Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cha mẹ cũng nên đối xử với con cái như những người bạn tâm đầy ý hợp. Được như vậy, giữa cha mẹ và con cái sẽ rút ngắn được khoảng cách.
Tạo bầu không khí dễ chịu, thoải mái và dân chủ khi nói chuyện cùng con trẻ. Đối với lứa tuổi này, việc ngồi nói chuyện không đồng nghĩa với những câu chuyện hệ trọng, mà điều cốt yếu là phải tạo được không khí tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Có như vậy, con trẻ mới tự nhiên nói ra những suy nghĩ của mình, đưa ra những yêu cầu đối với cha mẹ, nhờ cha mẹ giải quyết. Phương pháp tốt nhất là cha mẹ nên thỉnh thoảng tạo ra những cuộc nói chuyện vô tư, để tạo cơ hội gần gũi, chia sẻ với con mình.
Cha mẹ thường nghĩ, ở tuổi này con trẻ chưa thể có chính kiến đúng đắn, nên nhiều khi cần phải suy nghĩ và hành động thay chúng, giúp đỡ chúng. Khi đó, bạn hãy gợi mở để con trẻ tự bộc lộ bản thân thì tốt hơn. Nghĩa là, trong trường hợp này cha mẹ nên làm một cố vấn thông thái hơn là trở thành nhà quản lý.
Hãy để con được nói lên suy nghĩ của mình khi có cơ hội và cha mẹ hãy lắng nghe con nói. Phần đông cha mẹ chỉ chú ý răn dạy con, mà ít khi lắng nghe ý kiến của con. Trong gia đình, thường là cha mẹ nói con phải nghe theo, chứ ít khi cha mẹ chịu nghe con nói. Đó là một thiếu sót lớn. Biết chịu khó nghe, nhiều khi rất khó nghe, nhưng phải cố gắng lắng nghe hết câu chuyện của con, ý kiến của con. Như vậy thì mới có thể yêu con, hiểu con và dạy con một cách tốt đẹp. Đây cũng là cách để cha mẹ hạn chế đáng kể sự bất đồng, va chạm với con cái. Bạn nên nhớ rằng, cách phát biểu của cha mẹ sẽ quyết định phản ứng của con cái.
Khi con bị thương, như đứt tay chẳng hạn, thì bạn sẽ rửa vết thương, bôi thuốc, băng cho vết thương đến khi lành mới thôi. Nhưng khi con bạn bị một vết thương tinh thần thì tình hình phức tạp hơn. Khi con bạn buồn tủi ghen tị hay giận dữ là do nó đang gặp phải chuyện gì đó mà bản thân chưa tự giải thoát cho mình được. Lúc này nó cần sự giúp đỡ của cha mẹ hơn bao giờ hết. Nhưng việc giúp đỡ con, an ủi con như thế nào để xua tan mọi sự mặc cảm, buồn tủi mà con đang gặp phải, thì ở mỗi trường hợp không giống nhau. Ở tuổi này, điều mang lại cho các em nỗi buồn hay sự ganh tị nhiều nhất là trong việc học tập và trong mối quan hệ bạn bè. Đôi khi đá bóng ở trường tổ chức bị thua, học bị điểm kém... cũng là nguyên nhân làm cho con trẻ buồn phiền. Lúc này, cha mẹ hãy động viên con bảo ban con hãy cố gắng vì còn nhiều cơ hội khác. Khi có chỗ dựa và niềm tin vững chắc từ cha mẹ, trẻ sẽ trở nên tự tin hơn.
Học cách chia sẻ tình cảm của con là bước đầu tiên và cần thiết để giúp đỡ con có đủ nghị lực để vượt qua khó khăn. Có thể là con đang cáu giận, bực bội hay thất vọng, nhưng có cha mẹ an ủi, các em sẽ cảm thấy mình không cô đơn và bất lực nữa. Không cha mẹ nào muốn nhìn thấy con mình buồn cả. Đôi khi, các em phát biểu không rõ ràng tình cảm và nguyện vọng cho nên cha mẹ càng phải kiên nhẫn và thông cảm lắng nghe. Hãy lắng nghe để hiểu con, để giúp con vượt qua khó khăn và giúp con tự tin hơn trong học tập, trong cuộc sống là điều cần thiết.
Không phải đợi khi con cái gặp chuyện buồn, cha mẹ mới chia sẻ, mới nói chuyện. Việc nói chuyện với con cái, các bậc cha mẹ hãy coi đó là một nhu cầu thiết thực trong gia đình. Trò chuyện hàng ngày, những lúc rảnh rỗi hay cùng nhau làm việc. Trò chuyện về xã hội, về công việc, về học tập, về bạn bè và cha mẹ hãy khéo léo đan xen vào những câu chuyện hàng ngày ấy việc giáo dục giới tính cho con. Đây là lứa tuổi thích hợp nhất để cha mẹ nói với các em về tuổi dậy thì, chuẩn bị cho các em kiến thức cơ bản nhất, để khi đến tuổi đó các em bớt lo lắng và hiểu cách xử lý như thế nào. Đây là cơ hội để cha mẹ tạo dựng lòng tin và gần gũi đối với con trẻ. Để đến lứa tuổi mới lớn chúng không xa lánh cha mẹ, tách khỏi sự quan tâm của người thân với ý tưởng sống tự lập. Vì vậy, việc nói chuyện với con một cách chân thành, thường xuyên là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.
*.
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
Long Biên - Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
.