BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73215)
(Xem: 62209)
(Xem: 39387)
(Xem: 31147)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Amen

31 Tháng Mười Hai 201012:00 SA(Xem: 1120)
Amen
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
 Lời mở đầu :

Mùa lễ giáng sinh vừa qua, đi lễ đêm với gia đình, sau khi tan lễ, trên đường về, trong đầu tôi vẫn còn văng vẳng những câu kinh và bài giảng phúc âm của buổi lễ khá trang trọng… và một chữ rất quen thuộc vẫn còn vọng lại từ trong tâm thức. Đó là chữ “Amen.”

Nhìn lại, tôi đã đi lễ cuối tuần cùng với vợ con đã vài chục năm… đã nghe trên ngàn bài giảng phúc âm; và cũng nghe, đọc chữ “Amen” đến trên vài ngàn lần mà thật sự chính cá nhân tôi chỉ hiểu lờ mờ ý nghĩa của chữ “Amen.” Hôm nay có lẽ vì trời California mưa to gió lớn, tôi cắc cớ hỏi bà cụ tôi, cụ đã 83 tuổi và đi lễ, đọc kinh cá nhân hay đọc kinh nhóm cùng với các cụ cao niên khác gần như mỗi ngày, về ý nghĩa của chữ “Amen,” Cụ nhìn tôi hơi lạ (có lẽ cụ nghĩ là tôi ấm đầu!) rồi thú thật với tôi là: “Má cũng không rõ. Để má hỏi lại các Cha cho biết!”

Trong khi chờ đợi câu trả lời “chính qui” của các vị linh mục, tôi dành chút thời giờ sưu lục và viết một bài khảo luận bỏ túi này; mong rằng sẽ đóng góp một hay hai lời giải nghĩa khả dĩ cho chữ “Amen;” Đồng thời cũng xin quí vị quan tâm sửa sai và bổ túc cho ý nghĩa của chữ này được sáng sủa thêm…

TVG

*


“ ‘Amen’ nghĩa là gì? Và tại sao chữ ‘Amen’ lại được đọc và nghe rất nhiều trong thánh kinh cũng như trong các buổi lễ của Thiên chúa giáo?”

Đầu tiên, chữ “Amen” vì nghe quá quen thuộc làm chúng ta nghĩ là mọi người theo đạo Thiên chúa (Christians) đều biết ý nghĩa của nó! Sự thật tôi thấy không phải như vậy. Nhiều người đi lễ nhà thờ thường xuyên vẫn chỉ hiểu chữ “Amen” một cách lờ mờ, đại khái, qua loa… thành thử có nhiều trường hợp chữ “Amen” vô tình bị “lạm dụng;” có khi lại còn bị hiểu sai nghĩa (là “xin hết / xin chấm dứt” chẳng hạn) mới chết!

Chữ “Amen” nguyên thủy xuất phát từ tiếng “Berber,” một thổ ngữ của Hebrew (tiếng Do thái), nhưng lại được phổ biến rộng rãi trong các ngôn ngữ khác như Hy lạp, La-tinh, Anh ngữ, Pháp ngữ, tiếng Tây ban nha; và nhiều ngoại ngữ khác của các dân tộc có văn hóa không sính (?) với Thiên chúa giáo như tiếng Ai cập (“Amen-Ra,” “Amun,” Amounra,” “Amon”), Tây tạng (“Amen”), Ả rập (“Amin”), tiếng Phạn (Hindu Sanskrit – “Aum”)…

Chữ “Amen” thấy rất nhiều trong cả Kinh Cựu Ước và Tân Ước; nhưng lại có nhiều ý nghĩa khác nhau tùy vào nội dung của mỗi câu kinh. Phần lớn các nhà thần học đồng ý là, theo tiếng Do thái, chữ “Amen” biến thể từ một chữ gốc là “Aman” có nghĩa là:

Xác nhận” (“confirm”) một “Chân lý” (verily / truly) “Vĩnh cửu” (“solid in the sense permanency”).

Theo tài liệu khảo cứu, họ quả quyết là chữ “Amen” hoàn toàn phát xuất từ tiếng Do thái (nguyên văn: “It is a pure Hebrew word”).

Nói một cách tổng quát, “Amen” có nghĩa là:

Với lòng thành; là chân lý, vĩnh cửu.”

Mỗi khi chữ “Amen” xuất hiện trong thánh kinh, thường ở cuối một câu kinh, để xác nhận một sự thật, một chân lý vĩnh cửu.

Thật lạ, khi truy nguyên gốc của sự sử dụng chữ “Amen” trong Kinh Tân Ước, chính Đức Chúa Giê-su trong nhiều trường hợp, thường bắt đầu lời giảng của Người bằng cách lập lại chữ “Amen / Verily” hai lần (chẳng hạn “Amen, Amen,..”) để nhắc nhở cho mọi người rằng lời của Chúa là tuyệt đối đúng (“absolute certainty”) chứ không phải như chỉ thấy ghi một lần ở cuối câu giảng như chúng ta vẫn nghe; và vẫn đọc.

Thí dụ:

Amen, Amen, Thầy nói cho các con biết là nếu người nào trong các con nhớ lời của Thầy sẽ sống đời đời” (“Verily, verily, I say unto you, if a man keep my saying, he shall never see death…”) (John 8:51).

Hoặc là lời Chúa Giê-su nói với Thánh Phê-rô:

Anh bảo anh sẽ thí mạng cho Thầy? Amen, Amen., Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (“Will you lay down your life for my sake? Verily, verily, I say onto you, the cock shall not crow, till thou hast denied me thrice.”) (John 13:38).

Nếu so sánh bài giảng đã ghi là “Thầy bảo thật các con” (“Verily (“Amen”), I say onto you….”) (Mark 9:1) bởi Thánh Mark nhưng Thánh Luke lại dịch là “Thầy bảo thật các con” (“But I tell you of “Truth”) (Luke 9:27); Như vậy chúng ta thấy chữ “Amen” là ẩn dụ của chữ “Truth / Verity.” Chữ “Verily” (có nghĩa là “Truly,” “Truthfully”) đã được dịch nghĩa theo đúng chữ Do thái là “Amen.” Lời Chúa Gie-su có thể được viết lại là: “Bằng lời THẬT, Thầy nói với các con là…” (Of a truth / truthfully, I say onto you…). Thành ra có thể dịch “Amen,” là “Verily,” “Truly,” hay “Truthfully” và ngược lại…

Để hiểu thêm về nghĩa của chữ “Amen,” chúng ta có thể đọc lại lời Chúa trong các câu kinh khác khác đã dùng chữ “Amen” một cách rất lý thú. Chẳng hạn:

- Ngôn sứ Jeremirah thay vì dùng “Amen, Amen” (2 lần), Ngôn sứ lại thay thế chữ “Amen” thứ hai bằng một câu, thành ra: “Amen, Ước gì Đức Chúa làm như thế…” (“Amen, the Lord do so…”) (Jer 28:6)

- Trong sách I-Sai-A, có một danh xưng của Chúa là: “Thiên Chúa Chân Thật” (“God of Truth”). Tín hữu Thiên chúa giáo khi đọc kinh lại bỏ chữ cuối (“Truth”) và thay bằng chữ “Amen” (“God of Amen”) (Isaiah 65:16).

- Trong sách “Sử Niên Biên quyền 2” (The Second book of the Chronicles) Thánh Phao-lồ đã nói về Chúa Giê-su như sau:

Mọi lời hứa của Chúa đều ‘có’ nơi Người ‘Amen’ ” (“For as many as may be the promises of God, in him they are ‘yes’ and in him ‘Amen.’ “) (2Co 1:20)

- Trong sách Khải Huyền (Book of Revelation) một danh xưng khác của Chúa Giê-su là: “Đấng Amen, Chứng Nhân Trung Thành và Chân Thật” (“The Amen, the Faithful and True witness”) (Rev 3:14).

Như vậy, khi chúng ta nói hay đọc “Amen,” là chúng ta muốn nói:

Trước mặt Thiên chúa, con xin đồng ý như vậy;

Hoặc là:


Con tin là sự thật / là chân lý;”


Hoặc là:



Con luôn luôn mong muốn như vậy.”


Tất cả giống như một lời thề thật trang nghiêm trước mặt Chúa - long trọng và đứng đắn chứ không phải chuyện bỡn, qua loa !


Để cho trọn vẹn theo nghĩa truyền thông hai chiều (tương tự như xem cả hai mặt của đồng tiền), tôi xin trình bày thêm ở đây vài quan điểm của nhiều nhà thần học thuộc nhóm phản kháng (-con) và một số nhà Ai-câp học (Egyptologist). Dĩ nhiên, chúng ta không nhất thiết phải đồng ý với họ; nhưng chúng ta vẫn tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của họ. Họ đã phản bác và cho là chữ “Amen” không phải phát xuất từ tiếng Do thái (Hebrew) mà từ tiếng Ai cập (Egyptian origin) – theo tên một vị thần cổ Ai cập là tên “Ammon” hay “Amoun” (Thần Vô hình, Ẩn thần - “the Hidden One,” “the Hidden God”).


Họ cho rằng nếu chúng ta để ý thật kỹ (?) vào một số câu trong thánh kinh Thiên chúa giáo đã mô tả Đức Chúa Giê-su (both person and spirit) thì thấy là tương tự như người Ai cập đã mô tả và tôn thờ vị “Ẩn thần” (The Hidden One) của họ từ trước Thiên chúa giáng sinh:


Timothy 6: 16


Chỉ mình Người là đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã hay có thể thấy: Kính dâng Người danh dự và uy quyền muôn đời. Amen.”

(Who only hath immortality, dwelling in the light which no man can approach unto; whom no man hath seen, nor can see: to whom be honour and power everlasting. Amen).

Revelation (Sách Khải Huyền) 1: 7

Kìa Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, ngay kẻ đã đâm người. Mọi dân trên mặt đất sẽ than khóc khi thấy Người. Đúng thế. Amen.”

(Behold, he cometh with clouds; and every eye shall see him, and they also which pierced him: and all kindreds of the earth shall wail because of him. Even so, Amen).

Revelation 1: 18

Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống muôn đời. Amen, Ta giữ chìa khóa của Âm phủ và Tử Thần.”

(I am he that liveth, and was dead; and, behold, I am alive for evermore, Amen; and have the keys of hell and of death).

Revelation 3: 14

Hãy viết cho thiên thần hội thánh Laodikia: Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng Nhân trung thành và chân thật, là khởi nguyên của mọi loài Thiên chúa tạo dựng.”

(And unto the angel of the church of the Laodiceans write; These things saith the Amen, the faithful and true witness, the beginning of the creation of God).

Revelation 7: 12

Amen! Xin kính dâng Thiên Chúa chúng ta lời chúc tụng và vinh quang, sự khôn ngoan và lời tạ ơn, danh dự, uy quyền và sức mạnh, đến muôn thuở muôn đời ! Amen.”

(Saying, Amen: Blessing, and glory, and wisdom, and thanksgiving, and honour, and power, and might, be unto our God for ever and ever. Amen).

Revelation 19: 4

Bấy giờ hai mươi bốn vị kỳ mục và bốn con vật phủ phục xuống thờ lậy Thiên Chúa, Đấng ngự trên ngai mà tung hô: Amen! Ha-lê-lui-a.”

(And the four and twenty elders and the four beasts fell down and worshipped God that sat on the throne, saying, Amen; Alleluia).

Revelation 22: 21 (cũng là lời cuối cùng của quyển Thánh Kinh)

Chúc mọi người được ân sủng của Chúa Gie-su. Amen.”

(The grace of our Lord Jesus Christ be with you all. Amen).

Ngoài ra, nhóm thần học phản kháng này còn cho là Thiên chúa giáo biến thể từ đạo của những người Do thái sống theo văn hóa Hy lạp (hellenistic Jews - tuy không phải là người Hy lạp!) vừa thờ phụng các thần Babylon và thờ cả thần của Ai cập?! Vì vậy chữ “Amen” có nguồn gốc từ chữ của Ai-cập cũng không phải là vô cớ! Và còn đi xa hơn nữa, họ cho rằng tín hữu Thiên chúa giáo khi đọc chữ “Amen” là đã vô tình ngưỡng mộ, thờ phụng “Ẩn thần” (“The Hidden One”) của Ai-cập ???

Bây giờ trở lại Thiên chúa giáo lề phải…

Bình thân, tín hữu Thiên chúa giáo chúng ta thường bận tâm và lo sợ sẽ mất tiền mất của… thay vì quan tâm đến phần hồn và đấng cứu thế. Chúng ta cần phải được nhắc nhở hàng ngày về việc này qua chữ “Amen.”

Chữ và câu /nhóm chữ của ngôn ngữ đã thay đổi theo thời gian. Mỗi dân tộc sẽ tùy tiện thay đổi các chữ của họ theo các mục đích riêng… nhưng chữ “Amen” mặc dù chưa có một lời giải nghĩa duy nhất nào được nhìn nhận là trọn vẹn, “chính xác,” nhưng chữ “Amen” vẫn còn nguyên vẹn qua hàng chục thế kỷ như thể được Thiên Chúa toàn năng bảo vệ.

Xin Chúa rộng lượng xót thương, dẫn dắt chúng con đến chân lý và thấu hiểu cặn kẽ chữ “Amen” thiêng liêng của Chúa (the Holy Word of God).

Tôi xin phép mượn một câu trong “Thư của Thánh Phao-lồ gởi tín hữu Rô ma” để kết thúc bài này:

Vì muôn vật đều do Người mà có; nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! AMEN.”

(For of him, and through him, and to him, are all things; to whom be glory for ever. AMEN.” (Romans 11:36)

Trần Văn Giang

Orange County 12/29/2010

________________

Tài liệu Tham khảo:

- Kinh Thánh Việt ngữ (Trọn bộ Cựu Ứơc và Tân Ước )- Phát hành bởi Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Sài gòn, 1998.

- The Holy Bible (Old and New Testaments) in the King James Version, Red letter Edition - Publisher Thomas Nelson, NY, 1970.

- Wikipedia – the free encyclopedia.

- … và một số lời bàn rải rác lượm trên mạng.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn