BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 73243)
(Xem: 62215)
(Xem: 39400)
(Xem: 31151)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Khía cạnh pháp lý về đình công & yêu cầu cần có hệ thống công đoàn độc lập tại Việt Nam

11 Tháng Mười 200612:00 SA(Xem: 898)
Khía cạnh pháp lý về đình công & yêu cầu cần có hệ thống công đoàn độc lập tại Việt Nam
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Warsaw-Poland, 10/2006


Kính thưa Quý Vị,

Tôi rất hân hạnh được tham dự một hội nghị về lao động lại được tổ chức tại cái nôi của phong trào công nhân đoàn kết của thế giới. Đến từ Việt Nam, một đất nước cộng sản độc quyền đảng trị, nhưng thật éo le, tôi lại không có nhiều thông tin tốt đẹp về đời sống và việc làm của giới công nhân tại Việt Nam để mang đến cho quí vị. Trong tham luận ngắn này, tôi không đi sâu vào cuộc sống khốn khó, đồng lương rẻ mạt và việc bị đối xử thiếu tôn trọng của người công nhân Việt Nam, mà tôi muốn đề cập tới khía cạnh pháp lý của đình công và nhu cầu bức thiết cần phải có các công đoàn độc lập của người lao động so với công đoàn nhà nước đảng trị ở Việt Nam hiện nay.

Phong trào đấu tranh của công nhân để giành lấy những quyền cơ bản thiết yếu của mình đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với rất nhiều những cuộc đình công diễn ra trên khắp đất nước. Nhưng hơn 90% trong tổng số hơn 1200 cuộc đình công trong 10 năm qua luôn bị chính tổ chức công đoàn và Toà án coi là bất hợp pháp, từ đó dẫn đến những cuộc đàn áp không thương tiếc phong trào đấu tranh chính nghĩa này của giới công nhân, vì những lý do sau :

I. Pháp luật VN hiện hành không hỗ trợ cho đình công

Pháp luật Việt Nam hiện hành thiếu những quy định đúng đắn và khả thi về quyền đình công của công nhân thậm chí không hề có một định nghĩa về đình công. Quy định duy nhất nói đến quyền được đình công của người lao động là khoản 1 điều 172 Bộ luật lao động năm 2002, ghi rằng “Trong trường hợp tập thể lao động không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài lao động, thì có quyền yêu cầu Toà án nhân dân giải quyết hoặc đình công.”

Nhưng để công nhân thực hiện được quyền đình công này, Nhà nước Việt Nam lại quy định những thủ tục rất nhiêu khê và bất khả thi. Luật lao động Việt Nam hiện nay quy định các tranh chấp lao động tập thể, là lý do duy nhất được coi là hợp pháp để người lao động có quyền đình công, bắt buộc phải qua 2 bước hoà giải tại Hội đồng hoà giải cơ sở được tổ chức trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận đơn, và nếu không hoà giải được thì đưa tiếp lên Trọng tài lao động cấp tỉnh để hoà giải trong 10 ngày kể từ khi nhận được đơn. Sau đó, nếu vẫn không hoà giải được thì có thể kiện tiếp ra Toà hoặc đình công (điều 170, 171).

Quy định như vậy là quá lâu đối với các bên, đặc biệt là với người lao động, vì cuộc sống của họ phụ thuộc vào từng ngày lương ít ỏi đó. Luật lại quy định đến 17 ngày kể từ ngày nộp đơn đã thu thập được đủ số chữ ký cần thiết của hơn 1/2 số lao động trong tập thể có tranh chấp đó (làm sao mà thu thập nổi số chữ ký này, ai có thời gian để đi thu thập, và doanh nghiệp nào cho phép việc thu thập chữ ký này diễn ra trong daonh nghiệp mình ???) , và sau đó phải cử 3 người trong ban chấp hành công đoàn cơ sở để trao bản thông báo về việc đình công cho 3 nơi là: Sở lao động tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh và cho giới chủ thì mới được đình công. Mặc dù quy định một khoảng thời gian dài và thủ tục rườm rà như vậy, nhưng luật lại không quy định chế tài cho Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này sẽ phải chịu trách nhiệm gì nếu không tổ chức được việc hoà giải trong thời hạn. Do vậy, các Hội đồng hoà giải và Trọng tài lao động này làm việc chậm chạp thiếu trách nhiệm, càng làm dồn nén những bức xúc của người lao động. Và cũng vì lý do chờ đợi quá lâu này mà người lao động càng bức xúc và càng có nhu cầu đình công.

Đã là quyền thì người lao động phải được thực hiện quyền đó khi thấy cần thiết và có đủ điều kiện chứ không phải đi xin phép ai đó với các thủ tục rườm rà và kéo dài như vậy.

II. Pháp luật VN hiện hành cản trở đình công

Luật Việt Nam không định nghĩa đình công là gì, nhưng lại quy định thế nào là một cuộc đình công bất hợp pháp !!!

Điều 176 Bộ luật lao động năm 2002 của Việt Nam quy định những cuộc đình công bất hợp pháp là những cuộc đình công mà “không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể, vượt ra ngoài phạm vi quan hệ lao động; vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp” và không được đình công trong khi chờ kết quả giải quyết của Hội đồng hoà giải lao động và Hội đồng trọng tài lao động (điều 173).

Quy định như vậy đã thu hẹp tối đa những trường hợp mà người lao động có quyền đình công. Ví dụ: trường hợp nhà nước sắp ban hành một luật mà người lao động cho rằng sẽ có những ảnh hưởng xấu đến họ; hoặc khi một cá nhân công nhân bị xâm phạm nặng nề về sức khoẻ hay danh dự, thì giới công nhân lẽ ra cũng phải có quyền đình công trong những trường hợp này. Nhưng ở Việt Nam thì nhà nước lại cho rằng chỉ có những cuộc đình công xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể mới được coi là hợp pháp. Điều này không phù hợp với quy định khoa học và nhân văn của Tổ chức Lao động Quốc tế, cho rằng trong một số trường hợp đình công xuất phát từ những vấn đề chính trị nhằm gây sức ép với nhà cầm quyền hoặc một đảng phái chính trị về một vấn đề nào đó có thể không liên quan trực tiếp hay không liên quan ngay tức thì đến quyền lợi của công nhân, nhưng chứa đựng nguy cơ ảnh hưởng không tốt đến quyền lợi của người lao động, thì họ có quyền đình công

Mục tiêu của đình công là nhằm tạo sức ép lên giới chủ và/hoặc nhà cầm quyền bằng cách gây những thiệt hại về kinh tế ở một mức độ nhất định, nhằm đòi hỏi ở mức độ cao hơn về quyền và lợi ích cho người lao động. Và sự kiện nào dẫn đến đình công cũng chỉ là khía cạnh hình thức của đình công. Vì vậy, bản chất của đình công là luôn gắn với chính trị theo nghĩa rộng, chứ không chỉ nằm trong quan hệ lao động trực tiếp thuần tuý mà cụ thể là các tranh chấp lao động tập thể, nhưng tuỳ từng sự kiện, bối cảnh, phạm vi và quy mô của cuộc đình công mà đặc điểm chính trị này có nổi bật hay không. Nhưng luật Việt Nam lại độc đoán đặt đình công trong một phạm vi rất hạn hẹp là đình công phải xuất phát từ tranh chấp lao động tập thể, tức chỉ thuần tuý là vấn đề kinh tế. Quy định như vậy là đã làm què cụt đi bản chất và vai trò của đình công được cả thế giới công nhận là luôn gắn liền với chính trị. Và ngay cả học thuyết của cộng sản, khi tuyên truyền cũng luôn công nhận như vậy, nhưng trong thực tế lại quy định và làm ngược lại.

Luật Việt Nam quy định cuộc đình công vượt quá phạm vi doanh nghiệp là bất hợp pháp, là một điều rất mơ hồ và sai lầm. Mơ hồ là vì, nếu quy định như vậy thì lại phải có một định nghĩa về “phạm vi doanh nghiệp” là gì ? Là phạm vi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hay phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp ? Sai lầm là vì, dù quy định như thế nào về cái “phạm vi” này thì cũng không đúng cho vấn đề đình công. Người lao động hoàn toàn có quyền đình công khi họ thấy quyền lợi của họ có nguy cơ bị xâm phạm, chứ không thể lại chỉ từ mỗi tranh chấp trực tiếp trong phạm vi doanh nghiệp của mình. Ngoài ra, thì khi đình công đương nhiên không thể nào mà người lao động lại chỉ đình công trong phạm vi lãnh thổ địa lý của doanh nghiệp mà mình đang làm việc được. Và thực tế hiện nay, những trường hợp đình công đồng thời là tuần hành, biểu tình ngày càng phổ biến trên thế giới.

Và cũng từ cái căn cứ pháp luật về “đình công bất hợp pháp” vô cùng vững chắc này mà ở Việt Nam, tuyệt đại đa số các cuộc đình công cũng như cá nhân người lao động trực tiếp tham gia đình công đều bị nhà cầm quyền đàn áp một cách thảm khốc mà đôi khi chính giới chủ cũng cảm thấy bất ngờ. Và dần theo thời gian, với chính sách và pháp luật như vậy, công nhân Việt Nam không còn dám nghĩ tới những cuộc đình công vì mục đích chính trị, điều vốn được coi là rất bình thường tại các nước văn minh và phát triển. Vì thế họ gần như không còn vai trò gì trong nền chính trị cả, chỉ còn làm bình vôi để Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng cho bài ca mỵ dân những khi cần thiết.

Tôi đặc biệt chú trọng đến khía cạnh này của pháp luật Việt Nam vì trong thực tế có chưa đến 10% số cuộc đình công ở Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn là một cuộc đình công hợp pháp. Nhưng tiếc là những cuộc đình công hợp pháp này lại không mang đến kết quả như mong đợi, và quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động vẫn tiếp tục bị xâm hại sau những cuộc đình công được coi là lý tưởng trong mắt nhà cầm quyền này.

III. Hệ quả từ phán quyết của Toà án về cuộc đình công bất hợp pháp

3.1 Những phán quyết của Toà án Việt Nam mà đa phần là kết luận một cuộc đình công nào đó là bất hợp pháp, đã làm căn cứ cho các cơ quan an ninh, cảnh sát khi thẳng tay đàn áp thảm khốc các cuộc đình công là đã làm đúng với pháp luật của Việt Nam. Nhưng xin quý vị nhớ cho rằng căn cứ đó lại được thực hiện trên một nền tảng pháp luật vô lý và hạn hẹp của Việt Nam hiện nay.

3.2 Hệ quả cụ thể từ những phán quyết Toà án kết luận rằng một cuộc đình công là bất hợp pháp là làm cho những người công nhân tham gia đình công trở thành những người vi phạm pháp luật. Họ bị cắt lương thậm chí là sa thải, vì giới chủ dựa vào kết luận cuộc đình công bất hợp pháp của Toà án để quy kết người công nhân tham gia đình công là “tự ý bỏ việc” và làm căn cứ sa thải họ một cách “đúng luật” (điểm c khoản 1 điều 85).

3.3 Điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm là số phận của những người lãnh đạo các cuộc đình công này. Đa số họ đều chính là những người lao động chứ không phải là những cán bộ công đoàn. Sau những cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp này, họ luôn bị trù dập, đàn áp, mất việc làm, túng quẫn về kinh tế, và thậm chí không ít trường hợp bị quy kết là tội phạm hình sự một cách oan nghiệt, với những tội mơ hồ nhưng nặng nề như gây rối trật tự công cộng, xúi giục, lôi kéo người khác gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ .v.v.

Bây giờ có lẽ quý vị đang thắc mắc về vai trò của Công đoàn Việt Nam ở đâu ? Họ đông đảo, lớn, nhiều tiền và lại được Đảng cộng sản yêu quý lắm, nhưng dưới cơ chế độc quyền cai trị hiện nay của Đảng cộng sản Việt Nam thì Công đoàn được coi là một bộ phận của Đảng cộng sản Việt Nam, chịu sự lãnh đạo và phục vụ cho đảng này. Vì vậy, công đoàn Việt Nam không còn là một tổ chức công đoàn bình thường và thuần khiết đúng với bản chất vốn có của nó như công đoàn ở các nước trên thế giới. Một công đoàn đúng nghĩa phải do người lao động tự lập ra, duy trì và phát triển. Chỉ như vậy thì công đoàn đó mới có được sự độc lập và có thể phục vụ tối đa cho quyền lợi của người lao động. Cũng vì lý do không độc lập này mà ở Việt Nam hiện nay, không có Ban chấp hành công đoàn cơ sở nào dám quyết định và tổ chức cho công nhân đình công theo quy định tại khoản 2 điều 173. Điều này khiến người lao động tự đình công vì không chờ nổi quyết định của công đoàn. Và đây cũng là một trong những lý do làm cho cuộc đình công đó bị chụp mũ là tự phát, vô tổ chức và bất hợp pháp dẫn đến những hậu quả ghiêm trọng như nói ở trên.

IV. Hệ quả nghiêm trọng từ quy định về đình công bất hợp pháp trong pháp luật Việt Nam hiện nay

Chính những quy định bất khả thi nêu trên đã làm cho hơn 90% các cuộc đình công tại Việt Nam đều là bất hợp pháp. Điều này dẫn đến 04 hệ quả tất yếu là :

1. Quan hệ giữa giới chủ và người lao động càng trở nên căng thẳng vì giới chủ dựa vào việc tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp để trừng phạt thậm chí là sa thải người lao động, làm cho người lao động trở nên túng quẫn, bế tắc và bị dồn vào bước đường cùng.

2. Khi cuộc đình công bị coi là bất hợp pháp thì những yêu sách của người lao động cũng sẽ không được giải quyết như là một hệ quả tất yếu. Và do vậy, vấn đề cốt lõi là các tranh chấp lao động tập thể vẫn tiếp tục tồn tại và dồn nén chồng chất càng dễ dẫn đến những cuộc đình công khác.

3. Cách giải quyết cứng nhắc dựa trên những quy định pháp luật ấu trĩ và hạn hẹp đó của Toà án càng làm người lao động mất lòng tin vào pháp luật và nhà nước, từ đó lại càng dễ manh động và có những hành vi bất tuân thủ làm cho hiện trạng đình công ở Việt Nam càng trở nên phức tạp, rối ren.

4. Người lao động không những mất lòng tin vào Toà án và Cơ quan Nhà nước mà còn mất lòng tin đối với cả tổ chức công đoàn vì công đoàn đảng trị đó không còn đại diện cho họ và giúp ích được gì cho người lao động. Không những vậy, người lao động tại Việt Nam hiện nay lại không được lập công đoàn độc lập của chính mình, do đó càng thiếu tổ chức và đấu tranh càng khó khăn. Cơ quan quản lý nhà nước cũng vì thế mà càng khó nắm bắt tình hình và khó thực hiện chức năng quản lý của mình hơn.

Đã có rất nhiều người lao động và ngay cả một số nhà lập pháp yêu cầu cần có một hệ thống công đoàn độc lập tại Việt Nam, do chính người lao động lập ra, đóng góp công sức tiền bạc để duy trì nó, và cử/thuê những người có năng lực phù hợp làm việc chuyên nghiệp cho công đoàn đó. Nhưng đến nay, những ý tưởng tuy không mới nhưng rất tốt đẹp và đúng với xu thế phát triển tất yếu của thế giới về tổ chức công đoàn vẫn chưa có dấu hiệu gì sớm được nhà cầm quyền Việt Nam ủng hộ và thông qua.

V. Cần phải cải tổ luật pháp VN về đình công và phải có Công đoàn độc lập của công nhân

Đình công là quyền của người lao động được không làm việc mà vẫn được bảo toàn quyền lợi một cách bình thường trong thời gian không lao động này, nhằm gây thiệt hại kinh tế nhất định cho bên chủ lao động hoặc cho bên thứ ba, khi quyền lợi của người lao động bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại. Người lao động được thực hiện quyền này một cách nhanh chóng, đúng thời cơ, tức là họ phải có quyền chuẩn bị một cách bí mật cuộc đình công để tránh bị giới chủ dập tắt cuộc đình công. Nhưng luật Việt Nam quy định thời gian xin phép và đợi chuẩn y cho cuộc đình công kéo dài gần 1 tháng, cán bộ công đoàn thì hưởng lương nhà nước thực hiện theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản lại vừa làm việc trong chính doanh nghiệp có đình công thì họ không thể thực hiện được vai trò là người đại diện và phục vụ cho quyền lợi của người lao động. Do vậy, gần như không có cuộc đình công nào là hợp pháp tại Việt Nam, vì muốn thực hiện đúng pháp luật thì không thể đình công được, và ngược lại, muốn đình công thì không thể tuân thủ pháp luật. Việc nhà cầm quyền dựa vào căn cứ pháp luật lạc hậu này để kết luận cuộc đình công là bất hợp pháp đã mang lại những hệ quả tồi tệ, chồng chất và đào sâu thêm mâu thuẫn giữa các bên, làm tiền đề cho những cuộc đình công khác nối tiếp.

Luật pháp Việt Nam không còn theo kịp thực tế đời sống và cản trở xã hội phát triển. Việt Nam cần phải có những quy định pháp luật về đình công phù hợp và tuân thủ luật pháp quốc tế, cụ thể là quy định của tổ chức Lao động quốc tế, và nhất thiết phải bám sát được đời sống xã hội đang diễn tiến không ngừng, với mục tiêu tối thượng là phục vụ cho quyền lợi của người lao động với 04 nội dung cụ thể là :

1- Phải có định nghĩa pháp lý về đình công và phân biệt rõ đình công với bỏ việc hàng loạt;

2- Quy định về thời hạn thông báo và chuẩn y thực hiện cuộc đình công không quá 72 giờ (đề xuất). Quy định chỉ cần một bước đàm phán hoà giải tại cơ sở mà không thành thì người lao động có quyền đình công ngay hoặc lựa chọn con đường Toà án để giải quyết. Quy định như vậy mới bảo đảm được tính thời cơ để cuộc đình công khả thi và có hiệu quả, và đồng thời nâng cao thái độ và trách nhiệm của giới chủ và những người đại diện cho công quyền có liên quan.

3- Chỉ coi cuộc đình công là bất hợp pháp khi cuộc đình công đó không liên quan gì đến lao động và quan hệ lao động (như giới chủ thay đổi đồng phục cho công nhân nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ hay gây khó khăn trong khi làm việc, hay không để công nhân đi cổng chính mà chỉ cho đi cổng bên .v.v.), còn cuộc đình công dù không xuất phát từ tranh chấp lao động trực tiếp, mà liên quan đến pháp luật, chính sách của nhà nước về lao động thì phải được coi là hợp pháp.

4- Người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập của mình, được đóng quỹ, quản lý và thuê người chuyên nghiệp điều hành tổ chức công đoàn của mình. Người lao động có quyền tự do thành lập các tổ chức công đoàn theo nghành, công đoàn theo lãnh thổ và tự do liên kết với các tổ chức công đoàn khác.

Kính thưa Quý Vị,

Cuộc đấu tranh này sẽ ngày càng phát triển vì đây là một hiện thực khách quan, là hệ quả tất yếu xuất phát từ những bất công tràn lan trong xã hội Việt Nam hiện nay, một xã hội cộng sản nhưng người công nhân lầm than nghèo khổ vẫn đang ngày đêm bị bóc lột thậm tệ và bị đối xử thiếu tôn trọng về nhân phẩm. Cuộc đấu tranh này rất gian khó nhưng sẽ được tiếp tục một cách trường kỳ và vững chắc cho đến khi nào có được sự công bằng trong quy đổi giá trị lao động và nhân phẩm của người công nhân được tôn trọng.

Tôi hoàn toàn hiểu rằng mình chỉ là một cá nhân góp tiếng nói nhỏ nhoi ủng hộ và đang tìm kiếm giải pháp cho cuộc tranh đấu này. Tôi tin tưởng chính những nỗ lực không ngừng của lực lượng công nhân và dân chủ tại quốc nội Việt Nam sẽ nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các bạn, những người có bề dày kinh nghiệm đấu tranh của công nhân, do công nhân và vì công nhân, giúp đỡ chúng tôi hiệu quả và kịp thời bằng những hành động cụ thể và thiết thực tạo thành một áp lực đủ lớn từ bên ngoài tác động làm biến chuyển pháp luật hiện tại của Việt Nam về đình công, để người lao động có thể đình công hợp pháp và có công đoàn độc lập của chính mình. Đây là tâm huyết của tôi mang đến Hội nghị này và mong muốn Hội nghị này mang lại cho Việt Nam.

Xin cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý báu cho tôi.

Lê Thị Công Nhân
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn