Vẫn cứ là trò khỉ mà càng bài tôn giáo người càng phải bày ra. Để lấy tiếng…! Không một nước nào - nước Pháp chẳng hạn, sẵn cả truyền thống kitô giáo từ hàng chục thế kỷ lẫn tinh thần chống giáo sĩ như từ tk XVIII - mà nhà nước lại vướng bận mặc cảm đến nỗi phải sốt sắng lo việc đạo như thế.
Cũng như trò khỉ vẫn được tái diễn mỗi dịp lễ Giáng sinh. Năm nay mấy ông kẹ “phụ trách tôn giáo” lại cứ tới các nhà thờ yêu cầu linh mục tổ chức lễ, chăng đèn mặt tiền nhà thờ vv… cho thật xôm tụ. Cứ y như từ mùa Giáng sinh năm 1955, một bức thư Hà Nội gửi vào đã cho biết : Đức cha Trịnh Như Khuê chỉ phải khổ sở vì nhà chức trách ngoài đó đi tới đi lui tòa tổng giám mục để thúc giục làm sao cho mặt tiền Nhà thờ lớn thật rực rỡ.
Trên SGGP 15.12.2001 lại có thêm một trò khỉ khác. Lần này khỉ làm ảo thuật.
“Ủy ban Đoàn kết Công giáo VN vừa gửi thư mừng lễ Thiên Chuá Giáng sinh năm 2001 tới các bậc giáo phẩm và giáo dân trong cả nước.”
Bức thư có đoạn viết : “Nhìn lại năm qua, chúng ta vui mừng nhận thấy phong trào thi đua “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời, đẹp đạo” do Ủy Ban Đoàn kết Công giáo VN phát động tiếp tục được triển khai sâu rộng hơn, mang lại những kết quả đáng khích lệ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù những gì chúng ta làm được là chưa thật nhiều, nhưng chúng ta cũng vui mừng cảm tạ Thiên Chúa về những thành tựu nhất định mà chúng ta đã đóng góp cho quê hương như Thư chung của Hội đồng Giám mục VN năm 2001 đã ghi nhận.”
Đàn két muốn gửi thư tới ai thì cứ việc gửi. Gửi tới Chủ tịch Giang Trạch Dân, tới Tổng thống Bush hay tới Bin Laden, tới Ma Cà rồng cũng cứ việc. Chỉ cần sẵn tem. Nhưng sao lại “chúng ta” được? Không lẽ dốt tiếng việt hay lú lẫn đến mức không phân biệt nổi “chúng tôi” với “chúng ta”? Đúng hơn đây vẫn là trò ảo thuật, trò bịp quen thuộc. Đàng khác, “Như Thư chung của Hội Đồng Giám mục VN năm 2001 đã ghi nhận” là thế nào? Thư chung có “ghi nhận” là ghi nhận gì chứ còn phải đợi tới Tết Congo chăng mới ghi nhận những “thành tựu” của UBĐKCG VN. Đàn két vẫn cứ ăn gian nói dối không biết ngượng.
Dân chúng thì đón mừng Noel theo cách của họ. Tối tối, đường phố đã có vẻ nhộn nhịp hơn, trong khi chờ đợi đêm lễ Giáng sinh hẳn vẫn sẽ là đêm người ta đi lại ngoài đường nhiều nhất trong cả năm. Khắp nơi là các cửa hàng bán thiệp Giáng sinh, hang đá, đèn ngôi sao, băng đĩa nhạc, quà Noel. Tưng bừng nhất là Nhà sách Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đường Kỳ Đồng, mở cửa đến 10 giờ đêm. Còn có cả một địch vụ ông già Noel được quảng cáo trên các báo.
Có người không vui lắm vì cho rằng đó chỉ là sự tục hóa lễ Giáng sinh. Nhưng tại sao không thấy đó cũng là sự hội nhập của Kitô giáo? Noel trở thành “lễ hội” cho mọi nguời, bất luận giáo, lương. Có sự tục hóa đi chăng nữa thì vẫn còn hơn là sự thờ ơ, vô tình. Miễn là sự tục hóa ấy không phải là ở ngay trong giới kitô hữu. Nhưng người công giáo Việt Nam vẫn quan tâm đến việc xưng tội rước lễ không kém gì vào dịp lễ Phục sinh. Trước lễ Giáng sinh cũng như trước Tuần Thánh, nhiều xứ đạo vẫn phải lo thu xếp một buổi tối có hàng chục linh mục cùng tới để ban bí tích hòa giải cho năm bảy trăm người. Anh em Tin lành hẳn cũng có gì tuơng tự. Chưa kể là ngay giữa đồng bào bên lương, không hẳn đã chỉ là sự tục hóa hay sự hội nhập chỉ có ý nghĩa văn hóa. Khi, như Xuân Phu ghi lại trong một bài báo, một thanh niên tâm sự : “Mỗi lần Noel là mình lại nhớ nhà. Nhớ mà không về quê được. Mình không có đạo, nhưng không khí Noel gợi lên nỗi thèm khát sự ấm cúng. Mình đi xa tìm một nhà thờ nào đó, đứng lẫn vào đám đông, rồi qua quận 8 xem hang đá cho đến sang”. Hay khi, vẫn theo Xuân Phu, một cô sinh viên băn khoăn : “Mọi năm lớp tổ chức đi chơi, ăn uống. Năm nay ra trường rồi, mỗi đứa một nơi, chắc là buồn. Noel cũng thấy nao nao, mà thực sự chưa có kế hoạch gì”. Nhớ nhà, nhớ mà không về quê được, thèm khát sự ấm cúng, thấy nao nao … biết đâu cũng còn là lạc lõng trong sự trần tục, không dừng chân lại được ở một quán trọ nào. Và lòng đã như bắt đầu gần gũi với Maria và Yuse trên đường tìm về Hang Đá?
Hay lòng đã mớ tới một trời sao không phải là trời sao thiên văn học. Hay ngay trong trời sao thiên văn học đã mơ tới một ánh sao lạ… Ánh sao lạ xưa kia đã đưa đẩy bước chân của ba đạo sĩ – có thể cũng là ba nhà thiên văn học – tới một miền đất lạ…
Nguyễn Ngọc Lan
Gửi ý kiến của bạn