BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 72807)
(Xem: 62101)
(Xem: 39196)
(Xem: 31054)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Vẫn Chuyện Hà Sĩ Phu

09 Tháng Mười Một 200312:00 SA(Xem: 896)
Vẫn Chuyện Hà Sĩ Phu
53Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
53
Tôi được nhà xuất bản Văn Nghệ gửi cho cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thực Về Chế Độ Ngô Đình Diệm của nhà văn Vĩnh Phúc. Trong phần dẫn nhập, một cách rất khiêm tốn và khách quan, ông khẳng định: "Người viết chỉ cung cấp dữ kiện chứ không phê bình nhận định. Công việc này thuộc về các sử gia."

Sử sách nói riêng, và sách vở nói chung, tôi ít khi để mắt tới. Bởi vậy, tôi vô phương trở thành một sử gia - dù rất muốn. Cứ theo như tiêu chuẩn đề nghị của Vĩnh Phúc thì tôi không đủ tư cách và khả năng "phê bình nhận định" bất cứ chế độ nào. Khổ nỗi, tôi lại đang quá rảnh. Cả ngày cứ đi ra đi vô, khiến nhiều người vướng mắt. Đã thế, có thân hữu còn gửi cho tôi đọc chơi chỉ thị của Đảng Cộng Sản Việt Nam về việc tổ chức "kỷ niệm lần thứ 109 ngày sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh"; theo đó, Ban Tư Tưởng Văn Hóa Trung Ương của Đảng - nhân dịp này - có đề ra phương châm "Đảng nghe dân nói và nói cho dân nghe."

Buồn ngủ mà gặp chiếu manh, được "trên" khuyến khích nên tôi cứ viết đại một vài câu phê bình nhận định về chế độ Ngô Đình Diệm, và vài chế độ thổ tả khác nữa - đã và đang có mặt tại Việt Nam, cho Đảng nghe chơi. Cung kính không bằng tuân lệnh. Theo như tiến trình đã định, "Đảng nghe dân nói và nói dân nghe", tôi xin phép được nói trước.

Lúc ông Diệm bắt đầu chấp chính, tôi mới ra đời chưa được bao lâu. Khi ông ta bị lật đổ, tôi đang bận chơi diều và chơi dế. Do đó, tôi không quan tâm mấy đến những huyền thoại và sự thực về chế độ của ông ta - nhất là khi, chỉ cần qua dư luận, tôi cũng đã biết loáng thoáng rằng cái chế độ này chả có huyền thoại gì hay ho và không ít những sự thực não lòng.

Tuy nhiên vì quý mến nhà văn Vĩnh Phúc và người chủ trương nhà xuất bản Văn Nghệ nên tôi cũng cầm cuốn Những Huyền Thoại Và Sự Thực Về Chế Độ Ngô Đình Diệm đọc chơi lai rai. Tới trang 400 (sách dầy 474 trang) bỗng thấy có "huyền thoại" thiệt. Chỉ tiếc là nó lại không dính gì tới ông Diệm mà chỉ liên quan đến ông Thiệu.

Với tiểu đề là "Nguyễn Văn Thiệu Trù Trần Kim Tuyến", trong phần này, ở trang 403, Vĩnh Phúc ghi lại một đoạn như sau: "Một hôm, bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ bảo với ông Kiểu (anh ruột Thiệu, Đại sứ ở Đài Loan mới về):
- Anh liệu trình bầy với Tổng thống làm sao, chứ mình ăn ở với anh Tuyến như vậy coi sao được. Hồi anh ấy còn có quyền, đã giúp đỡ bọn mình nhiều. Nay đối xử với người ta như vậy thật không có trước có sau gì cả !

Bởi vậy Thiệu mới ra lệnh không truy nã Trần Kim Tuyến nữa, cho về ở nhà, nhưng lúc nào cũng có hai tên công an mặc thường phục canh gác ngoài cổng 24 giờ/24 giờ."

Ủa, như vậy là không phải đợi tới thời "cách mạng" mới có vụ công an canh nhà người ta đâu nha. Chuyện này xẩy ra từ thời Thiệu lận. Có ai mà dè ông Thiệu lại lanh lẹ quá cỡ như vậy. Ổng đi trước "cách mạng" tới mấy chục năm.

Nhưng nói tình ngay, ông Thiệu tuy lanh nhưng nhát. Ổng chỉ làm lén vậy thôi. Ổng không dám xúi Thủ Tướng mà mình bổ nhiệm (ông Trần Thiện Khiêm) ký đại một cái nghị quyết, cỡ như nghị quyết 31CP của nhà nước CHXHCNVN, để biến một mớ tư thất thành lao thất cho dễ bề kiểm soát. Ông Thiệu chỉ dám ra lệnh miệng cho Thiếu Tướng Trần Văn Hai, Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, lo việc canh chừng ông Tuyến.

Nguyên văn cuộc đối thoại giữa ông Hai và ông Tuyến, theo sách đã dẫn, trang kế tiếp, trang 404, như sau:
"...
- Giữa bác sĩ và Tổng thống của tôi không biết có chuyện gì mà cứ muốn bắt bớ ?
- Tôi cũng không biết nữa. Nhưng thành thực nói với thiếu tướng: bảo tôi đồng ý với Thiệu thì có nhiều cái tôi không đồng ý. Nhưng bảo tôi lật đổ ông Thiệu thì tôi không làm. Không phải vì cảm tình với ông Thiệu mà làm thế chỉ có lợi cho cộng sản.
- Chuyện gì ông không đồng ý với Tổng thống ?
- Việc lập đảng Dân chủ. Chỉ có hại chứ không có lợi. Vì lập chính quyền rồi mới lập đảng, chẳng có ích gì ...
- Tổng thống đã muốn cho canh gác nhà bác sĩ thì tôi cho canh gác. Nhưng đừng ngại gì cả."

Nói cách khác là Thiệu muốn canh chừng nhà ông Tuyến nhưng không làm được. Điều này vi hiến. Luật lệ không cho phép làm như thế. Bằng khẩu lệnh thì cái lệnh này chỉ được thi hành lấy lệ. Thiếu Tướng Trần Văn Hai bảo nhân viên dưới quyền làm bộ "canh cho vui thôi" chớ không canh thiệt.

Và chuyện đó cũng chưa "vui" mấy - xin đọc đoạn văn kế tiếp, cũng ở cùng trang 404 - mới thiệt là vui:
"Trong cuộc gặp gỡ này với ông Tuyến, ông Trần Văn Hai đã ghi chép rất nhiều ý kiến, nói rằng để về trình lại với Tổng thống. Rồi sau đó, có lẽ vì ông Hai đã thẳng thắn nói lại với ông Thiệu nên bị mất chức. Bà Hai nói với ông Tuyến:
- Chẳng biết bác sĩ nói gì với nhà tôi, rồi nhà tôi nói lại với Tổng thống, nên bị mất chức đấy!"

Khi ông Thiệu lên nắm quyền, tôi đã thôi chơi diều và dế. Tôi bận nhiều chuyện khác: chải đầu, nặn mụn, tập làm ca sĩ, và chơi ... "tìm bạn bốn phương " hay còn gọi - một cách cũng cải lương không kém - là"kết bạn tâm thư."! Đêm qua, tình cờ đọc lại trang sách vừa dẫn, tôi bỗng hiểu tại sao - sau khi "cách mạng" thành công - nhiều người dân miền Nam bỗng thích thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Tự nhiên cái họ đâm ra có tinh thần ... hoài cổ! Ai cũng nhớ tiếc ngẩn ngơ những chính quyền ngày trước.

Cái chế độ nhà Ngô hay nhà Nguyễn đó (nói một cách sách mé, theo như thói quen của môt số người dân miền Nam Việt Nam - kể cả một thằng con nít ranh cỡ như tôi), ít ra cũng có một cái hiến pháp mang giá trị thực sự về nhiều phương diện và buộc mọi người phải tôn trọng - dù họ là những kẻ có quyền uy cỡ như ông Thiệu hay bà Nhu.

Ông Thiệu không canh chừng được nhà ông Tuyến vì điều đó vi hiến. Bà Ngô Đình Nhu - nhủ danh Trần Thị Lệ Xuân, dân biểu của thời Đệ Nhất Cộng Hòa, em dâu Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nổi tiếng là tai quái và lộng quyền - dù muốn cũng không đổi được đến mười ngàn Mỹ Kim khi cần chỉ vì điều này sái luật. "Trong lần bà Nhu xuất ngoại 'giải độc' trước khi xẩy ra cuộc đảo chính, bà năn nỉ ông Hoàng Bá Vinh (Hội Kế Viên của Quốc Hội) xin đổi 10 ngàn đô la. Nhưng ông Vinh bảo theo nguyên tắc, mỗi ngày được đổi 40 đô- la, bà Nhu đi ba tháng, đổi được 3600 đô- la, cộng thêm 3600 đô-la hối xuất song hành, là 7200. Đó là số ngoại tệ tối đa mà ông Vinh có thể cho bà Nhu đổi." (sđd trang 355 và 356).

Quan trọng hơn nữa, ở cả hai chế độ cũ, người ta cư xử với nhau còn có cái tình. Ông Tuyến, sau khi thất sủng, (một phần vì bị nghi ngờ có âm mưu đảo chánh trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa) thay vì bị thủ tiêu hay bị gửi đi trại Cổng Trời - như "chuyện vẫn thường xẩy ra hàng ngày ở huyện" - thì chỉ bị đưa đi làm Tổng Lãnh Sự tại Cairo, thủ đô Ai Cập.

Sau đó, đến thời Đệ Nhị Cộng Hòa, không riêng gì Nguyễn Văn Thiệu mà cả Nguyễn Khánh (trước đó) cũng muốn bắt giam ông Tuyến - một nhân vật thực sự nguy hiểm cho bất cứ chế độ nào mà ông ta không cộng tác. Tuy nhiên, cả hai đều không làm được việc này vì không tìm ra được bằng chứng để buộc tội. (Là nhân vật quan trọng thứ III của chế độ cũ không phải là lý do để "đương nhiên" phải đi vào tù, hay còn gọi là đi học tập - nếu nói theo ngôn ngữ "cách mạng". Họ buộc phải để cho ông Tuyến tự do). Vụ việc này được Vĩnh Phúc ghi nhận ở trang 402, sách đã dẫn, như sau:
"... Ông Trần Minh Tiết chiếu theo biên bản phiên họp nội các, ra lệnh thả ông Tuyến. Giám đốc Chí Hòa là đại tá Luyến cũng quen biết ông Tuyến nên bảo bà Tuyến:
- Đúng ra, khi có lệnh tha của tòa, tôi phải đưa ông bác sĩ trả lại cho công an làm thủ tục, rồi mới cho về. Nhưng vì ông đang đau, bà cứ lãnh về đi ..."

Chỉ vì ông Tuyến đang đau nên bà Tuyến được lãnh chồng về. Chuyện "công an làm thủ tục" coi như là ... chuyện nhỏ! Ông Đại Tá Luyến (nào đó) xem cấp bực và chức vụ của mình, dường như, hơi nhẹ - ít nhất thì nó cũng nhẹ hơn cái giao tình giữa ông ta và ông bà Tuyến.

Đó là "huyền thoại" ở quê hương tôi, và chuyện này xẩy ra vào ngày 26 tháng 10 năm 1966. Hôm đó, ông Trần Minh Tiết - Bộ Trưởng Tư Pháp của thời Đệ Nhị Cộng Hòa - ra lệnh thả ông Tuyến "chiếu theo biên bản phiên họp nội các", dù điều này không được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu tán thành.

Hơn ba mươi năm sau, nơi đất lạ xứ người, vào ngày 29 tháng 12 năm 1998, trong khi thiên hạ đang gọi điện thoại hay gửi thiệp rôm rả chúc mừng nhau năm mới thì nhà văn ở hải ngoại chuyển bằng E mail cho tôi một cái thư độc giả - mà xem chừng như là độc giả của ông ta - tâm sự về chuyện gia đình ông Hà Sĩ Phu vừa bị khủng bố ở Việt Nam.

Cũng như ông Trần Văn Tuyến vào thời Đệ Nhị Cộng Hòa, ông Hà Sĩ Phu đang bị "công an cách mạng" canh nhà. Khác với ông Trần Kim Tuyến, ông Hà Sĩ Phu không được ông Tổng Giám Đốc Công An vỗ về rằng "muốn cho canh gác thì tôi cho canh gác ... nhưng đừng ngại gì cả", cũng không ai hỏi xem ông Hà Sĩ Phu bất mãn điều gì rồi họ mang sổ tay ra ghi chép để về trình lại cấp trên ...

Về chuyện này, hồi tháng 1 năm 99, cũng trong mục Sổ Tay Thường Dân, với tiêu đề là "Chuyện Dài Hà Sĩ Phu", tôi có ghi lại một đoạn như sau:
"Ông Hà Sĩ Phu không có được sự khỏe khoắn và may mắn xa xỉ đó. Nếu nói theo nhận xét của ký giả Lực Đinh thì Nghị định 31 /CP đã biến vô số tư thất thành lao thất. Nhà ở của ông Hà Sĩ Phu, không may, nằm trong cái diện thổ tả này. Đã ở trong lao thất thì chuyện đóng hay mở cửa tùy vào cai ngục chứ không tùy ông Hà Sĩ Phu. Cai ngục đã quyết định mở cửa cho côn đồ vào hành hung ông ta và cả gia đình"
"Tôi không quen biết gì sĩ phu họ Hà và cũng không muốn lôi thôi dính dáng gì đến ông ta. Tôi vốn sợ bạo lực và những chuyện phiền phức đi kèm. Mà đã có chuyện liên lụy với quân khủng bố thì nếu không tử thương, e cũng trọng thương. Có điều là ông Hà Sĩ Phu và Đảng Lao Động Việt Nam, mấy lúc gần đây, đã gây quá nhiều điều phiền hà cho công luận; do đó, tôi xin rụt rè đưa một đề nghị nho nhỏ như sau: thôi, bắt ông Hà Sĩ Phu bỏ vào tù lại như cũ đi. Ông ấy sẽ được yên thân và Đảng cũng ... yên tâm!"

Đề nghị chí tình của tôi, tiếc thay, vì đưa ra không đúng lúc - không vào dịp sửa soạn sinh nhật bác Hồ, chưa ai đề ra phương châm "Đảng nghe dân nói" - nên bị coi như đồ bỏ. Cỡ thường dân vớ vẩn như tôi mà bầy đặt đưa đề nghị này đề nghị nọ (dù là đưa lén, và phải đứng tuốt đằng xa thiệt xa - cho nó an toàn) đã là quá quắt, Đảng quên đi - nói tình ngay - cũng ... phải. Tôi thiệt không dám phàn nàn.

Khổ nỗi Đảng không quên được ông Hà Sĩ Phu. Ngày 15 tháng 3 vừa qua, dư luận lại xôn xao bất bình về chuyện ông ta bị lục nhà, bị xách nhiễu đủ điều, bị kêu lên gọi xuống để trình diện, làm bản tự phê tự kiểm ... Thiệt là tùm lum thứ chuyện.

Coi: rõ ràng là cây muốn lặng mà gió chẳng muốn dừng. Vụ này muốn bỏ qua cũng khó, không nói nữa e không xong, dù thiệt tình là tôi đang "xỉn" dài dài và làm biếng thấy mẹ luôn. Đúng lúc lại có chủ trương "Đảng nghe dân nói" nên (thôi) tôi cũng ráng thêm một lần nữa, "cho tới đồng tới đũa", để coi rồi Đảng nói ra sao ?

Chớ ông Trần Kim Tuyến là ai mà bị canh nhà, dù là canh lén. Theo Vĩnh Phúc: "Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, người ta bảo rằng xét về quyền hạn trong nước, thì thứ nhất là tổng thống Diệm, thứ nhì là cố vấn Nhu, thứ ba là Trần Kim Tuyến." (sđd trang 128). Vậy mà ông Tuyến không chịu cố bám lấy địa vị cao cả đó. Ông không bằng lòng với đường lối điều hành quốc gia của nhà Ngô "nên có âm mưu đảo chánh. Và ông xác nhận điều này. Tuy nhiên ông có một mục đích và phương thức riêng. Ông Tuyến không muốn lật đổ hẳn chế độ, mà chỉ muốn thay đổi hình thức tổ chức chính phủ, lập ra chức vụ Thủ Tướng, loại vợ chồng ông Nhu ra, để ông Diệm lại." (sđd trang 306).

Ông Hà Sĩ Phu thì không "chịu chơi" cỡ đó. Theo nguyên văn lời của một nhân vật khả tín, nhà thơ Bùi Minh Quốc thì Hà Sĩ Phu: "... cũng chẳng phải người to gan lớn mật, chẳng có một mảy may tham vọng chính trị, càng không phải là người mưu toan phục thù giai cấp chống đối chế độ". ( "Hà Sĩ Phu Và Tiếng Nói Của Ông". Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. Phong Trào Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2000 và Tạp Chí Thế Kỷ 21 xuất bản tháng 1 năm 96, trang 16).

Ông ta chỉ hay lên tiếng, một cách rất tử tế, về những chuyện mà có lẽ ai cũng thấy và cũng biết, thí dụ như: "Càng suy nghĩ về nội dung cũng như về hiện tình của Ý thức hệ Mác-xít, tôi càng ý thức rõ đây là một Ý THỨC HỆ PHONG KIẾN TRÁ HÌNH, của triều đại phong kiến cuối cùng, đang kìm hãm sự tiến bộ xã hội, và được dùng làm bình phong cho những yếu tố tiêu cực ẩn nấp." ("Chia Tay Ý Thức Hệ". Tuyển Tập Hà Sĩ Phu, sđd, trang 214).

Thỉnh thoảng, ông cũng đòi hỏi - một cách tuy rất ôn tồn nhưng hơi "lẩm cẩm" - những điều mà tuyệt đại đa số nhân loại đã thủ đắc từ lâu, và đã được coi như là yếu tính chung trong cuộc sống mọi người, chả hạn như: "Trong thế giới của tư duy thì không có vùng nào là vùng cấm. Mọi hiện tượng, mọi phạm trù, mọi nhân vật mọi chủ nghĩa ... đều là những dữ kiện của bài toán, không hơn mà cũng không kém." ("Dắt Tay Nhau Đi Dưới Những Tấm Biển Chỉ Đường Của Trí Tuệ". Tuyển Tập Hà Sĩ Phu. sđd, trang 22).

Trời đất, tưởng gì ? Tôi chỉ nghe Hà Nội hay than phiền về Hà Sĩ Phu chứ chưa bao giờ đọc những gì ông viết. Tuần rồi, có dịp xem thoáng qua vài bài tiểu luận của ông mà không dưng muốn rớt nước mắt. Ví von mà nói, tôi (và những người Việt ở vào hoàn cảnh may mắn tương tự) như kẻ có điều kiện để tắm một ngày ba hay sáu lần bằng sữa tươi - nếu muốn - còn ông (một người đồng hương và đồng thời) thì chỉ dám cầu xin cho bản thân (cùng dân tộc mình) mỗi ngày được ba ly nước để uống cho khỏi chết đói chết khát mà thôi.

Chỉ có vậy thôi mà Đảng nhất định không cho; đã thế, cuộc đời ông còn trở nên te tua và bầm dập chỉ vì những đòi hỏi rất "vớ vẩn" này. Ông ta bị bắt bớ (thường xuyên), lục nhà (đều đều), và canh nhà (thường trực).

Bây giờ, xin "toàn dân và toàn đảng" hãy thử tưởng tượng ra hoạt cảnh sau đây. Sau khi bị bắt (ông Hà Sĩ Phu bị bắt lần cuối vào ngày 05 tháng 12 năm 95 tại Hà Nội vì lý do - mà cho đến nay - chỉ có Trời mới biết), rồi vì không đủ bằng chứng buộc tội, nên có lệnh thả ông ta. Bà Hà Sĩ Phu vội vàng đến Hỏa Lò để tìm chồng. Tại đây bà may mắn gặp được ông giám đốc nhà giam, một người quen biết cũ:
- Thế bà đi đâu đây ?
- Tôi nghe có lệnh nhà tôi được tha nên đến xem sao.
- Đúng ra, khi có lệnh tha của tòa, tôi phải đưa ông (ấy) trả lại cho Công an làm thủ tục rồi mới cho về. Nhưng vì ông đang đau bà cứ lãnh về đi ...

Câu nói cuối cùng, không do tôi "sáng tác" đâu. Đó là nguyên văn lời ông Giám Đốc nhà giam Chí Hòa nói với bà Trần Kim Tuyến - như đã trích dẫn ở phần trên. Bà Hà Sĩ Phu, vì cuộc đời thường xuyên vào tù ra khám của chồng, nếu có may mắn được nghe một câu tương tự thì tôi e chưa chắc đã là chuyện đáng mừng. Bà ta dám cảm động đến độ đứng tim và ... chết ngay tại chỗ! Bả bị chết bất đắc kỳ tử như vậy rồi ai nuôi ông ấy ?

Sau khi ông Hà Sĩ Phu đã được trả tự do (xin mọi người hãy cứ hình dung tiếp (tưởng tượng vốn dĩ chả tốn kém gì và rất khó ... bị phát hiện hay tố cáo), ông Tổng Giám Đốc Công An nhận được lệnh phải canh nhà ông Hà Sĩ Phu. Ông ta tìm đến nhà họ Hà và hai bên có chuyện trò chút đỉnh, câu chuyện đại khái như sau:
- Giữa phó tiến sĩ và Tổng Bí Thư của tôi không hiểu có chuyện gì mà cứ muốn bắt bớ ?
- Tôi cũng không biết nữa ...
- Chuyện gì Phó Tiến Sĩ không đồng ý với ông Tổng Bí Thư ?
- Chuyện tôi đòi hỏi mọi người được sống dân chủ và thực lòng với nhau vậy thôi mà ....
- Tổng Bí Thư đã muốn cho canh gác nhà Phó Tiến Sĩ thì tôi cho canh gác nhưng đừng ngại gì cả.
Trong cuộc gặp gỡ này với ông Hà Sĩ Phu, ông Tổng Giám Đốc Công An đã ghi chép rất nhiều ý kiến, nói rằng để về trình lại với Tổng Bí Thư. Rồi sau đó có lẽ ông ta đã làm như vậy thật nên bị mất chức ...

Câu chuyện này, như đã thưa, hoàn toàn do tưởng tượng. Nếu nó có thực thì cả thế giới đã xuýt xoa khen ngợi những bước tiến lớn lao về nhân quyền và dân chủ của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Và tưởng cũng nên nói cho rõ là dù nó có thực chăng nữa thì đây vẫn không phải là những bước tiến mà chỉ là những bước lùi. Nó lùi đến ba mươi ba năm, nếu tính từ ngày 28 tháng 10 năm 66. Hôm đó ông Trần Văn Hai nhận lệnh đến canh chừng nhà ông Tuyến, và mẫu đối thoại in nghiêng - do tôi vừa "sáng tác" - nội dung gần giống như câu chuyện thực giữa hai người, như đã trích dẫn (nguyên văn) ở phần trên. Mà đừng tưởng là ĐCSVN chỉ đẩy dân tộc Việt đi lùi hơn 33 năm thôi nha. Được thế thì đã phước đức chán cho trăm họ. Đảng bắt mọi người lùi xa hơn gấp bốn lần như thế, nghĩa là xa hơn cả một thế kỷ lận. Xin đan cử một thí dụ khác để minh thị điều này:

Báo Nhân Dân số ra ngày 17 tháng 4 năm 99, tại Hà Nội, có đi tin "Thủ Tướng Phạm Văn Khải Tiếp Đoàn Chiến Sĩ Quyết Tử Sàigòn - Chợ Lớn". Theo bài báo này ông Khải "đánh giá cao những đóng góp lớn lao của các Chiến sĩ quyết tử, Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc." Nẫy giờ tôi chỉ nói qua về một cuộc kháng chiến mà dân tộc đã bị đẩy lùi tới mấy chục năm. Nhờ ông Khải nhắc, tôi mới nhớ ra một cuộc kháng chiến không kém thần thánh khác nữa - kháng chiến chống Tây.

Tây chiếm Sài Gòn năm 1859, tổ chức xứ Nam Kỳ Tự Trị năm 1867. Một trăm hai mươi hai năm sau, ông Nguyễn Văn Trấn (một trong những chiến sĩ quyết tử của Saigon - Chợ lớn năm xưa), chợt khám phá ra một điều - mà ông ta thản thốt kêu lên rằng: "Thật là kỳ quặc !" Trong chế độ xã hội thuộc địa cũ trước đây của xứ Nam Kỳ nếu người dân thích ra báo không cần phải xin phép mà chỉ cần có Tờ Khai Báo (Simple Declaration) thôi. "Còn ngày nay (năm 1989 - chú thích của người viết bài này), trong chế độ xã hội chủ nghĩa - chế độ tự do - mà những người kháng chiến cũ lại không có quyền ra báo, làm báo ..." (Nguyễn Văn Trấn. Thư Gửi Mẹ Và Quốc Hội. California: Văn Nghệ 1995).

Trải qua hai cuộc kháng chiến (rất "thần thánh" và hoàn toàn không cần thiết), bao nhiêu là máu đổ thịt rơi, bao nhiêu là cuộc đời tan nát, mấy thế hệ người Việt đã hy sinh? Chung cuộc là đất nước lùi xa hơn một trăm năm, tệ hại hơn lúc còn là thuộc địa, và lùi về mọi mặt chứ không phải chỉ riêng về phương diện tự do tư tưởng đâu. Nhật báo Người Việt - phát hành từ Wetminster, California sáng hôm nay (23 tháng 4 năm 99) - có đăng lại bản tin của hãng thông tấn Reuter về phúc trình của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) thuộc Liên Hiệp Quốc như sau: "... 24.5% trong số 79 triệu dân Việt Nam sống dưới mức đói nghèo, tính ra trên 20 triệu người. Con số này thấp hơn nhiều so với lượng định của Ngân Hàng Thế Giới (WB). Theo WB, 50% dân Việt ở tình trạng nghèo khó."

Đến đây, tôi tạm dứt lời, đợi nghe Đảng nói - như đã giao trước là sau khi "Đảng nghe dân nói" thì đến lượt Đảng "nói dân nghe". Đ... mẹ, nói thử tao nghe coi tụi bay lấy lý do gì để tiếp tục là đảng "duy nhất" nắm quyền lãnh đạo ? Con giun xéo mãi cũng oằn. Dân tộc Việt hết đường lùi rồi; bộ tui bay đui hết rồi sao mà không thấy vậy hả những thằng chó đẻ !

Tưởng Năng Tiến
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn