BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73233)
(Xem: 62214)
(Xem: 39392)
(Xem: 31148)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Người dân Việt Nam: vốn xã hội, hay đồ bỏ?

28 Tháng Hai 200812:00 SA(Xem: 851)
Người dân Việt Nam: vốn xã hội, hay đồ bỏ?
51Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
51
1. Một ngày như nhiều ngày khác

Theo báo Lao Động, ngày 18/02/2008: Ngày 16.2, tại điểm giao cắt không có rào chắn ở đoạn Km 6+560 thuộc cung đường sắt Văn Điển-Giáp Bát (Hà Nội), tàu hoả đã đâm một ôtô con văng ra xa hơn 30m rơi xuống ao làm 2 trung tá công an và 1 bà vợ trong xe chết tại chỗ.

Cùng ngày trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ (địa phận tỉnh Hà Tây) xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc, xe khách chở quá tải vượt phải đâm vào đuôi xe ôtô chở thép đường ray tàu hoả làm 4 người chết ngay tại chỗ và 10 người bị thương rất nặng....

Ngày 16/2 trên quốc lộ 14 xã Ia Khương, Chư Pah, Gia Lai, xe khách biển số 47V-1782 và xe máy biển số 81H2-2542 chạy ngược chiều đâm vào nhau. 5 thanh niên không đội mũ bảo hiểm đi trên 1 xe máy đã chết tại chỗ 4 người, 1 người bị thương nặng đang cấp cứu. (Báo Tiềnphong, ngày 18/02/2008)

Cùng ngày, tại Km 865 + 760 quốc lộ 14 (đoạn qua xã Kiến Thành, huyện Đăk R’lấp, Đăk Nông), xe khách 60N – 8928 do Nguyễn Văn Đạt điều khiển từ Buôn Ma Thuột đi TPHCM đã đâm trực diện vào xe khách 53S-1071 do Bùi Minh Tuấn điều khiển lưu thông ngược chiều. Hậu quả là tài xế Nguyễn Văn Đạt chết ngay tại chỗ, 41 hành khách bị thương nặng. 20 nạn nhân trong tình trạng nguy kịch đã được chuyển đi Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM sau đó 2 người đã tử vong tại bệnh viện.

Báo chí của Đảng cộng sản phải dùng từ: "Quá nghiêm trọng và quá... tang thương!" "...Bức tranh về tình trạng an toàn giao thông vẫn có quá nhiều gam tối do chính những "tệ nạn" trong lực lượng bảo vệ trật tự an toàn giao thông mang lại." (Lao Động số 36, ngày 18/02/2008).

Chỉ xin có một câu hỏi: “Tệ nạn” nói ở đây là tệ nạn gì vậy?

2.Giao thông - Những con số đáng giật mình!

Năm 2007 đã xảy ra 14,6 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 13,2 nghìn người, làm bị thương 10,5 nghìn người. Như vậy, bình quân một ngày có 40 vụ, 36 người chết, 29 người bị thương do tai nạn giao thông.

Mức độ thiệt hại không khác gì, thậm chí còn hơn cả nhiều cuộc chiến tranh. (báo Tiền Phong, 01/02/2008)

5 ngày Tết, trên cả nước xảy ra 315 vụ TNGT, 216 người chết, 336 người bị thương. (báo Lao Động số 31 Ngày 12/02/2008)

Sau Tết Nguyên đán: Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ - đường sắt, tuần đầu tiên sau Tết Mậu Tý, cả nước xảy ra 426 vụ tai nạn giao thông, làm chết 308 người, bị thương 450 người. (Lao Động số 36 Ngày 18/02/2008)

Đó là số liệu của một xã hội giàu đẹp văn minh đấy ư? Sao mạng người trong xã hội ta có thể rẻ rúng như ngoé vậy nhỉ?

Còn đây là số liệu của một nước mất ổn định: Báo Công an nhân dân, ngày 19/02/2008 cho biết: Số người thiệt mạng trong năm 2007 ở Pakistan do những vụ xung đột bạo lực liên tục diễn ra là 2.116 người.

So sánh hai con số, chúng ta là những công dân của nước cộng hoà xã hội Việt Nam văn minh giàu đẹp lịch sự gấp triệu lần hơn bọn tư bản giẫy chết kia… có suy nghĩ gì không? Số liệu nào đáng sợ hơn nhỉ? Thân phận con người ở đâu là vốn quý đáng trân trọng, và ở đâu người ta rẻ rúng coi khinh?

3. Luật Giao thông đang bị ... "giết"!

Đó là hàng tít của báo Lao Động ngày 18/02/2008: "...Vào đầu xuân mới, tai nạn giao thông đã giáng xuống chúng ta những đòn choáng váng! Chuyện muôn thuở là do ý thức của người điều hành phương tiện giao thông. Đưa nguyên nhân này để lý giải trong mọi trường hợp, trong mọi thời điểm đều đúng. Song, một nguyên nhân khác thì ít khi người ta nói đến. Đó là sự buông lỏng kỷ cương của các cơ quan chức năng!

Nếu tất cả các lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) làm hết trách nhiệm của mình (kiểm tra, xử lý ngay những xe qua tải, quá khổ, phóng nhanh vượt ẩu..., điều hành giao thông) thì chắc chắn sẽ rất ít xảy ra TNGT thương tâm.

Nếu như các điểm giao nhau đường sắt và đường bộ đều có chắn tàu và có nhân viên ngăn chặn thì sẽ không có những vụ tàu hoả đâm vào ôtô...

Nếu như và nếu như... Ở các nước dân chủ, dù là tổng thống lái xe trong vườn nhà mình mà không đeo dây an toàn thì vẫn bị phạt... Như vậy về tổng thể, kỷ cương của họ được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không có ngoại lệ. Còn ở ta?

Luật không được thực thi là luật chết!

CSGT làm nhiệm vụ trên đường lại đòi mãi lộ để cho xe vi phạm Luật Giao thông lưu hành! Người thực thi pháp luật giao thông vừa buông tay việc thực thi lại vừa vi phạm pháp luật thì chính họ đã giết luật và gián tiếp giết người. Khi Luật Giao thông bị "chết" - dù chỉ là vài phút - thì lúc đó nhiều người đã bị trả giá bằng tính mạng.

Động lực cơ bản để những lái xe tải, xe khách, CSGT sẵn sàng "giết" Luật Giao thông suy cho cũng lại là lợi ích vật chất. Tính mạng con người bị coi rẻ đến thế là cùng.

Không chỉ có Luật Giao thông bị "giết", mà nhiều luật khác đang bị một số người thực thi pháp luật tìm cách "giết" để trục lợi. Một khi người ta cố tình "giết" luật thì tội ác vẫn còn có đất để sống!" (Tô Phán, Lao Động số 36 Ngày 18/02/2008)

Vì đâu các cơ quan chức năng buông lỏng kỷ cương? Vì đâu CSGT làm nhiệm vụ trên đường lại đòi mãi lộ để cho xe vi phạm Luật Giao thông lưu hành? Vì đâu kỷ cương của các nước dân chủ được thực hiện mọi lúc, mọi nơi, không có ngoại lệ?

4. Đâu là nguyên nhân gốc?



Trên báo Thanh Niên ngày 19/02/2008 có bài: «Chấm dứt "mãi lộ" - Không thể chỉ kêu gọi!»

Bài báo viết: "Hai bài viết của hai bạn đọc từ hai địa phương khác nhau dưới đây, không hẹn mà gặp, có sự nhìn nhận, đánh giá khá giống nhau về cùng vấn đề: xác định nguyên nhân sâu xa của nạn "mãi lộ" để từ đó cải thiện tình hình giao thông nói chung."

Tôi xin trích kèm phần trích từ báo « ta » để bạn đọc cùng suy ngẫm.

Bài thứ nhất: Nguyên nhân "mãi lộ" (Đặng Đình Tân, TP.HCM)

"Nhìn lại những năm vừa qua báo chí và công luận cũng đã từng nhiều phen “đánh” rất mạnh vào vấn nạn "mãi lộ", vậy mà kết quả chẳng có gì thay đổi đáng kể...Hãy nhìn từ giác độ của những người có trách nhiệm (bộ máy nhà nước). Tại sao một tệ nạn trong một ngành “quyền lực”, diễn ra giữa “thanh thiên bạch nhật” lẫn trong “bóng tối”, mà vẫn có thể kéo dài hàng chục năm trời không xử lý được?...Chúng ta đều biết, sở dĩ các CSGT đứng chốt dám ăn mãi lộ như thế là vì phía sau họ có cả một “hàng rào” che chắn. Hay nói khác đi, chính cái hàng rào kia mới là nguồn gốc sâu xa của nạn mãi lộ và một khi bị “vạch mặt chỉ tên” thì may ra mới tiệt trừ được nạn này.

Nhưng rõ ràng, hàng bao năm trời nay, có bao giờ công luận thấy hay biết đến trường hợp “quan anh” nào cũng bị đưa ra ánh sáng cùng với các CSGT trực tiếp nhận mãi lộ đâu?"

Bài thứ hai: Tai nạn giao thông, nguyên nhân từ đâu? (Phạm Gia Bách, Hà Nội)

"...Viên cảnh sát nói với tôi: "Nhờ anh dịch hộ là ở Việt Nam, khi gặp công an giao thông thì lái xe phải bước ra khỏi xe". Tôi chưa vội dịch mà hỏi lại: "Có thật vậy không? Ông có thể cho tôi biết điều luật nào quy định lái xe phải bước ra khỏi xe để CSGT kiểm tra GPLX không? Hay đây là quy trình riêng của ngành công an?". Có lẽ người CSGT hôm đó biết gặp phải loại người không dễ "bắt nạt" nên đành phải để chúng tôi đi. Thế đấy! Nếu không "cứng" thì có lẽ chúng tôi đã bị dọa giam xe hoặc bấm lỗ GPLX rồi !?

...Có một sự thực là phần nhiều lái xe khách và xe tải đường dài hiện nay đều vi phạm luật lệ giao thông như chở quá tải hoặc quá số người quy định, hoặc chạy quá tốc độ... cho nên họ sợ CSGT, vì nếu bị bắt thì họ sẽ bị phạt rất nặng. Bởi vậy, họ sẵn sàng hối lộ để được CSGT bỏ qua. CSGT cũng biết rất rõ điều đó. Tuy nhiên, thay vì làm đúng nhiệm vụ, như đã được giao phó và trả lương, thì họ lại lợi dụng chuyện này để kiếm chác. Họ nhớ mặt từng lái xe đường dài, nhận biết từng chiếc xe một. Chỉ nhìn qua xe là họ biết chiếc xe này đang có lỗi gì. Nếu lái xe "biết điều" một cách hợp tình thì họ cho qua. Bằng không, tự người lái xe cũng hiểu điều gì đang chờ mình trong những chuyến đi sau. Bởi vậy, dù Thủ tướng có kêu gọi, dù Quốc hội có yêu cầu thì đến muôn đời, tai nạn giao thông sẽ vẫn không giảm được chừng nào mà nạn "cướp đường" này vẫn nghênh ngang tồn tại.

Vấn đề là Bộ Công an có thật lòng muốn chấm dứt tệ nạn này không?

Nói thật, những chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ trực tiếp có "cho kẹo" cũng không dám làm luật trắng trợn như vậy nếu không được cấp trên "bật đèn xanh" bằng cách nhận "hụi" hàng tháng.

Nguồn: báo Thanh Niên, ngày 19/02/2008

Sao lại có quy định bắt buộc tài xế/phụ xe bước xuống xe chào để làm gì?...Có phải để thoả thuận giá mức "mãi lộ"? "

Trong một bài viết trước đây về em Nguyễn Thị Bình bị hành hạ suốt 13 năm, tôi có bày tỏ vài suy nghĩ về số phận công dân trong xã hội ta, xin trích lại đây:

"... những người dân, những cán bộ tổ dân phố, đoàn thể, chính quyền ở khu phố, ở phường Nhân chính, quận Thanh Xuân... họ cũng không “vô cảm” hơn chúng ta nhiều đâu! Vậy đó, chính chúng ta, cả dân tộc này nay đã vô cảm với các việc xã hội xảy ra quanh ta, với các quyền lợi của cá nhân ta, của 80 triệu dân Việt, các quyền đã được đưa vào trong hiến pháp của ta! Chúng ta đang vô cảm với đất nước nghèo hèn này! Chúng ta đang vô cảm với biết bao người dân nghèo khổ, đói rách!”.

Điều gì đã làm cho chúng ta vô cảm?

Theo sơ kết 6 tháng đầu năm 2007 về an toàn giao thông, cả nước có tới 6.910 người thiệt mạng. So với 6 tháng đầu năm 2006, số người chết tăng 7,2%. Nếu tính trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều mất trên dưới 12.000 nhân mạng, chưa kể vài chục nghìn người bị thương. Một con số xót xa! Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một cuộc họp về an toàn giao thông đã phải thốt lên đau xót: Chúng ta mất quá nhiều mạng người, hơn cả trong chiến tranh…” (Lao Động, 23/07/2007). Vậy phải chăng những người tham gia giao thông ở ta đã vô cảm trước nỗi đau đồng loại?

Lý do nào dẫn tới như vậy?

Chính phủ để cho tham nhũng của công an giao thông tràn lan dẫn tới lái xe phải chạy đua nhau là tác nhân chính gây ra tai nạn giao thông cụ thể là:

Tôi là lái xe chở đúng số người, số hàng thì cước phải thu cao hơn, đi đúng tốc độ sẽ lâu tới đích hơn, do đó hành khách sẽ không muốn đi xe của tôi. Do các xe khác vẫn "làm luật" với công an nên họ đi nhanh, chở quá tải nên cước rẻ; vì vậy mà họ sẽ đông khách. Mà khi gặp công an giao thông do đi đúng, cước ít dẫn tới không có tiền để làm quà thì tôi vẫn bị công an hành với 101 lý do khác nhau; vì thế tôi sẽ lỗ vốn. Vì vậy tôi bắt buộc phải chọn một trong hai lựa chọn sau: một là, ngày mai sẽ chơi đúng luật để lại phóng nhanh vượt ẩu; hai là, bán xe cho người dám chơi đúng luật để phóng nhanh vượt ẩu chỉ như vậy mới tồn tại được! Cứ như vậy tham gia giao thông chỉ còn 100% xe phóng nhanh vượt ẩu và chở quá tải. Như vậy thì không tai nạn mới là chuyện lạ!

...Tại sao Đảng và Nhà nước luôn nói mình là Nhà nước của dân, Nhà nước do dân, Nhà nước vì dân... mà lại dung túng tham nhũng, để cho tham nhũng hoành hành, để cho nhân dân lầm than? Phải chăng Nhà nước nói dối?

Không Nhà nước ta không nói dối! các Lãnh đạo cao nhất không nói dối! Là những nhà Lãnh đạo cao nhất của đất nước họ cũng muốn cho dân giàu nước mạnh chứ! Nhưng có điều là họ áp dụng cái cơ chế một đảng sẽ làm cho mất động lực của tiến bộ, tự nó làm nảy sinh quan liêu, tham nhũng! Một đảng sẽ nảy sinh hiện tượng: "Đấu tranh- tránh đâu"!

Tại sao cơ chế một đảng lại tự nó làm nảy sinh quan liêu, tham nhũng?

Ta phải đi từ cơ chế bầu cử, vì Đảng cử Dân bầu nên Dân thực chất không phải là người quyết định sinh mạng chính trị của cán bộ nên họ không sợ Dân! Đảng cử? Thực chất là chỉ một nhóm người (Bộ Chính Trị) cử thôi, Nên Bộ chính trị mới thực sự quyền lực. Bộ chính trị toàn quyền chọn lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo Tỉnh từ đó để êm dịu, không đấu đá nhau thì trong Bộ chính trị có một thoả thuận ngầm với nhau là: Vùng tôi, địa phương tôi chức này, Vùng anh, địa phương anh chức kia. Khi đã có thoả thuận ngầm như vậy thì họ bắt đầu rao bán chức tước, ai nhiều tiền sẽ mua được chức “thơm”, ai ít tiền thì chức nhỏ... Khi người mua đã mua được chức thì về họ lại tiếp tục bán những chức vụ do họ quản... Cứ như vậy công việc làm tới đâu thì làm cấp trên chỉ nhắc nhở qua loa thôi, còn dân thì không có đảng đối lập nên những tiếng kêu lẻ tẻ sẽ không có tác dụng gì cả!

...Vì vậy mà làm nảy sinh quan liêu, tham nhũng!

Tại sao một đảng sẽ nảy sinh hiện tượng: "Đấu tranh- tránh đâu"?

Vì trong đại gia đình "đoàn kết" Việt Nam chỉ có một ông Bố duy nhất chỉ huy đó là Đảng Cộng Sản với gia đình đông con đó thì:

1. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo là người con ưu tú, thông minh, ngoan, lại giàu có nay nó bàn với ông Bố mưu này, mai mưu khác, để củng cố ghế cho Bố. Vì vậy mà hiển nhiên là được ông bố cưng nhất! Tha hồ cướp bóc của dân, trấn lột của cấp dưới, Bọn cấp dưới có báo cáo thì Bố cũng không bảo gì!

2. Các người ngoài đảng làm chủ Doanh nghiệp là những người thông minh, lại lắm tiền nay nó mời ông Bố tiệc này, mai tiệc khác, Các đại gia thì mời Bố cả "chân dài"… Vì vậy mà hiển nhiên là được ông bố cưng gần nhất! Tha hồ bóc lột nhân dân, đường để dân chết đói là được!

3. Người có thù với chế độ cộng sản - Việt kiều. Vì họ rất giàu, rất giỏi nên ông Bố luôn ve vãn họ, chỉ sợ họ mất lòng. Nếu về nước đầu tư Bố cũng cho tha hồ bóc lột nhân dân, đừng để dân chết đói là được!

4. Đảng viên, cán bộ thường. Nhóm này không giàu lắm nhưng cũng có đầu óc một tí, tạm đủ ăn tiêu nên không có ý kiến gì, "mũ ni che tai" nên Bố không bận tâm lắm. Lũ này được Bố cưng thứ 4 nên nếu có cướp được của dân ít nào thì cướp Bố không bảo gì, miễn là biết chùi mép cho kĩ, đừng để dân biểu tình lớn là được!

5. Nhân dân lao động (công nhân, nông dân). Ừ Bố thương chúng mày lắm, chúng mày nghèo quá. Nhưng chúng mày phải biết chúng mày là ai chứ! Các kiến nghị của chúng mày sao lại cứ nói xấu những đứa CON CƯNG của Bố? Xử cho chúng mày thắng để mấy đứa CON CƯNG của Bố nó thiệt à? Thế là mất đoàn kết à? KHÔNG ĐƯỢC! Chúng mày phải kiến nghị là do chiến tranh, thiên tai, thất học... để từ từ Bố sẽ xem xét giải quyết! Chủ nghĩa xã hội còn sống lâu, đi đâu mà vội, có phải sắp chết như Chủ nghĩa tư bản đâu? Thế nhé!...thế mà mày không nghe thì mày chết với Bố! Là con một nhà cả sao lại "Đấu tranh"? Chúng mày muốn chết hả?

...Câu nói: "đấu tranh - tránh đâu" có từ thời bố tôi còn là thanh niên mà nay tôi đã qua cái tuổi thanh niên ấy rồi, nhưng nói như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là nay nó vẫn còn nguyên giá trị.

Vậy thì ai dám đấu tranh nữa đây?
“Lẽ nào tuổi trẻ hôm nay thua thiệt
Có học hành, lại phải sống cầu an
Phải thu mình, xin hai chữ “bình yên”
Bởi lẽ đấu tranh – tránh đâu cho được?
Đồng chí không bằng đồng tiền...

(báo Tiền Phong, 07/06/2006)

...Người ta “không dại gì” đấu tranh, nên những người nắm quyền muốn làm gì thì làm, kể cả vi phạm pháp luật... Rồi lớn hơn nữa là chuyện vi phạm nhân quyền, cấm tự do báo chí, cấm tự do bầu cử ứng cử, cấm tự do lập hội, lập đảng..."

Vậy đâu là nguyên nhân chính, nguyên nhân gốc?

Trung Ngôn
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn