Ông Nguyễn Phú Trọng chết, Tô Lâm lên thay. Điều đó cũng bình thường, hiển nhiên trong một chế độ cộng sản. Nhưng qua theo dõi những diễn biến mới đây, tôi thích đặt tên cho thời kỳ sắp tới của Việt Nam là thời kỳ hậu Nguyễn Phú Trọng.
Người ông Trọng cần tìm là một người cũng kiên định chủ nghĩa xã hội như ông, nhưng ông tìm chưa ra thì ông đã chết, hoặc giả ông đã tìm ra nhưng do đấu đá quyền lực, lựa chọn của ông không thực hiện được. Bình luận như vậy để thấy rằng Tô Lâm không phải lựa chọn của ông Trọng.
Tô Lâm không phải một sự tiếp nối. Sau khi ông Trọng chết, người ta cũng bình luận khá nhiều về việc Việt Nam sẽ ra sao dưới quyền lực của Tô Lâm. Bi quan thì nhiều, lạc quan rất hiếm.
Bi quan là điều dễ hiểu. Vì chưa bao giờ, dưới thời Trọng-Tô, Việt nam trảm tướng nhiều như vậy. Trảm cả ba chân trong tứ trụ. Chưa bao giờ lực lượng phản biện xã hội lại bị đàn áp ghê gớm như vậy. Bi quan đến mức chả ai dám lạc quan.
Ấy vậy mà trong bi quan đã dần lấp lóe tia lạc quan. Đầu tiên phải là việc 2/9 vừa rồi, Tô Lâm đến nhà thăm hỏi gia đình nhạc sĩ Văn Cao. Tôi đã bình luận trên facebook của bạn tôi – Ngọc Mai – con dâu của nhạc sĩ : “Từ đây người biết thương người” lấy lời trong bản Mùa Xuân đầu tiên. Trò mị dân, có thể như vậy, nhưng chí ít nên cho một điểm cộng.
Rồi mới đây, Tô Lâm cũng có câu phát biểu khá hay đại loại: những phát triển của Việt Nam cần gắn liền với thành tựu của văn minh nhân loại. Đành rằng những câu này đều do thư ký soạn ra, nhưng việc ông chấp nhận nó và phát biểu ra ngoài, cũng ăn đứt “một trăm năm nữa không biết đã có chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hay chưa”.
Rồi việc ông bắt tay tổng thống Ucraina Zelensky. Một hành động ngoại giao chả có gì là to tát. Nhưng nó là dấu hiệu của một sự thay đổi của chế độ kiên định lập trường giai cấp và phân định bạn-thù như ở Việt Nam. Cũng nên cho một điểm cộng.
Quan trọng hơn cả là việc thả ông Trần Huỳnh Duy Thức. Việc này quan trọng hơn cả, nhưng tôi lại cho nó xuống dưới cùng vì rằng ông Tô Lâm làm việc này là do nhu cầu chuyến đi Mỹ đến Liên Hiệp Quốc, nhưng nó có tác dụng cải thiện không khí u ám mà chính ông tạo ra cho nhân quyền ở Việt Nam. Ông Tô Lâm đã biết nghe lời các cố vấn ngoại giao của ông là nhất thiết phải thả ông Thức dẫn đến việc cưỡng bức ra khỏi nhà tù với ông Thức. Không có điểm cộng ở việc này nhưng là dấu hiệu tích cực hơn.
Dấu hiệu chỉ là những dấu hiệu, chưa là sự thay đổi. Chả ai ngây thơ tin tưởng ở sự thay đổi chóng vánh tại Việt Nam cả. Nhưng việc đặt cho nó một cái tên thời kỳ hậu Nguyễn Phú Trọng, để người ta tin là nó sẽ khác với thời kỳ ù lì, u muội của ông Trọng.
Thời kỳ mới này sẽ có ít kẻ giáo điều, những người được đào tạo văn minh sẽ dần có vai trò. Mới đây, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin đã đề nghị bỏ chủ nghĩa Mác – Lê nin, mà theo ông đó là điều dễ làm nhất trong quá trình cải tổ chính trị tại Việt Nam, đưa đất nước hòa vào với văn minh nhân loại.
Thời kỳ mới này những người làm ở Bộ Ngoại giao, nơi nhìn nhận rất rõ bộ mặt thật của Trung quốc, sẽ có tiếng nói hơn. Tiến trình thoát Trung, lại gần Mỹ và Phương Tây sẽ được cân nhắc và quan tâm hơn. Thời kỳ mà những quan chức Bộ Ngoại giao như Lê Hoài Trung, Bùi Thanh Sơn phát huy được kinh nghiệm ngoại giao hơn để “nói phải củ cải cũng phải nghe” cho ông Tô Lâm đã chớm có dấu hiệu đổi thay.
27/9/2024
Đặng Xương Hùng