, với sự đồng thuận của Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng Lao Động Việt Nam (tức đảng Cộng Sản), cam tâm bán đứng đất đai của tổ quốc cho ngoại bang vì là nghị quyết 15 tháng 5-1959 của đảng Lao Động Việt Nam quyết định xâm lăng miền Nam bằng võ lực, nên Hà Nội cần viện trợ của Trung Quốc.(Sau đó Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được thành lập ngày 20-12-1960.) Ở miền Nam, vì cản trở không chịu để cho Mỹ tràn vào miền Nam mà tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại. Trong khi đó, ở ngoài Bắc, một nông dân tên Phong, trình độ học vấn chỉ mới lớp 4, bị tù mọt gông vì dám viết thư phản đối Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam rước quân Trung Quốc vào cõng rắn cắn gà nhà. (Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 741). Ở miền Nam, chưa có một nhà văn nào viết bài xưng tụng các lãnh tụ ngoại quốc, trong khi đó, Tố Hữu, nhà lãnh đạo văn hóa và là thi sĩ số một của cộng sản Hà Nội, đã làm thơ gọi kẻ độc tài khát máu nhất thế giới là Stalin bằng ông nội. (Thương cha, thương mẹ, thương chồng/ Thương mình thương một thương ông [Stalin] thương mười. Thơ Tố Hữu.) Tố Hữu là trưởng ban Tuyên Văn Giáo cộng sản. Những bài viết của ông là luận văn chính trị cho toàn thể mọi người dưới chế độ cộng sản học tập. Tố Hữu chính là người cầm đầu đánh phá các trí thức, văn nghệ sĩ trong vụ Nhân Văn Giai Phẩm từ năm 1956, bởi vì nếu để cho trí thức và văn nghệ sĩ tự do ngôn luận, thì sẽ cản trở cho công cuộc tiến hành chiến tranh bạo lực chống miền Nam. Cộng sản Bắc Việt vâng lệnh Liên Xô tấn công miền Nam để bẩy cho Hoa Kỳ tràn vào miền Nam và cầm chân Hoa Kỳ tại miền Nam. Cộng sản Bắc Việt đã dùng xương máu của nhân dân Việt Nam để làm nghĩa vụ quốc tế cho Liên Xô và Trung Cộng. Chính Lê Duẩn đã tuyên bố: "Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc."(Vũ Thư Hiên, sđd. tr. 422, phần chú thích.)

Trong cuộc chiến vừa qua, chế độ tự do dân chủ ở miền Nam thất bại vì miền Nam sống theo định chế dân chủ, trong lúc đang có chiến tranh với một địch thủ độc tài sắt máu. Ai đã từng sống ở miền Nam mới hiểu biết được điều nầy. Có những người hoạt động cho cộng sản nằm vùng bị phát hiện rõ rệt mà vẫn được pháp luật che chở nên an toàn. Ngược lại ở miền Bắc, có gì lôi thôi là tù đày hay thủ tiêu ngay, không cần xét xử gì cả. Ở miền Nam có tự do dân chủ mới có chuyện biểu tình, lên đường, xuống đường, bãi khóa, bãi thị ở các thành phố. Dưới chế độ độc tài đảng trị cộng sản, dân chúng đói kém khổ cực, bất công chồng chất, 46 năm ở miền Bắc (1954-2000) và 25 năm ở miền Nam (1975-2000), ở các thành phố trên toàn quốc có thấy cuộc biểu tình hay bãi khóa bãi thị nào đâu?

Hơn nữa, trong thế phải chống trả cuộc xâm lăng của cộng sản Bắc Việt, dân chúng miền Nam phải chiến đấu để tự tồn, nhưng vẫn mang tâm trạng đau buồn vì cảnh người Việt đánh người Việt bằng súng ống nước ngoài. Biểu hiện rõ nét của tâm trạng nầy là những tác phẩm văn chương tiểu thuyết chán chường, cùng những bản nhạc tình cảm uỷ mỵ, những bài ca phản chiến được phổ biến rộng rãi. Đôi khi, những bài hát nầy được trình diễn ngay cả trên đài phát thanh quốc gia và ở những câu lạc bộ quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Nhiều sĩ quan Cộng Hòa chiến thắng trở về, nhưng vẫn bứt rứt vì chứng kiến cảnh người dân chết nhiều quá. Trong khi đó, do bị tuyên truyền nhồi sọ, bộ đội cộng sản hăng say chém giết không nương tay và vui mừng rầm rộ sau mỗi cuộc hành quân chiến thắng. Suốt mấy chục năm chiến tranh, nào đâu thấy một tiểu thuyết, một bài thơ hay một bản nhạc tình cảm uỷ mỵ hay phản chiến xuất hiện ở Bắc Việt. Nếu Trịnh Công Sơn sáng tác những ca khúc da vàng của ông ở phía bên kia bờ vĩ tuyến 17, thì ông đã bị tù rục xương từ lâu. Thế mà ở miền Nam, ông vẫn được thoải mái sáng tác.

Trước năm 1975, có một số người chưa hiểu thực chất độc tài tàn ác của cộng sản Hà Nội, đã tiếp tay cho Việt cộng. Sau cuộc thất bại của Việt Nam Cộng Hòa năm 1975, những người nầy, và cả dâân chúng các nước trên thế giới, mới dần dần thấy được bộ mặt thật của chế độ cộng sản Hà Nội. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn, sử gia Jean Louis Margolin, giáo sư tại Université de Provence (Pháp), tác giả sách Livre Noir du Communisme [Sách đen chủ nghĩa cộng sản], đã nói: "Thành thật mà nói, vào những năm 60, tôi đã từng xuống đường biểu tình ủng hộ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tôi đã từng reo mừng với những cuộc chiến thắng tại Cam-bốt cũng như tại Việt Nam. Tôi từng nghe nói đến những vụ tàn sát Tết Mậu Thân 68, nhưng tôi tin và nghĩ rằng đó chỉ là sự tuyên truyền của Mỹ. Không phải chỉ một mình tôi, mà tôi tin rằng rất nhiều người cùng thời với tôi đã bị sai lầm vì những tuyên truyền sai lạc của cộng sản." (Cuộc phỏng vấn do Thanh Thảo thực hiện, nguyệt san Việt Nam Dân Chủ, số 40, California, tháng 1-2000, tài liệu rút từ Internet).

Do đó, người Việt Nam ngày nay mới thấy quý những ngày đã qua trong chế độ tự do dân chủ ở miền Nam và hướng về lá cờ mà chế độ đó tượng trưng. Điều nầy giải thích vì sao khắp nơi trên thế giới, người Việt luôn luôn chào cờ trong những sinh hoạt cộng đồng.

Điều đáng mừng là lá cờ quốc gia càng bị đánh phá thì càng được phát triển. Ví dụ điển hình nhất là nhân vụ Trần Trường vào tháng 2-1999 tại California, lá cờ quốc gia lại có cơ hội tung bay phất phới chẳng những trên bầu trời miền Cali nắng ấm, mà trên báo chí, trên truyền hình tràn lan khắp thế giới. Và từ đó khí thế lá cờ quốc gia càng ngày càng vượng lên vững mạnh. Trước năm 1975, tuy có khoảng trên 20 triệu dân Việt Nam Cộng Hòa tung hô lá cờ quốc gia, nhưng lá cờ nầy chỉ quanh quẩn trong vòng khoảng 150.000 cây số vuông diện tích Việt Nam Cộng Hòa. Ngày nay, không kể lòng ngưỡng vọng thầm kín của những người trong nước hướng về lá cờ quốc gia, tuy chỉ với 2 triệu người ở hải ngoại, nhưng nhờ sống rải rác vòng quanh khắp thế giới, nên lá cờ quốc gia hiện diện ở khắp năm châu. Do đó, một thực tế cụ thể rõ ràng là lá cờ quốc gia, lá cờ tượng trưng cho chế độ tự do dân chủ, ngày nay được phổ biến rộng rãi hơn bao giờ hết. 

Ngược lại lá cờ cộng sản tuy được đảng cộng sản áp đặt trên dân chúng trong nước, chẳng những bị dân chúng trong nước oán ghét, mà cả trên thế giới oán ghét vì càng ngày những trò bịp bợm của cộng sản trong thời gian chiến tranh càng bị lộ tẩy. Ngoài những tòa đại sứ cộng sản, trên thế giới không có nơi nào treo cờ cộng sản Việt Nam cả. Tại sao một chế độ đang cầm quyền mà lá cờ chỉ thu gọn ẩn núp trong các lô cốt các tòa đại sứ mà thôi?

Trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua (5-2-2000), thị trưởng của hai thành phố lớn ở tiểu bang Texas là Arlington và Fort Worth, gần Dallas, đã chính thức thông báo thừa nhận từ nay, ngày Tết Nguyên Đán là "Ngày của người Việt Quốc Gia" (Vietnam Nationalist Day). Sau đây là bản dịch một trích đoạn của quyết định của văn phòng thị trưởng thành phố Arlington:

"Xét rằng Arlington là một thị trấn luôn luôn đón nhận, quý trọng văn hóa của mọi sắc tộc khác nhau.

"Xét rằng cộng đồng người Việt tỵ nạn là một thành phần quan trọng của thành phố Arlington và họ đã đóng góp đáng kể trên các phương diện văn hóa, thương mại và kỹ nghệ mọi ngành.

"Xét rằng dân tộc Việt Nam luôn luôn tôn kính và bảo toàn phong tục cổ truyền và di tích lịch sử của mình...

"Vì những lý do nêu trên, tôi tên là Elzia Odom, thị trưởng thành phố Arlington, tiểu bang Texas, long trọng tuyên bố từ đây về sau, ngày đầu năm của Tết Nguyên Đán Việt Nam là Ngày người Việt Quốc Gia của thành phố Arlington."(Bản dịch của Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, http://www.vietbao.com ngày 19-2-2000)

Tại Forth Worth, thị trưởng Kenneth Barr cũng đã ra một thông báo tương tự. Sở dĩ thị trưởng của hai thành phố nầy thừa nhận như trên chẳng những vì trong cuộc hội nhập vào xã hội mới, người Việt trở thành những công dân tốt, mà còn vì những hoạt động cộng đồng của người Việt quốc gia tại đây phát triển mạnh mẽ và đóng góp không ít trong xã hội mới. Trong tất cả những sinh hoạt cộng đồng, không riêng ở Dallas, mà còn ở khắp thế giới, người Việt luôn luôn giữ truyền thống chào cờ quốc gia. Khi các văn phòng thị trưởng các thành phố trên thừa nhận "Ngày của những người Việt Quốc Gia" cũng có nghĩa là thừa nhận luôn lá cờ mà người Việt Quốc Gia đã và đang chào.

Hy vọng thành tích của hai cộng đồng người Việt ở Arlington và Forth Worth sẽ dần dần lan rộng ra các tỉnh bang khác ở Hoa Kỳ và ngay tại Canada nữa. Do sự phát triển của khoa học truyền thông, và do giao thông liên lạc càng ngày càng nới rộng, các chế độ độc tài chuyên chế không thể bưng bít để tồn tại. Xu hướng tất yếu của tương lai là dân chủ dân quyền sẽ thắng thế trên toàn thế giới. Và cũng từ đó hy vọng một ngày kia lá cờ người Việt Quốc Gia sẽ trở về tung bay trên bầu trời Việt Nam. Sau khi lý tưởng dân chủ tự do thắng thế tại Việt Nam, khi đó quốc dân đại hội sẽ quyết định những vấn đề kế tiếp như hiến pháp, quốc kỳ, quốc ca... Còn bây giờ chưa phải là lúc đưa ra đề nghị chôn lá cờ. Ai muốn chôn lá cờ của họ thì tự ý họ làm, và chúng ta cũng chẳng bắt họ phải chào lá cờ của chúng ta. Lá cờ quốc gia vẫn luôn luôn ngạo nghễ tung bay khắp thế giới và trong lòng của những người theo đuổi lý tưởng dân chủ tự do mà lá cờ tượng trưng. Những người Việt quốc gia chống cộng đều hoan nghênh ông Vũ Thư Hiên đã nghe theo lời di huấn của phụ thân, can đảm phơi bày bộ mặt thật của Hồ Chí Minh và các lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông xứng đáng nhận được tước hiệu "chiến sĩ tự do văn hóa" của Liên Hiệp Âu Châu. Trong khi đó, hàng ngũ quốc gia chống cộng cũng đừng bao giờ quên cảnh giác đối với những cuộc đánh phá theo âm mưu thâm nhập văn hóa, diễn tiến hòa bình, sâu sắc hơn và độc hại hơn kiểu Trần Trường rất nhiều.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 28-2-2000)
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn