BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73231)
(Xem: 62212)
(Xem: 39390)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Trần Khuê, một nhân sĩ yêu nước!

09 Tháng Giêng 200312:00 SA(Xem: 1167)
Trần Khuê, một nhân sĩ yêu nước!
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Có ai đó bảo, “rõ khổ! già rồi còn lắm chuyện. Cứ thanh thản an hưởng tuổi già, vui vầy cùng con cháu có phải sướng không. Đấu tranh, lên tiếng làm gì cho khổ!”

Đấy là họ đang nói về ông Trần Khuê. Tôi băn khoăn lắm. Vì rằng, nếp tâm lý ấy, nếp suy nghĩ ấy lại là phổ biến trong dân chúng hiện nay.

Khi nước mất, Tổ Quốc rất cần những người con anh dũng. Khi nước suy, Tổ quốc càng cần họ hơn. Bởi lẽ, khi nước mất cả nhân dân đứng về phía họ, cả nhà nước cũng đứng về phía họ, còn khi nước suy, chính quyền thù họ, một bộ phận lớn nhân dân sợ sệt chính quyền cũng không dám làm gì. Cho nên, thật bất hạnh thay cho dân tộc nếu như không có những người con dũng cảm, dám đứng lên nói thẳng, nói thật, dám hành động vì lẽ phải, vì một xã hội tiến bộ hơn…

+ + +



 






Là một người làm báo, tôi có duyên may được tiếp xúc nhiều với nhà nghiên cứu Trần Khuê. Phải nói, đó là một con người rất nặng lòng vì Tổ Quốc. Không biết bắt đầu từ bao giờ những có lẽ, những năm tháng nghiên cứu Hán nôm đã hun đúc trong ông một tinh thần yêu nước khôn nguôi. Vừa thẳng thắn, khẳng khái, vừa sắt đá – đó là tinh thần của một nhà nho chân chính.



Với cái nhìn phê phán đầy sắc sảo, ông đã phân tích, vạch ra kỹ lưỡng từng khuyết tật của xã hội một cách chính xác, nghiêm túc và khoa học. Ông luôn yêu cầu Chính phủ phải sửa chữa những khuyết tật sai lầm với một thái độ cương quyết nhưng ôn hoà.

Ta hãy đọc lại một số đoạn trích trong tập “đối thoại 2001”(tập 4 + 5), tập sách gần nhất của ông : “Với tư cách người nghiên cứu, chúng tôi chỉ trình bày vấn đề đúng sai phải trái và mời mọi người tham gia tranh luận để cùng nhau tìm ra một lối thoát cho Việt Nam, giúp cho Việt Nam chúng ta mau chóng phát triển kịp tiến bước mà sánh vai với các nước tiên tiến thế giới. Có thể chúng tôi bị chê là ảo tưởng và lãng mạn thái quá. Không, chúng tôi tin vào trí tuệ Việt Nam, tin vào tiềm lực văn hoá của Việt Nam mà đặt vấn đề hy vọng như thế ”. Hẳn đó cũng là thể hiện quan điểm cầm bút của ông. Ở trang 12, một cách thẳng thắn ông phê phán “Hoàn toàn không thể thông cảm mà còn căm ghét những kẻ nào miệng nói, tay viết: “Phải bảo vệ Chủ nghĩa Marx”, “bảo vệ CNXH”. Thậm chí, miệng họ nói rằng ”Phải bảo vệ tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhưng nhân dân bị ức hiếp, đói khổ thì họ lờ đi. Họ vô liêm sỉ đến mức mang tiền “xoá đói giảm nghèo” hàng trăm tỷ để đi đánh chén và chia chác với nhau. Nếu dăm ba nơi xảy ra chuyện như thế thì còn có thể gọi là cá biệt hoặc một bộ phận. Nhưng trên toàn quốc, hầu như 61 tỉnh đều xảy ra tham nhũng mà tại sao ban soạn thảo văn kiện lại dám viết rằng “Một bộ phận cán bộ đảng viên”? Một bộ phận là bao nhiêu.”…Miệng thì nói theo Chủ Nghĩa Marx nhưng đầu lại không nghĩ nổi “Chân lý là cụ thể” chính bè lũ tham nhũng và bọn bao che cho bè lũ tham nhũng núp dưới sự mơ hồ thiếu cụ thể này mà tiếp tục hoành hành, tác oai tác quái, phá hoại tất cả những gì tốt đẹp phải tốn bao xương máu mới tạo ra được trong hơn nửa thế kỷ qua”.

Khi thấy những hội nghị lãng phí, vô bổ ông lại lật ngược góc nhìn về phía những người dân đói khổ. Để rồi giận. Để rồi thương: “Mỗi đại biểu từ Hà Nội vào (TP HCM - Tuệ Minh) cả tiền vé máy bay đi bay về lẫn tiền ăn ở khách sạn, bỏ rẻ cũng hết ba triệu đồng. Ba triệu so với hàng trăm, hàng ngàn tỉ bị mất cắp quả thật không đáng gì. Nhưng chỉ cần ba triệu đó thôi là một gia đình nông dân có thể xoá đói, thậm chí có thể thoát được cả cảnh nghèo…Cần phải hình dung ra cái cảnh nông dân phải đề nghị sướt trán mới vay được 300.000VNĐ hoặc 500.000VNĐ (vay trong quĩ xoá đói giảm nghèo của nhà nước – T M) mới thấy cảnh nhiều gia đình nông dân ở nhiều vùng còn thê thảm biết chừng nào. Chẳng lẽ các vị cứ vung tay qúa trán hàng trăm triệu, hàng ngàn triệu lại không hệ có chút động tâm nào chăng?”(Trang 17).

Đi sâu vào vấn đề lý luận, ông phê phán quyết liệt bệnh giáo điều của các nhà lý luận Việt Nam, ông kêu gọi họ phải can đảm nhìn vào thực tế phát triển ở Việt Nam từ đó mới có thể đề xuất, thảo luận, giải quyết những vấn đề gai góc của đất nước. Lý luận không chỉ giản đơn là những ngôn từ nằm trên trang giấy. Nếu tư tưởng, đường lối vạch ra sai nó sẽ kìm hãm ghê gớm đời sống kinh tế xã hội.

Về cái gọi là “tôn trọng nguyên tắc dân chủ tập trung” và “ý thức phục tùng tổ chức” ông viết: “không ai chịu trách nhiệm cả (…) người ta đổ lỗi cho hoàn cảnh lịch sử, còn sự thiệt hại, sự nghèo nàn, sự lạc hậu người ta trút lên đầu nhân dân và khuyến cáo nhân dân hãy cam bề chịu đựng” (Tr.37).

Những người ưu thời mẫn thế hẳn đều đồng cảm với những ưu tư đau đáu: “Chẳng lẽ nỗi khiếp sợ bọn cửa quyền, tham nhũng lại lớn đến nỗi khiến cho tất cả chúng ta trở thành tối dạ và mất hết can đảm rồi sao? Bảo nhau cam tâm ngồi giương mắt nhìn những kẻ phạm pháp cứ nhơn nhơn ngoài vòng pháp luật mãi sao? Ôi! Một dân tộc anh hùng như Dân Tộc ta, một đất nước văn hiến như Đất Nước ta lại cam chịu lẽo đẽo sau thiên hạ mãi sao? Chẳng lẽ tất cả những con người hiểu biết hoặc tự nhận mình là hiểu biết đều đứt mất dây thần kinh xấu hổ rồi chăng? Chưa bao giờ chúng tôi lại cảm nhận đầy đủ nỗi đau của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và tất cả những nho sĩ yêu nước, trí thức yêu nước của đầu thế kỷ XX như hiện nay” (Tr39)

Trang 63 ông viết: “… Nhân dân đã chiến đấu đến hàng trăm năm liền đã thoát cuộc đời nô lệ và đã giành được tự do. Thế mà lại bày ra đủ các thứ lí luận để làm hậu thuẫn cho những kẻ đang tìm mọi cách tước đoạt quyền tự do của nhân dân. Thử hỏi nhân dân có nghe được không? Có chịu đựng mãi được không? Thế mà khi nhân dân, với ý chí bất khuất và bản chất yêu tự do của mình muốn góp tay giúp đảng diệt trừ bọn tham nhũng, bọn “nội xâm” thì lại chụp cho người ta đủ mọi thứ “mũ”. Hình như đã lâu lắm rồi rất nhiều đảng viên không coi trí thức là một bộ phận quan trọng của nhân dân. Hễ người ta lên tiếng là tìm cách vùi dập hoặc “vô hiệu hoá” hoặc lờ đi coi như không nghe thấy. Một Tạ Quang Bửu, một Nguyễn Khắc Viện, một Phan Đình Diệu và bao nhiêu người nữa đều bị vô hiệu hoá. Và gần đây có những trí thức tâm huyết đóng góp ý không biết mệt mỏi như Nguyễn Văn Chiểu, Nguyễn Cảnh Toàn, Hồ Ngọc Đại, Hoàng Tụy cũng chẳng chú ý lắng nghe.”. Có thể nói thẳng rằng, giới trí thức ở Việt Nam chưa có chỗ đứng thực sự. Người dám nghĩ dám làm thì không tồn tại được lâu hoặc bị vô hiệu hoá, kẻ nịnh bợ luồn lách thì lên chức vù vù, nằm giữ những vị trí quan trọng. Quyền lực của nhà nước đã dần dần làm xói mòn cái dũng khí của người trí thức. Rồi mai sau, liệu con cháu chúng ta có gọi, “giới trí thức” bây giờ, tức là cha ông của chúng, là “giới hèn nhát” hay không?

Trong bối cảnh “khó khăn” như thế này chúng tôi thầm cảm phục những nhân sĩ đầy khí phách như ông Trần Khuê, ông Phạm Quế Dương,… những người đã dám bày tỏ chính kiến của mình công khai. Tôi lại nhớ câu trả lời một phóng viên của Hồ Chí Minh năm 1948 _ câu mà ông Trần Khuê rất tâm đắc:

“- Thưa Chủ tịch, Chủ tịch sợ điều gì nhất?
- Không sợ gì cả! Một người yêu nước không sợ gì hết, và nhất thiết không được sợ gì!”


và không chỉ dừng lại ở lý luận, ông đã cùng những người tâm huyết khác viết đơn xin được thành lập “hội nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và nhà nước chống tham nhũng” với ý nguyện làm được điều gì đó có ích cho dân tộc ở cái tuổi gần đất xa trời. Nhưng sự đời đâu dễ dàng, trôi chảy. Họ đã bắt các ông ngay lập tức. Nhưng rồi sự bắt bớ quá vô lý cũng phải chấm dứt. Giờ đây họ đã chính thức tuyên bố bắt ông và ông Phạm Quế Dương với tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCNVN” (lệnh bắt đọc tại nhà ông Trần Khuê) - Một “tội” qúa mơ hồ, vu vơ…

+ + +

Tôi viết bài này với một số những trích dẫn nhằm giúp những ai chưa hiểu rõ về Trần Khuê có điều kiện tiếp cận. Tôi mong mỏi mọi người hãy tìm đọc các tác phẩm “Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển” (1998), “Đối thoại năm 2000”, “Đối thoại 2001” (cuốn này gồm 2 phần, tập I+II+III và tập IV+V) của Trần Khuê (viết chung với Nguyễn T. Thanh Xuân), cũng như hãy tìm đọc các bài viết của Đại tá – Nhà báo Phạm Quế Dương. Chúng ta sẽ nhận thấy những chân giá trị của những tâm hồn nồng nàn yêu nước. Đồng thời lên tiếng yêu cầu nhà nước thả vô điều kiện hai ông. Hoặc, nếu xét xử thì phải được xét xử công khai cho nhân dân chứng kiến. Nhân dân yêu cầu nhà cầm quyền phải hành xử một cách “quân tử”. Nhân dân đã bất bình với lối xét xử lén lút kiểu “tiểu nhân” lắm rồi!

Sài Gòn, ngày 9/01/2003
Tuệ Minh
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn