BÀI ĐỌC NHIỀU NHẤT
(Xem: 77536)
(Xem: 63340)
(Xem: 40788)
(Xem: 32420)
SỐ LƯỢT XEM TRANG
0

Phản ứng dữ dội đối với Đại học Fulbright Việt Nam: Dư luận viên có đang chống đối sai mục tiêu không?

20 Tháng Chín 20246:22 SA(Xem: 441)
Phản ứng dữ dội đối với Đại học Fulbright Việt Nam: Dư luận viên có đang chống đối sai mục tiêu không?
50Vote
40Vote
30Vote
20Vote
10Vote
00

Từ lâu chính quyền Việt Nam rất bất an với viễn tượng các chế độ độc tài bị lật đổ bởi các cuộc biểu tình đường phố của thanh niên bất mãn với lãnh tụ. Đây là mối quan ngại được 1 bài trên mạng gần đây phơi bày rõ nét hằn học nhắm vào Đại học Fulbright Việt Nam (FUV). Trường đại học do Hoa Kỳ hậu thuẫn này bị cáo buộc hun đúc bất đồng chính kiến ​​và là cái lò nung nấu cho “cách mạng màu”, các phong trào có truyền thống gắn liền với việc làm chao đảo các chế độ độc tài.

Sự chống đối này đánh dấu mối lo ngại sâu đậm của một số thành phần trong giới lãnh đạo Việt Nam rằng “ảnh hưởng của phương Tây” có thể kích động bất đồng chính kiến ​​và thách thức quyền lực của chế độ. Tuy nhiên, ban tuyên giáo của chế độ, trong nỗ lực đương đầu với  nhóm trẻ văn minh, am hiểu công nghệ, đã bị sa vào thái độ giáo điều và xa rời thực tế.

fullbright university vietnamjpgFUV, được thành lập năm 2016, phát sinh từ quan hệ đối tác năm 1994 giữa Trường Kennedy của Đại học Harvard và Đại học Kinh tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. FUV được thành lập theo quyết định của thủ tướng, với việc chính phủ Việt Nam cung cấp mặt bằng cho cơ sở của trường tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam đều coi FUV là đòn bẩy chiến lược như một biểu tượng cho mối quan hệ song phương đang phát triển của họ. Mặc dù số lượng tuyển sinh vẫn còn khiêm tốn so với các trường đại học lớn hơn do nhà nước điều hành tại Việt Nam. FUV, với đội ngũ giảng viên được kết hợp giữa các giáo sư trong nước và quốc tế, tự quảng cáo đang giúp cung ứng một nền giáo dục đặt trọng tâm vào ngành học thuật khoáng đãng.

Phản ứng dữ dội chống lại FUV nổi lên sau các cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo gây tử vong ở Bangladesh vào tháng 7. Tình hình này nhanh chóng thu hút sự chú ý của các trang mạng xã hội trong nước ủng hộ chính quyền Việt Nam, những người đã nắm bắt tình hình bất ổn ở Bangladesh để đưa ra lời cảnh báo về “các cuộc cách mạng màu” vào đầu tháng 8. Những lời cảnh báo này đã nhanh chóng được áp dụng và lan truyền trên nhiều mạng xã hội khác nhau trong không gian mạng Việt Nam, chủ yếu là TikTok, Facebook và YouTube.

Các trang mạng xã hội ủng hộ chính quyền nhấn mạnh mối đe dọa của các cuộc cách mạng màu, mô tả chúng là rủi ro đối với sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Họ tuyên bố những phong trào này, thường do các “thế lực thù địch” nước ngoài thúc đẩy, đã gây ra hậu quả nghiêm trọng ở những nơi khác và cho rằng những mối nguy hiểm tương tự đang nổi lên ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục. Trong bối cảnh này, FUV được coi là nơi ươm mầm cho những tiếng nói bất đồng chính kiến ​​và là chất xúc tác tiềm năng cho các phong trào cách mạng này.

Chuyện đáng chú ý là các nhóm ủng hộ chính phủ đã khơi lại những lời lên án ban đầu đối với FUV để củng cố các cuộc tấn công của họ. Ví dụ, trường đại học đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội vì cuộc điễn hành nhân dịp lễ ra trường vào tháng 6 năm 2024 đã không có quốc kỳ Việt Nam. Một điểm gây tranh cãi khác là những gì cựu chủ tịch trường đại học Đàm Bích Thủy đã nói trong một cuộc thảo luận năm 2019 về bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của Ken Burns và Lynn Novick. Trong video YouTube được ghi lại về cuộc thảo luận, cô Thủy lưu ý rằng bộ phim tài liệu đã làm sinh viên FUV vô cùng xúc động, những người đã ngạc nhiên khi biết về nỗi thống khổ của người Mỹ trong chiến tranh, thách thức sự hiểu biết trước đây của họ về lịch sử.

Chuyện rêu rao mối đe dọa từ các thế lực bên ngoài và mô tả thanh niên Việt Nam dễ bị thao túng là hành vi hạ cấp, phơi bày sự xa cách của chế độ đối với thế hệ trẻ.

Việc xác định chính xác ai là những kẻ dàn dựng các cuộc tấn công trên mạng là một thách thức nhưng có khả năng là lực lượng an ninh mạng do nhà nước Việt Nam tài trợ đã tham gia. Trên các nền tảng mà chính phủ đã tăng cường kiểm soát, chẳng hạn như TikTok, Facebook và YouTube, hầu hết các bình luận đều có luận điệu và cách diễn đạt giống nhau một cách kỳ lạ, đơn thuần chỉ lặp lại các câu chuyện được tuyên truyền. Điểm tương đồng này cho thấy sự ủng hộ có thể đã được khuếch đại một cách giả tạo — bởi lực lượng an ninh mạng hoặc các dư luận viên khác — để tạo ra ảo tưởng về sự đồng thuận của đại chúng. Ngược lại, những tình cảm ủng hộ FUV nhiều hơn nhằm phản đối lại các diễn ngôn thù địch chĩa vào FUV đã xuất hiện trên Threads, một mạng xã hội mới hơn do Meta chủ sự, nơi tình cảm của công chúng được thể hiện tự do hơn do ít bị chính phủ giám sát hơn (trong lúc này).

Rõ ràng là thông điệp bao trùm của các cuộc tấn công này đi chung chặt chẽ với chương trình nghị sự tồn tại của chế độ được một số phe phái trong Đảng Cộng sản Việt Nam (CPV) cầm quyền ủng hộ. Vào ngày 21 tháng 8 năm 2024, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam do nhà nước điều hành đã phát sóng một bình luận phản ảnh một cách đáng kinh ngạc lời lẽ từ các tài khoản mạng xã hội ủng hộ chính phủ. Sự liên kết này cho thấy rằng, ngay cả khi những người trong ban tuyên án của Việt Nam không khởi xướng các cuộc tấn công, họ vẫn dựa vào chúng để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.

Tuy nhiên, chỉ một tuần sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ của mình đối với FUV, nhấn mạnh tác động tích cực của trường đại học này đối với quan hệ Hoa Kỳ – Việt Nam và tầm quan trọng của trường đối với quan hệ song phương. Bình luận trực tuyến của kênh Quốc phòng Việt Nam kể từ đó đã bị xóa.

Những phản ứng không nhất quán này đối với sự cố này có thể bắt nguồn từ những rạn nứt nội bộ trong Đảng Cộng sản Việt Nam về cách điều hướng mối quan hệ đang phát triển với Hoa Kỳ. Chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư Đảng và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tới Hoa Kỳ có thể đã ảnh hưởng đến phản ứng ôn hòa hơn. Tuy nhiên, vẫn có một điều chắc chắn: sự ám ảnh về các mối đe dọa của các thế lực nước ngoài đang lôi kéo thanh niên Việt Nam lật đổ chế độ Cộng sản vẫn tiếp tục chi phối tư duy của một số người bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam.

Lịch sử chuyện thao túng từ bên ngoài và chế độ thực dân ở Việt Nam đã thúc đẩy sự nhạy cảm cao độ của chính quyền ngay cả với những gợi ý nhỏ nhất về ảnh hưởng của nước ngoài. Một mối ám ảnh như vậy đã tạo ra một chiến lược có công thức đổ lỗi cho các thế lực bên ngoài về bất kỳ sự bất ổn nào trong nước. Tuy nhiên, cách tiếp cận này, được thúc đẩy bởi tư thế ý thức hệ và sự tiện lợi về mặt chính trị, chủ yếu tạo ra nhiều tiếng ồn mà không giải quyết được các vấn đề thực tại.

Ở Bangladesh, các cuộc biểu tình ban đầu bùng nổ vì yêu cầu xóa bỏ hạn ngạch trong việc làm vì phân biệt đối xử đã nhanh chóng biến thành một phong trào bạo động chống chính phủ vì các vấn đề sâu xa hơn như bất bình đẳng kinh tế, lạm phát và nạn thất nghiệp. Tương tự như vậy, các cuộc nổi dậy như Mùa xuân Ả Rập và các cuộc biểu tình gần đây ở Châu Á đều xuất phát từ những bất bình sâu đậm về kinh tế xã hội. Những cuộc biểu tình này nên được coi là một hồi chuông cảnh báo, không phải về những nguy cơ đến từ các tác động bên ngoài mà là về nhu cầu cấp thiết phải giải quyết trong nước các vấn nạn tiềm ẩn đưa đến sự bất mãn của người dân.

Việc nhấn mạnh vào mối đe dọa từ các thế lực bên ngoài và miêu tả thanh niên Việt Nam dễ bị thao túng là hành vi hạ cấp, phơi bày sự tách biệt của chế độ đối với thế hệ trẻ. Như đã trình bày trước đây, các phong trào do thanh niên lãnh đạo ở Việt Nam đương đại tập trung vào việc thúc giục chính quyền giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cấp bách — có thể đề cao tính chính danh về xử lý của chế độ — hơn là họ tìm cách thay đổi chế độ hoặc đi theo các tác động bên ngoài. Không giống như Trung Quốc, Việt Nam chưa từng trải qua bất kỳ cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ nào do sinh viên lãnh đạo ở quy mô như Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Trong khi hồ nghi của những người theo đường lối cứng rắn của Việt Nam về ý định của Hoa Kỳ và phương Tây không hoàn toàn vô căn cứ, nhưng cách tuyên truyền dai đẳng sử dụng những ngôn từ sáo rỗng có thể phản tác dụng. Không có phương cách xử lý tinh tế và hấp dẫn hơn, chế độ này không chỉ bị nguy cơ xa lánh các thế hệ chuyển tiếp mà còn làm mục ruổng chính tính hợp pháp mà họ muốn bảo vệ. Trong một thế giới ngày càng kết nối, mối đe dọa thực sự có thể không đến từ các thế lực bên ngoài mà từ bên trong: một dân tình bất mãn và bất phục tùng, không còn tin vào thông điệp nhà nước được truyền tải.

13 tháng 9 năm 2024

 Tác giả Nguyễn Điền An Lương*

(Thái-Anh biên dịch)

—————

Tác giả Nguyễn Điền An Lương là Nghiên cứu viên thỉnh giảng của Chương trình Truyền thông, Công nghệ và Xã hội của Viện ISEAS – Yusof Ishak.

BACKLASH AGAINST FULBRIGHT UNIVERSITY VIETNAM: ARE PROPAGANDISTS BARKING UP THE WRONG TREE?

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Tên của bạn
Email của bạn