BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72809)
(Xem: 62102)
(Xem: 39197)
(Xem: 31055)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Đẹp phô ra xấu xa đậy lại

15 Tháng Mười Một 201012:00 SA(Xem: 1296)
Đẹp phô ra xấu xa đậy lại
51Vote
40Vote
30Vote
21Vote
10Vote
3.52



Câu thành ngữ trên đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người Việt, thậm chí nó đã trở thành một xu thế sống cho không chỉ một cá nhân, tập thể mà đã lây lan trong toàn xã hội. Đơn giản là: Cái xấu đó chỉ là thiểu số, cái thiểu số ấy nếu đem so sánh với một tập thể (luôn hoàn mĩ?) nó hết sức nhỏ nhoi. Sự nhỏ nhoi được hiểu như kiểu: Con sâu bỏ dầu nồi canh. Vì lẽ đó biện pháp tối ưu nhất là chỉ cần giải quyết “nội bộ“ bằng cách nhúng “con sâu“ ấy vào nồi canh đã sôi sùng sục, tất mọi điều tiếng xấu đã được giải quyết.




 

Xấu thì đóng cửa bảo nhau? Ảnh On the net

 Có thực sự mọi chuyện đã được giải quyết không? Tại sao cái xấu ấy nhất thiết cứ phải giải quyết “nội bộ“? Tại sao không đem mổ xẻ cái xấu ấy một cách công khai, minh bạch trước dư luận, xã hội…v.v…? Sẽ có nhiều người cười “đểu”, bảo: Cụ ơi, khi những câu hỏi trên được đặt ra một cách trực diện và công khai, tất những những chuyện xấu trên mảnh đất “thiên đường vẹo” mang hình chữ “S” này đã không còn mang tính “nội bộ“ nữa. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là những câu hỏi trên, tới nay vẫn chỉ mang tính giả định, mà mọi sự giả định vốn không có chỗ dung thân trong lòng một tập thể luôn tìm mọi cách để giải quyết “nội bộ“ những hành vi xấu xa của riêng mình.


 Hãy đơn giản hóa sự việc ở góc độ một gia đình. Gia đình là một chủ thể (một thành viên) cấu thành xã hội. Một gia đình dẫu hoàn hảo cách mấy cũng không thể tránh khỏi những xung khắc, mâu thuẫn, đụng chạm về suy nhận, tư duy, sinh hoạt, nếp sống… của các thành viên sống trong gia đình đó. Tuy nhiên, trong xã hội dân chủ, những mâu thuẫn trên sẽ không được ém nhẹm để “giải quyết nội bộ“ như trong lòng xã hội Việt. Trái lại mọi mâu thuẫn sẽ được các thành viên trong gia đình công khai cùng mổ xẻ để cùng tìm ra lối thoát. Sự công khai hóa cái xấu này với người dân của xã hội dân chủ họ không liệt (không bị liệt) vào dạng “bêu rếu“ hay “cố tình bêu rếu“ “xuyên tạc“ những cái xấu làm “ảnh hưởng” hay gây sự “bất ổn”… đến sự đoàn kết, hạnh phúc, tồn vong của một gia đình, một tập thể hay xã hội. Mà nhờ sự công khai hóa cái xấu trên, những thành viên trong gia đình cùng có một cơ hội để dũng cảm tự nhìn nhận, đánh giá lại toàn bộ những suy nghĩ, tư duy, hành động của cá nhân mình, từ đó có thể bàn luận một cách công khai, cởi mở để tìm một giải pháp hữu hiệu, khắc phục những bế tắc (cái xấu) đang có nguy cơ lan tràn trong mọi sinh hoạt gia đình.


 Trong xã hội của người Việt, cái “xấu” nêu trên vốn không dễ bề giải quyết. Nguyên nhân: Người ta sẽ tạo ra hàng trăm, ngàn vạn lý do, nhưng lý do then chốt hơn cả, và được mọi người dễ tán thưởng hơn cả: Cái “xấu“ đang hiện hành vốn không mang tính phổ cập; vốn nhất thời; vốn thiểu số… Và như vậy chỉ cần “đóng cửa“ lại, rồi “tự bảo ban nhau“ là ổn thỏa. Ví thử một ông bố (bà mẹ) để tỏ ra mình có quyền uy trước con cái, nên ông bố (bà mẹ) trên luôn phải gồng mình nhắc nhở đám con cái của mình rằng: Ở cái nhà này tao là trụ cột; Những gì tao nói là duy nhất đúng, tụi bay phải nhất nhất tuân thủ; Mọi hành vi đi ngược những lời giáo huấn sẽ không có chỗ tồn tại trong gia đình này…v.v. Một điều ông bố (bà mẹ) trên đã quên mất rằng, đám con cái của họ được sinh ra và lớn lên trong một thời đại khác, và họ mỗi ngày một lớn, những gì họ được nghe, nhìn, tiếp xúc (được thấy) và họ tư duy nó khác xa những gì mà ông bố (bà mẹ) đã trải qua và lấy đó làm khuân mẫu để rao giảng. Đương nhiên, đến một giai đoạn nào đó, những đứa con sẽ tự tìm cách để “phá rào“. Vấn đề bức xúc lúc này cần đặt ra: Liệu ông bố (bà mẹ) trên có đủ dũng cảm để nhìn nhận sự thay đổi của con cái trước thời cuộc và chấp nhận sự “phá rào“ đó? Hay ông bố (bà mẹ) sẽ tiếp tục dùng quyền huynh thế phụ để áp đặt đám con theo tư duy, lối sống đã quá cổ xưa, ấu trĩ, lạc hậu của riêng mình? Và liệu đám con có tiếp tục chấp nhận sự đe nẹt, giáo huấn một cách vô lối của ông bố (bà mẹ) trên? Hay họ sẽ tìm mọi cách để dần dần vô hiệu hóa, hoặc bứt ra khỏi những khuân khổ cổ lỗ, giáo điều của bố mẹ? Đây chính là những mâu thuẫn mang tính đối kháng, và nó giống như những ngòi nổ, âm ỉ, lan tràn hết ngày này, qua tháng, năm khác, để rồi những mâu thuẫn ấy đã tích tụ lại, gia tăng không ngừng và luôn có nguy cơ bùng nổ không thể cứu vãn.


 Sẽ có không ít người cười khẩy, bảo: Khá khen thay cho ngài. Đụng một tý là bốc tư bản lên tận mây xanh. Dễ thường tư bản nó không xấu xa, không thối tha chắc? Này nhé: Nói đến tham nhũng, liệu có ai sánh nổi với mấy anh tư bản? Phải! họ không phải tham nhũng kiểu “cái kim, sợi chỉ“ như dân Việt mình, mà mức và hành vi tham nhũng của họ được thông qua tài khoản, và con số lên tới hàng vài trăm ngàn, vài triệu dollar. Nói đến thất nghiệp, có thế giới nào sánh nổi với thế giới tư bản? Nói đến sự cạnh tranh sinh tồn, triệt thoái lẫn nhau, có xã hội nào có thể so sánh với thế giới tư bản? Nói đến sự ích kỷ, có con người của xã hội nào sánh nổi với con người của xã hội tư bản?…vv. Giả chăng có đem những chuyện ấy mà đối chiếu, so sánh với xã hội, con người Việt, thì đất nước và con người của ta vẫn còn văn minh, nhân bản gấp triệu lần họ… Thế nào là văn minh? Thế nào là nhân bản? Có lẽ ta phải làm một phương pháp đối chiếu, so sánh ngay từ những câu chuyện xảy ra thường ngày.


 Một người quen của tôi, nói: Ngài ơi, tham nhũng ở Việt Nam chưa là cái “đinh rỉ“ gì. Tôi thấy bên này mức độ và hành vi tham nhũng của bọn nó mới khủng khiếp, nếu đem so nó với xã hội ưu việt của chúng ta, quả là chúng ta chưa đạt nổi ở tầm… xách dép.


 Ở góc độ triết lý nào đó, người bạn tôi đã không sai, tuy nhiên cái lý của anh mới chỉ dừng ở mức so sánh thông thường. Nghĩa là: Cái bụng của người khổng lồ họ “ăn“ mới tởm, chứ người „”ùn“ xứ mình “ăn“ được là bao? Chính vì sự so sánh thông thường này mà xã hội Việt đã dẫn đến tình trạng cổ vũ nhau: Tôi “ăn“, anh “ăn“, chị ấy/anh ấy/nó “ăn“, họ “ăn“ và chúng ta… cùng “ăn“.


 Đúng! Tham nhũng của tư bản quả là kinh khủng nếu ta so sánh theo kiểu khập khiễng trên. Nhưng, khi hành vi trên bị phát giác, tất nó sẽ được mổ xẻ một cách công khai trước dư luận. Sự công khai hóa hành vi tham nhũng này (cái xấu) này là một yếu tố vô cùng quan trọng, nó tạo một làn sóng dư luận – dư luận không thể làm nên nhân cách một con người, nhưng trong xã hội tư bản dư luận được xem là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự thăng tiến, làm trong sạch hóa bộ mặt xã hội. Và vì thế cho dù hành vi xấu trên xảy ra ở nơi đâu? với cá nhân nào? tầm cao nào? góc độ nào chăng nữa cũng không thể dễ dàng lọt qua sự sàng lọc của dư luận.


 Quay ngược lại xã hội Việt, không biết có phải là một đặc thù riêng không? Nhưng hễ có chuyện nói trên (chuyện xấu) xảy ra, tất mọi cánh cửa sẽ được vội vàng đóng sập lại để… giải quyết “nội bộ“ một cách rất… êm thấm. Nhiều người biện minh rằng: Ngài ơi, hành vi chỉ là nhất thời, uy tín mới là thượng sách? Trong xã hội dân chủ uy tín luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng nếu uy tín ấy bị sứt mẻ, tất cá nhân thành viên, tập thể ấy sẽ phải tự điều trần rồi tự phán quyết cho hành vi của mình. Giả như thành viên, hay tập thể đó không làm hoặc lảng tránh làm chuyện đó, tất dư luận sẽ có áp lực kịp thời. Để làm được điều đó, con người xứ này cần có hai yếu tố: Tính tự giác cao và lòng dũng cảm.


 Sẽ có người lại bảo: Ngài ơi! Tính tự giác và lòng dũng cảm người Việt ta có thừa. Không sai! Điều này có thể nhận ra trong mọi sinh hoạt của xã hội của người Việt. Một hành vi sai trái, gây thiệt hại về nhân cách, tiền của, đạo đức, tính mạng… của một ai đó, của tập thể, của quốc gia… lập tức người có hành vi sai đó rất… tự giác: Lảng đi nơi khác, hoặc cũng rất… tự giác tìm mọi cách hoán chuyển ngay cái sai ấy cho… người khác, cho ngoại cảnh hoặc cho tập thể. Tập thể trong xã hội Việt vốn được ví như một cái bánh: Ngon, chúng ta cùng chia nhau thưởng thức, ngược lại nó sẽ là nơi chứa đồ xú uế. Còn lòng dũng cảm? Dĩ nhiên người Việt ta không hề thiếu. Nhưng đã từ lâu lắm rồi, lòng dũng cảm của người Việt cũng được mọi người hoán chuyển bằng hai chữ. Im lặng! Im lặng = Thiền = Bình yên. Ở đời mấy ai không muốn được bình yên? Nhưng nếu soi rọi kỹ vào xã hội Việt, người ta có thể nhận ra rằng: Mọi người đang sống trong sự bình yên giả tạo. Nói khác đi: Ai ai cũng muốn tạo cho mình một gương mặt thánh thiện, rồi ngồi “bán già” hay “kiết già” để… Thiền, nhưng trong tâm lại luôn luôn hoảng loạn, chỉ vì ai cũng lo lắng: Không biết thiên hạ có biết bình đang… “thiền” không? Nhưng làm được như vậy cũng kể như đã là dũng cảm lắm rồi. Vì thế nếu đổi ngược lại, xã hội người Việt của chúng ta, nhiều người bảo: Có lẽ vì “tính phục vụ“ của dân mình quá cao, nên các thành viên trong xã hội hầu như đã quên mất, nói khác đi: tự triệt tiêu tính tự giác và lòng dũng cảm, nhân cách của mình. Vì vậy những hành vi được coi, gọi là “xấu“, “sai lầm“ sẽ không phải chịu sự soi rọi của công luận (công luận trong xã hội người Việt dường như chỉ tạo thêm phiền phức hoặc làm cho gương mặt, con người, xã hội thêm méo mó, lệch lạc), và đương nhiên hành vi đó chỉ cần “đá đẹp“ sang một góc độ khác hay “đóng cửa lại“ rồi thì thầm bảo nhau là: OK!


 Trở lại chuyện thất nghiệp của tư bản. Không ít người Việt qua xứ tư bản thăm con cái đang học tập và làm việc, đã chép miệng bảo: Chết thật! Thất nghiệp mà vẫn sống vương giả thế này, tớ xin thất nghiệp cả đời. Có lẽ đó chỉ là sự so sánh mang tính bề mặt, bởi thực chất nếu đem so sánh về nhu cầu sống và sinh hoạt của người dân nơi đây với người dân nước Việt, thì hai chữ “thất nghiệp“ với người dân xứ này nó là một thảm họa. Vậy nhưng để đạt được cái “thảm họa“ ấy, những người dân nước Việt xa xôi vẫn phải bàng hoàng… mơ ước.


 Trở lại chuyện của người Việt. Phải, người người Việt ta không ưa dùng hai chữ “thất nghiệp“. Lý do: “thất nghiệp“ chỉ xảy ra trong lòng xã hội tư bản, mà nói tới tư bản là nói tới mô hình “cá lớn“ nuốt “cá bé“, nói đến sự đầu cơ, trục lợi không thương tiếc của những chủ tư bản da dẻ mỡ màng, sẵn sàng quát tháo, chửi bới, nạt nộ, đuổi việc những lao nô của mình vào bất cứ lúc nào?! Còn xã hội Dân chủ XHCN đầy ưu việt của chúng ta sẽ không thể xảy ra những chuyện đó, mà (nói nhỏ thôi): Chúng ta chỉ có “những người không có công ăn việc làm“ mà thôi.


 Một đồng nghiệp bản xứ, sau những chuyến du lịch Việt Nam, lần nào trở về cũng tâm sự: Tao thấy lạ là ở Việt Nam, giờ làm việc mà các đường phố vẫn tràn ngập người. Họ làm việc hết ở ngoài đường à? Sẽ không thể trả lời ngài Tây đó rằng: Đó là những người thất nghiệp (vì nước Việt chúng ta vốn không có người thất nghiệp). Nhưng cũng không thể trả lời: Họ là những người đang làm việc. Dĩ nhiên trong số những người kìn kìn trên phố, hay đang ngồi vạ vật, hoặc túm năm tụm ba nơi ngã ba, ngã tư để chờ… việc, hay đang xì xụp ăn nhậu trong những quán xá nhan nhản mọc ra ven đường cũng có những người đang “làm việc“. Nhưng họ làm gì? Thu nhập bao nhiêu? Có đủ để duy trì cuộc sống hàng ngày? Họa có trời mới hay.


 Cũng những người sang thăm con cái xứ này, những ngày đầu đã tâm sự: Người bên này sống với nhau vị kỷ quá. Chẳng thấy ai quan tâm tới ai cả. Hàng xóm gì mà nhìn thấy nhau nhiều khi chẳng thèm chào một tiếng…v.v. Nhưng một vài tháng sau, cách nhìn nhận của những bậc phụ huynh nọ đã có sự thay đổi. Sự vị kỷ của con người xứ này đã được đổi chỗ cho quyền tự do cá nhân. Một xã hội mà quyền tự do cá nhân được quan tâm, được đặt lên hàng đầu, rất dễ khiến nhiều người ngộ tưởng nó giống như sự vị kỷ. Quyền tự do cá nhân là gì? Với người Việt hình như chưa có định nghĩa nào cụ thể, nếu không nói: Vẫn còn hư hư ảo ảo. Không ít người đã ngỡ rằng: Dân Việt là dân hiếu khách nhất thế gian, bởi bất cứ nơi nào, ngài cũng tìm thấy những nụ cười… bội thu. Nhưng đằng sau những nụ cười „bội thu“ ấy cũng ẩn chứa đầy toan tính. Nếu không tin ngài có thể thử, nhưng hậu quả xin ngài tự gánh. – Ồ, tất nhiên rồi! Nếu là tây đại nhân chắc chắn họ sẽ nói lời như vậy, phải chăng đó là lòng dũng cảm dám chấp nhận sự thật và những khiếm khuyết về mình? Nhưng thưa bạn! Nếu đổi lại là người Việt sẽ không có chuyện: – Tất nhiên rồi! Đó là lỗi của tôi! Tôi xin gánh nhiệm tất cả! Mà những lời trên sẽ được thay bằng ánh mắt nhìn quanh quất đâu đó, để rồi…


 - A ha! Có rồi đấy. Cái lỗi lầm này, cái sai quấy này không phải của tớ, mà của thằng ý, thằng nọ; hay sai lầm ấy là do yếu tố khách quan đưa tới, là do thiên tai, địch họa hoành hành; là do… do…


 Phải, sẽ còn ti tỷ cái “là do“ nữa sẽ được viện dẫn. Miễn sao cái lỗi, cái sai lầm ấy không thuộc về tôi là: Sáng suốt!


 Đẹp phô ra xấu xa đậy lại.


 Việt Hà


 Theo Đàn Chim Việt


 


 


 



 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 


 




Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn