Thời đại Nguyễn Phú Trọng đã khép lại sau 57 năm chuyên chính vô sản và tiếp tục độc tài Cộng sản.
Ông Trong qua đời ngày 19/07/2024, thọ 80 tuổi, đã để lại một gia sản dở dang “chống tham nhũng” và “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.
Trong lĩnh vực chống tham nhũng, tiêu cực ông Trọng nổi tiếng với chiến dịch gọi là “đốt lò” không trừ một ai, bất cứ ở địa vị nào, kể cả những kẻ tham nhũng đã nghỉ hưu.
Ông từng nói: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào”.
Khi được dư luận đồng tình hưởng ứng, ông đã tự mãn nói: “Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được.”
Để trả lời cho những lo âu “làm quá hóa nguy”, ông trả lời : “Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Tôi đã nhiều lần nói rồi, ai không dám làm thì mạnh dạn đứng sang một bên cho người khác làm.”
Nhưng ông Trọng chỉ thành công chống “tham nhũng vật chất” một phần mà thất bại trong “chống tham nhũng quyền lực”. Nạn chạy chức, chạy quyền và mua quan bán chức vẫn tiếp diễn. Ông từng than: “Chống như thế mà tham nhũng cứ trơ ra”.
Ông cũng nêu cao ngọn cờ chống chủ nghĩa cá nhân, chống bè phái. Ông là người đầu tiên đưa ra chủ trương chống tham nhũng từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới. Nhưng ông lại không ngăn chặn được bệnh lười công tác, đùn đẩy và vô trách nhiệm của vô số cán bộ, đảng viên.
Ông cũng không thay đổi được bênh lười học Nghị quyết đảng của đảng viên. Thanh niên và đảng viên trẻ cũng đã chán Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản đến tận mang tai. Sinh viên không muốn học Chủ nghĩa Mác-Lênin vì khô khan, không thực tế trong thời đại khoa học hiện đại. Họ từng bị ông Trọng chỉ trích “ngại Đảng, xa Đoàn”, đứng ngoài sinh hoạt của Đảng.
Các thầy, cô giảng viên cũng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ngay trên bục giảng nhà trường.
Xây dựng chỉnh đốn
Sau chống Tham nhũng, sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng cũng để lại công tác “xây dựng, chỉnh đốn Đảng” dang dở.
Ông nhìn nhận trong Diễn văn tại Hội nghị Trung ương 4/khóa XIII ngày 09/12/2021: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình; công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Hệ thống chính trị ở nước ta chưa thực sự trong sạch, vững mạnh như mong muốn; không ít cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, làm việc ở những ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực vẫn thiếu tu dưỡng và rèn luyện, vẫn sa vào chủ nghĩa cá nhân, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bị xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự. Cơ chế kiểm soát quyền lực và chế tài xử lý vi phạm ở nhiều lĩnh vực chưa có, hoặc có nhưng chưa cụ thể, thực hiện chưa nghiêm”.
Vì tình trạng “trơ ra như đá” tiếp diễn, ông Trọng đã yêu cầu: “Xử lý nghiêm sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực.”
Ông nói: “Sự suy thoái về đạo đức, lối sống thể hiện ở chỗ: Sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết; quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của dân. Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường…”
Ông cũng chỉ thị : “Không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp… tránh tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng. (Diễn văn 09/12/2021)
Tuy nhiên, khi ông qua đời, công việc của hai Tiểu ban “Văn kiện đảng” và “Nhân sự đảng” của khóa đảng XIV do ông đứng đầu chưa có tiến bộ rõ rệt. Bây giờ không ai biết ông muốn có một Bộ Chính trị và 4 Lãnh đạo chủ chốt gồm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội khóa tới như thế nào.
Đây là một khoảng trống mà những người kế vị phải làm, nhưng ai giữa hai ứng viên Tô Lâm, Chủ tịch nước và Thủ tướng Phạm Minh Chính?
Ông Tô Lâm, 67 tuổi, gốc Hưng Yên trong khi ông Chính, 66 tuổi sinh ở Thanh Hóa. Nếu câu nói “Tổng Bí thư phải là người miến Bắc” như ý của một thời thì ông Tô Lâm có ưu thế hơn trong cuộc chạy đua này. -/-
(07/2024)
Phạm Trần