1. Để mở đầu bài viết, tôi xin được kể một câu chuyện sau đây : Có lần, tôi chứng kiến một chiếc xe cảnh sát lao rầm rầm trên phố. Dưới mặt đất là mấy bà, mấy cô gồng gánh chạy bạt mạng. Người không nhanh là bị công an và "đội tự quản" thu hết thảy hàng hóa đưa về đồn. Người nhanh chân thì chạy thoát, thở phào vì "thoát nạn". Tôi bèn dừng xe lân la đến chỗ một bà hàng rau làm quen. Tôi hỏi :
- Chị có hay bị đuổi như thế này không ?
Bà ta vừa nói vừa thở :
- Ối giời, ngày nào mà không bị đuổi mấy bận !
- Chị không sợ à ?
- Cũng quen thôi, mà sợ gì cơ chứ, sợ mà không đi bán hàng thì lấy cái gì đút vào mấy cái mồm, hả chú ?
- Nhưng chị có biết là chị vi phạm nghị định 36CP về đường thông hè thoáng không ?
- Tôi biết là tôi sai nhưng đầy đứa còn sai hơn tôi, mà nước mình thì luật pháp cái khỉ gió gì ! Chỉ được cái bày vẽ. Mấy cái mớ luật pháp của các ông nhà nước thối đến chó cũng không ngửi được !
- Ấy chết, sao chị lại nặng lời thế ?
- Chứ lại không à ! Đấy chú xem, chúng nó kê hẳn cái phản thịt lợn giữa vỉa hè bán mà không bị làm sao, chúng tôi chỉ gánh rong, thỉnh thoảng mới hạ xuống mà cũng bị đuổi bắt. Tháng nào chúng nó cũng đút tiền cho công an thì mới yên ổn đấy. Công an còn làm sai trước cả chúng tôi ấy chứ !"...
- Chị có hay bị đuổi như thế này không ?
Bà ta vừa nói vừa thở :
- Ối giời, ngày nào mà không bị đuổi mấy bận !
- Chị không sợ à ?
- Cũng quen thôi, mà sợ gì cơ chứ, sợ mà không đi bán hàng thì lấy cái gì đút vào mấy cái mồm, hả chú ?
- Nhưng chị có biết là chị vi phạm nghị định 36CP về đường thông hè thoáng không ?
- Tôi biết là tôi sai nhưng đầy đứa còn sai hơn tôi, mà nước mình thì luật pháp cái khỉ gió gì ! Chỉ được cái bày vẽ. Mấy cái mớ luật pháp của các ông nhà nước thối đến chó cũng không ngửi được !
- Ấy chết, sao chị lại nặng lời thế ?
- Chứ lại không à ! Đấy chú xem, chúng nó kê hẳn cái phản thịt lợn giữa vỉa hè bán mà không bị làm sao, chúng tôi chỉ gánh rong, thỉnh thoảng mới hạ xuống mà cũng bị đuổi bắt. Tháng nào chúng nó cũng đút tiền cho công an thì mới yên ổn đấy. Công an còn làm sai trước cả chúng tôi ấy chứ !"...
Tôi ra về, lòng bâng khuâng khôn tả. Dân mình còn nghèo khổ lắm. Người nông thôn đổ xô về thành phố kiếm sống, làm đủ các nghề vất vả. Có người rong ruổi khắp phố phường chỉ mong ngày kiếm 20-30 ngàn là tốt lắm rồi. Có người đứng vất vưởng đầu đường, góc cầu, để chờ việc.
Giữ đường thông hè thoáng là tốt, nhưng ngày nào cũng vài lần truy đuổi như vậy chỉ càng thêm ngán ngẩm cho những người chứng kiến. Cần phải giải quyết tận gốc rễ của vấn đề, đó là xóa hẳn cái đói, cái nghèo cho dân.
Nhiều năm nay, nhà nước không quan tâm đúng mức đến lãnh vực nông nghiệp. Có nhiều cách để nâng cao đời sống nông thôn như : Đầu tư nghiên cứu nhằm nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi ; phát triển ngành chế biến và tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, chăn nuôi ; chuyển dịch cơ cấu ngành nghề ; có chính sách trợ giúp nông dân về phân bón, giống cây trồng, thuế ; v.v... Nếu như đảng có thiện chí làm những việc như vậy thì có phải là dân đã đỡ khổ từ lâu lắm rồi hay không ?
2. Vừa qua, chi phí bỏ ra làm mọi công việc liên quan đến kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, là 300 tỉ đồng. Nếu dùng số tiền này cho mỗi gia đình nghèo khó vay (lãi suất thấp), một triệu đồng để xóa đói giảm nghèo thì có phải là 300 ngàn gia đình đã có vốn làm ăn rồi hay không ?
Trên Ti vi có đưa tin tỉnh Thanh Hóa mới đây cho các gia đình vay 100 - 200 ngàn đồng để xóa đói giảm nghèo. Đối với các gia đình khó khăn thì 100 ngàn đã là một khoản rất quý, huống chi là một triệu đồng ? !
Do vậy, việc bỏ ra 300 tỉ đồng trong lúc này đã hợp lý hay chưa ? Không nên phủ nhận lịch sử, nhưng có lẽ trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn như hiện nay, tốt nhất là chỉ nên bỏ tiền tôn tạo bảo tồn di tích để khỏi bị hư hại. Còn làm rùm beng như thời gian qua là nhất quyết không nên. Ngân sách quốc gia không thể đem ra chi tiêu bừa bãi thiếu tính toán. Trong khi lương của cán bộ còn rất thấp, nông thôn còn rất khó khăn, nền kinh tế đang cần tập trung nguồn vốn để phát triển, thì đảng và nhà nước đã rất phung phí trong chi tiêu.
Kể cũng may cho đảng là năm nay tròn 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Con số 50 là cái cớ để đảng thổi lên, khơi dậy "niềm tự hào chiến thắng" trong lòng dân, hướng dư luận về mục tiêu Điện Biên Phủ để quên đi những yếu kém, tệ hại của đảng trong việc điều hành, quản lý đất nước. Đấy là một việc làm thiếu bản lĩnh của các nhà lãnh đạo. Thay vì quyết tâm sửa chữa những khuyết tật là việc lấp liếm, tìm mọi cách để người dân không để ý đến những khuyết tật ấy. Nhưng dường như các nhà lãnh đạo đã nhầm.
Người ta sẽ không thể quên việc cấu kết giữa các uỷ viên Trung ương đảng, uỷ viên Bộ chính trị với tên trùm xã hội đen Năm Cam. Người ta cũng rất nhớ các thứ trưởng, bộ trưởng bao che cho trùm tham nhũng Lã Thị Kim Oanh. Người ta càng căm phẫn khi một con yêu râu xanh là phó chủ nhiệm Uỷ ban thể dục thể thao quốc gia (ngang cấp thứ trưởng), hiếp dâm một cháu bé 13 tuổi !
3. Những tưởng các nhà lãnh đạo phải có một cách xử lý đúng đắn, hòng lấy lại uy tín và niềm tin của nhân dân. Ấy vậy mà hoàn toàn không phải. Các phiên toà xử Năm Cam, Lã Thị Kim Oanh đều là xử kín. Chỉ có một số rất ít người "có giấy mời" được vào tham dự. Còn lại hầu hết ngồi tại phiên toà là công an. Nhìn thoáng qua, người ta sẽ tưởng nhầm buổi họp của ngành công an !
Khi truyền hình trực tiếp trên tivi chỉ được có hai ngày. Ngày khai mạc và ngày kết thúc phiên toà. Tức là dân chỉ được nghe cáo trạng của bên viện kiểm sát và luận tội của bên toà án. Phần quan trọng nhất là tranh biện giữa bên bị cáo và bên toà án thì dân không biết diễn tiến ra sao. Nếu không có gì mờ ám thì tại sao đảng lại phải giấu giếm như vậy ? Sau phần luận tội, họ nhanh chóng tuyên bố chấm dứt phiên toà. Tại sao họ không dám cho bị cáo nói lời cuối cùng như luật định ? Phải chăng, các nhà lãnh đạo sợ bị cáo sẽ tố cáo khui ra nhiều vị cấp cao hơn nữa của đảng có dính líu đến vụ án này (vì đằng nào cũng chết !) ? Tuy đó chỉ là một "động tác" rất nhỏ nhưng đã bộc lộ rõ tính chất gian dối, manh tâm của các lãnh đạo đảng, nhà nước và ngành tư pháp Việt Nam .
Dư luận cũng rất bất bình với việc các thứ trưởng bộ nông nghiệp được "tại ngoại". Luật pháp cứ như thể trò đùa, muốn làm gì thì làm. Dân và quan không bình đẳng trước pháp luật. Đảng và nhà nước còn coi thường luật pháp thì làm sao đòi hỏi người dân tôn trọng luật pháp. Làm sao xã hội chẳng rối ren ?
Tôi lại nhớ câu nói của bà hàng rau hôm nào : "Mấy cái mớ luật pháp của các ông nhà nước thối đến chó cũng không ngửi được !". Nghe thật thô thiển, nôm na mà chua chát làm sao, bởi, xét trên một bình diện nào đó thì câu nói đó rất đúng ở nước ta hiện nay.
4. Vừa qua, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, dân rất thờ ơ, mặc cho các phương tiện truyền thông tuyên truyền rầm rộ. Lãnh đạo đảng và nhà nước cần phải nhìn sự việc này một cách hết sức nghiêm túc. Dân thờ ơ với bầu cử như hiên nay là biểu hiện của một trạng thái chán ngán cơ chế hiện nay, Đảng đã mất uy tín đến độ trầm trọng. Nếu có đi "bầu" thì cuộc sống cũng chẳng khá hơn. Tham nhũng vẫn ngày càng gia tăng, tệ cửa quyền, quan liêu vẫn phát triển đều. Chỉ đến khi nào lá phiếu của cử tri ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cuả chính họ thì họ mới đi bầu một cách hào hứng.
98% hay 99% cử tri đi bầu, nêu ra để mà làm gì cho thêm xấu hổ với thế giới. Bằng nhiều cách, thúc giục, bắt ép, doạ nạt cử tri phải đi bầu để rồi trương cái hình thức ấy lên ư ? Thế kỷ 21 rồi mà tại sao đất nước này còn lạc hậu đến như thế ? Cứ nhìn vào việc bầu cử ở nước ta sẽ thấy ngay não trạng không bình thường của các nhà lãnh đạo. Với cái não trạng ấy thì làm sao có thể dẫn dắt dân tộc đi lên ?
Họ in hình và tóm tắt tiểu sử của các vị ứng cử viên trên các tấm bìa bóng loáng rất đẹp và đắt tiền, rồi phát cho mỗi gia đình. Thử nhân số tiền mỗi tấm bìa đó với số lượng gia đình thì mới thấy con số khổng lồ lãng phí. Lãng phí một cách hợm hĩnh và ngu dốt.
5. Các sinh hoạt phí cho đảng viên toàn quốc (tiệc tùng, họp hành, trang thiết bị, tuyên truyền,v.v...) cũng chiếm một số tiền khổng lồ trong mỗi năm. Tất cả những khoản lãng phí ấy đều lấy từ ngân sách quốc gia. Đó là mồ hôi nước mắt của dân. Còn biết bao thứ lãng phí, thất thoát khác do yếu kém trong quản lý và sai lầm trong đường lối gây ra.
6. Xin nêu thêm một ví dụ tiêu biểu là lãnh vực xây dựng cơ bản. Theo tính toán của các chuyên gia, con số thất thoát mỗi năm từ các công trình xây dựng cơ bản ở nước ta ngang bằng với số tiền lương trả cho tất cả các nhân viên công chức cũng trong một năm. Nghĩa là, nếu các nhà lãnh đạo ngăn chặn được thất thoát trong xây dựng cơ bản thì tiền lương cho mỗi cán bộ trong toàn quốc hoàn toàn có thể tăng gấp đôi so với mức hiện có !
Theo số liệu của Bộ kế hoạch và đầu tư, chỉ tính riêng trong hai năm 2001- 2002, nợ xây dựng cơ bản trên toàn quốc đã lên tới 11 nghìn tỉ đồng, trong đó các bộ ngành trung ương nợ khoảng 3700 tỉ, bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn nợ 1400 tỉ đồng, nhiều tỉnh nghèo nhưng nợ hàng trăm tỉ như : Hà Giang nợ 251 tỉ, Bắc Kạn nợ 235 tỉ, Sơn La nợ 536 tỉ, Quảng Nam nợ 447 tỉ, v.v...
Rõ ràng, bộ máy lãnh đạo ở nước ta ngày càng tỏ rõ sự ì ạch, rất yếu kém trong quản lý.
7. Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, và những tư duy già nua cũ kỹ không còn phù hợp với những chuyển biến phức tạp của xã hội Việt Nam hiện nay, không thể cứu được những vấn nạn do chính nó gây ra.
Các nhà lãnh đạo cần sớm tự cởi trói cho đầu óc của mình và cởi trói cho toàn dân tộc. Sớm trả lại cho nhân dân một nền dân chủ lành mạnh. Thực hiện bầu cử tự do để dân lựa chọn cho mình người lãnh đạo đầy đủ năng lực, có thể vực đất nước thoát ra khỏi đói nghèo, lạc hậu, và những vấn nạn trầm trọng như hiện nay.
Tuệ Minh
Hà Nội, Ngày 28 tháng 4 năm 2004
Gửi ý kiến của bạn