BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73317)
(Xem: 62232)
(Xem: 39419)
(Xem: 31165)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

"Thương lượng với thời gian" hay thương lượng với hội đồng chấm giải thưởng...?

28 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 947)
"Thương lượng với thời gian" hay thương lượng với hội đồng chấm giải thưởng...?
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52
Tập thơ “Thương lượng với thời gian” ( NXB Hội Nhà Văn – tái bản năm 2006) của nhà thơ Hữu Thỉnh vừa được giải thưởng văn học của Hội nhà Văn Việt Nam năm 2006 ( cùng với tác phẩm “Cánh đồng bất tận” của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), đã phải “ thương lượng với dư luận” trong nước một cách khá ác chiến. Mở đầu là bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Thân : “ Thơ nhà giải vườn” in trên báo Lao Động chủ nhật ngày 29-10-2006, lên án khá gay gắt khả năng vô tận “ mẹ hát con khen hay” của ông Chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh, đã tự mình thưởng thức 04 lần ăn “giải vườn” của “Thơ nhà”, trong 04 lần ông được giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam, kể cả giải thưởng “Vua Thái Lan” gọi là “giải Asean- 1000 USD” do ông tự phong mình lên giải- Ấy là chưa kể “Giải thưởng văn học Quốc gia” là 05 lần ông ăn giải, và nhiều “giải” khác do ông làm chủ tịch Hội đồng giám khảo, hoặc do chính ông tự đề cử “giải cho ông” trong một thành phần giám khảo do chính ông Hữu Thỉnh thiết kế ! Có thể gọi nhà thơ Hữu Thỉnh là một nhà “Giải… học” vì kỷ lục ăn giải văn chương của ông trong thời đại ngày nay là vô địch… thế giới . Vì bài viết phê phán ông Hữu Thỉnh của nhà văn Nguyễn Quang Thân rất hay, rất thâm thuý nên chúng tôi không thể trích vài dòng ra đây, đành in kèm sau bài viết này làm căn cứ để quý độc giả tham khảo.

Hữu Thỉnh – vua ăn giải văn chương Việt Nam hình như bị cái “dớp” : ăn xong tức bụng muốn ói ! Đó là lần ăn giải thưởng đầu tiên của Hội Nhà Văn Việt Nam của ông, cuốn trường ca “Đường tới thành phố” đã bị nhà thơ Xuân Diệu phê phán là dở vô cùng, là không biết làm thơ, là tào lao chi khươn ngay trên báo Văn Nghệ. Lần thứ hai ăn giải thưởng Hội Nhà Văn của ông Hữu Thỉnh là tập thơ “ Thư mùa đông” lại bị một “ngôi sao tiền chiến” khác là nhà văn Tô Hoài chê hết cỡ trên báo “Văn Nghệ” rằng : Thơ Hữu Thỉnh chỉ là một gánh đồng nát ( ve chai) !

Sau khi nhà văn Nguyễn Quang Thân lên tiếng phê ông Hữu Thỉnh “ăn tham, kiểu tự mình cho mình giải thưởng là vừa đá bóng vừa thổi còi, vừa lĩnh thưởng, vừa khen ban chấm giải … công minh”, nhân việc nhà thơ Ly Hoàng Ly từ chối nhận “tặng thưởng” của Hội nhà văn cho tập thơ “Lô Lô” của mình, xin quý vị xem ba nhà thơ ở Hội đồng thơ xét giải năm nay vừa cùng lên tiếng, như một cách phê phán chính ông Chủ tịch Hội Nhà Văn ăn giải nhất cuốn “ Thương lượng với thời gian”, chỉ vì do ông biết cách “Thương lượng” với Hội đồng xét giải thưởng chung khảo; vì “Bề… Hội đồng” này cũng do chính ông đề cử !

Nhà thơ Thanh Thảo, trên báo “Người Lao Động”, thứ sáu ngày 27-10-2006, viết như sau : “Ở hội đồng Thơ, thì số phiếu bỏ cho tập thơ “Lô Lô” của Ly Hoàng Ly cao hơn số phiếu bỏ cho tập thơ “ Thương lượng với thời gian” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Chính tôi và nhà thơ Chim Trắng, khi được nhà thơ Nguyễn Đức Mậu yêu cầu bỏ phiếu qua điện thoại, đã nói thẳng quan điểm của chúng tôi : Không bỏ phiếu cho tập thơ Hữu Thỉnh vì thương quý bạn mình, không muốn anh Thỉnh phải rơi vào hoàn cảnh khó xử, khó ăn khó nói nếu anh lại được giải thưởng lần nữa ( có người gọi là “hattrick-giải thưởng). Tiếc thay, việc đó đã xảy ra

Nhà thơ Chim Trắng, một uỷ viên Hội đồng Thơ khác, cũng trên tờ báo vừa dẫn, viết : “…Tôi đã nói thẳng tôi không bỏ phiếu cho “Thương lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh. Vì tôi thương anh Thỉnh, anh đang làm Chủ tịch Hội, lại đã ba lần được giải trong và ngoài nước rồi ( chính ra là 04 lần ông H.T. ăn giải do Hội Nhà Văn đề cử : thêm giải văn học Quốc gia- chú của TMH); “vừa đá bóng vừa thổi còi” là người ta dị nghị không hay. Giải thưởng lần này chẳng những không minh bạch mà còn không dân chủ”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một uỷ viên Hội đồng Thơ khác, đồng thời là Trưởng Ban Thơ báo Văn Nghệ, viết trên http://www.evan.com.vn/ như sau : “Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam không có được uy tín như giải của Hội nhà văn Hà Nội. Theo tôi thì có nhiều nguyên nhân. Một phần vì cuốn sách được giải không có sức thuyết phục, phần vì người ta nghi ngờ cách thức chấm và xét giải của Hội…” ( http://www.evan.com.vn/News/Home/ )

Nhà văn Phan Hồng Giang, uỷ viên Hội đồng chung khảo Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006, viết trên báo “ Thể thao & Văn hóa” số 126, ngày thứ bảy 21/10/2006 như sau : “Nói một cách công bằng, tập thơ “Thương lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh được nhất trí cao của các thành viên trong Hội đồng, tất nhiên những mối quan hệ ngoài văn chương cũng rất khó tách bạch. Song cũng nên ghi nhận “ Thương lượng với thời gian” là một bước tiến trong thơ Hữu Thỉnh so với chính ông ấy. Còn so với mặt bằng thơ ca thì không có gì nổi trội…

Thưa nhà văn Phan Hồng Giang, uỷ viên Hội đồng chung khảo xét giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 2006, nếu tập thơ “Thương lượng với thời gian” của nhà thơ kiêm Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Hội Nhà Văn, kiêm Tổng biên tập “Tạp chí Thơ” “KHÔNG CÓ GÌ NỔI TRỘI” SO VỚI MẶT BẰNG THI CA chung cả nước, thì vì sao tập thơ này lại được các vị trao giải thưởng số một ạ ? Hay là NÓ được giải vì như Phan tiên sinh viết ở trên là do “MỐI QUAN HỆ NGOÀI VĂN CHƯƠNG”, nói trắng ra là vì ông Chủ tịch Hội Nhà Văn đã cấu thành một Hội đồng chung khảo, rồi ông Chủ tịch “tế nhị, khách quan ?” xin rút khỏi hội đồng xét giải, sang phòng bên ngồi chờ “Bề… Hội đồng” vô tư chấm giải theo tiêu chí “THƯƠNG LƯỢNG” với “THỜI GIAN : nay tôi mai tới các ông” kiểu : “Trong nhà nhất mẹ nhì con/ Nay tôi được giải mai còn…các ông !” ? Xin hãy nhìn “BỀ… HỘI ĐỒNG” chung khảo năm nay xem bao nhiêu ông đã ẵm giải Hội Nhà Văn V.N., ẵm giải Quốc gia, ẵm giải “Vua Thái Lan- Asean 1000 USD” và sắp tới lần lượt các vị ‘bề hội đồng” này chắc như đinh đóng cột sẽ lần lượt được ông Chủ tịch trả ơn mà ban cho mưa móc giải thưởng văn chương tới số !

Chúng tôi xin phép được nói ngược lại lời nhà văn Phan Hồng Giang mà rằng : tập thơ “Thương lượng với thời gian” là một bước lùi, một sự xuống dốc không phanh về chất lượng thơ của thơ Hữu Thỉnh so với hai tập thơ được giải trước của ông : “Đường tới thành phố” và “Thư mùa đông”.

Trong cuộc đời làm thơ, viết văn, viết phê bình văn học mà tuổi nghề đã trên 40 năm, tôi chưa từng được vinh dự đọc một tập thơ nào mà lại nhạt nhẽo, sáo mòn như tập thơ “Thương lượng với thời gian” này của Hữu Thỉnh. Bằng tập thơ ăn giải nhất của Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006 này, Hữu Thỉnh đã có thể trở thành người vô địch về khả năng nhạt nhẽo và sáo mòn, xứng đáng trở thanh nhà “NHẠT HỌC”, hay một “NHÀ SÁO HỌC, SẾN HỌC” của thơ ca Việt Nam. Chúng tôi xin lần lượt chứng minh.

Để cho những nhận định trên được khách quan, trước khi phân tích về cái thiên- tài-nhạt của tập thơ này, chúng tôi xin trích ra đây ba bài thơ : bài đầu tiên, bài có tiêu đề mà cả tập thơ mang tên và bài thơ cuối cùng của tập “Thương lượng với thời gian” để xin quý bạn đọc xem thơ này “nhạt” hay mặn”, “mới” hay “mòn cũ”

Đây là bài thơ đầu tiên trong tập thơ “Thương lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh:
SANG THẾ KỶ
Sang thế kỷ với con tàu qúa rộng
Hoa hồng sang, gai nhọn cũng sang

Tay vun cây và bão dập mùa màng
Sông ôm sóng cả bên bồi bên lở
Thương cảm, phản thùng, khoan dung, thớ lợ
Vé trên tay thanh thản bước lên tàu

Kẻ chậm chân có thể là mây nõn
Mải ngu ngơ với chim mới ra ràng
Kẻ chậm chân có thể là anh nữa
Trái tim cồng kềnh thơ phú đa mang

Cuối năm 1999

Chúng tôi xin mạn phép nhận xét bài thơ này : bài thơ này không có tứ hay, không có câu hay, không có triết lý bề sâu bề xa gì hết. Nhất định nó không phải là bài thơ khá, tuyệt nhiên không thể gọi là hay. Nhưng khốn nỗi, nó lại không dở. Giá nó dở thì ta đã còn mừng cho Hữu Thỉnh, vì làm bài thơ này dở thì biết đâu còn bài khác sẽ hay. Nhưng cái tội nhạt thì vô phương cứu chữa. Bài thơ này làm phiền người đọc vì nó nhạt, nhạt hơn nước ốc mà sao Hội đồng chấm giải Hội nhà văn lại cả gan khen chao ôi nước ốc ngon quá ?

Bài thơ có tiêu đề mang tên cả tập thơ :
THƯƠNG LƯỢNG VỚI THỜI GIAN
Buổi sáng lo kiếm sống
Buổi chiều tìm công danh
Buổi tối đem trí khôn ra mài rũa

Tỉnh thức
Những hàng cây bật khóc

10-2005

Xin lạm bàn : bài thơ “triết lý” quá khiếp này không thể “CẢM” được, nên cũng chẳng “NHẬN” được thông điệp cao siêu bí hiểm nào của tác giả. Có lẽ Hữu Thỉnh bắt chước câu đố chết người của con Nhân Sư trong thần thoại Hi Lạp, rằng : “ Con gì : Buổi sáng đi bốn chân/ Buổi trưa đi hai chân/ Buổi chiều đi ba chân ?” Nếu ai không giải được câu đố này : con đó là Con Người, thì Nhân Sư sẽ ăn thịt. Câu đố của con Nhân Sư xưa thiệt là sâu sắc, thiệt là hay ! Còn câu đố thơ trên của Hữu Thỉnh quả tình vớ vẩn, chẳng ra làm sao. May mà ông Hữu Thỉnh không phải là con Nhân Sư xưa, nếu không Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn ( và cả TMH) vì không sao giải được bài thơ trên, chắc chắn đã bị ăn thịt ! Gữa cái chuyện “Buổi sáng”, “Buổi chiều”, “Buổi tối” kia với cái sự “Tỉnh thức” thấy “Những hàng cây bật khóc” kia chẳng có mối “quan hệ nhân quả bên trong” hay “quan hệ nhân quả bên ngoài” nào với nhau để từ cái “đôn” này, mới kê được cái “khái quát” không đâu kia lên tầng tầng ý nghĩa; những món này là thi pháp “râu ông nọ cắm cằm bà kia” hay thi pháp “ông nói gà bà nói thóc lép” của Hữu Thỉnh ? Chao ôi là “Những hàng cây bật khóc” : vì tự nhiên nó bị ông nhà thơ choàng tỉnh trong mơ điều tới đây, bơ vơ không biết để làm gì, hoặc có ý nghĩa gì ? Cây khóc, đất khóc, trời khóc, sông khóc, mèo khóc, sao khóc, khỉ khóc…là những motif quá sức mòn sáo mà chỉ những anh lười trong nghề làm thơ mới ưa lạm dụng ! Đây là bài thơ do “bệnh nhạt” mà sinh ra : anh đã bản chất nhạt, hồn nhạt, tài nhạt, chữ nhạt, ý nhạt, trí nhạt, giấy nhạt, giám khảo nhạt, giải nhạt… lại cứ muốn làm mặn mình bằng cách làm dáng trí thức, làm dáng uyên bác mà lên gân triết lý triết… lung… tung… beng thì chẳng còn gì thơ với chả phú ! Nhà thơ nhàn nhạt này trong trường hợp trên, chừng như khá giống như một ả bản chất vốn vô duyên mà lúc nào cũng thích thõng thẹo làm duyên vậy ?

Bài thơ cuối cùng của tập thơ “Thương lượng với thời gian” :
MỘT MÌNH

Xa em đói tiếng, đói hình
Trời xanh với chỉ một mình trời xanh
Nghe giờ nén nhớ trong anh
Gấp đêm làm gối chẳng thành giấc em


Tuyên Quang 2001

Xin lạm bàn : Bài lục bát bốn câu này cũng nằm trong “phong cách nhạt” của Hữu Thỉnh : không tứ độc đáo, không ý sâu xa, không có câu hay, câu thứ 04 cầu kỳ, sáo mới, còn gọi là sến…Ngoài ra, hai nhịp lục bát trên còn bị một sai phạm, một tối kỵ là lặp vần : cặp vần : “hình/mình” còn tiếp tục đồng vận với cặp vần sau : “ xanh/ anh/thành” mà một người mới tập tẹ làm thơ cũng cần phải biết để tránh. Câu thứ hai : “ Trời xanh với chỉ một mình trời xanh” trên của Hữu Thỉnh là thoát thai từ câu ca dao : “ Trút xinh trúc đứng một mình cũng xinh” !

Sau khi đọc đi đọc lại ba lần xong 56 bài thơ trong tập “Thương lượng với thời gian” của Hữu Thỉnh , chúng tôi thấy có khoảng ngót bốn mươi bài “đại nhạt”, chừng ngót chục bài “nhạt vừa”, nể nang, đưa đẩy mãi mới tìm ra được năm bài khá khá, đọc được, ví như bài “Cung tháng chạp” trang 61, theo nhịp thất ngôn na ná lối thất ngôn mê đắm nơi bài “Thanh Xuân” của nữ thi sĩ Nhã Ca trong “Nhã Ca mới” xưa của Sài Gòn, được Hữu Thỉnh “mạ” lại “e thơ xưa” cho có vẻ bay bướm qua hơi thơ nữ tính vốn là sở trường của tập thơ “Thư mùa đông” trước kia của Hữu Thỉnh :

Vạc mảnh bờ con cua mất quê
Rau đay làm lẽ buổi tôi về
Ổi đào lên tỉnh xem son phấn
Mẹ vẫn chờ em dóc mía de

Gió nảy đàn tre cung tháng chạp
Trăm câu không đỡ nổi câu tình
Em mang thiên lý về thưa mẹ
Sông vẫn ba đào trúc vẫn xinh”

1988

Bài “Xa vắng” cũng là bài thơ khá khá vì giàu xúc cảm và ngổn ngang trăn trở nỗi niềm… Nhưng với mấy bài thơ kha khá như vài hạt muối tẻo teo trên đây, liệu có thể cõng nổi cả một đại dương nhàn nhạt là toàn tập thơ chăng ?

Khắp cả tập thơ, đâu đâu ta cũng gặp những câu thơ sáo mới, còn gọi là sến, sống sượng, ngô nghê, giả tạo, khiên cưỡng, triết lý vớ vẩn… vô cùng nhiều, chỉ xin trích ra mấy câu làm bẳng, như sau : “Đến quả chín cũng phải cần vỏ bọc/ Hai đứa mình vừa bóc một lần yêu”( 90), “ Sóng còn lưu luyến sông” ( 73), “ Lấy khoan dung làm chiếc phao bơi/ Khiến cay đắng cũng nhuốm màu tha thứ” ( 59), “ Trời đất lại bén duyên/ Mùa xuân lo dạm hỏi” ( 41), “ Trẻ trung thế chỗ em rồi/ Thắm tươi thế chỗ thắm tươi thuở nào” ( 43), “ Bánh trôi nước vỗ đường không gặp bóng”( 29), “Trưa cổ xưa hương đưa bảng lảng” ( 57), “ Qua khu rừng có lời ca dẫn dắt” ( 87), “ Lật hạt gạo lại thấy em đang hát” ( 27), “ Mẹ mong em vấp phải cầu vồng” ( 29), “ Cho con lên an ủi mặt trăng buồn” ( 31), “Đến với ai gặp nạn/ Xong rồi chơi với cây” ( 45), “ Hoa hôm nay thay chủ nhà tiếp khách/ Một mùi hương thao thiết tới mai sau”( 58), “ Gió trên đường lai láng” ( 27), “Bí mật của trời trong/ Là tránh xa mây đục” ( 60), “ Anh lầm lì như đất / Ai nói gì cứ nâu”( 80), “ Có con tàu mệt mỏi/ Thét còi trong tim anh”( 94), “ Em nhớ thương ơi/ Chúng ta sống vì nhau/ Chúng ta hát vì nhau/ Chúng ta buồn vì nhau/ Trời thấy vậy cho mùa xuân trở lại” ( 88)…

Hữu Thỉnh đã nhạt còn lười, viết nhiều câu thơ y chang câu nói tầm thường, lại thừa chữ vô tội vạ, chỉ xin lấy một ví dụ :
Anh đã một lần chạm PHẢI mắt em
Chỉ lần ấy mà sao không gỡ nổi
Anh như MỘT đôi cánh chuồn chuồn
Bị chấm nhựa trong ngày tươi sáng ấy
” ( 87)

Hai chữ : PHẢI và MỘT viết in hoa trên là hai từ thừa cần phải bỏ !

Trước khi chấm dứt bài phê bình này, chúng tôi xin nhờ may rủi, mở bất chợt một bài thơ nào đó trong tập thơ này của Hữu Thỉnh lên theo kiểu bói Kiều, để trích ra cho bớt tệ, bớt nhạt, bớt làng nhàng có cũng như không, đặng kiếm chút “cháo lá đa thơ” mà an ủi tác giả và an ủi cả Hội đồng giám khảo giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2006, nhưng mở ngay vào bài thơ tệ vào hàng nhất tập là bài “ Thợ lặn cầu Thăng Long” trang 64, 65, 66, vừa đại nhạt lại đại dở, lại dài, sợ trích ra mà tra tấn quý vị bạn đọc thế này thì vô nhân đạo quá !

Chúng tôi xin chơi trò may rủi đợt hai mà bất chợt mở ra bài thơ khác, xem nó là bài gì ? A, bài “Gửi bạn triền sông” Hữu Thỉnh viết từ tháng 2-1981, một bài thơ “nhạt vừa”, “dở vừa”, “sáo vừa”; có đến ba phần tư số bài trong tập này của Hữu Thỉnh được xếp vào cùng loại với “ Gửi bạn triền sông” ; chúng tôi dám thách đố cả một dân tộc Việt yêu thơ, nếu ai tìm thấy trong bài thơ này của Hữu Thỉnh một câu gọi là thơ, hay tìm ra ý nghĩa mỹ học, triết học sâu xa nào đó bên trong, thì từ nay Trần Mạnh Hảo xin thề sẽ chấm dứt viết phê bình thơ !

Bài thơ đó như sau :
GỬI BẠN TRIỀN SÔNG

Tặng Hường
Bạn trở về làm lụng dọc triền sông
Nước mấp mé mây vần, ô mạ trũng
Căn nhà đất ánh đèn dầu cuối xóm
Bạn đi về khuya sớm lo toan

Bạn trở về lấy vợ sinh con
Hạnh phúc nhỏ hai bàn tay che chúm
Lớp trẻ mới lớn lên. Bạn ngỡ ngàng kết bạn
Tâm sự nào áo lính vẫn sờn kia ?

Những khu rừng, những trận mạc đã qua
Giờ thấp thoáng sau cái vè cắm nước
Hạt lúa ta trồng mà mừng như bắt được
Những quả duối chín mòng trẻ lại ríu chân lên

Chiếc mũ cối bạc màu lại dậy sớm thức khuya
Mưa tháng bảy tầm tầm bong bóng vỡ
Bạn lại được chuyện trò cùng tuổi nhỏ
Ếch mong mưa kêu váng ở sau đìa

Tất cả vẫn như xưa, tất cả lại bắt đầu
Đồng sau vụ đi đường cày thứ nhất
Bạn đã tập đi nghiêm, bạn đã tập đi đều và tập hát
Và bây giờ âu yếm giục trâu đi

Vĩnh Yên, 2-1981

Để nói lời sau cùng trước độc giả về “hiện tượng siêu giải thưởng” này, chúng tôi chỉ xin thông qua việc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ tư vừa trao giải thưởng năm 2006 cho tập thơ “đại nhạt”, đại vớ vẩn là tập thơ “Thương lượng với thời gian” của ông Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam là ông Hữu Thỉnh, chúng ta đủ thấy nền văn học Việt Nam do “Đảng ta” lãnh đạo đang đi về đâu ?

Sài gòn đêm thứ bảy 28-10-2006
T.M.H.


Xin xem thêm bài “ Thơ nhà giải vườn” của Nhà Văn Nguyễn Quang Thân in trên báo “Lao Động” chủ nhật 29-10-2006. Xin quý vị các trang web cho in liền bài này vào một file với bài trên để độc giả dễ theo dõi. Xin cám ơn – TMH .


Thơ nhà giải vườn


Lao Động số 294 Ngày 25/10/2006 Cập nhật: 7:52 AM, 25/10/2006

(LĐ) - Thuở trước có quan phủ Từ Đạm ở Ninh Bình đắc chí vì được trị nhậm một nơi có danh thắng núi Non Nước nên ông lên ngọn núi đẹp nhất tỉnh mình, khắc vào vách đá một bài thơ chắc thuộc loại... đồng nát (chữ của nhà văn Tô Hoài).

Ngay năm sau, vẫn hứng chí vì "núi nhà, thơ vườn", lại được thủ hạ tâng bốc, ông Từ Đạm lần nữa lên núi. Lần này ông đục hình hai bàn chân mình vào đá để "tự mình lưu danh mình" thiên cổ. Tản Đà không chịu nổi, đăng báo tặng ông một bài thơ: "Năm ngoái quan lên đục mấy vần/Năm nay quan lại đục hai chân/Khen cho đá cũng bền gan nhỉ/Chịu để cho quan đục mấy lần" (ghi theo trí nhớ).

Cây nhà lá vườn thời nào cũng có! Ví như "mẹ hát con khen hay", lời khen "trồng được" có quyền ban cho thoải mái, chẳng ai dám xía vào. Tôi khen mẹ tôi, không gì cũng là đứa con có hiếu! Hội đồng khen rồi bỏ phiếu cho ông chủ tịch hội đồng, thì có gì lạ?

Nhưng lòng tham và cái "lố" (bịch) của con người không dừng lại chỗ dễ thương và có thể thông cảm vì "quá yêu mẹ" đó. Ngày nay, có quyền hành trong tay, thường là thành viên hay chủ tịch hội đồng, người ta tự tặng giải thưởng cho chính mình! Cũng chẳng có gì lạ!

Như vụ ông đương kim chủ tịch một hội nọ, đã 4 lần giành giải nhất bộ giải hàng năm của chính cái hội do mình làm chủ tịch! (Nếu kể cả cái giải nước ngoài cũng do ông thay mặt hội đề cử cho người ta phát hàng năm) giải ông ẵm năm nay là giải thứ tư, đó là không kể những giải khác ở chỗ khác, nơi ông thường có chân trong hội đồng xét giải!

Xin nói thêm, bảo ông chủ tịch hội nọ tự tặng giải cho mình cũng oan cho ông. Vì điều lệ giải không nói cấm ông chủ tịch lĩnh giải quá ba lần.

Vì ông xin vắng mặt khi bỏ phiếu, tạm thời nhường quyền làm chủ tịch hội đồng cho ông phó, rồi sang phòng bên cạnh ngồi, đúng nguyên tắc không chê vào đâu được! Nhưng ông không ngồi đó mà ông vẫn ngồi đó. Sao lại không nể ông được! Vậy là, về lý thì ông oan nhưng tình lại... không oan. Lý ông đúng nhưng tình ông có vấn đề theo cách nhìn nhận về của người Việt. Và ông cứ liên tục giật giải kiểu "mẹ hát con... tặng giải", lập một hattrick đáng ghi vào sử sách trong cuộc marathon danh lợi.

Công bằng mà nói, thơ ông tuy có lần bị nhà văn Tô Hoài chê là đồng nát nhưng cũng không đến nỗi dở, cứ gọi là đọc được, cấp dưới yêu ông thì bảo là "hay" cũng chẳng ai dám cãi, văn chương vốn khẩu chứng vô bằng. Nhưng dù thơ hay thật đi nữa ông cũng nên biết mẹ hát mà các con khen đến 4 lần thì cũng hơi nhiều.

Ông Từ Đạm ăn gian sự bất tử mới có hai lần mà đã được Tản Đà cho thơ. Nay ông chủ tịch hội nọ lĩnh giải 4 lần, cũng nên lẩy thơ Tản Đà để ghi ông vào sử sách và cũng là dịp luận bàn nhân tình thế thái: "Khen cho hội cũng bền gan nhỉ/Cứ để cho ông giật (giải) mấy lần!".

Nhà văn Nguyễn Quang Thân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn