Trong tác phẩm Trại Súc Vật của George Orwell, có một con lợn đã thống lĩnh muôn loài và câu chuyện được dẫn dắt bởi nó. Chính con lợn này đã tuyên bố “mọi con vật đều được bình đẳng nhưng có những con được bình đẳng hơn”. Điều đáng sợ thời bây giờ là con lợn trong Trại Súc Vật là một cá thể, còn con lợn thời đại xã hội chủ nghĩa là con lợn tập thể. Một tập thể trí thức lợn.
Không phải ngẫu nhiên mà George Orwell chọn con lợn làm nhân vật trung trâm của Trại Súc Vật, bởi trong thang chỉ số thông minh của loài vật, con lợn lại đứng đầu về chỉ số thông minh chứ không phải chó hay khỉ. Chó hay khỉ chỉ có tính cách gần với tính người hơn con lợn, tức chỉ số “khỉ cảm” và “chó cảm” của nó cùng tần số với chỉ số nhân cảm của con người. Chính vì vậy, có một mối đồng cảm về hệ thống các phản ứng giữa con khỉ, con chó và con người. Và cũng vì vậy, con người cứ ngỡ rằng hai con khỉ và chó là thông minh nhất trong các loài vật, chúng chỉ đứng sau con người.
Và ngay trong con người với nhau, chỉ số thông minh cũng như hệ hình tính cách lại có nét giống chó, giống khỉ, giống mèo, giống chuột, giống rắn rết, giống trâu bò và cả lợn... Vì vậy người ta mới mắng nhau “đồ chó má”, “thứ khỉ đột”, “giấu như mèo giấu cứt”, “thứ độc ác, hiểm như rắn”, “lì như trâu”, “ngu như lợn”, “lười như lợn”...
Nhóm tính cách lợn là nhóm khôn lỏi nhất, và đương nhiên mức độ hiểm hóc cũng như chây lười, độ “cách mạng” của chúng thì miễn bàn! Ở các nước xã hội chủ nghĩa, nhóm này nắm vai trò trí thức, bởi ngay từ nhỏ, họ đã được đào luyện và bản thân họ cũng nuôi ước mơ trở thành một kẻ ăn no, ngủ ngon, được tắm táp và được đánh giá cao trong chuỗi sản xuất xã hội chủ nghĩa.
Chính vì lẽ này, họ nghiễm nhiên nhanh chóng bước vào vị trí cao trong xã hội và nắm một vị thế quan trọng trong guồng máy xã hội, chính họ là những kẻ quyết định xã hội đi tới đâu và chính họ cũng là những nhân vật trung tâm trong vở kịch lịch sử chứ không phải các lãnh đạo.
Đương nhiên các lãnh đạo chưa chắc có hàm lượng tri thức cao hơn họ, nhưng các lãnh đạo lại nắm sức mạnh của loài lợn nanh dài, dám húc và dám cắn rách tai, thậm chí đoạt mạng bất kì con lợn nào trái ý họ. Ngược lại, những con lợn khôn khéo biết nhường máng, chọn máng và biết giữ miếng ăn không bị hất đổ và biết gườm, cắn rách tai những con nhỏ hơn.
Nhìn lại quá trình hình thành và nắm quyền của các nhà độc tài, mới thấy rằng nếu không có một đám lợn ve vẫy đuôi xun xoe và bảo vệ, bày trò cho con lợn độc tài thì chẳng bao giờ con lợn kia có thể thống lĩnh chuồng trại.
Thời gian gần đây, mặc dù cái lò chống tham nhũng của ông ông Cựu cháy ngùn ngụt, sau đó là tay đốt lò Tân vốn dĩ rất máu lửa với những thanh củi to, nhưng hình như bầy lợn háu ăn vẫn không chùn bước, không những vậy, chúng còn biết mượn cái chính thống, mượn cái danh dự của họ nhà lợn để tạo ra những bữa tiệc đầy màu sắc và tiết canh vạn vật.
Một tay lợn đang chuẩn bị vào lò vì tội sát nhân hàng loạt, những tay lợn trước đây đã vào lò vì tội nhận hối lộ trên xương máu và tính mạng nhân dân, vài con lợn tự tử vì chúng thừa biết nguy cơ thành lợn quay của bản thân. Thế nhưng những con lợn khác vẫn tiếp tục vừa ăn tiệc vừa nguyền rủa những con lợn đang thành lợn quay.
Đáng sợ nhất là khi chúng trở nên đói và háu ăn, chúng không ngần ngại ăn thịt đồng loại một cách ngon nhất có thể. Cho đến giờ phút này, các dự án treo, các công ty vỡ nợ đầy rẫy khắp đất nước, kinh tế suy sụp và người dân luôn đối mặt với nỗi lo thất nghiệp, thiếu trước hụt sau, đói kém... Nhưng những con lợn vẫn thỏa sức táp vào máng ăn của chúng.
Bày trò chấn hưng văn hóa với khoản tiền 350 ngàn tỉ đồng, đây là trò chơi của lợn, bày trò chấn hưng đạo đức với một núi tiền khác, đây cũng là trò chơi của lợn. Bởi chỉ có lợn mới nghĩ ra được chuyện mang máng ăn ra để điều chỉnh hành vi và điều chỉnh cả thế giới tinh thần của kẻ khác, con người không bao giờ nghĩ ra được điều này vì con người tin chắc rằng không thể điều chỉnh tập quán, hành vi, tính cách hay văn hóa, những gì thuộc thế giới tinh thần bằng cái máng ăn.
Chuỗi hành vi kéo theo sau cái ý tưởng đầy chất lợn này là những công trình bị đập phá để xây lại, để gọi là phục chế, trùng tu (nhưng kì thực mang dáng dấp của cái mới vì chúng đã được xây lại, tận dụng một ít vật liệu trong cái cũ gắn vào cho có lệ). Tại sao phải làm mới trong khi vẫn có thể giữ được nét nguyên sơ? Vì nếu không làm mới thì không có cớ để lấy tiền, một cái mới có chứa cái cũ sẽ đắt gấp trăm lần một cái mới hoàn toàn và mắc gấp vài chục lần một cái cũ sửa lại. Đó là lý do, nguyên nhân của rất nhiều cái cũ sau khi trùng tu, phục chế thì hoàn toàn mới mẽ nhưng vẫn được bao biện rằng nó là cái cũ.
Tình trạng xây tượng đài tràn lan, đập cái cũ (kì thực vẫn chưa cũ) để xây cái mới với số tiền khổng lồ, kì thực là một kiểu vẫy đuôi xun xoe của những con lợn khôn ngoan trước những con lợn nanh dài. Phải vẽ chuyện mới có cái ăn, vẽ chuyện mới có miếng thơm, vẽ chuyện mới có cái để hưởng thụ. Mặc kệ đồng loại hay vạn vật đang rên xiết vì đau khổ.
Hãy nhìn lại những con lợn trí thức đã nói gì trước vành móng ngựa? Chúng đọc thơ, chúng kể công, chúng nịnh bợ, chúng ta thán về sự hi sinh của chúng. Nhưng, kẻ hi sinh và chịu đau khổ thực sự trong bài ca của chúng lại là nhân dân thấp cổ bé miệng. Chúng sẵn sàng ăn trên xương máu và cái chết của đồng loại, sau đó chúng diễn trò chay tịnh. Khi có cơ hội, chúng vẫn oang oang kêu rằng chúng bị oan và nếu như được làm lại từ đầu, chúng vẫn làm như vậy. Chứng tỏ không những chúng không nhận sự sai trái mà hất sự sai trái về lịch sử và chúng chỉ là những kẻ thực hành lịch sử.
Một khi đất nước bị chi phối bởi một bầy lợn mượn danh văn hóa, mượn danh chuyên môn, mượn danh trí thức để kiếm ăn, vinh thân phì gia và không bao giờ chấp nhận sự sai trái của mình. Thậm chí, đến một lúc nào đó, chúng khẳng định não bộ của những người trung thực có vấn đề, chúng đẩy họ vào tầng bậc của ngu độn và trì trệ, chúng xếp hạng loại dốt nát và chậm phát triển cho họ. Mục đích của những hành vi man rợ này nhằm bảo vệ miếng ăn của chúng, cho dù đó là một tí cám nhỏ. Bởi chúng đủ khôn khéo để hiểu rằng khi miếng nhỏ bị xì thì miếng to sẽ lòi ra.
Cho đến lúc này, có thể nói rằng đất nước đang bị điều phối bởi một đám trí thức lợn. Cũng xin nhắc lại, trí thức lợn không có nghĩa là ngu như lợn, bởi có ai khôn khéo và lỏi đời hơn trí thức lợn. Chữ trí thức lợn ở đây nhằm nêu bật tính cách tham ăn, khôn khéo và ranh ma của chúng. Cũng nhằm nêu bật sự bất chấp để kiếm miếng ăn, bất chấp lương tri để củng cố niềm tin về việc dùng cái máng ăn mà duy trì trật tự xã hội của đám trí thức này. Thật đáng buồn, câu chuyện của George Orwell viết đã rất lâu, nhưng lại ứng với xứ sở này hơn bao giờ hết!
Viết Từ Sài Gòn
Blog Viết Từ Sài Gòn